1-
Mùng Ba Tết năm tôi học lớp Đệ Tứ. Mặc dù trong trí luôn chú tâm đến kỳ thi Trung Học sắp đến. Tôi theo đoàn lân trong xã của các bạn trẻ và nhóm “đá gà” của mấy ông lớn tuổi hơn qua mấy xã lân cận. Đoàn lân luôn ồn ào với tiếng trống, tiếng chiêng. Thỉnh thoảng lại đốt một phong pháo chuột khi múa ngang các đình, chùa hay trụ sở các xã, ấp. Lân múa thật đa dạng, dẻo dai vì đa số các em là võ sinh trong lớp võ của chú Tình. Chú là trưởng đoàn lân, cũng là Hội Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo của xã. Thật tình tôi tháp tùng đoàn lân không phải vì ham vui. Tôi muốn quan sát một khía cạnh truyền thống của ngày Tết dân tộc. Đoàn lân múa càng xa, càng đông trẻ nhỏ nhập bọn. Chú Tình thật khôn khéo. Ngoài con lân chính, chú còn thiết bị con lân nhỏ hơn. Chú dạy cho lũ trẻ trong các xóm múa thử với mục đích truyền bá kỹ thuật múa lân dân gian.
Gần đến trưa, đoàn lân múa dọc theo bờ sông Cái Muối. Chú Tình biểu tôi tìm quán nào đó đủ chỗ cho các em tạm nghỉ và ăn trưa. Càng đi sâu vào trong xóm tôi gặp nhiều bạn học chung trường. Chúng tôi đang nghỉ chân trong cái quán nước tại bến đò, gần vàm (cửa sông), bên bờ Sông Tiền. Đầu lân, chiêng trống để ngổn ngang trong sân và bên ngoài vách quán. Bỗng nhiên tôi gặp một nhóm học trò trai gái trong dáng áo dài hay sơ-mi trắng có đeo phù hiệu trường Trung Học Tống Phước Hiệp - Vĩnh Long, tiến vào trong quán nước. Một anh bạn học cùng cấp nhưng khác ban sinh ngữ giới thiệu tôi với các bạn ngụ tại xã Bình Hòa Phước của anh. Tôi hoàn toàn bất động vì một luồng điện cực mạnh chạy qua tim. Tôi tưởng mình bị nghẹt thở khi được giới thiệu và nhìn cô học trò tên… Như Hoa. Nàng khẽ cúi chào và không hề lên tiếng…
Từ đó tôi và chút hồn thơ tập tễnh cứ bị thôi miên bởi đôi mắt tròn xoe, chiếm gần hết phần trên của khuôn mặt. Nàng không khóc mà hình như mi ướt. Cặp chân mày đậm nét vẽ vời một nửa khung trăng. Nàng chẳng nói năng chi nhưng tôi tưởng tượng tiếng oanh vàng. Tôi tự lưu đày hồn tôi trong niềm nhung nhớ vô biên… Chẳng dám tâm sự với ai, chỉ nói cùng thơ tôi những điều huyễn hoặc. Phải mấy mươi năm sau khi đọc lời tự thú của Bà Barbara Bush: “Khi có sự hiện diện của George cùng trong phòng hội là tôi không thở được”. Tôi mới tin hiện tượng sét đánh trong tình yêu như tôi là có thật! Tôi loay quay tính kế nhưng không biết làm sao gặp được cô nàng. Nhà nàng ở tận ngoài vàm sông Cái Muối mà tất cả bạn bè tôi đều ở trong ngọn!
Tôi có thằng bạn chơi thân tên Hà, mồ côi cả Cha Mẹ, học nơi trường bán công. Hà học buổi chiều nên sáng thường hay đi chợ mua tép cá, rau củ về nhà trọ nấu ăn. Nhiều khi Hà phân trần là phải nhờ cô cháu Bé Ba phụ làm cá, ướp sẵn để Hà mang qua nhà trọ kho cá, nấu canh, cơm cho nhanh.
Sau Tết Mậu Thân tôi ghé qua nhà Cậu của Hà, gần chùa Tịnh Độ trên đường Đồng Khánh, Vĩnh Long thăm anh chàng. Bất ngờ tôi được gặp cô học trò tên Bé Ba… người đã từng sửa soạn thức ăn cho tôi. Trái tim tôi lại một phen lỗi nhịp và thêm một lần nghẹt thở… vì cô cháu Bé Ba của Hà chính là cô Như Hoa bên Bình Hòa Phước.
