User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

chiecbinhco

Đường về quê không còn giống như ngày xưa. Bến bắc Cần Thơ, và Mỹ Thuận đã biến dạng; nơi Nam đã từng để thả hồn theo sóng nước mỗi lần qua đây nhất là những chuyến phà đêm về quê. Bây giờ, nhà xây cất lan ra mặt đường. Nông phẩm, thổ sản phơi ngay trên lộ. Đồng ruộng và bầu trời mênh mông đã cho anh cảm giác bay bổng trong khung trời bao la thuở nào, nay không còn.  Sông rạch, nhà cửa, cảnh sắc nhất nhất xa lạ như Từ Thức trở về từ cung Hằng. Vai mang balô càng nặng khi đường về xa lắc xa lơ. Đôi chân miệt mài cho đến khi thấy cây đa sừng sững cao vút là cái mốc cho biết Nam đã về đến xóm mình ngày xưa. Đây là nơi Nam cùng đám bạn bày các trò chơi, đánh đu quanh rễ cây đa tủa xuống từ các cành, hay ngắm chúng đong đưa mỗi khi có trận gió to. 

Dân chúng trong xóm nhìn Nam như người xa lạ. "Tôi sinh trưởng lớn lên tại đây mà, ai người có biết có nhận ra tôi không?!". Nam lẩm bẩm và khe khẽ hát:  

Về đây nhìn mây nước bơ vơ
Về đây nhìn cây lá xác xơ
Về đây mong tìm bóng chiều mơ
Mong tìm mái tranh chờ
... Lạnh lung ngắm trời mây. (Trở Về của Châu Kỳ)

Bao nhiêu năm nước chảy qua cầu rồi còn gì. Hình ảnh ngày xưa còn bé đã lùi xa vào dĩ vãng.  Lớn lên, chẳng mấy khi Nam có dịp trở về làng vì cuộc sống quân ngũ. Bao nhiêu người trong xóm đã mất, thay vào đó toàn những khuôn mặt xa lạ. Có khi họ là những đứa trẻ khi xưa, giờ làm sao nhận ra vóc dáng. 

Có tiếng xì xầm nhìn Nam chỉ trỏ!

Căn nhà Nam năm xưa không còn vì con lộ xẻ mất phần đất vườn cây ăn trái sau nhà, mà hình ảnh và kỷ niệm còn như in trong đầu. Thuở ấy gia đình Nam nghèo lắm.  Căn nhà củ kỹ mái lá bị dột trước dột sau mà không có tiền thay. "Ông Hai Lý" thấy vậy giúp đỡ và tiếp công thay mái nhà mới. Ông không cho vay, nhưng ba Nam thế "Chiếc Bình Cổ" trong nhà để khi có tiền chuộc lại. Chòm xóm ai cũng nể trọng Ông Hai lý là người-trên-kẻ-trước vì ông lớn tuổi và có lòng từ tâm. Riêng đối với gia đình Nam thì đặc biệt hơn. Má bảo Nam gọi Ông Hai Lý là Ông Ngoại vì bà nói ông giống hệt ngoại ở Cà Mau với búi-tóc-củ-hành và hàm râu dài, đã mất từ lâu mà Nam chưa hề gặp mặt. 

Khi ba Nam mất, căn nhà đã thay đổi nhiều mà gia đình Nam vẫn chưa có tiền chuộc lại bảo vật. Nam đêm đêm cầu nguyện ngày nào sẽ chuộc lại chiếc bình gia bảo dù chưa biết lai lịch của nó.  

Thấm thoát mấy chục năm qua. Tuổi đời chồng chất, đất nước điêu linh, anh cùng hàng triệu người phải chịu cuộc sống thăng trầm xa xứ. Nay trở về làng cũ. Dấu chân giẫm trên phần đất chôn nhiều kỷ niệm. Hơi ấm từng thớ đất len truyền tận tim làm mờ đôi mắt, nhòe cảnh sắc quanh mình. Vật đổi sao dời! Vậy mà chỉ có nhà Ông Ngoại là căn nhà duy nhất trong xóm không có gì thay đổi. Ông Ngoại cũng như xưa, cũng vẫn mình trần trùng trục, hai tay xách hai thùng nước đang tưới mấy chậu kiểng trước nhà. Ông vẫn vận chiếc quần đen quá gối bạc thếch. Cái nhà-giàng để đưa đám tang vẫn còn nằm bên chái nơi Nam hay ẩn trốn khi chơi cút bắt với đám bạn.

