Mẹ tôi tên Lan, lúc còn trẻ Bà là một cô gái Hà Thành với “Đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu, đáng trăm quan tiền“. Bố tôi, một sinh viên Sĩ Quan khóa 3 trường Võ Bị Nam Định, thể thao đầy nam tính, nên sau vài lá thư và vài tấm hình với câu: Tặng em Lan yêu quí… đã lọt vào đôi mắt lá răm của nàng.
Tôi ra đời tại Phố Mai Hắc Đế của Hà Nội 36 phố phường ngày xưa. Bố tôi nghỉ phép về thăm tôi và đặt cho tôi cái tên Lan Hương, nghĩa là Hương của em Lan yêu quí của Ông. Bà Nội tôi thực tế hơn: Bà Mụ nặn lầm con bé này rồi, phải chi ra thằng Cu thì đúng hơn!
Một năm sau, cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt, Bố tôi đã nằm xuống trên một chiến trường nào đó trên mảnh đất Việt Nam đầy đau khổ này. Mẹ tôi như ngây như dại, chỉ muốn đâm đầu vào xe điện đang chạy giữa Hà Thành. Nhưng tôi là một động cơ to lớn đã khiến Bà phải sống, phải khăn gói theo Mẹ chồng và gia đình chồng đi chiếc tàu há mồm di cư vào Nam, bỏ lại cha mẹ anh em và một mảnh quê hương thân thương. Gia đình tôi định cư tại Nha Trang một miền quê hương cát trắng, hiền hòa với tiếng sóng biển rì rào như bài hát trữ tình nào đó ca ngợi thành phố này.
Thế là tôi xa Hà Nội, năm tôi một tuổi, khi vừa biết đi. Sau này đọc truyện Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam, tôi mơ kinh khủng lắm. Mơ được trở thành cô gái Hà Nội thanh tao với bốn ngàn năm văn hiến, nhờ uống nước Hà Nội, nhờ gió Hà Nội hội đủ bốn mùa, nên cô gái nào má cũng trắng hồng như đào chín cây. Còn giọng nói thì chao ôi! Sao mà thanh thoát thế!
Nhưng thực tế với tôi chắc các bạn đã đoán được, vì uống nước Hà Nội có một năm, lại thêm gió biển Nha Trang tô đậm cho làn da ướm nắng. Tôi trở thành một đứa trẻ năng động, chỉ biết chạy và leo trèo chứ không biết đi. Các bà bạn của mẹ tôi đa số đều muốn nhận tôi làm con dâu tương lai, lỡ có ai đến thăm, nghe tiếng léo nhéo ở ngoài sân: “Con dâu tương lai của tôi đâu? Ra chào mẹ nào!”. Là tôi vội trèo lên cây ổi sau nhà ngồi vắt vẻo đong đưa, cho đến khi mẹ tôi quát lớn réo vào, tôi mới nhảy cái thịch từ bờ tường vào nhà, làm nhiều bà yếu tim phải ôm ngực thở dốc và tối về có điều suy nghĩ lại…
Mẹ tôi và tôi tính tình như hai thái cực, Bà chủ trương ra đường phải ăn mặc cho chỉnh tề, có cô con gái rượu phải khoe những váy đầm cắt may cầu kỳ do chính Bà học lóm kiểu của những nhà may khét tiếng về may lấy. Đối với tôi thật là một cực hình, khi phải mặc chiếc áo đầm voan ba tầng giống nàng Scarlett O´Hara trong phim Cuốn theo chiều gió nào đó. Tôi nhớ một hôm hai mẹ con giao tranh ác liệt về chiếc áo này, mẹ tôi với chổi phất trần trong tay, vừa phất vừa la: Con ranh kia, có chịu mặc áo không? Tôi vừa khóc vừa giẫy: Không, con không mặc đâu. Các bạn biết đấy, làm sao tôi thắng nổi mặt trận này, sau khi cho tôi vài chổi phất trần vào mông, Bà liền cầm kéo cho chiếc áo cuốn theo chiều gió luôn. Thế là tôi thoát nạn!
