User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
quengheo
 
Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi…
Nằm mơ, mơ thấy thiên hạ tốt tươi
Mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười…
(Quê Nghèo – Nhạc sĩ: Phạm Duy )

Tôi vùi thêm củ khoai vào đống tro trong bếp, lửa cháy liu riu dưới lớp tro tàn xám mịn. Bà thích ăn khoai nướng vùi tro nóng, khi lớp vỏ bên ngoài chỉ rám cháy, mật khoai chảy ra thơm mùi đường khen khét. Làng tôi nổi tiếng có giống khoai mật này. Củ nhỏ chỉ bằng hai ngón tay nhưng ruột lại chín ngọt đậm đà. Có người đem giống về trồng nơi khác ra công vun xới vẫn không được vị ngọt bùi như khoai trồng trên đất làng tôi.

Trời gần Tết gió heo may thổi về se lạnh, ngọn gió lùa qua khe cửa làm lớp than hồng rực lên toả sáng một góc bếp. Nồi nước mùi già mẹ nấu sẵn để lau dọn bàn thờ cúng ông Công tỏa mùi thơm thoang thoảng trong lành. Sáng nay khi tôi thức dậy mẹ đã đi chợ sớm từ lúc nào rồi. Bát cơm nếp ủ trong chiếc liễn sành và miếng chả chiên mẹ đậy trong lồng bàn trên bàn bếp để dành cho tôi. Bà than thở, già rồi ăn cơm nếp đầy hơi nên chỉ thích ăn khoai. Tôi biết mọi người trong nhà cố ý dành miếng ngon cho tôi hưởng trước. Bố tôi mất sớm nên bao nhiêu tình yêu dành cho người quá cố đổ cả vào đứa con duy nhất trong gia đình. Chưa bao giờ mẹ nghỉ một buổi chợ, quang gánh nhọc nhằn đổ lên đôi vai gầy ngày ngày phơi nắng, phơi sương. Gánh hàng sáo nhỏ bé của mẹ đã đưa tôi đi qua con đường làng bùn đất lên chốn thị thành trọ học cùng người. Những đêm nằm trên căn gác hẹp nhìn ra khung cửa sổ nghe tiếng người nói râm ran dưới phố tôi thấy nhớ quê nhà quay quắt. Nhớ mảnh vườn nhỏ có liếp rào thưa, những buổi trưa không ngủ tôi trốn ra vườn hái trái mồng tơi chín ép làm mực viết. Nhớ câu hát đối của những ngày đập lúa đêm trăng bắt đầu cho bao cuộc tình quê. Mảnh đất nghèo nàn thấm ướt bằng mồ hôi của người dân bình dị, chân chất như mảnh hoa bèo mong manh bên bờ ao trước ngõ. Chuỗi ký ức lưu giữ tha thiết quá, những khi cô quạnh lại mênh mang tràn về khiến tôi chỉ muốn bỏ hết tất cả phù du của cuộc đời để trở về nằm vùi mặt trong mái tóc ngan ngát hương hoa chanh của mẹ.

