User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

thu

Sau khi trở thành cô Tú 1, Thư và Ái Châu, cô bạn thân nhất lớp, lo sửa soạn hành trang để đi vào cuộc sống mới. Hai cô bé sẽ rời cái tỉnh bé nhỏ nhưng thật thơ mộng của miền Cao Nguyên để xuống Sàigòn học tiếp. Lần đầu tiên phải sống xa gia đình, xa vòng tay mẹ, các cô cảm thấy hơi lo lắng. Thư từng theo mẹ về Sài Gòn, nhưng sau đó đi Vũng Tàu, Đà Lạt chơi chứ không ở Sài Gòn lâu. Mẹ và Thư đi chợ Sài Gòn để sắm quần áo, giày dép, ra bến tàu vừa ngắm những con tàu khổng lồ vượt đại dương vừa ăn sò huyết nướng. Ôi chao, trong làn gió hiu hiu mát rượi, thưởng thức những con sò ngọt lịm chấm muối tiêu chanh, ăn một lần không bao giờ quên được.

Có một lần mẹ dẫn Thư đến rạp Olympic xem đoàn Kim Chung ca cải lương. Nhưng thật tình Thư không thích lắm. Xem Ciné thích hơn nhiều. Con bé không khỏi bật cười khi nhớ đến những lần cùng với Ái Châu đi xem phim Ấn Độ. Kontum nhỏ nên trần sì có một rạp hát kế bên chợ. Phía trước là một dãy bán đử thứ quà để người vào xem hát mua đem theo nhâm nhi. Cóc, ổi, bắp nướng, khoai lang nướng, khô mực nướng... Vì vậy mà sau những xuất hát, rác đầy sàn rạp!

Nhà Ái Châu có phần hùn nên khi vào xem, hai cô không cần trả tiền vé. Những hôm rạp chiếu phim Ấn Độ thì đông nghẹt không có chỗ ngồi, dù chiếu hai xuất. Chủ rạp tha hồ hốt bạc. Các bà, các cô đi ra người nào mắt cũng đỏ hoe vì khóc. Hôm nào chiếu phim Âu Mỹ thì rạp vắng như chùa bà Đanh. Lỗ te tua! Cũng nhờ xem những phim Âu Mỹ này, dù phim cũ rích, chiếu chán chê ở Sài Gòn rồi mới bò lên tới xứ Thượng, Thư cũng lõm bõm quen mặt mấy cô đào nẩy lửa Brigitte Bardot, Sophia Loren, Elizabeth Taylor, Claudia Cardinal, Sylvana Mangano... Các tài tử đẹp trai Robert Taylor, Rock Hudson... Thật là những kỷ niệm thật êm đềm. Nó vẫn theo Thư mãi đến cuối đời!

oOo

Chiếc Air Việt Nam đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất trong cái nóng oi ả của Sài Gòn. Thư và Ái Châu theo đoàn người rời khỏi phi cơ, đi vào phòng đợi. Dẫn đầu là một cô tiếp viên hàng không mặc áo dài xanh màu thiên thanh, hai bên bâu áo trước cổ có thêu hình con rồng. Thư nghe đồn phải có quen lớn mới vào được ngành này. Kể cũng lạ. Cùng làm nghề tiếp viên, mà hành nghề dưới đất thì không được kính nể cho lắm. Ngược lại hành nghề trên không trung lại được trọng vọng, ước mơ!

Một người đàn bà có vẻ quê mùa, tay ẵm một đứa trẻ độ hai tuổi, tay kia xách một xách khá nặng. Bà ta đi có phần vất vả. Thư muốn giúp, nhưng hai tay cũng đã có hai túi to đùng. Mẹ bắt xách lỉnh kỉnh đủ thứ xuống biếu nhà chú Kiên. Thư còn chưa biết tính sao, đột nhiên ông Trung Úy Bác sĩ đi cạnh Thư lên tiếng gọi người đẹp áo xanh đang đi hai tay không:

- Này cô! Phận sự của cô là giúp đỡ hành khách. Vậy cô chờ gì mà không giúp bà này một tay?

Ban đầu người đẹp hơi ngỡ ngàng. Khi thấy nhiều ánh mắt chiếu vào mình với vẻ không mấy thiện cảm, cô nàng miễn cưỡng cầm cái xách nặng chình chịch của bà nọ, sau khi ném một cái nhìn bén ngót cho ông Trung Úy. Ông ta tỉnh bơ. Thư thì thấy khoái, nhe răng cười với ông Trung Úy. Ít nhất trên đời cũng còn những kẻ có lòng. Thư nghĩ ông này là một ông thầy thuốc tốt đối với bệnh nhân.

