Bà con mình, dù lương hay giáo, cứ mỗi độ mùa Giáng Sinh về, nghe lời hát: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời. Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa…” lại thấy mùa xuân đang tới, Tết nhứt cận kề.
Nhưng Giáng Sinh mùa phải lạnh, tuyết rơi lã chã trắng trời; xe tuần lộc, tiếng lục lạ reo vui chở ông già Noel đi phát quà cho trẻ con, chạy băng băng trên những con đường, mặt lộ là băng giá.
Nước Mỹ, thuộc Bắc bán cầu, mùa đông, mùa Giáng Sinh về lạnh quéo, thở khói quanh mồm; Úc, thuộc Nam bán cầu, mùa hè, mùa Giáng Sinh về nực muốn khùng, thở ra toàn hơi beer. Phải làm vài chai cho đã khát…
Hồi xưa trước khi ai bao năm từng lê gót nơi quê người, tui cứ tưởng tượng là Giáng Sinh về mùa phải lạnh.
Lạnh mới nên thơ chớ. Để tìm chút ấm, mình ngồi xáp lại gần em yêu, tay cầm ly vang đỏ, tiếng lò sưởi chạy bằng ga kêu tí tách mà trời bên ngoài tuyết vẫn rơi rơi.
Đó chỉ là tình mộng chớ mùa Giáng Sinh ở Úc nầy mới xáp lại gần em, để tình thương mến thương là em nạt: “Xê chút ra! Nực nội quá hè!” Nghe mà tan nát cái lòng… thòng!
Tui có cái tật xấu là đêm nào lai rai vài ba sợi là lên facebook, gọi mấy thằng bạn cũ đang trên bước đường lưu lạc tận Hoa Kỳ để phá nó chơi.
Cái lạ là cái tật xấu nầy mấy thằng bạn học, bạn lính của tui lại khoái mới chết. Tui gọi là nó trả lời ngay vì tụi nó cũng cô đơn, bị em yêu “cấm vận” y chang tui vậy đó. Mùa đông Hoa Kỳ lạnh thấu xương mà em lại không cho run run tìm hơi ấm… để đợi xuân về.
Tui có thằng bạn lính, đi HO, được một gia đình người Mỹ bảo trợ về gần Ngũ đại hồ, tiểu bang Minnesota, mà nó dịch ra tiếng Việt là “Mỹ nó sợ ta”.
Mỹ nó sợ ta hay không thì tao không biết nhưng tao sợ mùa đông nước Mỹ! Chu choa nó lạnh ác ôn luôn! Trên một vùng đất hoang vu đẹp tuyệt vời, thác Minnehaha đóng băng nhưng tao không dám đến thưởng ngoạn vì ra ngoài trời, chỉ hơn nửa giờ, dù có áo ấm mấy lớp đi chăng nữa cũng có thể chết nghe em!
Hồi năm 2017, Minnesota nhiệt độ xuống tới trừ 37 độ C, phá kỷ lục cũ là trừ 32 độ vào năm 1924.
Lạnh đến nỗi nước đang sôi trong chảo biến thành tuyết ngay khi được hất ra ngoài trời. Khi mình vắt sữa bò thì mình được cà rem. Khi mình vắt sữa trâu thì mình lại được chocolate. Rồi tạp chí khiêu dâm Playboy phải đình bản vì trời lạnh quá hổng em nào chịu cởi truồng hết trơn cho tụi mình coi hè!
Nghe nó than như vậy, tui hỏi: “Sao mầy không chuyển về Little Saigon, tiểu bang California, một trời nắng ấm?”
“Cũng muốn lắm chớ! Vì ngoài thời tiết Little Saigon quá đã mà mấy em Mít của mình bên ấy mặc “bikini” bán cà phê sữa, trông còn đã hơn nữa.
Nhưng lực bất tòng tâm! tiền tao không có. Căn nhà 3 phòng ở Minnesota, trả hết nợ ngân hàng, sau nhiều năm vợ chồng cày bừa cật lực, chỉ giá có 250 ngàn đô Mỹ. Với số tiền đó vác về Cali, tao chỉ có thể mua được túp lều của chú Tom.