Rồi tôi được dạy kèm toán và Anh văn cho cô cháu vì mới rồi tôi thi đậu Tú Tài hạng Bình! Tôi có chút tài mọn là làm thơ, viết văn, “ca không hay mà đàn nghe cũng dở”, còn bày đặt thổi sáo trúc nữa. Tài mọn vừa đủ để cô cháu quý mến… đến nhớ nhung hồi nào không hay… Riêng tôi “thương em từ thuở Mẹ về với Cha” nên nhớ thương là chuyện đã rồi…
2-
Trong quá trình học bay và trở thành phi công thời chiến. Tôi phải qua các căn cứ Không Quân Hoa Kỳ như Lackland AFB để thi lấy chứng chỉ Anh Văn Bộ Quốc Phòng, Randolph AFB bay 30 giờ thử nghiệm trên phi cơ T-41, Keesler AFB bay chừng 180 giờ trên máy bay T-28 A và T-28 B. Tốt nghiệp, lãnh mảnh bằng phi công, được Thầy Smith gắn đôi cánh bạc đại bàng. Chương trình học theo tiêu chuẩn Không Quân Mỹ nên khá nặng và bận rộn. Khổ nhất là nhớ người yêu và “phê’ nhất là biên thư gửi nàng… Nên mỗi tuần tôi viết hai lá thư kiểu văn thơ thời mới biết yêu mà phải xa nhau…”Yêu là sướng trong lòng không ít”. Tình yêu còn là động lực giúp ta mạnh mẽ hướng về tương lai… Lá thư nào cũng có thơ, hình chụp và vẽ viết chì, viết mực để nàng đóng thành tập ”làm bằng chứng yêu em”.
Thời gian này Không Quân Hoa Kỳ đang chuyển giao phi cơ C123k cho Không Quân Việt Nam. Thế nên tôi nhận Sự Vụ Lệnh lên Lockbourg AFB, phố Columbus, Ohio để bay xuyên huấn C123. Mùa đông trước Tết năm 1970, khóa chúng tôi bay cross country đến căn cứ nhảy dù Fort Campell để thực tập thả lính tân binh nhảy dù. Đó cũng là phi vụ cuối cùng trước khi tốt nghiệp. Xui một điều là khi về lại Columbus, Ohio, gặp bão tuyết không đáp được. Đành phải xuôi Nam đáp phi trường giải tỏa. Cái xui thứ hai của tôi là khi lãnh lương trong lúc tuyết rơi nhiều. Lại còn mang rượu ra Flight Line tặng Thầy đang dạy khóa kế tiếp, nên cái check rớt đâu đó và bị tuyết phủ mất. Tôi phải cuốc bộ đến phòng tài chính làm thủ tục stop payment!
Phi Đoàn 421 sắp thành lập là đơn vị C123k đầu tiên trong 3 Phi Đoàn. Tất cả nhân viên phi hành từ Phi Đoàn Trưởng, trưởng phi cơ, co-pilot, cơ phi, áp tải đều đang được huấn luyện, check out hành quân bởi các Không Quân chuyên ngành Hoa Kỳ tại căn cứ Không Quân Mỹ ở Phan Rang. Lúc này là mùa xuân năm 1970. Chúng tôi được phi cơ thuộc Sư Đoàn 5KQ đưa ra Phan Rang mỗi chiều Chúa Nhật và chở về Sài Gòn mỗi chiều Thứ Sáu. Tôi có người bạn học cùng quê đang làm việc trong Bộ Tổng Tham Mưu. Cô có đứa em gái tên Phụng đang làm sở Mỹ trong Trung Tâm Macv. Cô Phụng đang yêu anh Trung Úy William Daiss* và họ muốn làm lễ thành hôn ở Khách Sạn Continental, gần trụ sở Quốc Hội. Đại diện nhà trai là vị Thiếu Tá Trưởng Phòng của William. Hai chị em cô Phụng nhờ tôi làm đại diện nhà gái. Lý do vì Ba Má hai cô dưới quê phản đối chuyện con gái lấy chồng nước ngoài nên không chịu lên Sài Gòn dự hôn lễ.