Xe bus chở hành khách về trạm Hàng Không trên đường Phạm Ngũ Lão. Sau khi lấy hành lý, Ái Châu được bà dì ruột đón về nhà. Hưng, con trai chú Kiên ra đón Thư. Hưng hơn Thư một tuổi, năm nay sẽ lên Đại Học. Nó chọn Văn Khoa vì yêu văn chương thi phú. Mới hai năm không gặp mà anh chàng trông lạ hẳn. Nhưng Thư càng ngạc nhiên hơn khi Hưng xách hành lý ra chỗ đậu xe. Người thanh niên đang đứng cạnh chiếc Coccinelle màu vàng nhạt thấy hai chị em vội đi tới xách bớt giùm hành lý. Hưng giới thiệu:

- Anh Nhân là con dì Hai em. Bữa nay em phải nhờ xe anh ấy để ra đón chị Thư đó. Anh Nhân là Quản lý một hãng nước ngọt trong Chợ Lớn.

- Chào cô Thư. Tôi nghe các em nhắc cô hoài, hôm nay mới gặp.

Thư không biết nói gì, chỉ lí nhí:

- Chào anh Nhân. Thư làm phiền anh quá.

- Được gặp Thư tôi vui lắm. Không phiền tí nào.

Nói xong Nhân cười, lộ hàm răng trắng đều. Nụ cười hiền. Cặp mắt một mí nhưng to và ấm áp. Yên vị xong, Nhân đề nghị:

- Thư đói bụng không? Hay ta đưa Thư đi ăn cái gì trước khi về nhà nhé. Hưng nghĩ sao?

Hưng chưa trả lời, Thư vội từ chối:

- Cám ơn anh. Lúc nãy trên máy bay có cho ăn nhẹ nên Thư không đói. Anh cho về nhà kẻo chú thiếm mong.

Trên đường đi, chỉ có Nhân và Hưng nói chuyện. Thỉnh thoảng Nhân hỏi gì Thư mới trả lời. Cô bé thấy anh chàng dễ mến. Chỉ tội chiều cao hơi khiêm tốn. Chắc chỉ đến một thước sáu. Thua thằng Hưng cả nửa cái đầu. Nhà chú thiếm Thư ở đường Trần Xuân Soạn, bên kia cầu Chữ Y. Tới nhà, Hưng mở cổng cho xe chạy vào sân. Nhà thụt sâu vào trong, có cả một sân rộng tráng xi măng. Chung quanh sân trồng nhiều khóm hoa và sau nhà thấp thoáng vài cây dừa. Tàn lá phất phơ vì sau nữa là cánh đồng chạy dài ra xa, lờ mờ một hàng cây xanh thẳm. Gặp lại Thư chú thiếm rất mừng. Nhà có ba gái ba trai. Cô gái đầu lấy chồng Không Quân. Thứ nhì là Hưng và cô thứ ba tên Vy nhỏ hơn Thư một tuổi. Thư thân với con bé này nên những ngày ở đây nàng sẽ ngủ chung phòng với Vy. Còn hai đứa nhỏ đang học Trung Học Đệ Nhất Cấp. Xách hành lý vào phòng, Thư lấy cái gùi nhỏ xíu ra tặng cho cô em họ. Vy thích lắm, cầm ngắm nghía mãi. Đột nhiên con bé cười:

- Chị Thư biết tại sao bữa nay anh Nhân đi đón chị không?

Thư ngạc nhiên:

- Thì tại Hưng nhờ anh ấy.

- Cũng có một phần. Nhưng em tiết lộ chuyện này cho chị nghe nha. Cách đây hai tháng anh Nhân qua đây chơi. Anh ấy lật Album ở phòng khách ra xem. Thấy tấm hình chị chụp đứng trên cầu Dakbla, mắt mơ màng nhìn về rặng núi xa xa, tóc thề bay theo gió... chị gửi tặng em năm ngoái đó. Thế là chàng bị Coup de foudre!

Nói xong Vy cười khoái chí. Thư cốc đầu con bé:

- Xạo đi. Anh ấy đâu biết gì về chị mà bị...

- Chậc! Chậc! Thì anh ấy hỏi tụi em là biết liền chứ khó gì. Anh Nhân còn hỏi em chị đã có người yêu chưa? Em nói chưa!

- Con nhỏ xí xọn này! Thư cười trừ, lắc đầu chào thua.

Tiếng bà Kiên gọi ra ăn cơm nên cả hai vội vàng đi ra. Chú thiếm Thư mời Nhân ở lại ăn cơm chiều với gia đình. Bữa cơm ấm cúng và vui. Nhân tỏ ra lịch lãm. Nói chuyện khôi hài ý nhị khiến Thư không cảm thấy lúng túng khi ngồi trước mặt chàng. Nhưng những câu trêu chọc bóng gió của Vy đôi khi làm Thư đỏ mặt, không dám nhìn Nhân. Trước khi từ giã, Nhân nói với Thư khi nàng đưa Nhân ra cửa để nói lời cám ơn:

- Khi cần giúp bất cứ chuyện gì, Thư cứ cho anh biết. Nhớ nhé.

