User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Cô em tôi viết một đoản văn đề cập đến cuộc sống của những đứa con của người lính trong quân lực VNCH, khi phải cùng cha mẹ di chuyển khắp mọi nơi đất nước vào thời trước năm 1975. Em nói đến sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau của anh chị em trong cuộc sống rày đây mai đó và tin rằng Gia Đình là chỗ dựa vững chắc mỗi khi gặp chuyện. Khi được đăng tải trên facebook dù chỉ tag dành riêng cho friends chứ không phải public, thế nhưng vẫn có rất nhiều người vào comment và tỏ ra đồng cảm với cuộc sống của những gia đình lính cùng trẻ con thời đó. 

Một người quen sau khi đọc xong đã gọi điện thoại cho tôi để chia sẻ suy nghĩ của họ như sau: “đọc xong bài rồi nhìn những tấm hình của gia đình mới thấy cảm phục và cả tội nghiệp cho người vợ lính đã phải mạnh mẽ và đảm đang lắm mới có thể lo cho một đàn con tươm tất về cả vật chất lẫn tinh thần, cũng như người lính chiến đã phải hy sinh rời xa cuộc sống gia đình để làm tròn nhiệm vụ với đất nước”

Và một người khác nói: “ không ngờ mấy chị có cuộc sống trẻ thơ dữ dội đến vậy, không lạ gì mà anh chị em gắn bó như thế, bởi làm gì có thời gian để kết bạn

hinh 1

Xin phép được kể sơ qua chuyện gia đình chúng tôi dựa theo trí nhớ (từ thập niên 60) để bổ túc cho phần chuyện của em tôi - có thể không chính xác lắm.

Ba tôi là sĩ quan trong quân lực VNCH và là lính tác chiến cho nên di chuyển khắp nơi theo quân lệnh. Sau khi tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia thì được bổ nhiệm làm Quận Trưởng một quận tại Quảng Trị. Không biết Ba làm việc ở nơi này bao lâu nhưng khi tôi học Mẫu Giáo thì cũng nhớ chút đỉnh rằng ba tôi lâu lâu mới được về thăm nhà. Lúc đó gia đình còn nghèo lắm nên chỉ đủ tiền thuê căn nhà nhỏ nằm sát bên nghĩa địa của thành phố, và dĩ nhiên là phải làm quen luôn với lời cầu kinh gõ mõ sáng tối vào những ngày quan trọng như Rằm, Thanh Minh, Phật Đản, Lễ Các Đẳng Linh Hồn v.v… thậm chí chúng tôi còn rủ nhau chơi đuổi bắt trốn tìm trong nghĩa trang nữa mà không sợ… ma gì cả!

Chưa xong năm học thì chúng tôi lại thu xếp hành trang cùng mẹ lên xe lửa để vào Quy Nhơn (trong khi Ba đã phải đi trước để nhận nhiệm sở mới cho đúng ngày). Nơi ở mới này, may thay là một căn nhà xinh xắn lại nằm trên con đường đi đến biển, cho nên tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với bạn bè và biển với những kỷ niệm êm đềm. Đang học nửa chừng năm lớp Tư (lớp 2) thì Ba lại nhận lệnh thuyên chuyển vể Pleiku. Ba tôi lại một mình lên đường để má tự lo thu vén, sắp xếp đồ đạc rồi mới rời Quy Nhơn… lần này mấy mẹ con được lên máy bay để về nơi ở mới.

Một căn nhà gỗ được thuê gần nhà thờ Hiếu Đạo là nơi ở của anh em chúng tôi tại miền đất đỏ Pleiku với những cơn gió lốc và bụi mù trời và cũng buồn… thúi đất, so với Quy Nhơn. Vừa mới làm quen với trường lớp, với bạn bè hàng xóm chưa được bao lâu thì Ba lại chuyển lên Đà Lạt. Thế là cả nhà lại lục tục theo Ba về nơi ở mới, nhưng phải nói là tôi vui khi rời xa Pleiku vì biết rằng thành phố Đà Lạt sẽ vui hơn, tân tiến hơn.

Quả không sai khi nói Đà Lạt tương tự một thành phố nhỏ của Pháp. Nhà tôi là một dinh thự của chính phủ cấp cho ở nằm trên ngọn đồi của đường Yersin, gần dinh thự nghỉ mát của vua Bảo Đại. Nhưng cuộc sống của chúng tôi lại không vui như tưởng tượng vì ngoại trừ lúc đến trường còn thì chỉ quanh quẩn trong căn nhà với khu vườn rộng lớn để cùng nhau chơi đùa chứ không sinh hoạt với hàng xóm vì lối sống ở đây cũng giống như ở nước ngoài, rất kín cổng cao tường, ít giao thiệp với nhau nhất là khu vực chúng tôi đang ở. Bởi vậy khi tôi học chưa đủ năm lớp 5, ba tôi lại thuyên chuyển về Pleiku, đã khiến chúng tôi không buồn khi phải rời xa trường lớp ở đây.

