User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
pleiku xua

Trước năm 1975, chính xác hơn nữa là trước tháng 4 năm 1975, tâm hồn của những người trẻ tuổi của chúng tôi thật là đẹp, đầy chất thơ và rất lãng mạn - không phải là sự lãng mạn của mực nước lớn tràn bờ đã làm vỡ đê để rồi cuốn phăng đi tất cả mọi thứ theo dòng chảy mà nó gặp, sau đó thì để lại một dấu tích của sự tàn phá vô cùng kinh khủng như bây giờ – Mà sự lãng mạn của thời ấy nhẹ nhàng dễ thương lắm, nó lãng đãng như nắng sáng và lênh đênh như chiều vàng, nó vi vu như tiếng sáo bên thềm vắng và rồi lại réo rắt như tiếng đàn bầu dưới trăng… vì vậy nên thời đó tâm hồn con người rất dễ xúc động, chỉ cần một chiếc lá vàng rơi, một gợn nước lăn tăn trên mặt hồ phẳng lặng hay chỉ nhìn một tà áo dài lướt qua.. là những người “ngày xưa ấy” sẽ rất dễ dàng để múa bút trên giấy thành một bài thơ hay một bản nhạc, có khi là một bức tranh… đơn giản là khi tâm hồn không chất chứa những hận thù tranh đoạt, mà lúc nào cũng chỉ biết yêu thương và sẵn sàng tha thứ vì vậy nên tâm hồn người là của thơ và nhạc.

Phố Núi Pleiku… một thành phố bé xíu đầy bụi đỏ và thông xanh, mỗi khi mùa mưa đến thì đất đỏ với nước mưa trộn vào với nhau làm cho nó nhão nhẹt và biến thành một thứ bùn sền sệt. Khổ nhất là khi phải đi ra ngoài thì dưới đế giày, đế dép lúc nào cũng cõng nặng thêm mấy ký lô của đất sét màu đỏ quánh. Trước cửa mỗi nhà đều có đóng một cái gạt bùn; tức là người ta lấy một thanh sắt ngằn đóng vào hai cái thanh gỗ cao chừng năm tấc, ngang chừng ba tấc rồi đóng xuống trước cửa còn lại ba tất, khi về đến nhà là phải gạt bùn đỏ bám dưới đế giày, đế dép cho rớt ra hết. Mưa ở Pleiku lê thê làm mốc meo mọi thứ, kể cả… con người.

Ngày ấy chỉ cần nghe hai chữ “Pleiku” mà thôi là tôi nghĩ ngay đến hình ảnh một đoàn người Thượng đi thành hàng dài, phụ nữ ở trần, đàn ông đóng khố, hàm răng bị cà hết chỉ còn hai cái nướu, hai lỗ tai lòng thòng, sau lưng mang gùi… Cảnh vật thì toàn là núi đồi nương rẫy toàn một màu xanh nhấp nhô, khi chiều đến thì mọi thứ đều bàng bạc trong một màn sương dày giăng mờ hết lối đi và mưa thì xám cả hồn. Một nơi của địa đầu giới tuyến buồn hiu hắt, nơi mà tôi ưa gọi đùa là “tận cùng bằng số”, xui lắm mới “bị đổi lên đó làm việc”. Nhưng rồi… chỉ với một bài thơ của thi sĩ Vũ Hữu Định trong “Còn chút gì để nhớ” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thì Pleiku lại đổi sắc thay hương một cách nhanh chóng lạ lùng và Phố Núi bỗng dưng trở thành một xứ thần tiên thơ mộng, đầy sức quyến rũ đến mê đắm lòng người, trong đó có tôi.

Đúng là một nơi “tận cùng bằng số” nên tôi dạy học mà như chơi, và chơi thì như dạy, cứ gom giờ lại dạy một “lèo”, sau đó là thong dong lên Đà Lạt để “rong chơi” mấy ngày cho đã đời, bởi vì… nếu có bị kỷ luật thì không còn nơi nào “tệ” hơn nơi này để mà đổi tôi đi… Nhưng Pleiku thật tuyệt vời làm sao vì nơi đó có người yêu của tôi đang Bay và sống. Và tôi thì chỉ dám “rong chơi” mỗi khi anh ấy bị điều đi biệt phái ở đâu đó trong vài ngày… vậy là tôi liền đi máy bay Air VN từ Pleiku lên Đà Lạt - và ngược lại - như là đi chợ, riết rồi mấy cô Chiêu Đãi Viên Hàng Không rất quen thuộc với cái bộ mặt của tôi và thường hỏi khi thấy tôi xách va li lên máy bay:
- Thủy lại lên Đà Lạt lấy cours hả?...