Thư cố nhịn cười khi nhận thấy khoảng cách giữa hai người đã rút ngắn lại với tiếng "anh" thân mật, nhưng chỉ dịu dàng đáp lại như một con mèo nhỏ ngoan hiền:

- Dạ. Thư sẽ nhớ.

Đêm đó hai con bé rủ rỉ rù rì tới khuya. Vy kể chuyện Vân, chị lớn của Vy, mới đi đánh ghen ông chồng Không Quân hào hoa phong nhã. Có vợ đẹp như tiên mà vẫn còn đèo bòng bồ bịch khắp bốn vùng chiến thuật. Vân đẹp não nùng, nhưng hiền ít ai bì kịp. Anh chàng Không Quân theo đuổi Vân từ năm con bé mới lên mười sáu. Chàng gặp nàng ở trước cổng trường và trồng cây si bất kể nắng mưa. Dù gia đình phản đối vì Vân còn quá trẻ, con bé vẫn cứ nhất định lấy chàng Không Quân. Về sau khổ quá nhưng không dám thố lộ với gia đình. Chỉ thỉnh thoảng tâm sự chút chút với em gái cho vơi bớt niềm đau. Vy nói:

- Thấy chị Vân khổ vậy em đâm sợ đàn ông chị Thư ạ. Ngày nào còn thề non hẹn biển. Nếu lấy nhau không được thì quyết nắm tay nhau cùng chết... chùm. Thế mà khi bướm chán ong chê thì trở mặt như người ta trở bánh phồng!

Đang ngậm ngùi trước sự bất hạnh của cô em họ, Thư bật cười:

- Trời! Hôm nay Vy nói chuyện giống bà cụ non.

- Thì mẹ em nói vậy mà. Đàn ông đáng sợ thật phải không chị?

- Chị đâu có biết. Chị chưa yêu, chưa gặp người để yêu nên chưa có kinh nghiệm. Nói vậy anh Nhân của Vy cũng đáng sợ hả? Thư trêu.

- Không. Không. Anh Nhân em đàng hoàng lắm. Vy chống chế.

- Chị đùa thôi. Bây giờ ngủ. Hai mắt chị mở hết nổi rồi.

oOo

Sáng sớm hôm sau, Thư nhờ Hưng đèo xe gắn máy theo địa chỉ tìm nhà Thái. Thái là anh hàng xóm của Thư. Hai bà mẹ thân nhau nên cũng muốn hai đứa nên duyên cầm sắt. Có ngờ đâu chàng ta lại yêu Ái Châu tha thiết. Thái đang học trường Kỹ Sư Phú Thọ. May quá, anh chàng đã mặc quần áo sắp ra cửa. Thấy Thư, Thái mừng rỡ, vội vàng mời hai chị em vô nhà. Hưng và Thái bắt tay nhau. Thư đưa mắt quan sát. Đây là một căn gác khá rộng. Có một cái giường đơn và một bàn viết. Quần áo máng lủ khủ trên vách. Thái hơi ngượng nói:

- Thư đừng cười. Con trai độc thân nên bê bối lắm. Anh ăn cơm tháng với chủ nhà ở tầng dưới. À, chị bạn anh ở Régina Pacis trả lời là có chỗ cho Thư rồi đó. Đầu tháng dọn vào nghen. Chỉ còn hơn 1 tuần nữa thôi. Bây giờ tụi mình đi qua nhà dì Ái Châu để thăm nha. Thư biết tâm trạng nôn nóng gặp người yêu của Thái nên nói:

- Chắc Thư phải gặp bạn anh để hỏi xem thế nào...

- Được rồi, được rồi. Thái cắt ngang. Sau khi qua thăm Ái Châu, anh sẽ đưa Thư đi gặp chị Bích. Chịu chưa? Bây giờ mình đi.

- Trời ơi, anh Thái làm gì mà như chạy giặc vậy? Ái Châu sẽ ở đây luôn chứ có đi Tây đi Tàu gì đâu mà anh cứ quýnh lên không sợ cậu Hưng cười cho à?

Có nghe Thư kể sơ về chuyện của Thái và Ái Châu, nên Hưng cười:

- Không sao đâu anh Thái. Hưng thông cảm với anh. "Nhất nhật... bất diện như thiên thu hề"! Hưng cũng có người yêu nên hiểu rõ lắm. Nào ta đi.

