User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

nghivun

Mấy hôm nay trên Internet có vụ bàn cãi về văn tự khá thú vị: “sử dụng” hay “xử dụng”, khi nhà xuất bản Tiếng Quê Hương (Virginia) lấy ưu thế của nhà xuất bản, sửa chữ “sử dụng” của một tác giả gửi sách tới nhờ in thành ra “xử dụng”, theo “chỉ tiêu” (tiêu chuẩn) của họ.
 
Đối với tôi, đây là một biến cố văn học, tuy rằng nhỏ (giữa một tác giả và một nhà xuất bản), nhưng thuộc về nguyên tắc, và liên quan tới một nền văn học đang chết già ở hải ngoại sau gần nửa thế kỷ mất nước.
Sửa như vậy đúng là “sửa… sai”, nghĩa là sửa cho sai, không phải “sửa lại cho đúng”.
 
Tôi kèm dưới đây bài viết của học giả Trần Văn Tích, trong đó có trích đầy đủ phần biện dẫn của nhà xuất bản Tiếng Quê Hương để người đọc theo dõi quan niệm của cả hai khuynh hướng “sử dụng”“xử dụng”.
 
Riêng tôi, tôi hiểu:
 
Sử 史 là họ Sử, là sử (sử ký), sử học, quan chép sử (sử quan), sử gia (nhà chép sử), sử liệu (tài liệu lịch sử),..
 
Thêm cái gạch ngang và bộ nhân vào 使 (vẫn đọc là sử, cũng có khi đọc là “sứ), nghĩa là sai khiến, là lệnh. Người xưa có câu “sử công bất như sử quá”: sai khiến người có lỗi dễ hơn sai khiến người có công. Chữ “sử” trong “sử dụng” chính là chữ “sử” này.
 
Còn xử 處 (có khi đọc là “xứ”) bây giờ người Tàu viết gọn theo giản thể, thành 处 có nhiều nghĩa và cách dùng: ở, ăn ở, đối đãi, vị trí, phán đoán, nhưng không có nghĩa nào là sai khiến hay “xử” dụng. Chữ xử “x” này thường thấy trong các chữ: xử đoán, xử hình, xử lý, xử nữ, phân xử, xử quyết, xử sĩ, xử sự, xử thế, xử trảm, xử trí, xử tử.
 
Giản dị vậy thôi, và đó là chuẩn mực tôi theo trong mấy mươi năm viết lách và làm chủ bút, biên tập cho một tờ báo văn học và nhà xuất bản. Tôi “theo”, không phải do tôi đặt ra, căn cứ vào ý kiến của những học giả có nghiên cứu. Chuẩn mực đó còn căn cứ vào mấy chục bộ tự điển liên hệ, từ Từ Hải tới Khang Hi, từ các nhà Tây học hay thâm Nho Việt Nam (học giả Trần Văn Tích đã liệt kê phần lớn). Tôi tìm mối nhất quán để theo. Nói cách khác, tôi dùng tự điển để “bỏ phiếu”: nếu tất cả hay hầu hết các tự điển đồng ý với nhau thì tôi theo; nếu “sai” thì đành sai theo tự điển hơn là sai theo một số tác giả hay sai theo đại chúng, dù người “sai” có là thầy tôi hay một bậc trưởng thượng khác, tôi cũng đành không theo!
 
Sáng nay, bên cốc cà phê, đầu óc tôi còn lan man với một vài ý kiến phát biểu ngộ nghĩnh của các đương sự. Có vị bảo rằng Việt Nam chưa có Hàn Lâm Viện nên ai muốn viết sao đó thì viết. Đúng là Việt Nam chưa có Hàn Lâm Viện để quyết định thế nào là đúng, nhưng giả sử CSVN đặt ra Hàn Lâm Viện để định chuẩn mà vẫn sai lè ra đó, tôi cũng không theo!
 
