User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

TuyetRoi 10

Lần đầu tiên thấy tuyết, chỉ một lớp mỏng phủ nhẹ lên thảm cỏ sau vườn cũng làm tôi xao xuyến. Thế là hăng hái mặc thêm áo ấm, mở cửa bước ra ngoài, chụp vài tấm hình hoa tuyết, nghe dưới chân mát rượi, xào xạc như đang đi trên bọt xà bong. Cô bạn ở Austin gọi về, khoe: “Mình đang ngắm tuyết nè.” Tôi vui theo: “Houston cũng đang có, nhiều lắm.” Anh bạn Dallas nhắn vào messenger, hơi ganh tị một chút: “Chờ hoài không thấy tuyết, chi lạ rứa hè?” Tôi chưa kịp trả lời thì một bài thơ xuất hiện: “Tuyết trắng lạnh rơi rơi, sân chùa mưa nhè nhẹ, tiếng mõ chuông khe khẽ, phiền não lòng vơi vơi…” xuất khẩu thành thơ là biệt tài của một nhân vật hiện ở chùa Đạo Quang, không nói, các bạn PCT biết đó là ai rồi.

Nắng lên, tuyết tan dần, bỗng nhớ đến Tuyết, nhỏ bạn thân hồi Tiểu Học, biết bao kỷ niệm từ thời con nít cho đến tuổi bà già, buồn vui lẫn lộn trên giòng đời xuôi ngược, nắng lửa mưa dầu. Hai đứa đạo Phật nhưng lại học trường dòng Mai Khôi, cùng ở trên đường Chi Lăng (Gia Hội cũ), nhà tôi số 69, nhà nó 47, cách nhau ngã ba Trung Bộ, giữa 2 rạp ciné Châu Tinh và Gia Hội, dập dìu tài tử giai nhân mỗi cuối tuần. Hồi đó, hai đứa có thói quen, cứ chờ đổi phim là rủ nhau đến phòng vé xin cho được programme mới (tờ giới thiệu phim) đem về làm bộ sưu tập, rồi suốt ngày cùng bầy nhóc trong xóm chơi đánh thẻ, ô làng, ù mọi, nhảy dây… Noel năm nào cũng ở lại trường theo các Soeur đi nhà thờ xem Chúa giáng sinh.

thuyan

Mùa hè năm tôi sắp lên lớp Nhì (lớp 4 bây giờ), ba tôi chuyển vào Đà Nẵng. Tuy còn bé, Tuyết vẫn siêng viết thư thăm, chữ nắn nót ngoài phong bì, ghép tên nó vào tên tôi, Ái Tuyết – Tuyết Ái, nội dung thư nào cũng oán trách cái đèo Hải Vân độc ác, ngăn cách tình bạn chúng ta. Nhưng tôi đâu có đi luôn, tháng nào tôi cũng ra Huế thăm ông bà ngoại và các dì. Tôi học Phan Châu Trinh, Tuyết vào nội trú Jeanne d’ Arc, hai đứa đã bước vào tuổi tròn trăng, gặp nhau hoài. Mỗi lần tôi về ngoại, hai đứa thường đến tiệm ảnh nổi tiếng Mily chụp hình, dạo phố hoặc đón xe đò lên Ngự Bình, An Lăng ăn bánh bèo chén. Nhớ hoài ngày đám cưới Tuyết, Huế ngập lụt. Đà Nẵng cũng mưa to gió lớn, tôi lại sắp sinh em bé nên không ra chia vui cùng bạn được. Tuyết theo chồng vào Cam Ranh và từ đó, hai đứa bặt tin nhau.

