User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Có lẽ bây giờ, hoa cỏ may đã quên lãng trong ký ức của bạn bè tôi, có thể sẽ không còn ai nhớ tới nó nữa. Nhưng với tôi, thật lạ, hoa cỏ may sống trong hiện thực và trong cả giấc mơ, những giấc mơ thấy mẹ và bà húp cháo cỏ may, thấy trên ba lô của ông găm đầy hoa cỏ may…

co may
Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy…”
(Xuân Quỳnh)

Thỉnh thoảng buồn hay nhớ nhà tôi lại chạy ra triền đê sông Hồng, thả bộ trên những đám ruộng đầy hoa cỏ may, để nó bám vào quần, rồi ra bãi giữa ngồi gỡ từng cái một. Dường như khi đó, tôi như tìm được chút bình yên trong loài hoa cỏ may bé nhỏ, khiêm nhường mà đầy cá tính. Không hiểu sao, tôi lại hay nhớ đến loài hoa này đến vậy.

Đi trên đường hay giữa cánh đồng mênh mông, nhìn thấy nơi nào nhiều hoa cỏ may là ắt hẳn tôi ồ lên sung sướng. Bạn bè thường bảo: Không hiểu có gì hay mà nó cứ thích? Còn tôi, thậm chí sung sướng khi lỡ “động chạm” phải loài hoa đồng nội hoang dã này. Có phải vì tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo, gắn nhiều với kỷ niệm cỏ may mà thành “duyên nợ”?

Mẹ tôi kể: Ngày xưa nhà ngoại nghèo lắm, không có gạo để nấu cháo, ngọai thường ra đồng cắt hoa cỏ may về rồi bóc vỏ, nấu cháo cho các con ăn. Những bông hoa nhỏ li ti như cái kim, thân mỏng manh cũng như cái kim mọc hiên ngang giữa đất trời, chẳng sợ ai. (Ngày đó, bọn trẻ chúng tôi đặt cho nó cái tên Ương ngạnh).

Hằng đêm, sau những chuyến xuyên rừng kiếm củi đổi cơm, tối về, ngoại thường thức trắng đêm để lột vỏ cỏ may, sáng ra cũng đuợc một bát đầy trộn với mấy củ khoai rồi nấu cháo. Nhiều lúc đói quá, chẳng đợi nấu, ngoại nhặt vỏ đến đâu mẹ ăn tới đó, rồi uống nước, thế là cũng qua bữa. Theo chân ngoại, một số nhà trong làng cũng đi cắt cỏ may về nấu cháo. “Nhờ hoa cỏ may mà cái đói cũng qua đó con ạ”.

Những năm tháng chiến tranh, quê tôi rực lửa bom đạn. Cánh đồng hoa cỏ may cũng bị cháy dần. Thỉnh thoảng bão lụt lại tàn phá khiến cho hoa cỏ may “nhếch nhác” hẳn. Bà tôi hay ra đứng triền đê, nhìn ra xa, hay bà nhìn những vạt cỏ may đang mất dần mà đỏ hoe mắt. Thế mà chỉ mấy tháng sau, hoa cỏ may lại bung đầy như thách thức với bom đạn, với những cơn cuồng phong của đất trời. Bà cười: Cứ hiên ngang như cỏ may mà sống con ạ.

hat giong hoa co may 1
(Hoa cỏ may vẫn kiêu hãnh vươn thẳng lên đầy thách thức)

Ngày còn nhỏ, trẻ con quê tôi thường ra con kênh đầu làng, nơi có nhiều hoa cỏ may mọc, rồi tranh nhau “bình” hoa cỏ may. Tại sao thân nhỏ mà lại mọc được dài, mọc cao?... Tại vì nó không muốn khổ. Tại vì nó muốn hít thở khí trời. Tại vì cỏ giành mất phần nên nó phải mọc cao lên… Những câu trả lời ngộ nghĩnh trẻ thơ... Nhưng đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể trả lời được tại sao.

