Bây giờ là tháng Mười sao vẫn còn mưa ngâu, giọt ngắn giọt dài giăng mắc khắp thành phố Houston, Texas. Nàng Thu không len lén thoa son thếp vàng lên rừng lá trên cây. Thu đã thành đàn thả tà áo đầy sắc màu vàng tím đỏ, phủ trùm khắp ngàn cây ngọn cỏ. Áng mây trời đang lang thang rong chơi phiêu lãng. Màu mây xám buồn và ngọn gió hắt hiu đánh thức ký ức những ai mang nhiều tâm sự. Nước mắt mưa lất phất hạt ngâu làm lòng Thông rụng xuống, lênh đênh và chìm vào đôi mắt người xưa. Gió Thu se lạnh, màu Thu mờ ảo đưa chàng về vùng quá khứ với những cánh diều giấy và sự liên hệ với cô láng giềng. Em gái nhỏ đẹp như thơ. Người tình ngỡ sẽ trăm năm.
Mơ được như diều lượn cánh đồng/ Theo mây xuôi gió bay trên không/ Vui sống tự do đầy hạnh phúc/ Thoát ly đời cá chậu chim lồng. Chấp cánh diều bay, em với anh/ Bạt ngàn loan phụng với trời xanh/ Sống chết cùng tình yêu thứ nhất/ Như chim liền cánh, cây liền cành.
Đó là lời thơ của cô nữ sinh lớp Đệ Tứ gửi người anh trai hàng xóm dấu yêu, vừa đậu Tú Tài toàn phần. Đang xếp áo thư sinh, chuẩn bị hành trang vào Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang. Ước mơ được làm phi công thời chiến.
Sáng hôm sau Thông lên đường. Buổi chiều nắng rất nhạt, chàng hẹn Vân Nga nơi bến sông, dưới chân cầu. Chỗ Thông thường đón nàng bằng xuồng ba lá. Bơi qua những hàng bần sum suê thủy liễu. Hái tặng nàng những đóa hoa ba màu đơn sơ. Những trái bần xanh non chát, chín chua. Vân Nga thích Thông rắc những bông bần lên tóc nàng. Nàng trông giống “cô dâu”! Thông sung sướng đến nghẹn ngào và vô cùng ngạc nhiên, nhận mớ hành trang từ đôi tay run rẩy của Vân Nga. Gồm khăn choàng cổ đan hai màu xanh, hồng có thêu hai chữ T và N quấn quyện vào nhau. Một khăn tay trắng có viền thêu hai chữ T, N cùng hai bông lúa thêu nơi chéo khăn, nhắc khéo chàng một tình yêu và xóm thôn hiền hòa miền sông nước. Ngạc nhiên nhất là bài thơ. Vân Nga thường đọc thơ của Thông và cất giữ như tập lưu bút. Nàng có làm thơ bao giờ đâu? Bài thơ này từng thức, ngủ cùng Thông khi chàng học bay ở Hoa Kỳ. Có khi thơ ngủ trên môi, có lúc trùm lên mắt… Cũng có khi thơ ngủ trên gối. Trước lúc rời BOQ, lên xe bus ra flightline học bay, Thông dặn thơ và Nga hãy ngủ ngon nhé! Nỗi nhớ nàng nhiều khi làm lòng chàng tê dại. Hình như tình yêu giúp người ta phấn đấu, kiên tâm, vui sống và đầy hy vọng.
