Tình cờ xem lại phim “Trường Tôi”, một phim sản xuất năm 1972 dành cho học trò của tuổi mới lớn, trong youtube, và gửi link này vào trang facebook của mình để chia sẻ với bạn bè. Các bạn và các em đã vào ghi những lời comments, nhắc lại những kỷ niệm xưa, khiến giòng ký ức của năm đó bỗng dưng ùa về…
Nhà tôi ở trong một khu hẻm rộng bên hông trường trung học tư thục Nhân Chủ ( mà bây giờ có tên là Nguyễn Thái Bình) ở quận Tân Bình – Saì gòn, một dãy nhà năm căn toàn là bà con bên Má tôi. Tính từ ngoài đưòng chính vào thì là nhà cậu Hồng, dì Quyến, dì Mười , nhà tôi và nhà dì Tuyến. Những đứa con của mỗi gia đình đều có lứa tuổi gần nhau, xê xích không nhiều từ nhỏ xíu mới sinh cho đến lớn nhất cũng chỉ ở lứa tuổi 20 mà thôi , bởi thế đám nhỏ thân nhau lắm và quậy kinh hồn vì cả năm nhà không có hàng rào che chắn, nên phía trước phía sau chi cũng có thể chạy băng băng qua lại. Thêm vào đó những tầng lầu có vách ngăn là những lan can thấp xỉn, nên phóng qua sân nhà nhau ở sân thượng là chuyện làm quá sức dễ ợt cho đám con nít!
Vì tôi thuộc đám lớn tuổi nên chúng tôi có sinh hoạt riêng với nhau. Khi trời dần tối thì đám lớn bắt đầu lục tục kéo nhau lên sân thượng từng nhà để bắt đầu nhóm họp. Như đã nói, sân thượng từng nhà chỉ có bức tường chắn ngang rất thấp nên nhóm lớn sẽ rủ nhau qua sân thượng của một nhà nào đó mà thường là nhà của cậu Hồng vì đã có sẵn bàn ghế. Thường thì nhóm lớn chỉ tụ tập nói về chuyện học là chính vì đó là những chia sẻ, trao đổi để có thể giúp đỡ lẫn nhau vượt qua chướng ngại học tập mà đa số trong nhóm này là những cậu trai đang ở ngưỡng cửa bước vào Đại Học hay phải ra quân trường nếu thi rớt, một lo toan của thanh niên trong thời chiến “rớt Tú tài anh đi Trung sĩ” cho nên ưu tiên cho việc học. Thi thoảng chúng tôi giải trí bằng lời ca tiếng hát với những cây đàn guitar do chính các anh chị em họ cùng nhau biểu diễn, những bài nhạc Pháp và nhạc trẻ Việt nam là những bài hát thông dụng và quen thuộc nhất đối với chúng tôi, nhất là khi biết được một bài hát mới thì cả đám nghêu ngao vang trời. Vui làm sao!
Còn đám nhỏ thì thế nào? Nghe tụi nó nhắc lại qua những lời còm trên facebook mới biết chúng nó cũng có những sinh hoạt rất sinh động. Nào là chơi u, đó là trò chơi rất thích thú với chúng - cả nam lẫn nữ - ( trò chơi này chia làm hai phe, một người ở phe này phải chạy qua phe kia quơ trúng đứa nào mà chạy về an toàn thì đứa bị quơ trúng phải làm “tù nhân” và đợi người qua giải cứu, và khi chạy qua phe kia thì phải chu miệng phát ra tiếng uuu.. mới được, chứ nếu tiếng u chấm dứt trong khi “thi hành nghĩa vụ” bên đất địch thì đương nhiên là bị bắt làm “tù binh” rồi; nghe cô em họ kể lại có một cô em ruột tôi tướng nhỏ con nhưng khi chơi u bị phe kia bắt cũng vùng vẫy khiếp lắm để thoát vòng vây đến nỗi mặt đỏ ké nhưng cười hể hả vì cứu thoát được người phe ta và về đất nhà an toàn ), còn nhảy dây, lò cò, bắn bi, đánh đáo, chơi ô quan v.v…luôn là những trò chơi thu hút đám nhỏ của nhà và hàng xóm.
Cũng không quên nhắc lại là đám lớn tuy phải lo toan việc học nhưng không tách rời thế giới của đám trẻ mỗi khi rảnh rỗi hoặc có những dịp đặc biệt. Các anh chị nhóm lớn luôn tổ chức lễ rước đèn Trung Thu và phát bánh kẹo cho các em vào mỗi năm. Cứ đến đêm Trung Thu là chúng tôi tập trung các em nhỏ quanh xóm lại để cùng nhau sinh hoạt, hát những bài hát trẻ thơ, rước đèn và vui chơi, cho nên đám nhỏ luôn háo hức mỗi khi đến dịp này.
