Lời mẹ dặn mới hôm nào để lại cho tôi như là một di sản quý báu có nhiều giá trị ý nghĩa tinh thần mà bất cứ lúc nào mỗi khi nhớ đến, thì lòng tôi không khỏi cảm thấy mình được an ủi rất nhiều. Để vững vàng, tự tin đứng trước bao sự kỳ diệu từ cách nhìn trong nhiều khía cạnh của chiều sâu cuộc sống.
Không giống trường hợp như quan niệm của những bà mẹ khác, khi lúc lâm chung thì thường hay nhắn nhủ, khuyên răn con cái về vấn đề hạnh phúc, sự thành đạt ở đời. Ngày ấy, mẹ tôi chỉ nói ngắn gọn rằng mẹ con mình trước sau rồi cũng sẽ lại gặp nhau, vì tro bụi tung bay thủy chung hòa quyện lẫn nhau chớ không hề cố định bám trụ ở bất cứ một nơi nào. Ý mẹ muốn nói rằng, không ai có thể tránh được lưỡi hái tử thần, nhưng mẹ tôi quả là một con người phi thường, và trước khi kiệt sức bà cũng ráng mở ra được một nụ cười trên đôi môi khô héo. Hình ảnh đó làm cho tôi tuy thương tiếc mẹ nhưng cũng cảm thấy ấm lòng, vì biết rằng mẹ đã hoàn toàn toại nguyện lúc vĩnh viễn ra đi.
Tôi còn nhớ những lời mẹ nói như in là phải can đảm chấp nhận cuộc đời bằng đôi mắt yêu thương như tuổi hồn nhiên, bao dung để tìm thấy được tấm lòng cao thượng của tình người để khi cần sẽ cùng nhau chan hòa, san sẻ. Đức tính tốt đẹp nầy từ lâu đã mai phục ở trong lòng của tất cả mọi người mà không bao giờ đòi hỏi phải có sự phân chia giai cấp của từng cá nhân trong xã hội.
Và nó sẽ tự bộc phát ra một cách hết sức tự nhiên đúng lúc vào thời điểm cần thiết như một sự phản xạ của cơ quan trong thân thể của con người. Hồi tưởng lại ngày xưa bé bỏng, có kỷ niệm nào ấn tượng đẹp cho bằng khi trí óc tuổi thơ chỉ biết cuộc đời qua ánh mắt vô tư, với mọi sự vui buồn, giận hờn vô duyên cớ. Rồi trưởng thành theo ngày tháng thời gian giữa cuộc sống tình người trộn pha trong xã hội bon chen, phức tạp, thì người ta mới hiểu thêm được đôi khi chỉ cần một lời nói nhẹ nhàng, truyền cảm mà đã làm cảm hóa được tâm hồn của kẻ ngang tàng. Một động thái vì nghĩa quên mình cứu hộ người mắc nạn hiểm nguy, để lại tình thương nhớ sâu đậm lâu dài cho kẻ thất thế, sa cơ v.v… Tuy nhiên, tất cả cũng đều là những tấm gương phản ảnh mọi điều kiện sinh hoạt bình thường hằng ngày trong xã hội.
Đi xa hơn điều đó, mẹ còn khuyên tôi hãy tha thứ cho những người từ bao lâu nay đã từng hay có thành kiến khác thường về nhiều kẻ khác. Mẹ kể chuyện ngày xưa về lòng từ tâm của bà ngoại có hạn không thể cưu mang, ủy lạo cho hết tất cả dòng tộc, họ hàng, bà con thôn xóm gần xa dù ngoại là người giàu có dư ăn dư để nhất ở trong làng. Chính vì vậy mà ngoại cũng từng có dịp được nghe qua có tiếng người soi mói nên lời. Đến phiên mẹ tôi cũng vậy. Mẹ được kế thừa một di sản có giá trị lớn lao đến nỗi ai nghe biết cũng phát thèm, và mẹ cũng noi gương ngoại suốt cả cuộc đời dấn thân vào làm việc phúc thiện trước mắt. Và trong rất nhiều lần như vậy, thì mẹ đã tìm hiểu được có những bài học đáng giá về cách sử dụng phương tiện bỏ ra bố thí của mình. Mẹ thán phục trước nghĩa cử của một em bé ăn xin vừa mới được mẹ cho tiền, thì nó lại liền đem tiền đó biếu qua thêm cho một cụ già ăn mày tay chân run rẩy (cũng vừa được mẹ cho tiền) đang sờ soạn dò dẫm từng bước đi ở phía bên kia vĩa hè lầy lội.
