User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

NTD 1

Chị có ba em gái và ba em dâu. Mẹ đã mất, bố đau ốm quanh năm. Có chuyện gì chị chỉ biết kể cho mấy cô em.

Hai cô em dâu nhỏ luôn im lặng khi chị chia sẻ việc nhà: ai rảnh để chị phân công chăm bố; ai lo cơm cháo khi bố nằm viện; ai lo giặt quần áo, chăn màn; ai trực ngày, ai canh đêm... Cô em dâu nhỏ nhất kín đáo, ít mồm ít miệng nhưng gia đình chị được nhờ đỡ khá nhiều: cô nuôi mẹ chồng nằm liệt giường sáu năm trời rồi chăm bố chồng và gánh vác luôn việc cúng giỗ của nhà chồng…

Cô em dâu lớn “mồm miệng đỡ tay chân”, chẳng khi nào trực ở bệnh viện, cũng chẳng bới xách chi cho bố chồng, chẳng chăm mẹ chồng. Những việc đó đã có chồng cô làm. Được cái với cô em dâu này thì: “Chuyện lớn thành chuyện nhỏ; chuyện nhỏ coi như không có…”; bởi thế lòng chị luôn cảm thấy nhẹ nhõm sau mỗi lần trò chuyện cùng cô. Mồm miệng cô lanh như tép. Điều cô làm được cho nhà chồng là khéo nói, khéo vun vào giúp hai cô em chồng ở tuổi sắp ế lên xe bông. Phải nói là cô dẻo miệng. Nói xuôi cũng cô; nói ngược cũng cô. Cô uốn ba tấc lưỡi, thủ thỉ rót mật vào tai khiến hai cô em chồng thuận cho người khác rước về dinh. 

Ba cô em dâu, mỗi cô một tính. Hiểu được là thấy vui rồi.

Ba cô em gái thì hai cô ăn nói dấm dẳng, chị ít tâm sự. Còn cô em kế chị là siêu “nói thách”. Nhớ một lần chị nghe đâu ông cụ lần khân tán tỉnh ai đó. Tức tối, chị hừng hực trút cho cô em. Ai ngờ nó cười tươi như hoa: “ Thôi, kệ ông già. Để ổng vui tí đỉnh..”. Nụ cười và câu nói của nó làm chị hụt hẫng, nỗi bực bối đang sùng sục sôi như núi lửa phun trào của chị bỗng  tắt lịm.

Lần khác nhóm bạn của nó đang say sưa buôn chuyện. Cô con dâu nhà nọ, một hôm lên nhà cha mẹ chồng mà vẻ mặt buồn thiu. Bố chồng hỏi thì cô ta nói trong tiếng nức nở là chồng mình bồ bịch với người khác. Mẹ chồng băn khoăn, chưa biết khuyên con dâu thế nào… Câu chuyện đang hồi gay cấn, mấy “bà tám” tròn mắt nghe  thì nó phang ngang: “Tao biết rồi… Mẹ chồng chưa biết làm gì để giúp con dâu bảo vệ hạnh phúc gia đình thì…”- “Thì sao? Thì sao?...” Mấy cái miệng đồng thanh hỏi dồn. Mặc cô bạn đưa chuyện liếc háy, nó cười: “Thì cha chồng đã phán rằng mặc nó! Cho nó kiếm chác chút xíu. Như cha giờ… Muốn cũng có làm gì được đâu…. Nó đi chán thì khắc về. Mất đi đâu mà sợ”. Những kẻ hay hóng chuyện người khác; những kẻ sôi sục ghen giùm, tức giùm, hận giùm… cụt hứng tan hàng.

Chuyện chồng sanh tật thường làm tan cửa nát nhà; vậy mà nó coi nhẹ như không. Chuyện con cái cũng thế! Một trai, một gái - hai đứa cứ thế hồn nhiên lớn, hồn nhiên ăn học rồi vào Đại Học. Hỏi đã tính đến chuyện xin việc sau này chưa. Nó lắc đầu cười: “Cứ cho học cho biết thời sinh viên. Ra trường có mấy đứa làm đúng ngành nghề đâu.” Chịu thua cái vô tư, phó mặc sự việc cho ông trời của nó…

Ấy vậy mà sau mấy chục năm làm dâu sống ở nhà chồng, nó cũng mua được nhà - dù đó là một căn phòng chỉ độ ba mươi mét vuông. Sao mua được? Nó trả lời: “Cám ơn kẻ ác! Bà con ruột thịt mà làm khó dễ. Không cho ở nhờ. Không cho một rẻo đất. Thế là gom góp, thế là vay mượn… Và chọn mua đúng căn nhà mà họ bán cho kẻ khác, ngay trong khu đất rộng mênh mông của họ. Để ngày ngày đi qua đi lại cho người ngoài nhìn….”. Hỏi sao lại cám ơn kẻ ác, nó nói: “Nhờ họ hẹp hòi, tính toán, ích kỉ nên mình mới có một chỗ chui ra chui vào… Nếu họ hiền thì hẳn là mình cứ dựa dẫm, ỷ lại rồi suốt đời chịu nhẫn nhục ăn nhờ ở đậu thôi ...”

Mang ơn kẻ ác, không ai mang ơn người hiền - câu nói của nhỏ em cứ vang mãi bên tai chị…

NTD

Tháng 10/2017

Nguyễn Thị Đức