- "Thằng Lục Lăn! Cơn gió nào đưa mày về đây!". 

Nam ngẩn người, sao ông nhận ra mình. Cũng gọi anh bằng cái tên ông vẫn thường gọi. Đến bây giờ, Nam vẫn không hiểu "Lục Lăn" nghĩa là gì, nhưng vui vẻ chấp nhận như cái tên mà ông đặt cho riêng anh. Nam lẩm bẩm đáp:

- "Được dịp nghỉ, con về quê thăm bà con và thăm Ngoại",

Nam tiếp:

- "Mà Ngoại nhìn ra con, hay thiệt? Bao năm rồi còn gì! Còn Ngoại không có gì thay đổi!"

Ông để hai thùng nước xuống mấy miếng gạch tàu màu đỏ thẫm ngoài sân, và ra dấu cho Nam vào nhà. Căn nhà đồ đạc vẫn như xưa, nhưng lạnh lẽo trống vắng. Ông rót trà cho Nam và ông.  Đây là lần đầu tiên trong đời Nam được ngồi đàm đạo với ông, chẳng bằng khi xưa mỗi lần gặp ông là Nam chạy mất, chỉ kịp nghe câu ông vói theo "Thằng chó, tới đây biểu!". "Thằng chó""Thằng lục lăn" là cái tên cúng cơm ông thường gọi. Nam đảo mắt nhìn quanh. Nhận ra từng thứ bày biện hình như không hề suy suyển, hay dời chỗ. Riêng "Chiếc bình cổ" của gia đình Nam không thấy đâu, và trên vách có thêm bức tranh. Nam để ý đến chiếc bình cổ vì đó là mục đích của chuyến về quê hôm nay, mong chuộc đem về để trên bàn thờ gia đình, vì đó là ước nguyện của ba khi sanh tiền. Nam chưa hề nghĩ đến giá trị chiếc bình, nhưng là bảo vật duy nhất của gia đình. Nam không hề nghe ba kể lai lịch gốc tích của nó. Nhưng cách trịnh trọng mỗi khi nâng niu chiếc bình, và ánh mắt xa xăm của ba như nói lên huyền thoại liên quan đến chiếc bình cổ.

Mắt Nam đảo quanh nhà, ánh mắt dừng lại từng thứ, từng thứ. 

Như hiểu ý, sau khi nhấp ngụm trà, trầm ngâm, bằng giọng đều đều ông kể:

- "Có lẽ "bây" muốn biết về chiếc bình cổ của ba bây nhờ ông giữ thế chân, khi ông lợp mái và sửa chữa căn nhà của gia đình bây phải không?"

Nam nhận ra ông thay đổi cách xưng hô, xưng "Ông" và gọi Nam là "bây", theo cách dân quê miền Nam.

- "Dạ đúng Ngoại, đó là lý do con về quê hôm nay!"

- "Để chuộc lại chiếc bình đó chắc?". Ông hỏi.

Nam nhanh nhẩu đáp:

- "Đó là một phần, còn phần khác là về thăm làng xóm vì xa nhà đã lâu, mà mỗi lần đi là một lần khó."

Ông chỉ bức tranh trên tường giải thích:

- "Bức tranh này là hậu thân của chiếc bình cổ của bây đó!"

Nam ngạc nhiên, trong khi ông thản nhiên tiếp:

- "Sau khi ba bây mất, ít lâu sau chiếc bình bị nứt... Ngoại cố hàn gắn lại nhưng cuối cùng cũng bị bể làm hai từ miệng đến chân."

Ông trầm ngâm. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi ông xưng Ngoại lần đầu với tôi thật thân tình. Ông tiếp:

- "Bỏ thì tiếc! Giữ thì không biết làm gì! Cuối cùng Ngoại dùng một bên trồng chậu vạn thọ, một bên chứa nước mưa để tưới đám Vạn Thọ. Ngoại để ngay bậc thềm trước nhà chỗ Ngoại để bình nước đó.". Vừa nói vừa chỉ tay chỗ bực thềm gạch tàu ngoài sân.

