User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Cha mẹ tôi được ông Xuân cho trú ngụ tại nhà ông trong thời gian đầu đến Mỹ. Một tuần sau, cha tôi tìm mọi cách để xin việc, rồi được nhận vào làm cho tiệm ăn nhỏ trong vùng, với mức lương tối thiểu và được giữ số tiền tip mà khách tặng. Một gia đình người Mỹ, mà chủ nhà là cựu chiến binh tham gia chiến tranh Việt Nam, mời ông về sống với họ, cho ông ở miễn phí một căn phòng trong nhà, còn mẹ tôi thì vẫn ở tạm chỗ cũ.

Cầm được những đồng tiền đầu tiên do sức lao động của mình trên xứ người (lúc đó, cha mẹ tôi vẫn còn gọi Mỹ là xứ người để phân biệt với Việt Nam – nơi họ vừa liều mạng ra đi – là xứ mình, là quê hương) cha tôi cảm động lắm. Những khoản tiền tip 25 xu, 50 xu sẽ là chìa khoá mở cho ông cánh cửa vào một tương lai mới. Ông làm việc thật chăm chỉ, nhưng vẫn không có kết quả như mong muốn vì ông chưa thể giao tiếp được bằng tiếng Anh.

Công việc đầu tiên trong ngày là đến cửa tiệm vào 5:00 AM. Ông thức dậy lúc 4:00 AM, làm vệ sinh, mặc áo quần rồi đi bộ đến tiệm, cách nhà chừng 2 cây số. Trời mùa Đông xứ Bắc Mỹ lạnh buốt, tuyết rơi mù trời. Có sáng ông đến nhưng chưa có ai mở cửa tiệm để vào. Ngoài trời gió lồng lộng, phất phới tuyết. Lạnh quá, chịu không nổi, ông chui vào cái trạm điện thoại công cộng ngoài bãi đậu xe để trú. Trạm chừng một mét vuông, có vách che kín 3 phía, chừa lại một phía. Ông đứng quay mặt vào trong, chống hai tay lên ngăn để điện thoại và cuốn niên giám, chìa lưng ra ngoài, đếm từng giây, mong tay quản lý đến để được vào trong.

than nhien1

Ngày Thứ Ba, Thứ Năm, được chia phải làm ca tối, ông đi về lủi thủi trên đường vắng, bóng ngả mờ mờ dưới ánh đèn đường, cố gắng giữ ấm, đến nhà đã hơn 10:00 PM, mọi người đã ngủ. Ông lui cui lục tủ lạnh, tìm cho mình bữa ăn vội, có gì ăn nấy.

Đêm đó, bụng đói meo, về phòng thay đồ ra, ông không dám gây tiếng động, không bật đèn sáng. Vào bếp, lấy mấy khoanh bánh mì, ông tìm thức ăn nhưng không thấy món gì hấp dẫn ngoài phô-mai và bơ, những thứ ông chưa ăn quen. Ông lục ngăn tủ bên dưới thì thấy một thùng đựng nhiều món đồ hộp. Ông chọn đại một lon, không kịp đọc để hiểu là món gì, khui ra, thấy như thịt nấu với đậu, trút vào tô, rắc thêm tiêu, thơm phức, ngon quá. Ném cái lon rỗng vào thùng rác, mở thêm lon bia, ông ung dung, sung sướng ngồi thưởng thức bữa tối.

Sáng hôm sau, người chủ nhà kéo ông ra hỏi tối qua đã ăn gì. Ông bảo ăn bánh mỳ và với thịt hộp. Ông kia đưa cái lon rỗng ra hỏi có phải thức ăn trong lon này không. Ông gật đầu.

“Anh phải xem kỹ trước khi ăn, thứ này không phải là thức ăn dành cho anh!”

Cha tôi tái mặt vì ngượng, và lo. Ông nghĩ rằng mình đã ăn một món ăn quý, hay đắt tiền, mà lẽ ra không nên dùng.

“Không dành cho tôi? Tôi… không hiểu, thưa ông. Ô, tôi hiểu rồi. Tôi xin lỗi. Tôi đã không biết. Tôi sẽ không làm như vậy nữa. Không bao giờ làm như vậy nữa…”

Ông chủ nhà nói thật chậm, nhả từng tiếng một.

“Thứ – thực – phẩm – này – không – phải – là – thức – ăn – của – anh. Nó – không – phải – là – thức – ăn – dành – cho – người – ta. Nó – là – thức – ăn – dành – cho – Billy.”

“Billy? Billy là cái gì? Ai là Billy? Tôi xin lỗi, tôi không hiểu. Xin vui lòng chờ tôi một chút nhé. Tôi cần cuốn tự điển.”