Cứ mỗi độ Xuân về, cay chanh góc vườn nhà tôi lại trổ hoa trắng lấm tấm đầy cây. Buổi sáng tinh mơ, trước khi đến trường tôi hay hái một cành hoa chanh nhét vào cặp. Hương chanh ngọt ngào tinh khiết, Thoang thoảng vị the ấm khiến Hưng phải hỏi, Ngân giấu gì trong cặp mà thơm thế? Tôi mỉm cười giấu mặt, nghe tim mình đập mạnh trong lồng ngực. Lâu rồi Hưng không hỏi tôi câu ấy nữa. Mẹ bảo Hưng đã vào tu ở trường dòng trên tỉnh, dân trong làng giờ gặp Hưng phải chắp tay “Thưa Cha” cung kính.Tôi không muốn gọi Hưng như thế nên mỗi khi cậu Tín ghé qua nhà trọ đưa quà của mẹ, tôi lục giỏ lấy gói hoa chanh khô giấu ngay vào góc tủ. Cậu Tín không biết điều này, cứ tưởng tôi vẫn thích gội đầu với hoa chanh như ngày nào. Tính cậu thật thà thẳng thắn, nếu biết tôi cứ ém nhẹm giấu đi những gói hoa mà mẹ đã cẩn thận hong khô cất dành cho tôi thì thế nào tôi cũng bị mắng cho một trận nên thân. Cậu Tín là em của mẹ tôi, làm nghề buôn gạo muối từ Thượng du về miền xuôi. Thỉnh thoảng cậu về qua nhà đem cho tôi những tấm vải lụa thật đẹp. Mẹ không muốn cậu chiều tôi quá, sợ tôi hư sinh tật đua đòi. Cậu chỉ cười và bảo: “ Xu… ân… Xuân… sắc… ch… chỉ… có một thời.” Cậu có bệnh nói lắp từ ngày còn bé. Đến giờ mỗi khi xúc động cậu lại nói lắp bắp như thế. Cả nhà tôi nghe quen rồi cũng thấy thường tình nhưng cô Sứt bán xôi gấc dưới gốc đa đầu làng tính vốn chua ngoa lại thích chòng ghẹo người thì để ý. Chiều qua, cậu chèo thuyền đi ngang nhà cô. Đang ngồi vo gạo ở bờ sông cô cất tiếng chào thật lớn: “Ch… ch… ch… chú… đi đâu… đâu đấy?” Cậu cũng không vừa đối đáp lại ngay: “Hôi hi hoa hàng bà Hứt hua hắm hôi hất hây!” thế là cô tru tréo lên, sư cha cái đứa chất bầm chết giẫm nói cạnh nói khóe bà. Cái môi sứt thường ngày vốn ngọng nghịu tiếng được tiếng mất nay tuôn ra một tràng tế sống, tế chết văn vẻ vần điệu thô tục nhưng lại rất lưu loát. Vô phúc lại có tên bố tôi trong bài văn tế sống ấy. Cậu tắp ngay thuyền vào gần bờ, xắn quần lội xuống con sông cạn đầy bùn, túm lấy đầu cô dìm xuống nước mấy cái cho chừa thói hỗn hào. 

Gạo đổ cả ra sông, chiếc rá con trôi lềnh bềnh trên nước. Lũ trẻ chăn trâu đứng trên bờ vỗ tay cười hể hả. Chúng ghét cô từ lâu nhưng lại sợ thói nanh nọc chua ngoa. Nhìn cô ướt lóp ngóp, rũ tóc bết đầy bùn đi khuất vào nhà, chúng mới dắt nhau đi, thì thầm bảo: “ Phen này thì cô Sứt chừa thói đanh đá nhé!” Củ khoai trong bếp đã lên mùi chát thơm lắm rồi. Tôi cời lớp than gắp khoai đặt vào đĩa cho bà ăn sáng. Ngoài sân trời hưng hửng rám nắng hồng lên đụn rạ vàng tươi. Chim chích chòe ríu rít trên cây, hương chanh ngan ngát len vào tận trong nhà tỏa mùi the ấm thật dễ chịu. Giờ này mọi người đã ra đồng cả, lũ trẻ đánh trâu lội bì bõm dưới vũng nước cạn của cánh đồng đang cấy còn lấp xấp nước. Trên con đường đê hàng tre già nghiêng nghiêng lá rì rào trong nắng sớm. Vài người đàn bà quang gánh tất tả gọi nhau ơi ới, đi nhanh nhanh cho kịp buổi chợ phiên thôn Hạ. Có tiếng trẻ con léo nhéo ngoài sân. Tôi hé tấm liếp cửa nhìn ra ngoài. Thì ra cô Sứt đang nằm trước sân nhà tôi để ăn vạ chuyện chiều qua. Cô trùm chiếc chiếu rách lên người, tóc tai rũ rượi nằm rên hừ hừ như người sắp chết. Cô hờ hay lắm, tiếng trầm tiếng bổng nghe như hát. Sao lại có người một chữ bẻ đôi không biết mà khi than khóc lại văn vẻ vần điệu đến thế. Cứ cụ thượng, cụ bá, cụ tổ đã khuất từ thời tám hoánh nào rồi vẫn được cô mời trở về đông đủ trước sân nhà tôi để phân xử cho ra ngành ra ngọn. Bà từ ngoài vườn đi vào, tay ôm cái rổi đầy rau dền đất rễ dài ngoẳng, “ Cái Sứt ăn vạ gì thế?” Tôi bảo: “ Cô ghẹo cậu Tín nói lắp nên cậu đánh cho.” Bà chép miệng thở dài: “Khẩu nghiệp tai ương!” rồi đi xuống bếp ngồi nhặt rau. 


