
Mấy ngày ngồi bó gối
Chợt nhớ tụi bạn xưa
Giở mail xem chuyện cũ
Thấy nửa ghét nửa ưa!
Ê mầy Lớ!
Chắc là bạn mình cũng biết chỉ còn hai mươi mấy ngày nữa là thế giới chào mừng năm 2000. Các hãng truyền thông Pháp và Âu châu đã bắt đầu đếm ngược phần thời gian nhỏ nhoi còn lại của 20 thế kỷ Tây lịch.
Chỗ tao làm có vài sắc dân châu Á, đông nhất là người Việt. Hổm nay người mình theo đà người ta ồn ào bàn tán. Họ chưa rứt ra khỏi giả thiết là các hệ thống điện toán gặp rắc rối từ 1999 sẽ qua 2000 hay là 99 => 00. Phần mềm thông minh của chúng không hiểu 00 là của năm thời thượng thời hạ nào, ai cản chúng nổi điên chạy loạn cào cào hoặc không thèm chạy. Vi tính hóa đã điều khiển mọi phục vụ toàn xã hội văn minh, nó mà hư hỏng thì có thể đảo lộn mọi thứ như cúp điện, ga, nước, đóng các phương tiện vận tải, bưu điện, ngân hàng...
Bạn bè chung sở có truyền thống tiến thoái bênh nhau, nhưng đụng chuyện tranh cãi mà ngồi uống nước lã coi bộ không đã. Giải pháp cuối cùng là họ mượn tao làm chứng cho hai phe cá độ ăn thua thiệt tình vụ con số 1999 nhảy qua 2000 êm xuôi hay kẹt cứng.
Từ nhỏ, bọn mình đã nghe lời đồn tận thế vào năm hai ngàn. Mầy và thằng Tí còn nhớ lúc đó 3 đứa mình có mong ước rất dễ thương: Gần đến năm hai ngàn là ba đứa bọn mình phải hội lại sống chung một chỗ. Để khi nào ông trời giũ sổ cái rụp, tụi mình dễ dàng tìm nhau ở thế giới lai sinh!
Bây giờ sắp đến ngày đó mà ba đứa sống ba nơi. Cặp trống mái già tụi tao chèo queo nơi quận 13 của thủ đô Paris đang mùa đông giá. Thằng Tí đang hưởng nắng hè vui chơi với vợ con trên các bãi biển tuyệt đẹp ở xứ sở Kangaroo. Gia đình Tám Lớ mầy về ấp Năm hai mùa mưa nắng, bốn mùa gió lộng.
Chúng mình gặp lại lần sau cùng cũng gần 25 năm. Mấy năm đầu định cư, tao còn siêng gởi thơ gởi hình cho gia đình và bè bạn. Càng lâu đâm ra lười viết, rồi điện thoại viễn liên tiện lợi làm mọi người quên luôn vụ thơ từ. Hợp tao mừng khi nghe Lớ mầy có internet. Tao ráng trả lời một đống câu hỏi còn nợ lâu nay.
Tụi bây nhớ ngày bọn mình trở về xóm cũ sau sự kiện tan hàng rã ngũ vào những ngày đầu tháng 5 năm 1975. Ba đứa được mấy ngày vui ngắn ngủi rồi tan tác chia xa. Ngay trong ngày tụi bây nghe lịnh tập trung từ chiếc loa cầm tay của mấy tay đội nón tai bèo xưng là Uỷ ban Quân quản và lời khuyên của gia đình: "Một đứa là quan con, một đứa là lính lác, hai thằng trình diện sớm để được về sớm". Tao biết trời cao đất dày gì đâu mà cũng gật gật đồng tình. Lóng nhóng đến xế chiều vẫn chưa thấy mạng nào về, tao đạp xe mấy vòng trước ngôi trường Tiểu Học Cộng đồng để nhìn trong đám người lố nhố tìm hai thằng bây. Hôm sau tao cũng qua đó nhưng không dám ngừng lại vì thấy vài người bộ đội cầm súng. Sáng hôm sau nữa, tao thấy cổng trường mở toang, các dãy lớp học vắng ngắt. Có người nói tất cả xuống mấy chiếc ghe tải lúc nửa đêm, tao linh cảm khó còn duyên tái ngộ hai thằng bây.
Thật kỳ lạ, trước đó thì thằng Hợp tao ít khi nhớ đến mầy và thằng Tí. Buổi sáng nghe tin người ta chở số người trình diện và tụi bây đi mất, tao về nhà nằm xuôi le bỏ ăn như người bệnh. Xóm Chùa có ba đứa bạn thân ở chòm nhà cô đơn đối diện "Hiệp hội Nông dân", hôm đó chỉ còn lại mình tao.
Tao nghe ngóng mọi tin đồn nhưng không biết hai thằng bây sống chết phương nào. Còn thằng Hợp tao hai mươi mấy tuổi chồng ngồng mà mỗi ngày sống nhờ cơm cha áo mẹ tại xóm Chùa như thuở còn đi học. Cái bằng Kỹ Sư Công Chánh còn thơm mùi giấy mà bao năm tao quên cả đời trai, có ngày lo học thi bỏ ăn bỏ ngủ. Kết quả mà gia đình tao vui mừng chưa tắt nụ cười, bỗng nhiên má tao giấu nó giữa 2 tờ giấy lót của khung ảnh đặt nằm trên đầu tủ.
