Tuấn ngồi uống hết hai ly cà-phê, hút nửa gói thuốc mà vẫn không thấy bóng Giang. Từ khi hai đứa quen nhau, Tuấn đã biết thế nào là cồn cào mong ngóng. Chờ bao lâu, Tuấn cũng chịu được, miễn là Giang tới. Nhưng cái hẹn hôm nay, sao Tuấn cứ phập phồng thảng thốt, mình nhận tiền của người ta để đưa cho Giang là chuyện nên hay không nên? Giang không bao giờ đòi hỏi Tuấn bất cứ điều gì, việc Tuấn làm hoàn toàn tự nguyện. Khi yêu hình như ai cũng trở nên cao cả, tuy đôi khi là một sự cao cả ngờ nghệch, mù quáng. Tuấn đánh đổi tất cả chỉ để ngăn cái ý định điên rồ của Giang là đồng ý lấy cái lão xì thẩu, giám đốc tập đoàn sản xuất các đồ dùng giường gối, xe nôi, áo quần cho trẻ sơ sinh. Nhìn lão ta thôi mà là đàn ông, Tuấn cũng nhờn nhợn muốn ói, huống chi là mong manh như Giang. Lão ta vừa già vừa xấu, đứng chỉ chạm vai Giang, bề cao bằng đúng bề ngang rồi chân lại cà xích, mặt u ám nổi u nổi sần y như cóc chết.
Tạo hóa chơi khăm, bù lỗ cho lão một đống của nả ngút đầu. Dun rủi sao, nhìn thấy Giang lần đầu, lão đã mê cô như điếu đổ. Chuyện gì về lão, Giang cũng bô bô, nào là lão chủ bao nhiêu căn biệt thự khủng, bao nhiêu cái siêu xe, đã có bao nhiêu bà vợ... nhưng Giang nào dám kể thật cho Tuấn nghe về bịnh kín của lão. Hình dạng, mặt mũi đã gớm ghiếc rồi mà chưa kinh khủng bằng lúc lão ta mở mồm, có thể làm người đối diện ngất đi vì phải nhịn thở quá lâu. Và lão đã mở máy nói thì phải đợi khán giả ngủ gục mới thôi. Cuộc sống khắc nghiệt đã biến việc hôn nhân giờ đây thành ra một cuộc đổi chác trần trụi. Thuận mua vừa bán, trơ trơ như gỗ đá... Tuấn biết, cuộc trao đổi nào cũng có điều kiện, thôi, để Tuấn thiệt thòi còn hơn thấy Giang bị vùi dập, tả tơi của kẻ thô lậu đã từng một tay chôn biết mấy cành phù dung (Truyện Kiều).
Buổi chiều đang dần xuống, mấy hôm trước mưa tầm tả, con đường nào cũng thành sông thành suối vậy mà chiều nay tự dưng tạnh ráo, bầu trời dịu nắng êm ả như có một mùa thu nào vừa ghé chân đến cái thành phố phương Nam quanh năm chỉ biết hai mùa mưa nắng. Lòng buồn, cộng thêm hơi gió se lạnh làm cho con người đang mang vác những lo toan cũng chợt bải hoải, tắt ngấm bao ý định năng nổ. Chỉ muốn buông xuôi. Sống trong bế tắc triền miên như đang bị bóng đè, cái gì cũng thấy nhưng không kháng cự được. Vùng vẫy kiểu nào rồi cũng không ra được cơn ác mộng. Đợt khách uống cà-phê buổi chiều đã vãng, bác Thọ mới rảnh tay quét dọn lại cái quán bé xíu, nhàu nhĩ của mình.
Bác Thọ là anh của ba Tuấn. Bác vốn là giáo viên, nay đã về hưu, đổi sang bán quán để kiếm thêm, phụ vào lương hưu vốn ít ỏi của bác. Tiền chỗ bác chia tứ lục với một bà bán hột vịt lộn chỉ dọn hàng vào sập tối. Thấy bác hiền lành nhu mì, bà bán hột vịt lộn càng ngày càng lấn lướt, hết bắt bác dọn dẹp quét tước rồi lại đi lấy trứng giùm bà vì bà còn đang mải mê đi nghe Thần lô đại hiệp bàn đề, lo cầu ghép số dọc-cầu ghép số ngang-cầu lô rơi... Càng ngày bà càng lún sâu vào cuộc đỏ đen, nợ nần như chúa chổm, ngay tối hôm 30 năm rồi chủ nợ còn đến làm dữ, bác Thọ phải thay mặt bà rút tiền dành dụm của bác gần chục triệu đưa ra, bà mới yên thân với bọn xã hội đen.
