Ngày được nhận vào làm công nhân ở một xí nghiệp Nhà nước, mẹ mới ngoài hai mươi. Trẻ và đẹp. Mẹ cũng có vài người để ý nhưng chẳng hiểu sao, mẹ không rung động trước người nào, cũng không phải vì “kén” như bao người vẫn nói. Bà ngoại mắng: “Già kén kẹn hom con ơi! Mày xem, con gái làng này, chúng nó có con bồng, con bế hết cả rồi”. Mẹ chỉ cười: “Con không lấy chồng đâu mẹ”.
Bà ngoại nói mãi, mẹ vẫn chẳng thay đổi. Bà lẳng lặng đi tìm người mai mối đám này, đám kia. Mẹ không ưng, lắc đầu nguầy nguậy. Bà thở dài buông xuôi.
Ấy vậy mà thoắt cái mẹ đã bốn mươi. Người ta gọi mẹ là bà cô già, ế chỏng gọng! Thực sự thì mẹ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đi lấy chồng. Ngày còn trẻ đã vậy. Ở tuổi này, mẹ càng không nghĩ. Mẹ đã tính rồi. Ở vậy, đi làm phụ anh chị nuôi cha mẹ già và các cháu nhỏ. Cha mẹ mất, mẹ sẽ lên chùa quy y Tam bảo, nương nhờ cửa Phật đến lúc chết.
Vậy nhưng con tạo trêu ngươi. Bao nhiêu năm bà ngoại buông xuôi, quên đi chuyện chồng con của mẹ, đến khi thấy trong người đau nhức luôn, tưởng như sắp gần đất xa trời, bà lại sốt sắng tìm người mai mối cho đứa con cao số – là mẹ. Mẹ không chịu thì bà khóc lóc đòi sống đòi chết. Thương bà, mẹ đành nhắm mắt đưa chân.
Ngày bà nội xuống hỏi xin mẹ về làm dâu, ai cũng mừng tíu tít. Cuối cùng, mẹ cũng đi lấy chồng. Bà ngoại rưng rưng nước mắt sung sướng vì đã lo được cho đứa con cuối cùng yên bề gia thất, coi như bà đã hoàn thành trách nhiệm của đấng sinh thành.
Ngày đưa dâu, mẹ mới biết mặt chồng – người đàn ông cao to, lịch lãm. Thôi, cũng là cái duyên cái kiếp. Mẹ nén thở dài, bước theo người. Lòng ngổn ngang.
Về nhà chồng, mẹ mới biết mình đi làm lẽ. Người ta đã có vợ con đề huề nhưng là con một bề, toàn gái, vợ lại không sinh đẻ được nữa nên cưới mẹ về để mong có thằng con trai. Mẹ cay đắng nuốt tủi phận mình nhưng thuyền đã sang sông, chẳng thể quay đầu lại.
Lấy chồng, mẹ vẫn đi làm công nhân, được cấp một mảnh đất nhỏ ở quê chồng. Nửa năm sau, mẹ mang bầu. Người ta coi như xong sự, quay về ở với người vợ cả. Mẹ chồng cũng đuổi khéo mẹ: “Có đất rồi, chị cũng xem cất nhà ra ở riêng đi chứ?!”. Thế là mẹ lại cặm cụi, ngày đi làm, đêm tranh thủ xe đất ngoài cánh đồng về mảnh đất của mình, đầm, nện,… cũng được mô đất cao đủ dựng ngôi nhà tranh nhỏ. Nhờ người này, người kia giúp đỡ, cuối cùng gần đến ngày ở cữ, mẹ cũng có mái nhà tranh, vách đất để đón con.
Bà nội vui mừng khi đứa cháu đích tôn “giống thằng cha nó như đúc”. Bố con từ thành phố trở về mổ lợn ăn mừng với anh em, làng xóm. Ông ấy vui mừng vì ngót sáu mươi còn được cậu con trai để nối dõi, để dân làng không còn nói được là họ nhà này đến đời ông là tuyệt tử tuyệt tôn. Ở ngôi nhà tranh, mẹ nằm ôm con mặc cho nước mắt lăn dài, mẹ nở miệng cười, ánh mắt bỗng xa xăm.