Thằng bé con chủ nhà đứng bên, chỉ tay ra góc vườn, ở đó có cái nhà nhỏ như nhà cho trẻ con chơi, trên cửa có sơn chữ Billy màu đỏ sáng. Ông chủ nhà tinh ý, nhã nhặn vỗ vai cha tôi chúc một ngày tốt lành rồi cáo từ, đưa thằng nhóc con đi học.

Cha tôi vào phòng, lục trong va-li ra cuốn tự điển Anh-Việt Việt-Anh mang ra tra nghĩa. Ông cầm cái lon không lên, tra từng chữ, lúc này ông mới để ý trên nhãn lon có vẽ hình đầu một con chó xù. Ông đỏ rần mặt và quỵ xuống khi hiểu ra lon thức ăn ấy quả thật không dành cho mình, nếu mình là một Con Người.

Khi còn ở trong nước, thì một thằng tù không được nhìn nhận là một con người, gã là một con thú bị khước từ và săn đuổi.

Khi ở trại tị nạn, con thú khốn khổ đó đang trong quá trình nhận lại, ý thức lại, cái nhân phẩm mà gã ngỡ rằng đã mất, để trở lại thành một con người.

Còn lúc này, gã đến được quốc gia chấp nhận thân phận tị nạn của gã. Gã đang rị mọ, va vấp, học từng chút một cung cách của đời sống văn minh, và hiểu rằng mình vẫn chưa là một con người hoàn chỉnh trong nhận thức của đồng loại.

Một cảm giác đau buồn, nhục nhã ghê gớm xâm chiếm trọn vẹn tâm hồn ông. Ông không khóc được, chỉ muốn gào thét lên đau đớn.

Làm sao ông tin được rằng con chó trong nhà lại có cái tên Billy hoa mỹ như vậy?

Làm sao ông tin được rằng con chó Billy ấy được thưởng thức thứ thực phẩm ngon tuyệt, thứ của ngon vật lạ đối với ông?

Làm sao ông hiểu được người ta có thể ân cần trọng thị đến khẩu vị của chó Billy một cách tinh tế như vậy?

Bất giác, ông nhận ra thêm một điều rằng, con chó Billy có khả năng giao tiếp giỏi hơn mình, dường như nó hiểu hết những gì chủ nó nói, và ngược lại, chủ nó cũng hiểu nó lắm; còn ông, lúc này đây ông hoàn toàn chưa có khả năng đó, và cũng có thể chẳng bao giờ ông thủ đắc được cái khả năng giao tiếp đó. Ông cay đắng, chẳng lẽ là mình sẽ là một thằng người chậm lụt và trì độn mãi mãi sao?

Ở chỗ làm, ông không hiểu sao bọn đồng nghiệp lại cười phá lên khi nói đùa gì đó với nhau, ông ngờ rằng chúng ám chỉ điều gì về ông. Ông không hiểu, thậm chí ngay cả khi chúng nói với ông. Và ngược lại, chúng cũng không hiểu những gì ông muốn nói. Ngôn ngữ của ông không phải là thứ tiếng Anh cần thiết trong giao tiếp, nó bất lực hơn tiếng chó sủa. Nó bất lực hơn tiếng sủa của con Billy.

Bất lực và tuyệt vọng!

Cha tôi cầm cái lon vào nhà vệ sinh, ông rửa sạch thức ăn còn bám trên lon, gói nó lại bằng miếng giấy báo, rồi cất vào va-li. Tuần sau, tìm được phòng cho thuê có chủ là người Hoa, ông cám ơn gia đình chủ nhà và dọn ra.

Cái lon vẫn theo ông suốt bao nhiêu năm, như một vật kỷ niệm. Nó chưa rỉ sét và ông không dùng nó để chứa đựng thứ gì; nhưng thật ra, nó chứa một thứ vô hình mà có trọng lượng thật nặng nề, một thứ trừu tượng, một cảm xúc xám xịt: nó chứa một vết thương.

Một vết thương chẳng bao giờ lành, chẳng bao giờ lên da non, chẳng bao giờ thành sẹo.

Những lúc tâm hồn ông trở trời – ông gọi đó là những lúc “tâm hồn cục cựa” – nỗi bi phẫn trong con người mẫn cảm của ông dấy lên, thì vết thương ấy lên cơn sưng tấy, đau ngứa, xốn xang, một cách rất cụ thể, mà ông không thể xoa chạm vào, hay quơ tay gãi.

Lúc đó, ông chỉ nốc rượu cho say mèm, rồi nằm rũ rượi.

than nhien

Thận Nhiên