Tranh: Thắm Nguyễn
Vì công việc mẹ phải ở lại Đà Nẵng thời gian dài. Mai vào Đệ Tứ trường Thánh Tâm. Trường được đồng minh Mỹ viện trợ học đường nên có sữa bột, ba tê, bánh mì, đem ra phân phát cho học sinh mỗi ngày, có hôm mỗi học sinh được phát cả thùng, tan học về Mai kéo lê thùng sữa nặng trên đường. Nhưng đó là những ngày đầu thôi, sau này Khôi lớp trưởng về cùng đường, bỏ thùng sữa lên yên sau xe đạp “thồ” về tới nhà giùm.
Tối nay chờ mẹ ngủ say, Mai bò ra “ô văng” ban công. Đêm miền Trung lạnh buốt, gió thổi ù ù phần phật bên tai, hai hàm răng đánh vào nhau chanh chách, lạnh run rẩy. Nhưng nó vẫn cố nhoài người ra, chút nữa… chút nữa thôi… Tay đã chạm vào cành lá, quả ổi căng tròn bị gió đung đưa chờn vờn, lúc gần lúc xa… Một tay bấu chặt vào thành “ô văng”, một tay với cành lá kéo lại… không được… Dưới sân con chó thấy động sủa gầm gừ, viễn cảnh “rơi tự do” xuống đất trúng ngay “hàm cá mập” của con Ki không làm Mai thối chí, bởi chùm ổi xá lị trái to sần rám nắng vàng ươm trên cây nhà hàng xóm gai mắt nó mấy hôm nay.
Mai ôm cặp lững thững đi học. Cái cặp phù to vì có ba trái ổi đêm qua “thu hoạch” được. Nó sẽ cho nhỏ Thủy một trái, trong lớp nó chỉ chơi thân với một mình Thủy, bởi hai đứa hợp tính nhau. Mai nhút nhát, ít nói, Thủy khép kín thầm lặng. Nó mồ côi mẹ từ thuở bé, thế giới riêng của nó là căn gác xép nhỏ, nơi đó ôm trọn mọi niềm vui nỗi buồn thầm kín. Ngoài giờ đi học và những lúc ở nhà phải đối mặt với dì “ghẻ”, nó cuộn mình trốn trên gác, tự do khóc cười mơ mộng, thả hồn ra ngoài khung cửa sổ lang thang cùng mây gió. Mai rất thèm căn gác của nó mới chết chứ!…
Dù gì Thủy cũng có một chỗ để thong thả mơ mộng, không “khổ” như Mai. Mai được mẹ săn sóc kỹ, nhất cử nhất động của nó đều không qua được mắt mẹ…
Mai đã có những nỗi buồn vu vơ tuổi mới lớn, như thời tiết nắng mưa bất chợt. Nó thích ngồi bên vệ đường tẩn mẩn nhặt mấy trái bàng chín rụng, thơ thẩn nhìn tàn hoa tim tím trên cây điệp cổ thụ, hít hà mùi thơm hăng hăng của hoa phượng vàng bốn mùa bởi gió đưa hương, miên man với nỗi nhớ mông lung mơ hồ. Với nó, những lúc tâm hồn xao động như vậy, căn gác xép của Thủy là thiên đường…
Bước vào cửa lớp, Mai đã kín đáo ép cái cặp phồng to sát vào người, vậy mà cũng không lọt qua được mấy con “mắt biếc” của đám con gái, chúng hô hoán:
– A… a… Mai… mốt có chiến lợi phẩm tụi mi ơi!… Mau bỏ ra cho mấy cô nương nì thưởng thức với.
Vừa nói chúng vừa lôi kéo, “cưỡng đoạt” cái cặp. Đã có đứa lấy ra con dao thủ sẵn dùng để xử các loại trái, nhanh nhẹn chẻ nhỏ ba trái ổi, cả đám xúm vô xí phần, nhai rau ráu giòn tan. Ba trái ổi suýt đổi bằng “sinh mạng” của Mai, nháy mắt đã hết sạch, Mai chỉ kịp giành cho nhỏ Thủy một miếng!