Lần ấy, tự nhiên mẹ mắc cỡ và tự thấy mình sao mà quá thấp bé tầm thường so với nghĩa cử cao thượng của em bé đó. Và cũng chính hình ảnh đó đã làm cho mẹ thay đổi quan niệm về cách nhìn vào bức tranh của xã hội bần cùng. Mẹ nhận thấy sống trong cuộc đời nầy làm sao cho người ta tự nhiên tưởng nhớ lâu dài về hình ảnh của mình, ấn tượng sâu xa về từng động thái thiện tâm của mình mới là quan trọng hơn là những gì tự mình cố ý quảng cáo khoa trương. Ý mẹ muốn nói, dù bao năm qua mẹ đã từng có dịp được nhiều người biết tới như là một nhà hảo tâm hoàn toàn vô vụ lợi, nhưng nếu một mai kia mẹ không còn khả năng, phương tiện để làm việc phúc thiện thì liệu còn có được bao nhiêu người còn tưởng nhớ đến tấm lòng nhân ái của mẹ từ thuở nào đã trút hết ra? Rồi mẹ nói tới phiên tôi, phải làm sao thành công nhiều hơn mẹ và đừng bao giờ bắt chước tánh xấu của mẹ nếu có, để mới có thể chinh phục được cảm tình của nhiều người bằng những kỷ niệm đậm đà thân ái, để mà vun trồng đức hạnh chan hòa hạnh phúc sống vui bên cạnh cùng với tình người. Riêng cá nhân tôi, tuy chưa được có thiên chức làm mẹ nhưng từ lâu qua bao sách vở, báo chí, phim ảnh ca tụng đức tính về người mẹ, thì tôi cũng hiểu được khá nhiều về mối tương quan thiêng liêng của tình mẫu tử là cả một cái gì mà người ta rất khó có thể diễn tả ra cho hết được bằng lời. Trừ những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, thì hình ảnh người mẹ lúc nào cũng lại là tàn cây che bóng mát cho con, là hậu cứ tinh thần lúc nào cũng sẵn sàng chi viện tình thương bao la vô bờ bến để giúp cho con mình toại nguyện mọi sự ở trên đời. Có khi nào bạn thử đứng trước một bệnh viện nhi đồng để có dịp nhìn thấy được cảnh tượng hằng bao ánh mắt thâm quầng vì mất ăn thiếu ngủ của những bà mẹ trực diện ngày đêm đầy sợ hãi lo âu cho tính mạng của đứa con lâm bệnh.
Hay vô tình chứng kiến cái cảnh bà mẹ sau cơn tức giận la hét con mình đến nỗi, rồi thì đã phải gục đầu vỡ òa ra khóc nức nở như một đứa trẻ thơ? Ôi! cảm phục làm sao có những đấng mẹ hiền sống cuộc đời khốn khổ lầm than, nói thẳng ra là đã làm nghề đi ăn mày hằng ngày lê lết đầu đường xó chợ để nuôi con, vậy mà có được một tinh thần quả cảm phi thường. Vì mẹ đã kiên trì, quyết chí chẳng khác nào như muốn xây mộng đội đá vá trời... Tuy nhiên, nhưng cũng có trường hợp thực tế đặc biệt đã xảy ra ngay trong thời buổi bây giờ, là đã có một cô bé từng theo mẹ đi ăn xin từ thuở nhỏ nay đã học hành đỗ đạt thành danh trở thành bác sĩ, áo gấm về làng. Tấm huy chương vinh dự đó theo lời cô bé đó kể lại, là nếu không có sự thương yêu tột cùng của mẹ nhường cho từng củ khoai nguội lạnh, những muỗng cơm thiu dư thừa hay mẩu bánh mì cứng đờ như khúc gỗ để ăn mà sống qua ngày ở thời buổi ấy, thì bây giờ liệu cô có thể còn được hình hài khỏe mạnh với trí óc minh mẫn nầy để xếp hành trang bước vào nhập cuộc với trường đời?
