User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Mưa rơi chiều nay vắng người
Bên thềm hắt hiu, thương nhớ nào nguôi...

HaiBang

Mưa rơi ngoài trời
Mưa cả trong lòng tôi
Khi nhớ tới một người
Thuở ấy bên tôi ngồi

Thuở ấy, chưa xa lắm, chỉ mới khoảng ngoài mười năm thôi, tôi gặp Tiểu Thu trong khuôn viên Đại Học. Tôi đã học ở đây được hai năm rồi, còn nàng thì mới chập chững bước vào Đại Học nên còn nhiều nét của “con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô” và vì thế, tôi đã có nhiều dịp giúp nàng vượt vài khó khăn ban đầu như làm bài nhà hay thực hành trong Lab. Chúng tôi trở nên đôi bạn thân thiết.

Cái thú nhất của tôi khi bước qua ngưỡng của Đại Học là thấy mình thật sự đã trưởng thành. Tôi không còn phải lệ thuộc nhiều vào cha mẹ nữa vì tôi có thể xin học bổng hay mượn tiền để ăn học thoải mái cho đến khi ra trường. Cái không khí và các sinh hoạt đặc biệt của các trường Đại Học Hoa Kỳ làm tôi thực nếm được cái mùi vị ngọt ngào của cái gọi là Tự Do, Tự Lập, Tự Trọng, và chẳng có gì phải sợ hãi cả.   

Trước đây khi còn ở nhà với cha mẹ, mọi sinh hoạt đều do cha mẹ lo lắng cho hết nên đôi khi cảm thấy “bị lệ thuộc quá đi” mặc dầu biết rõ rằng những gì cha mẹ lo cho đều là quý cả. Nhưng từ cái ngày dọn vào ở trong “đom” (ký túc xá), có phòng ăn, phỏng ngủ, phòng học, có tiền tiêu riêng của mình (mượn); mình “tự do” bày biện, trang trí. Ôi, cái cảm giác “tự lập, tự quản” sao mà nó thú vị thế! Tuy ở nhà, cha mẹ cũng chẳng bao giờ cấm đoán gì, nhưng sao lại không có cảm giác “thú vị” như ở trong “đom” này. Cái trống vắng, cái đơn độc, nhưng có nhiều bạn cùng trang lứa, cùng đơn độc, cùng muốn được hưởng “tự do trọn vẹn” đã làm cho tôi quyết định vay tiền học mặc dù nhà cha mẹ tôi ở rất gần trường. Tôi nhớ mẹ tôi nói: “Nhà gần xịt trường. Con mướn phòng làm chi cho phải mắc nợ?” Nhưng mẹ tôi đã không hiểu rằng trong bấy lâu sống rất vui trong gia đình với cha mẹ, anh chị em, tôi vẫn hằng mong giờ phút được sống hoàn toàn độc lập, riêng tư để tự khám phá, tự giải quyết công việc của riêng tôi, tự do giao tiếp, để là một “cá thể hoàn toàn tự do”

Nay đã vào tuổi trưởng thành rồi – cái tuổi của riêng tư, của độc lập – tôi phải tập sự làm “người lớn”, tự quản lấy mình chứ. Ðó là cái thú mà cũng là một nhu cầu cần thiết của tuổi trưởng thành. Nền giáo dục của nước Mỹ có ưu điểm là giúp sinh viên vay tiền học cho đến khi ra trường có công ăn, việc làm rồi mới phải trả. Cho nên cái ngày vay được “loan” để ra ở “đom” là một trong những ngày thật hạnh phúc của tôi ở tuổi thành niên.  Chỉ mãi sau này tôi mới nhận thức thêm rằng: để tôi có được cái gọi là “tự do hoàn toàn”, thật sự đã có nhiều “hy sinh” từ nơi cha mẹ tôi là đã phải nén đi những nỗi lo lắng, thương con còn khờ dại vì cha mẹ tôi chưa quen với cái tinh thần tự lập của người Mỹ. Nhưng cuộc sống “độc lập” đem lại cho tôi nhiều điều lợi hơn là hại và trước mắt là tôi không còn ỷ lại vào ai khác hơn là tôi.

Trở lại, tôi tự biết tôi không phải là một thanh niên điển trai mà có thể nói là tôi xấu trai nữa. Nên tôi thực sự đã chưa dám ngỏ lời tán tỉnh cô nào mặc dầu tình cảm yêu đương đã chớm nở trong tim tôi. Tiểu Thu cũng không phải là một thanh nữ đẹp gái, nhưng có nhiều nét “dễ thương”. Dường như tạo hóa phú đều cho tất cả những người con gái và con trai mới vào tuổi dậy thì những nét duyên dáng để thu hút nhau nếu không thì thế giới của tuổi trẻ sẽ không có gì sôi động lắm. Có cô thì có bàn tay búp măng; có cô có mái tóc dài mượt mà; có cô ít nói, mang nét buồn xa vắng. Có chàng thì mái tóc đúng mốt; quần áo thời trang; ăn nói có duyên; …Tất nhiên những cái duyên này chỉ xuất hiện khi còn ở tuổi biết yêu đương và nó sẽ tàn đi theo với thời gian.

