Hôm nay đã cận Tết. Nhớ ngày còn nhỏ ở quê nhà, cứ 23 tháng Chạp ông Táo về trời là học trò... khỏe re, bởi đó là bắt đầu những ngày nhà trường cho nghỉ Tết, nên học trò cũng nhàn hạ, nhởn nhơ tạm thời bỏ quên sách vở cho hợp với câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, dù thật ra thời đó cũng chẳng có những trò chơi hay giải trí gì đáng kể, nếu không nói là còn bị ba mẹ “đì” bắt làm việc nhà để sửa soạn đón Tết nữa chứ!
Cả nhà sẽ phân công: ba và con trai lo chuyện nhà cửa, nào là quét màng nhện trên tường, trần nhà... lại lau chùi bàn thờ, thu dọn nhà cửa trong ngoài cho sạch sẽ và lo thêm tỉa lá cho cây Mai ngoài sân nở đúng ngày, lúc này cũng là dịp mà những lư đồng chân nến được đánh bóng lại cho khỏi bụi bặm bám vào suốt năm. Còn những cộ con gái lớn cùng bà mẹ bắt đầu nghĩ đến những món ăn ngày Tết để chuẩn bị tính toán ngày nào sẽ làm để còn biếu tặng quà lễ và cho nhà...
Những chuyện này tuy bận rộn nhưng cũng rất thích thú (dĩ nhiên là với gia đình có khả năng, chứ người ăn ngày này, lo ngày mai thì thật là khổ tâm, nhức đầu không ít). Còn nhớ những năm đó, má lo sên mứt gừng, mứt dừa và thơm dẻo, còn chị em chúng tôi làm đậu phọng da cá và đổ bánh thuẫn (nhắc đến đậu phọng da cá là nhớ cách chỉ làm của tờ Thiếu Nhi do Nhật Tiến chủ biên, dễ làm và ngon lắm, vậy mà ra hải ngoại món này chúng tôi đã không hiểu vì sao lại không còn nhớ đến để làm nữa). Mấy cô em nhắc lại, lúc làm bánh thuẩn thì cực vô cùng vì trứng phải đánh bằng tay cho nổi chứ làm gì có máy đánh trứng dễ dàng như bây giờ, và nồi nướng thì ôi thôi phải quạt than mệt nghỉ, cho nên thành quả của những chiếc bánh được nướng xong phải nói là… đổ mồ hôi (vì dùng sức) và sôi nước mắt (vì bụi than), cho nên hình như cũng ngon hơn! Riêng màn vét nồi, chảo sau khi má làm xong mứt thì phải nói là tuyệt, cái mùi mứt cháy xém cận đáy nồi vừa mới làm xong, vị ngọt và thơm lại chỉ còn chút đỉnh nên vừa vét, vừa... mút tay và cả giành nhau nữa nên ngon lạ lùng! Bây giờ mỗi lần nấu xong món gì, hỏi đám con có muốn vét nồi không thì đứa nào cũng nhìn tôi như người từ hành tinh khác xuống trái đất vậy, nên đành tự mình… vét nồi, nhưng thiệt tình là không sao còn được cái cảm giác thú vị đó nữa!
Đến khoảng 28 Tết thì cả nhà xúm lại gói bánh tét, do mấy cậu dì ở nhà bên cạnh chỉ cho cách gói, nên thú vị vô cùng dù lúc chuẩn bị nếp lá thịt và tước lạt cũng mệt lắm lắm. Thú vị nhất là lúc canh lửa buổi tối, trời Sài gòn lúc đó không nóng như bây giờ (hay tại đã quen?) mà hơi se lạnh, nên có bắp nướng, khoai lùi “bồi dưỡng”, nướng nhờ than hồng của nồi bánh, thêm những cái bánh nho nhỏ được vớt ra sớm khi thay nước đã là những món ăn đêm quá ngon cho lũ con lót lòng khi phải canh chừng củi lửa, thay nước vớt bánh cả đêm... Thật ra lúc đó nhà đông con, bên cạnh hàng xóm là một lô cô cậu em họ xúm lại nên chỉ thấy vui chứ không hề cực tí nào. Nhớ làm sao khi vớt xong bánh, thế nào lũ trẻ con cũng được mở màn một hai cái bánh còn nóng hổi, đứa nào cũng vừa thổi vừa ăn rồi gật gù “ngon quá!”... để ngày Tết nhìn cái bánh thật dửng dưng, chỉ gắp đũa mấy món khác mà thôi!