Tháng Mười sinh nhật Vân Nga. Vùng đồng bằng sông Cửu Long ít khi mưa. Những ngọn gió bấc se lạnh từ phương Bắc kéo về. Ruộng đồng ngát xanh với những lượn sóng dợn chạy dài trên đọt lúa. Chim muông ca hát líu lo, đuổi bắt cào cào, châu chấu và đậu lên hàng trâm bầu. Có khi chúng kết thành đàn, đậu lên các cành cây nơi bìa vườn, ríu rít lời trẻ thơ, vui đùa, tung tăng phá phách. Các rẫy dưa hấu được chăm sóc chu đáo, các đọt dưa xanh màu lá mạ tăng trưởng mạnh, ra hoa, kết trái cho kịp Tết Nguyên Đán. Sân nhà nào cũng đầy các hũ, lọ, bội, chậu gieo đủ thứ hoa Tết như Vạn Thọ, Nở Ngày, Móng Tay… Sang nhất vẫn là các chậu Hồng khoe màu môi tươi thắm Thông thường mang tặng Vân Nga. Tháng Mười cũng là lúc Thông dành dụm đủ tiền nhờ nhịn ăn sáng, mua các dụng cụ làm diều như giấy kiếng màu, dao kéo, keo hồ… và chăm chỉ chuốt tre, kết, dán, cột… thành hai con diều giấy. Dĩ nhiên con diều của Vân Nga luôn được Thông chăm chút, tỉ mỉ thực hiện. Đôi cánh phượng ép khô từ mùa hè được chàng cẩn thận dán lên thân diều giấy. Đuôi diều là phướng giấy kiếng trắng màu áo học sinh theo tưởng tượng của Vân Nga. Đôi ngôi sao nơi chót đuôi diều để trống mái sánh đôi, tìm nhau muôn thuở. Phải vất vả, thức khuya dậy sớm cả tuần Thông mới làm xong hai con diều. Dù chúng chẳng giống loại diều nào trong thế giới loài vật. Nhưng khi nhìn cử chỉ nhận diều của Vân Nga, Thông biết diều của nàng đẹp hơn tất cả các chim muông! Đôi mắt Vân Nga mở to và biết cười! Hai tay nâng niu như bế chú mèo con! Mái tóc dài và màu áo của nàng chừng như óng mượt hơn nhiều! Nắng gió chợt về đong đưa và thì thầm trên nhánh lá!
Xóm thôn quê của Thông nằm cạnh bờ sông Tiền, hai mùa nắng mưa và những tháng giáp Tết lộng gió. Bọn học trò trai cùng chàng chơi thả diều và đá banh ngay sau mùa lúa gặt, các gốc rạ còn thơm mùi lúa chín, các lỗ chân trâu còn dễ lấp đầy cho khỏi trợt chân. Vân Nga không thích xem đá banh, cũng không ưa dang nắng thả diều cùng bạn bè trang lứa. Nàng chỉ muốn rong chơi, thả diều với riêng chàng vào những chiều trời ui mát của tháng Mười, Mười Một. Khi nắng dịu, trải vàng lên màu xanh của lúa, của những tàng cây ăn trái oằn sai hoa quả.
Ngắm cánh diều nhớ ơi thời tuổi dại/ Giữa tháng Mười mượt lúa ngát xanh đồng/ Những con đê thẳng tắp đến bờ sông/ Tôi và em thả diều bay ngược gió. Trẻ trong xóm chơi diều mùa phượng đỏ/ Chạy băng đồng khi rơm rạ mới khô/ Riêng em ưa đuổi gió lúc mát trời/ Em bảo: Đồng mây gieo đầy lúa mạ. Diều loan phụng anh khéo tay cắt, vá/ Cánh phượng hồng như môi má em xinh/ Những thanh tre kết chặt lứa đôi mình/ Đuôi diều trắng, áo học sinh chao lượn.
