User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
bieutinh
 
Mấy tuần nay, trên báo chí và Internet, Facebook… đưa tin và bàn tán xôn xao lẫn lo lắng, tức giận chia sẻ về tin chính phủ Việt Nam quyết  định cho thuê ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trong 99 năm cho ngoại bang. Dù không nói trực tiếp nhưng ai cũng hiểu rằng ngoại bang đây chính là Trung Quốc và từ ngữ “cho thuê” dần dần sẽ biến thành “bán nước”. Thế rồi các cuộc biểu tình xảy ra khắp nơi, từ ôn hòa cho đến bạo động, từ trong nước ra đến hải ngoại… Chưa bao giờ mà mọi người từ mọi giới, mọi lứa tuổi, ở mọi nơi như cùng chung một nhịp thở, cùng một suy nghĩ, cùng một hành động “PHẢI LÊN TIẾNG”, phải nói cho chính quyền biết suy nghĩ nguyện vọng chính đáng của người dân, cho thế giới biết để có những hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ như thế này. Máu đã đổ, thịt đã rơi, người bị đánh đập, tù đày… chỉ vì muốn lên tiếng cho độc lập, tự do, nhân quyền. Những quyền mà lẽ ra phải đương nhiên được hưởng. Thương làm sao cho dân tộc tôi! 

Trong không khí ngột ngạt đó, luật an ninh mạng lại được thông qua vào ngày 12/6, khiến lòng dân lại càng thêm phẫn nộ và thất vọng tột cùng với những đầu óc mê muội của giới cầm quyền Việt Nam. Hầu như ngày nào cũng có biểu tình, cũng có phản đối để rồi quyết định cho thuê đất được dời lại đến cuối năm. Dù có chút tiếng nói từ phía chính phủ nhưng điều này cũng chẳng chứng tỏ được gì vì hầu như ai cũng nghi ngờ rằng việc bán nước sẽ hoặc đã tiến hành trong âm thầm, trong che đậy như chính phủ này đã từng làm với vùng khác như Hoàng Sa, Trường Sa, ải Nam Quan, thác Bản Giốc v.v…

Dù ở xứ người, nhưng qua những tin tức theo dõi liên tục mấy tuần nay, tôi cũng cảm thấy xót xa và đau lòng quá, vì hẳn là trong thâm tâm của người Việt xa xứ nào, Việt Nam vẫn luôn là dất Mẹ, vẫn là quê nhà thân thương và tràn đầy kỷ niệm.

Không biết con tôi nhìn thái độ mẹ thế nào trong mấy ngày qua, bỗng hỏi “Mẹ đi Puffing Billy không?” Hơn 30 năm sống ở Melbourne xứ Úc, đã nghe rất nhiều về Puffing Billy, chuyến xe lửa chạy bằng hơi nước được đưa vào dạng bảo tồn hàng đầu tại tiểu bang Victoria và cũng là một trong những di sản lịch sử nổi tiếng của thế giới, thu hút rất nhiều khách du lịch từ Úc và các nơi trên thế giới đến trải nghiệm, vậy mà tôi chưa có dịp di thưởng ngoạn, dù là từ nơi tôi ở chỉ tốn một giờ lái xe để đến nơi này. Bây giờ, tự dưng cô con gái út lại đề nghị dẫn đi, làm sao từ chối khi mình cũng có ý tưởng muốn được tận mắt nhìn ngắm nó từ lâu và cũng muốn cho đầu óc thanh thản đôi chút qua tình hình sôi động ở Việt Nam, thế là gật đầu!

Ngược dòng lịch sử, Puffing Billy được hoạt động từ những năm đầu của thế kỷ 20 trên tuyến đường rầy nhỏ hẹp, chạy từ chân đầu phía nam của dãy núi Dandenong Ranges ở thị trấn Belgrave đến  Gembrook nhằm phục vụ cho người dân địa phương mà đa số làm về nông nghiệp và gỗ. Đến năm 1953, xe lửa chạy bằng hơi nước này ngưng hoạt động vì đất sạt lở che kín đường rầy. Năm 1962, xe lửa được tái hoạt động lại nhưng chỉ giới hạn trong vài trạm, như hình thức “hoài cổ”, còn lại các đường rầy xe lửa được thay đổi cho rộng hơn và xe lửa được điều khiển bằng điện để tiện lợi nhanh chóng hơn cho người dân chọn di chuyển bằng phương tiện này.