Có thể lời tiên đoán của bà Nội tôi cũng đúng phần nào, bà Mụ nặn lầm, nên tôi chỉ thích chơi chạy nhảy, đánh kiếm với bọn con trai trong xóm. Mặc váy đầm đẹp quá chúng bảo Công chúa đi về nhà đi, không cho chơi nữa. Có lần bọn tôi chơi trò “Ba chàng ngự lâm pháo thủ”, phải đấu kiếm tơi bời trên lưng ngựa. Ông hàng xóm bên phải là thợ sửa máy bay, nên cung cấp cho lũ con nít những ruột cao su bánh xe hạng bự, chỉ việc đứng lên nhẩy là y như đang phi ngựa. Còn kiếm lấy đâu ra đây, cũng dễ thôi, cái chõng tre dùng để ngăn nhà bếp của bà hàng xóm bên trái là đối tượng cụ thể. Chỉ sau một tuần giao đấu bất phân thắng bại của lũ trẻ không dứt tiếng cuời, bà hàng xóm có thể vừa nấu cơm vừa nhìn sao trên trời qua lỗ thủng của tấm chõng tre. Tôi mang tội đầu têu cho lũ nhóc con, nên bị Mẹ phạt quỳ gốc na cho kiến lửa cắn và để bà hàng xóm nhìn thấy cho hả dạ.
Vì là con một nên được nuông chiều, nhất là bà Nội tôi, xem tôi như hình ảnh của người con trai yêu dấu nhất đời của Cụ. Tôi thường ví von Mẹ tôi đóng vai trò người Cha, còn Bà tôi đóng vai trò người Mẹ. Tuy được thương yêu hết mực, nhưng tôi vẫn tủi thân khi nghĩ đến Bố, những hôm trời mưa tôi hay chui dưới gầm bàn thờ Bố để khóc thầm và ngủ thiếp đi cho đến khi bị muỗi đốt sưng hết cả người mới bò ra.
Tuổi thơ thật đẹp, nhưng cũng có một vài tật xấu như chứng Dấm Đài (đái dầm), bà Nội tôi phang nhẹ một câu: Con bé này sau lớn dám đái trôi cả chồng lắm! Bắt con nhện cái nướng lên cho nó ăn sẽ co bọng đái ngay. Thế là cả nhà huy động đi lùng bắt nhện cái, tôi còn nhớ mãi cái mùi nhện thui khét lẹt. Chỉ cần ăn một con thôi là khô ráo luôn đến bây giờ các bạn ạ! Tài tình thật!
Tuy nhiên sự thật bên trong chỉ có tôi mới biết mà thôi. Ai đời con nít hay sợ ma, các người lớn lại đem chuyện ma ra kể trước giờ đi ngủ, làm con bé không dám bước xuống giường sợ ma mai phục dưới đó kéo cẳng, nên sự thể xảy ra là chuyện chẳng đặng đừng thế thôi.
Mẹ tôi là người thủy chung với mối tình đầu, biết bao người ngấm nghé mai mối nhưng Mẹ tôi vẫn dửng dưng để họ trồng cây si. Trong Sở Tạo Tác nơi Mẹ tôi làm việc Bà nổi tiếng hoa khôi với trái tim thép, không một tia tình cảm nào xuyên qua được tim Bà. Họ xoay qua lấy lòng cô con gái, thôi thì ngày Tết tôi nhận được của bác này phong bì lì xì thật dầy, của chú kia đồ chơi thật đắt tiền. Mẹ tôi bắt trả lại hết, để khỏi mang trong lòng một món nợ ân tình.
Từ khi tôi bắt đầu hiểu biết về cuộc đời, có nghĩa là ngày tôi sửa soạn cắp sách đến trường, mẹ tôi hay kể lại chuyện tình của mình cho tôi nghe một cách say sưa tựa hồ như mới xảy ra hôm qua. Kể đi kể lại nhiều lần khiến tôi phát thuộc, tôi nhớ từng buổi hẹn hò của họ ở Hồ Tây với phần kết thúc bằng một chầu bánh Tôm thơm phức, gọi một đĩa bánh xơi hết một rổ rau.
Đoạn cuối bao giờ Mẹ tôi cũng kết luận bằng câu: Tại Bố Mẹ vừa cưới xong đã dẫn nhau đi xem phim chuyện tình Lan và Điệp, nên xui quá chuyện tình bị gãy cánh con ạ! Mẹ tôi định đóng vai trò thủ tiết thờ chồng ở vậy nuôi con, cho đến ngày tôi học thành tài để Bố tôi được ngậm cười nơi chín suối. Câu khấn này Bà hay lập đi lập lại trong những ngày giỗ Bố tôi, kèm theo đường lối giáo dục khắt khe như: Cá không ăn muối cá ươn… Bé không ươm cả lớn gãy cành.
