Những năm tháng chiến tranh đã cho tôi nhiều thứ: những vùng đất lạ, những hình ảnh đẹp, kỷ niệm vui buồn…, và cũng lấy đi của tôi nhiều thứ: bạn thân, những đoạn kết mà tôi vẫn nghĩ là sẽ đẹp…
Dù đôi khi tôi không chắc có đẹp không nếu một người con gái tôi yêu đã cùng tôi hoàn thành mộng ước? Nếu hằng ngày nhìn nhau từ đó đến nay bên đàn con… biết tôi có còn nhớ những ngày tháng êm đềm đó như lâu nay tôi vẫn nghĩ? Có phải “những ngày đó” khi đã qua, đã mất, nó mới thật đẹp chăng? Dù biết ơn cuộc sống đã cho tôi nhiều “những ngày đó”, nhưng có những ngày thật đẹp, tôi lại ước phải chi tôi đừng có.
Cuộc sống như bức tranh vân cẩu không ngừng biến chuyển. Mỗi đoạn đi qua có những hỉ nộ ái ố, như khi cọ màu đang chấm phá từng mảng đen xám xanh hồng; nhưng khi bức tranh vẽ xong, màu sắc hòa quyện nhau, không còn có đen, xám, xanh, hồng… bức tranh nào cũng đẹp như tranh, cho dù là bức tranh buồn.
Lâu rồi, lúc ở trại nhiều lần tôi được nghe Frank Sinatra hát bài “It was a very good year”, bài hát không có gì độc đáo về giai điệu, lời giản dị không chứa nhiều cảm xúc, nhưng sao nó cứ đeo đẳng tôi, vì giọng buồn của Sinatra, hay vì cái lãng mạn nhẹ nhàng, không có điểm nhấn nào buộc người nghe đồng cảm với tác giả? Đối với tôi đó là một bản nhạc thật hay. Lời của một người ở tuổi xế chiều, nhớ lại những mối tình xưa…
Năm tôi mười bảy…
… Đó là tuổi thật đẹp.
Năm tôi hăm mốt……
… Đó là tuổi thật đẹp.
Năm tôi băm lăm……
… Đó là tuổi thật đẹp….
Những người yêu anh ta ở mỗi tuổi dĩ nhiên phong cách khác, rất khác nhau, nhưng về chiều nhớ lại anh ta thấy tuổi nào của mình cũng thật đẹp. Nhớ về những kỷ niệm đẹp, sao giai điệu lại buồn man mác? Có phải vì niềm vui nào cũng sẵn chứa nỗi buồn? Nhìn lại kỷ niệm đẹp, mà nỗi nhớ tiếc, niềm ân hận vẫn khó phai? Có lẽ tâm trạng đó cũng như các chiến hữu, cũng như tôi trong những ngày tháng này.
Như Sinatra, nhiều khi ta hồi tưởng những ngày tháng qua như nhắm nháp chút hương xưa, trân trọng nhớ tiếc những hình ảnh đẹp đã xa, hay khơi lại những tháng ngày ray rứt.
Lúc đó tôi ra trường chưa lâu, sau những ngày đụng độ dữ dội, có lẽ cấp trên để cho chúng tôi “bình phục”, dịu bớt những hình ảnh đau thương khi nhìn xác ta và địch, bù lại những ngày gian truân vừa trải qua, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân chiến dịch ở một vùng tương đối bình yên. Hành quân chiến dịch, không biết các đơn vị khác ra sao, đối với chúng tôi nó gần như những ngày nghỉ phép.
Chúng tôi hoạt động loanh quanh một vùng hẹp vài xã, đơn vị đóng tại An Đôn, một xã cách thị xã Quảng Trị không xa, bên sông Thạch Hãn. Nhiệm vụ chúng tôi chỉ là đóng quân một nơi không có đồn trại, hằng ngày trang bị hành quân đi thám sát quanh địa phận quanh vùng để biết tình hình, và cũng để tự bảo vệ.
