Tôi sinh ra ở một làng quê thuộc tỉnh Vĩnh Long, từ ngày bắt đầu cắp sách tới trường phương tiện di chuyển toàn là cuốc bộ. Thả bộ thong dong, tôi có thì giờ tìm hiểu tên bà con trên đường đi về mỗi ngày. Nếu ai bắt báo cáo tôi sẽ rành rọt trình bày. Ví dụ: ra khỏi nhà, tôi lần lượt tới các chỗ sau đây, tới xóm Cây Xoài Quéo, cầu đúc nhà Bác Xã, qua cây cầu khỉ nhà chú Bảy Ngôn rồi nhà bác Bộ Tốt và tới trường..
Cái tính lẩn thẩn đó đeo đuổi tôi đến khi lên Trung học. Từ xã tới trường tỉnh không phải lội bộ mà đi bằng xe đò một thời gian, sau lại đi xe đạp. Tôi thuộc tên từng cây cầu kể cả cây cối hay những gì đặc biệt đều nằm trong bộ nhớ của tôi. Có lần ở Bến Tre, vừa ra khỏi tỉnh gặp cầu Cá Lóc tôi liên tưởng tới cây cầu xuống xã Mỹ An thuộc quận châu thành tỉnh Vĩnh Long do vậy mỗi khi buồn buồn tôi đến Cầu Cá Lóc một hồi cho đỡ nhớ quê nhà rồi lại lủi thủi ra về.
Vĩnh Long có nhiều cảnh đẹp như bến đò ngang An Thành trước dinh Tỉnh Trưởng, khách có thể vừa đợi đò đồng thời hít thở không khí trong lành, nhìn sóng gợn lăn tăn ở sông Cổ Chiên; bến đò Đình Khao hay còn gọi là Bắc Cổ Chiên xuôi về Chợ Lách. Theo Việt Nam Sử Lược, nơi đây từng xảy ra trận hải chiến kinh hồn giữa quân ta đời Tây Sơn với quân Xiêm La. Biết bao chiến sĩ của hai bên tử trận tại dòng sông này, oan hồn chưa siêu thoát nên những hôm trời giông bão, trong tiếng gầm thét của sông Cổ Chiên, dân chúng sống gần đó cho biết họ nghe văng vẳng có tiếng chiêng trống xa xa, liên hồi như thể hai bên đang xáp chiến.
Vĩnh Long còn nhiều cảnh đẹp nên thơ khác như làng Long Thanh nằm cạnh bờ sông Thiềng Đức nơi dân chúng trồng cam quít trái sai oằn, nhánh lá che mát đường đi, trước sân của dân vùng này thường có hòn non bộ tạo cho người ngắm cảnh tưởng mình đang lạc lối vào Tiên động nào. Phước Hậu vào những năm 1955-56 sản suất giống mận Hồng Đào độc đáo, nam thanh nữ tú thời bấy giờ ai cũng hơn một lần viếng cảnh làng quê thanh lịch và thưởng thức hương vị ngọt lịm của mận Hồng đào. Đến tháng tư mỗi năm khi bắt đầu mùa hè nóng bức, chiều chiều người ta chở nhau về phía cầu Đường Chừa để hóng mát bên những cánh đồng bát ngát còn trơ gốc rạ, đồng thời tấp vào vườn dưa gang, mua dưa ăn tại chỗ. Vườn dưa gang còn là nơi hò hẹn lý tưởng của những nam nữ độ vừa biết yêu (vườn dưa thủa trước là chỗ Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh và Ngã Ba Chiều Tím).
Thời tôi còn là hoc sinh, tỉnh Vĩnh Long có bốn trường Trung Học, ba trường tư (sau nầy thêm trường Kỹ Thuật, trường Sư Phạm, trường Trung Học Thủ Khoa Huân) một trường công gồm các trường Trung Học Lam Sơn, trường Trung Học Long Hồ, trường Trung Học Nguyễn Trường Tộ và trường Trung Học công lập Nguyễn Thông. Muốn vào trường công lập phải qua kỳ thi tuyển khá gian nan. Tên Nguyễn Thông dường như số phận hẩm hiu, từ Collège de Vinh Long đổi thành Nguyễn Thông, trong bốn hay năm năm gì đó lại đổi thành Tống Phước Hiệp, sau cùng tên Nguyễn Thông dành cho trường Bán Công.