Thư chỉ còn nhìn hai ông tướng, lắc đầu ngao ngán. Không ngờ thằng em còn "chế" ra nho chùm! Cả ba đến đường Hòa Hưng. Trước khi đến cổng khám Chí Hòa độ trăm thước rẽ tay phải, vào một con hẻm tráng xi măng, sau đó rẽ tay trái. Nhà dì Ái Châu xây giống dạng villa, có rào sắt bao quanh. Thư bấm chuông, chị người làm ra mở cửa mời ba người vào phòng khách. Phòng khách chưng bày sang trọng với salon, tủ thờ, tranh ảnh đều cẩn xa cừ lóng lánh. Bà dì Ái Châu từ nhà trong đi ra. Tướng bà sang trọng trong bộ đồ gấm màu đỏ rượu chát. Cả ba vội đứng dậy chào. Hôm qua có gặp Thư và Hưng nên bà cười vui vẻ với cả hai, rồi đưa mắt nhìn Thái. Thư vội giới thiệu:

- Thưa dì, đây là anh Thái. Hàng xóm ở Kontum với Ái Châu và cháu. Anh Thái cũng là bạn học với anh Chương. Anh Thái đang học trường Kỹ Sư Phú Thọ.

Thấy lý lịch của gã con trai lạ mặt không đến nỗi tệ lắm nên bà dì của Ái Châu cũng mỉm cười với Thái. Anh chàng mừng thầm. Nói dăm ba câu, dì của Ái Châu đứng lên đi vào nhà trong, sau khi đã dặn bọn trẻ cứ tự nhiên trò chuyện. Kỳ đà đi rồi Thái thở phào, quay nhìn Ái Châu bằng cặp mắt thật tha thiết, nồng nàn:

- Em có khỏe không? Lạ nhà khó ngủ lắm hả? Chắc nhớ nhà lắm phải không?

- Từ từ! Thư xen vào. Để cho Châu nó thở với chứ. Anh hỏi một lèo nó biết đường nào mà trả lời. Ủa, mà em cũng giống y chang như nó, sao không thấy anh hỏi câu nào hết vậy kìa!

Thái quay nhìn Thư ngượng nghịu:

- Thì tại... thì tại vắng hai tuần nên... nhớ quá mà! Anh nói thiệt đó Ái Châu. Ngày nào anh cũng trông em.

Vừa nói cu cậu vừa chồm qua Ái Châu. Ái Châu chỉ ngồi mủm mỉm cười. Thư liếc vô trong, đưa tay lên miệng suỵt một tiếng, rồi hạ giọng:

- Nhỏ nhỏ thôi. Đừng quên đây là nhà của bà dì con Châu. Coi chừng bả nghi này nọ rồi cấm cửa thì phiền cho anh lắm đấy. Người Huế và người Bắc kiểu cách chứ không giống Nam Kỳ của anh đâu ạ!

Thái nghe nói cũng hết hồn, ngồi ngay ngắn lại, đưa cặp mắt đắm đuối nhìn người yêu:

- Vậy khi nào tụi mình gặp nhau? Tới đằng nhà trọ của anh nha.

- Trời! Châu ơi, mi đến đó tao không bảo đảm đâu nhé. Thư đùa.

Ái Châu nói:

- Thong thả đã anh. Chừng nào em thấy tiện thì tụi mình gặp nhau. Dì em khó tính lắm. Hơn nữa mạ em viết thư gởi gấm nên dì càng canh gắt!

Thái nhăn nhó:

- Vậy thì chết anh rồi. Thư ơi giúp anh với.

- Dễ thôi mà. Thư trả lời tỉnh bơ. Mỗi ngày anh đứng trồng cây si trước cửa trường là gặp "Em" ngay chứ khó gì!

Thái chợt nhớ:

- À mà hai cô định ghi tên trường nào vậy?

Thư trả lời:

- Em nghe nói Régina Pacis gần trường Văn Học. Ngày mai em sẽ đi ghi danh. Ái Châu, bồ có muốn học trường đó với tớ không? Anh Thái và Hưng thấy trường Văn Học thế nào?

- Hưng có mấy thằng bạn học Chu Văn An bị rớt, tụi nó ra Văn Học học lại Đệ Nhất và khen lắm. Ban giáo sư giỏi.

- Vậy ngày mai Hưng chở chị ra đó ghi tên nhé. Anh Thái, gặp mặt người ta rồi, bây giờ về được chưa? Anh hứa dẫn Thư đi lại Régina gặp chị Bích. Nếu còn thì giờ Thư muốn đi mua vải may áo dài.

- Anh nghe nói học sinh trường Văn Học không cần mặc áo dài mà.

- Nhưng Thư quen mặc áo dài đi học rồi anh ạ. Nhà quê mà!

Thái muốn kéo thêm thời gian ở gần Ái Châu. Nhưng khi thấy hai người kia đứng lên Thái đành đứng lên theo.

- Ngày mai Ái Châu có cần anh đưa tới trường Văn Học để ghi tên không? Sáng mai anh tới đón. Tụi mình hẹn gặp Thư và Hùng đằng trường Văn Học nha.

