Mấy ngày nay bạn bè, bà con đang nô nức đón Tết với những hình ảnh hoa mai hoa đào nở rộ hay hội chợ rộn ràng màu sắc nơi quê nhà được chia sẻ trên FB, Viber, Messenger... Ở xứ Úc cũng không kém, các hội chợ Tết tổ chức vào mỗi cuối tuần đã có cả tháng nay với số lượng người tham gia đông đảo, tuy nhiên không khí Tết có lẽ cũng không thể nào sánh bằng quê nhà.
Năm nay, ngày Tết lại rơi vào ngày thứ Ba, nên chắc quê người vui Tết cũng kém trọn vẹn, nhất là những người vẫn còn đi làm, đi học. Chỉ tội cho người già về hưu chắc phải ngồi nhà trông ngóng con cháu đến chúc Tết đến đau cổ mỏi mắt, ngày Mồng Một mà nhà vắng tanh, vì tan trường cũng phải 3 giờ chiều, còn tan sở sớm lắm cũng 5 giờ chiều, vậy là gần hết ngày Mồng Một Tết rồi! Con cháu đến chúc Tết cũng không thoải mái ở lâu vì cần phải về nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị cho công việc ngày mai!
Tết phương xa là thế!
Má tôi, mới đầu tháng Chạp là đã hỏi các con “năm nay các con có ghé nhà cúng Giao Thừa không?” Mấy chị em tôi bàn bạc rồi đành chọn ngày 29 Tết (tức là ngày Chủ Nhật) để nấu ăn và họp mặt cùng nhau, vì ngày 30 nhằm thứ Hai, làm sao nghỉ việc, nghỉ học mà hội họp? Thế là má đành du di “Ừ, cũng được, ngày 30 má cúng trái cây vậy!” Thương làm sao!
Tết Nguyên Đán ở xứ người khó lòng giữ được nét truyền thống vì phụ thuộc vào ngày tháng. Bất cứ tiệc tùng, lễ hội gì cũng phải sắp xếp vào hai ngày cuối tuần thì mới có người tham dự đông đủ, bởi thế mới thương cho các cụ già Việt Nam xứ người, dù muốn giữ những nghi thức cổ truyền nhưng cũng đành phải phiên phiến mà thôi, (chỉ là các cụ già chứ lứa tuổi 50, 60... thì đã lơ bớt từ lâu rồi). Chả bù với quê nhà, những ngày này tha hồ mà bận rộn trong nhà ngoài ngõ. Từ việc sắm sửa bánh mứt, trang hoàng nhà cửa... đến việc tảo mộ, cúng quảy... nhất nhất phải chi li tươm tất.
Nhớ những ngày này năm nảo năm nao, gia đình tôi cũng bận rộn như thế. Ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp) là học trò đã được nghỉ học đón Tết, vậy là có việc cho lũ nhóc ngay thôi. Anh tôi thì phụ với ba lo việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và bàn thờ, còn đám con gái thì phụ má lo làm bánh mứt. Nhớ nhất là đổ bánh thuẫn, cực kinh khủng vì thời đó làm gì có máy đánh trứng, lò nướng điện hay gas như bây giờ, chi nên đánh trứng bằng tay mướt mồ hôi, rồi màn nướng bánh phải quạt than để trên lò nướng sao cho bánh vàng đều... trần ai ấy chứ, nên đứa nào cũng ngán vì mặt mũi lấm lem than củi và mồ hôi!
Chỉ riêng màn gói bánh chưng, bánh tét thì tuy cực nhưng vui nên đứa nào cũng thích. Hôm trước lo chuẩn bị ngâm đậu, ngâm nếp, lau lá, tước lạt ngâm nước cho mềm để cột bánh (lạt chẻ từ ống tre), mấy chị em vừa làm vừa tám chuyện nên không thấy mệt, thịt heo thì má lo. Sáng sớm hôm sau lo đãi đậu hấp chín, đổ nếp ra rổ để ráo là bắt đầu công việc gói bánh. Má là chủ tướng, ngồi gói vài ba bánh đầu tiên cho con gái học việc, thế rồi đám con gái lau nhau a vào gói! Kệ, bánh có méo, có xấu cũng chẳng sao, cái nào tệ quá thì má lại ra tay sửa lại, còn thì cho qua tất! Ba và anh thì lo việc cột dây. Những cái bánh gói khéo thì dành để biếu, còn những cái bánh vụng về thì để nhà ăn, vả lại má tôi gói rất nhanh, nên dư bánh để biếu tặng và chưng bàn thờ, do đó bà rất dễ dãi cho lũ con quậy! Thường thì má hay ngâm dư đậu nếp, để khi gói xong đủ số bánh cần thiết là má cho chúng tôi tha hồ “sáng tạo” kiểu bánh của mình. Chính vì thế mà lũ nhóc chúng tôi rất thích phụ mẹ gói bánh, rồi thức để canh bánh cũng thú vị vô cùng.