Vân Nga là con gái duy nhất của Cô Hai. Nhà nàng cách nhà Thông một con rạch nhỏ. Hai cây cầu nhủi bắt chúi mũi xuống lòng rạch của hai gia đình chừng như muốn nối kết, tâm giao. Thông không biết trước kia Cô Hai ở đâu. Chỉ nghe nói Dượng Hai làm chức vụ gì đó trong chính quyền miền Nam. Bị Việt Cộng ám sát. Cô bỏ quê chồng dọn về đây, cất nhà trong khu vườn non nửa mẫu đất, trồng nhiều cam, chanh, quít. Thông cũng nghe hàng xóm đồn rằng Vân Nga đẹp, trắng trẻo, cao ráo mảnh mai vì Cha cô lai Tây (?). Không biết có phải vì thế mà nàng không thích giao du với trai làng. Hay là nàng biết mình đẹp, con một và giữ khoảng cách với bọn con trai tay lấm, chân bùn. Đi học nhiều đứa đi chân đất, đá banh, thả diều la ó ồn ào như giữa chợ, hoàn toàn khác bản tính dè dặt, nghiêm trang, chân đi dép Nhật của nàng.
Hai gia đình Thông và Cô Hai qua lại trong tình thân hàng xóm. Ba Má chàng để ý giúp Cô nhiều chuyện mà một phụ nữ đơn thân khó thực hiện. Thông được Má biểu mang thứ này thứ kia sang biếu Cô Hai. Tình thân giữa chàng và Vân Nga đến từ bao giờ chính Thông cũng không biết. Có một chiều lộng gió, Vân Nga và Thông đang thả diều. Chàng vô tình để dây diều quấn đứt đuôi diều giấy của Vân Nga. Diều của nàng chao đảo, bay chúi xuống ruộng lúa. Thông đang cười ngạo thì thấy nàng cúi gập người và khóc thành tiếng. Thông cứ tưởng nàng chạy vấp gì đó nên đau. Khi Thông chạy đến đỡ Vân Nga đứng dậy mới ngỡ ngàng. Nàng khóc sướt mướt và nói “Đền em đi! Đền em đi!”. Thì ra Thông mải xem Vân Nga như em gái. Nàng sắp đến tuổi mười ba! Biết sửa soạn, bẽn lẽn, môi đỏ má hồng con gái. Hình như ngực nàng có chút gì khác lạ? Và tóc nàng uốn dợn trước trán, đuôi tóc cắt ngang lưng mời gọi eo cong!
Có một lần đôi cánh diều mắc vướng/ Chỉ tơ anh quấn lấy phướng diều em/ Em bắt đền. Đôi mắt ướt mi rèm/ Anh chết điếng. Biết em không còn nhỏ.
Thông chợt nhớ mấy tháng trước, khi đang dạy Toán luyện thi cho Vân Nga nơi phòng khách nhà nàng. Trời bỗng dưng trầm mặc, mưa dai bong bóng. Vân Nga ra cửa xem bong bóng nước cùng nhau trôi trước thềm nhà. Không báo trước, nàng bước xuống sân và kéo Thông theo. Hai đứa cùng tắm mưa. Qua làn mưa mù Thông thấy Vân Nga đẹp và thánh thiện vô cùng!
Một chiều hè mưa dai xóm vắng/ Anh chiều em hai đứa tắm mưa/ Em đuổi theo bong bóng lưa thưa/ Dỗi hờn vì hoa mưa tan vỡ. Mưa bong bóng muôn đời vẫn nở/ Mộ tuổi thơ tưởng tiếc ngày xưa.
Hình như Vân Nga luôn tìm dịp để được bên nhau. Khi gần nàng Thông cũng thấy mình yêu đời chi lạ! Tháng Mười mùa nước trong, Vân Nga rủ Thông ra đứng giữa cầu. Chỉ cho chàng đôi bóng kề nhau. Nàng bảo “khi em bên anh, nước chảy hoài cũng không cuốn trôi bóng hai đứa”. Thông nhìn sâu vào đôi mắt long lanh của Vân Nga, muốn ôm hôn mà run quá nên không dám. Một lần Thông vớt được cặp cá lia thia trống mái, thả vào lu nước bên hông nhà của Vân Nga. Hôm sau hai đứa chụm đầu xem đôi cá đang quẫy đuôi, bơi song song. Vân Nga chợt hỏi:
- Anh thấy gì không?
- Hai con cá đẹp bơi trong lu nước!
