User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Bao La

(Gửi Lê Minh Hà)

Con gái tôi bình thường có thể nói cùng lúc thông thạo bốn thứ tiếng: Việt, Anh, Đức, Pháp. Nửa học trình, hai năm chương trình cử nhân Hán văn, đủ để “ni hậu”, và đủ để bạn tôi trêu, “bao giờ hai mẹ con thất nghiệp, thì con về Việt Nam viết liễn thờ, kiếm cơm nuôi mẹ”. Như vậy, khả năng tìm ra việc làm, cơm ăn ngày ba bữa của con bé, tệ nhất là cũng viết được liễn thờ!

Như vậy, tôi đâu có gì để phải lo lắng cho con bé, nhưng lo, thì tôi vẫn cứ lo. Tôi đòi mượn nợ nhà băng mua một cái appartment để dành cho con bé. Con bé nhăn mặt:

- Mẹ tính chuyện gì đâu không.

Tôi nghĩ nó chẳng biết chữ bao đồng, nên dùng chữ “gì đâu” để nhăn nhó tôi. Tôi cãi trăng cãi cuội với con. Mãi cho tới khi con bé hỏi, mẹ nghĩ về bài cầu nguyện chung như thế nào; thì tôi đành lòng phải im. Bài cầu nguyện chung, tức là bài Kinh Lạy Cha, hằng ngày tôi cầu nguyện, “xin Chúa cho con hôm nay đồ ăn đủ ngày”. Tính tôi khoái ăn ngon mặc đẹp. Trong tủ lạnh tôi lúc nào cũng có đủ các thứ thịt rừng, hươu, nai. Tủ thức uống, rượu mạnh rượu nhẹ lung tung xèng. Tủ đồ khô thì như một ngăn hàng xén, bún phở mì đậu đen đậu đỏ nước cốt dừa... Bài cầu nguyện chung, Chúa cho phép tôi “xin cho con một năm đồ ăn đủ ngày”. Trong một đoạn Kinh Thánh khác Chúa dạy, chim trời không làm lụng vẫn có đủ hạt, hoa cỏ ngoài đồng, sắc áo vua nào có thể so bì; thì sá gì tôi, vật thọ tạo của Ngài, mà Ngài lại để túng thiếu, đói ăn?

Vậy mà tôi, tuần nào cũng đi nhà thờ, ngày nào cũng trò chuyện với Chúa, vẫn cứ như đồ vô tín. Tôi vẫn đem lòng lo đêm lo ngày. Chuyện gì cũng cưu mang, nhét đầy cứng vô dạ. Đi lên đi xuống, ngó thời khóa biểu con để trên bàn viết, là tôi lo, sao nó học dữ thần vậy. Ngày nào cũng đầy kín giờ kiểu đó chắc chết quá. Đi qua đi lại, thấy chuyện chỗ làm thêm của con nhỏ sao cực lòng chịu không thấu; đã cái con nhỏ Kollegin, đồng nghiệp của nó, mặt mày kỳ cục khó chịu, lại thêm thằng sếp chuyện nhà lộn xộn lúc nào cũng cấm cẩu thấy mà ghê. Rồi đi tới đi lui, coi bộ không còn gì để lo, tôi tự hỏi thầm, không biết sáng nay thằng fiance của con bé đã gọi điện thoại qua cho nó chưa!

Hồi con còn nhỏ, chồng tôi vượt biên ra nước ngoài, chiều chiều tôi và con bé hay ra võng nằm. Nhìn ra ngoài ngõ chỉ thấy nắng tắt, thấy mưa sa, tôi não lòng ngâm thơ Nguyễn Bính, Quang Dũng, Thâm Tâm.. Lớn lên vài tuổi, con tôi biết Đôi Bờ, biết Cậy Em Em Ở Lại Nhà, biết Tống Biệt Hành, biết Đưa Người Tôi Không Đưa Sang Sông. Bạn tôi chửi mày đầu độc con nhỏ. Nhưng mẹ tôi lại la, sao con nguyên tắc với con bé quá vậy. Lúc nào cũng như quân đội với nó. Nó không có cha! Mẹ tôi nói y như tôi đã góa bụa!

