User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Đoc bài “Mùa hè ra biển ăn cá của LKL” Nhàn chợt nhớ đến câu ca dao “Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”, bây giờ thì đã có cá của Long, Nhàn xin phụ hoạ thêm phần “về đồng ăn cua” bằng những trải nghiệm thời hai vợ chồng (theo chân ông xã) “tìm đường cứu nước” ở miền Nam nước Việt.

batcua

Sau biến cố Tháng Tư 1975, không ai trong chúng ta, những người sinh sống ở miền Nam, nhất là ở các thành thị lớn mà không gặp khó khăn, phần vì chính trị với chính sách kỳ thị người miền Nam, nhất là những người được chính phủ VNCH đào tạo, phần vì kinh tế qua bao lần đổi tiền, chận đường kiểm soát, bóp nghẹt sinh hoạt kinh tế của người dân, chưa kể đến học tập chính trị triền miên…. thì việc lưu lại Sài Gòn chỉ còn có ý nghĩa đơn thuần là thương nhớ một nơi đã nuôi ta lớn lên, cái lưu luyến ấy đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hoá linh hồn.

Vâng, Sài Gòn khi ta yên bình lưu trú, ta đã quên quí nó, đến lúc bị dồn ép thúc giục rời xa nó ta mới thấy Sài Gòn quá đáng yêu.

Biết không thể sống trong một chế độ như thế, anh Tính, chồng Nhàn đã từ lâu hạ quyết tâm phải ra đi và Nhàn hoàn toàn ủng hộ suy nghĩ này nên hai đứa mới nên duyên chồng vợ sớm. Để tiện cho những toan tính, anh đã tìm xuống vùng Cái Sắn gần Rạch Giá mua một mẫu đất ruộng và cải trang làm người nông dân, có lẽ có bạn sẽ thắc mắc anh nói tiếng Bắc, sao có thể lẫn lộn được với nông dân miền Nam. Hẳn các bạn biết, từ những năm dưới nền Đệ Nhất Cộng Hoà, một phong trào định cư lập nghiệp cho đồng bào miền Bắc, một vùng đất trù phú phương Nam được khai khẩn cẩn thận và chuyển giao cho đồng bào đến lập nghiệp, đó là khu trù mật Cái Sắn, thời đó vùng này đã là nơi nương trú của hàng chục ngàn người di cư từ miền Bắc vào.

Trên mẫu ruộng của chúng tôi có một căn nhà nho nhỏ lợp lá, vách cũng được đan bằng lá, bên trong chỉ có một chiếc giường tre, một cái bàn nhỏ, hai cái ghế để ngồi ăn cơm, trong góc nhà là nơi nấu nướng. Thế mà thú vị lắm, những buổi tối ngoài tiếng ểnh ương kêu, tiếng cá nhảy ngoài ao, tất cả rất yên tĩnh, đặc biệt muỗi rất ít hay hầu như không có, gió mát cứ hiu hiu thổi, những đêm trăng tròn hai chúng tôi bắc ghế trước hiên nhà ngắm trăng cứ như “lên tiên” suy nghĩ mà thấm thía với hai câu thơ mà ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng:

Ta dại ta về nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

vedongancua1

Buổi sáng dân địa phương thức rất sớm, mới 4 giờ mà đã nghe tiếng ghe thuyền khua đều trên mặt sông nước rồi, tiếng lao xao của những người chuyên chở nông phẩm ra chợ bán sớm. Chúng tôi chèo ghe sang chợ mua thức ăn, rau cỏ, cá thịt tất cả đều do dân địa phương nuôi trồng nên rất tươi ngon, từ các vùng lân cận đưa đến đây tiêu thụ.

Những tuần đầu chưa quen nên tất cả thực phẩm tiêu dùng hàng ngày tôi đều mua ở chợ, lâu dần quen biết với một vài hàng xóm được họ chỉ dẫn cách bắt cá bắt tôm, mò cua, trồng rau, cả việc thả vài con gà nuôi trên đất của mình nữa, thế là đầy đủ hết.

Trở lại chuyện về đồng ăn cua, các bạn biết sau mỗi vụ mùa trên những mảnh đã gặt còn trơ gốc lúa,  lấp xấp bên dưới nước vẫn còn đọng lại, là mùa chúng ta đi bắt cua, cá còn lưu lại trên các thửa ruộng, cảm giác bắt được cua thật là thích thú, những con cua mai nâu đen đen bò lổn ngổn cứ chạy theo mà chụp, có lúc vì tham quá lại chưa có kinh nghiệm bị nó kẹp cho đau điếng, đưa tay ra mắng vốn với anh Tính. Anh cười nói đùa – tại em tham quá bây giờ mình phải nấu canh cua rau đay và làm cua rang me ăn trả thù nó kẹp em…, cá thì ít hơn và thường là cá nhỏ, tuy vậy nhiều khi bắt được những chú cá lóc to cả ký, gặp may thì bắt được cả ổ cá trê, tha hồ mà “bồi dưỡng”, đa phần là cá rô, cá sặc. Về sau chúng tôi không phải chờ đến mùa gặt nữa mà anh Tính cứ tối tối cầm một nắm cần câu, cắm xuống các ao lân cận, sáng hôm sau thế nào cũng kiếm được vài chú cá to đùng, hai vợ chồng cười sung sướng.

Đúng là trời ưu đãi đất phương Nam, về sau anh Tính học nghề đặt lợp bắt tôm trên những con kinh gần nhà, cứ sáng đến là anh lại đem về vài con tôm càng to tướng mỗi con cân nặng từ vài chục tới 200 – 300 gram. Thật thú vị phải không các bạn, nếu không phải bỏ xứ mà đi thì cuộc sống ở thôn quê thật tuyệt vời.

Canh cua rau đay là món ăn dân dã của người miền Bắc, nên ở đây rau đay được trồng rất nhiều. Cua đồng giã nát, vắt nước nấu sôi lên kết tủa thành một thứ nửa là bọt nửa là chất thịt không ra thịt sền sệt, thêm rau đay vào nồi hai thứ mùi vị độc đáo quyện lấy nhau, ăn nóng thật tuyệt vời. Nhàn là người miền Trung không biết món này nhưng lấy chồng rồi cũng bị lây nên ghiền món đặc sản này lắm.

Cũng tại đi ghe qua chợ, có lần ghe bị lật vì sóng của các thuyền to đi qua, Nhàn tưởng chết đuối vì lúc đó không biết bơi, may mà anh Tính bơi đến gần, Nhàn túm vội anh ấy, về sau anh kể – Em túm anh chặt quá làm anh tưởng chết đuối theo em -.

canhcuarauday

Đó là giai đoạn đầu của đoạn đường khổ ải “vượt biên” mà những bạn đi du học hoặc di tản 75 không được “hưởng”. Nhàn không trực tiếp đi sông đi biển như anh Tính sau này nên không kể được nhiều, chắc chắn là gian khổ nhưng cũng có lúc thú vị lắm.

Trải qua những chặng đường đầy gian khổ, giờ đây được sống trên một đất nước an bình, Nhàn thấy mình thật sự đã được rất nhiều ơn lành Chúa ban. Nhàn luôn nguyện ước giúp được gì cho ai trong khả năng mình và mang đến một nụ cười hoặc niềm vui cho những người đang gặp hoạn nạn, khổ đau.


Thu 2016
Trương Thị Nhàn