User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
sgxedap
 
Chúng ta hầu như ai cũng có những kỷ niệm với xe đạp. Tôi cứ nói đại như vậy, trúng được phần nào hay phần đó. Nhưng nếu hỏi ai không có kỷ niệm với xe đạp, coi bộ không có ai giơ tay. Thôi thì tôi kể kỷ niệm của tôi trước.
 
Ngay sau khi di cư vào Nam, năm 1954, trường Chu Văn An mở lại tại Sài Gòn, chỉ có Đệ Nhị Cấp, từ lớp Đệ Tam tới Đệ Nhất. Tình hình lúc đó rất lộn xộn. Thủ Tướng Ngô Đình Diệm vừa chấp chánh, phải lo ổn định đời sống của trên một triệu đồng bào di cư từ Bắc vào Nam, lại phải lo thù trong giặc ngoài. Lớp học sinh di cư chúng tôi hồi đó, từ 16 tới 18 tuổi, phải tiếp tay chính quyền. Chúng tôi thường xuyên tổ chức những cuộc biểu tình mỗi khi có biến cố xảy ra để ủng hộ Thủ Tướng Diệm. Biểu tình toàn bằng xe đạp. Ai chưa có xe đạp thì đèo nhau, xe hai người, xe ba người. Cuộc biểu tình khí thế nhất là đi bắt tên tướng cộng sản Văn Tiến Dũng tại khách sạn Majestic. Chúng tôi xuất phát từ trường tới khách sạn ở bờ sông Sài Gòn. Biểu ngữ lớn nhỏ rợp trời. Nhỏ thì do các bạn ngồi ở tay ngang xe đạp cầm. Lớn thì giăng ngang do người được đèo trên hai xe đạp song song nhau vác. Khi tới nơi, chúng tôi tập trung phía bên ngoài, hô khẩu hiệu rất khí thế. Khi nộ khí của chúng tôi lên cao, chúng tôi vứt xe đạp ngổn ngang ngoài đường, xông vào khách sạn, tìm phòng của tên tướng cộng sản. Tôi cùng vài bạn xông lên các tầng cao. Khách trọ tại khách sạn hoảng hốt chạy ra hành lang. Có các ông tây chạy thục mạng. Có các bà đầm không kịp mặc quần áo, quấn khăn tắm hoảng hốt chạy ra hành lang. Chúng tôi trấn an các khách của khách sạn và cho họ biết chúng tôi chỉ tìm cộng sản. Xe cứu hỏa tới phun nước dẹp, cảnh sát tung lựu đạn cay. Cuối cùng đám biểu tình tan. Bên phía học sinh chỉ có một anh bạn cùng lớp Đệ Tam C với tôi bị kíp lựu đạn văng trúng mắt, sau bị hư luôn một con mắt. Chúng tôi vội tìm xe ra về. Không một chiếc xe nào lạc chủ!
bieutinhxedap1
 
bieutinhxedap
Học sinh Chu Văn An biểu tình bằng xe đạp năm 1954.
 
Tôi kể kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất về xe đạp của tôi. Chắc nhiều bạn cùng tham dự cuộc biểu tình bạo động vô tiền khoáng hậu đó ngày nay vẫn không thể quên được. Một anh bạn hiện ở Cali còn giữ được những tấm hình biểu tình bằng xe đạp hồi đó. Anh gửi cho tôi để nhìn lại thời thanh niên của chúng tôi. Kỷ niệm xe đạp này không phải ai cũng có. Nhưng những kỷ niệm thời tập đi xe đạp thì chắc ai cũng đã trải qua. Đó là những kỷ niệm ngây ngô nhưng… đẫm máu! Hình như trong đầu mỗi đứa trẻ năm sáu tuổi đều có một chiếc xe đạp.
 