Trong tinh thần thân ái đó, vào năm 1972, trước hết có lẽ thương đứa con gái cưng đang miệt mài đèn sách cần có chút thì giờ giải trí nhằm giảm bớt áp lực học hành do phải chuẩn bị cho kỳ thi cử khá căng thẳng của năm cuối trung học, kế đến cũng có thể tin tưởng vào lời giới thiệu của cậu em vợ đã đi xem phim này rồi, và cũng vì Ba tôi ít khi ở nhà do công vụ phải làm việc tận vùng cao nguyên Pleiku, nên nhân dịp nghỉ phép, muốn tạo cơ hội gần gủi với con cháu hơn, Ba tôi quyết định chở những đứa con, cháu mình đi xem phim Trường Tôi do Lê Dân làm đạo diễn với diễn viên chính là Quốc Dũng ( nhạc sĩ đã viết bài “Mai” mà từng được đồn là bài để viết cho cô ca sĩ Thanh Mai - một cô ca sĩ hát nhạc trẻ rất mi nhon lúc đó) và Tuyết Lan ( là mầm non văn nghệ của ban thiếu nhi Tuổi Xanh của bà Kiều Hạnh - một nghệ sĩ nổi danh thời đó) làm cả đám con cháu lăng xăng tíu tít tụ tập tại nhà tôi thật sớm hôm đó.
Nhà chỉ có một chiếc xe hơi La Đàlạt, mà đám con cháu lại quá nhiều, thế cho nên Ba tôi phải tuyển chọn những đứa có lứa tuổi gần nhau, ngoan, học giỏi, lễ phép … như là một hình thức tưởng thưởng. Chọn thế nào mà có đến cả chục đứa nhóc được chất đầy trên chiếc xe, đứa ngồi trên ghế, đứa dưới sàn xe, đứa ngồi bên hông … chen chúc lao nhao như đám chợ (tưởng tượng chở kiểu này ở bên xứ người thì nhận giấy phạt và tịch thu bằng lái là cái chắc!). Sau khi mua vé và thả lũ con cháu xuống rạp Quốc Tế ở đường Phạm Ngũ Lão với lời dặn dò kỹ lưỡng là chăm sóc lẫn nhau và nhớ khi tan phim ra thì phải đứng ở đâu để đợi xe đến đón v.v…, chúng tôi náo nức dắt díu nhau vào rạp.
Khỏi phải nói thì cũng có thể hình dung được đám trẻ chúng tôi thích thú cỡ nào. Ngoài việc được thưởng ngoạn một cuốn phim hợp lứa tuổi học trò với những hình ảnh bài hát và tình tiết của tuổi mới lớn, còn là một dấu ấn của sự tự do, không có người lớn “kềm kẹp” khi được ngồi chễm chệ trong rạp. Chúng tôi tha hồ reo hò, vỗ tay, bàn luận, phê bình hòa theo khán giả trong rạp mà không e dè sợ sệt như khi đi với ba má… Khi ra về, chúng tôi lại được Ba dắt đi dạo phố Saigon và một chầu kem ba màu mát lạnh trong tiệm ( hình như trên đường Lê Lợi?) để kết thúc chuyến đi chơi. Ngồi trên xe, lũ nhỏ tha hồ bàn tán, tíu tít tranh giành nhau để nói, để khoe với Ba về những gì được xem, được hưởng. Một cô em họ thốt lên “đây là lần đầu tiên được vô rạp xem phim”, “cô diễn viên chính đẹp quá trời”; một cậu em khác tiếp lời “xe hơi ngổi đã quá” một nhóc tì khác” ước gì Dượng về phép nhiều nhiều cho tụi con đi ăn kem và dạo phố thế này” Ba nhẹ mỉm cười và đặt ra những câu hỏi đố lũ nhóc về nội dung, về ý tưởng của cuốn phim và dần dẫn đến việc khuyến khích, khuyên nhủ liên quan đến việc học, đến đạo đức và giá trị con người cho đám nhỏ thấm dần…
Tiếc thay buổi đi chơi đó lại là lần đầu và cũng là lần cuối vì sau đó chiến cuộc leo thang, chúng tôi đã không có dịp để trông chờ ngày nghỉ phép của Ba nữa. Rồi những biến loạn của đất nước, những bất an trong cuộc sống đã thay đổi đời sống của chúng tôi rất nhiều. Từ những an nhàn thanh thản trở thành những lo âu bất ổn, từ người có chức quyền, Ba phải vào tù để “cải tạo tư tưởng” để nhận được “hòa bình” và xum họp gia đình thành tan tác mỗi đứa con ở một nước khác. Chúng tôi đã hòa vào nỗi đau chung của đất nước!
Nhưng thôi, mọi chuyện cũng đã qua, giờ đây ôn lại khúc phim đời mình chỉ là để nhớ lại những giây phút êm đềm bên Ba, - mà tính ra hình như không nhiều ,hay nói đúng ra là rất hiếm hoi - Một người cha tưởng chừng như vô cùng cứng rắn cương nghị và xa cách do công việc của cấp chỉ huy trong quân đội, nhưng thật ra cũng như những người cha bình thường khác, vô cùng tế nhị , tinh tế và hết mực thương con nhưng chỉ tỏ lộ qua hành động hơn là lời nói. Để đến bây giờ, khi Ba đã rời xa trần thế gần 10 năm, ngồi ôn lại kỷ niệm mà thấy lòng rưng rưng tiếc nuối sao mình chưa lần nào ôm Ba để nhõng nhẽo, để nói lời yêu thương.
Ước gì thời gian quay trở lại để tôi được ngồi bên Ba, để được cười nói khoe những niềm vui con cháu đạt được, để được nhỏ lệ kể lể những nỗi buồn đau, mất mát … mà nay tôi chỉ làm được điều ấy mỗi khi ra thăm Ba tại nghĩa trang lạnh vắng!... Ba ơi, con nhớ Ba lắm!
Father’s Day (4/9/2016)
Hồ Diệu Thảo