Ba má tao không có ruộng như bà con dòng họ của mầy. Ba tao xin nghỉ kiểu tự nguyện không hưu bổng vì kém sức khoẻ, cả nhà không biết nghề nghiệp nào khác gì có thể làm ra tiền. May là má tao nghe theo bà con mà mua vàng thủ trong nhà từ sau Tết Mậu Thân lúc ba tao còn đi dạy dưới trào Quốc gia. Nhà tao không đến nỗi khó khăn suy sụp như phần đông xã hội, nhưng cũng phải làm một việc gì đó để người ta không chú ý. Má tao nhờ người em họ của bà ở trên Vĩnh Long xuống truyền nghề bôm mực sửa bút bi cho thằmg quý tử. Sau đó tao mày mò tự học để kiêm luôn 'chuyên viên' xạc-ga, thay bánh xe răng cho các loại bật lửa, tái sinh những thứ mà trước đây xài xong là liệng rác.
Hơn hai năm sống vô vị trước khi xuống tàu vượt biển. Mỗi ngày bùi ngùi nhìn lại cảnh xưa thêm tàn tạ. Thế thời càng khó sống, chỉ còn niềm an ủi là chưa ai soi thấu được dòng ký ức của người khác, không ai ngăn nó tuôn ra những hình ảnh vui vẻ an lành và ngây thơ xưa cũ. Cũng không có quyền lực gì cản tao nhớ mầy và thằng Tí của một thời bọn mình còn mặc tà lỏn chạy long nhong vào những năm đầu thập niên một chín sáu mươi, khoảng 14-15 năm trước ngày định mệnh tháng Tư...
Nhớ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, làng xóm thanh bình, dân cư quận Tam Bình còn nghèo nhưng nhà nào cũng lành lặn đủ ăn. Đám nhóc xóm Chùa trạng 8-9 tuổi tụi mình vào những buổi chiều sau giờ cơm hoặc có bữa ham chơi bỏ luôn cơm nước, mê theo mấy anh lớn tụ tập trước hành lang xi-măng 'nhà ngói ba căn' có khi đến tối mịt. Căn nhà có giàn cột kèo, khung sườn, ván vách, ván ngăn phòng ốc, cửa nẻo toàn bằng một thứ gỗ sao dầy to rắn chắc đã lên màu nâu sậm.
Hồi đó tao nghe người lớn nói với nhau, gỗ cây sao núi tốt thiệt nhưng theo truyền thống thì loại đó chỉ sử dụng trong các việc như đóng quan tài, làm cầu qua sông rạch, đóng ghe tàu, lót sàn nhà sàn nước vân vân. Ông bà xưa dị đoan kiêng cữ dữ lắm, không thấy ai dùng gỗ sao làm rường cột để dựng nhà, cũng không đóng bàn ghế hay tủ giường.
Không hiểu do xui rủi trùng khớp nhiều lần mà người ta quả quyết là cặp vợ chồng nào mua căn nhà 'ba căn' cũng không an lành hay toàn vẹn lâu bền. Chủ nhà sau cùng là Trung Sĩ Đông, Trung Đội Truởng lính Bảo An đóng chỗ 'bót Cái'. Hồi nghe tin Trung Sĩ Đông chết gục trên tay lái xe nhà binh khi bị trúng mìn ở khoảng đường từ Ba Kè lên Long Hiệp, cả xóm mình đều kinh hoàng về sự việc và lạ lùng với 2 tiếng 'tử trận'. Bởi bà con sống trong cảnh êm ấm, không nghe ai chết lúc còn khoẻ mạnh và nghĩ rằng giặc giã chỉ xảy ra nơi vùng 'chiều mưa biên giới'.
Ít lâu sau, vợ của Trung Sĩ Đông dẫn ba đứa con dọn về quê. Bà giao căn nhà đó cho người em dùng làm phòng trọ cho một ít người cần mướn nhà nơi chợ quận thời đó như các vị thầy giáo dạy Tiểu Học hoặc Trung Học, mấy ông hạ sĩ quan hoặc nhân viên hành chánh quận lỵ. Và khách trọ thường xuyên mỗi năm là các anh lên Trung Học mà nhà cha mẹ ở tận trong ruộng đồng xa xôi và không thuận đường đi lại.
Căn nhà gỗ có phần mặt tiền xây tô gọn gàng và đẹp mắt vào thời đó ở xóm Chùa. Hành lang bê tông có giàn lan can hình chữ U bọc vòng hiên nhà của cả 3 gian thật rộng được xây gạch và gắn bông gió bằng gốm ở những khoảng cột không làm lối đi. Mặt bằng trên cùng của các đoạn lan can là những miếng bê tông đúc láng vừa tầm ngồi như các băng ghế công viên. Lan can là địa điểm sạch sẽ mát mẻ, thu hút nam thanh niên lối xóm đến ngồi chơi tán gẫu vào những buổi chiều khô ráo. Và bọn nhỏ chúng mình cũng thích vẽ ô nhảy cò cò hoặc chơi giỡn đủ trò trên sân đất rộng trong vuông rào kẽm gai cận lộ mà không bị ai la rầy hay đuổi xô khóa cổng.
Có lần mấy anh lớn xúm lại chỉ cho tụi mình về việc muốn biết bơi phải cho chuồn chuồn cắn rún. Lúc đó tao tin bí kíp của các anh công hiệu hơn cái ruột vỏ xe 'lam' của ba tao mua cho để tròng ngang ngực khi xuống sông tập bơi. Ngày nào cũng đeo cái phao tắm với tụi bây suốt mấy tháng có biết lội lặn gì đâu. Trưa hôm đó tao kêu thằng Tí tìm bắt con chuồn chuồn trâu cắn rún cho mau linh nghiệm. Nóng lòng chờ con nước lớn chiều, tạm quên cú cắn đau tới ruột. Thằng Tí kêu tao đưa cái phao nghề cho nó giữ phòng hờ. Tao nhảy ùm sát mé lội chủm chủm theo mấy cây sào tre cặm dọc cầu nhủi. Thằng Tí khoát tay kêu tao lội ra xa. Vừa bung ra, tao khoái chí mở miệng kêu nó khoe tài thì gặp đợt sóng đánh ụp tràn mặt mũi. Tao uống ngụm nước và sặc một cái muốn mất thở. Thằng Tí thấy tao đưa hai tay lên cao chới với, nó la làng ớ ớ, quên việc ném cái ruột xe. Tao cũng hoảng hồn lội vô bờ nhanh như con chuột trên cây dừa bị mấy anh ruồng đuổi té xuống nước. Coi như hôm đó là ngày tao biết bơi như tụi bây.