Có lẽ vì cảm thấy cái duyên ngầm của nhau nên tôi và Tiểu Thu đã có nhiều lần tỏ ra “hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa”. Phần tôi, tôi tự biết mình không có những tiêu chuẩn “con nhà giầu, đẹp trai, học giỏi” nên từ lâu tôi không dám tỏ tình với ai. Nay gặp Tiểu Thu, thấy nàng “cùng cỡ” với tôi nên tôi bạo dạn hơn một chút. Có lẽ nàng cũng vậy, tự biết mình nhan sắc bình thường nên cũng chẳng tỏ ra “kén cá, chọn canh” nhiều.  

Chúng tôi đã có nhiều dịp đi chung với nhau dự các buổi party của trường; có nhiều buổi đi chơi trong sân trường vào những ngày thu nắng vàng rực rỡ với cây lá đổi màu. Tình cảm yêu đương đã nhen nhúm và càng ngày chúng tôi càng trở nên thân thiết, gắn bó với nhau nhiều hơn. Chúng tôi đến nhà nhau dùng cơm và cha mẹ anh chị em hai bên trở nên thân thiết. Nhưng rồi làm sao để ngỏ lời đây? Có lần tôi hỏi cha mẹ tôi rằng hai người đã quen nhau và ngỏ lời như thế nào. Mẹ tôi nói:

- Thời đó, đến tuổi biết yêu, trai gái bắt đầu biết sửa soạn cho dễ nhìn. Các cô không có phấn hồng thoa mặt thì bôi màu hồng ở các bao nhang (hương); còn các cậu trai thì quần tây, áo dài tay, đầu chải láng cóng. Còn ngỏ tình thì viết thư dấu trong tập vở; hay nắm tay nhau rồi ngỏ tình. Trường hợp của ba con thì ba tỏ tình trong “cuốn nhật ký bỏ quên” cho mẹ đọc được. Bây giờ các con văn minh hơn, tỏ tình cũng dễ hơn hồi đó.

- Con thấy cũng thế thôi ạ, tôi nói. Con biết Tiểu Thu mến con, nhưng cả hai vẫn còn e dè chưa ai dám nói ra. Mẹ biết con và Tiểu Thu đã mến nhau nhiều nhưng chưa có cơ hội. Vả lại con là con trai, con phải tấn công trước, phải tạo điều kiện thuận lợi bằng cách tỏ ra săn đón hơn, “nịnh đầm” hơn một chút; phải tỏ ra rằng con thật sự quý Tiểu Thu, và nhất là con phải có một quà tặng nho nhỏ nào đó. 

Tôi nghe lời mẹ nên tỏ ra săn đón Tiểu Thu hơn; ngày lễ lạc đều có quà tặng.  Kết quả, Tiểu Thu tỏ ra “đặc biệt” với tôi hơn. Thấy chúng tôi quan hệ với nhau quá nhiều, việc học có vẻ hơi bị sao lãng, cha tôi gọi tôi ra một chỗ và nói:

- Ba thấy lúc này con học hơi sao lãng. Ngày trước lúc ba còn đi học, hễ mà ba sao lãng một chút là điểm xuống ngay. Ba muốn con nên lo sự học trước kẻo tốt nghiệp với số điểm thấp thì khó kiếm việc làm đấy. 

Mẹ tôi chen vào:

- Vả lại, con nên nhớ rằng tốt nghiệp Đại Học là quan trọng, nhưng kiếm được việc làm còn quan trọng hơn. Nếu không có việc làm như người ta, con sẽ buồn nản lắm rồi sinh ra nhiều chuyện đấy. Con phải lo việc học trước đi. Phải “Ðại Ðăng Khoa” (đỗ đạt) rồi mới tính được chuyện “Tiểu Ðăng Khoa” (lấy vợ) nhé!

Tôi thấy nhận xét của cha mẹ tôi có lý, nên hai năm cuối khóa tôi và TT bớt hẹn hò và lo cho bài vở nhiều hơn. Kết quả tôi tốt nghiệp điểm cao. Và, may mắn thay lúc đó công ăn việc làm mở ra nhiều quá, sinh viên tốt nghiệp đều được các công ty đến tận trường mời ký hợp đồng. Thật  sung sướng quá. Sau này tôi khám phá ra rằng đó chỉ là kế hoạch “thả con săn sắt, bắt con cá rô” của nhóm tài phiệt. Ối! từ một anh chàng “nho sinh” còn ăn bám cha mẹ hay vay tiền mà học, nay bỗng có một tháng 4 hay 5 ngàn đồng một tháng trong nhà băng, cuộc sống huy hoàng mở ra như là một buổi bình minh rực rỡ muôn màu, thật là thần tiên quá. Tôi rất tự tin và tính đến chuyện “mua nhà, sắm xe mới” và đủ mọi thứ không hề nghĩ rằng đồng tiền mình kiếm ra đang từ từ chui lại vào nhà băng với giấy giao kèo ký trả nợ góp với hạn kỳ tới 30 năm! 

Có công ăn việc làm và có nhà cửa đàng hoàng rồi, tôi bắt đầu nghĩ tới hôn nhân. Tôi còn nhớ một hôm chúng tôi tham dự một buổi dã hành (hiking). Lúc chúng tôi xuống được nửa đường đồi thì trời bỗng rắc mưa. Không có chỗ nào tránh mưa cả, hai chúng tôi ngồi xuống lưng đồi chịu trận. Tiểu Thu ép sát người vào tôi. Tôi lấy nón che mái tóc của nàng. Trong giây lát tôi thấy nàng như một con chim nhỏ đáng thương. Hơi thở của nàng làm cho tôi cảm thấy ấm lên. Trời bỗng tạnh mưa. Tôi chưa kịp nói gì thì Tiểu Thu đã vùng dậy chạy biến xuống chân đồi, cười như nắc nẻ. Tự nhiên tôi nảy ra câu hỏi liệu có một ngày nào đó nàng cũng sẽ hết nương tựa vào tôi và rồi bất chợt bỏ tôi như hôm nay chăng?