Trung Học tư thục Lam Sơn do thầy Phạm Ngũ Sao (hay Lê Ngũ Sao, lâu ngày tôi đã quên), sáng lập và làm Hiệu Trưởng. Lam sơn là địa danh lịch sử, nơi Bình Định Vương Lê Lợi chọn làm căn cứ cho cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược
Cuộc khởi nghĩa của Bình Định Vương kéo dài những mười năm còn trường Lam sơn tuổi thọ vào khoảng sáu năm.
Vĩnh Long hay còn gọi là Long Hồ dinh, khi chiếm được xứ Tầm Bồn của Chân Lạp lúc bấy giờ dân chúng xin quan trấn thủ đổi tên là Long Hồ vì tên Tầm Bồn không mấy đẹp:
Trường tư thục Long Hồ được khai giảng khoảng 1953, vào những năm 1955 -56 trường Long Hồ thu hút đa số học sinh. Trường tọa lạc gần Miếu Bảy Bà cạnh Ngã Tư Quốc Tế, dân Vĩnh Long gọi Ngã Tư Phan Thanh Giản- Võ Tánh là ngã tư Quốc Tế vì có một thời ai muốn biết tin tức gì chỉ cần ra mấy tiệm cà phê gần đó ngồi nhâm nhi cà phê nghe thiên hạ bàn tán những tin tức thuộc loại còn nóng hổi. Sau 1954 một số người Bắc đến Vĩnh Long định cư, trường Long Hồ tiếp nhận nhiều giáo sư người Bắc nổi danh một thời như các giáo sư Đồng Tuy, giáo sư Oánh, giáo sư Phạm Huy Sung v.v. Lúc khai giảng đến khi bị tức tưởi xóa tên trường chỉ có một Hiệu Trưởng là cụ Lê Minh Ký. Cụ Ký là nhân sĩ được nhiều người biết, thuộc gia đình khoa bảng. Con trai của cụ là Ông Lê Minh Trí, Tổng Trưởng Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, ông bị CS ám sát bằng lựu đạn M26 tung vào xe ngày 6-1-1969 mộ chôn gần cầu Công Xi Heo chỗ Tổng Hành Dinh của quân đội Cao Đài thuộc tỉnh Vĩnh Long trước khi giải thể.
Nguyễn Trường Tộ là tên vị Đại thần triều Nguyễn có tầm nhìn xa rộng, Ông mấy lần dâng sớ khuyên các vua triều Nguyễn cải cách để theo kịp các nước văn minh tiến bộ nhưng tiếc thay triều đình vẫn cố giữ chính sách bế quan tỏa cảng bỏ ngoài tai những lời tâm huyết của ông. Đặt tên trường là Nguyễn Trường Tộ, những vị sáng lập chắc hy vọng học sinh của mình sẽ noi gương Nguyễn Trường Tộ đem hết khả năng lo cho dân, cho nước. Nguyễn Trường Tộ dường như ngôi trường khép kín, học sinh các trường khác chỉ dám đứng xa xa nhìn. Trường nổi tiếng vì Hiệu Trưởng là cha Quang luôn nghiêm khắc, giám học ông Trần Văn Phong cũng thuộc tuýp người không dễ dãi. Sau nầy mặc dù tôi cũng đi dạy nhiều trường trong tỉnh, tôi vẫn ít giao tiếp với giáo sư Phong. Cuộc đời có nhiều bất ngờ, Trung Cộng chiếm Hoàng Sa ngày 19-1-1974, học sinh các trường Trung Học trong tỉnh rục rịch xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, tỉnh Vĩnh Long mời đại diện các trường họp ở tòa tỉnh để bàn kế sách hướng dẫn học sinh. Tôi có cơ hội chuyện trò với giáo sư Phong và nhận rằng trước kia mình có cái nhìn lệch lạc, ông là người có lý tưởng và hoài bão. Đến 30-4-75 giáo sư Phong và tôi cùng đi tù chung một ngày, ở chung một phòng tại Khám lớn Vĩnh Long, tháng đầu tôi và ông nằm gần bên nhau đêm đêm giáo sư thường nhỏ to tâm sự với tôi, chuyện trò một thời gian giáo sư và tôi rất tâm đầu ý hợp. Giáo sư Phong cho biết sở dĩ ông khó với học sinh vì ông muốn cho học sinh nên người. Có được như thế học sinh mới xem trường học như là nhà hay cái nôi, mai sau dù xa trường nhưng họ luôn nhớ đên cái nôi từng cưu mang họ. Thật vậy giáo sư Hồ Văn Chính trải lòng mình qua những câu thơ khi ông có dịp đi qua trường cũ (Nguyễn Thông) nơi ông đã học cách đây hơn sáu mươi năm:
(Thơ của Chính Hồ tháng 02-2014)
Học trò ở Vĩnh Long nếu quên nhắc đến là một thiếu sót lớn, mỗi chiều nếu có thì giờ bạn chạy tới Ngã tư quốc tế, bạn sẽ chứng kiến nữ sinh các trường Nguyễn Thông, Long Hồ, Nguyễn Trường Tộ với áo dài trắng thướt tha điểm thêm chiếc nón lá xinh xinh khiến bạn không thể nào quên được. Học sinh Vĩnh Long đều hiền lành dễ mến. Nữ sinh Nguyễn Trường Tộ giống như những thiếu nữ kín cổng cao tường. Bạn muốn mời một nữ sinh nào của trường đi uống nước hay đi chơi chắc chắn bạn sẽ thất vọng, các cô sẽ lịch sự trả lời:
- Dạ em không dám.