Nhưng cái chuyện làm bác đắng lòng nhất là việc bà nhờ bác viết thư cho con gái bà đang lao động hợp tác bên Dubai, nói dối rằng bà bị lao thời kỳ cuối, cần rất nhiều tiền để chạy chữa! Giá mà con gái bà kiếm tiền dễ dàng còn đỡ, trong thư gửi cho mẹ, cô toàn kể phải đi làm tạp vụ, chùi dọn nhà vệ sinh phi trường vừa bẩn vừa cực, lại bị đối xử khinh khi bóc lột, chỉ mong dành dụm ít vốn để quay về Việt Nam buôn bán, sao bà không chịu nghĩ mà thương con một chút. Khuyên giải bao nhiêu cũng như nước đổ đầu vịt, vì ai đã vướng vô ba cái tứ đổ tường đó thì chỉ có nước đành chờ tới lúc kiệt quệ, tan nhà nát cửa may ra mới tỉnh thức. Quán bác Thọ khách không đông nhưng toàn là khách quen mặt, uống chỗ bác một lần là cảm mến, có lẽ nhờ vào lương tâm chức nghiệp mấy chục năm đi dạy nên cà- phê quán này không bị pha tạp so với các quán cà- phê vỉa hè khác mọc nhan nhãn đầy đường.
Tuấn ra kỹ sư loại giỏi vậy mà cả mấy năm vẫn chưa xin được việc làm vì thiếu ô dù cũng như phong bì bôi trơn. Không đành lòng thấy mẹ ngày nào cũng oằn vai bán trái cây chắt chiu gửi cho mình từng đồng lây lất sống chờ thời, Tuấn đổi sang nghề chạy xe ôm. Thời nào cũng vậy, hết gạo chạy rông thì nhất nông nhì sĩ, mà mẹ Tuấn thì đất cát hương hỏa gì không còn một rẻo vì cứ mỗi năm Tuấn lên lớp là mẹ lại cắt một phần sang nhượng để gửi lên thành phố cho con. Cái năm Tuấn thi ra trường thấy trong nhà trụi lủi, định bỏ ngang thì bị mẹ rầy cho một trận. Bà về âm thầm di tản cái bàn thờ chồng sang nương náu một góc vườn nhà ngoại, đặng giao phứt nhà cho người ta đổi lại mười mấy triệu, mang lên cho con trai được ăn học đến nơi đến chốn. Mẹ cho con cả cuộc đời rồi thì nhằm nhò gì ba cái lụn vụn đất cát đó. Bây giờ mỗi lần về nhà nhìn cái bằng kỹ sư của mình được mẹ trang trọng lộng kiếng, Tuấn thấy nghẹn ngào thương mẹ và nỗi thèm muốn phải bằng bất cứ giá nào xoay ra tiền chuộc căn nhà xưa cho mẹ lại cháy bùng lên.
Chỉ có một người có thể thỏa mãn ước mơ đau đáu trong tim Tuấn, đó là chị Hoài. Chính bác Thọ là người tìm việc cho Tuấn đến làm tài xế riêng cho chị Hoài từ hơn năm nay. Lương cao lại nhàn. Chị Hoài là dược sĩ bên Pháp, ba chị bị đột quỵ bán thân bất toại, chị về săn sóc cha những ngày cuối đời. Lúc đầu chị Hoài còn ngần ngại, ý tứ nhưng dần dà Tuấn để ý hình như lực bất tòng tâm, càng ngày tình cảm chị dành cho Tuấn càng khó đè nén, cứ chực vỡ òa. Ngày xưa ngồi xa cả gang tay còn bây giờ cứ lên xe là chị vòng tay qua eo Tuấn chặt cứng, cho Hoài mượn cái eo, Tuấn chạy nhanh làm Hoài sợ ghê! Cái eo của Tuấn chẳng đáng giá gì nhưng Tuấn cám cảnh mình nghèo, lại hay cả nghĩ, không biết mình cứ im lặng rồi chị ấy có khinh mình không? Mấy thằng bạn cùng nghề nói năng bạt mạng:
- Số mầy là trời ngó lại rồi, bả là dược sĩ chủ mấy cái nhà thuốc Tây bên Pháp, nay mai lại thừa kế thêm cái vi-la to đùng của ông già bả trong khi mầy dân bần cố nông, mơ ước lên đời thì chờ kiếp sau nghe con! Bả là gái già, giống như hàng tồn kho mất chìa khóa, có mà ở ế tới già. Bây giờ đụng mày dân trí thức, đứng đắn đàng hoàng, coi như mày muốn hét giá cỡ nào, bả chồng theo cỡ đó. Cứ nghe lời tụi tao, đời nay phi công lái máy bay bà già nhan nhãn, lương tâm không bằng lương thực. Coi như hy sinh chục năm tuổi trẻ, sau đó xin vô quốc tịch Tây rồi mình dông, thiệt gì.
