User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

NTD

Đèn đường bật sáng. Các dãy phố cũng đã lên đèn. Đang vội, nhưng khi đi qua một căn nhà lầu, tiếng cửa sắt mở khiến tôi bước chậm lại. Bóng một người đàn ông đi ra, ngồi cô đơn ở hiên nhà, chậm rãi uống từng ngụm bia trong ánh hoàng hôn. Nhà hai tầng, gần bệnh viện, chắc đúng là vị phụ huynh mới xin cho con vào học rồi…

Cách đây độ một tháng, có một giọng nam gọi điện thoại xin cho đứa con lớp 6 đến ôn tập chuẩn bị kiểm tra học kì 2. Đứa con gái bé bỏng của người đó dù được xếp loại học lực giỏi nhưng cô bé không thật tự tin về môn Ngữ Văn. Thế là ông bố nhờ tôi ôn tập cho con. Thấy tôi có vẻ ngần ngừ, ông nói:

- Nhà cô ở đoạn nào? Tôi sẽ đến gặp cô. Lâu quá chắc cô không nhớ. Con gái tôi mới chào đời đã mất mẹ. Vụ đó ai cũng biết.…

- Dạ, chắc lâu quá nên tôi quên...

- Năm nay bé 12 tuổi. Vậy là mẹ bé mất mười hai năm rồi đó. Mẹ bé mất đúng Giao Thừa đó…

Một cách xin học hơi lạ. Nói thẳng, nói thật hoàn cảnh thương tâm của mình! Sinh con và tai biến sản khoa khiến bà mẹ mất đúng Giao Thừa? Tôi cau mày suy nghĩ. Ôi, nhớ rồi. Tin dữ đó khiến cả phố nhỏ ai cũng sững sờ, bàng hoàng, chấn động. Bà mẹ sinh con xong, tưởng là “mẹ tròn con vuông”, gia đình chưa kịp mừng thì bỗng dưng máu ra xối xả. Chuyển viện không kịp, bà mẹ qua đời. Giờ cô bé ấy đã học lớp 6. Từ đó đến nay, bố cô vẫn ở vậy nuôi hai đứa con gái. Đứa lớn đã xong Đại Học và làm việc ở Sài Gòn. Đứa bé là Hải My đang học lớp 6. My được xếp loại học lực giỏi- đặc biệt rất giỏi Tiếng Anh và Toán; nhưng môn Ngữ văn điểm của cô bé không ổn định: lúc 8 điểm nhưng cũng có lúc 2, 3,4. Điều này khiến ông bố không yên tâm. Tôi cũng hết sức ngạc nhiên. Lạ thật! Lúc được điểm giỏi, lúc rơi vào khung điểm yếu kém là thế nào? Ông bố trình bày xong lại tha thiết khẩn khoản nhờ tôi giúp. Tôi phân vân:

- Điều quan trọng là My có thực sự muốn học không? Tiến bộ hay không phần lớn là ở học trò…

- Cô yên tâm, My rất thích học và ngoan. Chỉ cần cô nhận lời giúp cháu…

- Vậy anh vui lòng cho biết lịch học của cháu.

- Cháu sẽ học tất cả các buổi sáng từ nay đến khi thi, được không cô?

- Dạ, 7g sáng mai bắt đầu anh nhé!

Sáng hôm sau, My đến. Cô bé có dáng vóc mảnh mai, nước da trắng trẻo, tóc dài bới cao gọn gàng, đôi mắt đen lay láy. Hai bàn tay với những ngón tay dài gầy và bờ vai mảnh gợi cảm giác mong manh, ai nhìn My cũng muốn che chở, nâng niu em. Đúng như người bố nói, My rất chăm ngoan. Một kèm một. Thời gian ngắn, kiến thức nhiều; buổi học nào cũng khá căng nhưng My luôn tập trung và kiên trì luyện tập. Chỗ nào chưa hiểu, My hỏi lại ngay. Về nhà lại chăm học bài, chăm làm bài nên My tiến bộ nhanh lắm!

Chỉ qua vài buổi dạy, tôi đã tìm ra nguyên nhân điểm Ngữ văn của My có “biểu đồ hình Sin”. My được điểm khá và giỏi khi viết các bài Tập làm văn- những bài văn kể chuyện, miêu tả vì My chăm chỉ đọc, ra sức nhớ các bài văn mẫu trên mạng, trong sách tham khảo và chép lại. Còn bài kiểm tra phần Đọc- Hiểu văn bản và phần Tiếng Việt thì em như “chim chích lạc rừng”, không trả lời được. Em chưa nắm được kiến thức Tiếng Việt, chưa biết vận dụng khi làm bài tập. Em lại ít đọc truyện và thiếu vốn sống nên phần Đọc- Hiểu văn bản còn lơ mơ, dễ bị điểm thấp. Các con điểm 2,3 xuất hiện trong bài làm của em là vì thế.