Hôm nay có hai giờ Toán, thầy trả bài làm. Bài của Mai bao giờ cũng chỉ có một hai điểm cố định. Hồi Mai còn ở Saigon, học hành đâu đến nỗi tệ vậy. Vì không nghe quen tiếng miền Trung nên khi thầy cô giảng bài, nó ngẩn ngơ như vịt nghe sấm, tháng nào cũng “tình nguyện”… đội sổ, tệ hại nhất là môn Toán với những con số điểm ốm o, nhưng nó lại thích giờ Toán mới lạ!???…
Nó thích nhìn thầy Ngọc đứng trên bục giảng, giọng Huế trầm ấm nghe hay, dù đôi khi nó không hiểu thầy nói gì. Cũng không biết từ bao giờ nó thích nhìn cái dáng cao gầy, thư sinh nho nhã trong chiếc áo len cổ lọ màu lam, thích mái tóc bềnh bồng như mây bay… Lòng nó dâng lên một niềm bâng khuâng khó tả…
Tan trường, Khôi lật bật chạy theo gọi:
– Mai… Mai… hôm nay bài làm Toán được mấy?
Mai chua chát:
– Biết rồi còn hỏi!?… Nguyên một con dzịt đẹt (2 điểm)
Khôi ngập ngừng:
– Hay là để mình tới nhà… chỉ thêm Toán cho bạn.
Mai nhìn Khôi dò xét, ngần ngại:
– Thôi mất công… kệ tui!…
Khôi nài nỉ:
– Không sao đâu, để mình giúp chứ bạn… bết vậy làm sao cuối năm thi lên Đệ Nhị Cấp?
Mai nghĩ thầm: “Sao cậu này tốt vậy ta?”.
Nó không muốn mang ơn nghĩa với con trai, nhưng vì thầy Ngọc, nó phải cố giỏi môn Toán, cố sáng lên trong mắt thầy, nên cắn răng làm học trò của Khôi. Vậy là tuần hai lần, “gia sư” lớp trưởng Khôi đến kèm cặp toán cho Mai. Tuy “thầy” nói tiếng Quảng, nhưng nói chậm rãi dễ hiểu.
Thằng “thầy” Khôi giảng bài thao thao bất tuyệt, Mai nghển cổ ngồi nghe, thỉnh thoảng gật đầu ra vẻ hiểu lắm, thực sự nó chả hiểu gì mấy. Căn bản môn Toán Mai cất ở đâu không biết, các phép chứng minh tam giác đồng dạng, đối với Khôi dễ ợt vậy mà Mai luôn chứng minh cho Khôi thấy nó… dốt đặc.
Khôi không nản lòng, “thầy” luôn dỗ dành học trò bằng những món quà dễ thương, như chùm ngọc lan trắng tinh thơm ngát, nhánh phượng vàng hăng hăng, hoặc hấp dẫn hơn là gói xí muội chua mặn quéo hàm. Còn Mai tự nhủ phải cố gắng học để “lấy điểm” trong mắt thầy Ngọc.
Điểm Toán của Mai bò dần lên, tiến thấy rõ, nhưng thầy Ngọc vẫn chẳng chú ý đến nó. Lạ!… Đáng lẽ thầy phải quan tâm khích lệ đứa học trò dốt nhất, đã có cố gắng “phi thường” trong môn của mình chứ!…
Mai còn nhớ năm ngoái học ở Sàigòn, sau một lúc giảng bài, thầy Nam dạy Sử bỗng nhìn xuống, nói một câu chẳng ăn nhập gì tới bài học:
– Em Mai mặt… rỗ huê mà có duyên!
Trời!!!… Mai muốn… chết ngay tại chỗ vì mắc cỡ, sao thầy lại có lời “khen” oan nghiệt đến thế!? Tụi con gái bấm nhau cười rúc rích. Đám con trai ngỡ ngàng nhìn Mai như thể từ trước tới giờ tụi nó quáng gà, không nhận ra trong lớp đang hiện diện một… dzai nhân.
Nhưng mấy cái “có duyên” của Mai thầy Ngọc không nhìn thấy!… Nghe đâu thầy đang “quen” với một chị cũng tên Mai, học lớp Đệ Nhị bên trường Sao Mai.