Nghe tụi bạn bặm trợn bàn tán, Tuấn mới dòm kỹ chị Hoài. Ăn tiền ở cái da cái tóc; tóc chị mượt mà, còn da thì trắng bóng như men sứ. Chỉ có điều trông chị nghiêm nghị quá, cặp kính dầy cui, và tạng người bằng phẳng như chưa từng dậy thì. Có thể đánh lừa khi nhìn sau lưng vì vóc dáng gầy guộc, nhưng quay mặt lại, chao ơi, muôn trùng dấu tích thời gian, thứ mà đồng hồ sinh học luôn luôn công bằng ban phát cho bất kỳ một ai. Bác Thọ ngày ngày thấy hai người đèo nhau, hóm hỉnh nhắc khéo Tuấn một câu:
- Tuấn này, bác thấy cô ấy tính chuyện dài lâu chứ chả phải chơi! Người đàn bà mà tới tuổi này mới biết yêu lần đầu là khủng khiếp lắm đấy!
Thấy trâu không chịu đi tìm cột, chị Hoài đành phải đổi vai cột đi tìm trâu. Tháng trước chị mời Tuấn đến dự sinh nhật của chị, ra ăn nhà hàng nổi Bến Nghé trên sông Sài Gòn. Đến nơi mới ớ ra là chỉ có Tuấn là khách. Ăn xong, lúc thả bộ theo bến tàu, gió thổi phần phật tóc chị Hoài phủ kín cả mặt Tuấn. Mấy ly vang đỏ thêm sức cho chị Hoài trở nên mạnh dạn, chị vùi đầu vào ngực Tuấn thổn thức:
- Hoài yêu Tuấn thật lòng, muốn đi đến cuối đời với Tuấn. Lo chuyện hậu sự cho bố Hoài xong thì Tuấn sang bên đó với Hoài nhé. Hoài biết Tuấn còn mẹ dưới quê, chúng mình sẽ gửi tiền để xây lại nhà cho mẹ hưởng già, không phải làm lụng vất vả gì cả.
Giọng chị run rẩy nghẹn ngào. Nghe thương quá, thương cái tình của một người đàn bà quá lứa, cô đơn. Sự chênh lệch hai mươi mấy năm bỗng chốc hóa hư không. Giá mà Tuấn chưa yêu ai, chắc Tuấn cũng mềm lòng nhưng khổ nỗi, nửa năm trước Tuấn bị tiếng sét ái tình! Hôm đó bác Thọ bị ốm nặng, Tuấn mua thuốc đến cho bác. Trời nhá nhem, xe Tuấn ở ngoài đường quẹo vào đụng cái xe trong hẻm phóng ra cái rầm. Cái đèn đường thì cứ lắp bóng mới lên là nửa đêm có đứa leo lên gỡ xuống khiến tổ trưởng khu phố chửi chán rồi cũng mặc kệ, nên lâu lâu có vụ xe cộ cọ quẹt trầy trụa nhau ở đây là chuyện thường. Giang đi ẩu, may mà Tuấn thắng kịp, vậy mà con nhỏ vẫn cô hồn đanh đá:
- Mắt mũi để đâu vậy cha? Bộ muốn chết hả?
