Pleime - Nó và tôi, bốn mươi năm tình bạn...
Năm 1969, sân trường Pleime trắng rợp những tà áo dài. Mỗi sáng thứ hai đầu tháng, cô Hiệu trưởng lần lượt trao bảng danh dự cho những học sinh xuất sắc của mỗi lớp. Được lên nhận bảng danh dự hàng tháng là niềm tự hào của mỗi đứa chúng tôi, là động lực để lũ nhóc chúng tôi thi nhau học tập. Nhưng lạ chưa, có một đứa của lớp 8/2, lần nào lên nhận bảng danh dự cũng đợi cô gọi đến hai ba lần, vừa đi lên vừa chùi nước mắt. Tôi chú ý đến nó vì cái tật mau nước mắt đó. Sau này quen nhau, tôi hỏi:
- “Sao mày hay khóc thế?”.
Nó phét:
- “Mỗi lần nhà tao hết nước, tao chỉ cần khóc một lát là có nước dùng…”
Trạng hết biết!
Năm 1972, học chung lớp 10B, lớp có 28 đứa, các thầy cô thường đùa là “nhị thập bát tú". Tự nhiên hình thành những nhóm nhỏ chơi thân nhau, nói như DT là vì có tần số kết bạn giống nhau. Nó vẫn là con bé cười giòn tươi khóc, LT mũm mĩm, dễ thương như một viên kẹo bột, DT thông minh nhưng điềm tĩnh, tôi lì lợm, nghịch ngầm (ở nhà tôi có biệt danh là Lì, ba tôi nói đánh gãy roi vẫn chưa khóc nên gọi tôi như vậy).
Một hôm, khóc nhè mãi một mình cũng chán, nó và LT bàn nhau chọc cho tôi khóc. Hôm đó, nó và LT giấu lá thư của chị tôi ở quê gửi lên (tôi nhờ địa chỉ nhà LT). Thay vì khóc, tôi lấy cặp của nó mang sang lớp tôi (giờ sinh ngữ, tôi học Anh, nó học Pháp). Thầy Cư vào lớp, nó không có vở học, khóc. Thầy Cư hỏi, mấy đứa lớp nó thưa:
- Con S lấy cặp của nó
- Con S là đứa nào?
- Nó học bên lớp Anh văn
- Sang méc cô nó.
Nó sang lớp AV, xin cô Hồng Anh cho gặp tôi nhưng tôi đâu dễ dàng đưa cặp cho nó, lại về lớp tiếp tục khóc….
Hai đứa giận nhau được một tuần rồi lại hòa. Sau này vui vui tôi hỏi:
- Hôm nọ mày chọc đứa nào mà nó khóc ghê thế?
Chỉ cười, nó vốn không giận ai lâu bao giờ.
Mùa hè đỏ lửa 1972, bọn tôi tan tác mỗi đứa một nơi. Trong học bạ của chúng tôi ở học kỳ 2 in một dòng chữ đỏ như màu máu: không thi vì chiến nạn. Sau đó, DT chuyển trường luôn vào SG, một số bạn khác chuyển sang ban A. Đầu năm 11, lớp chỉ còn lại 17 đứa, một tai nạn đã cướp đi của lớp chúng tôi một đứa bạn vui vẻ, hiền lành: Viết Mỹ.
Cuối năm lớp 11, còn lại 16 đứa, cả lớp tham gia tập văn nghệ, trừ tôi và nó, vừa vì chúng tôi không có máu văn nghệ, vừa vì các thầy cô sợ xấu đội hình! Vô công rỗi nghề, xem tập văn nghệ mãi cũng chán, tôi và nó đi lang thang và nghĩ ra chuyện để nghịch. Một hôm đi qua phòng 2, thấy thầy Tri đang ngồi chấm bài, lại nghĩ ra trò... Hai đứa ra nói bác Miên bán chè ở sau trường bưng vào phòng 2 cho thầy Tri 3 ly chè, xong ra núp ở sau phòng đó để quan sát tình hình. Thấy bác Miên trịnh trọng bưng 3 ly chè vào, lúc đầu thầy cũng ngạc nhiên nhưng khi nghe tiếng khúc khích sau phòng học, thầy thừa thông minh để hiểu ra sự việc nên gọi hai đứa vào. Ba thầy trò cùng ăn chè rồi thầy đưa tiền cho chúng tôi đi trả.
