Dạo này tôi hay nhắc về những chuyện vụn vặt của ngày xưa, những kỷ niệm trong xanh hồn nhiên thời thơ ấu lúc nào cũng dịu dàng đến độ khi nghĩ đến tôi cảm thấy lòng mình chợt nhẹ nhàng thanh thản hơn trước những bon chen nghiệt ngã của người đời. Có ai nói rằng, khi hay nhắc đến hai chữ “ngày xưa” đó là dấu hiệu của tuổi già nhưng đối với tôi, một người may mắn có được một tuổi thơ êm đềm thì dòng ký ức ngày xưa luôn trở về thật tha thiết mát dịu như giọt mưa trong lành rơi giữa buổi trưa hè khô hạn.
Ngày xưa ấy tôi còn bé lắm, chưa đứng cao tới cái cột hàng rào cổng nhà nhưng lại thích chồm với các loại cây cỏ hoa lá trên cao. Cùng với cô bạn hàng xóm, tôi hay tha thẩn quanh xóm để hái hoa, bắt bướm. Vào những buổi chiều nắng nhạt, gió liêu xiêu đưa đẩy những bông hoa cánh bướm đủ màu chấp chới trong vườn nhà người khiến lũ trẻ ngẩn nhìn mê mải. Lang thang ra ngoài đầu ngõ có một căn nhà tường rào cao quá tầm mắt chúng tôi lúc nào cũng cửa nẻo kín mít. Ranh giới giữa nhà và thế giới bên ngoài là một bờ rào hoa Tigôn luôn nở hoa hồng thắm. Lần đầu tiên nhìn thấy loại hoa này chúng tôi gọi tên là hoa móng tay. Con gái đứa nào cũng điệu đà nên cây hoa Tigôn có những cánh hoa bé bé xinh như cái móng tay được chúng tôi chiếu cố tận tình.
Đây là loại dây leo mỏng mảnh hoa nở thành từng chùm có màu hồng phấn sống bám trên những hàng rào, bờ giậu đôi khi chúng leo lên cả những nhánh cây cao hay các sợi dây điện quanh đấy. Dây hoa leo nhưng không bám chắc như các loại hoa khác, muốn hái hoa cứ nắm một nhánh mà giật thì cả dây rơi xuống, nhưng phải cẩn thận với trái Tigôn. Nhìn nhỏ nhắn, màu xanh nhạt trông rất xinh nhưng đầu nhọn của nó mà đâm vào tay thì đau thấu trời xanh lơ, bọn trẻ nghịch ngợm hái trái Tigôn chích vào nhau la oai oái.
Sức sống của loài hoa này rất mạnh, không cần phải tưới tắm chăm nom nhiều mầm lá cứ nảy nở xanh tươi quanh năm. Lá Tigôn màu xanh đậm có dạng như lá trầu, hoa có năm cánh, hai cánh nhỏ nằm trong ba cánh lớn bao bọc bên ngoài. Chúng tôi hay đứng bên bờ rào, hái những cánh hoa Tigôn rồi thấm nước miếng đắp lên tay làm móng giả. Cây cho hoa suốt mùa, cứ một mùa nờ, một mùa tàn. Hình như vào mùa thu thì hoa khởi sắc hơn cả. Tigôn có hai sắc màu: hồng và trắng. Nhưng sắc hồng phấn của hoa Tigôn thường quyến rũ hơn vì nó luôn làm cho người ta nghĩ đến đôi má của các cô thiếu nữ xuân thì. Hoa đẹp thì nhiều nhưng dường như chưa có loại hoa nào có được màu hồng dịu dàng đến thế. Có lẽ nhờ cánh hoa mỏng mảnh nhẹ nhàng nên màu hoa như màu phấn nụ của các cô gái hay để làm duyên kia càng tôn thêm lên nhan sắc thanh xuân của loài hoa thục nữ ấy.
Cũng là một màu hoa nhưng sống trong quãng đời thiếu phụ Tigôn lại héo hắt, tàn phai “dáng như tim vỡ”. Người yêu thơ ắt hẳn vẫn nhớ bài thơ tình tuyệt tác “Hai Sắc Hoa Tigôn” của T.T.Kh. Nàng là ai, không ai biết được. Nghe chuyện kể rằng, vào năm 1937 khi toà soạn báo Tiểu Thuyết Thứ Bãy nhận được bài thơ từ một người thiếu phụ trạc tuổi hai mươi và sau đó là ba bài thơ liên tiếp đến từ nguồn bưu điện thì T.T.Kh không bao giờ xuất hiện trên văn đàn và đời thường nữa. Người ta đã tốn nhiều giấy mực về nàng, nghi ấn về người nữ sĩ tài danh đã mờ nhạt dần theo thời gian nhưng những dòng thơ đẫm lệ buồn về một mối tình dang dở vẫn luôn trôi chảy trong lòng người yêu thơ.
Để bây giờ ký ức tuổi thơ vể hoa Tigôn vẫn là những buổi chiều nắng nhạt lang thang bên bờ rào với mười móng tay Tigôn màu hồng phấn còn có thêm câu thơ buồn lãng đãng của T.T.Kh ngày năm xưa ấy…
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn…
Nguyên Tú My