User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Một bệnh nhân mới nhập viện. Đó là một ông lão, tuổi khá cao, dáng gầy, da mặt vàng bủng, thở khò khè. Đầu giường lập tức được nâng cao. Ông khom lưng ngồi, ngồi và ngồi. Dù ô xy đã vặn lên mức 4-5ml, ông vẫn thở hổn hển và đòi vặn lên nữa.

Đi cùng là bốn người: hai người đàn ông và hai người đàn bà. Cả bốn đều trên dưới năm mươi. Tay nải. Giỏ xách. Bình thủy. Chăn gối … Khi mọi thủ tục đã đâu vào đấy, hai người đàn ông ra về. Bấy giờ phòng bệnh mới biết đó là hai con trai của ông. Ở lại chăm ông là cô con gái đầu và người mẹ kế. Hai người xấp xỉ tuổi nhau, nhìn cứ như hai chị em.

Ông ở Hố Nai. Cách đây gần hai năm, vào một ngày mưa, ông đi xe máy, chở bà đi công chuyện. Bánh trước thình lình nổ, xe loạng choạng. Ông ngã. May là bà chỉ bị trầy xước nhẹ. Còn ông, tay lái đập mạnh vào ngực, ngất lịm. Tỉnh dậy đã nằm trong bệnh viện Y Dược Sài Gòn.

Sau mấy ngày theo dõi, bác sĩ tập trung chữa chỗ tụ máu ở đầu. Không ngờ cú va đập ngày ấy quá tai hại. Từ lúc ấy, cứ như “giậu đổ bìm leo”, ông đau liên miên, hết bị bệnh phổi rồi lại bị tăng huyết áp. Một năm trở lại đây, tháng nào ông cũng nằm bệnh viện. Ở nhà đầy các loại thuốc phun, thuốc xịt. Lúc thì phun, lúc thì vừa phun vừa xịt; vậy mà bệnh tình ông vẫn không thuyên giảm. Mấy hôm nay, khó thở ông đã phải vào bệnh viện Đồng Nai. Ở đây người ta đã chụp X- Quang phổi, chọc dò rút dịch phổi và nói phải mổ. Mổ! Ông lại ca cẩm cú ngã xe tai hại năm nào. Nhưng các con trai ông thì cứ lắc đầu mà rằng: “Phổi bố tắc nghẽn là do thuốc lá, thuốc lào. Bố có nghe con cái mà bỏ thuốc đâu…Ngày nào cũng cả gói. Mấy chục năm rồi. Hết phì phèo thuốc lá lại rít thuốc lào sòng sọc. Phổi nào chịu cho nổi…”

Phổi ông bị tắc nghẽn, bị tràn dịch hay bệnh gì khác? Với ông, trước sau đó là chỉ vì cái lần ngã năm nào. Giờ có mổ cũng không mổ ở Đồng Nai. Thế là ông chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy. Con cái lo cắt cử, phân công người chăm ông. Ngày nào cũng phải có hai người: một người con( hoặc dâu, rể) và người mẹ kế trực tại bệnh viện. Mẹ kế túc trực bên giường, con chạy vòng ngoài…

NTĐ 1

Ông nay đã tám mươi. Bà cụ mất gần hai mươi năm. Ông được sáu người con, tất cả đều có gia đình, cuộc sống ổn định. Từ khi bà mất, con cái chẳng đứa nào nhỏ to thì thầm rước được ông về phụng dưỡng. Cái lí của ông là nhà mình thì mình ở, muốn làm gì thì làm, chẳng bận đến ai. Ở nhà con cái dù có ăn không ngồi rồi, đi lên đi xuống hết coi TV lại xem phim tập hoặc đi chơi nhà hàng xóm; dù có ngày ba bữa cơm bưng nước rót cũng chẳng thể thoải mái như nhà mình.

Nhà ông- một căn nhà mặt phố- khá bề thế với một trệt hai lầu, phía sau lại còn đất trống. Mặt tiền ông cho thuê, phía sau ông nuôi gà nuôi thỏ. Tiền cho thuê nhà, tiền con cái chu cấp hằng tháng cộng với thu nhập từ chăn nuôi, túi ông lúc nào cũng rủng rẻng và cuộc sống rất phong lưu. Bạn bè, trà thuốc, rượu…Không thiếu món gì. Cả món cờ bạc, số đề ông cũng không từ. Thua vài ba chục triệu là chuyện thường. Tiền ông làm ra, ông tiêu. Chẳng ai dám ý kiến. Ngặt một nỗi thấy ông thui thủi một mình, ngày nào cũng “cơm hàng cháo chợ”, con cái chẳng yên tâm. Vài ba bữa chúng lại chạy về nhà. Lúc thì chúng ở lại, dọn nhà dọn cửa, chơi với ông; có lúc chạy qua thấy ông đang vui vầy cùng các cụ, chúng cho xe chạy thẳng.