Lần trở về Pleiku này, chúng tôi ở lâu hơn, tôi đã bắt đầu trải dài cuộc đời học sinh Trung Học từ lớp 6 đến lớp 10 dù hằng đêm vẫn chui xuống hầm tránh đạn pháo kích và tiếng súng nổ ầm ì hay ánh hỏa châu chiếu sáng mỗi đêm là chuyện rất quen thuộc của người dân Pleiku. Năm 72 tình hình chiến cuộc ngày càng sôi động đã khiến ba tôi quyết định mua nhà cho gia đình vào Sàigòn sinh sống cho ổn định, để ba yên tâm lo việc nước…

hinh 2

Với những tháng ngày thay đổi chỗ ở như thế, gây trở ngại cho việc học của chúng tôi không ít, thế cho nên ba tôi vẫn luôn hỗ trợ để chúng tôi có đủ sức theo học theo từng cấp lớp mà không bị ở lại lớp, bằng cách ở bất cứ nơi nào ba cũng cho chúng tôi đi học kèm và học những trình độ cao hơn một hai lớp để nếu như vì di chuyển đi nơi khác bất thình lình thì cũng có thể bắt kịp bài vở hay dễ dàng vượt qua. Chính vì thế cho nên tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với việc học và chỉ quanh quẩn trong nhà, chứ không có thì giờ để giao tiếp với bạn bè.

Kể như vậy để thấy rằng do hoàn cảnh, anh em chúng tôi sống quây quần bên nhau, đùa giỡn sinh hoạt với nhau nhiều hơn với bạn bè trang lứa. Điều này cũng nói lên tình thương yêu vô bờ bến của ba má dành cho chúng tôi để giúp chúng tôi sống bình an trong thời chiến và vẫn theo đuổi việc học dễ dàng, mặc dù ít nhiều gì chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, gặp trở ngại khó khăn trong việc học tập và giao tiếp. Tôi vẫn nhớ lúc nhỏ khi còn học Tiểu Học thì chuyện thay đổi chỗ ở không… nhằm nhò gì với tôi, nhưng thời gian học Trung Học, trí óc đã mở mang, ngoài việc học cũng cần đến giao tiếp, nhất là thời gian ở Pleiku khá lâu so với những nơi ở trước, nên ngày lên văn phòng lấy Học Bạ để chuyển trường thật là buồn, vì thời gian đó trường đóng cửa do ảnh hưởng chiến cuộc của mùa hè đỏ lửa năm 72, do đó rời trường mà không hề từ giã được bạn bè thầy cô, cầm Học Bạ mà nước mắt đoanh tròng dù kết quả học tập không tệ chút nào.

Khi về Sàigòn, tôi bước chân vào lớp 11 với những ngỡ ngàng buồn chán khi không có được một người bạn cùng lớp để nói chuyện, để trao đổi kinh nghiệm học hành như ở Pleiku bởi vì các bạn  học với nhau từ lâu nên đã chia ra những nhóm rất thân, không tiếp nhận thêm bạn mới. Hơn nữa lúc đó tôi cũng chưa quen với lớp học chung nam nữ, bởi thế giờ ra chơi trong khi các bạn tung tăng vui vẻ trong sân trường thì tôi một mình lặng lẽ dựa góc cột chờ đến giờ vào lớp… Mãi đến năm lớp 12, có hai cô bạn “thương tình” cho tôi nhập nhóm thì lúc đó chúng tôi bắt đầu bận rộn cho việc thi tốt nghiệp phổ thông cho nên tình bạn cũng không mấy gì khắng khít….

Kể sơ như thế để thấy rằng việc thay đổi chỗ ở liên tục cũng gây ảnh hưởng về tâm lý và học hành nơi con trẻ, mất đi lòng tự tin, hồn nhiên nếu như không được sự chú ý, chăm sóc của gia đình.

Thật tình mà nói, lúc nhỏ tôi chưa từng bao giờ nghĩ đến sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái, vì không những chỉ vất vả của các lần di chuyển thay đổi chỗ ở mà còn là không an cư lấy đâu ra lạc nghiệp, vậy mà chúng tôi chỉ biết vui hưởng một cuộc sống no đủ và hạnh phúc chứ không nghĩ ngợi chi cả. Bây giờ đã có gia đình riêng, đầu hai thứ tóc với bao nỗi lo toan bận rộn vất vả cho tiểu gia đình mới nhận ra rằng mình đã nợ ba má quá nhiều mà chưa hề báo hiếu đúng nghĩa thì ba đã mất, má đã già. Người đời thường nói “nước mắt chảy xuôi” như tình yêu của cha mẹ dành cho con cái bao la như trời biển, biết thế nhưng rồi cũng chẳng hề lội ngược dòng, hay nước mắt chảy ngược để đền đáp ơn dưỡng dục. Rồi có ngày sống trong viện dưỡng lão, ngồi ngẫm nghĩ lại chuyện đời, chắc hẳn những giọt nước mắt sẽ tuôn ra vì ngoài nỗi ân hận không chăm sóc chu đáo cho cha mẹ lúc tuổi già còn là niềm tủi thân dành cho bản thân mình khi đơn độc nơi chốn này và chắc chắn rằng sẽ nhủ thầm ‘ước gì thời gian quay trở lại”… thì đã muộn mất rồi, còn đâu! 

bama 2

Hồ Diệu Thảo