Sau lần đi chơi đó, tôi quyết định viết thư cho Tiểu Thu: “… Anh muốn cưới em. Anh mong em nhận lời.  Anh sẽ thưa với ba má anh đến nói với ba má em…” Tôi nhận được thư hồi âm ngay: “Em chờ đợi lời cầu hôn này từ lâu rồi. Anh nói với ba mẹ anh tiến hành lẹ lên nhé!” 

Chúng tôi làm lễ cưới khá linh đình vì cả hai đều rủng rỉnh bạc tiền. Cuộc sống ban đầu đầy hạnh phúc chứa chan. Nhưng từ khi sống chung, từ khi có nhiều tiền trong băng, con người của hai đứa chúng tôi có nhiều thay đổi sâu xa. Tiểu Thu đi mua sắm hay tham dự các cuộc vui với bè bạn nhiều hơn, lại nuôi chó nữa. Còn tôi thì không thích giao du nhiều vì cái vẻ bề ngoài không bảnh trai và ăn nói vụng về. Tôi thích trồng cây cảnh, làm vườn, coi TV, không thích mua sắm và không ưa nuôi chó hay mèo. Giữa hai chúng tôi hầu như không có điểm nào chung.

Càng ngày cá tính của chúng tôi càng lộ ra và chẳng mấy khi ai chịu nhường nhịn ai cả. Cả hai chúng tôi đều tận lực phát huy hệ quả của lý tưởng tự do là “tự ái, tự lập, tự nhiên, tự tung, và tự tác” đến mức mà mỗi người trở nên là một thế giới riêng biệt. Chúng tôi hoàn toàn không biết rằng chúng tôi đã bị “virus” của “chủ nghĩa cá nhân”, hậu quả của tinh thần tự do quá trớn, nó biến con người chúng tôi thành một thứ “siêu vị kỷ”. Rõ ràng văn minh là con dao hai lưỡi nó cắt phạm vào cả phần tâm cảm của chúng tôi và chúng tôi còn quá trẻ để mà hiểu ra lẽ đó. Chúng tôi đã sống quá cứng nhắc, quá ư là máy móc, sách vở; chúng tôi trở thành một thứ “Nho Sĩ mới” của thời đại – ưa nói tiếng Anh và khoái ăn Hamburger, Pizza, ... và hầu như muốn đoạn tuyệt với căn cước của nòi giống mình trong khi đó, thực tế chúng tôi vẫn không thể hội nhập 100% vào xã hội Mỹ được vì còn nhiều yếu tố khách quan khác.

Cuộc sống lứa đôi của chúng tôi càng ngày càng tệ và càng tệ hơn nhất là khi tôi bị thất nghiệp và lâu rồi không kiếm được việc làm mới. Nàng thật sự đã không còn nể trọng tôi như ngày nào. Không có công ăn việc làm, tôi hầu như không còn uy tín nữa; tôi như con diều gặp buổi trời không có gió. Tôi đau khổ mà nàng hầu như không có gì chia sẻ gì với tôi cả. Ngôi nhà tôi mua phải trả lại cho nhà băng. Tôi trở về sống tạm với ba má tôi. Còn nàng về sống tạm với bà chị. Cũng may là chúng tôi chưa có con. Thỉnh thoảng gặp nhau là lại có xung khắc. Tôi ghi trong nhật ký của tôi:

Nếu anh biết em sẽ thay đổi nhiều
Như thế thì anh đã chẳng mơ yêu
Ðể hôm nay ta cay đắng đủ điều
Nén trong lòng nhiều nỗi buồn chẳng nói

Và rồi cái gì phải đến đã đến: bất chợt một hôm nàng đến tìm tôi và đề nghị ly dị. Tất nhiên là tôi phải chấp nhận bởi vì tôi còn có gì nữa đâu để mà lôi kéo được nàng nữa đây? Tôi nhớ đã đọc đâu đó vài câu thơ:

Khi còn yêu, anh là châu ngọc
Khi hết yêu, anh là vỏ ốc bên song
Khi còn yêu, anh là lẽ sống
Khi hết yêu, anh là ác mộng đêm trường
Khi trong tim, hình ảnh để tôn thờ
Ðã tan vỡ thì tình yêu cũng mất

Cuộc chia tay của chúng tôi xảy ra đột ngột khiến tôi nhớ lại cảnh nàng vụt bỏ chạy xuống đồi ngày nào khi cơn mưa vừa dứt và thấy như đó là điềm báo trước duyên số của chúng tôi. Tôi lấy tờ viết nhạc ghi xuống một tình khúc đang dâng trào trong cõi lòng tan tác của tôi:

Gặp em, như gặp một cánh chim. Chim bay rồi, tâm hồn anh tan nát. Em đi rồi, hai phương trời xa cách. Mắt hoen mờ, lệ thắm ướt mi anh.
Gặp em như gặp một áng mây. Mây của trời, gió làm cho xa cách. Chuyện chúng mình, ai làm cho cách xa?
Cánh chim trời, em vỗ cánh bay cao. Anh ở lại làm vì sao theo rõi. Soi dặm đường mình em dấn bước chân đi. Bước chân ngày năm xưa. Tan trường về chúng mình chung lối. Anh đưa em về, mình đếm bước dưới sao…