Hè năm lớp 11 là lúc chúng tôi đứng trước sự lựa chọn hết sức căng thẳng: chuyển sang ban A hay tiếp tục học ban B, tiếp tục với môn toán khô khan, hóc búa. Tôi cũng không nhớ lúc đó mình nghĩ gì, sợ học ban A phải học bài nhiều hay vì điếc không sợ súng mà tôi và nó theo các bạn khác sang trường TH PleiKu để tiếp tục học 12B. Một năm học nhọc nhằn, phần vì áp lực bài vở, phần vì cách thi mới: thi trắc nghiệm. Chúng tôi già giặn hơn, nó đã ít khóc hơn nhưng vẫn cái tính vô tư, dễ tin nên nhiều lần bị tôi phỉnh, lần sau lại tiếp tục nghe. Một hôm đi học, đến trường hai giờ Toán thầy Chắc cho nghỉ, tiếp theo hai giờ Pháp văn thầy Cư cũng cho nghỉ. Được nghỉ học cả buổi kể ra cũng thích nhưng tôi cũng hơi ức vì sao nó lại biết trước mà không đến lớp. Tôi đến nhà nó để hỏi lý do, té ra là:
- “Do tao chưa làm toán, sợ thầy Chắc la nên cúp”.
Thì ra vậy. Tôi nói:
- “Thầy Chắc cho nghỉ nhưng Thầy Cư lại kiểm tra bài Pháp văn, mày thay đồ ngay đi rồi đi học”.
- “Bây giờ Thầy Cư đổi ý, cho nghỉ rồi” và ù chạy, quay đầu nhìn lại thấy nó dứ dứ nắm đấm về phía tôi.
Sau khi thi xong tú tài 2, nó vào Sài gòn học Đại học, tôi về quê tìm việc làm. Năm 1975, cuộc sống lại xô đẩy chúng tôi giạt về cùng một hướng: về lại Pleiku và cùng nộp đơn vào Sư phạm. Tôi học Toán, nó học Văn. Nó cũng xin học Toán mà không được, bây giờ nghĩ lại, tôi vô cùng khâm phục quyết định sáng suốt của người đã sắp xếp các lớp học, nếu không đã lãng phí một tài năng cho sự nghiệp dạy Văn, lãng phí một cô giáo dạy Văn được nhiều học sinh yêu mến!
Tôi ra trường trước, nó ra sau hai tháng nhưng lại được về dạy chung trường, chính là ngôi trường mà cách đó một năm chúng tôi đã “trọ học”. Lại có dịp để hai đứa đi tìm lại chỗ ngồi cũ của mình, tìm lại một năm học lặng thầm nhưng cũng rất nhiều kỷ niệm, cùng nhau thi xem đứa nào phát hiện được cánh phượng nở đầu tiên trên sân trường khi mùa hè đến…
Hai năm sau, chúng tôi lại đổi đi một trường khác, xa nhà hơn: trường Vườn Mít. Dạy xa nhà nên chúng tôi ở lại tại trường, mỗi tuần về nhà một lần. Tôi, nó và hai cô bạn khác được phân ở một căn nhà tranh gần trường (nhà của những người dân bỏ kinh tế mới về thị xã). Lại những ngày tháng cùng nhau lắt lẻo trên con đường đất gồ ghề, nắng bụi mưa bùn, lại những buổi trưa, buổi chiều nằm gác chân lên vách đọc sách, cùng cười ha hả khi có một đoạn nào đắc chí, đứa này đọc to lên cho đứa kia nghe. Sống chung với nhau tôi lại phát hiện thêm một “đức tính” khác của nó là thiếu vốn sống thực tế. Ăn quả đu đủ, ăn quả dứa,… nó phải hỏi tôi là ăn phần nào ngon hơn. Có lần nấu một rổ củ huỳnh tinh, tôi cứ chăm chú ngồi ăn phần đuôi, nó nhìn theo tôi và cứ thế mà ăn, đến khi tôi bật cười nó mới biết mình bị hố…
Một lần họp hội đồng giáo viên vào buổi chiều, trong đó có một nội dung là thông báo kết quả kiểm tra hồ sơ của mỗi giáo viên, nó lười không chịu đi họp vì “tao buồn ngủ lắm”. Tôi và Lan, Thanh – hai cô bạn cùng nhà - sang họp. Giờ giải lao, về nhà uống nước, tôi phỉnh nó:
- Mày không đi họp mà nghe, ông Toàn (Hiệu trưởng) nói mày không ra sao cả!