Tôi lớn lên trong một hướng mà Mẹ tôi đã định sẵn, cứ cắm đầu vào học, học rồi học nữa. Tuổi mười lăm đi học về đã có khối người theo, bạo lắm mới quay đầu nhìn lại xem mặt mũi họ ra sao? Nếu đẹp trai thì sung sướng trong bụng, còn nhe răng cười lộ hai răng nanh như quỷ Dracula thì bực mình chi lạ.
Năm tôi học Đệ Tam trường Bùi Thị Xuân Đà Lạt, trường cử lớp tôi đi dự lễ tại Hội trường Hòa Bình. Tình cờ tôi gặp một anh chàng cao lớn, nước da ngăm đen với một đôi mắt đẹp và buồn ngoài phố. Tôi trong áo dài trắng đồng phục của trường, tóc dài xõa ngang vai, chắc trông cũng mi-nhon sao đó, nên anh chàng vừa nhìn thấy đã choáng váng liền. Rồi kể từ đó, anh chàng cứ bám sát theo tôi gợi chuyện, được biết anh chàng tên Chu Mai em họ của nhà văn Nhã Ca, anh là phóng viên đài truyền hình Cần Thơ, hôm nay được cử lên Đà Lạt để quay phim buổi lễ ở rạp Hòa Bình. Giới thiệu xong chàng ta mở túi xách đeo sau lưng lấy ra mấy cuốn truyện mới nhất của Nhã Ca ra tặng tôi. Mắt tôi sáng rỡ lên, không phải vì ai đó, mà vì truyện của Nhã Ca, Trời Phật ơi! Sao biết người ta mê truyện của Nhã Ca mà tặng vậy.
Còn nửa tiếng nữa mới đến giờ khai mạc, nhưng tôi vội về Hội trường ngay để khoe với mấy nhỏ bạn, ba cuốn truyện của Nhã Ca với chữ ký của tác giả ở trang đầu chứ bộ chơi sao. Trong lúc bọn tôi đang láo nháo giành nhau xem sách, Chu Mai tay xách nách mang đồ nghề quay phim vào, khi đi ngang qua hàng rào danh dự của các cô nữ sinh, chàng ta còn cố ngoái cổ dặn nhỏ tôi, lát nữa nhớ chờ sẽ tặng thêm hai cuốn truyện nữa.
Tâm trạng tôi lúc bấy giờ rối bời, chẳng biết ông Thị Trưởng nói gì, buổi lễ diễn ra cái gì. Biết trả lời Mẹ sao khi vác về nhà một đống truyện thế này? Lại thêm cái anh chàng cứ tấn công tới tấp, đòi đi theo về nhà nữa mới chết chứ! Thiên hạ thấy được về mách Mẹ thì có ốm đòn. Cuối cùng tôi phải giao hẹn là chàng đừng đi lẽo đẽo đằng sau tôi nữa, sẽ cho địa chỉ để lần sau mỗi lần có công tác ở Đà Lạt chàng sẽ đến tận nhà tặng truyện Nhã Ca.
Đôi mắt đẹp của chàng lại càng buồn hơn nữa, tưởng rằng được cùng ai đó đi ăn kem ở bờ hồ Xuân Hương thì buổi gặp gỡ hôm nay mới đáng đi vào lịch sử. Mai đi về rồi biết bao giờ mới gặp lại nhau. Trời Đà Lạt lành lạnh, thêm một chút mưa phùn, nằm trùm chăn gặm ô mai cam thảo đọc truyện Nhã Ca, ôi thật tuyệt vời! Chẳng ai còn nhớ đến nhân duyên nào đã đưa đến quả ngon ngọt này.
Tôi tiếp tục sống những chuỗi ngày thơ mộng vô tư bên Mẹ, bà rất hài lòng về đường học vấn của tôi, năm nào cũng được bảng danh dự. Chỉ cần kiểm soát chặt chẽ đừng cho con bé lọt vào lưới tình sớm là ngày Bố tôi ngậm cười nơi chín suối sẽ không còn xa nữa.