- "Được đâu một mùa Vạn Thọ tức là vào Tết Nguyên Đán; sau đó cả hai phần đều nứt thêm, coi như "xong" cái bình gia bảo của ba bây."

- "Ngoại để đó ít lâu, vì nó là báo vật của ba bây." Như chợt nhớ điều gì ông nói một thôi một hồi:

- "À Ngoại quên! Ba bây không phải là người ở đây, mà bỏ nhà theo ghe bầu đến Cà Mau, sau khi gặp má bây mới về đây lập nghiệp. Theo ba bây, thì nhà có ruộng đất, nhưng vì trốn nhà ra đi nên nó chỉ lấy trộm trên bàn thờ của nhà Chiếc Bình Cổ lưu truyền mấy đời... coi như "Lá Bùa Hộ Mạng".

Ngoại vấn điếu thuốc rê, cắn bỏ đuôi thuốc, xong kê vào ống khói đèn dầu đốt, bập bập lóe lửa, khói um căn phòng tranh tối tranh sáng. Nam thấy cặp mắt ông thật buồn qua làn khói thuốc. Mùi thuốc rê làm Nam gắt cổ, cố giữ cho khỏi bị sặc nên rơm rớm nước mắt. Ngoại hỏi:

- "Bộ bây buồn mà khóc hả?".

Không đợi Nam trả lời Ngoại tiếp:

- "Chiếc bình ngày một nứt thêm. Rồi một hôm, Ngoại dùng cán búa đập hai nữa cái bình thành từng mảnh vụn. Ngoại vào trong đốt cây nhang lên bàn thờ. Nếu bây hỏi đốt nhang để làm gì Ngoại cũng không biết, nhưng mỗi lần cần sự phò hộ trước những quyết định quan trọng Ngoại đều khấn vái."

Ông nghiêm mặt, tiếp:

- "Bây cũng nên có lòng tin mà làm như Ông.".  Đoạn kể tiếp:

- "Sau đó Ngoại bỏ ra cả tháng trời sắp xếp các mảnh vụn kia. Sắp đi, xếp lại cuối cùng Ngoại vừa ý vì bức tranh kia nói lên được điều Ngoại mong ước." 

Ông chỉ bức tranh và tiếp:

- "Nhưng mỗi người ngắm tranh sẽ có cảm nghĩ khác nhau tùy theo cách nhìn của họ. Ngoại không biết bây nghĩ gì, nhưng ba bây mất rồi, bây lại sống trôi giạt như ba bây hồi đó. Ngoại thấy bây nên thỉnh bức tranh này mang theo hộ thân như cha bây ngày xưa. Ngoại già rồi, bây đừng nghĩ đến đền ơn đền iếc gì, vì chiếc bình năm xưa và bức tranh này vô giá!"

Ông vừa kể, vừa bập bập điếu thuốc rê, đóm lửa lập lòe, khuôn mặt mập mờ, chỉ có đôi mắt sáng rực sau làn khói. Điếu thuốc cũng vừa tàn. Ngoại dán phần còn lại lép xẹp lên cột nhà như xưa ông vẫn làm. Nam đứng dậy, định đến ôm Ngoại để tỏ lòng biết ơn...

"Rầm! Rầm! Ầm! Ầm!". 

Nam giật mình vì tiếng sấm chớp liên hồi.

Bên ngoài trời đang mưa!

Thì ra Nam đang nằm mơ, khi tỉnh giấc vẫn còn luyến tiếc! Giấc mơ nói lên ao ước thầm kín.  Trong đám giỗ tuần rồi, anh có khấn ba phò hộ để chuộc lại chiếc bình cổ, trước chuyến đi ngắn trong vùng vịnh Mexico! Lạ lùng thay, điều khấn được ứng mộng. Và giờ đây Nam đang lênh đênh trên biển trong khi bên ngoài mưa bão. Con tàu lầm lũi theo hải trình. Bọt sóng tung tóe vì biển động. Sấm chớp liên hồi. Mỗi lần thấy chớp Nam nhẩm đếm "Một, hai, ba, bốn..." cho đến khi nghe tiếng sấm. Đây là thói quen thời quân ngũ để đoán xem pháo xạ địch cách bao xa. Cũng vùng đất này, gần hai mươi năm trước Nam đã bay qua không phận trên đường công tác dài hạn tại Nam Phi. Vùng đất vẫn như xưa, nhưng cuộc sống Nam thay đổi rất nhiều, và mỗi hành trình đều có mục đích của nó.            