Tui lại hỏi: “Lạnh quá rồi làm sao sống cho được chớ? Nên nhớ mình là dân nhiệt đới, đến Mỹ từ miền Nam mưa nắng hai mùa. Mưa ở trần chạy nhong nhong ra đường tắm mưa cho mát; mùa nắng cũng ở trần mặc cái quần “xà lỏn” đeo tòng ten cái đồng hồ quả lắc, chỉ có cây kim giờ, đi khắp xóm. Em nào nhìn thấy cũng buột miệng xuýt xoa khen là “của quý”!
Chân ướt chân ráo tới đây mình cũng học dân bản xứ cách mưu sinh thoát hiểm, chống lạnh để sống sót?
Một là vợ nói gì thì mình nghe đó; sai gì thì mình làm ngay; đừng cù cưa, cù nhằn hẹn mai, hẹn mốt. Bị vợ đì sói trán cũng ráng mà chịu vì em độc quyền cái lò sưởi 37 độ rưởi chạy bằng cơm. Em giận lẫy là tối mình phải nằm chèo queo, buốt giá là nó héo queo hết ráo.
Hai là coi người bản xứ chống lạnh như thế nào để mình bắt chước.
Hồi mới được gia đình người Mỹ bảo trợ tuốt lên cái xứ lạnh nầy đây, vợ chồng cứ nhủ lòng ráng tồn tại một vài năm đầu rồi tính tới.
Tao mua căn nhà của vợ chồng ông Mỹ già để có chỗ che bão tuyết mùa đông. Thì em yêu cản: “Đừng mua, mắc kẹt ở đây, lạnh chết!”
Hai vợ chồng ông Mỹ già trấn an rằng: “Vợ chồng tao ở đây cả mấy chục năm, mấy chục mùa tuyết đổ cũng đâu có chết chóc thằng tây nào. Mua đi rồi vợ chồng “qua” sẽ truyền bí kiếp chống lạnh lại cho hai em mà! Đừng có lo!”
Trả tiền xong xuôi, dọn vô nhà, mùa đông Minnesota đang tới bên thềm cửa. Bão tuyết ngoài trời; trong phòng lò sưởi bật tối đa mà tường vẫn thở ra hơi khói lạnh. Đun một chảo nước sôi tạt ra ngoài cửa để đi không trơn trợt; nước sôi trong chảo biến thành bông tuyết phất phới bay.
Vậy là bốc “phôn” lên hỏi vợ chồng ông chủ nhà cũ, bí quyết chống lạnh là gì? Lão cười he he nghe rất đểu: “Ờ mỗi mùa lạnh về, khi đàn ngỗng trời kêu quang quác xuôi Nam thì vợ chồng “qua”, giống như ngỗng, bay về Florida đó chú em!”
Bị Mỹ gài thế đành chịu trận; nhưng lâu rồi đời mình sẽ quen. Ông Trời rất công bằng. Thiệt cái nầy thì Trời bù lại cái kia.
Xứ lạnh mình ăn nhiều, da có lớp mỡ kha khá dầy; chớ hối còn kẹt trong nước, ốm o gầy mòn như con khỉ mắc phong; qua đây ai cũng thêm ít nhứt là chục ký. Lên cân, tốn tiền mua quần áo mới; nhưng an ủi một cái là da mặt mỡ màng, căng mọng! Em yêu gần 61 mà nhìn tưởng chừng 16; còn mình 64 nhìn tưởng chừng mới 46 thôi.
“Năm rồi, tao về Sài Gòn, thăm bà già bị bệnh nặng Trời nóng ẩm quá, cởi trần ngồi hóng gió trước hiên nhà, em bán vé số ngang qua mời anh Việt kiều mua dùm em một tấm vé số xổ liền.
Ngạc nhiên hỏi: “Sao em gái biết anh là Việt kiều mà không phải là Việt cộng?” Em cười lỏn lẻn trả lời: “Việt cộng nó đen thùi lùi hè; còn Việt kiều nó trắng nõn đó anh hai!”.