Lan, Thanh cũng phụ họa:
- Thật đấy, chúng em nghe mà chua cả mặt!
Đang trùm mền, nó nhổm ngay dậy:
- Ổng nói sao?
- Ổng nói mày viết chữ như gà bới.
Nó ngẫm nghĩ rồi gật đầu:
- Cũng đúng (vì chữ viết của nó cũng xấu thật)
- Ổng còn nói gì nữa không?
- Ổng nói mày soạn bài sai kiến thức.
Lần này thì nó bật dậy:
- Để tao sang hỏi ổng xem sai chỗ nào
- Thôi, đầu giờ tao đã báo cáo mày bị ốm, giờ sang kỳ lắm.
- Đề nghị thầy cho biết kết quả kiểm tra hồ sơ của tôi.
Thầy Hiệu trưởng chỉ nêu toàn những ưu điểm trong hồ sơ của nó, chúng tôi ngồi xích dần ra cửa và sau khi cuộc họp kết thúc, ba đứa phóng ngay ra ngoài trước những cặp mắt ngạc nhiên của các đồng nghiệp.
Có lần nó và Thanh đi chơi, tôi và Lan ở nhà. Bác hàng xóm sai con mang qua cho chúng tôi 8 quả chuối. Tôi và Lan ăn mỗi đứa hai quả, còn lại phần hai đứa nó. Khi nó về hỏi chuối ở đâu rồi chia mỗi đứa một quả, tôi và Lan vô tư ăn tiếp. Hôm sau con bé hàng xóm sang chơi, thỏ thẻ:
- Hôm qua mẹ em biếu các cô 8 quả chuối.
Nó hỏi:
- Sao bác cho 8 quả mà tao và Thanh mỗi đứa chỉ được một quả?
Tôi cười:
- Tao và Lan lấy giấy ra làm phép chia rồi, 8 chia cho 4 được 1 và dư 4, mà dư thì không biết làm gì nên tao và Lan ăn cho đỡ vướng!
Nó biết chắc là tôi chia sai nhưng không chứng minh được (nó quên mất tính chất “số dư phải nhỏ hơn số chia”) nên vẫn ấm ức.
Hôm sau có bọn học sinh lớp tôi dạy Toán đến chơi, nó hỏi:
- Cô S trên lớp dạy Toán có hay tính sai không mấy em?
- Cũng đôi khi cô ạ!
Thế là hòa, tại tôi lẩm cẩm tính sai chứ đâu phải tham ăn!
Hai năm sau, tôi, nó lần lượt về thị xã nhưng dạy ở hai trường khác nhau. Mỗi lúc rảnh, chúng tôi lại ngồi với nhau để tán gẫu, hoặc tôi chở nó trên chiếc xe cà tàng của mình đi thăm bạn bè, đi dã ngoại, cùng nhau hát “ đường trường xa, con chó nó tha con mèo…”
Năm 2010. Chiều Mồng Hai Tết. Nó kể chuyện DT gọi điện về chiều Mồng Một, nói chuyện hơn cả tiếng đồng hồ, chuyện thầy cô, chuyện bạn bè… nó vẫn là cái phòng thông tin lưu động như ngày đi học, ông xã tôi thường đùa: chỉ cần ngồi nói chuyện với nó một tiếng đồng hồ là biết hết mọi việc đang xảy ra trong nước và trên thế giới!
