User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
Cuối tháng Tư, cô bạn chủ web TPH lại nhắc nhở viết bài cho ngày lễ Mẹ. Thật tình mà nói, cứ “lôi” chuyện má mình ra nói hoài cũng nhàm, nhìn quanh những người mẹ của bạn cũng tuyệt vời không kém, vì tình yêu dành cho con cái của mỗi người mẹ đều như nhau chỉ khác nhau cách thể hiện mà thôi, vậy thì phải viết gì đây khi mỗi năm “đến hẹn lại lên” cần có bài viết mới. Dự định lướt web để  tìm ý tưởng thì may thay nghe được câu chuyện của một người bạn đã giúp tôi có được bài viết này. Xin được đổi tên và thay đổi một vài chi tiết vì vị này không muốn bạn bè hay người thân tình cờ đọc sẽ nhận ra câu chuyện của mình.
 
tan man ve Me 1
 
Chị lập gia đình ở Việt Nam và khi đứa con vừa 6 tháng tuổi thì chồng chị đã lâm trọng bệnh và qua đời khi còn rất trẻ, anh 28 tuổi và chị chỉ mới 22. Chị được phép rời khỏi nhà chồng để về ở với mẹ và một đàn em còn nhỏ (vì ba chị cũng đã mất). Khỏi phải nói thì cũng biết là cuộc sống khá vất vả khi chị phải cùng mẹ lo cho cả đại gia đình 8 người, chưa kể con chị còn nhỏ và cậu em út cũng chỉ lớn hơn con trai chị 2 tuổi mà thôi. Sau 3 năm thủ tiết thờ chồng và lo cho đàn em cùng con nhỏ, cuộc sống đã trở nên dễ thở hơn. Do phải giao tiếp nhiều vì công việc làm ăn nên biết bao chàng trai tới ngắm nghé vì ngoài trẻ tuổi, chị còn là người có nhan sắc, rất duyên dáng và khéo ăn nói, thêm vào đó chị có tài buôn bán, nên không lạ gì bướm ong vây quanh.
 
Tuy nhiên chị vẫn không nghĩ đến chuyện bước thêm bước nữa dù không ít người rất thành công trong sự nghiệp muốn tiến tới. Chị bảo “con còn quá nhỏ nên không muốn con mình bị chia sẻ tình mẫu tử, vả lại các em cũng chưa trưởng thành vẫn còn cần sự giúp đỡ của chị”. Khi con bắt đầu đi học từ tiểu học đến trung học thì vẫn là lý do “con vẫn còn cần mẹ” để từ chối những lời cầu hôn. Năm 1980, chị bấm bụng cho con cùng đi với cậu dì vượt biên để mong có được tương lai xán lạn nơi xứ người, chứ không đi cùng vì “lỡ có bị bắt thì mình cũng biết đường lo, chứ cùng đi cả thì xoay sở thế nào được nếu xảy ra chuyện”.
 
Khi con đã thành công nơi xứ người, có công ăn việc làm ổn định, chị được con bảo lãnh qua đoàn tụ. Lúc này là lúc mà con trai thể hiện được tình cảm của đứa con hiếu thảo, lo cho mẹ hết mọi chuyện, từ chuyện đi lại giao tiếp nơi xứ người cho đến cả tiền bạc cũng giao mẹ giữ hết. Mỗi lần đi công tác xa nhà, nếu có thể sắp xếp được, chị cũng được “tháp tùng” theo con; còn nếu không được thì con cũng lo xếp đặt chu đáo cho mẹ ở nhà không phải lúng túng hay bị trở ngại chi cả. Nhìn chung, chị vô cùng hãnh diện với đứa con cưng của mình và vui thú để hưởng thụ những gì mình xứng đáng được nhận sau bao nhiêu năm hy sinh cực khổ để nuôi dạy con nên người.
 
Nếu dòng đời cứ như thế nhẹ nhàng trôi thì chắc chẳng còn chi để bàn nữa, nhưng cũng như bao bà mẹ khác, chị bắt đầu nghĩ đến việc tìm vợ cho con, và những mâu thuẫn dần xuất hiện. Ở xứ người nhưng chị vẫn muốn giới hạn giao thiệp ở trong cộng đồng Việt Nam mà thôi, dù chị không phải gặp trở ngại nhiều lắm về ngôn ngữ. Cách suy nghĩ và lối sống khác biệt giữa hai mẹ con đã có những mối khúc mắc nhưng cũng qua đi, chỉ khi chị muốn con tìm hiểu những cô gái mà chị ưng ý thì cậu con trai bắt đầu cười cười chọc mẹ bằng cách đưa về nhà những bạn gái người bản xứ, thậm chí cả người da đen (vì lúc đó cậu chưa có đối tượng) nhưng dần dần thấy rõ là mẹ thật sự muốn như thế, bởi mỗi lần cậu đưa bạn về giới thiệu là mẹ tỏ thái độ thiếu thiện cảm ngay. Vì thương chiều mẹ và cũng chưa có tình cảm sâu đậm với ai nên cậu bắt đầu tìm hiểu các cô gái Việt nam chung quanh hay do sự giới thiệu từ người quen biết.
 