Lễ cưới theo thủ tục nhà binh Hoa Kỳ nên cũng gọn, không rườm rà như đám cưới Việt Nam. Đa số mặc quân phục, kể cả chú rể nên tôi cũng vận áo bay tác chiến, khăn quàng xanh quấn cổ. Tất cả khách dự chỉ chừng 30 người. Uống nhiều hơn ăn! Sau đám cưới thì Phụng rời nhà trọ ở gần cổng xe lửa, bên hông Tổng Tham Mưu, dọn vào khách sạn với chồng.
Phi Đoàn 421 nhận lại cơ sở của một Phi Đoàn Mỹ, nhìn ra Đài Kiểm Soát Không Lưu và bến Hàng Không VIP Quân Đội. Chúng tôi lo chỉnh trang Phi Đoàn cho đẹp. Thiết kế Câu Lạc Bộ trông thật sang. Năm 1970 chiến trường chưa thật sự sôi động nên chúng tôi dạo phố Sài Gòn nhiều hơn ra trận mạc. Nhờ thăm viếng vợ chồng Phụng - William tôi quen Trung Tá Không Quân Bob Klien*, cùng làm việc tại Macv với William. Ông từng phục vụ tại Đại Hàn trước khi đến Việt Nam. Ông kể cho tôi nghe nhiều về nhân vật huyền sử trong chiến tranh Triều Tiên John Paul Van. Một mình tiếp tế đạn, lưu đạn bằng phi cơ quan sát cho Đại Đội Trinh Sát, bị bao vây bởi Lực Lượng nhiều gấp 5 lần, trong khi chờ viện binh giải tỏa. Khi phục vụ tại Việt Nam, ông Van từng là Cố Vấn cho Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Ông cũng là Cố Vấn Trưởng Vùng II Chiến Thuật và tử nạn phi cơ trên đường từ Pleiku bay lên Kontum thăm Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Trung Tá Klien chỉ tôi đến phòng Offshore Attachment trong Bộ Tư Lệnh Không Quân để khiếu nại về cái check bị mất. Chừng vài tuần sau tôi được viên Trung Sĩ KQ Mỹ gọi và dẫn đến PX, đổi cái check ra tiền Việt Nam.
Tháng Mười năm 1971, tình hình chiến sự nơi 3 Vùng Chiến Thuật I, II và III có những biến động đáng kể. Việt cộng chuyển quân tập trung quanh các tỉnh Quảng Trị, Komtum và Bình Long. Các phi đoàn C123 cũng bắt đầu chuyển các lực lượng tinh nhuệ trừ bị như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân đến trấn thủ những địa điểm quan trọng. Trong khi đó Sài Gòn vẫn sinh hoạt yên bình, dân Sài Gòn vẫn tự vấn…
”Bao giờ Sài gòn nắng dịu, thu sang. Để gió miên man đuổi chiếc lá vàng. Để lòng chợt buồn nhớ người yêu dấu. Thu chỉ riêng mình như mây lang thang”.
Tháng Mười tình yêu và tim tôi đầy tràn hạnh phúc. Ánh mắt nụ cười Như Hoa không làm tôi nghẹt thở nữa… Chúng tôi có một lễ cưới thôn quê truyền thống dễ thương. Rước dâu bằng “đò máy”… Đò dọc song song trên dòng Sông Tiền, chàng phi công sánh đôi cô gái hiền. Đôi mắt tròn trăng, miệng cười hoa nở. Ngỡ lướt cánh bằng đưa rước nàng Tiên. Vì tình hình binh lửa nên ngay sau ngày đám cưới là tôi phải đi bay. Không tuần trăng mật, không bát phố đường thu… Chúng tôi ở trọ sát bên nhà thờ Tân Sa Châu, gần Lăng Cha Cả cho đến năm 1973 mới dọn vào trong cư xá gia đình Không Đoàn 53 CT/ SĐ 5 KQ. Ngay phía trong rào căn cứ TSN, nhìn ra Ngã Tư Bảy Hiền.
