User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

baotet

Bìa giai phẩm Xuân Thần Chung năm 1954 cảnh phụ nữ miền Nam và đồng lúa, hoa mai, hình của Phạm Công Luận. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Giữa tháng 11 miền Nam Cali mưa xuống vài cơn lấm láp đường sá, người vô tâm lắm cũng phải tự hỏi mình: sao lại mưa thế này? Ngó tấm lịch trên bàn – từ lâu rồi ít thấy ai treo lịch trên tường – mới hay ngày Lễ Tạ Ơn đến rồi, nghĩa là Giáng Sinh đã cận kề, và Tết đang đến. Tết đang đến, mấy chàng làm báo hẳn đã bắt đầu lo Giai Phẩm Xuân; hay lo báo Tết. Và tự hỏi, Tết năm nay là Tết con gì, báo Tết năm nay là báo Tết thế nào đây? Tức là lo bộ mặt của báo Tết, nội dung của báo Tết, hình thức của báo Tết, khuôn khổ của báo Tết, dày hay mỏng, to hay nhỏ… Tức là vấn đề văn hóa của báo Tết.

- Báo Tết mà cũng có văn hóa riêng sao? Tết năm nay văn hóa Tết của nó như thế nào?

Báo có nhiều loại lắm, chẳng hạn báo chửi, báo chợ, báo thương mại, báo chính trị, báo phụ nữ, báo thiếu nhi, báo sáng tác, báo cóp nhặt, báo giấy, báo ôn lai, báo lên mạng, báo mang liệng, v.v… từng ấy loại báo, vậy các loại báo ấy mà ra báo Tết, họ có văn hóa báo Tết không? Ðương nhiên là phải có, còn có thế nào lại là chuyện sau Tết mới có kết quả.

- Bây giờ còn cả hai tháng mới đến Tết Con Gà, nhà anh thất nghiệp hay sao mà ngồi đó bàn tán linh tinh? Tết Con Gà thì có văn hóa của con gà, văn hóa của loài gà là gì thì dễ quá, chỉ khác biệt nhau mà thôi, như văn hóa gà đi bộ, văn hóa gà trong chuồng vẫn gáy, văn hóa gà Tây, văn hóa gà què, như gà què ăn quẩn cối xay,…

Viết lan man như thế người đọc có thể nghĩ tác giả đang vui? Không, người viết đang rất buồn. Người viết đang nhớ đến những ngày đã mất, những ngày Sài Gòn làm báo Tết. Ðúng ra, làm Giai Phẩm Xuân, vì báo Tết trước hết phải mang không khí mùa Xuân mới, phải màu sắc rực rỡ ấm nồng, phải là một giai phẩm, giai là đẹp, phẩm là có giá trị, ở đây là giá trị Tết, để nó khỏi trở thành báo dùng cho cả bốn mùa. Ngày Xuân ngày Tết, bên cạnh bánh chưng bánh tét, bên cạnh hoa đào hoa mai, trên mặt bàn bên ly rượu, tách trà, cần màu sắc thanh xuân. Ở trong tôi, những tờ Giai Phẩm Xuân giá trị của miền Nam loáng thoáng còn nhớ trong tâm tưởng.

Xuân Tiếng Dội, Xuân Tiếng Chuông, Xuân Tia Sáng của báo Nam.

Xuân Tự Do, Xuân Nghệ Thuật, Xuân Khởi Hành của báo Bắc.

1. Ký giả Diệp Văn Kỳ và báo Thần Chung

Ông Diệp Văn Kỳ (1895-1945) thuộc dòng dõi danh sĩ Diệp Văn Cương người Sa Ðéc (cha ông vốn cùng nhóm du học sinh Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản là du học sinh Việt Nam ở Alger thời đất nước thuộc Pháp) – mẹ thuộc Hoàng tộc – du học Pháp tốt nghiệp cử nhân Luật rồi mới về nước. Diệp Văn Kỳ không thực thụ hành nghề Luật mà nghiêng về ngành báo chí, mở Hội Khuyến Học đào tạo mở mang cho lớp trẻ, và tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết cũng trong chí hướng canh tân xã hội, phát triển văn hóa Việt Nam, và chống chính quyền do ngoại bang điều hành. Tờ báo đầu tiên của ông là Ðông Pháp thời báo, ra ba số mỗi tuần. Chính trong dịp này nhà thơ Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu từ Bắc vào Sài gòn, cộng tác với Ðông Pháp, và ông Diệp Văn Kỳ nổi danh là người hào phóng, trọng sĩ, khi tặng cho thi sĩ nghèo 1,000 (một ngàn) đồng Ðông Dương. Cuộc cộng tác Nam-Bắc trong làng báo được dư luận truyền tụng rất tốt đẹp. Tờ Thần Chung của Diệp Văn Kỳ xuất hiện năm 1929, nhưng bị đóng cửa sau vài năm. Nhóm các nhà báo tranh đấu chống đô hộ Pháp gồm Diệp Văn Kỳ, Bùi Thế Mỹ, Ðào Trinh Nhất bị Pháp trục xuất khỏi Nam kỳ, kẻ ra Bắc, kẻ về Trung. Nhưng một năm sau lệnh trục xuất được rút lại, các nhà báo tiền bối bất khuất lại tiếp tục tranh đấu, nhưng Diệp Văn Kỳ bị ám sát chết năm 1945 ở Củ Chi. Trước sau ông xuất bản hai tờ báo, Ðông Pháp và Thần Chung, không tờ nào sống lâu trên thực tế, nhưng danh tiếng lại trường cửu.