Ông Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh… chậm tiến hơn. Mãi tới năm 13 tuổi mới sờ tới chiếc xe đạp. Vậy mà cũng chẳng nên cơm cháo chi. “Không hiểu sao tôi lại khốn khổ đến vậy trong việc tập đi xe đạp. Hồi mười ba, mười bốn tuổi, học cấp II ở thành phố Nam Định, tôi đã cùng mấy thằng bạn ở chung một nhà trọ tập đi xe đạp. Trèo lên xe, đạp mấy vòng, nhưng cứ hễ thằng bạn giữ hộ xe buông tay ra là ngã đổ kềnh ra đất. Tập mãi không được, đã thế lại còn bị toạc một mảng thịt ở ống chân, đến nay vẫn còn vết sẹo. Sợ quá không dám tập nữa. Một chuyện ai cũng làm được, kể cả đàn bà con gái hay đứa trẻ sáu bảy tuổi, vậy mà mình không làm được. Nhục quá! Hèn kém quá! Điều này khiến tôi có tâm lý bi quan về năng lực của mình. Nghĩa là thấy mình bất tài, bất lực, chẳng làm nên trò trống gì. Cho nên bị ai coi thường, tuy cũng tức, nhưng liền đó lại tự thấy: nó khinh mình cũng phải thôi. Mình là thằng hèn kém, nó khinh cũng chẳng oan ức gì”.
 
Không biết đi xe đạp có hậu quả… kinh hoàng như vậy. Ông Nguyễn Đăng Mạnh chịu mặc cảm bị lép vế như vậy cho tới năm ông 24 tuổi, về Hà Nội, nơi mọi người đều đi xe đạp. Ông kể tiếp trong tập hồi ký của ông: “Không biết đi xe đạp thì nguy quá. Mà lộ ra thì xấu hổ chết được! Tôi quyết định, nhất định phải tập, mà phải tập một mình, tập giấu, tập bí mật. Đợi lúc đêm xuống, tôi thuê một cái xe đạp, dắt đến một chỗ vắng vẻ có đường dốc, rồi ngồi lên xe thả cho nó lao xuống và cứ thế đạp phứa đi. Sau nhiều lần ngã, tôi đi được xe đạp. Sướng quá! Thế là có quyết tâm thì cũng không đến nỗi kém cạnh ai”.
 
Viết tới đây bỗng mất hứng. Không biết có phải vì theo ông Mạnh tập xe đạp vất vả quá hay không. Bèn nghỉ tay, vào chợ Facebook coi có chi lạ không. Có chuyện vui thật. Nhà thơ Phan Huyền Thư vừa postlên một status ngắn mang tên “Gene Trội!”. “Nguyên văn một câu “cao đơn hoàn tán” của ông Su:” Mẹ ơi, con rất yêu cái bú tí của mẹ vì nó rất đẹp. Nhưng bây giờ con lớn rồi, con đã sắp sửa sáu tuổi và con nặng 27 cân, vì vậy con cần phải có một chiếc xe đạp mới để đạp ở ngoài công viên thay cho chiếc xe đạp cũ của con hồi còn bú tí mẹ. Mẹ ơi con biết là mẹ đang bị già đi nhưng mà bú tí của mẹ vẫn rất đẹp vì con đã lớn nhưng bú tí của con thì vẫn bé tí tẹo teo...” P/s: Con mẹ sề đang nghĩ, thằng con mình có mắt thẩm mĩ thế thì nên mua cho nó chiếc xe đạp mới như thế nào cho xứng tầm đây ???”. Con nhà thơ có khác. Trí tưởng tượng rất phong phú. Từ cái bú tí của mẹ mà liên tưởng tới cái xe đạp. Cũng lạ. Chẳng lẽ chiếc xe đạp chỉ có hai cái bánh xe!
 