Bố trở về chỉ để biết con là trai hay gái, để xem ông ấy có bõ công khi lấy mẹ về, rồi lại đi. Bà nội đến bế cháu được hai hôm, đến ngày thứ ba, bà đặt con vào ổ rơm, rồi nói: “Ðấy, mẹ con đi mà trông nhau chứ ai bế mãi được” và quày quả đi về. Mẹ nghẹn ngào không thành tiếng. Mẹ đói, con khát sữa, quấy khóc tối ngày. Chỉ mình mẹ. Vạt rau tàu bay, rền cơm, vảy ốc,… quanh nhà đã nuôi mẹ con mình trong những ngày mẹ nằm ổ.
Rồi con cũng đủ cứng cáp để mẹ gửi trẻ, rồi lại đi làm. Nhưng chẳng được bao lâu, con ốm đau, quấy khóc. Không có người trông, mẹ đành xin nghỉ mất sức để có tiền chữa bệnh cho con. Một mình mẹ chạy ngược chạy xuôi, bao đêm thức trắng ôm con khiến mẹ bơ phờ, gục ngã. Mẹ ốm. Thế là bao nhiêu tiền dành dụm (vài chục ngàn) đều khăn gói ra đi. Hai mẹ con từ viện trở về là lúc nhà hết gạo, hết tiền, mẹ không có việc. Ðang không biết bấu víu vào đâu, bố con trở về. Mẹ chưa kịp vui mừng thì ông nói mẹ đưa con cho ông, khỏi phải nuôi, khỏi phải lo lắng. Bao đau đớn, uất nghẹn của mẹ dồn cả vào trong lồng ngực, đau buốt. Mẹ lấy hết sức mình đẩy ông ra khỏi căn nhà lụp xụp, gào lên: “Cút! Ðồ đểu, đồ khốn nạn!” Ôm lấy con, mẹ khóc thương con thơ, thương phận mình làm dâu nơi đất khách. Vì con, mẹ vực dậy tinh thần, mua ít nước mắm về. Thế là hàng ngày, từ sáng sớm đến chiều tối, với đôi quang gánh trên vai, con một bên, mắm một bên, mẹ đi khắp làng trên xóm dưới. “Ai mắm đây, nước mắm Cát Hải đây!” Mẹ gánh mắm đổi gạo nuôi con. Con lớn dần lên trên gánh mắm của mẹ. Lời ru của mẹ là lời rao nước mắm, là tiếng quang gánh kĩu kịt, là mùi nước mắm thơm thơm.
… Mẹ yếu, con vừa học vừa làm. Mười lăm tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, con đã cùng mẹ trải qua bao khó khăn, tủi cực của cuộc đời. Con già trước tuổi, bạn bè cứ nói suy nghĩ của con lúc nào cũng như ông cụ non vậy. Ba năm làm thợ cơ khí, con thấm thía hơn về những khó nhọc của cuộc đời. Con thầm giục mình phải cố gắng, không được buông xuôi để sau này mẹ con mình có cuộc sống tốt hơn. Rồi con vào Ðại Học, mẹ ở nhà già yếu một mình, con thương lắm nhưng không thể về được. Mỗi lần nhận thư mẹ, con muốn về thăm mẹ nhưng con đường về hơn nghìn cây số quá dài. Bốn năm, ngày hè, ngày Tết con cũng không về. Con đi làm đủ các thứ nghề để trang trải cuộc sống, chi phí học hành và cả tiết kiệm chút ít gửi về cho mẹ. Từ làm gia sư, chạy bàn cà phê, trông xe đến làm công nhân cắt đá,… con đều làm hết. Cuộc đời sinh viên của con cũng vô cùng vất vả. Nhưng con luôn tự nhủ mình phải quyết tâm, con không cho phép mình nản chí, bởi nơi quê nhà, có mẹ đang chờ con từng ngày.
… Giờ đây, nhớ lại quãng ngày đã qua, con lại khóc rồi cười. Chúng ta đã trải qua bao khó khăn, đã chiến thắng tất cả phải không mẹ. Mẹ đã gần tám mươi, mái tóc đã bạc trắng, ngày ngày vui vầy cùng con cháu. Con biết, mẹ rất vui vì cháu nội ngoan ngoãn, khỏe mạnh, con dâu thảo hiền. Mẹ ạ, ngôi nhà của chúng ta không lớn nhưng cũng vững chãi, tươm tất lại sắp sửa đón chào thành viên nữa.
Ý Thu