- Hai cái bóng tóc dài tóc ngắn đang cùng bóng mây chìm trong lu nước!
- Trời đất!
- Trời đất lúc nào cũng say đắm nhìn nhau.
- Trời đất không bị Ba Má rầy mới được vậy!
Vân Nga véo vào tay Thông đau điếng, chạy vào nhà. Chàng chợt nhận ra đây là lần đầu tiên nói với nàng lời bóng bẩy có ngụ ý. Nàng quay trở lại, hai tay giấu sau lưng:
- Nói hay em tặng anh cái này.
- Cây roi hả?
Nàng trao Thông trái xoài cát chín hồng. Hồng như đôi má nàng đang tô màu nắng:
- Nè!
- Ủa! Trái xoài này anh hái hôm qua, đem tặng em. Bộ chê hả?
- Hết linh rồi sao? Gọt đi! Hai đứa ăn chung. Mà anh leo cây có bị kiến cắn không?
Nàng giựt nhẹ mấy sợi tóc mai của Thông. Thì ra con gái khôn sớm hơn con trai về phương diện làm đẹp cho tâm hồn, tình tứ cho con tim.
- Kiến vàng bu cắn nhưng anh không thấy đau!
Vân Nga liếc đôi mắt bén ngót nhìn Thông, lắc đầu cười mỉm.
Thời gian Thông và Vân Nga học ở Vĩnh Long. Nhà trọ của Thông gần cầu Cái Cá, cạnh bờ sông Tiền, Vân Nga trọ bên kia cầu Thiềng Đức, cạnh sông Long Hồ. Đôi bạn trẻ không thể gặp nhau hằng ngày. Bù lại nhiều cuối tuần Thông được chở Vân Nga về quê bằng xe đạp. Tháng Mười Thông vẫn chăm chỉ làm diều giấy, đôi cánh gắn hình tim mang tặng Vân Nga. Nhìn đôi mắt nàng mở to, miệng cười thật tươi, Thông quên hết mọi mệt nhọc khi cố công thực hiện diều giấy cùng lúc phải học bài thi Tam Cá Nguyệt. Trong chu vi phố Vĩnh Long không có khoảng đất trống để thả diều. Hai người phải đợi cuối tuần về quê. Hai đứa lại chạy trên con đê bắt ngang qua biển lúa xanh màu lá, dưới vòm trời có mây chiều lãng đãng. Mấy con chim sâu nhỏ đậu trên đọt lúa, gió nhẹ gợn sóng trên dãy lúa ngát xanh. Những giây phút hiếm quý như vậy cũng đủ thời lượng đánh thức giác quan, đôi trai gái thấy đời rất đỗi dễ thương.
Năm 1975, Vân Nga học Đệ Nhất trường Tống Phước Hiệp Vĩnh Long. Thông đang bay bổng ở Phi Đoàn 435, Tân Sơn Nhất. Phi vụ trễ buổi chiều đưa một Đại Đội Biệt Động Quân đến Phi Trường Phan Rang và di tản gia đình Không Quân về Sài Gòn. Sự kiện này cho Thông một suy nghĩ nghịch lý. Sắp bỏ căn cứ Phan Rang lại đem con bỏ chợ? Đến gần 8 giờ đêm thì trạm hàng không Phan Rang khá hỗn độn, trật tự bất khả thi. Suýt chút nữa thì chiếc C130 bọn Thông không cất cánh được, như số phận của chiếc C119 thuộc Phi Đoàn 720. Gia đình quân nhân, xe cộ đủ loại vây quanh phi cơ, khó khăn lắm mới di chuyển và cất cánh được.