Vài tháng sau vụ chuồn chuồn cắn rún, các anh dạy thêm chuyện ly kỳ khác. Các ảnh nói thằng nào dám trân mình cho chừng vài chục con kiến vàng cắn da, bảo đảm tuần lễ sau là tụi bây làm luận văn lấy điểm 8 trên 10 dễ như móc bi trong túi.
Trong ba đứa tụi mình, Lớ mầy là thằng cù mì cục mịch lại không chịu tin ai. May là mấy anh đã không giận mà còn giải thích rõ ràng. Đến bây giờ tao còn nhớ ý chánh những lời tâm tình của các đàn anh.
Các anh ấy biết 3 đứa mình học dở "nổi tiếng" cả vùng. Vì vậy các anh muốn muốn chỉ bọn mình một cách dễ làm, rẻ tiền mà có thể thay đổi đầu óc và số phận. Nhưng kết quả tốt hơn hay y cũ là do vận may của tụi mình. Mấy ảnh cũng khuyên mình đừng xem thường câu chuyện trong quyển ký sự của một nhà địa chất người Pháp, người vô tình khám phá bí phương trong thời gian truy dấu vết một chất khoáng vùng đồi núi Thất Sơn.
Chương mở đầu vào một ngày mưa dầm ẩm ướt. Người dẫn đường cho toán địa chất là thanh niên địa phương, anh ta cần hứng nước cho bình chứa. Bất ngờ lớp rong dầy dưới chân anh tuột ra khỏi mỏm đá. Xui cho anh là cành cây mà anh ta nắm bị hư bộng gãy ngang làm anh mất thăng bằng lao xuống dòng thác. Ông Tây và hai người phụ tá đi dọc hai phía bờ suối bên dưới gành thác để tìm cứu người. Ông lạc đường và bị một nhóm thổ dân bắt giải đến vị tộc trưởng của họ.
Tình cờ ông Tây biết có một bộ tộc biệt lập ẩn kín nơi núi rừng hiểm trở. Tuy họ sống gần như cách ly với xã hội chung quanh, nhưng sự thông minh và những sáng kiến lợi dụng sức gió và sức nước chuyển thành động lực kéo máy móc thô sơ mà hữu hiệu trong việc phục vụ đời sống. Theo ông thì khó tìm thấy những ứng dụng như vậy ở những thôn bản vùng cao nơi khác. Đặc biệt bản tộc nầy có chữ viết và ngôn ngữ riêng, vị tù trưởng và một vài già làng khác nói thông thạo tiếng Việt, Pháp, Anh. Là những điều khiến ông Tây hâm mộ và háo hức khám phá. Hình như dân bản không tỏ ra ác cảm với người da trắng.
Mấy ngày ở tạm chờ thời tiết khá hơn để tìm 3 người đồng hành vẫn còn thất lạc, ông Tây nói rõ ý định muốn nghiên cứu đề tài khoa học nhân văn về thôn bản nầy. Ông xin vị tù trưởng cho phép ông ta được phép trở lại một mình và lưu trú thời gian dài sau khi hết hợp đồng và báo cáo xong tình trạng địa chất với chính phủ thuộc địa trong vòng 6 tháng nữa.
Bộ tộc nầy giữ bí mật về lịch sử và nơi ở của họ rất lâu. Trong một bản gỗ bí truyền được giữ gìn thờ phượng với những vật trấn sơn khác, di ngôn ghi khắc lời tiên tri của tổ tiên họ có đại ý: "Khi nào bộ tộc gặp người đàn ông da trắng trong như ruột khoai, thân ốm và cao đuồn đuột như cây chuối, mắt xanh như ngọc, tóc vàng như râu bắp non, thì bộ tộc thuận theo ý trời mà mở cửa chung sống hoà bình với tất cả các bộ tộc chung quanh"
Ông Tây dò hỏi, nhận xét về văn hoá của bản tộc đông vui mạnh khỏe, thông minh. Ông ước đoán họ cách ly với xã hội cũ khoảng hai đến ba thế kỷ kể từ 1932 ngay thời điểm đó. Tổ tiên của họ có thể liên quan đế chế Chiêm Thành hoặc là hậu nhân của vương quốc bí ẩn Angkor. Điều nầy có thể rõ ràng khi ông gởi những bản vẽ copy văn tự của họ về Pháp. Tạm thời ông chỉ biết họ vì mục đích bảo tồn nòi giống, khiến bộ tộc phải di chuyển hàng trăm km đến ẩn náo nơi sơn cùng hiểm trở đó.
Vị tù trưởng nầy cũng là người mà lúc trên 40 tuổi được các già làng chọn lựa rất kỹ để huấn luyện đến khi đủ 50, được trưởng bộ tộc quyết định là một trong hai người đàn ông xuống núi mỗi chu kỳ 6 năm. Thời gian 'hạ sơn' trong mục đích quan sát tình hình chính trị của xã hội, để biết và học hỏi chung quanh họ có thế giới khác sở hữu máy bay, xe hơi, tàu thuyền và điện khí. Những người nầy phải tự túc sinh nhai và giấu kín xuất xứ.
Già làng và dân bản vui vẻ cởi mở. Nhờ các yếu tố đó, chương trình nghiên cứu của ông Tây được cả bộ tộc hoan nghênh, công cuộc mở đầu rất thuận lợi.