Ngôi trường Trung Học bé nhỏ có tên gọi là Minh Đức 2 của Cha Nam ở vùng quê xã Phú Thọ. Một ngôi trường với hai dãy phòng học nhỏ bé, tuềnh toàng nhếch nhác đầy bụi đỏ. Khi Cha Nam đưa tôi về để “ra mắt ngôi trường làng” thì trường đã cũ kỹ lắm rồi, những chiếc bàn, ghế của học sinh đã bị long đinh, có cái thì mục gãy hết một chân nên phải chắp nối tạm bợ bằng một cây gỗ để chống đỡ sự khập khiễng của cái bàn hay cái ghế bị thiếu chân.

D112 WP Pleiku

Cha Nam phân cho tôi dạy nhiều môn lắm, ngoài môn Văn, Sử, Địa là môn chính của tôi, Ngài “ép” tôi phải dạy thêm môn Vạn Vật và Pháp Văn, thời khóa biểu của tôi từ Thứ Tư cho đến ngày cuối tuần ở trường của cha ít có giờ trống ngoài chiều Thứ Bảy và nguyên cả Chúa Nhật, thế nhưng tôi vẫn ưa “gom” giờ và Cha không thể ngăn cản được những lần tôi lên Đà Lạt… Sau đó vì muốn trường thêm phong phú và đầy đủ các môn học, Cha Nam rước một Giáo Sư về dạy Nhạc. Nếu trí nhớ của tôi còn tốt thì… Giáo Sư dạy Nhạc đó có tên là Châu thì phải; anh còn trẻ, đầy vẻ nghệ sĩ, người ốm ốm nhưng không cao gì mấy, điều mà tôi nhớ về thầy dạy Nhạc ấy không phải là tên của anh, mà là anh ưa tìm ngồi vào một nơi vắng học trò để vừa đàn vừa hát cho một mình anh nghe.

Một lần rất tình cờ, sau khi anh Châu dạy Nhạc xong còn tôi thì trống được một giờ, tôi đã vô tình thấy và nghe anh hát, bài hát hay lắm, vì vậy tôi đứng im đằng sau cách cửa để nghe hết bài hát của anh, không hiểu sao lúc đó tôi bị ngứa cổ nên ho lên một tiếng làm anh giật mình ngừng hát rồi quay lại và gật đầu chào tôi, tôi khen rất thật tình:
- Bài hát hay quá à.
Anh khoe:
- Bài này của tôi sáng tác đó, cô Thủy khen thật chớ?
Tôi gật đầu:
- Tôi nói thật, anh hát nghe buồn quá, bài “Còn Chút Gì Để Nhớ” cũng nói về Pleiku nhưng nhẹ nhàng lãng đãng chớ không não nề bằng bài này, dù trong bài này anh cũng nói về Pleiku nhưng là một Pleiku của chiến tranh, của tiếng phi cơ bay lượn ù ù, rồi tiếng của đạn pháo ầm ầm, và còn thêm “cắm trại với cấm quân”…nghe sao mà buồn da diết và chua xót lẫn đau đớn thế nào ấy... Anh hát lại cho tôi nghe một lần nữa được không?

Anh Châu cười buồn, gật đầu rồi anh cầm cây đàn lên; vừa đàn vừa hát. Những lần dạy Nhạc tiếp theo của anh, tôi ưa đứng chờ anh dạy xong để nhờ anh dạy cho tôi hát và chép lại cho tôi bản nhạc đó. Điều đáng buồn là cái giọng hát của tôi lúc nào cũng bị như “cung đàn lạc giọng” nên học hoài mà cũng không thể nào hát đúng… thật uổng cho một bản nhạc hay. Tôi còn nhớ bản nhạc đó là một bài thơ và tôi thuộc được như sau:

Chiều ở Pleiku,
Một chiều như mọi chiều,
Có những cây thông già,
Lặng đứng hứng bụi xa.

Chiều ở Pleiku,
Ù ù tiếng phi cơ,
Ầm ầm tiếng súng xa.
Còn tiếng gì cho nhau?