Khi hay tin Trung Tướng Vĩnh Nghi, Tư Lịnh Tiền Phương và Chuẩn Tướng Sang, Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân bị địch quân bắt tại mặt trận Phan Rang. Thông chạy về Vĩnh Long với ý định rủ Vân Nga cùng lên Sài Gòn, để được bên nhau nếu phải di tản. Vân Nga khóc vì không thể bỏ Mẹ và có thể phải xa người yêu. Thông trở lại Tân Sơn Nhất trong tâm trạng hoang mang, mất định hướng. Cảnh nước mất nhà tan, tình yêu, gia đình ly tán, ai có trải qua mới biết sự thảm hại cùng cực trong tâm tưởng. Ngày 30 tháng Tư đen, Thông cùng bao nhiêu người Việt phải bỏ nước ra đi về phương trời vô định. Không ai biết được ngày mai sẽ ra sao! Thông đáp phi trường Utapao, Thái Lan. Rồi định cư ở Mỹ.
Sau 30 tháng Tư 1975, toàn cõi Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá, cuốc, xẻng, trâu bò được coi là tiềm năng chính của xã hội. “Trí thức không bằng cục phân”. Bần cố nông làm lãnh đạo. Gian trá, hách dịch, tàn độc được làm quốc sách cai trị dân. Tất cả cán bộ nhà nước chỉ là loài “két” không hơn kém. Cùng luận điệu, cùng hành động, coi dân là kẻ thù cần phải ức chế, kiểm soát.
Vân Nga phải gia nhập đoàn thanh nữ xung phong, đoàn công tác thủy lợi. Lao động nhiều hơn học hành. Rồi nàng bị bắt bị hãm hiếp bởi cán bộ Cộng sản vốn là bạn học cùng cấp với nàng. Hắn tên Nuôi, mẹ sống trong vùng xôi đậu, cha tập kết ra Bắc. Hắn ở trọ gần nơi trọ của Vân Nga, từng ngỏ lời thương yêu và nói nhiều câu sỗ sàng với nàng trong mấy năm chót bậc Trung Học. Đám cưới Vân Nga và Nuôi tổ chức sơ sài dưới sự chủ tọa của đại diện Đảng trong cơ quan. Mẹ nàng viện cớ bệnh, không tham dự vì quá đau khổ.
Năm 1981 Vân Nga và Nuôi cùng đứa con gái 5 tuổi sống trong cảnh yên ấm giả tạo. Lúc nào cũng tỏ ra gương mẫu. Rao truyền chính sách của đảng và nhà nước, thành lập hợp tác xã… Với 5 năm sống trong cảnh thượng đội hạ đạp của chồng, Vân Nga vô cùng mệt mỏi. Nàng luôn tìm cách rỉ tai với chồng, chỉ ra những nghịch lý, bất công trong xã hội hiện tại. Lúc nào cũng khắc phục, bao tử khắc phục, phương tiện khắc phục. Dân đen chịu bao điều khổ lụy, khi có được miếng ăn, phải khắc phục đem dâng lên cán bộ để được yên thân. Khi Ba của Nuôi đưa vợ con từ Bắc về, lấy lại nhà cửa vốn là tiệm tạp hóa, điểm giao liên, chuyển tin tức cho Mặt trận, đuổi Má của Nuôi về nhà Ngoại thì Nuôi mới vỡ lẽ, hiểu rõ tình người Cộng sản.
Gia đình Vân Nga nằm trong tổ chức vượt biên bằng thuyền đánh cá. Một đêm đầu tháng Mười, vợ chồng nàng và con gái, cùng hơn năm mươi người khác chen chúc trong khoang thuyền. Chiếc thuyền bình thường chỉ chở được hai mươi người là cùng. Tàu chở nặng, mực nước chỉ còn chừng một gang tay cách đỉnh thành ghe. Vân Nga quá lo sợ, biết rằng với chừng này người, thuyền không thể xuyên biển được. Nuôi lại ra lịnh cho tài công tiếp tục hành trình, xuôi ra biển trên giòng sông Mang Thít. Khi thuyền gần tới cửa biển. Không hiểu sao Nuôi lại bật lửa đốt thuốc hút. Vài người la lên:
- Đừng hút thuốc, đang đi ngang trạm kiểm soát. Bộ muốn chết sao?