Tuấn tính cự lại nhưng nhìn lên rụng rời như đụng hồ ly tinh. Giang đẹp đến hút hồn người đối diện. Sau này quen nhau, Giang kể hôm đó có người đến ký hợp đồng, mời Giang ra Resort Mũi Né cả một tuần. Giang ơi là Giang, người ta mời em vì cái khác, em đừng tưởng bở. Tuấn đã từng nghe Giang hát, Giang hát giọng mũi, mỏng, làn hơi lại không dài, ca kiểu này vô mấy quán Karaoke lấy thúng mà đong. Thế mạnh của Giang là ngoại hình cực kỳ liêu trai mời gọi, biết phô trương những thứ để nhìn hơn là để nghe. Mỗi lần bấm bụng mua vé cắt cổ vào phòng trà ngồi bên dưới nhìn lên nghe Giang hát, về nhà là Tuấn buồn mất ăn mất ngủ vì những người hâm mộ muốn tặng hoa, muốn mời ca sĩ đến ngồi chung bàn toàn những tay mắt đục ngầu dục vọng. Từ ca sĩ đến ca ve thời nay chỉ trong gang tấc. Nhìn mấy tay đại gia béo tốt cứ tìm cách sàm sỡ cấu véo da thịt Giang, Tuấn chịu đời không thấu, lửa hận bốc lên ngùn ngụt. Nhưng phải dằn lại vì Tuấn là cái đinh rỉ gì so với bọn trọc phú đó. Đành về ngang. Cái bọn ăn chơi đốt tiền dễ dàng trong một đêm bằng người chân chính làm việc cả năm chắc chắn không phải là người lương thiện mà chỉ là bọn sâu bọ chuyên môn hối lộ, tham nhũng, đục khoét của công mà thôi. Hôm sau, Giang cự liền:
- Anh là ai mà bày đặt khinh tui chứ? Nói cho anh biết, anh không phải cha tui đâu đó nghe. Chịu không được thì biến, con này không cầu!
Biết Giang quá quắt, nhưng lỡ thương Giang rồi, Tuấn nghiến răng chịu đựng. Hình như sắc đẹp đi đôi với quyền lực, nên người đẹp thường có quyền làm tất cả, ngay cả quyền giẫm nát trái tim người khác. Một thằng bạn thân của Tuấn mở siêu thị mi-ni, tìm nhân viên bán hàng lương 2 triệu, Tuấn mừng quá đến đập cửa nhà Giang báo tin, Giang ôm bụng cười ngặt nghẽo:
- Anh người hành tinh hả? Lương như vậy chỉ đủ trả tiền nhà, còn tiền ăn, tiền áo quần son phấn xe cộ, tiền gửi về cho bà già tui chạy thận, lấy đâu ra?
Nói năng chan chát như vậy nhưng cũng có những hôm Giang dịu dàng như một người vợ ngoan hiền, đảm đang. Áo yếm, váy nhựa dẻo xếp gọn trong tủ. Chỉ đồ bộ hoa lấm tấm cổ lá sen, tóc cột đuôi ngựa, Giang tự tay xào nấu những món bình dân như canh chua, cá kho tộ mà mẹ Tuấn hay làm. Giang ngồi một bên nhìn Tuấn nhồm nhoàm mà vui tới no ngang. Khung cảnh ấm cúng như bữa ăn của một đôi vợ chồng mới cưới không làm Giang quên được cái thân phận bọt bèo của mình. Thoắt một cái, đang hơn hớn tự dưng Giang dàu dàu:
- Nếu má tui không bịnh, ba tui không mất sức, thì tui đâu có phải lây lất lên đây.