thuyan1

Sau tháng tư 75, tôi chạy vào Sài Gòn. Không nghề nghiệp, không hộ khẩu, biết làm gì bây giờ. Thế là bắt chước bà chị dâu, mua đi bán lại áo quần cũ ở chợ Nguyễn Tri Phương. Càng làm càng cụt vốn, bởi tôi không có tay buôn bán, khù khờ, cả tin, lúc nào cũng bị hớ. Có lần tôi mua được một cái áo kim tuyến rất đẹp giá 12 đồng, cẩn thận treo lên vách sạp, chắc thế nào cũng có lời, mặc cho bà chị lắc đầu ngán ngẩm: “O có điên không? Thời buổi đói rách như ri ai mà mặc áo lòe loẹt như hát bội rứa?” “Em thấy đẹp mà, thế nào cũng có người thích như em.” Mà thiệt, nhiều người dừng lại nhìn, vuốt ve làn vải mịn, ngắm nghía những hạt cườm lóng lánh… nhưng không ai trả đến 8 đồng.

Giữa lúc xấc bấc xang bang, tôi gặp lại Tuyết. Tuyết chạy từ Cam Ranh vào, nương náu cùng gia đình ở ngã tư Phú Nhuận. Ba Tuyết có xưởng nước đá ở Huế, bây giờ vào Sài Gòn cũng thuê mặt bằng, trang bị máy móc, rồi xin giấy phép kinh doanh làm nước đá và kem cây. Nhờ kinh nghiệm và vận may, Sài Gòn lại luôn nóng nực, nên bước đường kinh doanh của ông thênh thang rộng mở, dư sức nuôi bầy con trên 10 đứa, Tuyết là đứa thứ tư. Chồng đi học tập, Tuyết được ba mua cho căn nhà nhỏ ở đường Phan Xích Long, mở tiệm tạp hóa sống qua ngày. Thời gian này, chúng tôi gặp nhau hoài, không có chuyện chi nói ngoài những lời than thở cho số phận hẩm hiu. Một hôm, Tuyết hỏi: “Mi có rảnh không? Mi có biết may, biết thêu không?” Bất ngờ, tôi trố mắt: “Hỏi chi vô duyên rứa, tao ăn là giỏi chớ may thêu chi.” Tuyết thì thào: “Cho mi hay, tao sắp mở tiệm bán quần áo may sẵn.” “Thì mở đi, ai cấm.” “Nhưng tao muốn may thêm quần áo kiểu độc đáo, không đại trà quê sến như hiện nay. Tao muốn mi giúp.” “Trời đất, tao mù may vá, làm chi được.” Tuyết đưa tôi lên mây: “Mi học giỏi, thông minh, vẽ đẹp, khéo tay, mi sẽ sáng tạo kiểu (hồi đó, chưa có khái niệm “thiết kế thời trang”) giùm tao. Tao sẽ cho mi đi học – rồi triết lý ngang như cua – trên đời này học chữ là khó nhất, mi làm được thì ba cái thêu may ni đâu nhằm nhò chi.” Tôi bối rối, không gật đầu e cũng mệt.

Nhớ buổi trưa nắng chang chang, Tuyết cùng tôi đi xe lam vào Chợ Lớn, xa lắc lơ, hình như qua khỏi dốc cầu Nhị Thiên Đường, đến một ngôi nhà xây theo kiểu đền chùa cũ kỹ. Một bà trung niên béo ú bước ra chào mời đon đã. Nơi đây trưng bày nhiều máy may, máy vắt sổ, vải vóc, chỉ thêu… Tuyết nói: “Tao sẽ mua cho mi một cái máy may, rồi bà này sẽ dạy mi may và thêu.” Tôi bảo: “Sao mi không kêu mấy người thợ may, thợ thêu chuyên nghiệp, có phải khỏe hơn không?” “Tao không thích người lạ.” Nghĩ đến con đường xa diệu vợi, đạp xe đi học chắc chết, tôi nói: “Thôi, để tao học gần nhà cũng được, thiếu gì chỗ.” Tuyết nghi ngờ: “Mi phải giúp tao, hứa đi. Cũng còn lâu, qua Tết, ba tao mới bỏ vốn cho tao, mi dư thời gian học mà” Tôi ngần ngại, bàn lùi: “Chỗ này vắng vẻ, tao nghĩ không có khách đâu, sợ ế đó.” “Không phải, mở tiệm ở nhà ba tao ngoài ngã tư Phú Nhuận, mặt tiền ngon lành.”