Puffing Billy tuy trở thành dạng di sản nhưng chính phủ tiểu bang Victoria không phải chuyên nghiệp để khai thác về hướng thương mại hay du lịch, cho nên năm 1977, chính phủ Victoria đã thành lập một hội đồng quản trị để chuyển trao quyền hạn cho họ lo việc bảo tồn và phát triển. Từ đó Puffing Billy ngày càng phổ biến hơn và trở thành một trong những di sản cần được giữ gìn do hội đồng này quản trị cùng với một số người tình nguyện làm việc để phát triển và cũng từ đó, càng ngày Puffing Billy càng được nhiều du khách biết đến do xe lửa chạy bằng hơi nước hiện nay không còn và vì có một lịch sử lâu đời hơn 100 năm, hơn nữa cách phục vụ cũng đượm nét cổ xưa, thích hợp cho những người muốn tìm hiểu thêm về thời đó.

xelua1

Trở lại việc được thăm ngắm xe lửa chạy bằng hơi nước của tôi. Buổi sáng Chủ Nhật mùa đông, trong khi cả nhà đều yên giấc cho một ngày được quyền nằm nướng, thì tôi và cô con gái út lục đục xách giỏ ra xe lúc 9 giờ. Vậy mà mặt trời vẫn còn bị sương mù che phủ, khiến trời âm u làm tăng thêm cái lạnh. May là trong xe có máy sưởi nên cũng không phàn nàn chi cả. Gần đến núi Dandenong, sương mù đã bớt dày đặc, chỉ thấp thoáng ánh mặt trời chiếu xuyên qua các lùm cây bên đường dưới những tàng lá vẫn còn xanh tươi chứ không rụng trơ trụi cành như phía dưới núi. Rồi mặt trời cũng ló dạng, xua bớt cái lạnh để nhường cho ấm áp tỏa ra, hứa hẹn một ngày đẹp trời của mùa đông…Bãi đậu xe đông nghẹt, tôi buột miệng thắc mắc “sao thiên hạ đi đông dữ vậy, vừa là mùa đông lạnh lẽo, lại chỉ xem một loại xe lửa cổ lổ sĩ thôi mà!” Con gái tôi bật cười “vậy sao mẹ cũng đi đấy thôi!” “Ừ nhỉ!” tôi cười xòa. Con gái tiếp “Mẹ có biết là nếu không mua vé online trước thì vé sẽ sold out nhanh chóng lắm không!” Quả đúng vậy vì khi đến quầy bán vé, tôi đã nhìn thấy thông báo cho biết vé đã bán hết rồi, trong khi tôi đến sớm hơn ½ tiếng!

Vì thời tuổi nhỏ của tôi xe lửa đã thay qua điều khiển bằng điện rồi, chỉ biết qua hình ảnh trên sách vở thôi, cho nên nhìn tận mắt chiếc xe lửa cổ xưa của thế kỷ trước thấy cấu trúc sao mà đơn giản, thô sơ thế. Các toa xe thì nhỏ xíu, chật hẹp, đầu xe lửa chạy bằng hơi nước nên có một ống khói chính ngay trên đỉnh và vài ống khói nhỏ hơn ở hai bên. Cách phục vụ và ăn mặc như thời xưa của nhân viên cũng là những hình ảnh thú vị, phong cách chậm rãi, hiền hòa; còn các sinh hoạt nơi cửa vào trạm, cách soát vé… hoàn toàn thong thả, không có cửa đóng then cài để chặn người đi lậu vé, kiểm soát viên chỉ dùng một cái kềm nhỏ bấm lỗ trên vé, chứ không có cảnh hối hả quẹt vé qua làn cửa được điện toán hóa, mà đôi khi gặp trục trặc kỹ thuật thì thật là bực mình. Có thể đây chỉ là người đi du lịch, vui chơi chứ không phải đang đi làm đi học vào thời điểm cận giờ, nhưng tôi vẫn tưởng tượng rằng thời xưa không có cái hối hả, gấp rút như hiện nay. Đa số là du khách lớn tuổi và trẻ em, phải chăng chỉ có người lớn tuổi mới muốn quay tìm về với kỷ niệm, với thiên nhiên và trẻ em là để tìm hiểu, học hỏi, tận mắt nhìn hình ảnh thời cổ điển mà chỉ có thể biết qua sách vở?.

Ngồi trên xe lửa, là hai băng ghế dài, đâu lưng lại với nhau, được đặt ở giữa toa rất hẹp so với các toa xe lửa hiện đại, không hề có cửa kính che chắn mà chỉ có hai ba thanh sắt chắn ngang theo chiều dài của toa xe  cho nên mình có thể thò đầu ra ngoài nhìn cảnh vật thoải mái. Một người khách đi chung toa kể rằng lúc nhỏ, cách đây khoảng 20 năm, em chỉ là một trẻ em 5, 6 tuổi chi đó, có quyền ngồi trên thanh sắt chắn ngang và thò chân đong đưa ra ngoài rất thích thú; bây giờ thì các em nhỏ không còn được phép làm như vậy nữa. Xe lửa hú còi rồi bắt đầu lăn chậm trên đường rầy và làn hơi nước trắng đục tỏa ra tứ phía từ ống khói ở đầu tàu, hình ảnh thật nên thơ và thanh bình làm gợi nhớ đến những cuốn truyện tôi từng đọc thời xưa về những cuộc tiễn đưa nơi ga nhỏ ở miền quê nước Anh, Pháp…. tuy nhiên không có cảm giác buồn xa hay cô đơn! (dĩ nhiên rồi!). Khi xe lửa uốn éo qua các rặng cây, các hàng dương xỉ ven núi, như con rắn đỏ trườn mình trong lùm cây, hơi gió thổi nhẹ mát lạnh lùa vào trong xe, không khí trong lành của miền núi đượm chút ẩm ướt của sương đọng trên hàng dương xỉ khi ánh nắng mặt trời chưa đủ sức tỏa nóng rọi vào khiến lòng người cảm thấy nhẹ nhàng, an lành hẳn lên. Xe chạy chậm cho du khách nhìn ngắm cảnh đẹp của núi rừng, hít thở khí trời trong lành và để trải nghiệm việc ngồi trên xe lửa hơi nước có cảm giác ra sao so với xe lửa hiện đại chạy vun vút đôi khi còn luồn trong đường hầm tối thui dài hun hút!