Nhưng, vẫn chữ Nhưng tai ác, một hôm tôi đi học về, vừa bước vào đã thấy Chu Mai ngồi án ngữ ở phòng khách tiếp chuyện với Mẹ tôi. Ngập ngừng chào Mẹ và chào khách, tôi vẫn không quên được ánh mắt của Chu Mai nhìn tôi thật buồn. Không cần nói ra tôi cũng biết được điệp khúc nào Mẹ tôi đã nói với Chu Mai. Nào là em nó còn nhỏ lắm, hãy để em nó học hành thành tài, nếu có duyên nợ thế nào sau này cũng gặp lại… Có nghĩa là Cậu hãy buông con gái tôi ra, đừng đến quấy rầy nó nữa.
Tôi tiễn khách ra về mà lòng nặng chĩu như đeo đá ngàn cân. Chỉ kịp nhắn với một câu là tháng tới nghỉ hè, sẽ về Nha Trang thăm Bà Nội nhà ở đường gì gì, số mấy mấy đó, rồi chạy biến vào nhà.
Các bạn có biết chuyện gì đã xảy ra cho tôi vào buổi tối hôm đó không? Mẹ tôi giận lắm, Bà bỏ cả ăn, lôi tôi ra cho một bài giảng mo-ran dài gần hai tiếng, đòi vất hết mấy cuốn sách của Nhã Ca vào sọt rác. Kẻ trọng tội chỉ biết yên lặng chịu tội với bản án: nào là dám dẫn trai về nhà, mà lại nhà của bà bạn thân cùng quê với Mẹ tôi ở Hải Dương, cho hai mẹ con thuê trên gác. Mẹ tôi khóc bù lu bù loa, gán thêm cho tôi tội dám bôi tro trét trấu vào mặt Mẹ làm Bà không dám nhìn mặt ai nữa. Khổ thân cho tôi là trong hai năm trọ tại nhà bác Yến, gia đình bác khá đông con, trai gái đầy đủ, bác có cậu con trai thứ nhì tên Huyên hơn tôi hai tuổi, mặt mũi trắng trẻo dễ thương. Nếu các cụ có hứa hẹn gì với nhau về hai trẻ sau này, chắc tôi cũng không phản đối.
Sáng hôm sau, trời lại quang đãng trở lại. Mẹ tôi đi làm sớm, tôi ra gốc mận sau vườn định tìm vài trái chín ăn giải sầu. Huyên đã đứng đó đợi tôi, với ánh mắt trêu ghẹo kiểu bị Mẹ la thật đáng đời! Và còn tặng tôi bản nhạc Ai Về Sông Tương với phần ghi chú: chỉ thích nhất câu "Nàng say tình mới, hồn tôi tơi bời…"
Mùa hè đến, tôi sửa soạn từ giã Mẹ để về Nha Trang sống với bà Nội, bà cụ mừng lắm! Quấn quít bên cháu cả ngày, từ bé đến lớn tôi đều nằm trên chiếc đi-văng gỗ lim của bà, trời nóng bà hay quạt cho cháu ngủ suốt đêm. Bà tôi không biết đọc biết viết, nhưng ca dao tục ngữ hay truyện Kiều, Lục Vân Tiên cụ thuộc vanh vách.
Lúc tôi còn bé, tối nào bà cũng dẫn tôi đi chùa tụng kinh ở gần nhà. Tôi còn nhớ trăm lần như một, hễ mọi người bắt đầu vào kinh Chú Đại Bi, đến đoạn Thiên thủ thiên nhãn… là tôi lăn quay ra ngủ dưới chân bà, đến khi keng keng tiếng mõ tiếng khánh với Tự Qui y Phật… tôi lồm cồm bò dậy, vì không dậy ngay thiên hạ sẽ lạy đè bẹp mất.
Buổi sáng bà tôi dậy thật sớm, bà bảo già rồi ngủ ít. Thỉnh thoảng tôi cũng cố dậy theo bà để nhìn sao Hôm, bà chỉ tôi tên cùng vị trí từng ngôi sao một bằng những câu ca dao:
Về cách xử thế với đời bà hay dạy tôi: Tay mang túi bạc kè kè. Nói khuếch nói khoáng, người nghe ầm ầm. Tay không miệng nói vẻ vang. Bà tôi ngừng lại cười khì và tiếp: thì… đếch đứa nào thèm nghe! Mỗi lần bà ngứa mũi hắt xì đều nói: Sư bố đứa nào nhắc tao.