Tuấn biết Giang không nói dối vì Giang biết rõ Tuấn cũng nghèo, Giang đâu thèm diễn để moi tiền Tuấn như đa số những cô gái đứng đường, cô nào cũng có một cái lý lịch muồi mẫn, má đau cha bịnh, nghe riết bắt thuộc lòng. Cuộc tình của Tuấn và Giang nhảy cóc qua mấy giai đoạn thẹn thùng, e ấp. Bảy tháng quen nhau mà hiểu nhau tận tường như một đôi vợ chồng đã chung sống với nhau bảy năm. Sự thiếu hụt và mãnh lực đồng tiền làm cho tình yêu của họ mất đi cái ngọt ngào thơ mộng, không gặp thì nhớ đến quay quắt, mà gặp rồi toàn đụng chuyện trần trụi đắng chát. Có lần mắc việc đi ngang quê của Giang, Tuấn tò mò cho xe chạy qua nhà Giang dòm vô. Nhà Tuấn đã xập xệ lắm rồi mà nhà Giang còn bệ rạc hơn. Mẹ Tuấn tối đi bán về còn có cái Ti-vi coi cải lương, phim bộ chứ nhà Giang còn không đủ đóng tiền điện, cả nhà ngồi ăn cơm xì xụp lù mù dưới ngọn đèn dầu. Tình yêu của Tuấn dành cho Giang là thứ xa xỉ và buồn cười như việc tặng hoa cho người chết đói. Thời đại này mà ca một túp lều tranh hai quả tim vàng là thiếu thực dụng. Vui có được ngày cưới, sau đó tha hồ đay nghiến, cấu xé nhau vì miếng cơm manh áo. Giang cũng yêu Tuấn, nhưng Tuấn thì không đủ sức để chia sẻ mọi chi phí đang đè nặng trên hai vai cô. Lần tâm sự nào cũng đầy ắp những dự định cơm áo gạo tiền:
- Chắc sang năm tui nghỉ hát anh Tuấn à. Có một thằng cha chủ mấy cái đầm tôm mê tui, kêu tui làm vợ bé thì ổng sẽ đài thọ hết chi phí để cho má tui thay thận mới! Tuấn rụt rè hỏi phí tổn. Giang quay sang nhìn Tuấn chế giễu:
- Anh có mười ngàn đô thì tui theo không, làm mọi suốt đời cho anh liền. Con số khổng lồ làm Tuấn choáng váng. Nhiều khi khổ quá không biết dồn vào đâu, người ta hay dồn vào nhau. Tuấn tự nhiên phát biểu một cách ngu ngốc không tưởng nổi:
- Ờ, Giang tính vậy đúng đó, nghèo hoài chán lắm. Chắc tui cũng kết với bà Hoài cho rồi. Bữa nào sang Pháp tha hồ tới đập đầu vào tháp Ép-phen rồi chết cũng đáng mặt.
Giang trừng trừng nhìn Tuấn rồi bất ngờ nhổ một bãi nước miếng vào mặt Tuấn! Hôm sau đến đón Giang ở phòng trà. Giang ra muộn, gương mặt hốc hác, uể oải. Cô ngập ngừng vài ba giây rồi cũng leo lên xe Tuấn. Cả đoạn đường không ai nói với ai một lời. Mà cũng không biết nói lời nào cho hợp cảnh hợp tình bây giờ nữa, nói ra chắc càng héo ruột héo gan. Giang ngái ngủ:
- Anh Tuấn ơi, giờ này tui chỉ muốn ngủ, ngủ luôn nhiều khi còn hạnh phúc hơn là sống như bây giờ.
Tuấn chở Giang về nhà, dìu cô vào giường và ngồi yên lặng nhìn cô ngủ say. Khi ngủ, Giang trở nên dịu hiền như một cô bé nhu mì trong trắng. Vậy mà một tuần sau, Tuấn nghe kể, cả khu phố bu đen bu đỏ coi bà vợ ông chủ đầm tôm từ dưới quê lên đem theo mấy bà chuyên viên đánh ghen, dần cho Giang một trận nhừ tử. Lần đầu cảnh cáo nên bà không tạt ácxít, mà chỉ đánh bầm giập méo mó khủng khiếp. Tất cả tiền dành dụm định mang về cho mẹ ăn Tết, Tuấn âm thầm đem ra thanh toán viện phí cho Giang hết sạch. Giang khóc sưng vù cả hai mắt vì sợ xấu mặt chứ không vì xấu hổ. Cô nghiến răng thầm hứa bao giờ lành, sẽ kiếm thằng chồng giàu hơn để cho đời biết tay!
Hôm trước ngồi đợi khách tình cờ Tuấn đọc được một cái truyện cười. Thoạt tiên cười chảy cả nước mắt nhưng sau đó lại thấm thía nỗi đau của một mối tình nghèo, định tối nay kể cho Giang, vậy mà bây giờ sắp gặp nhau, thấy hoàn cảnh mình còn bế tắc hơn cả đôi trai gái trong truyện. Truyện rằng: "Ở nông thôn có hai anh chị yêu nhau thắm thiết nhưng không lấy nhau được, họ bèn rủ nhau vào một đêm tối sẽ cùng nhảy xuống giếng tự tử cho trọn cuộc tình. Đêm hôm đấy, chàng ra bờ giếng đầu làng ngồi chờ nàng, đến nửa đêm mà không thấy bóng nàng đâu. Đau bụng, chàng chạy vào lùm cây giải quyết thì nàng xuất hiện. Dáo dát tìm bóng chàng chả thấy, chỉ thấy đôi dép lốp chàng để lại bên bờ giếng thì nàng buồn rầu thở dài, chắc người yêu mình buồn tình quá đã nhảy trước xuống giếng rồi. Ngẫm nghĩ vài giây nàng quyết định không dại gì mà tự tử cho phí cả ngày xanh má hồng, nàng vội vã quay về nhà nhưng vẫn không quên lấy theo đôi dép lốp của chàng mang về cho bố hay cho thằng em trai cũng đỡ lắm chứ! Nàng vừa cắp dép vào nách chưa kịp quay đi thì chàng trong bụi bước ra. Thấy dép bị cắp, chàng quát lên, con kia, sao mày dám thuổng dép của ông, bỏ ngay xuống không thì ông tẩn cho một trận nhừ đòn!" Thế là tan một thiên tình sử đẹp như mơ!!!