xelua

Chuyến xe chạy trong vòng một hoặc hai tiếng tùy mình chọn, đi qua vài trạm dừng chân, rồi ngừng tại điểm cuối để du khách nghỉ ngơi, ăn uống, sau đó sẽ lên xe lửa để được chở về lại nơi đến đầu tiên. Chúng tôi chọn chuyến đi một tiếng, xe lửa ngừng tại Lakeside, một thị trấn nhỏ giữa tuyến đường Puffing Billy chạy, một bờ hồ thiên nhiên với hàng cây liễu rủ, một chiếc cầu nho nhỏ bắt ngang, vài cô cậu vịt nhởn nhơ bơi lội…, xa xa vài ba gia đình đem thức ăn đến nướng tại các lò BBQ được sử dụng miễn phí quanh hồ, tạo nên môt khung cảnh thật an lành và thơ mộng không kể đến mùi thịt nướng lan tỏa làm bụng cũng nao nao… đói và thầm tiếc rẻ “phải chi đem theo vài miếng thịt, vài cái sausage nướng thì tuyệt biết bao!” Cô con gái hình như đọc được suy nghĩ thầm kín của mẹ, lên tiếng “Lần sau, đợi trời bớt lạnh, mình rủ bà ngoại và mấy dì tới đây picnic nha mẹ”. Những món ăn bán nơi đây, nếu chọn loại nấu nướng bằng than thì giá khá đắt nhưng đượm mùi thơm của thiên nhiên hơn (hay chính ta tưởng tượng thế?) nhưng nhìn hàng người xếp hàng để mua thì cũng thấy là người bán cũng biết nắm bắt thị hiếu của người mua quá sức! Chuyến đi chơi tuy chỉ vài ba tiếng nhưng thật lòng thấy tâm hồn nhẹ nhàng hơn, tuy nhiên quay về với thực tại, đầu óc lại suy nghĩ lung tung.

Chỉ là một chiếc xe lửa của thế kỷ trước, nhưng nó đã được trân trọng và giữ gìn từ chính quyền cho đến  người dân cũng như sử dụng nó đúng cách để truyền bá văn hóa, lịch sử  đất nước đến cho mọi người khắp thế giới. Nhìn người rồi ngẫm lại ta mà đau lòng, đất nước mình đẹp lắm chứ, vậy mà biết bao nhiêu di tích lịch sử và thắng cảnh trong nước đã bị bỏ bê, không được trùng tu, chăm sóc và bảo tồn để từ từ mai một… Cuộc sống xứ người sung sướng và yên bình quá, không cứ gì ở vùng rừng núi hay biển khơi xa phố thị, không tiếp cận nhiều đến công nghệ thông tin, đến văn minh vật chất, mà ngay cả các thành phố, thị tứ đông đúc cũng đều được sống trong tự do, hưởng thụ những phúc lợi xã hội và được quyền lên tiếng phản đối những bất công sai trái. Còn Việt Nam ta?

xelua3

Chúng tôi may mắn được sống nơi đây nhưng vẫn còn trái tim Việt Nam, ngậm ngùi, xót xa cho bà con, bạn hữu và người dân ở quê nhà quá, nhất là vào thời điểm này, dân tộc mình đang có nguy cơ bị mất nước nếu như ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được ký kết cho thuê. Đất nước và dân tộc Việt Nam với hơn 4000 năm văn hiến, với tinh thần hào hùng, quật khởi, với biết bao công lao xương máu và mồ hôi nước mắt của tổ tiên đã đổ ra để bảo vệ và gìn giữ non sông, lẽ nào chỉ vì những đồng tiền vô cảm của ngoại bang mà mất đi tiếng nói của tự do, của độc lập và nhất là mất đi đất nước giàu tài nguyên, nhiều thắng cảnh một cách ngu xuẩn, lãng xẹt như thế sao?    

Xin được khép lại bài viết với trăn trở “Biết đến bao giờ dân tộc ta mới được sống trong tự do, an lành, ấm no, hạnh phúc, cùng nhau bảo tồn và phát triển giang sơn gấm vóc do tiền nhân để lại, để cùng sánh vai với năm châu bốn biển hay vĩnh viễn không còn tia sáng hy vọng nào trong tương lai vì đã mất nước?”   


Hồ Diệu Thảo