Con gái tôi “không có cha”, khôn sớm. Nghe người lớn nói chuyện, nghe mẹ tôi cằn nhằn tôi, nó hiểu ngay bố chỉ đi vắng, mẹ không được phép lộn xộn; nên con nhỏ phụ với bà ngoại “giữ gìn” tôi. Tôi mở quán cà phê, có anh chàng rắp ranh theo tôi, mang hoa, mang bánh mì thịt nguội tới cho con nhỏ mỗi ngày, con nhỏ nói bố con đi làm xa, ba ngày về một lần. Chàng dũng sĩ tính nhảy vô cứu đời cô Lựu, nghe vậy, chạy mất dép. Tôi cụt đường “chiến đấu”, đành đầu hàng vô điều kiện số phận con rệp.

Ở Việt Nam sáu năm sau, tôi sang Úc đoàn tụ với chồng. Gặp nhau, hai đứa ngó nhau, rồi ôm nhau mà như ôm người dưng. Tôi hoàn toàn xa lạ trong mắt chồng tôi. Chồng tôi cũng không quen thân gì với tôi cả. Con càng lạ, càng khó quen thân hơn. Nên ba kẻ chung family với nhau, mà chỉ ngắn ngủi một thời gian chưa kịp để bèo hợp, mây đã tan.

Chồng tôi đi rồi, một hôm con tôi lẩn quẩn trong phòng cũ của bố, bỗng chạy ra đưa cho tôi tấm hình, vặn vẹo hỏi:

- Mẹ ơi, sao bố lại ôm cô này kỳ cục vậy?

Tôi hoảng hồn, đem tấm hình đi giấu, nói bên này bạn bè thân nhau vậy đó con. Năm đó con tôi chưa đầy mười tuổi. Chồng tôi ở cách chúng tôi không xa, mỗi cuối tuần về thăm một lần. Tôi nói xạo con bé:

- Bố đi làm.

Nói bố đi làm, thì dĩ nhiên con phải được nuôi nấng nên thân tử tế. Tôi ra sức cày đủ mọi thứ nghề, thượng vàng hạ cám trong xã hội để con được “như người ta”. Sau thấy mình dốt quá, cái thư ở trường con mang về cũng phải chờ cuối tuần mới có người đọc, tôi đăng ký đi học trở lại cho biết chút chữ nghĩa. Lãnh tiền trợ cấp của bộ giáo dục như mưa rơi sa mạc, tôi lại gồng người đi bán bánh mì, take away, cặm cụi trên đống quần áo công nghiệp; rồi nghiến răng thuê nhà đẹp, nhà trên đồi nhìn xuống biển sóng vỗ lao xao. Sáng sáng Chúa Nhật, trước khi vào lễ lạy, tôi dẫn con đi ăn nhà hàng, chiều chiều bài vở xong, tà tà đi bơi, đi ra biển hóng gió. Hè, có chỗ, lại dẫn con đi chơi xa. Hai mẹ con, bao giờ thiên hạ trông vào, cũng thấy thảnh thơi, nhẹ nhàng. Không ai biết tôi kiệt sức như thế nào. Và con tôi chắc ngay lúc ấy cũng không biết tôi hết hơi ra sao.

Bao La 1

Nhưng lớn lên, con tôi hiểu hết tất cả những điều tôi không cần phải ra sức kể công ấy. Như tôi hiểu chính mẹ tôi đã gối đầu trên nước mắt là thế nào để chúng tôi được lớn lên, được thành người. Lúc còn đi học bên Úc, tôi thân với một cô bạn gốc người Bỉ, đến nhà chơi, nghe bạn trả lời mẹ khi bị la mắng chuyện gì đó:

- I didn´t ask to be born!