Thái nhìn người yêu với đôi mắt đầy vẻ khẩn cầu khiến Ái Châu cảm thấy áy náy. Cô ngần ngừ:

- Thôi anh đừng đến đây sợ dì rầy. Châu sẽ gọi xích lô đến trường. Hẹn gặp lúc chín giờ được không?

Thái mừng như mở cờ trong bụng. Chưa chi trong trí anh chàng đã phác họa chớp nhoáng một chương trình hấp dẫn cho ngày mai. Lúc ba người tới Régina Pacis, may quá cô Bích vừa từ dưới quê Long An lên. Bích gần ba mươi nhưng trẻ đẹp và còn độc thân. Cô làm ở Bộ Y tế. Thái quen vì Bích là cháu của chủ nhà nơi Thái ở trọ. Lâu lâu Bích mới về quê. Thường thường cuối tuần cô ra nhà người bác ăn cơm nên mới quen với Thái. Mới tiếp xúc lần đầu mà Thư cảm thấy mến Bích. Một người con gái thật đơn sơ, không chút điệu đà. Bích căn dặn Thư những điều cần thiết cho đời sống nội trú nơi đây. Bích sẽ thưa với Soeur Madeleine và Chúa Nhật tuần tới là đầu tháng, Thư cứ xách Valise vào. Đã có chỗ dành cho Thư rồi. Con bé cám ơn chị Bích rối rít, bảo có chị Bích đỡ đầu là em yên tâm. Cả ba bàn nhau và mời Bích đi ăn phở nhưng Bích từ chối. Thế là ba người ra tiệm phở gà Hiền Vương ăn trưa. Kontum chỉ lèo tèo hai ba tiệm phở, nên mọi người thấy phở Phi Trường ngon xuất sắc, nhưng so với phở Sài Gòn còn thua xa. Đúng ra, giữa một khung cảnh nên thơ, bụng đói và tiết trời lành lạnh, một tô phở nóng hổi bốc khói chắc chắn khiến ta có cảm giác ngon lành.

Tô phở gà được bưng ra đặt trước mặt ba người. Những cọng bánh phở trắng ngần, thịt gà trắng phau, những lát hành tây xắt mỏng, thêm vài cọng hành trần xanh xanh, nước dùng trong vắt bốc khói thơm phưng phức. Chỉ nhìn thôi là Thư cũng thấy bụng đói cồn cào, ứa nước miếng! Cả ba vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ. Thư giành trả tiền, nói để trả công cho Thái và Hưng. Thái đùa:

- Nếu biết Thư trả công, anh đòi đi ăn cơm gà Siu Siu mới đáng.

- Ngày mai có Ái Châu, em cho phép anh mời tụi em đi ăn cơm gà Siu Siu trong chợ An Đông. Thư có đi ăn với mẹ rồi. Ngon thật.

- Cô này khôn thiệt nha. Được rồi, ngày mai anh bao. Bỗng nhiên Thái đổi giọng lo lắng:

- Thư à, bộ người Huế khó lắm phải không?

- Thì em nghe vậy mà. Ngay cả lúc ở Kontum, Ái Châu ít khi được phép la cà đi ăn kem, đi ăn bò viên, chè... với đám bạn cùng lớp. Khi nào có Thư đến nhà xin phép thì mẹ Châu mới cho đi. Thấy Thư oai không? Gia đình người Huế kín cổng cao tường lắm. Anh nhớ khi gặp dì nó phải hết sức lễ phép, thưa dạ cẩn thận. Không thì mất người yêu đó.

Thái nhái giọng Bắc của Thư:

- Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi!

Đến phiên Hưng nhái giọng Nam của Thái:

- Anh Thái ơi, hổng có gì phải lo. Níu mà người "Quế" khó quá thì xù luôn đi nhen. Thằng em này có một con em gái "ngộ" lắm. Nhỏ hơn chị Thư một chút híu hà. Để em giới thiệu cho anh. Em thấy anh thiệt thà em thương.

Thư đập lên vai Hưng một phát:

- Bậy nào! Định phá đám, chia uyên rẽ thúy người ta hả? Anh tin nó là bán thóc giống. Thôi tụi em về. Ngày mai gặp trước trường Văn Học nhé.

- Hưng ơi, Cám ơn lòng tốt của em. Nhưng trong tim anh chỉ có hình ảnh cô Tôn Nữ Ái Châu mà thôi. Long trọng thề!

Cả ba cười vui vẻ. Chia tay và hẹn ngày mai gặp. Trên đường về Hưng nói:

- Chị Thư, hôm qua trước khi về anh Nhân có nói tối nay sẽ qua nhà rủ mấy chị em mình đi ăn chè Hiển Khánh. Chị nhận lời nhé. Em thấy anh Nhân có vẻ thích chị lắm. Có chị tụi em mới được đi ăn ké.