Ngày ấy, tôi thường theo mẹ đi tảo mộ. Những bông hoa cỏ may đâm hết vào quần. Tối về, tôi với mẹ lại hì hục gỡ. Mẹ thường bảo: Để mẹ thử lột vỏ xem được bao nhiêu. Cả quần tôi và quần mẹ găm đầy hoa, nhưng khi gỡ ra chỉ được đáy bát. Mẹ nói: Thế mới biết ngày xưa bà phải cắt nhiều hoa cỏ may lắm.

Lên lớp 7, chị gái đọc tôi nghe bài Hoa Cỏ May của Xuân Quỳnh, rồi chị bình thơ, bình về loài hoa cỏ may, giọng chị thủ thỉ, mắt chị sáng lung linh. “Chị bình thơ hay chị bình hoa”. Tôi trêu. Chị chỉ cười. Gương mặt con gái ửng lên màu hồng đang yêu…

Tình yêu của anh chị cũng gắn liền với những chiều cỏ may trên triền đê, những ngày đói anh thường hái hoa cỏ may rồi lột vỏ cho chị ăn. Chỉ thế thôi rồi nên vợ nên chồng. Ngày cưới, không nhẫn cưới vàng, nhẫn cưới bạc, anh tặng chị chiếc nhẫn làm bằng thân cỏ may, và đọc bài thơ “Hoa Cỏ May”: “Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may. Áo em sơ ý cỏ găm đầy”... Chị khóc vì cảm động. Hạnh phúc đơn sơ, mộc mạc và chân thành. Hoa cỏ may “găm” vào những hồi ức thiếu nữ của chị từ những ngày “Đắng cay gửi lại bao mùa cũ”.

Tôi vào Đại Học, đứa bạn thân dúi vào tay tôi cuốn sổ ép nhánh hoa cỏ may rồi quay đi khóc. Tôi biết giờ nó lại gắn mình với loài hoa cỏ may, với những chiều cắt cỏ ở triền đê, vì nhà nghèo, vì em đông, nó không có tiền để học tiếp. 

Đêm cuối chia tay ra phố trọ học, mẹ hì hục gỡ cỏ may nấu cho tôi bát cháo. Giờ không còn phải ăn khoai nữa, cũng chẳn cần phải ăn hoa cỏ may, nhưng mẹ vẫn làm thế, dường như để tôi luôn nhớ về loài hoa cỏ may, nhớ về một thuở ấu thơ đói nghèo để nuôi chí học hành.

Tôi ra thành đô, mang theo trong mình nghị lực của loài hoa "Ương ngạnh". Thỉnh thoảng tôi buồn, thỉnh thoảng tôi nhụt chí, và sau những dòng nuớc mắt để nó tự trào, tôi lại cầm nhánh hoa cỏ may ngày nào bạn tặng ra ngắm. Thật lạ, qua năm tháng nó vẫn không đổi thay, vẫn kiêu hãnh vươn thẳng lên đầy thách thức. Tôi chợt nhủ thầm: Hà cớ gì mình phải khóc?

hoa co may 1
Những lúc thất vọng, tôi thường lang thang đi tìm hoa cỏ may như tìm về niềm đam mê của tuổi thơ để đắm mình trong cảm giác thanh bình. Chợt nghĩ đến các em tôi. Rồi sau lớn lên, chúng có trò chơi nào, có niềm đam mê trẻ thơ nào để khi buồn hay thất vọng, lại “tựa” vào đó mà thanh lọc tâm hồn, để biết gìn giữ những giá trị, hay có khi chỉ là gìn giữ một nhánh hoa cỏ may?

Có lẽ bây giờ, hoa cỏ may đã quên lãng trong kí ức của bạn bè tôi, có thể sẽ không còn ai nhớ tới nó nữa. Nhưng với tôi, thật lạ, hoa cỏ may sống trong hiện thực và cả trong giấc mơ, những giấc mơ thấy mẹ và bà húp cháo cỏ may, thấy trên ba lô của ông găm đầy hoa cỏ may… Để rồi khi tỉnh dậy, tôi hồn nhiên cười, lại thấy yêu quê mình hơn, nhớ quê hơn và thấy mình mạnh mẽ, nghị lực hơn. Trong tình yêu lãng đãng mà da diết ấy, vẫn kiêu hãnh một nhánh hoa cỏ may.


Lê Phan