UserPostedImage




Tôi biết chiều nay thế nào cũng có món canh rau dền nấu cua đồng. Mùa đông chẳng có thứ rau nào mọc được ngoài mớ rau dền đất nở đầy hoa xám lấn ra cả liếp rào mồng tơi của bà. Thỉnh thoảng mẹ mua được mớ cua đồng của bọn trẻ chăn trâu mót được giã ra nấu canh ngọt ơi là ngọt. Gạch cua chưng váng mỡ đỏ sánh. Trời rét đậm mà được một bát canh cua nóng, vài quả cà muối xổi thì bà cũng ăn được hai bát lưng. Mười lăm tuổi bà đã lấy chồng. Làng nghèo. Đồng chiêm, ngày hạ cứ cắm mặt xuống đất với ruộng lúa, nương khoai. Đi làm đồng lúc nào cũng đem theo cái rọ bên người may ra vớt được con cua, con cáy làm bữa tối. Bà bảo vì cậu Tín đẻ rớt trên cánh đồng quê ấy nên từ bé tính khí đã ngang tàng, ngỗ ngược. Cậu không thích học, suốt ngày cứ lê la chơi bời nghịch ngợm, hết tổ tôm đến tứ sắc. Ông tôi bàn, phải cưới vợ cho cậu vào nề nếp, cha mẹ không dậy được để vợ nó dậy thì may ra. Ngày đi hỏi vợ, cậu diện quần áo chỉnh tề ra đứng giang tay cho ông xét khắp người. Cẩn thận đến thế mà cậu vẫn giấu được cây ná bắn chim làm bằng cành ổi đem qua nhà vợ. Các cụ thông gia ngồi với nhau chưa được tuần trà đầu, vườn nhà ông bố vợ tương lai có bao nhiêu na chín cậu tỉa rụng đầy sân. Bố vợ giận lắm nhưng còn nể ông tôi không mắng. Qua bữa cơm trưa, cậu đánh nhau với thằng em vợ tím cả mặt mày. Ông tôi lôi cậu về lấy roi mây quất vào mông nghe đôm đốp như đập vào ván gỗ. Kéo quần xuống, thì ra cậu đã nhanh chân chạy trước ra vườn lượm hai cái mo cau độn vào mông để đỡ đòn đau. Ông đành chịu thua thả cậu tự do giang hồ tứ chiến.

Lang bạt được ít lâu, bặt tăm tin tức. Cả nhà cứ ngỡ cậu đã theo phu vào miền Nam cạo mủ cao su hay bỏ xác ở nơi rừng thiêng nước độc nào rồi. Ngày cậu lù lù trở về, ông tôi đã hoá người thiên cổ. Cậu cúi mặt thắp lên bàn thờ ông ba nén nhang, mắt đỏ hoe. Từ đó cậu không đi xa nữa, chỉ quanh quẩn xuôi thuyền buôn bán quanh chợ huyện, được đồng nào lại dấm dúi đưa mẹ tôi: “ Chị dành cho cháu ăn học.” Mẹ tôi dẫy nẩy: “ Cậu phải dành tiền lầy vợ đi chứ, lông bông hoài đâu được!” Cậu cười xòa: “ Con là nợ, vợ là oan gia. Chị không nghe thấy à?” rồi lại đi ra đầu thuyền thổi sáo vi vu theo gió với mây lan qua phố huyện.

Huyện lỵ chỉ cách làng tôi có một con sông. Đêm đêm đường xe hỏa đi ngang qua phố kéo vang tiếng còi tàu râm ran buồn bã. Trẻ con ở làng tôi đứa nào qua được trường làng thì phải sang phố huyện đi học. Làng tôi nghèo, miếng ăn chưa đủ, trẻ con thất học thì nhiều nên một đứa con gái như tôi từ trường huyện được đưa lên tình học là điều vinh hạnh cho cả họ. Ngày ấy tôi vừa mới qua tuổi mười tám. Cậu Tín tay xách chiếc va li quần áo, lưng đeo ba lô dẫn tôi đi qua con đường đất men theo rìa làng. Trời tờ mờ sáng, ngôi sao Mai còn lấp lánh trên nền trời sau bóng cây đa đầu đình. Đã có vài bóng người dắt trâu đi làm đồng sớm. Tiếng trâu thở phì phò, tiếng chân người giẫm bì bõm trên thửa ruộng nông choẹt nước. Đi ngang qua con đìa cạn trơ bùn, có bóng người đang lúi húi nhấc cái rọ đơm cá. Khi chúng tôi đi qua, người ấy ngừng tay ngẩng lên nhìn theo ngỡ ngàng. Đó là lần cuối tôi gặp Hưng trước khi rời làng lên tỉnh học. Con tàu rời khỏi sân ga huyện lỵ hiu hắt mang theo đôi mắt của người con trai ở quê tha thiết buồn tênh…