Nhưng rồi tôi lại không gửi lá thư đi vì nghĩ rằng Tiểu Thu sẽ dè bỉu; vả lại, tôi nghĩ thời gian cũng chưa đủ dài để tâm tính nàng chuyển hóa. Ba bốn năm sau, tôi vẫn còn lưu giữ lá thư đó để làm một chứng cớ cho mối tình tôi yêu nàng như là tiếng gọi của định mệnh. Cho đến nay, đã gần mười năm trôi qua, tôi đã có việc làm mới nhưng vẫn chưa có ý lập gia đình lần nữa; còn nàng hình như vẫn còn sống độc thân. Chúng tôi có đôi lần gặp lại nhau ở một party nào đó. Nàng cũng có một lần ghé lại thăm ba mẹ tôi như để bày tỏ một chút ân tình chưa thể quên được đối với ba mẹ và chị hai của tôi. Ðôi khi tôi tự hỏi tại sao chúng tôi là xa nhau nhỉ? Phải là chúng tôi không có duyên nợ sống đời với nhau? 

Mặc dầu năm tháng đã trôi qua khá lâu, tôi cố tìm quên trong việc làm hay trong các trò chuyện với các bạn gái mới, nhưng tôi không thể quên được mối tình đầu đời với Tiểu Thu. Tôi như một con chim bị trúng một mũi tên nên thấy cành cây cong nào cũng hoảng sợ. Phải nói là tôi có nhiều mặc cảm và ẩn ức. Tôi có thể có hạnh phúc - thật sự hạnh phúc - với một người vợ khác được không? 

Ai sẽ cho tôi tình yêu để rồi tôi sẽ không còn lẻ bóng?
Ai sẽ cho tôi tình yêu để rồi không bỏ tôi chạy trốn?
Ai, ai sẽ cho tôi tình yêu để rồi cùng tôi về chung một lối?
Ai sẽ cho tôi tình yêu, cùng tôi nhìn một hướng, cùng tôi ăn một món, cùng tôi hát một bài, cùng tôi là những nốt đàn hòa cùng nhịp điệu?

Trong một đêm dài nhung nhớ, tôi đặt bút viết cho nàng một lá thư:

Tiểu Thu…,
 
Anh viết cho em lá thư này và mở đầu chỉ bằng hai chữ Tiểu Thu mộc mạc thôi là bởi vì anh muốn viết y như những lá thư anh từng gửi cho em khi anh mới quen em và lúc đó anh chưa dám ghép thêm nhũng chữ yêu hay thương hay quý. Bây giờ anh cũng vẫn không thêm một chữ nào khác ngoài hai chữ TT bởi vì anh nghĩ dù có thêm vào bất cứ từ nào thì cũng không đủ để nói lên tình yêu thương của anh đối với em. Chỉ TT thôi – mùa thu nhỏ bé của anh – là đủ rồi.
 
Tình yêu của anh đối với em vẫn còn nguyên vẹn đầy tròn như ngày anh mới quen em. Nó vẫn còn trong sáng như nắng trải trên lưng đồi của những buổi dã hành – hiking - ngày xưa tuy duy nhất chỉ có một đám mưa bất chợt không chờ mà đến đã ám ảnh tình yêu với hình ảnh em vụt chạy xuống đồi khi trời trở nắng trở lại. 
Suy nghĩ cặn kẽ thì sự chia tay của hai chúng ta là do nhiều nguyên do ở nơi anh, ở nơi em, và ở hoàn cảnh xung quanh chúng ta nữa.
 
Trước hết phải nói ngay là cả hai chúng ta đã không được trang bị tốt trước khi thành hôn. Ðó là một sự thiếu sót quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta hầu như hoàn toàn còn “ngây thơ” chưa có biết rõ ý nghĩa và mục đích lập gia đình là để làm gì; chưa xác định rõ giá trị của gia đình và làm gì để bảo vệ gia đình êm ấm. 
Phải, chúng ta đã lập gia đình đơn giản là vì sự lôi kéo của tính dục đang phát triển sung mãn trong cơ thể khiến những chất yêu đương trong con người được tiết ra làm cho tâm thần chúng ta ngơ ngẩn và chỉ muốn đi tìm một người khác phái để tỏ tình. Chúng ta cũng đã không ý thức được rằng xã hội càng ngày càng tiến bộ đòi hỏi các thành viên của xã hội phải trau dồi những nghệ thuật sống chung để hôn nhân  không bị gẫy đổ khiến con cái bị đau khổ vì thiếu cha hay mẹ. Ði làm thì chúng ta có những kỹ thuật để làm tròn nhiệm vụ. Nhưng lập gia đình thì chúng ta lại thiếu nghệ thuật để bảo vệ hạnh phúc gia đình, do đó đã có nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ. 
 
Ở gia đình cũng như trong nhà trường, chúng ta không được dạy cặn kẽ về hôn nhân. Các tôn giáo cũng chỉ dạy những điều đạo đức và luân lý căn bản. Không có sự phân tích sâu rộng để tạo một niềm tin vững chắc về đạo đức hôn nhân. Mà đã không có niềm tin vững chắc thì làm sao chúng ta có thái độ và hành động tích cực để bảo vệ gia đình? Cho nên khi lập gia đình, chúng ta đã không biết làm cách  nào khả dĩ chống đỡ những cơn mưa to, gió lớn, hay bão bùng xảy tới trong cuộc sống chúng đầy va chạm không thể không xảy ra.  
 