Buổi sáng hôm đó, tôi ra chợ Xóm Mới gần nhà mua bắp về nhâm nhi. Vừa về đến cây cột đèn cạnh cầu thang, nhìn lên sân thượng đã thấy bóng Chu Mai đứng chờ. Thì ra anh chàng vẫn chưa chịu bỏ cuộc, chuyến này phải đối phó với bà Nội tôi, chắc đỡ sợ hơn Mẹ tôi nhiều. Sau buổi tiếp chuyện với cụ, đôi mắt chàng vẫn buồn như xưa, nội dung buổi nói chuyện vẫn kiểu rượu cũ bình mới mà thôi. Sau khi trao cho tôi mấy quyển truyện của Nhã Ca, chàng từ giã ra đi. Tôi nghĩ thầm, ba lần lặn lội đến gặp tôi Chu Mai chưa có cơ hội nói với tôi câu nào, chỉ nhìn lúc gặp mặt và cúi đầu lúc ra đi. Tình yêu gì mà đau khổ vậy! Phần tôi nào vui sướng gì hơn, mỗi lần gặp là muốn lên thần kinh, như người bị trọng tội sắp lên máy chém không bằng.
Niên khóa này tôi lên lớp Đệ Nhị, mẹ tôi phải xin hoán chuyển về Nha Trang gấp cho tôi kịp sửa soạn kỳ thi Tú Tài phần một. Mẹ tôi muốn sau này tôi học Dược, rồi mở hiệu thuốc tây cho bà trông coi, nghĩ xa hơn chút nữa kiếm thêm chàng rể hiền lành cho bà sỏ mũi bắt về ở rể. Lúc đó Bà sẽ tha hồ kể lể trước bàn thờ Bố tôi về chiến công hiển hách của mình. Tôi thương Mẹ đã hy sinh quá nhiều cho mình, nên âm thầm thảo kế hoạnh riêng cho đời mình để khỏi phụ lòng mong đợi của mọi người. Kế hoạnh này phải tuyệt đối giữ bí mật không cho cả Bà và Mẹ biết nữa, nếu cao quá không thành thì chỉ một mình mình biết, một mình mình hay thôi.
Này nhé! Từ thuở bé tôi đã biết mình không được đẹp lắm, mặt như nàng Thúy Vân của cụ Nguyễn Du, hàm răng bác tôi ví như hàng rào ấp chiến lược, khấp khểnh có duyên, mũi thì Giao chỉ chay chẳng lai chút nào. Chỉ còn cách chùi láng cái đẹp bên trong hy vọng sẽ làm lu mờ cái đẹp bên ngoài, quan trọng vẫn là trau dồi kiến thức và trí tuệ, nhớ đọc thêm vài quyển sách dạy về Nghệ thuật chiều chồng là đủ sức ganh đua với đời. Tôi không mơ như mẹ tôi đâu, nhà mình không giầu có, tôi lại chẳng hoa khôi, làm sao câu được rể tài. Lấy người đồng trang lứa thì ai cũng đi lính, sớm thành góa phụ mất thôi. Chỉ còn cách đi du học ra nước ngoài là tha hồ vùng vẫy, nhưng mà bằng cách nào đây? Khó thật, nhà nghèo mẹ chỉ là công chức quèn làm sao cho đi tự túc nổi, đi học bổng làm sao tranh được với cả nước toàn Ưu và Tối Ưu không. Sau nhiều đêm suy nghĩ tôi đã tìm ra giải đáp khá ổn thỏa, tôi chỉ cần đậu hai bằng Tú Tài với điểm Bình thôi là có quyền nộp đơn xin học bổng, vì thuộc diện Quốc gia Nghĩa tử nên được cộng thêm điểm sẽ không thua sút gì bọn đậu Ưu. Theo đúng kế hoạnh tôi chọn ban B Toán làm môn chính, vì trúng tủ hai bài toán hệ số 5 sẽ dư sức gỡ điểm cho môn Luận văn hay Triết mà tôi biết không bao giờ lết nổi đến điểm 12, điểm của Bình là trên 14.