Bà thợ may quen trong xóm nhận lời giúp tôi, hướng dẫn những bước căn bản, từ đó phăng ra kiểu này kiểu nọ. Thời bao cấp ăn toàn cơm độn khoai sắn, bo bo, làm gì có vải thực hành, nên suốt ngày cắt mẫu trên giấy báo rồi may bằng kim chỉ bình thường, kết quả là tôi cũng thành thạo và sáng tác ra nhiều tác phẩm giống như… hàng mã bán ngoài chợ. Học thêu mới gian truân. Tôi được giới thiệu một cao thủ thêu ngoài đường Võ Di Nguy mở lớp dạy tại nhà. Con nhỏ này đẹp theo kiểu gái quê nhưng chảnh thấy ớn, cái miệng không bao giờ để đâm da non, chẹc chẹc tối ngày. Đúng là đồ con nít ranh, dễ gai quá, nhưng tôi cũng ráng nhịn, bởi vì nó có nhiều mẫu mã độc đáo và chỉ bảo rất tận tình, dễ hiểu. Ban đầu, thêu hoa lá mãi cũng chán, tôi ngõ ý muốn học mẫu “những cánh hạc trong trăng” thì nó nói thẳng vào mặt tôi: “Cô chưa đủ trình độ.”

Từ ngày phải buông cây bút xuống, tôi nghĩ mình không còn một niềm đam mê nào khác. Vậy mà lạ, tôi bỗng tìm được cảm hứng trong công việc mới, say sưa thêu và tập luyện suốt ngày. Thích nhất là lựa mẫu, chọn màu, pha màu, tỉa hoa… nhìn những cánh hoa mơn mởn chuyển từ đậm đến nhạt dần, sợi dây leo mềm mại quấn quít bên những búp lá xanh tươi, những chấm nhụy ngọc lung linh giữa đóa hướng dương vàng nắng… hiện dần trên mặt vải, dưới những ngón tay tôi, mới kỳ diệu làm sao! Khi tôi đã may thêu nhuần nhuyễn thì cũng vừa lúc Tuyết mở tiệm và tôi bắt đầu… múa gậy vườn hoang. Thôi thì “thiết kế” đủ kiểu, cổ rộng cổ hẹp, chữ U chữ V, cánh sen, tai bèo, thắt nơ, gài nút… Khách tới lui nườm nượp, hàng chạy như tôm tươi, may không kịp bán. Cháy hàng nhất là áo Hạ Uy Di (Tuyết đặt tên, tôi không ý kiến), vải toan rẻ tiền in hình chim cò, hoa hòe hoa sói cùng dãy dừa xanh bát ngát, biển trời mênh mông… kiểu này cắt may rất giản dị, tay ngắn, eo thuôn, cổ bẻ bằng thun bán sẵn, đủ màu, chỉ việc mua về ráp vào, sao cho hài hòa màu sắc là được. Một vốn bốn lời, Tuyết bảo: “Mi thấy chưa, ở hiền gặp lành, Trời thương tụi mình đó.” Tôi thì cứ nghĩ mẹ tôi đang phù hộ con gái cưng của bà. Bây giờ nghĩ lại, sao thấy hồi đó mình giống như Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà quá, hát không ra hơi mà fan thì cứ ào tới, xô ra không hết   .