Thư bắt bẻ:

- Thì ra tôi bị mấy đứa em lợi dụng! Thôi Hưng ơi, tự nhiên đi ăn rồi người ta tưởng chị cũng có cảm tình với người ta thì nguy to.

- Chị cứ lo xa! Bây giờ chị chưa cảm thấy gì. Biết đâu mai mốt thấy gì thì sao? Anh Nhân có một cô bạn học đeo ráo riết mà anh ấy cứ trốn đấy. Với lại nếu sau này chị không có cảm tình với anh Nhân cũng chẳng sao. Mình xem như có bà con đi mà. Chị là cháu bố em, anh Nhân là cháu mẹ em. Tối nay đi ăn chè nhé. Chị nhé. Biết không từ chối nổi với cậu em họ, Thư đành ừ cho xong. Hưng khoái chí rú ga cho cho chiếc Suzuki dọt lên khiến Thư hốt hoảng vòng tay qua eo, ôm bụng Hưng chặt cứng. Về đến nhà đã thấy anh Tiến của nàng ở đó. Gặp anh, Thư mừng lắm. Mấy tháng rồi Tiến mắc công vụ không về thăm mẹ và em nên Thư cũng nhớ anh. Thấy Tiến có vẻ gầy Thư xót xa. Tiến nói lúc này phải bay nhiều. Lắm phi vụ rất nguy hiểm, thần kinh căng thẳng. Vừa rồi có một bạn thân mới rớt máy bay, Tiến buồn quá chẳng thiết ăn ngủ. Vì thế mà gầy đi. Chàng chỉ xuống chiều nay thăm em, tối phải trở lên căn cứ Biên Hòa. Chàng gửi gấm em gái cho chú thiếm. Hẹn chừng nào Thư vào nội trú sẽ cố gắng thăm thường. Thỉnh thoảng được ăn bữa cơm gia đình. Giữa tiếng cười nói, trêu chọc của lũ em họ Tiến cảm thấy hạnh phúc dạt dào. Trong căn cứ, ngày ngày ăn cơm ở Câu Lạc Bộ, giữa những người bạn đồng đội, tuy có vài khuôn mặt thân quen, nhưng không khí vẫn thiếu sự ấm áp của tình gia đình. Những lần về phép thăm mẹ và em Thư ở Kontum chàng được mẹ chìu chuộng tối đa, được ăn những món ngon do chính tay mẹ nấu. Con em thì ra sức đòi hỏi, làm nũng anh đủ điều khiến mỗi lần từ giã là lòng chàng xốn xang khó tả, chỉ mong mau đến lần đi phép tới! Thư vẫn trêu:

- Mẹ à, bây giờ anh Tiến chưa có "ai" làm chủ trái tim, chứ mai mốt có "ai" rồi, chừng nào anh ấy mới còn nhớ tới mẹ và con!

Tiến cốc đầu em gái:

- Mẹ đừng có tin con nhỏ xí xọn này! Trong lòng con chỉ có mẹ là nhất! Mẹ nấu ăn ngon nhất, mẹ hiền nhất, mẹ đảm đang nhất. Sau này cô nào phải giống mẹ con mới chịu!

Bà Luân mắng yêu:

- Nói phải nhớ lời đấy nhé. Tôi chỉ sợ khi có vợ rồi, làm chuyện gì cậu cũng phải xin phép vợ thì chết tôi!

Tiến ưỡn ngực ra:

- Trời! mẹ xem thường thằng con trai của mẹ quá! Dân phi công chỉ có gái mê thôi chứ không hề mê gái!

Thư bĩu môi:

- Ạ! Để em ráng chống mắt lên chờ xem ông anh hào hùng của em sẽ trị vợ như thế nào! Em nghe nói các chàng phi công lái máy bay. Còn các bà vợ thì lái phi công đấy. Anh liệu mà giữ mình.

Cả ba mẹ con cùng phá lên cười. Hạnh phúc rộn ràng. Hạnh phúc long lanh như sương sớm, ấm áp như nắng mai. Như có thần giao cách cảm. Hai anh em cùng nhớ đến mẹ, đưa mắt nhìn nhau, lòng rưng rưng buồn. Lúc trước Tiến đi xa còn có Thư hủ hỉ. Giờ Thư cũng rời mẹ mà đi, chắc bà cô đơn lắm. Tội nghiệp mẹ lúc nào cũng vất vả buôn bán để các con không thua kém bất cứ ai. Cả nhà dùng cơm chiều xong thì Nhân lái chiếc Citroen Deux Cheveaux đến đậu trước cửa. Hưng giới thiệu Tiến với Nhân. Hai người chưa từng gặp, vì khi Tiến xuống SàiGòn học thì Nhân đang du học bên Nhật. Hai người bắt tay. Nhân mời Tiến đi ăn chè với các em nhưng Tiến thoái thác nói phải về Biên Hòa ngay. Chàng kín đáo dúi vào tay em một món tiền. Thư không lấy nhưng thấy anh trừng mắt dọa thì lật đật bỏ vào túi. Tiến cười, xoa đầu em, âu yếm như hồi Thư còn bé.