Nếu là chỗ quen biết các cô cũng đòi phải có phép của cha mẹ. Chính nét độc đáo đó nên dù bạn hơn một lần thất vọng vì sự mời mọc, bạn vẫn luôn có cảm tình với họ. Còn Nam sinh thì sao?
Nhìn chung nam sinh của Vĩnh Long so với các nơi khác dù khó tính thế nào chúng ta phải nhận họ hiền, đôi khi cũng xảy ra những va chạm giữa nam sinh trường này với trường khác nhưng đó là bản tính của thanh thiếu niên ở lứa tuổi vừa mới lớn có bồng bột đó nhưng vẫn còn biết giữ nề nếp của học đường. Công bình mà nói từ khi tôi còn là học sinh đến khi làm thầy giáo lúc nào tôi cũng thấy nam sinh tỉnh nhà thật đáng yêu đáng mến.
Vĩnh Long dưới mắt một số người chỉ là thành phố nghèo nàn, kém mở mang, nhưng tôi thì khác vì đó là nơi tôi sinh trưởng, thành phố nhiều kỷ niệm nối kết khiến nhìn đâu cũng thấy cái hay cái đẹp của nó. Trong thâm tâm, tôi mong sao suốt cuộc đời được sống ở tỉnh nhà với dân Vĩnh Long lúc nào cũng từ tốn, hiền hòa, đó chính là tấm gương cho các con tôi noi theo. Nhưng mưu sự tại nhơn, thành sự tại thiên. Tôi đâu muốn xa quê, rốt cuộc phải định cư cách tỉnh nhà hơn nửa vòng trái đất. Biến cố 30-4-75 mọi giá trị đều bị đảo lộn, bên thắng cuộc luôn rêu rao là họ hay họ giỏi mà thật vậy họ rất giỏi về việc sách nhiễu những người quốc gia sa cơ thất thế. Tôi chỉ là giáo chức biệt phái đã đi học tập và được thả về. Đúng là ra khỏi nhà tù nhỏ lại đến nhà tù lớn. Tại địa phương phải luôn trình diện công an phường định kỳ, vào dịp lễ lộc thì sẵn sàng khăn gói tập trung ở trường học, đình, chùa. Ngoài những việc như vừa kể, công an phường, tổ trưởng luôn viếng nhà để xem mình có mặt không? Ban đầu tôi cố chịu đựng, nhưng càng ngày tình trạng kiểm soát càng gắt gao hơn, kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Trước năm 1975, ngoài nhiệm sở chính tôi còn dạy thêm ở ba bốn trường thế mà tiền bạc chỉ vừa đủ chi tiêu trong gia đình. Nay vợ chồng tôi đều được chính quyền mới ưu ái cho nghỉ dạy, con thì không được học hành (lớp chín trở lại vẫn đi học như thường, khi lên lớp mười thì phải nghỉ học). Ban đầu chúng tôi bán những gì không cần thiết, lần lượt nhà dưới cũng bán, máy may, lư đồng, bàn ghế thứ gì bán được cứ bán.