Từ khi có chủ trương táo bạo trong đầu tôi quyết tâm thực hiện, phải sang cho được xứ Đức Cống (xin đừng nói lái) với ông anh họ học kỹ sư cơ khí bên đó, đối với tôi made in Germany là hạng nhất. Đi Mỹ ư, không thèm kiểu sống America’s Life đó.
Tôi học ngày học đêm, trước mặt treo đầy những biểu ngữ làm kích động lòng mình nào là Tuổi ta trẻ, nhưng hồn ta khẳng khái. Giá trị người đâu đợi phải nhiều năm. Thỉnh thoảng lại chua thêm vài câu tiếng Tây như Muốn tức là Được đầy nghĩa khí. Bà và Mẹ tôi hài lòng quá! Thương xót tôi học đến rạc cả người, quên cả ăn uống. Thỉnh thoảng nhìn xuống cột đèn dưới nhà vẫn thấy thấp thoáng các chàng trồng cây si dưới đó, chỉ mong tôi thò đầu ra nhìn là vui rồi. Các cụ biết chuyện đó, nhưng tình hình này không đáng bận tâm, con bé chăm chỉ lắm không sợ.
Kỳ thi Tú Tài phần một vì sau Tết Mậu Thân nên chính phủ nâng đỡ cho đề thi dễ, tôi trúng hai bài toán nên đậu hạng Bình một cách dễ dàng. Chưa bao giờ tôi thấy sung sướng như vậy, câu Muốn tức là Được đã thành công một nửa. Mẹ tôi thật hả hê, có quyền tán hưu tán vượn về cô con gái với các đồng nghiệp có con cùng thi trong sở. Tôi học cho Mẹ tôi mà, thành công này là của mẹ tôi mà.
Năm Đệ Nhất vì trường Nữ trung học không có ban B, nên chúng tôi mười cô nữ sinh ban B phải qua học nhờ bên Võ Tánh trường con trai. Chỉ nghe đến đây thôi cũng biết sóng gió đang chờ đợi rồi. Mục tiêu của tôi năm nay còn khó khăn gấp bội, Tú tài hai ban B mà đòi đậu Bình thật quá ngông cuồng, chẳng lẽ Toán lại đem học thuộc lòng, với lại môn Triết học sao mơ hồ quá, nuốt không vô. Phải cố gắng thêm chứ biết làm sao, tôi chia thời khoá biểu lại, buổi sáng dậy năm giờ, tinh thần còn minh mẫn học Triết, chiều học Lý Hoá. Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi thường dặn bà: Bà ơi! Hễ con gà trống nó gáy, bà gọi cháu dậy học bài nhé! Một hôm vừa đặt mình nằm xuống, con gà đã gáy, làm hai bà cháu cùng cười.
Trong lớp 12B2 của tôi cũng có nhiều chuyện dễ thương, các cô nữ sinh sang chiếm hai bàn đầu. Chúng tôi là những đề tài bất tận cho bọn con trai phá phách phía dưới được gọi là xóm nhà lá. Giờ Pháp văn của thầy Phát cao niên, không hiểu sao khi giảng đến chương bãi biển, ông lại quay sang hỏi cô bạn ngồi bên trái của tôi: Được! có biết bơi không? Phía dưới lớp nhao nhao tiếng trả lời: Bơi giỏi lắm Thầy ơi! Ba ngày nổi lên.
Biết bao chàng ngồi phía dưới đã chép thơ Đinh Hùng ca tụng đôi mắt hay suối tóc của người đẹp nào đó ngồi trên, tất cả chỉ là một bài thơ của thuở học trò. Không thể bỏ qua chuyện của Dũng, người tôi đặt cho cái tên là Dũng Dracula vì cười nhe hai răng nanh ra đến sợ, lại ốm nhom ốm nhách như cò sếu. Dũng si tình tôi đến tội nghiệp, nguyên một năm trời học chung lớp, sáng nào Dũng cũng đợi tôi đi học ngang nhà nhìn một cái, rồi chờ tôi đi trước mười thước mới khởi hành theo sau, khoảng cách bao giờ cũng giữ đúng. Tôi khổ sở vô cùng, cứ như bị rình rập, nhưng không thể trách cứ người ta được, ai cấm người ta nhìn mình. Lại thêm cậu con trai ông hàng xóm đối diện, nghe bố khoe mới đi học đại học Cần Thơ về (mới quá tôi chưa hề nghe đến đại học này), sáng nào cũng chĩa ống nhòm nhìn sang gác thượng của tôi, dám cả gan nhờ bố sang bắn tin với mẹ tôi. Mẹ tôi từ chối khéo ngay để bố con họ tìm đối tượng khác.