Cả đám con gái và thằng Út chui hết vào chiếc Cocchinelle của Nhân. Vy đẩy Thư ngồi băng trước, con bé lẻo mép nói vì Thư là "khách" của anh Nhân nên ưu tiên. Hưng chở một đứa em trai chạy theo sau. Thư ngồi cạnh Nhân mà ngượng nghịu nhìn thẳng ra phía trước. Nhân ghé qua nói nhỏ:

-Thư cứ tự nhiên. Đừng căng thẳng quá như thế mất vui. Anh không ăn thịt đâu mà sợ!

Thư đỏ mặt chống chế:

- Thư đâu có sợ anh, nhưng ngồi đây kỳ quá!

Nhân chỉ cười rồi phóng xe đi. Xe lên dốc cầu chữ Y, đột nhiên Vy hỏi:

- Anh Nhân và chị Thư có thấy cây cầu này có hình dáng lạ lùng không?

- Dáng chữ Y thì có gì lạ lùng?

Nhân hỏi. Vy tặc lưỡi:

- Mọi ngày anh thông minh lắm mà. Chữ Y là chữ đầu của chữ Yêu. Anh không thấy lạ sao? Anh không thấy đây là một dấu hiệu...

Đến đây thì Thư đã đoán ra con em họ muốn nói gì rồi, nên chận ngang:

- Nhỏ này lộn xộn quá! Tại sao phải là chữ Yêu? Có thể là Yếu, là Yểu, là Yến, là Ý... phải không anh Nhân?

- Anh đồng ý với cách giải thích của Vy. Chữ Yêu là đúng nhất.

Nhân vừa nói vừa đưa mắt nhìn sang Thư. Ánh mắt thật nồng nàn. Con bé chỉ còn nước ngồi im, ngậm tăm. Và cố ý nhìn ra ngoài cửa xe, xem phong cảnh. Sài Gòn ban đêm đèn đóm xanh đỏ lấp lánh. Nhân cố ý lái một vòng ra tận đường Nguyễn Huệ cho Thư ngắm cảnh nhôn nhịp của thành phố về đêm, trước khi vòng qua Tự Do thẳng qua đường Hùng Vương. Vào tiệm chè, cả nhà chiếm một bàn rộng. Tụi nhỏ tíu tít chọn món. Nhân hỏi Thư muốn dùng gì. Thư trả lời:

- Nơi đây có chiêu bài thạch chè, mình cứ gọi mấy ly thạch chè chắc chắn ngon.

Mấy nhóc tì nhao nhao đòi ăn thêm bánh ngọt. Nhân bảo:

- Hôm nay anh bao. Cứ ăn thả giàn những món tụi em thích. Thư tự nhiên nhé em.

Vy ghé tai Thư thì thầm:

- Bữa nay anh Nhân muốn lấy le với chị Thư. Tụi em phải nhân cơ hội móc túi anh ấy cho bõ công qua tận đây. Chị phải lựa món nào đắt nhất đi.

Thư bật cười:

- Anh ấy có lòng tốt mời mình mà sao em tính toán kỹ vậy?

- Xời, nhờ chị thôi. Mọi ngày đâu có hào phóng đến thế. 

- Này, hai cô thì thầm nói xấu gì anh đấy? Thư ơi, em đừng bao giờ tin lời bé Vy nói xấu anh.

Vy nheo mắt cười cười:

- Bây giờ em hỏi thật. Anh Nhân muốn em nói tốt hay nói xấu anh với chị Thư đây?

Nhân làm ra vẻ hốt hoảng:

- Ấy, ấy! Hôm nay bé Vy muốn gì anh cũng chìu. Đừng làm mất điểm anh tội nghiệp!