Những ngày trở lại để thực sự là cư dân nơi thôn bản, ông Tây lập kế hoạch chia nhiều nhóm trẻ nít mỗi hạng tuổi được sự chăm sóc theo chương trình được theo dõi cẩn thận. Hơn 10 năm đoạn tuyệt thế giới văn minh, ông Tây chung sống êm đềm với dân bản làng để nghiên cứu tỉ mỉ văn hóa, phong tục tập quán từ thức ăn, nước uống, thuốc núi, thổ nhưỡng khí hậu môi trường sống của họ. Ông Tây từng trải qua môi trường hoang dại Á châu và nhất là vùng Đông dương. Ông ta hiểu sự lợi hại của một số lá hoa và cây độc, một số loại nọc rắn, nọc ong, và ngay cả nọc đĩa vắt muỗi mòng côn trùng khác. Nơi thôn bản đó, ông Tây quan tâm đến loài kiến màu vàng nâu chuyên kết lá xanh xây tổ, sống dầy đặc trên vườn cây và nương rẫy mà dân bản cố ý nuôi dưỡng để bảo vệ cây trồng. Người dân bản thường dùng các ổ kiến vàng mà họ biết khi nào có nhiều kiến non để nấu món soup chua với loại cá trê suối và ít rau lá quả khác. Món tuyệt phẩm mà ông ta chưa từng nếm qua ở nhà hàng hay nơi mâm cơm dân gian trong những ngày ông ngược xuôi lang thang trên các miền đất Việt-Miên-Lào...
Một chương quan trọng của quyển ký sự nói rằng: Khi con kiến vàng cắn một động vật bằng cặp răng vòng lưỡi hái, nó cong cái bầu đít nhọn vòng qua lưng để xịt một giọt a-xit chua ngay chỗ dấu răng để gây đau nhức cho con mồi. A-xit chua của kiến vàng không có hại cho động vật, công dụng của nó ngăn được sự hoại rửa hư thối của những xác con mồi như chim chóc gà vịt. Chất chua trong đít bầy kiến còn làm cho cái xác cỡ như con gà khô lại trong vòng 1 vài tuần lễ hoặc lâu hơn tuỳ theo điều kiện thời tiết và trọng lượng, thời gian nầy giúp cho bầy kiến cắn xé từng miếng nhỏ thịt khô của con mồi mà tha về tồn trữ. Ngoài ra, chất a-xít trong đít kiến vàng có thể còn chứa một chất bí mật bồi bổ rất tốt cho phần vỏ não trẻ em từ 5 đến 10 tuổi- là khoảng đời mà trí óc các em hấp thụ mạnh nhất và ghi nhớ lâu nhất các sự kiện bên ngoài.
Các anh thuật sơ lược cuốn sách cho mình nghe xong, buồn buồn tỏ bày hối tiếc là cà phê thuốc lá và rượu làm vỏ não các anh chai hết rồi. Chất xám mà các nhà khoa học gọi là tố chất thông minh của các anh đã nhạt phai thành màu gì không biết. Vì vậy có cho bao nhiêu con kiến vàng cắn cũng vô ích. Một giọt a-xit đít kiến vàng chỉ có một phần ngàn hay phần muôn mi-li-gram chất đó. Muốn được ép-phê nhanh, mỗi đứa phải xin kiến cắn và nhểu vài chục giọt. Kiến vàng tiêm đủ 'đô' chất bí mật thì khu vực kiểm soát ngôn ngữ và nghệ thuật trên vỏ não của các em phát triển thần tốc không ngờ.
Tám Lớ mầy còn nhớ chút gì câu chuyện mấy anh nói hôm đó không. Nhưng chắc chắn mầy không bao giờ biết được việc nầy. Ngày hôm sau, thừa lúc mọi người nghỉ trưa trốn nắng, tao với thằng Tí ngoéo tay ra cây lê-ki-ma trước sân chùa Quan Đế để thực hành bài học. Thằng Tí lén mượn cây trúc phơi quần áo của ông từ giữ chùa, nó chọt ào ào mấy ổ kiến vàng, kiến mẹ kiến con rớt bò đỏ khoảng sân có cái lỗ tán u. Thằng Tí hôm đó mặc bộ "ba-la-ma" như mọi khi, nó rị mọ nhét áo trong quần rồi lấy dây chuối cột túm ống chân ống tay. Còn tao thì áo ngắn tay quần tà lỏn. Tao tránh được đám kiến vàng nhảy dù đổ chụp trên đầu thằng Tí như mưa. Nhưng đám kiến vàng rớt đầy trên đất nhe răng bò ngược lên theo hai ống quyển của tao. Tao sợ quá nhưng còn nhớ thằng Tí dặn nhắm mắt, dùng lòng bàn tay che má và bụm kín hai vành tai. Tao giậm hai giò bình bịch mà cảm giác kiến chạy rần rần. Thằng Tí la oải oải, kêu tao ráng chịu thêm lát nữa mới linh. Tao mở mắt thấy đám kiến vàng chạy ngược lên như kiến, tụi nó bắt đầu cắn vô mấy chỗ da non. Tao chịu hết nổi, khóc thét chạy về nhà cho má tao cứu cấp. Hôm sau, cái mặt thằng Tí sưng như mặt heo, còn tao thì đi hai hàng như mấy lần nổi hạch. Chỗ nào bị kiến vàng đốt còn thấy dấu 2 dấu răng hình ngoặc đơn, da bầm một đốm tròn đen thui như bị bỏng nắng. Cũng may là sắp bãi trường nghỉ Tết, ba tao đến văn phòng Hiệu Trưởng xin cho tao và thằng Tí nghỉ trước hai ngày.