Có vị, vốn là người miền Bắc, nói rằng bà nói là /x/, (xử dụng) thì cứ viết /x/. Giản dị thế thì người Bắc có thể xóa luôn phụ âm /s/ trong bộ mẫu tự Việt Nam, vì chẳng người Bắc nào dùng tới! Từ đó, cảnh sát viết thành cảnh xát, sản phụ thành xản phụ, sinh đẻ thành xinh đẻ, v.v. Và cũng từ khái niệm đó (nói sao viết vậy), người Hành Thiện sẽ thoải mái bỏ phụ âm kép /tr/ vì họ nói: con tâu tắng tong bờ te tụi (con trâu trắng trong bờ tre trụi). Người đồng bằng miền Bắc thì bỏ /l/, khi viết thì cứ “ngọng níu ngọng no”? Người Quảng Ninh thì “lói sao viết vậy”? Rồi đồng bào miền vùng trung Trung phần giải quyết làm sao câu “nam nữ đủ rồi thì đi xúc cát” (trong truyện cười dân gian) nếu viết theo âm đọc? Và miền Nam “trường học”, chỉ cần viết “trườn học” là đủ; và miền Tây Nam phần: phải viết “con cá gô nó nhảy gột gột trong gổ?” mới là đúng!
 
Cũng vẫn vị này, bảo rằng thầy dạy viết thế nào thì cứ như thế mà viết, lôi cả tên thầy và cả tên… con thầy ra làm chứng, rồi chê bai các bạn của bà, tuy học Sư Phạm ra mà vẫn cứ viết sai chính tả, vì là người miền Trung và Nam! Tôi tò mò xem lại bài bà ta viết, thấy chỉ chừng nửa trang giấy mà bôi ra cả mớ lỗi, cả chính tả, văn phạm lẫn dụng ngữ, chưa kể hai chữ “thức giả” mà bà cho vào ngoặc kép khi xin ý kiến người khác. Tôi đoán rằng thầy chưa kịp dạy bà cách dùng ngoặc kép trong trường hợp này! Với tất cả những lỗi ấy hợp lại, quả đáng tội cho ông thầy và ông con thầy đã bị dựng ra làm bia!
 
Tôi không biết là ông thầy sai hay bà học trò thiếu khả năng lãnh hội. Đối với tôi, khi lớn lên, nếu biết thầy dạy sai, tôi sửa, ít nhất là phần tôi. Đó là kính thầy, trọng thầy và thương thầy; nếu tôi cứ tiếp tục truyền bá điều sai, tôi không xứng đáng là học trò của thầy!
 
Tiếp theo, một vị ký thiệt (không phải ký… giả) phân giải nước đôi rằng viết “sử dụng” hay “xử dụng” cũng chẳng chết thằng… Việt Cộng nào. Hãy đoàn kết, tranh đấu lấy lại tự do dân chủ cho đất nước trước đã, đó mới là chuyện ưu tiên cần làm, phải làm và nên làm. Cãi vào đâu được! Anh nào cãi thì đúng là đồ phản quốc, đánh lạc hướng công luận, nối giáo cho giặc.
 
Nhưng… (lại còn nhưn với nhị!) vừa hát vừa đánh răng thì không được, nhưng vừa đi bộ vừa nhai kẹo cao su thì ai cũng làm được. Trong khi lo đòi lại đất nước, biển đảo, ta không thể bảo vệ chữ Việt được sao? Miễn là đừng tự ái xằng, đừng có ta (và bạn ta) thì đúng, ngoài ra, sai tuốt; hay thay vì bàn bạc đứng đắn, bảo rằng anh là bác sĩ thì anh chỉ được cầm ống chích, đừng có xổ nho; hay anh là luật sư thì chỉ được cãi trước tòa, đừng có ngu mà cãi với nhà văn! 
 
Viết tới đây thì cốc cà phê vừa nguội vừa đắng. Hết ngang!
 
Nguyễn Hữu Nghĩa