Gần đây anh đem tâm sự này nói với ba anh. Anh hỏi:
- Thưa ba, làm sao ba và mẹ vẫn có thể tiếp tục sống chung khi hầu như ngày nào cũng đều có những xung khắc xảy ra?
Ba anh mỉm cười, trầm ngâm, rồi thong thả nói:
- Khi mới lấy nhau, ba và mẹ không để ý đến những xung khắc do cá tính của mỗi người một khác. Nếu được biết trước những cá tính của nhau xung khắc thì ba và mẹ đã không nên lấy nhau. Nhưng khi mới yêu nhau thì chưa có cơ hội nhận thấy những xung khắc của nhau vả lại tìm được một người hợp tính tình không phải là dễ. Cho nên vấn đề là cả hai cần có nghệ thuật sống chung để dù có xung khắc vẫn có thể sống chung với nhau được tuy là không được hạnh phúc lắm.
Anh vội hỏi:
- Vậy thưa ba, nghệ thuật đó như thế nào?
 
- Cuộc sống văn minh là một cuộc sống có nghệ thuật và chính vì thiếu nghệ thuật trong hôn nhân mà con số ly dị ở Hoa Kỳ cao hơn các nước khác. Những nghệ thuật căn bản chung trong hôn nhân thì vẫn còn giá trị. Ðó là khi đã chấp nhận cuộc sống chung thì, trong chừng mực nào đó, phải chấp nhận cá tính của người khác; có nghĩa là phải hòa mình, phải biết chia sẻ quan điểm hay sở thích của người khác. Ba thích bàn về chính trị; mẹ lại dị ứng với vấn đề thiết yếu này; ba thích nghe nhạc trẻ; mẹ lại chỉ thích cải lương; ba thích du lịch, mẹ chỉ thích ở nhà. Những xung khắc đó ban đầu làm cho ba khó chịu lắm và có lúc ba muốn sống riêng. Nhưng vì nghĩ đến lợi ích của các con nên ba phải tìm cách hóa giải. Các cách mà ba áp dụng thường là rất linh động tùy theo hoàn cảnh và đối tượng. Trước hết là ba cố gắng tìm sách báo cho mẹ đọc để học hỏi thêm hầu tư tưởng của mẹ chuyển biến trước đã. Rồi ba phải tỏ ra hết sức nhẫn nhịn –luôn luôn niệm câu “Tâm vô ngã chấp” -  để tập buông bỏ dần cái “tôi” của mình mà chiều theo sở thích của mẹ hầu cho mẹ thấy vui và đồng thời thấy là mẹ cũng cần phải chia sẻ tối đa quan điểm và sở thích của ba. May thay, sau khi đọc sách, dự các buổi thuyết giảng, mẹ đã chuyển biến rất nhiều tuy cá tính vẫn còn đó nhưng cường độ của cá tính bớt đi nhiều; ba cũng thấy vui khi đã tự xuống dây đàn của ba để hợp với dây đàn của mẹ thành ra bản nhạc “Mình với Ta” nghe êm ái hơn trước. 
 
Con và Tiểu Thu xa nhau có thể chỉ vì không ý thức được rằng có duyên số vợ chồng với nhau là một hạnh phúc mà không phải là ai cũng có, thì chúng con cần phải cố gắng bằng mọi cách bảo vệ hạnh phúc đó bởi vì gia đình không những là một nơi hưởng hạnh phúc tuyệt vời của một cuộc “sống có đôi” và “chết còn con cái”, nhưng đồng thời cũng là nơi có nhiều thử thách cho tâm linh được thăng hoa. Nói tóm lại, tất cả nghệ thuật là đều nhắm vào làm cho người ta vui và thoải mái.  Thế thôi.
 
Tiểu Thu:
Anh đã bỏ ra nhiều ngày để trầm ngâm suy nghĩ - thiền đấy - về những điều ba anh chia sẻ. Anh rất tiếc là những chia sẻ này đã không đến với anh và em khi chúng ta thành hôn. Chúng ta quả là đã quá tự mãn và đã thiếu trang bị cho mình trước khi lao vào cuộc thám hiểm khu rừng Tình Ái đầy quyến rũ nhưng cũng đầy thử thách. Chúng ta đã tự có những quyết định thiếu sáng suốt và phải chấp nhận hậu quả. Nhưng hy vọng những lời sám hối cũng có thể làm cho cường độ của hậu quả bớt gay gắt đi.
 
Cả hai chúng ta xa nhau chỉ vì tự ái, chỉ vì cái “tôi tăm tối” của chúng ta lớn quá.  Nếu chúng ta sớm biết tìm đến bóng mát của cây bồ đề để dẹp bỏ cái tôi đáng ghét đi thì có thể chúng ta đã sống hồn nhiên hơn, giản dị hơn, bao dung hơn, và bình an hơn. Phải không em? Vâng, cả hai chúng ta đều đã quá cố chấp; đã quá tự tin và tự cao; làm nô lệ cho những tham vọng thấp kém để rồi tâm hồn càng ngày càng xa cách cội nguồn; quên rằng tất cả rồi cũng sẽ rơi vào cõi hư vô.
 