Tết năm đó, Tám Lớ mầy theo bác Ba về quê ngoại ở Ngã Bảy. Còn tao và thằng Tí trốn trong nhà cho má tao xức thuốc. Tựu trường bọn mình đi học trở lại, hai thằng tao không chú ý vụ thử nọc kiến vàng. Nhưng cả hai đứa tao đột nhiên có chung cảm nhận là đầu óc lâng lâng nhẹ nhàng rất khác lạ. Hai thằng tao học đâu nhớ đâu rất nhanh và dễ. Hồi trước tụi tao học 10 hiểu 1 đã là mừng, làm sao mơ vói cao xa. Học kỳ 2 năm đó, hai thằng tao làm luận văn thao thao như nước chảy mây trôi. Bài tả cảnh tả người rõ nét, đẹp như ông Sư Huệt tiệm Vĩnh Thạnh chụp hình. Lớp Nhứt E không còn thấy cảnh hai đứa tao ngậm cán bút giập nát đen thui, vẹo người rặn chữ không ra như trong mỗi tiết làm văn hay giải toán tại lớp. Ngay cả cô H dạy lớp tụi tao cũng không ngờ nổi, cô nghi tao và thằng Tí lận bùa hay chép sách. Từ hôm đó cô đổi chỗ ngồi và ngó chừng nghiêm nhặt.
Mầy ở lớp D chắc là không biết cô H thường đọc bài làm văn bình luận của thằng Tí cho cả lớp nghe. Trong tập thì cô phê bài luận có ý tưởng rõ ràng sắc sảo. Lâu lâu ba nó đọc cũng khen: Câu văn không còn rối nùi như lá hẹ non nấu canh hến.
Hai thằng tao thi đậu vô lớp Đệ Thất dễ ợt, không như tụi bây rớt lịch ịch hoài để rồi quá tuổi phải về quê cắm câu. Mấy năm sau, tao còn thắc mắc là không biết thằng Tí vô tình hay làm hiểm không chỉ hết nghề của các anh xóm Chùa. Lần đó nó để cho kiến vàng cắn đầu cắn cổ, có lẽ vì vậy chất thuốc bồi bổ văn thơ nghệ thuật chạy đờ-réc vô óc nó nhanh và mạnh hơn tao thấy rõ.
Lên Trung Học, hai đứa tao bắt chước người ta học nhảy lớp, nhờ vậy mà thi đậu Tú Tài I sớm hơn bạn đồng lớp một năm. Khoá thi Tú Tài II năm sau, tao vừa đủ điểm đậu, thằng Tí lấy bằng "tú đúp" hạng Bình Thứ ngon lành.
Tụi tao không bị ảnh hưởng quân dịch theo tuổi vì nằm trong tài nguyên của Nha Động viên. Nhưng hào khí bốc lên khi thấy Sư Đoàn Không Quân đăng bảng tuyển mộ trực tiếp Sĩ Quan Phi Công cho binh chủng. Hợp tao thiếu tiêu chuẩn thước tấc, rớt từ lúc mới bước vô cửa. Tao ôm hận trở về gác trọ nằm tương tư bộ đồ bay có gắn phù hiệu Tổ Quốc-Không Gian. Còn thằng tên Tí mà không hề tí. Nó dư cân, dư cao và dư luôn trình độ toán lý hóa theo yêu cầu của bài thi trắc nghiệm khả năng. Thằng Tí thụ huấn khoẻ re 3 tháng căn bản làm lính và nuốt ngon chương trình 6 tháng Anh ngữ Quân đội dù bụng chứa sẵn bộ English for Today thuở còn Trung Học.
Đoàn tân Sĩ Quan Không Quân đến Mỹ, thằng Tí của bọn mình được xếp lớp học bay những chiếc Trực Thăng UH-1 do quân đội đồng minh để lại...

Happy Millennium, bạn Hợp!
Cám ơn mầy nhắc chuyện xóm cũ tình xưa. Tám Lớ tao về lại xóm Chùa trong tập 2a ngắn ngủi mấy ngày đầu tháng 5/1975 rồi bặt vô âm tín. Lần trở lại xem như đợt 2b vào khoảng cuối năm 1981, cả người chai cằn vì làm lụng cực nhọc gian lao. Chán nản khi nhìn mọi vật chung quanh chỉ trong 6 năm mà xuống cấp thê thảm.
Bà con láng láng giềng hay nói đường học vấn của tao không suôn sẻ tốt đẹp như tụi bây. Nhưng tao chưa từng phàn nàn ông trời sơ sót trong vụ ban rải phúc lợi tài năng cho mỗi chúng sinh. Bởi tao tự biết mình đã bỏ qua khả năng cố gắng.
Như phần đông dân quê, Lớ tao rất hâm mộ gương sáng, tiếng tốt của những người học hành đỗ đạt. Thời gian tao mới về, tình cờ được nghe chuyện về anh học trò nhà ở khỏi cống Thầy Cai một đỗi, tao nghĩ anh đó xuất sắc hơn thằng Tí mà chẳng cần chiêu trò kiến cắn hay ong chích gì cả.
Hôm đó tại nhà họ hàng của bà xã bên xóm Rẫy, bàn tiệc toàn là đàn ông trạng tuổi mình đến lớn hơn vài tuổi, người thứ bậc nhỏ nhất cũng là vai anh của Lụa. Họ biết tao ở xóm Chùa, vậy có nghe chuyện T Anh, nhà ở phía bờ sông đối diện tịnh xá Ngọc Hưng.
Mầy và thằng Tí có thể quen biết hoặc nghe tiếng anh chàng nầy, chứ tao thì bù ngắc. Có nhiều người nói anh T Anh là con của bác Tư Rồng. Họ còn thán phục bác Tư viết chữ rất đẹp trong các giấy tờ hộ tịch của dân chúng xã Tường Lộc, thời bác làm Cán sự Hành chánh kiêm luôn Hộ tịch Xã.