Vợ chồng tôi khó có con. Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bảy và Nữ Bác Sĩ Mỹ, phòng mạch trên đường Bùi Thị Xuân (?) là hai vị lương y chuyên ngành “hộ sinh” nổi tiếng ở Sài Gòn thời đó. Bác Sĩ Mỹ là tình nguyện viên trong viện mồ côi An Lạc, nơi chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ bụi đời, con lai… do Madam Ngãi sáng lập và điều hành với sự hỗ trợ tài chánh của nhiều cơ quan từ thiện Hoa Kỳ. Nổi bật nhất là viện H.A.L.O. (Helping and Loving Orphans) do Bà Betty Tisdale làm Giám Đốc. Bà Betty có 5 đứa con nuôi Việt Nam từ năm 1970. Bác Sĩ Mỹ khuyên và muốn giới thiệu cho chúng tôi nhận con nuôi.
Bà Betty Tisdale
Vừa bước vào khu sinh hoạt trẻ em của Viện Mồ Côi An Lạc, chúng tôi gặp “mắt bồ câu”đang đứng một mình cạnh cây mai đầy hoa vàng, lá nõn chồi non. Bé gái đang ôm con búp bê nhỏ, mặc áo hường còn mới tinh. Mắt Bé gái tròn xoe, tóc hoàng kim, da trắng. Mới nhìn ai cũng biết Bé là con lai. Một trùng hợp lạ lùng là trong những món quà chúng tôi mang theo để tặng viện, cũng có cô búp bê áo hường, tóc dài như của Bé. Chỉ khác chút là lớn gấp đôi và xinh hơn vì là hàng nhập cảng.
Chúng tôi có cảm tình với bé từ giây phút đầu gặp gỡ. Tôi đến bên Bé và mở lời:
- Chào con. Con tên gì? Búp bê của con đặt tên chưa?
- Dạ con tên Mai. Bà Sơ Mỹ gọi con là Mary. Em con chưa có tên.
Giọng Bé không rụt rè. Bé có vẻ thông minh. Tôi nghĩ vậy nên gạ hỏi:
- Cô Chú có con búp bê này. Là chị của búp bê của con đó. Con có muốn không?
- Dạ con muốn nhưng con phải hỏi Bà.
Bé vừa nói vừa cười để lộ cặp răng sún với đồng tiền duyên trên đôi má.
- Cô chú hỏi Bà hộ con nhen. Bà ở đâu Cô chú gặp được không?
Chúng tôi diện kiến Madam Ngãi với sự kính trọng đặc biệt. Dáng Bà thật nhân hậu, nói năng điềm đạm. Đúng là một hoàng hậu của tình thương yêu bất vụ lợi. Bà quan sát và định giá xem chúng tôi có đủ tình thương và điều kiện nhận con nuôi. Tôi đã đoán trước nên ăn mặc chỉnh tề. Diện áo bay, nhà tôi mặc áo dài truyền thống cổ cao. Tôi lái xe Vespa và mang nhiều quà nhập cảng. Nghĩa là có làm bộ “đàng hoàng” hơn thực tế.
Trong khi làm giấy tờ nhận Bé Mai làm con nuôi. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là Mẹ của Bé quê ở Vĩnh Long, cùng quê với chúng tôi. Cô ấy cũng tên Mai. Hồ sơ thân thế Bé Mai chỉ có vậy! Những lần thăm viếng kế tiếp chúng tôi được phép tặng Bé Mai một vòng đeo tay bằng vàng y có khắc tên Mai và tên chúng tôi phía bên trong.
3-
Xế trưa ngày 3 hay 4 tháng 4, năm 1975 phi hành đoàn C130 thuộc Phi đoàn 435 chúng tôi đang load 4 pallets chất nổ để bay đi thả đâu đó nơi chiến khu D của Việt Cộng. Đây là những phi vụ chiến lược thả bom từ cao độ nhằm khuấy rối, đánh lạc hướng đối phương. Phi cơ được hướng dẫn bay bằng radar. Phi hành đoàn phải mang mặt nạ dưỡng khí. Lúc này Vùng I chiến thuật đã thất thủ. Mặt trận địa đầu đang ở Khánh Dương. Một Lữ Đoàn tinh nhuệ Nhảy Dù cùng với các lực lượng Biệt Động Quân đang anh dũng chống lại nhiều sư đoàn cộng sản. Trong khi tại Tân Sơn Nhất, mỗi tối đều có các chuyến bay C130 và C141 của Không Quân Hoa Kỳ chở người di tản sang đảo Guam, nằm giữa biển Thái Bình Dương. Nơi phát xuất nhiều phi vụ B52, thả bom trải thảm hỗ trợ các trận đánh lớn của QLVNCH. Một phi hành đoàn C130 đã đưa gia đình bay qua Singapore. Hai phi hành đoàn đang chuẩn bị “đi dẫn độ” phi công và phi cơ trở về. Vài phi công vắng mặt khi điểm danh mỗi chiều tối.