Để mục tiêu của mình không bị lệch, tôi chơi đòn Tấm hồng nhan bôi lấm xóa nhòa như Mẹ Mốc của cụ Nguyễn Khuyến. Lấy nghệ vàng khè bôi lên mặt, vừa trị mụn khỏi thẹo, vừa nhát ma anh chàng Dũng Dracula cho sợ khỏi theo nữa. Sắp gần đến ngày thi nên tôi cấm cung bôi nghệ đầy mặt ở nhà gạo bài. Chàng Dũng ta chờ mãi không thấy tôi đến trường xem số ký danh, bèn đánh bài liều tìm đến tận nhà cho biết số ký danh và số phòng. Vừa thấy tôi ló đầu ra, chàng khựng lại, chắc chưa đủ sợ hay sao mà vẫn săn đón. Tôi cám ơn lấy lệ rồi biến ngay vào nhà. Bà tôi đem số ký danh của tôi vào trong đền của cô Nga lên đồng, làm một lá sớ gửi gấm thần thánh phù hộ cho tôi trúng tủ hai bài toán. Hôm thứ hai thi Triết, tôi mới biết
Dũng Dracula nói lộn số phòng, chắc nhìn mặt nghệ của tôi đã hồn phi phách lạc mất rồi. Bà tôi tức quá chửi oang: Cái thằng khỉ gió! Làm bà mất toi tờ sớ.
Tôi phải an ủi: Thần thánh đi tìm số ký danh của cháu nếu vào phòng không gặp, sẽ tìm phòng khác thôi, cái đó dễ mà. Bà cần gì phải làm tờ sớ khác cho tốn tiền. Cháu thuộc bài mà.
Nghe cũng lọt tai, nên bà tôi cũng nguôi cơn giận.
Sáng thứ ba thi Toán, tôi đến sớm hơn thường lệ nên cổng trường còn đóng, đang bồn chồn lo lắng, thì thấy bóng Chu Mai đang tiến tới. Tôi nổi giận, tại sao lại xuất hiện trong giờ phút này. Không biết tôi nói gì cho chàng biến mất ngay, nhưng lần thứ tư này chính tôi ra tay xua đuổi chàng. Chu Mai ơi! Nếu anh đọc những dòng chữ này, hãy cho tôi một lời tạ lỗi. Tại anh đến không đúng thời điểm mà thôi, chứ anh dễ thương lắm!
Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình thật sắt máu, chỉ vì tôn thờ câu Muốn tức là Được, tôi tàn nhẫn với chính cả tôi.
Cuộc thi rồi cũng qua, lần này tôi không dám tin tưởng vào kết quả lớn nữa, tôi như trái banh bơm căng quá, chỉ chờ sơ hở là xì hơi. Ngày xem bảng tôi nằm bẹp ở nhà, không đủ can đảm nhìn sự thật. Thây kệ muốn ra sao thì ra, cùng lắm ở nhà vớ đại anh chàng hút thuốc lào nào đó cho yên thân.
Đang triền miên trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng Nhung rối rít gọi dưới nhà: Hương ơi! mầy đậu hạng Bình rồi. Tôi có nghe lầm không?
Tức tốc thay vội quần áo, tôi ra ngay chỗ treo bảng mà trước đây năm phút nó còn là bản án tử hình, giờ đã đổi thay. Thôi giã từ anh chồng hút thuốc lào nào đó.
Khỏi cần tả thêm các bạn cũng biết cả nhà tôi vui như chưa từng có, cửa đời của tôi đã rộng mở, bõ bao tháng ngày nằm chờ gà gáy dậy học bài.