Nghe một anh là bạn học T Anh nói rằng hồi ở các lớp Đệ Thất và Đệ Lục thì T Anh cũng bình thường. Đầu năm học Đệ Ngũ thì T Anh thay đổi trăm tám. T Anh bỏ dứt ngang thói đam mê cầm cơ đứng bàn bi-da cả buổi hoặc ngồi đánh cờ tướng liên tục với bất cứ cao thủ quen hay lạ. Bỗng dưng người ta thường bắt gặp T Anh ngồi hằng giờ trên băng đá trong vườn cây sau tịnh xá Ngọc Hưng để đọc sách giáo khoa hoặc làm bài tập. Hơi cứng tuổi lúc đậu Đệ Thất, T Anh học nhảy 2 năm trong 2 cấp Trung Học và lấy bằng Tú Tài II trước bạn cùng tuổi. Điều khâm phục là anh ta đậu hạng tối ưu, đạt số điểm gần như 100% rất hiếm có trong các khóa thi khó trần thân, chết lên chết xuống cho bao nhiêu sĩ tử miền Nam.
Một điều lạ thường đáng nói hơn, T Anh cắt ngang đường học vấn đang rộng mở huy hoàng bởi việc từ chối học bổng toàn phần du học Tây Đức. T Anh cũng không màng đến ước vọng của nhiều bạn bè trang lứa được cầm trong tay tờ Chứng Chỉ Hoãn Dịch cấp cho sinh viên các trường Đại Học ở Sài Gòn thời đó. T Anh chọn đường binh nghiệp là thi vào trường Võ Bị Đà Lạt. Những người trong gia đình anh nói lại, T Anh đỗ hạng cao sau 4 năm học tập tại ngôi trường huấn luyện sĩ quan lấy chuẩn mực West Point lừng danh của Mỹ. Và theo truyền thống võ bị, tân thủ khoa là người đầu tiên lên bảng phân phối công khai để ghi tên tình nguyện phục vụ một trong những binh chủng hào hùng.
Ra trường ngay lúc tình trạng chiến sự đang gia tăng, T Anh không ngần ngại chọn về phục vụ Sư Đoàn Nhảy Dù.
Từ đầu năm cho đến tháng 3/1975, một lực lượng Dù trách nhiệm ngăn chặn các cửa ngõ hướng về Sài Gòn. Đơn vị cơ động bị trói giò thất thế trong lối đánh phòng ngự, Lữ Đoàn Dù không thể chống đỡ 2 Sư Đoàn chính quy trang bị xe tăng và pháo hạng nặng. "Mãnh hổ nan địch quần hồ", giỏi cỡ nào cũng không thể chống số đông gấp 5-7 lần. Chưa kể nỗi tuyệt vọng vì thiếu vũ khí khắc chế vỏ thép dầy loại xe tăng mới nhất của Trung cộng. Kết quả là phòng tuyến của lực lượng Dù tại chiến trường một thời vang danh là "An Lộc địa...". Địa phương thuộc Bình Long đã tan vỡ với tổn thất không nhỏ.
Từng là học sinh giỏi cấp quốc gia, cũng có thể xem là nhân tài của xóm Chùa, Trung Úy T Anh là một trong những người lính Dù tử trận trong trận xáp chiến biển người. Chiến tranh đã cướp đi vô vàn tình cảm gia đình, tình bạn bè và huỷ hoại không biết bao nhiêu tài năng của đất nước.
xox
Mấy tháng trú tạm xóm Chùa không kiếm ra việc để tự nuôi bản thân. Ruộng đất của ông bà để lại đã bị thiên hạ tự ý chia nhau vì không người canh tác. Ba má tao xuất tiền mua 2 công vườn của người bà con ở liên ranh chú Sáu. Năm đầu trở về ruộng, không biết tao ăn trúng cái gì, hoặc là có ơn trên khai nhãn mà tao trở thành một người khang khác. Dạ tao trước đây tối hù, hay nói nôm na là tối dạ. Tối dạ là phản nghĩa với sáng dạ, chứ không phải lòng dạ đen tối ác hiểm nghen Hợp. Một ngày nọ, cái tối dạ kia bỗng dưng sáng lên le lói như đóm than vùi dưới lớp tro gặp được gió. Người thân thuộc biết tao qua nhiều giai đoạn như chú Sáu cũng không ngờ. Nghe mầy nói vụ chất bổ óc từ đít kiến vàng, tao cũng nghi nghi mình bị dính líu. Để tao kể đủ đầu đủ đuôi cho mầy nghiệm thử.
Năm hai thằng bây lên Đệ Lục, tao 13 tuổi vẫn chưa đậu Đệ Thất. Ông thầy dạy lớp Tiếp Liên đến nhà nói thẳng với ba tao. Một là nhờ ai làm giấy Thế Vì Khai Sanh-loại khai sanh tạm cho người không sổ bộ, mục đích cho tao sụt 3 tuổi để niên khóa tới tiếp tục nạp đơn thí sinh tự do thi vào Đệ Thất, trừ hao tao được rớt 2 keo nữa. Hoặc là cho tao lên tỉnh thi vào trường Trung Học Bán Công và phải đóng phân nửa học phí. Nếu ba tao đồng ý thì ông thầy rút học bạ và làm tức tốc viết giấy giới thiệu với người quen trên tỉnh. Ba má tao đồng ý với vị thầy đó rằng bất cứ giá nào cũng cho tao đi học. Nhưng ổng bả bật ngửa khi tao tự thú: "Ba má cho con đi học làm chi uổng tiền, con thấy chữ là đã ngán ngược rồi. Thôi ba má để con vô đất của mình mần ruộng với chú Sáu. Rồi ít năm sau ba má mang trầu cau và vòng vàng sắm sẵn qua cưới con Lụa cho con như lời hứa của ba má với bác Năm Tòng".