Phi cơ vận tải C-5A Galaxy cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất
Trong khi đợi load hàng và nhân viên chất nổ. Chúng tôi thấy 1 phi cơ khổng lồ C5 Galaxy của KQ hoa Kỳ đáp xuống phi đạo 25L. Phi hành đoàn chúng tôi bảo nhau:
- Ủa ! Giờ này Mỹ còn tiếp tế? C5 là để chở chiến cụ mà!
Khoảng 4 giờ chiều chiếc Galaxy cất cánh cùng trên phi đạo 25L, quẹo trái, bay lên cao độ theo hình vòng cung lớn về hướng Vũng Tàu. 4 giờ 30 chúng tôi gọi đài kiểm soát:
- Saigon tower. Hercules 472, number one position at hot cargo for take off runway 25R”.
- Roger! 472 . All runways are closed. A C5 Galaxy makes emergency landing shortly!
Chúng tôi nghe tiếng còi xe cứu hỏa hụ inh ỏi. Nhìn về phía trái thì thấy một phi cơ đang bay “cận tiến” flight path xuống cao độ hơi thấp. Không chắc về tới phi trường TSN. Tôi la lên:
- Chết cha! Sao không đáp Biên Hòa? Phi trường Biên Hòa cũng dài 10,000 bộ mà!
Ngay lập tức chiếc Galaxy bị mất cao độ thật nhanh rồi mất dạng sau các hàng cây cao. Chúng tôi ước lượng phi cơ rơi phải còn cách phi đạo hơn một cây số.
Chúng tôi cất cánh phi đạo 25R và rẽ phải nên không thấy rõ hiện trường. Một cột khói đen đậm bay lên cao, cho chúng tôi biết phi cơ đang cháy vì vừa mới tiếp tế đầy xăng để bay xuyên Thái Bình Dương. Thi hành xong phi lệnh, chúng tôi trở về TSN. Quan sát hiện trường từ độ cao, khói vẫn đen kịt. Trực thăng cấp cứu đáp khá xa phi cơ lâm nạn. Phải mất mấy ngày sau tôi mới biết đó là phi vụ Baby Lift chở trẻ mồ côi từ Sài Gòn qua Philippines.
Tôi trở lại viện An Lạc tìm tin tức mới biết có 229 trẻ mồ côi và 85 nhân viên Mỹ trên chuyến bay. 78 em tử thương được hỏa thiêu và đưa tro qua Thái Lan, nơi nghĩa trang Công Giáo. Bé Mai có tên trong danh sách di tản nhưng chưa có danh sách nạn nhân.
4-
11 giờ sáng ngày 30 tháng Tư, 1975 vợ chồng tôi cùng nhiều gia đình KQ khác đến sân bay Utapao, Thái Lan bằng chính phi cơ của PĐ 435 mà mình phục vụ từ ngày Phi đoàn mới thành lập. Chiều hôm sau chúng tôi đến đảo Guam bằng phi cơ C141 của KQ Hoa kỳ. Chúng tôi ngạc nhiên thấy đã có 16 chiếc C130A của 2 phi đoàn 435và 437 đậu sẵn ở đó. Cờ VNCH trên đuôi phi cơ bị xóa bằng màu nước sơn “ngậm ngùi”!