Câu trả lời thật hỗn xược và khó chấp nhận nổi, nhưng chính trong câu nói ấy, bỗng tôi học ra được một điều. Tôi bừng mắt ra về chuyện chính mình đã muốn có con, chứ con tôi không hề đòi ra đời, không hề muốn được sinh ra thật. Do đó tôi tự nhủ, tôi phải biết làm tròn bổn phận của mình đối với con trước khi mong nó báo hiếu cho mình.

Những năm trước khi chúng tôi rời miền Nam bán cầu, con tôi vẫn còn bé lắm trong mắt tôi. Mỗi tối, con bé vẫn chờ tôi vào giường, thay vì nghe tôi kể chuyện cổ tích như lúc nhỏ, thì chúng tôi đọc Kinh Thánh rồi cầu nguyện chung với nhau. Và trước khi hôn good night với nó, tôi sẽ nằm quay nghiêng qua con, nghe nó kể chuyện tào lao trên trời dưới biển. Tôi đi học lại, hết còn trẻ, nên tiếng Anh thiệt là chán đời, nội cái chuyện nhớ tên đám bạn cùng lớp là đã muốn khùng, nghe con tôi, Stephanie, Chi Phi, Charles, George, Asa...; những đứa tôi chỉ thấy mặt một đôi lần, hoặc chưa bao giờ thấy mặt, tôi lùng bùng cả hai lỗ tai. Nhưng cuối cùng tôi phải vận dụng hết mọi nỗ lực, kể cả “trick”, mẹo vặt, để nhớ dăm ba chi tiết mà biết đường trò chuyện cùng con. Chẳng hạn, Chi Phi người Tàu, Stephanie người Chi lê, George người Hy Lạp, Asa người Mỹ... vân vân. Hay Chi Phi học giỏi, Danielle thường thích đổi bánh mì trái cây với bạn, hoặc Asa là thằng chuyên trêu ghẹo bọn con gái, đánh đấm với bọn con trai...

Những chi tiết nhỏ thôi, nhưng chỉ cần lơ là đôi bận, tôi nghĩ có lẽ, con bé sẽ nhận ra ngay tôi không buồn để ý chuyện của nó. Trong đầu tôi, lúc ấy - cả bây giờ nữa - luôn luôn phải có thêm những thế giới mà con tôi đang sống. Và y hệt mấy cái website trên internet, khi con nhỏ vô một cái “địa chỉ” nào đó, những tên tuổi Amy, Thomas v.v... nào đó, là tôi phải bật ra ngay một, hai chi tiết, chẳng hạn, chồng của Amy tên gì, Thomas là thằng nhà giàu học giỏi mà chỉ muốn vô rừng sống để viết văn!

Năm con tôi mười ba tuổi, tuổi thời tôi bắt đầu biết để ý người khác phái, biết đọc thơ và làm thơ; vậy mà tôi đã hoảng hồn khi nhận ra con bé chỉ thích đến chơi nhà một người bạn của tôi, hơn là đi bơi, đi dạo như trước. Bởi vì nhà bạn tôi có mặt trời? Có hoa, có lá? Không, chao ơi, chỉ có con trai của bạn tôi!

Tôi lo quýnh quáng. Sáng Chúa Nhật, thằng bé đi lễ, con tôi vui ra mặt. Nói nhiều hơn, cười nhiều hơn. Đứng ngay bên cạnh tôi, mà con bé biết hết chị bạn tôi đang trò chuyện với ai, làm cái gì ở góc đàng kia, trong khi tôi đang trò chuyện với người nào thì nó chẳng hay! Thật xui cho tôi thuở ấy, là tôi chẳng thân với ai có con gái bằng, hay lớn hơn tuổi con bé, để hỏi han, tâm sự vụn. Tôi sốt ruột sốt gan, tôi lo lắng não lòng, mặc dầu con tôi chả làm gì sai trái! Con bé chỉ nói nhiều, cười nhiều, hoặc buồn hơn, ngẩn ngơ hơn những khi không thấy bóng xe của gia đình bạn tôi chạy lên con dốc nhà thờ...