Anh biết nơi em vẫn còn một chút dư âm của tình yêu đối với anh bởi vì anh đã cố gắng hết sức để làm cho em vừa lòng đấy chứ? Nhưng rồi những biến cố chung quanh, như bị mất việc chẳng hạn, đã tác động lên tâm tư, tình cảm của chúng ta quá mạnh mà chúng ta lại thiếu kinh nghiệm để đối phó. Chúng ta thực sự đã không làm chủ được chúng ta như chúng ta tưởng. Về điểm này, chúng ta cần phải học thêm nhiều bài học quan trọng trong xã hội để bổ túc những bài học trong nhà trường để chúng ta có thể biết được đích thực chúng ta là ai và phải làm gì.
 
Anh tin rằng em vẫn còn nhớ nhiều kỷ niệm giữa hai chúng ta. Những ngày đầu anh chỉ dẫn em làm bài; những buổi cùng các bạn tổ chức hội hè trong trường; những ngày ăn những món quê hương cha mẹ hay anh chị nấu; những ngày tham dự dã hành. Ðó là những kỷ niệm đẹp nhất của đời người, của thuở còn đi học ở đó có những chia sẻ vô tư. Hồi tưởng lại những ngày vui có anh và có em đó làm cho anh thấy anh đã sống những ngày có ý nghĩa. 
 
Giờ đây thì chúng ta đã xa nhau gần 10 năm rồi đấy nhỉ. Duyên số của chúng ta đã hết. À, mà em có tin ở chuyện duyên số không nhỉ? Anh thì đã bắt đầu tin rồi đấy. Vạn vật không thể tự nhiên mà có. Anh còn có thể tin tới cả những cái nhà, cái xe, cái bàn, v.v. cũng là những vật được an bài cho chúng ta cả đấy.  Vũ trụ hẳn là phải xuất phát từ một nguồn gốc cùng với những định luật để nó tự tồn. Nguồn đó là Ðại Nguồn, là Ðại Mẫu, là Ðạo. Cũng như chúng ta, chúng ta cũng sinh ra từ một nguồn là mẹ của chúng ta. Ðó là những điều đã được nói trong những triết thuyết. 
Chúng ta đã có duyên nợ với nhau nhưng chúng ta lại tự lựa chọn sống xa nhau. Không biết duyên nợ đã hết chưa? Anh chúc em sớm có một cuộc sống có đôi tròn đầy hạnh phúc. Giờ đây, chúng ta chỉ là những người bạn thôi. Ðược chứ?
Anh,

~*~

Tôi gửi ngay lá thư đi vì sợ để lâu rồi lại không dám gửi đi nữa. Tôi hy vọng nàng sẽ hồi âm ngay vì nàng mau mắn trong việc viết lách lắm. Nhưng tôi đã lầm. Hơn một tháng trôi qua, không thấy có hồi âm, tôi cố gắng tìm quên không nhớ tới chuyện đó nữa. Tôi dự định đem chuyện duyên số vợ chồng ra hỏi ý kiến với ba mẹ. Từ khi trưởng thành đến nay, tôi chưa bao giờ đem những chuyện này, chuyện nọ ra thảo luận với ba tôi cả. Một cuốn sách nào đó tôi đã đọc có bàn về một thứ tâm lý e dè hay sợ hãi của con cái đến tuổi trưởng thành khi nói chuyện với cha mẹ. Tâm lý này bắt nguồn từ sự kiện cha mẹ thường tỏ ra áp đảo con cái bằng những câu nói có tính cách “cả vú lấp miệng em” [không cho con nít la, khóc] như: “Trứng khôn hơn vịt”; “Hỉ mũi chưa sạch mà biết gì!” Tính áp đảo này riết rồi tạo nên những chủng tử (gene) trong dòng máu khiến cho con cái không thấy thích thú nói chuyện hay đi chơi với cha mẹ nữa.  Biết thế nên tôi quyết định bỏ mặc cảm đó và mạnh dạn nói với ba mẹ tôi:

- Thưa ba mẹ, con có một chuyện muốn hỏi ý kiến ba mẹ. Vậy chiều nay, khi ăn cơm, con sẽ nói với ba mẹ.  Ðược không ba mẹ?

- Ðược chứ. Ba tôi trả lời. Ba rất mừng là con đã không còn coi ba mẹ xa xách nữa. Nhiều lần ba muốn chia sẻ kinh nghiệm sống với con nhưng con có vẻ không sẵn sàng nghe ba nói. Ba rất mừng con nay đã thay đổi lối suy nhgĩ. 

Chiều hôm đó, trên đường về, tôi tạt vào tiệm mua một chai rượu vang, còn đồ ăn thì chắc chắn mẹ tôi đã làm rồi. Bữa ăn chỉ có 4 người: ba mẹ tôi, chị tôi, và tôi. Chị tôi đã ngoài 35 làm bác sĩ, khá xinh đẹp mà vẫn chưa có “ý trung nhân” [người yêu], kể cũng lạ. Ba tôi tỏ ra vui mừng khi thấy có chai rượu vang hiệu Bordeaux của Pháp (ba tôi từng quen uống loại rượu này). Nhấp một ngụm rượu xong, ba tôi nói:

- Trước khi con nêu ra câu hỏi, ba cần nói trước rằng tất cả những điều ba nói đừng coi đó là chân lý, là đúng, trừ phi điều đó thuộc phạm vi toán học. Chúng ta thảo luận chứ không tranh luận. Tranh luận thì phải có trọng tài quyết định đúng sai. Ðây là thảo luận, ai cũng có quyền nêu ý kiến của mình để mọi người biết và tự quyết định theo hay là không theo. Rồi, bây giờ con có điều gì muốn hỏi?