Nói xong Nhân đưa mắt nhìn Thư. Chao ơi, nhìn ngoài thấy còn xinh hơn trong hình. Hôm nay Thư mặc cái áo màu xám đậm, có thêu một nhánh hồng đỏ một bên ngực. Màu áo tôn nước da trắng hồng của cô bé càng thêm trắng. Mái tóc đen mềm xõa ngang vai, trông vừa ngây thơ vừa đáng yêu. Chỉ mới gặp hôm qua thôi mà xem chừng hình bóng cô bé khó mà thoát ra khỏi trái tim chàng. Nghe Vy nói Thư chưa có người yêu Nhân thấy hy vọng lắm. Thật tình ở tuổi hăm sáu, Nhân cũng từng quen, đi xi nê, đi ăn với một hai cô bạn gái, nhưng chưa bao giờ chàng cảm thấy trái tim mình rung động như lần này. Gia đình đang thúc chàng lấy vợ. Lần này gặp Thư chắc chắn tìm đúng đối tượng rồi. Nhân thấy lòng thật rộn ràng. Vui như chưa bao giờ vui thế! Sau khi đưa các em về đến nhà. Biết Chúa Nhật tới Thư vào nội trú, Nhân rủ Thư, Vy và Hưng Thứ Bảy tới đi ăn cơm nhà hàng Thanh Thế, sau đó đi xi nê. Eden đang chiếu một phim tình cảm rất hay. Phim Angélique Marquise des Anges. Thư ngần ngại, nhưng Hưng và Vy nhận lời ngay. Vy năn nỉ Thư một lúc, nàng đành phải ừ! Lên giường rồi Vy chưa chịu ngủ, qua sang kể cho Thư nghe đủ thứ chuyện về Nhân:

- Chị Thư biết không, nhà dì Hai em có ba anh và hai chị. Nhưng tụi em thương anh Nhân nhất. Anh ấy rất đàng hoàng. Thương và săn sóc, giúp đỡ tụi em nhiều lắm. Hiện thời có một chị tên Kim theo anh ấy quá trời. Chị Kim yêu anh Nhân từ lúc hai người còn học chung trường Hưng Đạo. Bây giờ chị ấy là Dược Sĩ. Không biết mắc gì mà chị Kim cứ đeo theo anh Nhân. Anh sợ chết khiếp luôn. Chị ta tới nhà kiếm hoài mà anh Nhân trốn biệt. Dì em thấy chị ấy là Dược Sĩ cũng muốn ghép vào. Nhưng anh Nhân em một mực lắc đầu. Em có hỏi tại sao? Anh nói không biết. Nhưng gần cô ấy, anh không cảm thấy mảy may rung động. Cứ y như gần một thằng bạn trai! Buồn cười quá hả chị? Nhưng từ khi anh ấy gặp chị thì khác hẳn. Em thấy anh ấy vui vẻ, cười luôn miệng. Em hỏi thật, chị thấy anh Nhân em thế nào?

- Chị mới gặp anh ấy có hai lần. Phải có thời gian mới nhận xét đúng chứ. Lòng người khó biết lắm em ạ.

- Nhưng em bảo đảm anh Nhân em là người tốt. Nếu không em đâu dám để anh ấy quen với chị.

- Dĩ nhiên rồi. Bây giờ thì chị xem anh ấy như anh Tiến của chị được chưa? Thôi ngủ đi cô nương. Mai chị phải đi ghi danh học rồi. À, hay mai Vy đi với chị. Sau đó chị em mình ra chợ Sài Gòn cho chị mua vài khúc vải may áo dài đi học.

- Được rồi. Mai em đi với chị. Em biết chỗ may áo dài đẹp lắm. Để em đưa chị đi may luôn.

Vy ngủ rồi mà Thư vẫn còn thao thức. Nàng nhớ mẹ, nhớ Kontum. Xứ thượng nhỏ và buồn, nhưng với Thư là cả một trời kỷ niệm. Nhớ con đường với hai hàng phượng vĩ rợp bóng của mái trường thân yêu. Con sông chảy ngược hình vòng cung ôm gọn cái thị trấn nhỏ bé. Nó có thể hiền hòa, chảy lững lờ vào mùa khô và cuồn cuộn hung hãn vào mùa lũ. Giòng nước phăng phăng cuốn trôi cả làng mạc, gia súc hai bên bờ. Thư nhớ vào những năm Đệ Lục Đệ Ngũ theo đám bạn ra bờ sông rình xem những cô sơn nữ tắm khỏa thân. Các cô hồn nhiên nô đùa trong giòng nước trong veo, không một chút ngượng ngùng, phô bày những thân hình tuyệt mỹ. Những cuối tuần cả bọn đạp xe vào làng Thượng chơi. Mùa đông, những em bé trần truồng ngồi quanh đống lửa sưởi ấm. Mặt mày lem luốt, mũi dãi lòng thòng thấy mà thương. Thời nào thì đám người thiểu số này cũng đáng thương cả. Con người tàn ác nhất trong mọi loài. Càng ngày, bản làng người Thượng càng lùi sâu vào trong núi. Người Kinh ta thì "khai phá". Nhưng người dân tộc thiểu số không thích sống chung với quân "xâm lăng" nên cứ lùi dần, nhường đất cho người Kinh. Đôi khi Thư tự hỏi "Trên đời này có thiên lý không nhỉ?" Nếu có thì tại sao những bất công muôn đời vẫn tồn tại? Câu hỏi không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng! Thư chìm dần vào giấc ngủ...

Tiểu Thu (Canada)