Tôi sửa soạn khăn gói vào Sài Gòn ở với gia đình Bác (anh ruột bố tôi) để nộp đơn xin du học, muốn đi Đức với học bổng Quốc Gia phải mất một năm cho giấy tờ và sinh ngữ, là con gái tôi không sợ điểm này. Trong khi các chàng học giỏi, con nhà giàu sợ bắt lính, đã cao chạy xa bay đi Mỹ hay các nước nói tiếng Anh, Pháp. Càng tốt đỡ bị cạnh tranh, mặc dầu đã nộp đơn đi Đức với học bổng Quốc gia, nhưng cả nhà tôi vẫn không tin tôi sẽ được chọn. Mà chọn thế nào được, khi học bổng quá ít, số con ông cháu cha với những phong bì đút dưới tập hồ sơ lại quá nhiều! Bác tôi nóng lòng muốn tống tôi sang Đức ngay với cậu con trai của ông đi từ năm 63, nên khuyên tôi xin đi tự túc cho chắc ăn. Mẹ tôi phản đối quyết liệt, vì không muốn con gái mình sang đó phải đi quét tuyết hay chạy nhà hàng lấy tiền ăn học. Bà bắt tôi thi vào Đại học Dược khoa, nhưng làm sao tôi đậu nổi khi tâm tư còn để mãi tận bên nước Phổ Lỗ Sĩ xa xăm.
Tôi ghi danh vào Đại học Khoa Học để chờ thời, sau giờ học ngày nào tôi cũng đón xe lam ra Nha Du học ở đường Lê Thánh Tôn, nghe ngóng tình hình và hỏi han cô thư ký xem hồ sơ có thiếu gì xin bổ túc. Tôi như điên dại với mục tiêu sang Đức, làm như nếu không sang được Đức là đời tôi mất hết ý nghĩa. Tình hình chính trị càng ngày càng biến chuyển, hiệp định Paris sắp ký kết, làm tôi thêm lo lắng. Tối về tôi ôm Bà khóc mếu máo, bà tôi chỉ dỗ dành suông, không biết làm sao giúp cháu. Từ ngày theo bác tôi vào Sài Gòn, bà bỏ thần thánh, đền đài lại Nha Trang hết, giờ muốn làm tờ sớ cũng không biết nhờ vả ai. Đành chịu thôi!
Để giải sầu, tôi ghi tên học đàn tranh ở hội Việt Mỹ, sau nhiều tháng lên dây đờn, xuống dây đờn tôi đã đánh tàm tạm được các bài dân ca như Cò Lả, Lý con Sáo…
À quên! Thiếu tí nữa không nhắc chuyện học tiếng Đức, một tuần ba buổi tại Trung tâm Văn hóa Đức đường Phan Đình Phùng, vốn liếng cũng tạm đủ để chào hỏi và hỏi thăm đường khi đi lạc.
Trong lúc ấy, Nha Du học tung ra thông báo chính phủ Tân Tây Lan cho 90 học bổng, Mẹ tôi bắt tôi nộp đơn, phải bắt cá hai tay con ạ! Bác tôi phản đối, bảo đi Tân Tây Lan giống như lên Ban Mê Thuột học đại học, chỉ toàn chơi với mọi cà răng căng tai. Dĩ nhiên tôi phải nghe lời Mẹ hơn chứ! Tôi trúng tuyển đợt đầu, được vào thi Anh văn. Anh ngữ tôi về văn phạm và bài viết hạng nhất, về nghe và nói hạng bét, nên tôi không phải lên Ban Mê Thuột học đại học nữa.
Ba tháng sau lại thêm 30 học bổng của chính phủ Úc, Mẹ tôi lại bắt tôi nộp đơn, Bác tôi kỳ này không phản đối, chỉ nói vu vơ: Sang Úc cũng tạm được, giống như lên Đà Lạt học Đại học vậy thôi. Đối với bác chỉ có đi Đức là giống như học ở Đại học Sài Gòn mà thôi. Số phận tôi kỳ này cũng không khá hơn kỳ trước tôi rớt đài ở kỳ khảo sát tiếng Anh.
Chắc các bạn đã sốt ruột, thế cuối cùng ra sao? Còn ra sao nữa, tôi có tên trong danh sách đi Đức với học bổng quốc gia mỗi tháng được 150 Mỹ kim và một vé máy bay đi từ Tân Sơn Nhất đến phi trường Hannover.
Đến đây hết phần một của Truyện Hoa Lan, nếu các bạn còn mến mộ câu chuyện Dùi đục chấm mắm cáy của tôi, nhớ đón đọc phần hai Ba mươi năm lưu lạc xứ người, còn hấp dẫn và tê tái cả cõi lòng đến đâu nữa. Chúc các bạn một ngày vui.
Hoa Lan