Từ lâu có kẻ vô tình sai lầm trong tình yêu mẹ, chắng hạn như chỉ biết đền ơn đáp nghĩa về vật chất chứ không hề nghĩ tới sự săn sóc về mặt tinh thần. Sự kiện nầy, tuy tùy trường hợp đèn nhà ai nấy sáng nhưng người ta cũng không thể bỏ qua nhiều câu chuyện thương tâm đáng tiếc đã từng xảy ra ở trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào. Câu chuyện người mẹ sắp sửa lìa đời đã trút hơi tàn, trăn trối các con mình ở lại phải biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, lẽ ra phải là một bài học thuộc lòng cho những kẻ bất hiếu đã nhẫn tâm cố ý làm sai ước nguyện tột cùng thương con của mẹ quả là một điều tắc trách không thể thứ tha. Biết bao hành tung của những con người bất nghĩa ngày nay chỉ vì chạy theo sự nô lệ của đồng tiền mà quên đi lời mẹ dặn, để mà tính kế bày mưu lường gạt anh chị em thân yêu ruột rà cùng chung máu mủ với nhau làm cho mẹ thêm một lần nữa phải chịu khổ đau dưới nấm mồ cô đơn, lạnh lẽo. Đèn khuya đọc sách tìm kiếm bóng dáng người hiền, người ta nhận thấy rằng từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây ở vào thời đại nào thì hình ảnh của bà mẹ cũng được vinh danh đứng ở hàng đầu trong mọi sự tôn kính, thờ phụng. Sự hiếu thảo của con người đối với đấng sinh thành ngoài nghĩa vụ công ơn dưỡng dục, thì còn là một bổn phận thiêng liêng ràng buộc với nhau không thể tách rời, vì người ta không bao giờ có được tới hai bà mẹ đã sinh ra mình.
Ngày trước, khi mẹ tôi còn sống thì tôi rất thương yêu mẹ nhưng chỉ bằng lời với bản tính hồn nhiên vô tư lự của một đứa trẻ vừa mới đủ trí khôn và được mẹ quá nuông chiều. Còn bây giờ, khi bắt đầu biết tự lập gói ghém hành trang cất bước vào đời thì mẹ tôi đã vội vĩnh viễn ra đi làm cho tôi chưa có dịp nhỏ mọn nào được thể hiện ra, để có thể được gọi là lòng hiếu thảo. Hơn thế nữa, bây giờ tôi nghèo lắm, việc làm chỉ kiếm đủ cơm ăn, trả tiền phòng trọ, còn đâu cuộc sống dư thừa của thời quá khứ tuổi thơ. Tuy nhiên, sau đó tôi cũng đã có nhiều suy nghĩ để nghiệm ra về ý nghĩa của cuộc đời qua câu nói dân gian truyền khẩu từ lâu, là sự cảnh báo về sự nghiệp giàu sang bạc tiền của một dòng họ khó có thể tồn tại vững bền để mà truyền tử lưu tôn theo nhịp quay của thời gian biến đổi. Đó là trường hợp có những con người khi còn sống thì nghèo, mà khi chết thì giàu. Ngược lại, cũng có hoàn cảnh của con người khi còn sống thì giàu, rồi khi chết đi thì nghèo xơ xác.