Tháng Chạp tôi trở về làng ăn Tết. Trên tàu người đứng người ngồi, quang gánh ngổn ngang. Bánh xe chạy xiết trên đường ray, hun hút lướt qua những cánh đồng vắng. Xa xa có vài căn nhà chìm trong cây cối xanh um. Tôi ngửi thấy mùi rơm rạ quyện lẫn với mùi đất nồng ẩm mốc thật quen thuộc. Bước xuống sân ga mẹ đã đứng đón tôi nón lá cầm tay cười rạng rỡ. Đuôi mắt mẹ rạn đầy những nếp nhăn trên gò má rám nắng. Lam lũ đã làm cho xuân sắc một thời phai nhạt hết cả rồi. Mẹ cứ nắn lấy tay tôi khen con gái lớn hẳn ra. Trên đường về mẹ rủ tôi ghé qua chợ mua sắm hàng Tết. Phiên chợ huyện họp ngay trên miếng đất trống ở cuối phố, đông đúc ồn ào. Người ta dựng lên những dãy lều sơ sài kết bằng cỏ tranh rơm rạ, bán đầy những mặt hàng cho ngày Tết. Gánh lá rong, ống nứa lúc nào cũng ngồi bên cạnh nhau. Hàng gạo nếp, hàng đậu túm tụm vào một chỗ. Các cô gái thì xăm xoi vào những gánh hàng xén, chọn mua chiếc lược mới hay hộp sáp thoa môi. Hàng nhuộm thật vui mắt với những dải thắt lưng đầy màu sắc. Cô gái nào năm mới cũng gắng chắt chiu sắm cái thắt lưng màu hoa hoè, hoa lý để dành ra giêng đỏm dáng đi xem hội với chị em bạn bè. Đông đúc trẻ con nhất vẫn là hàng pháo Tết. 

Chúng thèm thuồng nhắm nhìn những hàng dây pháo đỏ rực treo đầy trên chiếc sào tre. Mới giữa tháng Chạp mà đã nghe tiếng pháo râm ran khắp chốn. Đứa nào cũng giấu trong túi áo vài chiếc pháo mót được, lâu lâu đem ra đốt tách đùng rồi cười hể hả với nhau. Lôi cuốn tôi hơn hết vẫn là hàng của ông lão bán những con tò he bằng bột. Dưới chân ông cụ là một cái thùng gỗ nhỏ có những gói bộ đủ màu sặc sỡ. Ông lấy một thanh tre nhỏ, dùng đôi tay thoăn thoát khéo léo nặn hình cô tiên duyên dáng áo lụa bay phất phới: ông Quan Công râu dài uy nghi, bụng to mặt đỏ gay; con gà trống vươn đôi cánh rộng màu sắc chói chang. Tôi níu tay mẹ đứng lại ngắmnhìn say mê. Mẹ bật cười, nhắc chuyện ngày xưa khi tôi còn bé. Đi chợ về mẹ mua cho tôi một con mèo nặn bằng bột. Tôi quý lắm bỏ nó trong túi áo cả ngày. Đến tối đi ngủ lại để quên nó trên bàn. Sáng ra chuột gặm mất một khúc thế là tôi khóc tỉ tê cho cả ngày. Cậu Tín phải đi qua chợ huyện tìm mua đền cho tôi những con giống mới, đầy đủ mười hai con giáp.

“Làm gì mà ngồi thừ người ra thế hả con?” Tôi giật mình nhìn lên, mẹ đã về từ lúc nào, vội đứng lên đón lấy cái thúng trong tay mẹ và liếc nhìn ra cửa. Cô Sứt đã thôi nằm vạ, cô cắp chiếc chiếu rách vào người, đứng thập thò ở trước sân. Mẹ đưa tôi cái rá: “Con vào xúc đền cho cô rá gạo bị đổ chiều qua.” Tôi xịu mặt: “Cô ấy hỗn chứ có phải lỗi cậu đâu mà đền!” Mẹ vẫn không rời tay xếp lại mớ hàng mã, nón áo bầy cúng trên bàn thờ ông Công, thong thả nói: “Cô ấy sai đã đành. Chẳng lẽ mình cũng sai theo sao. Hơn thua gì nhau một tiếng nói hả con?” Nghe mẹ nói có lý tôi đành ôm rá đi xuống bếp mở thúng xúc gạo. Nghĩ bụng còn ấm ức lắm, tôi đi ra góc bếp loay hoay tìm bao trấu. Bà đang ngồi xoay lưng lọc riêu cua cạnh sàn nước khẽ bảo: “Thùng trấu ở dưới gầm chạn bát đấy. Xong rồi nhớ vãi cho đàn gà một nắm cho bà.” Tôi tủm tỉm cười vì bị bà nắm trúng nọn. Tôi bới gạo ra cho trấu xuống dưới, rồi phủ lên lớp gạo mới để mẹ không nhìn thấy. Phen này cho cô tha hồ nhặt trấu nhé! Đàn gà đang đi kiếm ăn ngoài vườn được tôi hào phóng vãi cho nắm trấu thật to, chúng chạy xổ cả vào nhau táo tác ầm ĩ.