Chiều ở Pleiku
Chiều ở Pleiku
Sương chiều giăng mờ lối, 
Cơm chiều ăn vội vã…

Chiều ở Pleiku, 
Chiều ở Pleiku
Cắm trại với cấm quân,
Còn phút nào cho em…

Hình như bản nhạc còn thêm mấy khổ thơ nữa nhưng không hiểu sao nó chỉ nằm ở trong đầu tôi chỉ chừng đó mà thôi và nó ở lại trong lòng tôi suốt mấy mươi năm trời nay. Khi nhớ đến Pleiku, nhiều người hát “phố núi cao, phố núi đầy mây”… còn riêng tôi thì tôi lại hát “Chiều ở Pleiku… một chiều như mọi chiều…”. Bản nhạc của anh Châu diễn tả về một thành phố rất thực với một nỗi buồn chua chát mênh mang và đầy những hình ảnh đau đớn của chiến tranh.

pleiku1

Tôi còn nhớ có một đêm trường Trung Học Pleiku tổ chức ăn bánh ngọt uống nước trà để tiễn một Giáo Sư lên đường nhập ngũ, một anh đứng lên hát bài “Hoa Trinh Nữ” tặng cho tôi và sau đó thì yêu cầu tôi hát tặng lại một bài. Tôi đứng lên trước những con mắt chờ đợi của mấy chục người và rồi lấy hết can đảm để cất giọng hát bài “Chiều Ở Pleiku” của anh Châu. Không ngờ giọng hát của tôi quá xá dở ẹt nên chỉ tàm tạm hết đoạn thứ nhất, đến khi vừa hát câu đầu của đoạn thứ hai, tới chữ Pleiku giọng của tôi bay bổng lên cao như một tiếng hú và thành ra “chiều ở Pleikú…” rồi ngừng lại và tắt luôn ở đó... Thật tình là không có sự xầu hổ nào hơn sự xấu hổ này nhưng rồi tôi cố tỉnh bơ để nói một câu xin lỗi rất chân thành:
- Bài hát này rất hay và rất mới nhưng tôi không hát được vì giọng tôi quá xá dở.

Có vài tiếng vỗ tay lác đác xen lẫn vài tiếng cười khúc khích. Lúc đó tôi thất vọng về tôi ghê lắm, giá như tôi hát hay thì… biết đâu nhờ giọng ca hay của tôi mà bản nhạc “Chiều Ở Pleiku” của anh Châu sẽ được phổ biến và nổi tiếng khắp nơi? thật tình mà nói bản nhạc này dù ngắn và gọn nhưng đã diễn tả được sự chua xót của một thành phố nằm trong vùng chiến tranh nóng bỏng và các anh lính trẻ luôn bị “cắm trại với cấm quân” nên không “còn phút nào cho em?” mà tôi cũng là một “em” trong hàng ngàn “em” ở Pleiku, và người ấy của tôi thì cũng luôn “ù ù tiếng phi cơ”, luôn than thở với tôi rằng:
- Chiều mai anh bị cắm trại rồi nên không đến trường đón Thủy được. 
Chỉ cần nghe anh nói như thế là tôi buồn ghê lắm và rất ghét những chữ “cắm trại với cấm quân”.

Pleiku của “còn chút gì để nhớ” chứa đầy sự lãng mạn, nên thơ, tình tứ và diễm lệ. Nhưng “Chiều ở Pleiku” của anh Châu thì khác hẳn vì nó mang hình ảnh của chiến tranh, của bi thương ai oán, của tiếng khóc cố nén lại trong lòng… “Cắm trại với cấm quân, còn phút nào cho em?”. Ngày nào tai cũng nghe tiếng phi cơ “ù… ù” cùng với tiếng đại bác “ầm… ầm” từ xa vọng lại riết rồi quen tai và trở nên thân thuộc, bữa nào vắng tiếng đại bác và tiếng những chiếc phi cơ đủ loại bay lượn trên bầu trời thì ngày đó làm như Pleiku thiếu thiếu một “cái” gì đó…và “cái gì đó” chính là một “cái nét” rất đặc trưng của Phố Núi như anh Châu đã viết: “ù ù tiếng phi cơ, ầm ầm tiếng súng xa…” nên chỉ cần thiếu hai tiếng “ù ù… ầm ầm”… là người Pleiku sẽ ngạc nhiên… đến ngơ ngác lạ lùng.