Sáng sớm hôm sau chúng tôi đến văn phòng Hồng Thập Tự nhờ tìm Bé Mai. Mặt khác chúng tôi gọi Ông Bà Đại Tá Klien, đang phục vụ tại phi trường Kelly, bên ngoài San Antonio, Texas. Chúng tôi cũng gọi vợ chồng Đại Úy William - Phụng đang đóng quân ở trường Bộ Binh Fort Benning, Georgia, nhờ tìm tông tích ”mắt bồ câu”. Ở đời có những sự việc xảy ra khó giải thích. Cô bé lọ lem thành nàng Tiên! Cinderella thành công nương! Chỉ hai ngày sau William tìm ra Mary (Bé Mai). Chiếc vòng đeo tay có khắc tên vợ chồng tôi và tên Bé vẫn “vàng mai” quanh cổ tay Bé gái! Bé Cinderella Vĩnh Long có cơ hội về với Ba Mẹ Vĩnh Long! May mắn thay! Fort Benning (trung tâm huấn luyện Bộ Binh nổi tiếng Hoa Kỳ. Nhiều Sĩ quan VNCH tu nghiệp, tốt nghiệp trường này đều là các Sĩ Quan xuất sắc trong quân đội) chính là nơi đang chăm sóc một số đông trẻ mồ côi Việt Nam, chờ Cha Mẹ nuôi làm thủ tục nhận về. William và Phụng đang có 2 con trai, gái. Giờ phải chăm sóc thêm Bé Mai, cùng trang lứa với các con. Chính hai vợ chồng William phải co-sign tài chánh để vợ chồng tôi hoàn tất thủ tục nhận con.
Mãi về sau khi có nhu cầu tìm hiểu về chuyến bay xấu số C5 Galaxy. Chúng tôi được biết đó là chuyến bay đầu tiên trong chiến dịch Baby Lift đưa 229 trẻ mồ côi trong tổng số 3,300 cô nhi ra nước ngoài. Do yêu cầu của các cơ quan như Holt International, Friend of all Children, Catholic Relief Service, International Orphans… Khi phi cơ bay khỏi Vũng Tàu 14 dặm, độ cao 27,000 bộ thì 2 cánh cửa phi cơ bị nổ tung. Áp suất bị mất, hơi nước và mảnh vụn của phi cơ bay ngược vào khung phòng hành khách và phòng lái. Hai cánh cửa bị bay mất, một nhân viên phi hành bị hút khỏi phi cơ, rơi xuống biển là chief loadmaster Ray Snedegar. Hai trong 4 hệ hống thủy điều hư hỏng làm cho rudder (điều khiển phi cơ qua lại trái phải), elevator (điều khiển phi cơ lên xuống) không hoạt động. Đại Úy Trưởng phi cơ Dannis Traynor, hoa tiêu phụ Đại Úy Tilford chỉ còn 1 trong 2 ailerons (nghiêng cánh quẹo phải, trái) và tay gas để điều khiển phi cơ mà thôi! Tuy vậy hai ông đã tài tình đưa phi cơ trở về hướng TSN. Xuống đến 4000 bộ, cận tiến (final approach) với tốc độ 255 knots. Dự trù đáp phi đạo 25L, TSN. Khi còn cách phi đạo 2 km, phi cơ bị mất cao độ quá nhanh. Tăng tốc và giữ độ cao bằng cách cho máy chạy tối đa, nhưng không có kết quả. Phi cơ crash giữa ruộng lúa. Trượt thêm hơn nửa cây số, va vào bờ đê sông Sài Gòn. Vì còn tốc độ lớn nên phi cơ bay khỏi mặt đất. Chạm đất trở lại bên kia sông Sài Gòn. Theo lời kể của Đại Úy Keith Malone, 3rd- pilot thì khi phi cơ lướt trên ruộng, sình bùn văng đầy cửa kiếng nên chẳng ai biết làm gì hơn là cong mình, đầu giữa hai đầu gối theo thủ tục Crash phi cơ. Phi cơ chạm mạnh vào bờ đê, bay lên rồi lật úp và vỡ thành 4 mảnh. Xăng bốc cháy nơi 2 cánh và một phần khung phòng hành khách.