Mồng Một Tết, lũ trẻ con nôn nao thức dậy thật sớm không cần ai đánh thức, rồi gọn gàng trong những bộ đồ mới tinh, xinh xắn đi loanh quanh chờ Ba đốt phong pháo mở đầu năm mới để... bịt tai nhắm mắt, hửi mùi pháo Tết hăng nồng và biết là sắp đến giờ chúc Tết ba má để nhận tiền lì xì. Nhớ vô cùng mỗi khi tràng pháo nổ giòn tan, xác pháo đỏ vương đầy sân thì lúc đó là đám con trai túa lại tìm pháo lép và lũ con gái lại một phen chạy trốn để tránh bị hù dọa vì mấy viên pháo đó được dí trước mặt, dù là pháo lép làm sao nổ được. Ba má thường hay đổi những tờ tiền mới còn thơm mùi giấy để lì xì, nên lũ con quí lắm (dĩ nhiên không thể không để ý đến giá trị của tờ giấy, con số càng lớn thì càng tuyệt, càng quí bấy nhiêu), cẩn thận cất kỹ rồi náo nức chờ đoàn lân đến nhà múa mừng Tết. Đây là màn thường ngoạn thích thú nhưng cũng hơi sợ sợ của đám trẻ nhỏ tuổi trong nhà vì con lân múa theo tiếng trống gõ dồn dập hay thưa thớt, tiến lùi theo nhịp nghe vui tai và đẹp mắt, nhưng thỉnh thoảng lại tiến tới gần lũ trẻ lúc lắc cái đầu khiến lũ nhỏ sợ bị lân… ngoạm. Cô em tôi kể rằng, có lần ba đưa tiền cho em để cho lân, (thay vì treo trên cao cho lân leo lên lấy) em sợ lắc đầu nguầy nguậy khiến ba phải giải thích đó chỉ là cái đầu lân được người ta đội vào chứ không phải lân thiệt nên làm sao cắn hay ngoạm mình được, vậy mà vẫn rụt rè khi đưa rồi le lưỡi chạy lùi ra sau núp bên mẹ!
Mồng Hai Tết, thường thì ba má hay dẫn một hai đứa con nhỏ đi theo để chúc Tết bà con hay bạn bè, khi về thế nào đám anh chị cũng tò mò xem thử em có nhiều tiền lì xì hơn mình không và thỉnh thoảng còn chơi trò bá đạo “dụ” chơi bầu cua cá cọp hay “xin” tiền một cách “thông minh” để may ra tiền sẽ chuyển nhượng sang mình.
Nhắc đến trò chơi ngày Tết, gia đình tôi thường chơi đổ xăm hường, không đổ để ăn tiền mà là thử xem thời vận mình năm đó có tốt không. (Xăm hường là trò chơi ở trong cung đình Huế ngày xưa rồi lan truyền ra dân gian ở những vùng gần Huế). Cứ dựa vào ai đổ Trạng thì năm đó tin rằng sẽ rất suôn sẻ, thuận lợi, dù là có thể sẽ không đúng. Đám nhỏ rất là thích trò này nên náo nức nôn nao chờ đến phiên mình được chơi trong mấy ngày Tết mà không chán!