Sáu tuổi đòi xe đạp là phải. Hồi tôi tập đi xe đạp, chắc cũng ngần ấy tuổi. Trần ai khoai củ lắm chứ không chỉ khen cái bú tí của mẹ mà xong. Muốn có xe đạp phải thuê. Muốn thuê phải nhịn thứ này thứ khác mới đủ tiền thuê một giờ. Một giờ đâu có lâu, vèo một cái đã hết. Ngồi được lên yên xe, cà cà hai chân lê lết trên đường. Mới làm quen với xe đã mất toi một giờ. Chờ tới ngày khác, năn nỉ đứa lớn hơn giữ yên xe cho vững để đạp. Chiếc xe nghiêng qua nghiêng về. “Huấn luyện viên” chạy theo một lúc, mồ hôi vã ra, đòi một chầu kem que. Móc hết túi trên túi dưới, chỉ đủ tiền mua một cây. Ngoắc tên ôm chiếc phích bán kem lại. Chiếc nắp phích được mở ra. Hơi lạnh toát lên. Những cây kem nâu, vàng, hồng, cam thở khói. Biết chọn cái nào. Cái nào trông cũng hấp dẫn, nhỏ bán kem giục giã. Rút vội một cây, đưa hối lộ thằng bạn, không quên năn nỉ cho mút một tý. Sau một hồi lưỡng lự, nó gật đầu. Cái miệng kề cây kem là vi phạm hiệp ước liền: thay vì mút, căng mồm ra cắn ngay một phát. Tên bạn giữ yên xe nổi giận nhưng tình hình yên ắng sau màn năn nỉ. Vừa tốn tiền thuê xe vừa tốn kem cho thằng bạn lớn con, té lên té xuống, máu me đầy khuỷu tay đầu gối mà coi như không phải máu của mình, rồi cũng tới lúc một mình một ngựa nhong nhong. Không gian như đổi mới. Hàng cây hai bên đường đứng im khi đi bộ bỗng trở thành những bóng cây chạy vun vút khi chễm chệ trên chiếc xe đạp.
 
xe dap ngay xua2
 
Phải đợi tới năm 15 tuổi, lên tới lớp Đệ Tứ, mới có một chiếc xe đạp riêng để đi học. Giã từ những ngày leo xe điện từ Chợ Hôm lên tới Bờ Hồ để tới trường. Xe dĩ nhiên là xe cũ do ông bố hoặc các ông anh bà chị truyền cho. Nhưng cũ người mới ta, cũng lau lau chùi chùi, vô dầu vô mỡ, chiếc xích xe có giãn ra, tuột liên miên vẫn cứ vui vẻ dừng xe lắp xích lại. Gặp ngày mưa, về tới nhà là lau chùi trước khi thay bộ quần áo đẫm nước. Đời người đã bước qua giai đoạn mới: giai đoạn vỡ tiếng mọc râu cùng với chiếc xe đạp.
 
Di cư vào Sài Gòn, vẫn cứ xe đạp. Ngày đó ai chẳng đạp xe đạp. Không muốn thì đạp…xích lô! Lên tới Đệ Tam, Đệ Nhị đã cùng bạn bè học làm người lớn. Cắm thêm điếu thuốc lá trên môi, đạp tới các trường nữ để ngắm các em đi ra đi vô mà lòng dạ như đánh lô tô. Có biết tán tỉnh chi đâu. Đâu có được can đảm như ông Quan Dương.
 
ao dai hue xua tren xe dap
 
 
Con ve nó đã nói gì
Khi cây phượng vĩ dậy thì nứt bông
Ngày xưa em còn nhớ không
Hai đứa trên chiếc xe trành đèo nhau
 
Chở em xổ xuống dốc cầu
Vòng tay khít rịt trói nhau một thời
Ngoéo tay bứt tóc hẳn hòi
Trời gầm cũng quyết không rời nhau ra
 
Cút ka cút kít cút ka
Tiếng sên xe đạp trưa hè tháng năm
Thăng trầm tiếng bánh xe lăn
Theo tôi cùng khắp nẻo đường quê xa
 
Khi bắt được cái bằng Tú Tài, được thưởng chiếc xe gắn máy Goebel hai màu vàng đỏ, lòng như mở hội, quên béng ngay mất anh xe đạp. Có mới nới cũ là bản tính con người, nhất là những người lòng non dạ trẻ. Rồi ra đời, ký ca ký cóp cũng bê về được chiếc Vespa láng coóng, ra đường cứ tưởng cả Sài Gòn nhìn vào chiếc xe của mình. Gặp lại bạn bè cũ một thời Chu Văn An, anh nào anh nấy đều “cơ giới hóa” hết. Chiếc xe đạp thui thủi bước vào quá khứ.
 