Quả nhiên chỉ vài phút sau đó, mọi người nghe tiếng súng nổ, đèn pin quét tia sáng qua lại. Một chiếc tàu tuần thành sắt, loại “vàm cỏ” chạy ra. Tiếng hò hét của bộ đội biên phòng làm náo động cả mặt sông. Tất cả hành khách đều nhốn nháo, lo âu. Tiếng cầu nguyện xen với tiếng chửi thề! Những người lính ghìm súng về phía thuyền vượt biên, hăm he, chửi rủa thậm tệ. Tàu tuần kéo thuyền vượt biên ngược dòng sông Mang Thít. Khi tàu chạy ngang khúc quanh, không giảm tốc độ. Thuyền vượt biên nghiêng chao mạnh, hành khách nhốn nháo, hỗn loạn. Cuối cùng nước tràn vào mạn thuyền. Chỉ mất chừng một đôi phút, thuyền chìm. Tàu tuần không giảm tốc độ, nên hành khách mạnh ai nấy bơi trên mặt nước cuồng lưu đang chảy mạnh. Cảnh tượng khủng khiếp, tiếng kêu cứu thất thanh. Hành lý trôi trên mặt sông nhưng vì trời chưa sáng hẳn nên ít người bám được vali, túi xách để bơi vào bờ. Vân Nga vừa ôm con vừa bơi, vừa gọi tên Nuôi, nhưng không biết chồng lội về hướng nào. Bị dòng nước cuốn trôi, hai mẹ con vô cùng kiệt sức. Rồi nàng không còn biết gì nữa. Đứa con gái vuột khỏi tầm tay lúc nào nàng cũng không hay. Khi nàng tỉnh lại, đã thấy mình nằm trên ghe của bộ đội cọng sản.
Vân Nga bị tù trong trại giam gần bến phà Cổ Chiên trong niềm đau mất con. Nước mắt khổ đau tuôn chảy như từ con tim, trào ra mạch máu. Bến phà Cổ Chiên từng là niềm vui học trò khi hẹn hò cùng các bạn cùng lớp. Sáng sớm sang sông, đạp xe thành đàn vào các vườn trái cây oằn sai trái chín. Buổi chiều trở lại tỉnh lỵ bằng chuyến phà ngang gió lộng, giỏ xe đạp đầy ấp trái cây. Cả bọn chở niềm vui tuổi trẻ như chở tương lai, hy vọng mai sau.
Càng trớ trêu khi sống với tình người Cộng sản. Vân Nga đau khổ cùng cực vì mất con. Nàng nghĩ rằng Nuôi cũng bị nước cuốn, có thể vì có người đeo theo làm chàng không bơi được vào bờ. Vân Nga thừa biết Nuôi bơi rất giỏi, từng bơi qua lại ngang dòng Long Hồ khi tắm sông. Nàng vô cùng căm tức và chán đời cùng cực khi bị công an “làm việc” vì Nuôi đưa đơn cáo buộc Vân Nga lén đem con gái trốn khỏi Việt Nam. Cô Hai, Mẹ Vân Nga, phải dùng số tư trang còn lại lo cho nàng ra khỏi cảnh tù tội. Hai mẹ con sống âm thầm với mấy công vườn cây trái thất mùa thường xuyên. Vân Nga càng lúc càng tiều tụy, thất sắc. Nét duyên dáng ngày nào đã bị xã hội chủ nghĩa trồng người biến thành ốm đói, mất hết sinh lực, bất mãn kinh niên. Nuôi ung dung sống với người phụ nữ khác. Vàng bạc lấy được từ những người muốn vượt biên đủ để Nuôi mua căn phố mặt tiền có giá trị. Nuôi còn được lên chức trưởng cơ quan quản lý sách vở, báo chí trong tỉnh.