Trường hợp thứ nhất không hiếm đã có xảy ra trong xã hội. Và họ, có thể đó là hình ảnh của những ông bà trọc phú ích kỷ, lúc nào cũng nghèo hèn lòng từ bi, bác ái, quá tham lam. Họ hà tiện đến độ khi còn sống thì không dám động đến phương tiện bạc tiền, để mà hưởng thụ cuộc sống tiện nghi tối thiểu theo nhu cầu hiện đại như bao nhiêu người giàu sang khác. Do vậy, lúc nào người ta cũng thấy cái hình ảnh của họ luôn lếch thếch, lam lũ với công việc, ăn uống chi tiêu dè sẻn. Còn trường hợp của mẹ tôi thì hoàn toàn trái ngược. Mẹ có được nhiều đức tính phúc hậu của con người như ngoại. Tuy nhiên, trong xã hội cam go, phức tạp đầy chuyện hên xui may rủi, phúc họa khó lường. Và mẹ tôi cũng như bao nhiêu người khổ chủ khác đã bị một tổ chức không lành mạnh âm mưu lường gạt trốn chạy vì vỡ nợ. Chính vì vậy, mà chỉ có sau một đêm thức giấc, thì tất cả khổ chủ mới hay rằng mình đã bị trắng tay!
Tuy nhiên, mẹ tôi quả là một người đàn bà có nghị lực phi thường. Sau cơn ác mộng đau khổ kinh hoàng lên voi xuống chó ở trong đời thì bà tỉnh giấc, và bình tâm làm lại cuộc sống bằng từ con số không. Bà bắt đầu đã phải thức dậy từ ba giờ khuya, để đi mua rau từ chợ đầu mối đem về phân loại ra, rồi vội vã đem ngay ra chợ bỏ mối lẻ cho các bạn hàng. Ngày tháng lạnh lùng trôi qua, mẹ tôi chết trong một tai nạn bất ngờ khi bị một chiếc xe hơi đang chạy ngược chiều lạng lách ngang qua đụng vào làm cho bà bị ngã nhào bất tỉnh. Nhập viện, mẹ bị chấn thương sọ não lúc tỉnh, lúc mê. Trước khi biết mình không thể còn sống được, mẹ cố nhúc nhích ngón tay lay động ngầm ra dấu cho tôi đến sát mặt mẹ gần hơn, để nhìn thấy đôi môi mẹ rung động. Và tôi biết đó là một nụ cười vĩnh viễn, gói trọn tình thương bao la của mẹ dành cho tôi ở phút sau cùng mà tôi luôn luôn khẳng định cho là ý mẹ muốn nói rằng, phút biệt ly nhục thể đau khổ nầy rồi cũng sẽ có ngày lại được trùng phùng qua lớp tro bụi thế gian tung bay hòa quyện ở cuối chân trời thênh thang.
Giờ đây, cũng như tâm trạng của bao nhiêu đứa trẻ mồ côi có sự hiểu biết khác, chúng tôi làm gì còn có mẹ cha nữa để mà nói đến chuyện báo ân, báo nghĩa. Do vậy, tôi không cho rằng trường hợp của mình là một trong những đứa con bất hiếu mà tôi chỉ còn biết có một điều. Là hết sức lấy làm hối hận rất nhiều, vì khi mẹ còn sống thì tôi quá ỷ lại vào tình thương của mẹ, cho nên lúc nào cũng hay tìm cách vòi vĩnh quấy rầy, làm nũng nhõng nhẽo, gây phiền cho mẹ đủ điều. Tội nầy, con nguyền xin ghi nhớ mãi và ước mong một lần nữa dù âm dương cách trở nhưng mẹ cũng khoan hồng tha thứ cho con! Còn nữa, nếu ngày xưa ngoại là người đã từng ra công trồng đức cho mẹ, thì nay chính mẹ là người đã trồng hạnh cho con. Và bây giờ hoàn cảnh của con tuy nghèo, nhưng con cũng xin hứa là sẽ tiếp tục giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình, để cố gắng tìm dịp tham gia vào làm những việc thiện nào có ý nghĩa vun trồng phúc lợi, để đi theo con đường có đầy màu sắc hoa thơm, hương tỏa tình người của ngoại và mẹ thuở nào.