Vì không có đồn trại nên chúng tôi phân tán rải rác, ở nhờ nhà dân. Dân vùng này theo Quốc gia nên chúng tôi không bận tâm đến việc làm ăn, đi đứng của họ, hằng đêm có thể ngủ ngon. Ở nhờ là nhờ những bóng mát, hàng hiên, bếp nước, ngoài ra thì chúng tôi tự lo liệu như đang hành quân vậy, có lẽ đối với họ chỉ vui thôi chứ chẳng phiền phức gì.
Anh chàng Trung Sĩ lanh lẹ của tôi chọn cho Ban Chỉ Huy một ngôi nhà đẹp, có sân rộng mát, đặc biệt chủ nhà rất thân thiện, vui vẻ. Chắc người đọc có thể đoán những gì câu chuyện tôi sẽ kể không phải là những bước chân hành quân, mà là chuyện xảy ra ở ngôi nhà này. Ở đó đã cho tôi những kỷ niệm đẹp chỉ một lần trong đời, nó vẫn đẹp mãi…
Ông bà chủ nhà có hai cô con gái, cô chị vừa đậu Tú Tài, đã đi làm; cô em nhỏ mới học Đệ Ngũ. Hằng ngày người đàn ông công chức và cô gái lớn đi làm nên ở nhà chỉ có bà mẹ, và cô gái nhỏ ở nhà buổi sáng.
Tôi không quen la cà với mọi người, dù chẳng có gì bận rộn, tôi thích yên tĩnh nên ít giao tiếp. Ngoài giờ đi hành quân, tôi nằm võng đọc sách, đối với chủ nhà tôi chỉ gật đầu chào, bao nhiêu việc giao tế đã có chàng Trung Sĩ Trung Đội Phó.
Một buổi sáng, sau chuyến hành quân lang thang qua làng mạc, đồng cỏ, chúng tôi trở về ngôi nhà. Cởi bỏ ba lô súng đạn, tôi băng qua sân, ra sau hè rửa mặt. Định trở lại cái võng thân thuộc dưới gốc cây, khi qua gian nhà sau, anh chàng Trung Sĩ gọi tôi vào uống trà, bà chủ nhà mời. Trà là món tôi làm quen từ rất sớm, và suốt đời nó vẫn là bạn. Người dân ở đây uống trà xanh, vị chát tôi chưa quen, nhưng cũng không tệ, màu trà xanh phớt thật đẹp, vả lại tôi ở ngôi nhà này đã lâu mà chưa một lần cảm ơn gia chủ.
Tôi ngồi nói chuyện với bà thì cô gái nhỏ đến ngồi cạnh mẹ. Tôi không nhớ chúng tôi đã nói chuyện gì, sao tôi có thể ngồi lâu như vậy tôi cũng không nhớ. Hình như cô gái nhỏ có vẻ quí hình ảnh người lính. Trong mắt cô bé là người hùng, hay lãng mạn… tôi thoáng cảm thấy cô bé có vẻ rung động, ước mơ… dù sao cô bé cũng còn nhỏ lắm, tôi không nghĩ gì nhiều.
Tôi đang nói chuyện, cô bé bước đến tôi rồi ngồi xuống: “Cỏ may nhiều quá, để em gỡ cho!”. Ôi! Hình như trong lòng tôi bật lên tiếng đó. Tôi bất ngờ, vui và thấy ngại trước bà mẹ. Bà thản nhiên nói chuyện, tôi nghĩ cô bé còn nhỏ, bà chẳng thấy lạ gì. Nhưng từ lúc đó tôi hơi mất tự nhiên, tim đập nhịp bất thường. Tôi nhìn xuống, hai ống quần vướng đầy cỏ may, cô bé nhẹ nhàng gỡ từng cọng. Tôi không dám nhìn cô bé nhưng vẫn kịp thấy mặt bé ửng hồng. Tôi vừa mong việc này sớm kết thúc vì ngượng, vừa mong cỏ may đừng bao giờ gỡ hết.