Khách đến, những người hàng xóm của nó. Tôi cũng được chúc Tết “ké” với nó và chị Nhung. Rất cảm động khi một hàng xóm nói rất chân tình: “Các cháu nhà em được hai chị dạy dỗ (nó và chị Nhung), nếu hai chị có việc gì trái gió trở trời cứ điện thoại cho em, dù đêm hôm, dù ở tận biên giới em cũng sẽ về”. Ôi, những người hàng xóm tuyệt vời của bạn tôi!
Cuộc sống của nó dù khắc nghiệt, dù bệnh tật, nhưng nó vẫn rất lạc quan, vui vẻ, “chưa thấy người đã thấy tiếng” như ba má tôi đã nhận xét mỗi khi nó đến nhà. Nhiệt tình với bạn bè là một tính cách nổi bật của nó. Hôm DT và AL về thăm lại Pleiku, tôi ở Sài gòn, nó cuống quít gọi điện thoại hỏi tôi sắp xếp việc đón tiếp như thế nào. Thật tình, lúc đó tôi cũng nghĩ để các bạn ở nhà tôi hoặc nhà nó cho vui nhưng cũng ngại vì nhà mình không đầy đủ tiện nghi lắm, mới bàn với nó đặt khách sạn cho các bạn. Trưa hôm đó, nó và chị Nhung ra sân bay đón, đưa hai bạn về khách sạn, hẹn một tiếng sau sẽ đến đón đi ăn trưa. Thế mà khi nó đến, hai bạn vẫn chưa sửa sọan xong; nó vẫn kiên nhẫn ngồi đợi, khi ra đến tiệm ăn các bạn mới nhận ra rằng nó rất đói. Hôm sau lại đến khách sạn sớm để chờ đưa hai bạn xuống nhà tôi ăn cháo, cô nàng AL cứ nhẩn nha đi ra đi vô sửa soạn, nó nóng ruột lắm mà chỉ nhắc khéo, không hề nhăn nhó, lại còn quan tâm hỏi thăm bạn bè và cho những lời cố vấn rất chân tình, dù những góp ý của nó chỉ mang tính chất lý thuyết nhiều hơn thực tế. Đôi lúc cái nhiệt tình của nó cũng mang lại một tí rắc rối, với bạn gái thì không nói nhưng với các bạn trai, thấy nó nhiệt tình quá có người tưởng “bị yêu”, nó phàn nàn: “đúng là không có gia đình cũng mệt, lúc nào cũng bị “ Đảng tình nghi, nhân dân theo dõi!”
Những ngày điều trị ở bệnh viện hoặc chăm sóc mẹ và em út nó trong bệnh viện đã tích lũy cho nó nhiều kiến thức về sức khỏe nên bạn bè nào đau ốm gì hỏi nó sẽ có hướng dẫn ngay. Tôi thường gọi đùa nó là “lang băm” nhưng có lúc “lang băm” cũng được việc lắm. Ấy là những lúc tự nhiên đau ốm hoặc người nhà đau ốm, cứ gọi điện thoại cho nó là có chỉ định ngay: đến bác sĩ nào, cần xét nghiệm ở đâu, có cần nhịn ăn sáng không,…
Ngày tháng cứ thế trôi, nhìn lại khi mỗi mái đầu đã bạc, mỗi khuôn mặt đã xuất hiện nhiều ngoặc đơn, ngoặc kép, tôi mới nghiệm ra một điều: dù hai đứa như một cặp bài trùng, nhưng lúc nào tôi cũng may mắn nhiều hơn nó, một trong những cái may mắn đó là tôi có một đứa bạn là nó!
Pleime, cuối tháng Hai năm Hai Ngàn Mười
Kim Sen