Chẳng hiểu vì sao nó cứ thấy lòng xao xuyến khi nhớ đến thầy Ngọc, nhớ cái dáng cao gầy, mái tóc bồng quyến rũ và giọng Huế trầm ấm lạ. Tâm hồn nó nhen lên một chút tình lãng đãng không tên!… Trong lớp khi thầy đứng trên bục giảng bài, vô tình ánh mắt lướt qua Mai, tim nó liền đánh xập xình trong lồng ngực!
Tuy không lấy được “điểm” nơi thầy Ngọc, nhưng nhờ “thầy” Khôi tận tình chỉ dẫn, Mai có thể tự tin với kỳ thi Trung Học cuối năm, chuẩn bị tốt lên Đệ Nhị Cấp.
Mai đã khá môn Toán hơn nhiều, “thầy” Khôi không tích cực dạy Toán nữa mà quay qua dạy… Văn. Ban đầu “thầy” đọc mấy câu ca dao trữ tình:
Thấy Mai ngơ ngáo có vẻ không hiểu, với lại ca dao là… a dao, ăn nhập gì tới nó?… Khôi bèn tự sáng tác thơ vậy, mấy câu xa xôi càng không dễ hiểu:
Mai xem xong bài thơ cười ha hả, lảnh lót phán:
– Chời!… Ông cũng lãng mạn nhỉ? Vậy mà tui tưởng dân giỏi toán khô lắm chứ!
Nó cười giả ngây giả ngô, khỏa lấp…
Thật lòng mà nói, chàng Khôi lớp trưởng đẹp trai học giỏi, là cái đích của nhiều tóc dài mơ tưởng, nhưng trong lòng Mai có một hình bóng khác lớn hơn chiếm ngự.
Chủ Nhật Thủy rủ Mai ra biển. Hai đứa đạp xe qua những con đường mát dưới tán lá xòe rộng của cây bàng. Mấy nhánh phượng đầu mùa nở hoa đỏ thắm chói lọi, nụ to tròn xanh mướt. Mai ngẩn ngơ ngắm cành phượng vĩ, suýt chút nữa lộn cổ xuống dốc.
Bãi Thăng Bình đúng là… thanh bình. Êm ả, bình lặng, xanh ngắt một màu đến tận chân trời. Mấy cánh hải âu bay liệng, người lớn trẻ con bơi dưới sóng nhấp nhô.
Hai đứa ngồi dưới gốc phi lao gió mát, lá reo vi vu, lơ đãng nhìn ra biển. Mai chợt nhớ câu thơ của Khôi: “Nếu người là bờ cát, ta sẽ là sóng biển trùng khơi…”
Phải chi “sóng biển” là… thầy Ngọc.
Bỗng Thủy lên tiếng:
– Mai này, tau thấy hình như thằng Khôi… thích mi.
Mai giật mình, giẫy nẩy:
– Thích gì mà thích… không có đâu.
Thủy chiếu ánh mắt ranh mãnh:
– Làm gì mà giẫy lên như bị ong chích vậy? Phải cũng tốt, Khôi vừa đẹp… giai, vừa làm “gia sư” giỏi, có điều người ta không thích “thầy” nhỏ, thích thầy lớn cơ!…
Trời đất !… Sao con ranh này “soi” trúng tim nó vậy? Hay là những lần nhỏ to tâm sự, nó hớ hênh để lộ điều gì!?
Mai chồm lên định ngắt nhéo Thủy, nhưng nó nhanh nhẹn né tránh rồi chạy ào xuống biển. Hai đứa rượt bắt chạy nhảy trên bãi cát, Mai quên hết những ưu tư vừa gợn sóng trong lòng, hồn nhiên nô đùa.
Cuối tuần này trường Thánh Tâm và trường Sao Mai tổ chức một buổi cắm trại chung cho học sinh hai trường, ở núi Non Nước. Mai háo hức nôn nóng mong mau đến ngày đi, từ lúc ở lại Đà Nẵng đến giờ, nó chưa được đi núi lần nào. Nghe nói đó là ngọn Ngũ Hành hùng vĩ, nhiều hang động ngóc ngách như mê cung, thạch nhũ đẹp huyền hoặc, huyền bí hữu tình giống chốn thâm sơn cùng cốc trong truyện kiếm hiệp Tàu.
