Các loại nấm trong rừng của Bắc Âu
Vào những ngày cuối tuần trời đẹp, con đường dẫn vào rừng tấp nập người đi. Kẻ chạy bộ, người thong thả dắt chó dạo chơi; người mang giỏ, kẻ xách xô đi hái dâu, hái nấm. Rừng ở đây là rừng thông bao la, bát ngát, thỉnh thoảng chen vào vài cây phong, cây bạch dương. Thông mọc không dày lắm nên trong rừng khô ráo và sáng sủa. Dưới bóng những cây thông già cao vút là thảm rêu xanh mịn màng, là những con đường mòn quanh co, những bụi dâu rừng mọc san sát, trái đơm đầy cành. Rất nhiều loại dâu. Từ loại dâu tím, trái tròn bằng mút đũa, thân thấp, lá nhỏ, vị ngọt ngọt chua chua đến loại dâu đỏ ngọt thanh, mỗi trái gồm nhiều trái nhỏ kết thành. Đó đây, trên thảm rêu, mọc rải rác hoặc xúm xít những tai nấm. Có bao nhiêu là loại nấm, nấm độc, nấm lành, nấm ngon, nấm dở.

Loại nấm độc dễ nhận ra nhất là nấm thuốc ruồi (Amanita Muscaria). Thân nấm trắng muốt, nón nấm màu đỏ rực rỡ có điểm thêm mấy chấm tròn trắng xinh đẹp, trông xa giống như chiếc dù đỏ lấm tấm hoa. Nấm này hái về ngâm với sữa, ruồi nhặng đậu vào sữa sẽ chết ngay, người ăn phải sẽ bị hư thận. Loại nấm ngon dễ nhận ra nhất là nấm mồng gà (Cantharellus). Nấm có hình dáng giống như chiếc mồng gà, màu vàng nghệ. Nấm này rất thơm ngon, có nhiều vào giữa mùa thu. Cuối thu, vào lúc trời chuyển lạnh và sắp đổ tuyết, một loại nấm khác (Cantharellus Tubeaformis) xuất hiện. Nấm này màu nâu nhạt, thân mảnh, nón mỏng, chóp nấm hũng xuống như hình cái phễu, mọc thành từng đám nổi bật trên thảm rêu xanh. Đôi khi màu nâu của nó lẫn lộn với màu lá khô. Đây là loại nấm rất ngon, có thể hái được rất nhiều, phơi khô để dành ăn quanh năm.
Cantharellus
Một loại nấm ngon khác là nấm nâu (Boletus Edulis). Thân nấm thấp, rất to ở gốc, nón nấm thật dày, tròn trịa, màu nâu hồng. Nấm khói (Lycoperdon) màu trắng, thân và nón dính liền nhau, thịt nấm mềm như đậu hũ; khi nấm sắp tàn, ruột nấm biến thành chất bụi đen. Nấm này không ngon lắm.
Trong vườn hoặc trên những cánh đồng cũng có vài loại nấm ăn được khác. Như nấm mật ong màu vàng (Armillariella Mellea) mọc từng chùm trên thân cây bạch dương mục; nấm mực (Corprinus Comatus) màu trắng, mọc từng đám trên đồng cỏ, khi nấm tàn rụi hóa đen như mực. Hai loại nấm này ăn ngon không khác gì nấm rơm.
Corprinus Comatus
Ngoài ra còn bao nhiêu loại nấm khác đủ màu sắc như ngàn hoa kỳ bí trổ ra từ đất, tô điểm cho những cánh rừng mùa thu. Rừng ở đây như một góc vườn địa đàng còn sót lại cho con người tìm tới, một góc thiên nhiên êm đềm để ai cũng có thể đến đó nghỉ ngơi. Ở đây có sẵn bao nhiêu là tặng phẩm của thiên nhiên: tiếng gió rì rào, tiếng suối róc rách, tiếng chim véo von, thỉnh thoảng có tiếng leng keng từ những chiếc lục lạc đeo trên cổ bò, vẳng đưa trong gió…. Vào đây, con người trờ nên thân thiện hơn. Hai người lạ gặp nhau ngoài phố, thường không ai chào hỏi ai, nhưng trên con đường rừng người ta thường tặng cho nhau những nụ cười và những lời chào hỏi. Người nọ có thể hồn nhiên mở giỏ khoe với người kia những loại nấm mình vừa hái được và trao đổi với nhau những kiến thức về nấm.