Kết quả trong tổng số 314 người trên phi cơ. 153 tử vong, trong đó có 78 trẻ em, 11 nhân viên phi hành, 35 tình nguyện viên làm việc cho Bộ Quốc Phòng (đa số là các Dì Phước và Y Tá)
Sau khi điều tra, được biết nguyên nhân gây ra tai nạn thảm khốc chỉ vì 5 trong 7 pin locks nơi ramp phi cơ không hoạt động đúng mức. Các pin của ramp không giữ 2 cánh cửa ở vị trí đóng và khóa. Khi phi cơ lên cao độ, các pin còn lại không giữ nổi lực ép áp xuất. Ngoài ra phi hành đoàn cũng gặp trở ngại khi đóng ramp và door trước khi cất cánh (ramp hạ xuống để xe tăng, xe tải, hàng hóa, người vào khung phòng. Doors mở ra 2 cánh như cửa nhà).
5-
Mùa xuân đất trời cây xanh lá nõn. Ngàn hoa đua nở, ong bướm lượn tìm. Luống tuổi đời xuân ngự mãi trong tim. Mỗi kỷ niệm trở thành niềm tâm sự. Sắp sửa sẽ là Spring Break. Cháu Ngoại về thăm từ trường Y Khoa. Cháu đẹp hơn Mẹ, Mẹ đẹp hơn Bà. Và ta thanh thản với tuổi già… Tôi viết truyện ngắn này nhầm nhắc lại sự kiện lịch sử xã hội và đời sống Việt Nam vào những ngày cuối Tháng Tư đen. Chúng ta thật sự kính trọng những tâm hồn cao thượng, như Bà Vũ Thị Ngãi, Bà Betty Tisdale, Angelina Jolie… và tất cả các thiện nguyện viên đã vì mạng sống con người mà dấn thân thậm chí hy sinh tính mạng. Hoàn toàn khác với tư tưởng Cộng sản, coi sinh mạng dân tộc là phương tiện để đạt tới cứu cánh. Sự kiện pháo kích bừa bãi vào thành phố, trường học, đại lộ kinh hoàng, giết lầm hơn bỏ sót… là những chứng minh rõ ràng nhất.
Bé Mai tóc vàng luôn là hiện tượng lạ trong các quán ăn. Bé chăm sóc, lấy rau, giá, vắt chanh vào tô phở cho Ba Mẹ mũi tẹt, tóc đen nên ai cũng nhìn. Bé nói, đọc, viết tiếng Việt. Mai thích mặc áo dài truyền thống, đi chùa thắp hương lễ Phật… Cháu ngoại gia nhập Gia đình Phật Tử, dự các lớp học Việt ngữ… Múa nón, múa dù, múa quạt, trình diễn áo dài v v… Mùa hè năm 2005 Mai cùng hơn 50 cựu hành khách trong chuyến bay C5 Galaxy số danh bộ G-68-0218 cùng trở về Việt Nam. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của chúng tôi, Mai tìm được gia đình. Mẹ của Mai đã mất. Còn lại hai đứa em trai cùng Mẹ khác Cha. Với tiền lương Dược Sĩ, Mai giúp hai em mình tiền mua đất và cất nhà bên hương lộ tỉnh Vĩnh Long. Nhà của vợ chồng Mai có sẵn một phòng riêng dành cho Ba Mẹ khi tuổi già. Phòng tắm gắn tay vịn, cửa riêng ra nhà xe và cửa trước có ramp cho xe lăn. Trên tường và bàn đọc sách trang trí nhiều hình chụp chung với Ba Mẹ khi Mai còn nhỏ. Mặc dù chúng tôi không dự trù ở chung với con rể và hãy còn khỏe mạnh… Mai là hoa của Mùa Xuân. Chuyện kỳ ngộ của chúng tôi chắc có từ trùng trùng duyên khởi. Bé giấu biệt nỗi buồn vào nội tâm. Nên quanh Mai bốn mùa hồn xuân phơi phới… Xuân mãi còn xuân cây lá xanh. Mai vàng tắm nắng, gió đu cành. Tâm tư là bốn mùa hương sắc. Xuân tự lòng ta sống an lành…
*Lần lượt Đại Tá Klien, Đại Úy Daiss về nằm tại Nghĩa Trang Quân Đội trên đường Veterans Memorial Dr. Houston, TX. Ngày Lễ Cựu Chiến Binh nào tôi cũng viến mộ hai vị và cắm thêm lá cờ VNCH, bên cạnh cờ Hoa Kỳ, trước mộ để tưởng nhớ và ghi ơn…
Phạm Tương Như 25/02/2019