- Thưa ba mẹ, và thưa chị. Con muốn hỏi đây là con người ta lấy nhau có duyên số không? Mà nếu có duyên số thì con người ta không có quyền tự do quyết định gì sao? Và chuyện đổ vỡ của gia đình con có phải là vì con và Tiểu Thu đã không có duyên số ăn ở trọn đời với nhau?  

Ba tôi còn đang suy nghĩ chưa kịp nói thì mẹ tôi đã cất tiếng:

- Mẹ tin là có duyên số. Ðây là một vấn đề hết sức huyền bí. Cuộc sống vợ chồng rất quan trọng vì nó mang tính sứ mệnh là bảo tồn nòi giống cho nhân loại và đó chính là một ý muốn quan trọng của Tạo Hóa. Mẹ tin vợ chồng là có duyên số bởi vì mẹ tin ở thuyết Luân Hồi đó là cơ hội cho ít nhất là hai người có cơ hội trả nợ ân tình với nhau; cuộc sống của hai người phải sống để trả nợ cho nhau do từ những việc làm của kiếp trước. Thuyết Luân Hồi là một thuyết tiến bộ nhất của nhân loại, nó là một hệ quả tất nhiên của thuyết Nhân Quả; nghĩa là việc mình làm hôm nay, mình phải gánh hậu quả và phải trả. Nếu không trả hết trong kiếp này, thì phải trả trong kiếp sau. Nếu không còn kiếp sau thì làm sao có nhân và có quả?

Tôi xen vào:

- Mẹ nói có duyên số định sẵn, vậy con người không thể tránh hoặc thay đổi duyên số sao? Và nếu thay đổi được thì làm sao thay đổi được số mệnh hay nhân quả?

Mẹ tôi đưa mắt nhìn ba tôi như muốn ba giúp câu trả lời.  Ba tôi chỉ chờ đợi có thế.  Ông lên giọng nói:

- Theo ba, tránh duyên số thì không thể được; nhưng thay đổi một phần thì có thể được. Con người ta sống để trả hay hưởng những gì mình đã tạo ra. Ðấy chính là câu nói:“Ðức năng thắng số” hay cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng nói:“Có Trời mà cũng có ta. Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.” Ðời người được đóng Khung rồi. Nhưng, trong cái Khung đó, trong cuộc sống để trả hay hưởng đó, con người có tự do hành động theo ý muốn của mình và còn chịu sự chi phối của môi trường sinh hoạt nữa. Như vậy, một hành động của con người có 3 tác nhân cơ bản: Luật Trời, ý chí của con người, và các định chế của xã hội. 

Ðến đây thì chị tôi cất tiếng góp ý:

- Thưa ba mẹ. Thuyết Nhân Quả là một thuyết của Khoa Học. Thuyết Luân Hồi là thuyết của Tôn Giáo. Thuyết Ý chí Tự Do là thuyết của Triết Học. Thuyết Nhân Quả thì đã rõ ràng. Người bình dân thường gọi đó là luật Quả Báo. Thuyết Ý Chí Tự Do thì cũng thể hiện rõ ràng là mọi người thường có tự do để quyết định hành động. Riêng về thuyết Luân Hồi thì vẫn còn là vấn đề của Tin hay Không Tin. Tin thì là Có, không tin thì Có cũng là Không. 

Về Luân Hồi hay vấn đề tái sinh thì con có đọc một cuốn sách nói về cuộc đời của ông Edgar Cayce, một bác sĩ người Mỹ, sinh năm 1877 tại Hopskinville, bang Kentucky, Hoa kỳ và qua đời năm 1945.  Ông nổi tiếng là một con người có khả năng “soi kiếp” qua phép thôi miên để biết kiếp trước của các bệnh nhân từ đó tìm được nguyên nhân của một số bịnh tật. Hiện nay có khoảng 30 ngàn ca [case] chữa bịnh bằng “Thần Nhãn” của ông lưu trữ tại Virginia Beach cho công chúng tham khảo. Như vậy, những trường hợp soi kiếp của ông Cayce chứng tỏ là có luân hồi và luân hổi cho con người cơ hội tự cải thiện để tiến hóa nghĩa là cái biết hay cái thức của con người không mất đi mà được lưu trữ và truyền lại kiếp sau.  

Riêng đối với trường hợp hôn nhân, đó là một mối liên hệ mang tính sứ mạng mà Thượng Ðế tạo ra nhằm bảo tồn nòi giống nhân loại và là một môi trường tốt nhất để tự thanh lọc bản thân qua câu “Thứ nhứt là tu tại gia.”. 

Qua những cuộc soi kiếp, ông Cayce khẳng định rằng không có một mối liên hệ quan trọng nào trong đời sống mà lại do sự ngẫu nhiên hay tình cờ cả và không có một cuộc hôn nhân nào bắt đầu từ số không mà đó là một sự nối tiếp của một câu chuyện đã có từ lâu và mọi cặp vợ chồng đều có nhân duyên với nhau từ kiếp trước. Tuy nhiên, trong vấn đề hôn nhân hay trong tất cả những vấn đề khác, con người đều có tự do quyết định lựa chọn hành động: làm hay không làm. Và chính sự lựa chọn này tạo nên “nghiệp” mới mà họ phải gánh chịu. Do đó để có một lựa chọn tốt hay một quyết định sáng suốt, con người cần phải có một quá trình tu tập hướng thiện hay được dìu dắt bởi một môi trường tốt. Vâng, đó là vài nhận thức của con muốn chia sẻ với ba mẹ và em con.