Nhưng quá khứ được lật lại khi những chiếc dép râu tiến vào Sài Gòn một ngày Tháng Tư năm 1975. Lúc đó lũ chúng tôi là thứ lơ láo, một sớm một chiều mất tất cả cuộc đời. Anh cán bộ tiếp quản cơ quan tôi làm việc nhẹ nhàng nhắc chúng tôi trở về với chiếc xe đạp, phương tiện chuyên chở giản dị, không tốn xăng nhớt. Chẳng ai bắt buộc nhưng hột gạo bỏ vào bụng còn chưa có huống chi xăng nhớt đổ vào bình xe. Chúng tôi lần lần quay về với chiếc xe đạp. Những chiếc xe “cơ giới hóa” lần lượt rơi vào tay các anh cán bộ, những người đã nhỏ nhẹ khuyên chúng tôi sống hợp với thời… cách mạng.
Xe đạp lại bám với chúng tôi. Cuộc cách mạng… lùi thành công mỹ mãn. Chúng tôi ngày càng đơn giản. Đi dạy học hay đi làm, chúng tôi lại phải nhờ tới đôi chân quay vòng trên xe đạp. Nghe chừng thảnh thơi nhưng có những lần tôi phải đạp tới vài chục cây số tới tận Long An chỉ để mua hai chục ký gạo khi tình trạng ngăn sông cấm chợ khiến Sài Gòn thiếu gạo trầm trọng. Hành trình kiếm gạo cho các con rất gian truân vất vả. Không dám đi trên đường lộ, sợ mấy anh du kích chặn kiếm chuyện, mà phải len lỏi trên những bờ ruộng. Vậy mà cũng dính chấu. Du kích cũng men theo ruộng đuổi bắt, đòi tịch thu. Tôi đưa giấy chứng minh là thầy giáo, vậy mà hết cấp nọ tới cấp kia hạch hỏi. Cuối cùng, có lẽ thấy cái bản mặt tội nghiệp của tôi, họ cho đi. Mang được hai chục kí gạo về, mừng như cha chết sống lại!
 
Thời khốn khó đó, có cái xe đạp làm chân đã là phúc bảy mươi đời tuy phải đạp tóe phở. Nói vậy theo thói quen chứ có phở đâu mà tóe! Cô giáo Ngọc Hạnh còn tệ hơn nữa, không có cái xe đạp làm chân cẳng. Trong bài viết “Những Kỷ Niệm Khó Quên” cô đã gợi lại sự nhọc nhằn của người thiếu xe đạp: “Trường có thông lệ họp tổ các bộ môn mỗi tuần. Họp xong ai cũng về muộn. Trời tối thui, đường xá vắng tanh. Lâu lâu có chiếc xe Lam chạy qua cổng trường đã đầy khách. Tổ Pháp văn của Bích Hà xong trước, tổ Việt Văn của tôi bao giờ cũng về trễ. Dù trễ Hà luôn luôn chờ để đèo tôi về khi bằng xe gắn máy, khi bằng… xe đạp, từ quận tư Khánh Hội về quận nhất Saigon, xong mới về nhà Hà ở Bà Chiểu, Gia định. Biết Bích Hà có con mọn tôi cũng sốt ruột lắm nhưng Hà không đèo về thì chẳng biết bao giờ tôi mới đến nhà, ban ngày tôi còn đi bằng hai chuyến xe Lam và chờ rất lâu, ban đêm thì vô phương... Trước kia nhà tôi đưa đón. Hà thương bạn nên “cưu mang”, đèo đi về ngày hai lượt. Cả năm tôi mới được đổi về trường Trung Học Đệ II cấp quận I gần nhà, đi một chuyến xe Lam là đến nơi. Bích Hà dịu dàng, nhanh nhẹn, hay giúp đỡ người khác. Ai có tâm sự chuyện trò với Hà là phiền muộn vơi đi nhiều lắm. Giáo sư Bùi Bích Hà và giáo sư Nguyễn Trung Hối thường đứng lớp thay mỗi khi tôi đi thăm ‘nhà tôi ’ở trại cải tạo hay ở vùng quê tỉnh nhỏ miền Tây - khi được trả tự do nhà tôi phải về thôn quê, không được ở thành phố”.
 