Đến chân núi, Mai ngỡ ngàng nhìn đất trời bao la hoang dại. Khi cơn nắng dịu xuống, một màu xanh ngan ngát tràn về. Màu của trời, của biển, của rừng. Sương mây bay là đà trên ngọn núi thấp, dưới thung lũng sâu, mờ ảo như bức tranh mới phác họa.
Khôi đem đến cho Mai một bó hoa dại đủ màu, dễ thương nhất màu hoa sim tím.
Lửa trại đốt lên bập bùng. Học sinh hai trường đan xen, quây quần từng nhóm. Thủy, Mai và mấy đứa bạn nữa theo thầy Ngọc tham gia bên nhóm trường Sao Mai. Thầy ôm đàn guitar đập thùng thùng những bài ca vui nhộn cho cả bọn hét hò. Hét chán, bỗng có đứa đề nghị:
– Thầy hát nhạc… tình đi thầy.
Thầy ngần ngại, cả bọn im re chờ đợi. Thấy học trò “thành khẩn” quá, không nỡ từ chối, thầy cất tiếng hát trầm ấm thiết tha.
Hồn lỡ sa vào đôi mắt em, chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm, thầm ước nhưng nào đâu dám nói, khép tâm tư lại thôi, đường hoa vẫn chưa mở lối…
Trời!… thầy ơi, sa vào đâu không sa, “sa vào mắt em” thì tiêu đời mất rồi!…
Mắt thầy lướt qua chị Mai ngồi đối diện. Ánh mắt tình yêu không giấu được ai. Chị Mai có dáng dấp thanh mảnh, khuôn mặt khả ái, tóc mượt dài óng ả. Bất giác Mai đưa tay vuốt đầu mình…
Cô “Bắc kỳ” tuy không để tóc kiểu “demi garçon”, nhưng cắt ngắn ngủn và còn thêm phần cháy nắng vàng hoe khô ráp, đúng là nhân tố… con nít. Ngài chưa ra khỏi cái kén vỏ bọc để trở thành cánh bướm rực rỡ. Vịt con chưa trở thành thiên nga….
Vầng trăng hạ huyền vắt vẻo lưng trời, soi ánh sáng huyền hoặc mờ ảo vào lòng đêm, là thứ ánh sáng diệu kỳ, soi vào hồn Mai đánh thức cơn mê mù sương.
o O o
Mùa xuân về đến bên thềm. Đêm giao thừa nằm gối đầu trên cánh tay mẹ, lắng nghe tiếng pháo nổ đì đùng. Lạ!… Năm nay sao thiên hạ đốt pháo hăng thế? Tiếng pháo như xa như gần. Như reo mừng. Như dữ dội. Nghiến ngấu đêm thanh…
Mai đã xin phép mẹ, ngày mai mùng một đi với nhỏ Thủy qua Sơn Trà thăm chúc Tết gia đình cậu dì của nó. Mai đi với nó qua đó mấy lần rồi. Mai rất thích thú nơi này, cát phủ mênh mông, hai đứa chạy chân trần nô đùa thỏa thích, cát lún dưới gót, êm êm, nhột nhột. Mai mê những luống rau xanh ngắt. Cải ngồng vươn cao mấy ngọn hoa vàng rượi, đung đưa gọi mời lũ bướm. Cây cà chua oằn mình đeo trái chín đỏ nặng trĩu. Luống xà lách xen kẽ ngò thơm. Mảnh vườn như dĩa rau trên bàn ăn, ngon lành hấp dẫn.
Chỉ ở đó Thủy mới trở về với tuổi hồn nhiên vô tư, mới thấy được ánh mắt nó trong veo tươi sáng, miệng cười toe như cái hoa loa kèn. Ở nhà, nó như… bà cụ non, mặt mày đăm chiêu cằn cỗi, khép nép co người, giấu biệt tuổi hồng mới chớm.
Sáng ngày đầu tiên của năm mới, chưa kịp hít hà không khí mùa xuân, chưa kịp say sưa ngắm muôn hoa đua nở, chưa kịp hái lộc đầu năm… Đã nghe tin dữ từ Huế vọng về!