Loài cỏ may trên đời này chắc chưa bao giờ được thấy niềm vui lớn như vậy. Những cọng cỏ may thường làm phiền người đi qua, từ đó trở thành hình ảnh thật đáng yêu của tôi. Cho đến bây giờ, khi vô tình được gặp những ngọn cỏ may, hình ảnh cô bé vẫn như đang ở đó, đôi mắt đen tròn dịu dàng thoáng nét buồn, má ửng hồng, tay nhẹ nhàng gỡ ra từng cọng cỏ, và những cảm xúc ngày đó cũng không quên sống dậy, rạt rào.
Từ đó tôi với cô bé thân nhau hơn, khi gặp nhau chúng tôi luôn có chuyện nói. Chuyện gì, tôi không nhớ, chỉ biết mỗi lần gặp nhau tôi thấy mình hạnh phúc quá! Mấy người lính thường gọi cô bé là “Út”, hoặc “Gái”, như dân địa phương thường gọi những cô gái nhỏ ở đây; tôi thì gọi là Bé.
Một ngày, tôi gọi Bé, cô bé không hài lòng: “Anh đừng gọi em là bé! Em lớn rồi!”. “Anh gọi là Em hả?” Cô bé cười nhẹ gật đầu. Tôi chợt nhận ra cô bé quả thật là một cô gái trẻ, dễ thương.
Thời gian hành quân chiến dịch kết thúc, đơn vị tôi chuyển đi, rồi do tình trạng quân số hay chiến sự, tôi nhận lệnh thuyên chuyển đi nơi khác. Tôi đến trường học thăm cô bé trước khi đi, nghe cô bé nghỉ bệnh, tôi mua hộp bánh đến nhà. Cô bé ở nhà một mình, bệnh không nặng, có lẽ cảm cúm. Chúng tôi pha trà, nói chuyện bên hộp bánh. Trời khá lạnh.
Nhiều lần tôi định nói ngày mai tôi đi, nhưng nhìn niềm vui cô bé, nhìn đôi mắt buồn và thái độ trân trọng giây phút gặp nhau, làm sao tôi có thể khuấy động bức tranh êm đềm như vậy được. Cuối cùng tôi chào ra về mà không nói từ nay chưa biết lúc nào tôi mới có thể đến thăm cô bé.
Cô bé tiễn tôi, chúng tôi bước chậm rãi, kéo dài thời gian bên nhau trên đường mòn giữa hai hàng tre, ra đến tận bờ sông Thạch Hãn. Những hạt mưa phùn âm thầm đọng lấm tấm, mái tóc cô bé như rắc đầy sao, làm sáng thêm khuôn mặt dịu dàng, phảng phất vẻ buồn như một linh cảm xa xăm. Tôi cảm nhận một cuộc sống yếu ớt, chịu đựng. Gió cứ thổi lạnh, mưa cứ bám lên tóc, đôi môi tái lạnh nhưng ánh mắt vẫn nồng nàn. Chúng tôi lưu luyến, cô bé đứng nhìn theo tôi bước trên đường dọc bờ sông. Lên cầu tôi nhìn lại thấy cô bé vẫn đứng đó. Mưa phùn phủ kín không gian mờ sương, gió lạnh như sắp làm đông cứng mặt sông rộng đang uể oải lững lờ, một bóng dáng nhỏ xíu giữa hàng tre xám đưa tay vẫy chào tôi, vui vẻ như hẹn gặp lại. Tôi hít sâu rồi thở mạnh nạp thêm năng lượng, nhưng đôi chân vẫn không muốn bước.
Tôi đến đơn vị mới, cách cô bé gần một ngày đường xe. Đoạn đường như vậy bây giờ chẳng có gì đáng kể, nhưng thời đó là một khoảng cách xa xôi, hằng ngày xe đò thường xuyên bị VC giật mìn, phục kích, đắp mô. Tôi định sẽ sớm trở lại thăm cô bé, nhưng mải bận rộn với nhiệm vụ người lính, với cuộc sống nhiều biến đổi dồn dập thời chiến. Lần lữa mãi, cả năm sau tôi thấy khó đi được, mới viết lá thư gửi cô bé qua địa chỉ sở làm của cô chị. Vài tuần sau tôi nhận được hồi âm, có cả ảnh. Cô bé khoe: “Em của anh bây giờ lớn rồi, anh nhìn ảnh thấy em anh đẹp chưa?… Em đợi anh về thăm em…”. Tôi viết thư hẹn nhất định sẽ thăm em. Rồi mong chờ mãi tôi không nhận được thư nữa.