Trong truyện ngắn “Trên Đỉnh Whistler”của tôi, nhân vật nữ cũng là một cô giáo dạy tại một trường ở tận ngã tư Bảy Hiền trong khi nhà ở tuốt bên Gia Định, ngày ngày phải mất vài tiếng đạp xe tới trường. Vượt biên được, gặp lại người yêu cũ, một người rất thích thể thao, nhất là đua xe đạp. Anh chàng rủ đạp xe, cô đã chối đây đẩy. Chàng không hiểu được tại sao. Cô giải thích: “Nguyên là sau bảy lăm, em phải đi dạy học. Nhà thì tuốt trên ngã tư Bảy Hiền mà trường thì tuốt bên Gia Định, mỗi ngày phải đạp xe từ đầu này tới đầu kia thành phố mệt ná thở luôn. Nhưng mệt thì nghỉ xong là hết mệt. Cái lo là đạp xe như vậy mòn quần hết. Gia tài chỉ có hai chiếc quần đen mặc đi dạy, vải mua thì khó, lương lại chẳng đủ ăn tiền đâu mua vải, nên đạp xe mà chỉ lo cho chiếc quần. Nói thấy tức cười chứ lúc đó em lo cho chiếc quần hơn là lo cho sức khỏe của mình. Thời thế lỏng chỏng đã đưa mình vào những suy nghĩ éo le như vậy! Anh hiểu sao nổi!"
 
Chiếc xe đạp thời… giải phóng là phương tiện di chuyển, chiếc xe đạp ở bên đây là… thể dục thể thao. Hai chuyện khác nhau, anh chàng chưa một lần sống với cộng sản làm sao hiểu nổi. Khi chiếc xe đạp có hai mặt, nó khác nhau một trời một vực. Chiếc xe đạp ngày nhỏ của tôi và chiếc xe đạp như cần câu cơm những năm sống dưới chế độ cộng sản là thứ cùn mằn. Tuột xích, nổ lốp, gãy tay lái, cong vành là chuyện thường ngày. Thứ dùng để vui chơi tập tành là thứ xịn. Nếu là xe hơi thì thứ của chúng tôi không biết có thể so sánh với xe Ladalat ngày xưa được không. Trong khi thứ của những dân chơi xe đạp bên đây là thứ Mercedes-Benz. Tưởng là so sánh chơi chơi nhưng chuyện xe đạp hiệu Mercedes-Benz là chuyện có thật.
 
xehoi
 
Xe hơi và xe đạp Mercedes
 
Giờ mới nói tới chuyện then chốt: giá cả ra sao nhỉ? Sơ sơ khoảng từ 5 ngàn đến 6 ngàn một trự! Muốn mua chiếc xe đạp này, các bạn đừng tìm đến các đại lý xe hơi Mercedes tuy những nơi này cũng sẽ trưng xe đạp trong phòng trưng bày xe hơi của họ. Xe chỉ bán tại các cửa hàng của Argon 18 trên toàn thế giới thôi. Ông Gervais Rioux của Argon 18 dụ khị như thế này: “Những người đã yêu xe hơi Mercedes có thể sắm thêm chiếc xe đạp Mercedes cho đủ bộ. Và những người chưa có xe hơi Mercedes cũng có thể có một sản phẩm của Mercedes-Benz khi mua chiếc xe đạp này”.
 
Ai muốn bị dụ xin cứ tự nhiên. Tôi xin kiếu. Vì, với tôi, chẳng có chiếc xe nào thân thương bằng chiếc xe đạp thuê giờ loại cùng mằng thời thơ ấu. Tình đầu bao giờ cũng là tình đẹp!
 
 
08/2018 
Song Thao