Trưa nay, sau khi dùng bữa xong Nam được báo thời tiết xấu và tàu đang gặp cơn bão bất chợt do áp suất miền nhiệt đới. Nam trở về phòng, nhìn ra balcony bầu trời sẫm tối, mây nặng hơi nước chùng xuống thấp, kết thành tầng tầng lớp lớp giao tiếp với biển.

Nhìn sóng biển lô xô, mờ dần, mờ dần...

Đầu óc lan man nhớ quê hương, làng xóm. Anh rời quê khi tuổi vừa-quá-ba-mươi mà nay già-thất-thập. Chuyến đi này cũng bất chợt như chuyến rời bỏ quê hương. Bất chợt vì điều Nam không chờ tự nhiên đến. Đi Cruise trong mùa bão tổ ở vùng vịnh Mexico cũng hiểu là chấp nhận rủi ro; cũng như khi xưa rời hải phận Việt Nam trên chiếc LCM-8 nhỏ xíu là thách thức với định mệnh khi nhìn Hòn Khoai ở Cà Mau chìm dần trong sóng nước. Con tàu này đồ sộ tại cảng nay chỉ là chấm nhỏ trong đại dương. Thân phận con người chỉ là bụi mờ trong gió, như người bạn cùng khóa lặng lẽ ra đi cách nay không lâu. Lan man nghĩ về cuộc đời, gia đình, bằng hữu, tình yêu, quê hương, sự nghiệp phút chốc tan như bọt biển... Tâm hồn lâng lâng nhẹ nhàng ru Nam vào giấc mơ...   

Giấc mơ thật kỳ lạ!

Thời gian trùng hợp với đám giỗ ba Nam!

Chiếc-bình-cổ và bức-tranh-hậu-thân!

Anh không tài nào mường tượng hình dung bức tranh, nhưng nhớ câu ông Ngoại nói "Mỗi người ngắm tranh sẽ có cảm nghĩ khác nhau tùy theo cách nhìn của họ". Thật vậy, dù trong đầu Nam bức tranh không tượng hình; nhưng là biểu tượng cho sự tái hợp tuyệt vời trong cuộc sống con người.     

Anh bâng khuâng! Ba anh đã mất khi anh phục vụ tại miền Trung. Ngoại mất ít lâu sau đó. Suốt đời ba làm lụng vất vả nuôi con ăn học, thường dặn dò "Con hơn cha là nhà có phước" khuyên nhủ các con gắng học hành để thoát khỏi cảnh nghèo nàn cơ cực. Ba anh và Ông Ngoại "Ông Hai Lý" là biểu tượng cho nghị lực giúp Nam trong những bước đầu chân ướt chân ráo nới xứ người. Bẵng đi thật lâu, giờ đây hình ảnh ba và Ngoại hiển hiện trong cùng giấc mơ.

Nam lẩm bẩm:

"Chiếc Bình Cổ" và "Bức Tranh Hậu Thân"!

          "Chiếc Bình Cổ" và "Bức Tranh Hậu Thân"!

                   "Chiếc Bình Cổ" và "Bức Tranh Hậu Thân"!

Phải chăng đây là sự nhắn nhủ của ông Ngoại và Ba! Bởi trên đời không có gì vĩnh cửu, cuộc sống mong manh. Hãy nhờ vào lòng tin, chữ tín và tình yêu thương để hàn gắn đổ vỡ; biến cải điều tưởng chừng vô dụng trở thành hữu dụng, như bức tranh vô hình vô giá kia!

Người Mỹ có câu "If it ain't broke, don't fix it", được hiểu là đừng thay đổi gì nếu không hư!  Vậy thì nếu "Nó" bị nứt bể như chiếc bình cổ kia thì nên hàn gắn lại chứ! Cho dù sẽ không hoàn hảo nhưng vẫn tốt hơn một chiếc bình vỡ nát... biết đâu bền chắt hơn xưa! Và, nếu từng mảnh vụn của chiếc bình kia được ghép thành bức tranh như trong giấc mơ thì thật tuyệt... tuyệt vời...!!   

Phạm Văn Hòa