Cuộc sống vẫn tiếp tục, nhiều biến chuyển, nhiều cảm xúc, tôi vẫn thắc mắc sao cô bé không viết thư tôi nữa, tôi có nên viết tiếp không? Có lý do cô bé không muốn thư từ với tôi nữa chăng? Thật kỳ lạ, mãi nhiều năm sau tôi mới chợt nhớ ra, lúc đó tôi có đọc báo thấy nhưng quên ngay, thời điểm lá thư đi có nhiều xe hàng và xe đò gặp nạn trên đèo Hải Vân, có thể lá thư tôi viết cho em đã nằm đâu đó dưới vực.
Mấy năm sau về Sàigòn, tôi viết thư, hy vọng đến được cô bé. Và tôi nhận được lá thư cuối cùng: “… Em đã đợi anh, em buồn lắm, em nghĩ là anh chết rồi. Ba năm sau lá thư đó, em quen anh H. Ngày anh ấy ra trường Thủ Đức chúng em đã làm lễ đính hôn. Rồi ra chiến trường chỉ 2 tháng sau anh ấy tử trận… Hai lần yêu, lần nào em cũng đau buồn…”
Người ta nói: “Mỗi lần sai lầm ta rút được nhiều kinh nghiệm”. Có thể đúng vậy, nhưng với tôi dường như chưa lần nào dùng được cả!
Một mối tình như vậy đã buồn quá rồi, vậy mà tôi chưa để yên, tôi lại khơi nó lên, cho nó kéo dài đến vô duyên và thêm buồn!
Như một kẻ mộng du, tôi làm một việc mà chẳng biết mình làm gì. Khoảng một năm sau, có nhiệm vụ ra Đà Nẵng, tôi lên xe đò ra Quảng Trị tìm em.
Xuống xe, đi bộ đến An Đôn, một cảnh tượng không ngờ chờ đón tôi, ngôi làng xưa đã hoang tàn đổ nát, một không gian nhỏ thể hiện bức tranh đáng sợ của chiến tranh. Không một âm thanh nào của cuộc sống ngoài tiếng gió rít qua hàng tre sống sót buồn bã. Màu xanh cây cỏ vẫn còn, nắng nóng cháy da nhưng không gian lạnh lùng, đe dọa. Tôi đứng yên không nghĩ gì đến mối nguy hiểm có thể đang rình rập. Ngôi làng thân yêu dễ thương xưa không bao giờ được nhìn thấy nữa. Cuối cùng tôi quay ra đường với hơi thở dài nặng trĩu, mặt sông như sôi lên dưới nắng Hè.
Dò hỏi, tôi được biết vì tình hình chiến cuộc, dân làng đã di tản hết rồi, đang sống tạm ở xã Nhơn Biều gần đó (tôi không chắc có nhớ đúng địa danh không). Tôi đi bộ theo quốc lộ dọc sông Thạch Hãn. Mùa Hè, gió nồm thổi cát bay mờ mịt, mồ hôi bện cát khắp người. Thỉnh thoảng một mái nhà lá đứng trơ trọi giữa nắng cát gay gắt. Tôi hỏi tiếp và được chỉ nhà cô bé. Tôi hồi hộp sắp xếp những câu phân trần…
Từ xa tôi cố nhìn qua màn cát, nắng loá, một mái nhà lá mới dựng tạm bợ, nhiều người đang ngồ ăn cơm quanh một bàn tròn. Có lẽ người ngồi trong nhà nhìn thấy tôi rõ hơn. Tôi thoáng thấy dáng cô bé, nay đã lớn, đứng lên bước nhanh vào trong, khuất sau tấm vách lá. Trên bàn ăn có cha mẹ với chị cô bé, vài người lạ nữa, có lẽ hôm đó là ngày Chủ Nhật. Tôi bước vào chào hỏi chờ đợi sự vui mừng của gia đình, nhưng không, họ có vẻ thờ ơ, nói cô bé không có ở nhà.