Màn đêm đang dần xuống, nhọ mặt người. Ai rồi cũng có một gia đình để về quây quần ấm cúng, Giang ơi, giờ này Giang còn phải bươn chải nơi nao. Thấy Tuấn ngồi ôm khư khư cái túi trước bụng, hết dáo dát lại chuyển sang rầu rỉ, rồi lại ỉu xịu như bánh đa nhúng nước, ông Thọ biết hết. Nhưng ông ngại ngùng không dám đến ngồi trò chuyện như mọi khi, sợ làm đau thằng nhỏ. Mãi cho đến khi Tuấn gọi hai, ba lần, ông mới rụt rè mang bình trà đến. Thấy ông cứ chăm chú pha trà, Tuấn sốt ruột:
- Bác ơi, bác có biết cô Giang đi đâu không, cháu vào nhà cổ mấy lần mà lần nào cũng thấy cửa khóa bên ngoài kín mít?
Ông Thọ vừa rót trà vừa lắc đầu. Ông tế nhị không dám kể lại với Tuấn là hôm kia thấy Giang say khướt, đánh đu với một lão già Tàu líu lo ngộ ái nị, kêu bằng ông ngoại dư sức. Thấy nẫu cả lòng, trong đầu ông Thọ bỗng nhớ tới câu, tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng mán thằng mường nó leo. Trước sau gì rồi Tuấn cũng sẽ biết, nhưng để từ từ kẻo tội nghiệp. Hai bác cháu cứ âm thầm nhấm nháp trà, trà có đắng thêm nữa cũng không bằng nỗi lòng của Tuấn. Bất chợt, điện thoại di động của Tuấn hối hả giật ngược, ừ ừ, Hoài đợi chút, Tuấn tới liền. Tuấn tắt điện thoại mà mặt buồn nghiến. Suy nghĩ vài phút, Tuấn dứt khoát cởi cái túi kaki nãy giờ ôm trong lòng, chầm chậm đưa về phía ông Thọ:
- ... Bác ơi, hôm nay bác có gặp cô Giang thì bác đưa cái túi này cho cổ giùm cháu- ngần ngừ một lúc, Tuấn nhỏ giọng thêm- sáng nay cháu và Hoài đã đi đăng ký, ngày mai đưa Hoài về ra mắt mẹ cháu và bà con dưới quê. Còn tiền này Hoài đưa cho cháu để lo chuyện đám tiệc và mua nhà cho mẹ cháu nhưng cháu nghĩ Giang cần hơn, mẹ Giang bịnh nặng lắm bác Thọ à, bác làm phước đưa liền cho Giang nha bác...
Ông Thọ còn đang ú ớ chưa hỏi được gì cho ra ngô ra khoai, Tuấn đã nhảy lên xe mất dạng. Tuấn, Giang, Hoài cả ba đều đáng thương, không thể chạy đuổi vòng vòng mãi được thì cũng phải có người bỏ cuộc, tan hàng. Đời không có oái oăm, ngang trái thì trái đất đã thành thiên đàng. Ông mà là Tuấn chắc thương ai rồi ông cũng hy sinh cho người đó. Chọn lựa nào cũng có người phải thiệt thòi, đau khổ vì để quên người mình yêu nhiều khi cần cả phần đời còn lại.
Bây giờ tới phiên ông Thọ bần thần, tại nó đi gấp quá chứ lần sau mà Tuấn ở dưới quê lên, chắc ông sẽ nhỏ nhẹ căn dặn Tuấn một điều, đừng bao giờ phụ rãy, đừng bao giờ làm tổn thương Hoài, vì cô ấy đã đến với tình yêu bằng cả một tấm lòng chân thực...
Trần Thị Hương Cau