Tôi không cho Tuyết nhận hàng thêu vì thấy mình chưa đủ sức. Chỉ nhận theo cảm tình với những người quen, nghĩa là đừng tỏ ra “thượng đế” với tôi, phải thông cảm tôi là thợ thêu nghiệp dư, dù có… xấu một chút cũng đừng chê té tát như tôi đã từng thấy trong các cửa hàng thêu. Vậy mà cũng đắt khách, có nhiều người hài lòng may thêm áo đưa tôi “múa kim” nữa. Thôi thì đủ thứ: hoa hồng, hoa lan, chim chóc, vịt Đô Nan, Xì Trum, hoàng hạc… chỉ có kiểu đục những lỗ li ti trước ngực rồi thêu hoa xung quanh là tôi làm không được vì rút chỉ quá đau mắt.

Hiện giờ, tiệm quần áo ấy đã trở thành cửa hàng Thời trang An Nhơn, vẫn ở ngã tư Phú Nhuận, phát triển rất qui mô, chủ là cô em gái Tuyết, dân Sài Gòn thời thượng không ai là không biết.

thuyan2

Có nhiều người, lúc trẻ bình thường, nhưng đến khi già thì lại đẹp lão ra. Đó là trường hợp của Tuyết. Bây giờ Tuyết đúng là có nhan sắc của một mệnh phụ phu nhân, với mái tóc bạch kim đặc biệt. Cuộc sống hạnh phúc bên chồng con đã làm tinh thần Tuyết thanh thản nhàn hạ, sống vui sống khỏe, hăng say hoạt động trong nhóm thiện nguyện Jeanne d’Arc. Lúc tôi còn ở Sài Gòn, Tuyết cũng gia nhập đám bạn bè PCT của tôi đi chơi đây đó. Bây giờ mỗi lần về, tôi thường ghé ở nhà Tuyết vài ngày và cùng họp bạn như những năm xưa.

thuyan3

Tôi có cô bạn nhỏ, lúc nào cũng bị bạn bè ganh ghét, nói xấu này nọ, nên như con chim bị thương, thấy cành cây cong là sợ, luôn đề cao cảnh giác, cuộc sống không nhẹ nhàng chút nào. Tôi nghĩ, khóc cũng phải sống, mà cười cũng phải sống, thôi cứ cười đi cho đời vui tươi hơn . Tuổi già chỉ có bạn. Tôi luôn thương yêu bạn bè và chắc các bô lão này cũng thương mình ghê lắm hi hi. Dĩ nhiên, cũng có nhiều người ghét tôi, nghĩ xấu về tôi, nhưng đó không phải là bạn tôi rồi.

thuyan4

Trích đoạn trong Diễn Đàn Sinh Hoạt Web Phan Châu Trinh – Một Thời Để Nhớ: “Tôi nhận công tác đưa Ngân đến gặp Tuyết Ái. Hồi đó, bạn bè gọi Ái là Tuyết Ái theo bút hiệu mà Ái đã ghi trên một số bài có đăng trên báo. Ái có nước da mặt trắng mịn tự nhiên, cười rất tươi, tóc đen mượt, uốn thả dài, đôi lúc ngồi trong lớp học tay chống cằm trông rất sầu mộng. Tôi chẳng nhớ lúc nào, bút hiệu Tuyết Ái đổi thành Thùy An. Đúng như hẹn trước, chúng tôi đến nhà Tuyết Ái, Ngân vào đề trực khởi, ngõ ý ngay với Ái là muốn được phổ nhạc bài thơ Hờ Hững…”

Nhật Ngân đã đến nhà, hát cho tôi nghe bài thơ phổ nhạc (1963), anh cho biết ca sĩ Mai Hương có hát trên đài phát thanh một lần rồi thôi. Dù bài hát mờ nhạt nhưng đó cũng là một kỷ niệm đẹp thời hoa niên rất đáng trân trọng. Viết câu chuyện này, mục đích “giải đáp thắc mắc” cho các bạn, Tuyết Ái đổi thành Thùy An từ sau 1964 (vẫn giữ chữ T và A). Lý do giản dị, tại không muốn dùng tên thật nữa, vậy thôi.

Thùy An – Houston, Noel 2017