Tháng Mười thời tiết dịu mát, lúa không xanh màu lục diệp, chim muông không cất tiếng hát hòa bình. Quạ đen, sâu bọ từ đâu kéo về phá hết mùa màng. Diều không cất cánh bay. Diều giấy không còn ai dám nghĩ tới. Rẫy dưa hấu không còn, những chậu hoa chờ Tết cũng không tồn tại trong nếp sống chật vật, khốn khó vật chất, sợ hãi tinh thần. Xã hội giật lùi về hướng thời đồ đá. Giới cầm quyền chẳng khác nào phường cướp bóc có võ trang. Một sáng tinh sương trời se sắt lạnh. Cô Hai choàng hầu khăn, lần mò ra tận căn chòi lá cuối vườn. Chiều hôm trước Vân Nga nói với cô là nàng ra vườn hái trái cây và rau muống, để sáng này đem ra chợ bán, lấy tiền mua gạo với bo bo. Cô Hai bàng hoàng đứng chết lặng người, toàn thân cô tê cứng, té xỉu bên cạnh xác của Vân Nga. Nàng dùng chiếc khăn choàng cổ do Thông gửi tặng khi chàng du học bên Mỹ, tự treo cổ, kết liễu đời mình. Chiếc áo dài màu xanh da trời do Thông may tặng đã bạc màu thời gian, nhăn nheo trên người nàng như dấu tích tình yêu còn sót lại.
Rồi một ngày quạ về thay lúa gặt/ Chim không được hát, diều chẳng thể bay/ Phướng đỏ cờ rừng trói chặt chân tay/ Anh và em tháng năm dài quay quắt. Yêu Tự Do em bỏ làng vượt thoát/ Tai nạn tàu chìm nên phải vùi thây/Cánh mây chiều dệt lụa, con diều bay/ Tóc áo mây nên linh hồn buốt giá.
Tháng Mười, Thông đốt hương cắm trước mộ chí của Cô Hai và Vân Nga. Chàng tự tay làm sạch cỏ chung quanh. Sau khi Cô Hai mất, Thông đã mua lại mấy công vườn của Cô và Vân Nga, cho người cháu đích tôn đứng tên, nhập vào thành đất hương quả của gia đình. Mộ của Cô Hai và Vân Nga sẽ được chăm sóc và giữ gìn mãi mãi. Khu vườn không còn trồng cam chanh quít. Toàn cây nhãn và chôm chôm như những khu vườn quanh đây. Đã hơn bốn mươi năm còn gì!? Lòng Thông nặng oằn cảm giác nửa như người con xa xứ mới trở về, nửa như người đi giữa mộng du, đang đào bới dĩ vãng. Chỉ nhặt nhạnh niềm đau và bất hạnh của một dân tộc. Lá trên cây không đủ xanh để hy vọng. Gió không đủ mát lòng người. Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tình đời tràn lan xã hội. Đất nước Việt Nam, người Việt đang pha trộn, đồng hóa với giặc Tàu. Sông cạn dần mực nước. Đồng ruộng bị nước mặn lấn dần. Thông chỉ còn biết nhờ người chỉnh trang hai ngôi mộ, gắn đá vân, thêm mộ bia, trồng mấy thứ hoa mà Vân Nga ưa thích. Thông từng mua và lưu trữ nhiều loại diều giấy khác nhau trong mấy mươi năm lưu lạt xứ người. Trước khi về Việt Nam, Thông chịu khó tự tay cắt, vá, dán một con diều giấy có đôi cánh hình tim. “Một con diều hai đứa chơi chung!”
Nay anh về, tháng Mười cùng diều giấy/ Diều không bay, mộ chí khói hương bay/ Thơ hát ru đời, em hãy ngủ say/ Tình len lén, Thu sang đầy thương nhớ.
Tháng Mười nước biếc trời xanh/ Sao lòng sũng ước mưa nhanh giọt buồn….
Phạm Tương Như
Ngày gió/ 2018