kygia
Ký giả Diệp Văn Kỳ (1895-1945), chủ nhiệm Thần Chung. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Trong cuốn “Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy tới 1930,” (1) hai tờ đó được ghi vắn tắt như sau:

- Ðông Pháp Thời Báo:

Cơ quan thông tin và thời sự, tuần 3 kỳ, sau đó thành nhật báo. Chủ bút: Nguyễn Kim Ðính, rồi Diệp Văn Cường. Năm I, số 1, 2-5.1923, Saigon. BN (Jo 93.859) BST từ 2-5.1923 đến 31.12.1927.

- Thần Chung:

Nhật báo thông tin và chính trị, cơ quan chống chính quyền. Chủ nhiệm: Diệp Văn Kỳ. Chủ bút: Nguyễn Văn Bá. Năm I, số 1, ngày 7.1.1929 – 22.3.1930, Saigon. BN (Jo 95.077) BST từ 8.1.1929 đến 22.3.1930

Tờ Thần Chung vào thập niên 50 được tục bản tại Sài Gòn.

2. Bìa báo Xuân miền Nam trước hết là một họa phẩm.

Bìa báo Xuân miền Nam không phải là một ảnh chụp tự thân, mà là ảnh chụp một tấm tranh. Một thời gian dài trước Tết, các họa sĩ nổi tiếng đã được các báo liên lạc, đặt vẽ tranh báo Xuân, và những cái bìa này sau đó, sau Tết, thường được người ta cắt ra, lộng kiếng treo lên, hay ít ra cũng được dán lên vách tường, vách quán. Có thể nói người họa sĩ ăn khách nhất vào mỗi mùa Xuân là họa sĩ Lê Trung, đến nỗi không cần đọc tên, chỉ nhìn bìa báo Xuân, người ta biết ngay ai là người vẽ tấm tranh đó: Lê Trung. Chín phần mười là tranh phụ nữ, và đó là một phụ nữ đẹp mỹ miều, gợi cảm, với tấm thân nở nang, ngực áo căng, đôi môi mọng, lông mày lá liễu đen mượt, cái nhìn trong sáng. Những tờ báo nổi danh miền Nam thường là phải in tranh bìa Lê Trung, từ Tiếng Dội của Trần Tấn Quốc tới Tiếng Chuông của Ðinh Văn Khai, và vô số những báo khác, nếu họ không mua được hình các cô đào thượng thặng như Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Mộng Tuyền, thì cần có tranh Lê Trung. Ông vẽ nhan sắc diễm lệ, song tranh ông không vì thế mà bị xếp loại chung chung, nó vẫn là tranh giá trị.

Lê Trung tên thật là Lê Toàn Trung, người Châu Ðốc, từng theo học trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương năm 1938. Tôi phải mượn lời tả của một người bạn trẻ từng phỏng vấn họa sĩ Lê Trung mới lột được hết vẻ đẹp phụ nữ miền Nam trong tranh bìa báo xuân của ông họa sĩ này:

“Tranh của Lê Trung được chú ý nhiều nhất là vẽ thiếu nữ với nét đẹp diễm lệ, sóng mắt ướt rượt, ngực nở, eo thon, hừng hực sức sống như cây trái miền Nam. Giới bình dân ở Sài Gòn, người dân miền Tây Nam bộ đặc biệt mê tranh bìa báo Xuân do Lê Trung vẽ. Tranh của ông đứng hẳn riêng một góc… Dạng tranh này có sức sống thật sự đến nỗi cho đến nay nhiều người còn nhắc đến để nhớ về một dĩ vãng êm đềm của thập niên 1950 lúc vừa thoát khỏi chế độ thực dân và chiến tranh chưa lan rộng.” (2)

Báo Tết hay Giai Phẩm Xuân do đó là một sản phẩm văn hóa, bắt đầu từ cái bìa. Chưa kể nội dung, các mục, các tác giả, nó là bộ mặt và thông điệp hàng năm của của một tờ báo theo ý riêng của người viết bài này.

Viên Linh

(1) Lịch sử báo chí Việt Nam, Huỳnh Văn Tòng, Trí Ðăng, 1973.
(2) Sài Gòn chuyện đời của phố, Phạm Công Luận, Văn Hóa Văn Nghệ, 2015.