Tôi hoảng, nên “chắc ăn” nhất, theo một phương cách ấu trĩ nhất, mà bà mẹ nào cũng áp dụng khi thấy con dần dà vuột ra khỏi tay mình, là... lén lút rình xem thái độ của con như thế nào. Tôi thậm thà thậm thụt đọc lén nhật ký của con bé. Nhưng lúc thấy con nhỏ vẫn ghi chép chuyện nắng mưa, gây gổ với bạn bè, tôi ngẩn ngơ. Đến lúc tìm ra được một mảnh giấy màu hồng nhạt, không ghi chép gì ngoài một mẫu tự viết hoa, rất đẹp, là mẫu tự đầu tên của thằng bé con bạn, tôi lại càng ngẩn ngơ hơn.

Một mình, tôi không có ai để chia sẻ, không có ai để “gánh vác trách nhiệm” với mình, tôi lo lắng, và quên mất, trong đời, ai không từng một lần đứng ngẩn trông vời..., như vậy.

oOo

Chúng tôi rời Nam bán cầu vào thời điểm con tôi bắt đầu thành thiếu nữ. Những chấn động, thay đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ nọ, từ Việt sang Anh, từ môi trường sống ở quê nhà sang Úc, rồi cả sự có mặt của người thân quen trong gia đình, hoàn toàn chưa kịp để con bé hoàn hồn, chúng tôi lại phải bắt đầu một cuộc sống mới khác. Với tôi, ngôn ngữ lạ, công việc lạ, khó, mà thành dễ, vì tôi hội hay không hội nhập, tôi hiểu biết hay không hiểu biết xã hội Đức cũng không sao. Tôi có dốt nát về chính trị văn hóa của nơi tôi đang sống, chắc chắn là chỉ làm tôi bực mình chứ không làm tôi mất chân đứng trên mặt đất.

Nhưng con tôi, thì không thể như vậy. Tôi thường hay tuyên bố, con có bằng cấp hay không cũng chẳng sao, hoặc con có thành công hay không thành công lắm ngoài xã hội cũng được, bởi vì con là con gái. Đồng thời tôi cũng lấy mẫu, lấy ví dụ từ những người thân trong gia đình tôi, đỗ đạt thành danh từ lâu, nhưng khi làm vợ, làm mẹ, thì cũng chỉ lẩn quẩn vào ra, nội trợ tương tự như bao nhiêu người đàn bà khác trên đời này.

Tôi nói thế thôi. Tôi chỉ tự an ủi mình thế thôi. Chứ trong thâm tâm tôi, tôi vẫn khao khát con làm được điều gì đó, vẫn thấy một người được giáo dục về cả hai mặt, kiến thức lẫn văn hóa, sẽ khác với nhiều người. Tôi giấu tôi càng kỹ, con tôi càng thấy sức nặng đè lên người. Trong một thời gian rất ngắn, con tôi nói tiếng Đức như người Đức, học hành ngang hàng so với nhiều đứa trẻ bản xứ khác. Bởi, có lẽ con tôi đã ra sức, đã nỗ lực nhiều hơn những gì nó có thể làm, vì nhìn thấy được sự mỏi mong của tôi.

Và cái gánh nặng, cái trách nhiệm vô hình nó mang trên vai ấy, chắc chắn đã trĩu hơn những gì con bé phải cưu mang. Nên lúc ấy, tôi hãnh diện về con, nhưng đồng thời cũng nhận ra giữa chúng tôi, đã không còn gắn bó, không còn những sẻ chia rất gần như ngày con tôi chưa lớn. Bạn bè tôi an ủi, tuổi teenager nó như vậy. Và tôi đã cố hy vọng như vậy.

Nhưng mãi cho đến một ngày, con bé bỗng tuyên bố, không muốn đi nhà thờ Việt Nam, không muốn có mặt ở những nơi tôi hay tham dự nữa, thì tôi mới như người hụt chân, rớt rơi xuống tận đáy vực. Đất trời chung quanh tôi như sụp đổ hoàn toàn. Trước đó, ngoài chuyện học hành, tôi còn muốn con tôi hầu việc Chúa, còn hay tỏ bày ước muốn nó sẽ có đời sống một người tin kính gương mẫu nữa. Hôm ấy con tôi khẳng định với tôi, rằng nó yêu Chúa, tin Chúa, nhưng xin tôi đừng bắt nó sống đời của một con người chỉ có cái vỏ lấp lánh để người khác nhìn vào, mà không được là chính nó.