Trời mùa đông ở Saigon những năm đó vẫn còn cái se lạnh về đêm, ánh lửa bập bùng của than củi làm đám trẻ ngồi quanh được ‘ấm áp“ với... những củ khoai lang lùi, bắp nướng... rồi những cái bánh của chúng tôi sẽ được vớt ra sớm và “thanh toán” ngay “hiện trường”, hỏi sao mà không “khoái”? (Sau này, những năm con tôi còn nhỏ, tôi cũng bày ra nấu bánh và lũ nhóc cũng thích thú không kém!)
Ngày Mồng Một, lũ nhỏ “tự giác” thức dậy thật sớm, lo diện quần áo mới, nhẩm lại các câu chúc Tết sao cho chuẩn, rồi nhẩn nha chờ Ba Má... Vừa thấy Ba Má xuất hiện nơi phòng khách là lũ nhỏ tự động xếp hàng một, lớn trước, nhỏ sau rồi những câu chúc Tết “tuôn“ ra, và phong bao lì xì cùng lời nhắn nhủ của ba mẹ được các con “hồ hởi” đón nhận (dĩ nhiên phong bì đỏ được welcome hơn là cái chắc!). Cũng lạ là trong ba ngày Tết, món ăn ngon nhưng đứa nào cũng ăn ít mà chỉ ngong ngóng được phép chạy ra đường chơi... bầu cua cá cọp!
Vậy đó, nhưng những cái Tết an bình no đủ không kéo dài lâu, năm 1975 người dân miền Nam Việt Nam đã chật vật, điêu đứng và ly tan... để đón Tết Nguyên Đán!
Gần 40 năm xa xứ, Tết nào gia đình tôi cũng tụ họp, dù sớm hơn hay muộn hơn tuỳ theo cuối tuần rơi vào ngày nào. Cũng may là má tôi luôn muốn giữ lại chút truyền thống ngày Tết cho con cháu nên đám cháu chắt sinh ra nơi hải ngoại cũng hình dung được ít nhiều phong tục ngày xuân, dĩ nhiên ngoài món ăn khoái khẩu mà chỉ có ngày Tết gia đình chúng tôi mới nấu, thì phong bao lì xì và trò chơi đổ xăm hường (trò chơi của người Huế) cũng là những thích thú mong đợi của lũ trẻ. Chúng nó tin rằng ngày Tết đổ Trạng thì suốt năm sẽ gặp may mắn, thuận lợi!
Năm nay Tết không rơi vào cuối tuần nhưng tin rằng người phương xa vẫn luôn nhớ phong tục đón Tết để sắp xếp cho cuộc họp mặt đoàn tụ gia đình lúc nào thuận tiện nhất. Cũng như phố xá những vùng đông người Việt cũng đã bày bán bánh mứt hoa quả, tuy không rộn ràng rực rỡ như ở quê nhà nhưng cũng là phần nào nhắc nhớ đến cái Tết cổ truyền của dân tộc ta.
Đó là đón Tết nơi quê người. Còn quê nhà thì sao?
Hình ảnh rực rỡ, nhộn nhịp được chia sẻ qua trang mạng, qua báo chí có nói lên đúng thực trạng cuộc sống người dân không? Thôi thì hãy cầu mong năm nay mọi người trong nước sẽ được hưởng một cái Tết Kỷ Hợi sung sướng, no đủ, an nhàn như “tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”. Chỉ là giấc mơ viển vông hay có thể thực hiện???
Hồ Diệu Thảo