Không biết chú Sáu của tao có thêm mắm giặm muối ở cái đoạn nầy, mà chuyện kể tới đây thì chú cười như bị ai cù lét. Cũng không biết chú Sáu thiệt lòng hay muốn gia đình tao gỡ rối cho điều khó xử, là việc chú hứa với ba má tao sẽ truyền thụ trình độ Rờ-vê của chú cho tao khi hai chú cháu về ở trong ruộng.
Dòng đời của tao không trôi êm xuôi như con nước rạch Bằng Tăng. Năm đầu về ruộng giữ trâu, mùa nước thì đứng bừa đứng trục, mùa khô theo chú Sáu xin các chủ ruộng gần đó cho cại đất triền của người ta cộ về lấp trũng cho đỡ ngập chết lúa cấy. Chú Sáu coi bộ tao không kham cơ cực ruộng nương. Ba má tao cũng thấy nỗi nhọc nhằn của thằng con, nhưng ông phải chờ tao vừa đúng 15 theo yêu cầu nhận người học việc của ông chủ một xưởng hàn tiện gần cầu Tham Tướng, Cần Thơ. Tao thí công học nghề chưa tới đâu thì cả nước nổ ra chiến sự Tết Mậu Thân gây tang hoang bao nhiêu thành phố, kể luôn việc cháy rụi dãy phố chỗ tao làm. Thời gian chờ đợi ông chủ xây nhà tạo lại xưởng mới, tao theo người quen lên Gia Kiệm phụ việc cho bác tài xế xe kéo gỗ và không trở về Cần Thơ từ ngày đó.
Biến cố cuối tháng 4-1975 và mấy ngày tái ngộ vui vẻ thì Hợp mầy nhắc đến rồi, nói hoài thành nhàm chán.
Thực sự xem là hồi hương ấp Năm lúc tao được 29, lúc đó sức khỏe của tao yếu nhách vì thiếu ăn thiếu mặc. Trong máu còn vi trùng sốt rét hành hạ bởi mấy năm đi làm và bị đày ải ở rừng. Chú Sáu của tao gần năm mươi, thuở nhỏ chú bịnh sốt cao làm teo cơ khiến cho chân trái nhỏ hơn chân phải. Thời quốc gia cấp cho chú giấy miễn quân dịch vĩnh viễn. Tao sỉn sỉn ngạo "chú Sáu -một chấm bảy lăm" mà chú mạnh hơn tao giàn trời. Nhà tao cất bằng tre lá sát bên ranh chú Sáu, chú hay qua nhà tao uống cà phê hoặc rảnh rỗi thì 2 chú cháu lai rai ba sợi. Chú thường nhắc chuyện gia đình và chuyện của tụi mình trong thời chú nương náu với ba má tao ở xóm Chùa.
Đất cũ ấp Năm đãi người mới, tụi tao trồng cây gì cũng tốt. Cây mì cặm làm rào gà mà khi giở lên được mấy chục kí khoai, củ nào củ nấy tròn vo như cái chén vì trồng trên đất cứng. Tụi tao không có ruộng mà miếng vườn cây trái chưa có huê lợi đủ sinh nhai. Vợ tao mỗi sáng bưng một thau khi thì xôi vò, khi thì bánh bò bông, hoặc 5-10 ngày thì đổi món mặn như bánh canh bánh cuốn. Vợ chồng tao tối ngủ muộn để sửa soạn việc bánh trái, khuya thức sớm đun lò để vừa hừng trời là có hàng nóng bày bán tại lề đường gần chợ Mỹ Thạnh Trung. Bà xã tao một mắt lo bán hàng, một mắt nhóng dòm tìm mua cá mắm về nấu cơm hai bữa cho chồng con.
Việc làm của tao sau khi chở bà xã đúng vị trí thì đạp xe đến làm chân thợ phụ cho một tiệm sửa máy tàu ở bên kia bến sông ngang chợ Tam Bình. Ngày nào đi làm thì được chủ cho cử cà phê sáng và bữa cơm trưa, lương công nhật tàm tạm cho khoản cà phê thuốc lá và dư ra chút ít. Lâu lâu ông chủ trúng mánh hàn sửa máy móc cho người chuẩn bị vượt biên, ổng đều 'bo' mấy thằng giúp việc thêm chút tiền. Tao ghé chợ mua kí đường hoặc là cân đậu, hí hởn tha mồi về tổ.
Miếng vườn của gia đình tao nằm cạnh lộ làng, bà con đi bộ ngang đó đều khen. Những liếp quýt đường trồng từ nhánh chiết chọn lọc trong vườn nhà của ông anh vợ. Cây mới trồng xuống đất hơn hai năm mà cao lớn khỏi đầu sum suê tàn lá. Ai cũng nói mùa tới sẽ có cây cho trái bói, sau vài mùa thì trái sai oằn cho mà thấy.