Chịu đựng hết nổi, tôi bàn với vợ con: bằng mọi giá phải ra đi, một số bạn thân và tôi cùng hùn tiền mua ghe, mua máy bí mật tổ chức, khi chuẩn bị xong chúng tôi ra đi, không cần mua bến bãi, không lo lót bất cứ ai. Tâm niệm của chúng tôi một là đến bờ bến tự do hoặc là vùi thây trên biển cả. May mắn nhờ Trời Phật hộ trì sau bốn ngày đêm chúng tôi đến Pulau Lot. Từ đảo chúng tôi được đưa tới quận, qua trại tạm cư, sau cùng đến Ga lăng. Vào trại ai cũng thở phào nhẹ nhõm biết chắc là mình còn sống dù qua hành trình dài chập chờn hiểm họa. Cũng bắt đầu từ đây tôi chính thức ly hương không hẹn ngày trở lại. Lúc còn lênh đênh trên biển khơi ai cũng cầu mong đến nơi đến chốn bình yên, gần như mọi người không ai muốn nhắc đến Việt Nam khi còn trên thuyền, có lẽ tên Việt Nam vào thời điểm đó đồng nghĩa với mọi rủi ro bất trắc. Ở trại tỵ nạn mọi người chỉ lo học hành, cơm gạo có Cao Ủy cung cấp, ai cũng nôn nóng đến ngày được lên máy bay đi định cư. Mọi người có thể hình dung được con đường mình sắp tới chắc chắn sẽ sáng sủa hơn lúc còn ở quê nhà dưới sự cai trị hà khắc của Việt Cộng.. Đã yên thân nhiều khi trong đêm thanh vắng mới bắt đầu nhớ tới quê hương, bè bạn. Các bạn đã ra tù chưa, anh em ai còn ai mất, người thân còn kẹt lại bây giờ cuộc sống ra sao? Thi sĩ Song An Châu trong bài Chút Tình Gởi Gió bằng những vần thơ:
Ông nhớ thương ai? Chắc là nhớ thương bạn bè, người yêu còn kẹt lại
Thật đúng là
Còn với người yêu ông diễn tả tấm lòng thương nhớ qua hai câu
Mong mỏi đợi chờ ngày định cư, gia đình chúng tôi được máy bay đưa từ phi trường Singapore tới San Francisco, sau khi làm thủ tục nhập cư, Cao Ủy phát cho mỗi người một áo lạnh. Bên ngoài có chú em bà con và bà dì đợi để đưa về nhà. Nhìn quang cảnh xung quanh phi trường tôi thấy choáng ngợp về sự văn minh tiến bộ của nước Mỹ, bất chợt tôi nhớ đến ông Phan Thanh Giản khi đi sứ sang Pháp đã ngỡ ngàng khi trông thấy cột điện, khói tàu trong những câu thơ
Hồi ở Quân đội tôi từng biết chạy xe, tuy vậy trên đường từ phi trường về nhà nhìn thấy xa lộ và lượng xe lưu hành, tôi nói với chú em chắc anh sẽ không lái xe ở xứ nầy, nội nhìn xe chạy đã thấy chóng mặt. Phố xá nơi tôi ngụ, liếc xem thiếu điều trặc cổ, chả trách mấy chú V.C khi vào đến Saigon (1975 ) đã ngắm nhìn, gõ thử các cao ốc xem có phải làm bằng giấy không? (bọn họ được tuyên truyền là cao ốc ở Sài gòn đều bằng giấy). Tôi giống như anh chàng Xã Quít à la ville (Xã Quít ra thành) thấy cái gì cũng lạ, có điều nếu không biết thì hỏi chứ không tự điển chế văn tự rồi đặt tên như trường hợp gặp cái phin cà phê, thay vì hỏi người ta giải thích, anh đội nhà ta liền nghĩ ra một từ mới: “cái nồi ngồi trên cái cốc“ mà đa số bà con ở bên nhà đã một phen cười rũ rượi để quên đói.
Nghỉ ngơi một hai hôm chú em chở gia đình tôi đi làm giấy tờ; vào chỗ làm thẻ I D, tiếng Việt gọi là thẻ căn cước. Hồi ở bên nhà làm thẻ căn cước phải qua bốn năm chặn: điền đơn, lăn tay, nhận diện mau lắm cũng mất vài tiếng, ở đây làm căn cước chỉ một cô, miệng hỏi, tay đánh máy, chụp ảnh, lăn tay thu tiền, phát biên lai, công việc tuy nhiêu khê nhưng tốn chừng hai mươi phút, ngày kế chúng tôi vào sở Xã Hội, nơi đây làm giấy tờ để phát tiền trợ cấp cho người tỵ nạn Ở đâu mọi người đều tử tế không có nạn hoạnh họe, hoàn toàn không có các ông bà cò mồi làm tiền như ở bên nhà. Tất cả nhân viên đều ăn nói từ tốn, lễ độ., xong công việc bao giờ cũng nghe tiếng cám ơn rất lịch sự, tiếng cám ơn của nhân viên có ý nghĩa là nhờ có ông bà đến tôi mới có cái công việc này, nếu tất cả không ai đến chánh phủ sẽ cám ơn tôi và cho nghỉ việc. Cả gia đình tôi lớn nhỏ đều đi học. Các đứa con đến Sở Giáo Dục để được trắc nghiệm trình độ và phân bố tới trường học. Trẻ dưới mười tám tuổi ai cũng bắt buộc tới trường học, đi lêu têu trong giờ học cảnh sát thấy và bắt dẫn về, cha mẹ cũng bị phiền phức lây. Người lớn thì đi học ở các lớp E.S.L tức Anh Văn là ngôn ngữ thứ hai để giao thiệp hoặc tìm việc làm khi có thể được. Gia đình chúng tôi kể tạm ổn định, cái lo canh cánh bên lòng là làm sao có tiền để cứu trợ bà con nội ngoại. Chúng tôi lãnh trợ cấp xã hội tiền đó dùng trả tiền nhà, điện nước, mua sắm lặt vặt cũng còn dư chút đỉnh, bà xã mua đồ gom lại khi nào nhắm đầy thùng thì đem gởi về Việt Nam (lúc nầy chưa cho gởi tiền), một thùng cho bên nội, một thùng bên ngoại anh em bà con bạn bè luôn là mối ưu tư của chúng tôi. Ra đi ai cũng cầu nguyện cho mình đến nơi đến chốn bây giờ chả lẽ ngoảnh mặt làm ngơ coi sao được lương tâm không cho phép có hành động vô ơn nghĩa như thế.