Tôi không chịu đựng nổi, trở ra thị trấn thuê phòng ngủ, sáng hôm sau đến bưu điện, tìm gặp cô chị nơi làm việc. Cô chị lịch sự mời tôi ra quán nước nói chuyện. Điều giản dị có lẽ ít ai không đoán được, vậy mà tôi như một đứa con nít, như cái xác không hồn, vì khi đi tìm cô bé tôi đã không chuẩn bị gì để nói. Cô chị với một giọng nhỏ nhẹ ít hy vọng, âm thanh chứa nỗi buồn di truyền từ xa xưa của con người đã nhiều đời sống trong không gian khắc nghiệt này: “Gia đình đồng ý rồi, anh về nói hai bác ra đây hỏi cưới nó đi!”.
Trời ơi! Một điều ngạc nhiên bất ngờ với tôi! Tôi đã không nghĩ đến, gia đình nghĩ gì khi thấy tôi từ Sàigòn đi ra Quảng trị tìm cô bé? Lẽ nào chỉ gặp để nói chuyện vu vơ, rồi hẹn hò gửi thư qua lại như những chuyện tình trẻ con sau bao năm đau buồn như một quả phụ của cô gái? Ôi cái tật mơ mộng đáng ghét của tôi!
“… Phải vậy thôi, anh suy nghĩ đi, nó thương anh lắm, anh đừng làm nó buồn thêm nữa…”
Sự thật tôi vẫn trẻ con quá, cứ mơ mộng những mối tình lãng mạn thời xa xưa, tưởng như đang sống trong tiểu thuyết mấy thế kỷ trước, nơi đó tình yêu chỉ có yêu nhau nhẹ nhàng, nhìn nhau không dám say đắm, không dám đụng nhẹ đến bàn tay…, dĩ nhiên là những mối tình rất đẹp nhưng không có đám cưới. (Lỗi tại mấy nhà văn cứ thích viết về những mối tình dang dở?). Vậy mà lúc đó tôi có vẻ như tay giang hồ lãng tử rồi! Ai mà đoán nổi tôi khờ khạo và ngu ngốc như vậy!
Thật lòng tôi mong lắm, được trọn đời chia sẻ cuộc sống với cô bé, nhưng không nhớ đến điều quan trọng là đám cưới! Sau này nghĩ lại, giá lúc đó tôi quyết định, có lẽ ba má tôi cũng sẵn lòng từ Sài Gòn ra Quảng Trị lo đám cưới của tôi, nhưng lúc đó bất ngờ quá, tôi gần như không phản ứng.
Tôi không nhớ lúc đó tôi đã nói gì, nếu ký ức còn lưu giữ, tôi cũng không muốn khơi lại, cố phân trần gượng ép giải thích cho mình. Nhưng tôi biết tôi đã làm một việc không thể tha thứ.
Nhiều năm sau này, dù hình ảnh những cọng cỏ may không phai mờ, nhưng ngôi nhà khang trang giữa vườn xanh rộng mát đã bị che khuất bởi mái lá trơ vơ, yếu ớt chống chọi gió cát gay gắt. Và nỗi ray rứt không biết năm đó em tôi có kịp sống trong căn nhà đủ sức chịu đựng khi mùa Đông buốt giá Quảng Trị trở về? Và mùa Hè đỏ lửa em ở đâu? Em và gia đình có thoát khỏi tang thương trên đại lộ kinh hoàng?
Em đã cho tôi, và cả cuộc đời nữa, hình ảnh tuyệt đẹp của tình yêu, nhưng nhận lại ở tôi, ở cuộc đời, những tháng năm dài đau buồn! Ước gì cuộc sống có thể xóa sạch ký ức của em, của tôi, những ngày êm đềm và đau buồn đó!
Nếu những dòng này may mắn tới em, xin em cho tôi nhận tội và không dám cầu xin tha thứ.
Nguyễn Tấn Hưng – khóa 16 Thủ Đức