Nhưng chuyện đời không dễ như há miệng chờ sung. Một buổi sáng, tao thấy một anh lớn hơn tụi mình chừng 5-7 tuổi. Ảnh đứng ngoài đường nhìn chăm bẳm vào đám quýt tơ của tao như tìm kiếm chuyện gì. Rồi như chưa bao giờ ngó thấy tao, ảnh xăm xăm bước vô đám quýt. Xem xét một hồi, ảnh quay sang rầy tao đang đứng xớ rớ:
- Tui đi ngang vườn của chú mỗi ngày từ lúc nó còn hoang tàn. Chú khai khẩn và trồng mấy liếp quýt chiết khá lắm. Bữa nay mà tui không để ý, trễ chừng một tháng là đám quýt nầy hư hết. Chú khoan hỏi tại sao. Chú coi nè, những đọt quýt non bị rầy mềm bu dầy cứng. Lý do là vườn chú không có kiến vàng mà lại nuôi kiến hôi hằng hà sa số. Chú có biết không, kiến hôi là con vật sống cộng hưởng với xã hội rầy mềm hay còn gọi là rệp cây. Đám kiến hôi dưỡng tụi rệp cây như chăn bò sữa. Chú em để ý tụi kiến đen dùng cặp râu dê ve vuốt mơn trớn, tác dụng thúc đẩy rầy mềm cắm đầu hút nhựa cây ráo riết, để bài tiết những giọt mật nhỏ xíu cho đám kiến hôi chờ hưởng sáy. Chu kỳ: hút, ép, xả, hưởng của rầy và kiến hôi hoạt động liên tục. Thử hỏi cây nào bị chúng kết hợp làm ăn mà không khô nhựa. Để anh chỉ cho chú em làm sao diệt kiến hôi đen và cách bắt kiến vàng về nuôi. Một loại kiến được xem là bạn tốt nhà vườn, đội quân chuyên ăn sâu rầy và côn trùng, bảo vệ hoa màu cây trái. Bình thường thì kiến vàng ít khi cắn mình, chỉ bẻ ổ nó đem về vườn mình nuôi thì chẳng khác chọc chúng hung dữ. Kiến vàng cắn không làm độc, nhưng để tụi nó bu cắn nhiều quá có thể làm mình nóng lạnh.
Chuyện con kiến vàng tạm ngưng tại đây, mầy và thằng Tí có nghĩ rằng Tám tao cũng nhiễm chất bí mật trong đít kiến vàng như tụi bây hay không?
xox
Thiên niên kỷ đã trở màu cũ xì hơn chục năm mà không thấy hai thằng bạn trả lời trả vốn. Bắt chước hỏi trên mạng cũng không thấy ai có trường hợp giống hai đứa nó và của thằng tui. Lục hoài vẫn chưa tìm ra chất kỳ diệu trong đít kiến vàng.
Mơ hồ sanh chán nản rồi đâm ra nghi ngờ câu chuyện nọc kiến vàng dưới tán cây lê-ki-ma năm xưa. Nhưng khó mà bác bỏ kết quả ứng nghiệm rất thuyết phục của thằng Tí và thằng Hợp. Chú Sáu và dân cố cựu xóm Chùa ai cũng biết rõ là tụi nó khôn ngoài da khôn vào, sự biến đổi cấp tốc và thần kỳ phải dưới tác dụng gì đó. Chứ thằng Hợp và thằng Tí nhất định không có nét nào để gọi là bẩm sinh di truyền, như con nít thiên hạ là khôn sẵn trong bụng mẹ khôn ra.
Còn vụ án bầy kiến vàng ấp Năm cắn Tám Lớ xảy ra lúc hắn 30 tuổi, từ 1982 đến 2011 nầy cũng gần 30 năm. Thế thì làm sao xác định chất thuốc mầu nhiệm trong đít kiến vàng có linh nghiệm hay không. Dù nọc kiến đã hành hắn nóng lạnh như sốt rét, có bữa nằm rên hù hù bỏ việc mấy ngày. Nhưng niềm tin nọc kiến vàng lại bị lung lay khi căn cứ vào bí phương trong quyển ký sự Thất Sơn Huyền Bí bằng tiếng Pháp, một chi tiết quan trọng được các đàn anh xóm Chùa truyền khẩu bằng tiếng Ta cho thằng Tí và thằng Hợp: Rằng ai ở độ tuổi 15 trở lên thì nọc kiến vàng mất đi tác dụng.
Nhưng chú Tư Lung một người bạn quê rất thân của chú Sáu cũng rất quan tâm những chuyện khoa học trên trời dưới đất. Chú Tư tìm tòi nghiền ngẫm, cuối cùng rút ra kết luận mà chú cho là tuyệt vời lô-gíc. Theo chú Tư Lung, Lớ tui lao động tay chân từ nhỏ và ít vận dụng đầu óc. Vì thế mà ngày đầu về ấp Năm, tuổi đời Lớ 30 mà vỏ não còn mềm như thằng Hợp và thằng Tí thuở tụi nó 9 tuổi nơi sân chùa Quan Đế ở chợ quận Tam Bình. Nhờ vậy, chất thuốc trong đít kiến vàng còn cơ hội thẩm thấu và phát huy công dụng.
Dòm mặt Lớ tui hiu hiu sau vài lời khen vẩn vơ của chú Tư Lung. Chú Sáu đột ngột nổi nóng, giọng chú rắn đanh khác hẳn mọi ngày. Cảm giác sờ sợ sau cú rờ-ve một đòn trúng hai mạng còn lãng vãng trong tui tận hôm nay:
- Con cái giỏi dở là do huyết thống của cha mẹ và nhờ thầy dạy mà nên. Dùng thuốc men hay luyện bí phương để phát triển trí óc, trau dồi tài năng là những việc tốt. Cho là đít kiến vàng có chứa chất thông minh hay bất cứ thứ gì giúp cho thằng Hợp và thằng Tí ăn học thành tài cũng chẳng sao. Tụi nó giỏi đúng nơi và tuy muộn màng nhưng cũng phục vụ đúng chỗ cho xã hội nuôi dạy săn sóc chúng. Còn bây giờ cứ sợ biển to sóng cả, cháu ngồi đó mà hy vọng mấy con kiến vàng mang lại điều gì trong thế thời đã không được ai cho là của loại người cũ như mình.
Chú Sáu muốn xem tập 3 của Tám Lớ mầy ở một nơi nào khác!
Nguyễn Thế Điển