Ba mẹ tôi cùng gật đầu tỏ ý tán thưởng. Bất chợt tôi lên tiếng cật vấn chị tôi:

- Thế em muốn hỏi chị. Tại sao chị cũng xinh đẹp; lại có nghề nghiệp vững chắc, mà đến nay, duyên số của chị vẫn còn trắc trở? Em thấy chị cứ sống cô đơn mà thấy thương chị quá.  Hay là chị quá kén chọn? 

Chị tôi mỉm một nụ cười rất có duyên, nhỏ nhẹ nói:

- Không, chị không quá kén chọn. Chị thừa biết là “Kén quá thì ở giá”. Có lẽ tại duyên số của chị chưa mở ra; vả lại, nghề nghiệp của chị cũng giới hạn con số người chị có thể lựa chọn. Hơn nữa, chị xưa nay vốn sợ một cuộc sống bị ràng buộc. Nếu được soi kiếp, có lẽ trong kiếp trước, chị đã sinh vào một gia đình mà cha mẹ chỉ mơ ước con cái thành đạt với học vị bác sĩ, tiến sĩ và không muốn con mình lọt vào gia đình người khác, cho nên chị đã không nặng nợ ân tình với ai. 

Nói tới đây, chị tôi bật cười ha hả như để câu nói của mình thật chỉ là câu hài hước thôi.

Cho rằng câu chuyện đã đủ để kết thúc, ba tôi lên tiếng:

- Thôi, bữa nay chúng ta thảo luận như thế là đủ rồi. Ba rất vui, mẹ chắc cũng hài lòng vì chúng ta đã có những chia sẻ hữu ích. Ðiều quan trọng là chúng ta đều có chung những niềm tin cơ bản đối với cuộc sống. Chúng ta tin rằng con người không phải chết là hết chuyện. Chúng ta tin rằng mọi hành động đều gây những hậu quả và con người phải gánh chịu hậu quả của những gì mình đã tạo ra trong kiếp này hay kiếp khác. Nếu tin có luân hồi, con người sẽ tái sinh để có cơ hội trả nghiệp, thì có thể con người sẽ sống có đạo đức hơn và đó chính là ý nghĩa tiến hóa của xã hội loài người. Ngược lại nếu không tin có Thượng Ðế, thần thánh nào cả; chết là hết, không có luân hồi; thì con người sẽ sống đầy thác loạn, sẽ tự cho mình là Thượng Ðế, và sẽ có nhiều  giết tróc không gớm tay. Ðây chính là sự thật này đã xảy ra trong chế độ vô thần cộng sản chủ nghĩa đấy. 

HaiBang1

Hôm đó trời vào xuân rất đẹp và linh tính báo cho tôi biết là có thư của Tiểu Thu gửi. Quả nhiên, tôi đã nhận được thư hồi âm. Tiểu Thu viết:

Anh, 
Em vô vàn xin lỗi anh vì tội chậm trễ hồi âm thư anh. Anh biết hông? Thư anh tới đúng lúc em phải đi xa cho công việc của sở và công việc lôi cuốn em khiến có lúc em không còn có thì giờ để ăn nữa. 
 
Anh nhắc lại những kỷ niệm xưa làm em thật nôn nao, bùi ngùi quá. Có lẽ anh đã nói đúng: chúng ta có duyên số nhưng đã không chọn sống trọn đời, chung quy cũng vì cả hai đã quá tự ái, đã không làm chủ được lý trí. Hơn nữa, chúng ta đã không có một cái gì chung để cùng chia sẻ. Mà đã không có gì chung để cùng chia sẻ thì làm sao có thể sống vui bên nhau được? Mẹ em và ba em cũng thế: chẳng có bao giờ “get along” với nhau cả. Thế nhưng cả hai hai đều biết nhẫn nhịn. Còn anh với em đã không biết nhẫn nhịn vì đã bị “cá nhân chủ nghĩa” mê hoặc. Ðâu có ý thức được rằng nhẫn nhịn là mẹ của tồn tại?    
 
Vâng, chúng ta sẽ là bạn với nhau thôi. Là bạn tốt có lẽ cũng là một cách để trả nợ ân tình từ những kiếp trước, phải không anh?
Cũng chúc anh sẽ tìm được nhiều hạnh phúc trong nhẫn nhịn.
 
Mùa Thu Nhỏ của Anh, hí!  Hí!…

Ðọc xong lá thư, tôi tưởng như mình đang được nghe lại hát khúc hát mà TT đã hát khi chúng tôi mới quen nhau:

Anh có nghe, mùa thu mưa giăng lá đổ?   
Anh có nghe, nai vàng hát khúc yêu đương?
Và anh có nghe, khi mùa thu tới, mang ái ân, mang tình yêu tới.
Anh có nghe; nghe hồn thu nói: - Mình yêu nhau nhé!

...

Tất cả mới có đó mà nay đã không còn nữa. Tất cả đã trôi vào dĩ vãng thật là xa xăm…

Hải Bằng.HDB