Một lần người bạn cùng đi rừng hái nấm với tôi lắng tai nghe tiếng gió thu thổi lao xao trong những vòm lá thông, hỏi tôi có nhớ gió nấm mối ở quê nhà. Ôi! Gió nấm mối, làm sao tôi có thể quên được. Vào khoảng Tháng Năm ở quê nhà, một hôm chợt nghe tiếng gió thổi rao rao ngoài vườn. Gió thổi về đây từ phương Bắc hay phương Nam mà nghe rao rao rất lạ tai. Tháng Năm trời nắng nhẹ với nhũng cơn mưa nhỏ đầu mùa. Mưa xuống rồi nắng lên. Gió, mưa và nắng như thế để từ đất, nơi gần những gò mối trong vườn, nứt ra một loài nấm.

Nấm mối thường mọc ở cạnh những gò mối lâu năm. Cứ vào mùa nấm, mỗi khi nghe tiếng gió rao rao, trời chợt mưa xuống nắng lên, ra vườn tìm đến những chỗ từng có nấm mọc những mùa trước, thường là gặp được nấm. Đôi khi nấm mọc lên ở những chỗ mới, có thể là trong bụi tre, bên bụi chuối, trên đường đi, có khi ngay cả trong góc nhà.
Cantharellus Tubeaformis
Đi quanh quẩn trong vườn tìm nấm, gặp được đã là điều thích thú, ai cũng ham. Nhưng còn gì vui mừng bằng nhiều lúc đang đi trên đường, nhìn xuống chợt thấy một vạt nấm mối đang nằm sẵn đợi chờ. May mắn thì gặp được nấm đúng cỡ, có khi gặp nấm sắp tàn hoặc vừa mới nhú khỏi mặt đất. Gặp nấm quá búp như vậy chỉ có cách chờ hôm sau trở lại sau khi đã khéo léo dùng lá khô phủ lên mong người khác đừng thấy. Đang ngồi hái nấm cũng rất là hồi hộp vì nếu có người đi qua, người đó có thể tự nhiên ngồi xuống hái. Không ai có thể xí phần đối với của trời cho này. Người đi đường thấy nấm mọc trong vườn nhà người khác cũng có thể vào hái, chủ vườn bắt gặp cũng không rầy rà chi.


Không phải ai cũng hưởng được cá thú hái nấm mối hay nếm qua nấm mối vì loại này hơi hiếm, chỉ mọc vài ngày trong năm, hiếm khi thấy bán ở chợ. Một loại nấm khác cũng ngon mà dễ mua hơn là nấm rơm. Nấm rơm thiên nhiên thường mọc dưới chân những cây rơm; hoặc được gieo trồng với meo nấm ủ trong những liếp chất rơm. Với meo nấm, chỉ cần một diện tích ủ rơm nho nhỏ cũng thu hoạch được nhiều nấm. Nấm rơm có thân mập hơn nấm mối và nón nấm tròn; lúc còn búp, nấm được bọc trong một màng bao tròn trịa. Nấm búp ăn rất ngon, đem nấu canh với hẹ là một món thanh cảnh tuyệt vời.

Nấm mèo

Trong thiên nhiên có bao nhiêu là loại nấm. Nấm có đời sống ngắn ngủi, mọc lên âm thầm ở một góc vườn, một xó rừng, trong vài ngày rồi tàn rụi; để lại những bào tử để mùa sau lại mọc, lại tàn. Những mùa nấm mối ở quê nhà ngày xưa, những mùa thu ở Na-uy vào rừng hái nấm bây giờ… Ở đâu và thời nào cũng có những niềm vui nho nhỏ để người ta sống với và nhớ về.
Khánh Hà