Thời gian không nhiều. Hệ thống hóa kiến thức và kỹ năng xong, cô trò chúng tôi cùng nhau luyện đi luyện lại các bài tập dạng này. Kết quả thật đáng mừng: kiểm tra học kì 2, My được 8,5. Bố em mừng lắm, cám ơn tôi rối rít và xin cho con nghỉ vài hôm về Bến Tre thăm Ngoại.

Ông kể mỗi năm phải về quê ngoại ít nhất ba lần. Bà Ngoại thương con gái lấy chồng xa và lại mãi mãi “đi xa” trong một lần sinh nở nên dồn cả tình yêu thương vào đứa cháu côi cút. Thu xếp được chút thời gian nào là hai bố con về thăm Ngoại ngay. Ông còn kể khi mẹ cháu mất, ông quá đau đớn và bàng hoàng mãi đến giờ mà vẫn cứ nhói đau, không tin đó là sự thật…

May mà dì ruột của My lúc đó cũng vừa sinh con. Bà ngoại gửi My cho dì. Một tay dì nuôi em và My. Khi My đi Mẫu giáo ông mới đón con về, thuê người chăm bẵm và lo cho con ăn học. Đứa con gái đầu của ông hơn My cả chục tuổi, đi học xa từ nhỏ nên tính tự lập rất cao, ông ít phải lo nghĩ về con. My thì khác. Sinh linh bé bỏng ấy đã mất mẹ từ khi mới lọt lòng. My thiếu vòng tay mẹ, bầu sữa mẹ, thiếu vắng tình yêu thương của mẹ. Bởi thế, dù có bận công việc đến đâu, ông cũng sắp xếp về ăn cơm cùng con, đưa con đi học, chỉ vẽ bài vở cho con. Môn nào ông cũng cùng học với con. Riêng môn Ngữ văn là ông chịu thua. Ngày ông học môn Văn không rắc rối như thế!

Những khi người làm có việc xin nghỉ, ông lại thành “bà nội trợ” lo chợ búa cơm nước. My mất mẹ quá sớm, ông vừa làm bố vừa làm mẹ để mong bù đắp cho con. Ông đưa con đi chọn váy áo, băng đô, kẹp tóc, giày dép, cặp ba lô, sách vở… Ông dẫn con đi chọn kiểu tóc và cắt tóc. Tóc My nhiều, mềm mượt óng như tóc mẹ nên ông đã cho con để dài quá lưng rồi buộc hoặc bới lên cao. Mỗi lúc chiều buông, cơm nước xong, ông ngồi bên con và rủ rỉ kể về mẹ của My: một cô gái Bến Tre vừa xinh đẹp vừa học giỏi lại rất có hiếu. Gặp cô ở Đại học, ông đem lòng yêu và theo đuổi mãi bà Ngoại mới cho cưới. My giống mẹ lắm. Những người con gái có dáng mảnh mai, nước da mịn màng trắng trẻo, đôi mắt đen ngây thơ, bờ vai mỏng, ngón tay dài, gầy guộc! Những người con gái ấy cứ như trời sinh ra để được yêu thương, nâng niu, che chở mà sao mẹ của My lại vắn số?…

NTD 1

Mười hai năm đã trôi qua, người ta mai mối cho ông nhiều lắm. Người chồng chết; người chia tay chồng và cả người lỡ thì. Đôi chín, hăm, băm và ngang tuổi ông- độ tuổi nào cũng có. Nhiều người được cả về ngoại hình lẫn tính nết nhưng ông không hề rung động. Mỗi lần nhìn con, ông lại nhớ vợ hiền; nỗi niềm tận cùng đau khổ trước cái chết của vợ lại trào dâng và xoáy, xoáy mãi vào tâm can ông. Thương con, thương vợ, thương mình… Ông không thể bước thêm bước nữa! Ông không muốn lấy một người vợ nào nữa. Ông sợ, sợ sự đau đớn và tột cùng chơi vơi của mười hai năm trước lại lặp lại…  

Tháng 6.2017

Nguyễn Thị Đức