Cuối cùng cậu cũng tìm được một bạn gái người Việt hợp ý để đưa về nhà chào hỏi, chị vui vẻ tiếp đón nồng hậu.  Những tưởng mọi chuyện sẽ suôn sẻ, ngờ đâu khi thấy con mình càng ngày càng có tình cảm gắn bó với cô bạn thì chị bắt đầu… ganh tỵ, moi móc những lỗi lầm của hai đứa – dù không đáng kể - để tìm cách cản ngăn, kể cả dùng nước mắt và những kể lể công lao nuôi nấng để phản đối những đề nghị chung sống ngược ý của chị. Thế là cậu con trai đành nghiêng về phía mẹ, bởi cậu biết tính mẹ mình, vợ sẽ khó sống vui vẻ với mẹ chồng khi bà đã có thành kiến.  Quá thất vọng, cô bạn gái nói lời từ giã và quyết định qua Mỹ lấy chồng, để lại nỗi đau buồn xót xa trong lòng cậu qua nhiều năm tháng.
 
tan man ve Me 3
 
Để tìm quên, cậu lao vào công việc và làm thêm công tác thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo khó tại quê nhà. Tiếng sét ái tình lại đánh trúng cậu khi gặp được những mảnh đời thương tâm… Lần này mẹ cậu phản đối kịch liệt vì cho rằng con mình đang bị lợi dụng vì “mác” Việt kiều, tuy nhiên lần này cậu cương quyết không nhượng bộ… Cậu tự ý làm đám cưới  và làm thủ tục giấy tờ để bảo lãnh vợ qua. Đáng tiếc thay, lần này chị đã đúng và cậu đành hát bài “Tôi đã lầm đưa em sang đây” và phải ký giấy ly dị cùng một số tài sản được phân chia. Tinh thần cậu suy sụp, chị lại tìm mọi cách nhằm xoa dịu nỗi buồn của cậu như tổ chức những buổi hội họp ăn uống, khuyến khích cậu tham dự những chuyến đi chơi với bạn bè cùng trang lứa, kể cả thủ thỉ dỗ dành… nhưng cậu chỉ im lặng và từ chối hết mọi cuộc vui. Cậu quyết định lánh xa mọi người bằng cách tình nguyện làm việc ở vùng hẻo lánh…
 
Chị hụt hẫng và những ngày sống một mình nơi thành phố đông đúc đã làm lòng chị quay quắt nhớ thương con và nỗi ân hận dâng tràn. Đành rằng phát xuất từ lòng thương con, mong con luôn hạnh phúc và mọi việc hanh thông, tuy nhiên can thiệp  quá nhiều vào cuộc sống của con - nhất là khi con đã trưởng thành – là điều nên tránh. Dĩ nhiên chia sẻ những kinh nghiệm sống, cho những lời khuyên hay phân tích lợi hại trong những câu chuyện đời là cần thiết nhưng quyết định cuối cùng nên dành cho con. Và quan trọng hơn hết là phải tôn trọng suy nghĩ của con, đừng áp đặt hay hướng dẫn theo ý mình, hãy nhớ rằng mỗi người đều có trách nhiệm với đời mình, do đó cuộc đời tốt đẹp hay trở ngại là cái giá phải trả cho lựa chọn của mình. Chị nhận ra điều đó và mong sẽ áp dụng được trải nghiệm này với con trong suốt quãng đời còn lại của mình, nhưng biết đến khi nào mới có thể thực hiện được đây, khi chắc chắn một điều là ngày Lễ Mẹ năm nay chỉ có một mình chị lặng lẽ trong căn nhà rộng lớn!!!
 
Làm Mẹ là một thiên chức thiêng liêng và vinh dự nhưng không phải lúc nào cũng nhận được nụ cười thỏa mãn và hãnh diện mà còn có những giọt nước mắt xót xa lẫn ân hận, dù mọi điều mình làm, suy ra cho cùng thì tất cả cũng vì con, nhưng đôi khi chỉ cần lệch hướng một tí là mọi chuyện trở nên khác hẳn. Và Mẹ nên hiểu cho người làm Con cũng có nỗi khổ tâm  khi mẹ cứ muốn ra tay bảo bọc, can thiệp vào đời tư và nhất là không muốn con chia sẻ tình yêu thương với một ai khác. Cũng vì các bà mẹ đôi khi lẫn lộn giữa thương yêu và "cái tôi", giữa chăm lo và "xía vào" mới ra nông nỗi. Mong sao tình mẹ con luôn được cảm nhận và bày tỏ đúng lúc, đúng nơi để  ngày lễ Mẹ mãi tràn đầy niềm vui với nụ cười hạnh phúc dành cho những bà mẹ vì họ xứng đáng được nhận lãnh món quà tinh thần này từ con cháu và mong là không có từ "phải chi..." được thốt ra hay những giọt lệ ân hận vì đã muộn màng từ cặp mắt của Mẹ hay Con...
 
tan man ve Me 2
Hồ Diệu Thảo