UserPostedImage




Buổi chiều, mẹ sai tôi đem chiếc thúng đựng con cá chép sống vừa cúng ông Công đi ra sông phóng sinh. Nước trong veo, lăn tăn ánh bạc dưới cơn mưa phùn nhẹ nhẹ tỏa hơi lên mát lạnh. Lùm cỏ dại bên sông phất phơ những cánh hoa vàng óng như đàn bướm bay lượn trong chiều. Tôi nhìn thấy vài người cũng đen cá ra sông thả. Thường nhà nghèo khi cúng xong người ta giữ cá lại để ăn. Bà bảo, cá chết thì làm sao ông Công biết đường về trời! Thân phận ông ấy cũng buồn như cái xó bếp đầy bồ hóng của nhà tôi. Cả năm chỉ được một lần thoát thân ra khỏi hai bà Táo nhưng lại phải đi thóc mách chuyện người. Oái oăm thế! Tôi mang tội vạ nhiều lắm nên cũng chẳng tha thiết gì đến chuyện ông Táo có đi đến nơi về đến chốn hay không. Bà vẫn bảo, sinh ra làm kiếp người ai cũng có tội cả. Tuổi trẻ vướng phải lỗi lầm vì ngông cuồng dại dột, tuổi già mang phải lỗi lầm vì nhiễu sự nhỏ nhen. “Muốn hết tội thì lội xuống sông, con ạ!” Tôi không nghĩ nhiều về điều này vì tôi còn trẻ lắm, đầy những ngông cuồng để vướng phải lỗi lầm. Bà tôi cả đời không bước chân ra khỏi lũy tre làng, bà sống một cuộc đời bình dị mải miết bên những luống khoai, ngô sắn. Trái tim của bà hạnh phúc khi nhìn thấy ruộng lúa chín vàng, con cua con cáy bên bờ ruộng. Sẽ không bao giờ tôi sống được một đời sống tưởng mảnh dẻ nhưng lại bền chặt với mảnh đất nơi mình đã sinh ra như thế. Tôi đã bước chân ra khỏi vùng quê nghèo khó để đi đến một phương trời khác. Hạnh phúc hơn hay không tôi chưa biết được. Nhưng rất khác. Đủ để cho tôi, cho Hưng phải đánh đổi tất cả, kể cả tuổi trẻ của mình.

Nhìn ra dòng sông, con nước trôi bâng khuâng qua làng về phía chợ huyện. Thấp thoáng bóng người dắt trâu về thong thả trên đường đê. Tiếng người vo gạo, đập rá bồm bộp bên cầu ao, xen lẫn tiếng người mẹ gọi đứa con ham chơi đâu đó trở về vang vang trong chiều muộn. Làn khói bếp ẩm mùi rơm rạ bốc lên từ những nếp nhà tranh, mùi gạo mới nhà ai vừa chín tới thơm lan trong chiều. Tôi lội ra ven bờ nước ngập đến nửa chân, nghiêng thúng thả con cá chép xuống sông. Bóng vẩy cá sáng trắng quẫy mạnh giòng nước dưới chân tôi rổi lẩn bơi đi mất hút. Xa xa tôi nghe tiếng sáo của cậu Tín mênh mang dìu dặt xuyên qua ráng mây chiều tím nhạt hoàng hôn như mang cả nỗi niềm khát khao của một loài chim muốn tung đôi cánh bay ngược lên thượng nguồn, mải miết tìm đầu con nước. Và tôi nhận ra rằng, như loài chim đến mùa di trú, dù đi đến đâu mảnh đất quê mùa này vẫn tiềm tàng một sức sống diệu kỳ để mỗi năm, khi mùa Xuân đến có một loài chim tha hương sẽ tìm đường bay trở về tìm nơi tồ ấm.

Nguyên Tú My