Thường thì cuối tuần nghỉ học, mẹ dắt Mai lên tàu ra Huế chơi, tàu qua đèo Hải Vân một bên cheo leo vách núi, mây bay ngang trời, một bên thăm thẳm biển xanh. Nước non mình đẹp quá!… Xứ Huế mơ mộng trầm lặng, con gái Huế khép nép dưới vành nón nghiêng, hình như ai cũng đẹp. Nhãn lồng Huế ngọt gắt cổ. Bưởi Thanh Trà thơm phức thanh thanh, từng chùm quả xanh mướt oằn cành de mình soi bóng bên bờ ao. Ôi!… xứ Huế dễ thương quá.
Và Huế cổ kính trang nghiêm, trữ tình lãng mạn. O gái Huế tím chiều Đồng Khánh, qua cầu Tràng Tiền xôn xao như bướm lượn mỗi buổi tan trường. Giờ nhịp cầu đã gãy, đau thương phủ trùm. Áo trắng khăn sô tang tóc, thay cho áo tím mộng mơ.
Thì ra tiếng “pháo” đêm giao thừa hôm qua, là của đám quân Bắc tràn vào, toan tính dùng chiến thuật bất ngờ trong những ngày mọi người vui xuân, hòng thôn tính miền Nam. Tuy chiến thuật đó đã bị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bẻ gãy, đẩy lùi chúng trở về rừng sâu sau dãy Trường Sơn, nhưng không thể cứu được một Huế cổ kính mộng mơ khỏi cảnh tang thương đổ nát. Một mùa xuân khắc hằn vào lòng người dân Huế và cả miền Nam một nỗi đau ngút trời.
May mắn Đà Nẵng bình yên vô sự, quân giặc bị đẩy lùi ngay khi mới mon men vào thành. Nhưng đã làm mẹ hoảng sợ, hai mẹ con lại dắt díu nhau trở lại Sàigòn.
Trước ngày đi, Mai và Thủy rủ nhau ra biển chơi lần cuối rồi từ biệt. Hai đứa ngồi dưới gốc phi lao im lặng lơ đãng nhìn ra xa.
Thủy bỗng lên tiếng, giọng ngậm ngùi:
– Mai này!… Khôi trở về Huế ở luôn ngoài đó rồi, nghe nói nhà nó bị cháy hết, phải ở lại nhà phụ cha mẹ nuôi em, không được đi học nữa!…
Mai ngơ ngẩn:
– Trời!… buồn vậy!? Ủa, nhà hắn không phải ở đây sao, người Huế sao nói tiếng Quảng?
Thủy thở dài:
– Người Quảng, nhưng gia đình ra Huế sinh sống, hắn được ông bác nuôi cho ăn học nên ở lại đây.
Mai ngạc nhiên:
– Sao mi rành tông tích gia phả nhà người ta quá dzậy?
Thủy ngượng ngùng:
– Tau… tui… thương Khôi nên thường hỏi thăm tin tức của… hắn.
Mai thương cảm bạn, nhưng vẫn chọc ghẹo:
– Chời!… Sao không can đảm khai sớm, tui tìm cách cho.
Im lặng mấy giây:
– Tau biết hắn… thích mi, nên nói làm gì!?
Ngoài kia đại dương mênh mông xanh thẳm, những ngọn sóng bạc đầu xô đuổi nhau vào bờ rồi lại vội vã ngược ra xa. Muôn đời vẫn thế. Như con người. Như tình yêu. Vội vã. Đuổi bắt. Hư hao. Xói mòn.
Giã từ Đà Nẵng. Chỉ hơn một năm ngắn ngủi, nhưng nơi đó chứa đựng đầy ắp kỷ niệm vui buồn. Nơi đó giăng mắc tơ vương tâm hồn thời mới lớn. Nơi đó có một nhân dáng in sâu vào ký ức.
Nơi đó, Mai của trường Thánh Tâm chỉ là cánh mai mùa xuân còn đang ươm nụ, không rực sáng như… Sao Mai.
Hoàng Thị Thanh Nga – Jun 2012