Mồng Ba Tết thường thì mấy đứa con lớn được phép đi chơi với bạn và đến thăm chúc tết thầy cô. Lúc này là lúc được tha hồ tiêu tiền hoặc sắm sửa những món ưa thích mà không cần hỏi ý hay xin tiền ba má nữa. Tôi thường rủ bạn ghé tiệm sách, ngắm nghía mấy cuốn truyện Tuổi Hoa, Tuổi Xanh… để lựa chọn và “tậu” về…
Và cứ thế nhàn nhã cho đến Mồng 10 thì sách vở lại cầm tay miệt mài, và cái Tết phải tạm thời bị bỏ quên cho đến 23 tháng Chạp năm sau…
Qua xứ này, dù xa quê hương nhưng hầu như người Việt nào cũng nhớ đến những kỷ niệm đón Tết êm đềm xưa kia, muốn giữ lại nét văn hoá đón Tết như ở quê nhà, cho nên từ những năm đầu, dù còn thiếu thốn đủ thứ, nhưng người Việt luôn có những hình thức sinh hoạt đón Tết cùng nhau như hội chợ Tết, lúc đó rất đơn giản, chỉ để cộng đồng có chỗ gặp gỡ nhau nên chỉ có văn nghệ cây nhà lá vườn và vài gian hàng bán chả giò, nem nướng… chứ chưa có được cái bánh chưng, bánh tét đâu!… Và rồi bánh mứt từ từ xuất hiện, dưa hành, củ kiệu không còn thiếu… Cho đến nay trải qua mấy chục năm, món ăn ngày Tết ở hải ngoại phong phú hơn nhiều lắm, cái gì cũng có, bánh mứt hoa quả tràn đầy những ngày gần Tết, không khí các cửa hàng tạp hóa Á châu như rực rỡ lên với đầy màu sắc xanh đỏ tím vàng, hội chợ mở ra đủ nơi nào đông người Việt vào cuối tuần, và kéo dài từ đầu tháng 12 âm lịch, và chỉ chấm dứt vào sau Tết như để kéo lại cái thú ăn Tết cả tháng như ông bà ta xưa kia! Từ ngày đưa ông Táo về trời cho đến trưa Giao Thừa thì không khí đón Tết như nhộn nhịp hẳn lên tại các tiệm này, người mua người bán đều hối hả mua bán, nhất là ngày cuối tuần cận Tết, thì còn có màn chen lấn trong các cửa hàng vì quá đông người. Lạ một điều là những ngày này các món Tết tăng giá đến chóng mặt, nhưng người mua người bán chi cũng đều… hân hoan, chả bù với các lễ hội xứ người như Giáng Sinh, Phục Sinh... các món hàng luôn đại hạ giá mà lợi nhuận vẫn tăng cao!
Thôi thì tăng giá thì cứ tăng, mỗi năm cũng chỉ có một lần Tết Nguyên Đán thôi mà, những cô bé năm xưa bây giờ đã thành mẹ, thành bà, lại nối tiếp truyền thống tục lệ cũ, tự tạo ra bận rộn, cũng sắm sửa đủ thứ nem chả, bánh mứt, dưa món củ kiệu... hoặc tự làm hay huấn luyện con cháu cùng làm để chuẩn bị đón Tết… Bận tối mắt nhưng vui vì vẫn còn chút gì nhắc nhở mình về cái Tết sum họp ngày xưa và mong con cháu quen thông lệ mà tiếp tục giữ nét văn hóa tốt đẹp này lâu hơn. Thường ngày Tết âm lịch hiếm khi trùng vào cuối tuần nên đa số vẫn phải đi làm đi học như thường để rồi tận dụng chiều tối mới ăn Tết kéo dài đến khuya, có khi còn nuối tiếc lại hẹn nhau đến cuối tuần để tiếp tục Tết cho trọn vẹn hương xuân. Năm nay ngày Mồng Một Tết Mậu Tuất, nhằm vào ngày thứ Sáu cũng đỡ, ít ra đi làm xong về vẫn còn Mồng Một, vẫn có thể cùng nhau họp mặt chúc Tết, cũng còn cả… đêm để lai rai hưởng thụ món ăn mừng xuân, có thể kéo dài đến cả Mồng Hai Mồng Ba mà không ai dám… cằn nhằn (sợ xui cả năm)! Tết năm nay như vậy là quá dài, tha hồ mà hoài niệm cái Tết thuở xưa, chỉ tiếc là vui Tết chỉ thu gọn trong gia đình là chính, cho nên dù cố gắng đến đâu thì cũng khó lòng tìm lại được cái không khí Tết và cái cảm giác vui tươi rộn rã của thuở nào! Mai kia mốt nọ, liệu con cháu có còn một chút gì để nhớ để thương ngày Tết như mình?
Hồ Diệu Thảo