Định cư được trên sáu tháng, một hôm thằng con áp út tìm được việc làm sau giờ học: đi bán báo. Nó không cho gia đình biết trước. Tới tám giờ tối nó vẫn chưa về, cả nhà cuống cuồng gọi hết chỗ nầy tới chỗ khác. Suýt chút nữa là nhờ Cảnh sát tìm giùm. May thay nó về tới và cho biết nó theo mấy đứa bạn cùng trường mang báo bán lẩn quẩn quanh trường, bán xong phải đợi chủ báo đến chia tiền thành thử trễ. Kiếm tiền bán báo nó giao hết cho gia đình để mẹ nó gởi quà về Việt Nam. Cũng nhờ nó giới thiệu mấy anh nó đứa nào cũng lãnh một route báo phát vào buổi chiều sau giờ học. Thứ bảy hoặc chúa nhựt tôi và cả vợ tôi đều phụ tụi con cột báo để phát cho lẹ. Nhờ tiền phát báo của các con chúng tôi gởi quà về bà con thường xuyên hơn. Ngoài ra các bạn quen thân ai đến được trại tỵ nạn cần chúng tôi không bao giờ từ chối.
Trên đây quí vị nghe tôi kể cuộc đời của người tỵ nạn giai đoạn đầu khi mới định cư, lần hồi các con lớn lên tới tuổi lái xe chúng mua xe, bây giờ mới nghĩ đến chuyện đi đây đó cho rộng tầm hiểu biết. Vào những tháng hè gia đình con cái cũng tổ chức đi hái trái cây ở những vùng xa xa. Hồi trước lúc tôi dạy ở Chợ Lách vô nhà thầy Trần Văn Bảo chơi, tôi thấy vườn quít của thầy quá lớn, qua đây vào những vùng nông trại, vườn trái cây bạt ngàn, người viếng vườn bất kể bao nhiêu cứ tha hồ ăn tại chỗ, khi nào về họ chỉ tính phần trái cây mình đem về nhà thôi. Có những trái tên phiên âm là mận nhưng ăn vào thật khác xa với mận của Việt Nam, so với mận Hồng Đào trong vườn của Cô Chín ở Phước Hậu khác xa một trời một vực. Những lần đi Farm tôi lại liên tưởng đến vườn dưa gang của cô Ca mà lúc đó thấy cô vui vẻ nên chúng tôi gọi cô là Phà Ca dựa theo tuồng cải lương nổi tiếng Sơn Nữ Phà Ca vừa ra mắt khán giả. Gần vùng tôi ở hiện tại có khu chợ Tàu cách bài trí hơi giống dãy phố gần Trường Tống Phước Hiệp, cũng có tiệm cà phê như tiệm Đồng Hính vừa bán cà phê và các món bánh khác gần đó cũng có tiệm bán đồ điện như Xuân Phát Lợi, Tiệm vải như tiệm vải Phúc Hưng, tiệm tóc như Nam Hiệp ở Vĩnh Long.
Ở đất nước nầy trăm thứ đều lạ lẫm và đồ sộ hơn Việt Nam, nhưng vì Vĩnh Long là quê hương với biết bao kỷ niệm êm đềm lẫn chua xót, nên bất cứ ở đâu hình bóng của Vĩnh Long như lảng vảng bên tôi.