Chưa đầy mười tám tuổi, con tôi đã nói với tôi những điều mà cho đến cả bây giờ tôi vẫn chưa dám nói với mẹ tôi cách thẳng thắn như vậy. Cái xung đột giữa hai mẹ con tôi, có lẽ không dữ dằn như nhiều gia đình khác. Vì thói quen của tôi đối với con, là không bao giờ nói năng, la lối tiếng lớn, cũng không cả tiếng chì tiếng bấc. Chúng tôi đã trao đổi với nhau như hai người bạn. Nhưng là hai người bạn không còn chung đường.

Thật lòng, nhiều năm đã trôi qua, khi ngoảnh lại như thế này, tôi cảm thấy mừng vì con tôi dám nghĩ và dám nói ra điều mình suy nghĩ; nhưng ngay lúc ấy tôi buồn không tả được. Cái cảm giác mất mát, cái nỗi lo sợ con vuột bay ra khỏi tầm tay mình đã trở thành sự thật, khiến tôi bàng hoàng. Và tôi mất cả tự tin.

Tôi đã sống những ngày gần như bơ vơ và cô đơn. Cô đơn gấp vạn lần hơn khi chồng tôi ra đi. Tôi chẳng còn cần phải lén lén lút lút đọc nhật ký của con nữa, cũng chẳng cần dọ xét từng li từng tí cử chỉ của nó để đoán hiểu con đang nghĩ gì, và sẽ làm gì.

Đã đến lúc con tôi bắt đầu sẵn sàng trình bày những gì nó đang suy tư và sẽ thực hiện những điều ấy tương lai, trong đó có những thứ tương lai mà tôi thấy rõ hết sức chông chênh, không bờ bến. Tôi đã khóc hết nước mắt. Với nhiều người. Cho đến sau cùng, tôi tìm ra người để khóc. Ấy là tôi khóc với Chúa của tôi. Tôi đọc Kinh Thánh nhiều hơn. Tôi cầu nguyện nhiều hơn, Và tôi lắng nghe tiếng Chúa phán với tôi nhiều hơn. Cuối cùng tôi dừng lại ở chương đoạn ông Phao lô dạy Hội Thánh Ephesus. “Chớ chọc cho con cái mình giận dữ”.

oOo

Tôi đã trải qua những ngày tháng thăng trầm buồn vui với con. Tôi cũng đã sống những ngày tháng có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của mình, là tôi đã được cùng đi với con qua những chặng đường khốn khó của nó. Cũng như đã một mình, lúc con ở bên cạnh. Rồi một mình, khi con dọn ra ở riêng...

Trên chuyến bay từ San Fransisco về London, con gái tôi rủ, con dọn về ở chung với mẹ nghe. Lúc đó đã đầu tháng Mười. Ở Munich, kiếm ra được cái nhà để dọn khó như nhai đá. Khi chúng tôi ký xong cái hợp đồng là đã vừa vặn sang mùa. Tuyết rơi lạnh cắt da. Ai cũng nói hai mẹ con tôi khùng mới dọn nhà cuối năm. Con bé lại rủ, mình sơn nhà nghe mẹ. Tôi ừ. Nhà không có đàn ông, tôi vừa đi làm, vừa sắp xếp đồ đạc vô thùng carton; con bé vừa đi học, vừa đi sơn quét một mình. Phòng con màu vàng cam, phòng tắm màu vàng sậm; phòng mẹ màu gì? Đỏ? Hồng? Tôi bảo màu gạch cua. Giống tô bún riêu mẹ hay nấu. Con bé pha màu, hai mẹ con hì hục cọ, chổi. Tôi làm đúng câu, bôi vôi trát trấu theo nghĩa đen. Con bé phì cười, đẩy tôi sang một bên, giành làm hết.