Thằng bạn lính nhân cơ hội nầy giảng cho tui thêm một bài về địa lý. Nó nói hồi xưa mình đọc nhãn thuốc lá Pall Mall của Mỹ là: “Phải anh là lính mời anh lên lầu!”. Chí lớn gặp nhau, bên ni. Mỹ đọc tên Ngũ Đại Hồ “HOMES” (nhiều nhà”), tức là Huron, Ontario, Michigan, Erie và Superior.
(Ngũ là năm, đại là bự, hồ là cái hồ) là năm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, từ Hoa Kỳ ăn tuốt qua Canada
Hoặc “She Made Harry Eat Onions (“Bà ấy bắt Harry phải ăn hành”) tên 5 cái hồ, xếp từ Tây sang Đông.
Các hồ, mùa hè giữ nhiệt, mùa đông sẽ làm bớt cái giá băng nhưng Ngũ Đại Hồ năm nào cũng băng giá.
Bà con mình thường nói: Bên này chuyện gì cũng có thể xảy ra được hết ráo!” Quả có vậy!
Nhân mùa Giáng Sinh lạnh bà con mình cũng nên đọc qua chơi mấy câu chuyện có thật nầy để “rút sợi dây kinh nghiệm”.
Vốn là một đứa con cá biệt, chú em không muốn đánh thức bố mẹ mình; vì sợ bị dũa te tua vì vi phạm lệnh giới nghiêm, cấm sau 9 giờ tối không được trốn đi chơi lễ cùng chúng bạn.
Về nhà muộn, chú em lên ống khói tuột xuống để vào nhà; nhưng thân thể phì nộn, mập như con heo nên chú em mắc kẹt trong ống khói. Leo lên không được; tuột xuống không xong; chỉ còn cách chổng mông là bố ơi cứu con với.
Lính cứu hỏa và cảnh sát từ thành phố Oak, tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ, đến để giải cứu chú em ra khỏi ống khói; rồi xe hồng thập tự chở chú em thẳng vô nhà thương xức thuốc đỏ cho những vết xước, xức dầu cù là lên những vết tím bầm.
Cái kinh nghiệm hơi hoảng hốt và đau đớn nầy đã dạy cho chú em một bài học là: Bao giờ cũng nên dùng cửa để vào nhà hơn là qua cái ống khói của lò sưởi.
Chú em nầy phần số cũng còn may mắn lắm. Có tay chuyên nhập nha ăn trộm cũng làm y như thế, mắc kẹt trong ống khói, hổng ai hay. Mười năm sau, khi còn là một xác quắt queo vì bị xông khói người ta mới biết tại sao chú em hành nghề đạo chích nầy đột nhiên mất tích.
Rồi hai ngày trước Giáng Sinh, Jimmy lái một chiếc xe buýt nhỏ để chở 12 tù nhân đi điều trị bức xạ tại một bệnh viện gần đó.
Cuối năm là mấy ngày vui, nên tù nhân mời Jimmy một ly. Vì vậy, họ dừng lại ở quán rượu Rose và Crown, Ai cũng có một ly chúc mừng nhau.
Uống xong Jimmy đi “xì trum”. Xong ra, tất cả các tù nhân đã biến mất. Jimmy lái xe vòng vòng hơn nửa tiếng đồng hồ để kiếm mấy ngài bạn quý của mình. Nhưng bóng chim tăm cá.
Làm gì bây giờ? Cái khó là nó ló cái khôn hè. Xưa giờ cũng vậy. Jimmy bèn dừng lại một trạm buýt nơi khách đang chờ xe để về nhà ăn mừng lễ.
“Mại dô! Mại vô! Xe buýt miễn phí cho ai muốn về nhà nè. Nhưng chỉ đúng 12 chỗ thôi. Ai lẹ chân thì còn; chậm chân thì ráng đợi!”
Nghe vậy, 12 ông vội leo lên ngồi và Jimmy chở họ thẳng vô nhà tù. Xong đánh xe chuồn mất.
Thật đáng ngạc nhiên, cái trò láu cá của anh chàng tài xế nầy chỉ được phát giác vào năm mới. 12 ông khi khổng khi không bị ở tù một cách lãng nhách hè.
Đoàn Xuân Thu
Melbourne