Tung tẩy đi đó đi đây, ông quen vô số cô. Mỗi cô một cảnh, mỗi cô một tính. Cách đây bốn năm, một lần lên Trị An chơi, mấy ông bạn giới thiệu một cô gần năm mươi. Cô có ngoại hình khá bắt mắt, là con gái duy nhất trong gia đình, được cưng chiều, có cơ ngơi riêng, nhà cửa đàng hoàng và vẫn phòng không chiếc bóng. Đến với cô sẽ không nhức đầu vì cảnh con ông, con bà. Cô lại cứng tuổi, cảnh “con chúng ta” cũng khó xảy ra. Trăm điều thuận lợi nên ông năng đi lại tìm hiểu..

Tính cô lại rất hay. Trước những lời ra tiếng vào, điều ong tiếng ve về duyên tình muộn màng, chưa bao giờ cô nhảy đông đổng, làm ầm ỹ hoặc khóc lóc tỉ tê, dằn xóc khiến ông phải đau đầu. Cảnh này ông đã từng gặp ở những cô trẻ tuổi. Mỗi lần đến chơi với quý cô, ông luôn sống trong tâm trạng căng thẳng không biết điều gì, điều gì sẽ xảy ra nữa đây?... Cuối cùng các cô trẻ đẹp, thích làm mình làm mẩy, ông chia tay tất tật. Riêng cô thì lại có khác. Dư luận- đúng thì cô nghe; đơm đặt, thổi phồng, ác ý… cô cười xem như không có. Chẳng bao giờ cô “nấu cháo điện thoại” tra tấn ông hoặc nhắn ông lên chơi để khóc lóc, kể lể, dỗi hờn, trách cứ, dằn vặt ông...

Một thời gian sau, thương cảnh “vắng đàn bà quạnh bếp”, cô khóa cửa tư dinh về với ông. Mấy cô con gái và con dâu lúc đầu bàn ra rằng bà mất đã lâu, ông sống phây phây một mình. Cơ ngơi vững vàng, lại thêm tiền của con cái biếu hằng tháng; hơn nữa con cái ở gần, ngày nào cũng chạy đi chạy về. Ông hắt hơi sổ mũi là con cháu vây quanh. Giờ có tuổi, con cháu đông đàn, đa mang chi nữa. Ông lừ mắt. Đứa nào đứa nấy im thin thít. Trong nhà tịnh không một tiếng xì xào, bàn ra tán vào…Còn thế gian, miệng họ nói thì tai họ nghe. Ông bà sớm hôm hủ hỉ với nhau. Ngày nào bà cũng đi chợ nấu những món ăn ông thích như canh ngó khoai nấu sườn, canh cua rau đay…Mới đây nghe nói có món canh củ cải muối nấu sườn non ăn trong mùa hè mát và ngon lắm, bà đang hẹn khi ông khỏe sẽ làm cho ông ăn đổi món.

NTĐ 50 80

Bỗng một năm trở lại đây, ông thường xuyên ho, hơi thở mệt nhọc, nước da vàng vọt, lại đau ran vùng phổi, đau nhói sau lưng. Mấy hôm nay, cơn khó thở ngày một nặng. Ngồi còng lưng trắng đêm ôm chiếc ghế nhựa hoặc một chồng gối cao thở mệt nhọc, đứt quãng là chuyện thường. Con cái lo lắng đưa ông vào bệnh viện Đồng Nai. Giờ ông đã vào nhà thương Chợ Rẫy với vết chọc dò của bệnh viện tuyến dưới và bệnh khó thở ngày một nặng.

Mệt nên ông đâm khó tính. Vợ con làm không đúng ý là ông gắt um lên rồi la lối đòi đuổi hết về nhà, để tốp khác lên chăm. Cô con gái chạy vòng ngoài, người chịu trận là bà vợ. “Năm mươi” dỗ dành “tám mươi” thật nhẹ nhàng, trìu mến. Vỗ phổi. Nâng giường. Bóp chân. Bóc cam. Lột nho. Bón cháo. Lau mình….Con gái đứng xa, le lưỡi nhìn.

Năm mươi” dịu dàng, kiên nhẫn chăm “tám mươi” bên giường bệnh. Ông lão ơi, ráng ăn uống thuốc thang cho mau khỏe nhé!

Nguyễn Thị Đức