Bàn ghế tủ giường nhà tôi màu gỗ, bàn ghế tủ giường nhà con tôi màu cánh gián. Gộp chung lại, hai màu đánh nhau như Lưu Bị đánh Tào Tháo, tôi phải kêu người cho bớt đi phân nửa. Phân nửa còn lại, tôi bảo với con bé, mẹ sẽ mua sơn về sơn lại. Con bé than, con hết hơi rồi. Tôi tưởng tôi sung, đòi làm một mình. Gần đến Giáng Sinh, lớp chỗ làm, lớp nhà thờ nhà tự, lớp bài vở sách báo, nhìn thấy đống đồ đạc như cái núi chất đầy phòng nọ phòng kia, tôi xuôi xị.

Đến tuần vọng thứ tư, chịu hết xiết, tôi buông tay. Khuya Hăm Ba, đi làm về, thấy chậu thông con bé mang về đặt trong phòng ăn, tôi lục lọi ra một mớ đèn hoa. Hai mẹ con lại hùng hục dọn dẹp carton chất đại vào phòng ngủ, phòng khách. Tôi giăng đèn, kết hoa. Con bé đóng chân nến lên tường. Xong việc, là gần ba giờ sáng. Chúng tôi tắt hết đèn điện, thắp nến sáng lung linh khắp phòng. Sáng hôm sau, anh Ngô Nguyên Dũng phone cho tôi chúc mừng Giáng Sinh như anh vẫn thường làm mỗi năm với gia đình chúng tôi, tôi kể chuyện tôi đã đốt hết “cục” đèn cầy anh tặng năm xưa. Giọng ông anh trong telephone nghe đầy vẻ... hết hồn:

- Nhà cửa bề bộn như vậy mà Nga dám chưng cây Noel sao?

- Sao không! Tôi đáp. Giáng Sinh mấy năm trước đó, anh gửi xuống cho tôi một chân nến bằng thủy tinh và một “Kugel-Kerze”, một loại nến đổ theo dạng hình cầu, rất dễ thương. Mỗi năm tôi đốt một ít vào dịp lễ này. Năm ấy, tôi đốt hết.

Tôi khoe với anh, hai mẹ con còn uống một chai rượu đỏ, say choáng váng. Ngô công tử cười, chúc hai mẹ con tôi cứ luôn “genissen”, thưởng thức, hưởng thụ cuộc đời như thế.

Nhiều năm trước đây, Thích Nhất Hạnh viết về mẹ, và nhắc nhớ đến ngày lễ Vu Lan như ngày báo hiếu cho mẹ. Ông kêu gọi, hãy bông hồng cài áo cho những ai còn mẹ, và nói với mẹ rằng, con yêu mẹ. Mẹ tôi đọc bài của ông, thích, nhưng lại bảo, nước mắt luôn luôn chảy xuống. Tôi thương câu nói của mẹ tôi, vì thấy mẹ tôi độ lượng với chúng tôi vô cùng.

Nên nếu được hô hào, tôi sẽ dùng câu chúc Giáng Sinh của anh Ngô Nguyên Dũng cho hai mẹ con tôi để hô hào, rằng hãy thưởng thức cuộc đời, hãy hưởng thụ những ngày còn sống bên cạnh con. Mẹ tôi, giờ mỗi năm, khi nghe tôi về thăm nhà được, là mừng rỡ đến mất ăn mất ngủ. Hẳn nhiên tôi cũng rất muốn báo hiếu cho mẹ trên mọi khía cạnh, cũng thèm bông hồng luôn luôn được cài lên áo mình, nhưng đồng thời tôi cũng nhận ra rằng, chỉ không đầy vài năm nữa thôi, khi con tôi lấy chồng đi xa, có cuộc sống riêng của nó, tôi có muốn đốt một nến, muốn uống vài ly rượu cho say bí tỉ với con, cũng dễ gì! 

Bao La 2                                                                                               

Hoàng Nga