Hôm nay, lời nguyện hiếu thảo nầy của con đang mượn làn khói nhang tiếp dẫn hương linh mang xuống tận đáy mồ của mẹ, vậy con thành tâm kính yêu mẹ hãy yên lòng an nghỉ.
Tôi đã từng có nhiều dịp được đọc qua những tác phẩm văn chương nổi tiếng của nhiều tác giả nói về lòng hiếu thảo của người con đối với mẹ hiền như Mục Kiền Liên, thầy Tử Lộ v.v… Nhưng thực tế, thì từ lâu tôi chưa bao giờ có dịp may mắn, để được mục kích về một hình ảnh báo hiếu nào để có thể được coi như là thực sự cảm động vô song ở ngoài đời. Tuy nhiên, nếu trong hoàn cảnh khó khăn bây giờ mà ngoài xã hội đã còn có được tấm gương của một bà mẹ ăn mày tần tảo chắt chiu từng hột muối, củ khoai quyết nuôi con trở thành bác sĩ, thì ở làng tôi cũng đã có một trường hợp người mẹ bị tử nạn giao thông, để lại một cậu bé vừa mới lên ba tuổi mà cũng đã có được một tâm hồn phải nói là hi hữu ở trên đời.
Sau khi mẹ chết, cậu chun vào nằm dưới chân hòm khóc la thảm thiết. Lúc vừa hạ huyệt lấp đất quan tài, thì bất ngờ trời ập xuống đổ mưa to. Trong khi mọi người đang vội vàng lấy áo tơi ra mặc, thì bất ngờ cậu bé ấy đã nhanh chóng lột hết cả áo quần mình đắp lên nấm mộ, rồi miệng bé vừa khóc thổn thức, vừa cất lên thành tiếng trọ trẹ với giọng nói trẻ thơ:
- Mẹ ơi! Mẹ có lạnh không hả mẹ?...
Liền theo, thì bé lại giậm chân tiếp tục vật vã kêu khóc hu hu, trông qua xúc động vô cùng! Sự kiện hiếm có như vầy đã xảy ra ngoài sự tưởng tượng của hầu hết mọi người tham dự đám tang, khiến cho tất cả ai nấy cũng đều đồng thanh và cùng lúc sụt sùi rơi lệ não nùng. Câu chuyện rất mủi lòng nầy sau đó đã được lan truyền ra rất nhanh, và có thể nói trong làng tôi ở không ai mà không nghe biết. Giờ đây, mỗi khi nhớ lại chuyện nầy thì tôi lại có cảm nghĩ riêng, là có thể đó cũng là một hình ảnh vô cùng ấn tượng mà người đời cũng sẽ không bao giờ có thể tìm thấy được một bản sao ở bất cứ nơi nào trên trái đất.
Nhưng liệu cái hình ảnh cảm động vô song của cậu bé măng non hiếu thảo vừa mới lên ba tuổi đó, có thể đánh động được lương tâm bất hảo của những con người bao năm đã trưởng thành, mà từ lâu hãy còn mang trọng tội bất hiếu man rợ với cha mẹ dưới mọi hình thức khác nhau. Và bất nghĩa, với những anh chị em cùng chung máu mủ gia đình dòng tộc đã từng có nhiều kỷ niệm êm đềm, gắn bó thương yêu quyến luyến bên nhau từ thuở ấu thơ?...
An Tiêm Mai Lý Cang (Paris)
(1)- Cảm đề của tác giả: (...) - Đây là những chứng từ bi thảm xảy ra từ lâu từng đã được báo chí nước ngoài và trong nước đều có loan tải. Đó là trường hợp của hai vợ chồng già nhảy từ lầu sáu xuống đất tự tử, để trốn chạy sự bạc đãi của con cái sau khi vừa mới sang Paris đoàn tụ gia đình chưa đầy ba tháng.
Đó là trường hợp của anh chị em ở nước ngoài nhờ người thân ruột thịt trong nước đứng tên mua giùm nhà cửa, nhưng sau đó đã bị họ lường gạt bán đi để đoạt tài sản v.v…