Bản nhạc của anh Châu nằm sâu trong tâm hồn tôi, có những chữ mà tôi không nhớ chính xác cho lắm, như “sương chiều giăng mờ lối” hay là “mưa chiều…”, và “còn tiếng nào cho nhau”… có chính xác hay không? Nhưng dù sao tôi cũng đã nhớ được khá nhiều và như thế đối với tôi thì điều đó cũng đáng mừng lắm rồi.

Pleiku dễ thương và nên thơ vì trên những con đường của Phố Núi còn có những hàng thông xanh già và cây thì thường cao hơn phố, tôi thường ưa ví von rằng: “nhà lẫn trong cây còn phố ẩn trong mây” Đó là nét đẹp rất riêng cùa Pleiku mà không nơi nào có. Mấy mươi năm rời xa nơi đó, từ cái ngày chạy xuôi chạy ngược kiếm một phương tiện để đi di tản rồi cuối cùng thì lẩn lút ở trong rừng. Pleiku đã trở thành một vết dao bén ngót cứa nát tâm hồn tôi và mãi mãi không làm sao tôi quên cho được vết cứa ấy...

Một lần trở lại Pleiku; chỉ mới đây thôi, tôi đau đớn đến tái tê khi thấy bây giờ Pleiku thay đổi quá nhiều và quá nhanh, sự thay đổi ấy đã xóa hết những nét đẹp rất nên thơ, rất lãng mạn mà ngày xưa Pleiku đã từng có và từng hãnh diện, Phố Núi gần như mất hết những hàng thông già cao vút đã từng ôm ấp che phủ cho nhà và phố, mà chính nhờ điều đó nên Phố Núi mới có nét thơ mộng đáng yêu.
Phố xá “bị” nới rộng ra thật “hoành tráng” nên chi không còn “đi dăm phút đã về chốn cũ” mà …phải “đi mỏi chân chưa về chốn cũ” nên tôi làm biếng không còn thích dạo chơi trên phố như ngày xưa, hơn nữa phố xá bây giờ cao ngất ngưởng, đủ màu đủ kiểu rất diêm dúa nên… người ta đâm ra thật xa lạ với nhau, không như ngày xưa “phố xá không sang nên phố tình thân”. Với lại đài phát thanh có tật ưa phóng loa cho thật to những tiếng nói oang oang của mấy em xướng ngôn viên… để phố biến chính sách, thông tin… này nọ, nhất là khi họ mở lên những bản nhạc… khô khan với giọng ca the thé trấn áp lỗ tai của những người Phố Núi xưa còn sót lại.

Không tìm đâu ra “em Pleiku má đỏ môi hồng” ngày xưa ấy, bởi bây giờ em nào cũng “…” hết biết. Tầng Ozon ở Pleiku bị thủng rồi, vì người ta đốn bỏ hết những hàng cây thông xanh của “một thời” để nới rộng đường, đã thế lại không chịu trồng những hàng thông khác nên chi Pleiku không còn là “ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”… như ngày xưa nữa.
Một thành phố khi không còn mang sắc thái của thiên nhiên, ở giữa thiên nhiên và hòa quyện vào với thiên nhiên, mà chỉ là những kiểu dáng kệch cỡm quá nhiều màu sắc diêm dúa gây nên sự chói mắt, phản cảm, thì làm sao tâm hồn của con người ta trở nên Thơ và Nhạc như ngày xưa đã từng là như thế.

Buồn lắm lắm… nhưng dẫu sao tôi cũng được là người của một thời mà ai đó đã nói “may mà có em đời còn dễ thương”. Những người đã từng ở Pleiku, đã từng yêu, đã từng hát “Còn Chút Gì Để Nhớ”… thì bây giờ là những người của huyền thoại Phố Núi Pleiku, cho dù bây giờ họ đang ở nơi đâu, còn sống hay đã chết… thì những người Của và Trong Huyền Thoại vẫn đẹp, vẫn lãng mạn, vẫn sống mãi với thời gian. Mặc dù bây giờ Pleiku không còn như ngày xưa nhưng người của Pleiku cũ vẫn mãi mãi là người của “Phố núi cao, phố núi đầy mây”…

Tôi đang nhờ người ghi lại những note nhạc bài hát “Chiều Ở Pleiku” của anh Châu, chừng nào xong sẽ gởi đến người của Phố Núi xa và gần… để không bao giờ quên Phố Núi Pleiku luôn là huyền thoại có thật của những “Người Pleiku Năm Cũ”.

Hồ Thủy