User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
kinhtemoi
 
Tôi kể chuyện này, chị qua Mỹ hồi Bảy Mươi Lăm, chắc cũng khó tin là chuyện thật, mà chuyện thật như vậy đó chị Tân à!
 
Hồi đó khoảng Tám Hai, Tám Ba gì đó, học tập xong vợ chồng tôi về sang lại mấy công ruộng gò, làm chốn nương thân để khỏi phải đưa nhau đi kinh tế mới. Chẳng qua vì ảnh có gốc “Ngụy” mới học tập về, nhà lại là phố sang lại nằm ngay trước mặt văn phòng Thị Xã Ủy thì làm sao họ yên tâm cho được, thì cứ lôi cái cớ “anh là Sĩ Quan ngụy, nay không có công ăn việc làm, không thể bám mãi vào thành phố như các loại tầm gởi, ký sinh trùng, mà phải tự lực tạo nên của cải vật chất, nhà nước đã lập sẵn các khu kinh tế mới, anh chị phải đi thôi”. Mà chị có biết khu kinh tế mới là gì không? Tôi không biết họ sẽ đưa gia đình tôi đi đâu, hình như miệt Đồng Tháp Mười gì đó, nghe địa danh tìm hoài trên bản đồ cũng không thấy. Tôi không biết khu đó như thế nào nhưng tôi có biết khu kinh tế mới dành cho cư dân của Thị xã Phan Thiết, chẳng là ông già và cô em của tôi phải lên đó mà. Đó là một khu rừng thuộc xã Tà-Pao, cách ga Suối Kiết của đường xe lửa ngày xưa đâu khoảng gần ba mươi cây số, trên con đường dẫn lên cao nguyên nằm lọt thỏm vào mật khu của họ ngày trước; mùa khô xe từ Phan Thiết đi Tà-Pao mỗi ngày một chuyến dừng lại ở chợ Tà-Pao, phải đi bộ thêm khoảng mươi cây số nữa mới tới mấy đội sản xuất của khu kinh tế mới. Mùa mưa, xe chỉ ngừng ở ga Suối Kiết, người ta phải gánh gồng lương thực tiếp tế, lội bộ hơn mười tiếng đồng hồ nữa mới tới khu kinh tế. Mỗi hộ dân được chia cho một khoảnh đất khoảng chừng năm trăm mét vuông, trên đó có một căn chòi cất sơ sài, rộng chừng hơn mười mét vuông, quanh nhà là những cây rừng cao ngất, nhiều nhất là bằng lăng, gỗ của nó có giá dưới đồng bằng dùng để đóng tủ giường, gọi là gỗ thao lao; rễ của nó là loại rễ bàng, mùa mưa dầm, gió mạnh là ngã. Đã có cây, gốc từ lô này ngã cái rầm như bom nổ, ngọn nằm vắt ngang trên hai lô khác, đè căn chòi  với mấy người trong đó xẹp lép… Hàng ngày cứ theo tiếng kẻng tập họp lao động theo các đội sản xuất. Thú thiệt với chị, vợ chồng tôi không sợ lao động, nhưng sợ nhất là giam con cái nơi thâm sơn cùng cốc, không trường học, chợ búa…
 
Nhờ số vàng nữ trang cưới còn sót lại (chồng đi cải tạo, tôi ở nhà cắn răng chịu đựng không dám đụng tới), tôi bàn với ảnh đem bán, vì giữ lại còn dịp đâu mà mang. Ảnh không tiện ló mặt ra, một mình tôi cày cục xin sang đất và làm ba thứ giấy tờ có tên gọi đẹp đẽ là “nhường cơm xẻ áo” (đất của nhà nước mà, đâu có ai bán được!). Gia đình tôi đưa nhau về sống ở thôn quê, cách thị xã hơn mười cây số, cũng còn hơn là phải đi kinh tế mới, dù gì thì nơi này cũng  còn trường học cho mấy đứa con. Tôi bắt đầu cuộc sống của người nông dân, học lại họ từng chút một, mày mò mà sống. Cũng may cư dân ở đó cũng là “ngụy dân” nên không có tính kỳ thị như chính quyền.
 
Chừng có chút lúa trong nhà, chà gạo té ra cám, tôi nghĩ tới chuyện nuôi heo. Thiệt ra cũng hơi khó! Cám quốc doanh chỉ dành cho mấy nhà máy chế biến thức ăn gia súc, bán cho cán bộ theo chế độ phân phối, dân thường phải nhờ mánh, mua đi bán lại giành giựt từng lít một, còn mua ở chợ thì trấu xay nhuyễn nhiều hơn cám mà giá cả thì tùy tiện. Nhằm lúc heo đói, cũng phải cắn răng mua đỡ vài lít. Thành ra, cứ rảnh rỗi là chúng tôi xuống nhà máy trộn thức ăn gia súc ở huyện canh me, mua được chừng nào hay chừng ấy, cũng phải mua với giá cao thôi, nhưng mình có thể tin phần nào vì heo cán bộ cũng ăn cám này, ít nhiều có “chất lượng” hơn cám chợ.  Dần dà chúng tôi quen anh phân phối ở nhà máy, ngày trước anh là giáo viên ngụy, nhà có ông chú đi bưng, nên có được chân trong nhà máy. Anh thấy tụi tôi không tranh giành gì với bạn hàng, nên có cảm tình, khi nào xuống cũng rinh về được khoảng chục ký thức ăn cho heo, đủ dùng cho hai con heo vài ngày. Chồng tôi lại lân la hỏi thăm anh về thành phần trong thức ăn có đúng như trong bảng công bố không thì anh chỉ cười nói nhỏ: “mỗi thứ anh cứ giảm phân nửa thì vừa, vôi, đạm, bột gì cũng vậy…” Nghe anh nói tụi tôi tính lại, mua thêm bột vỏ sò, ruốc khô, tấm thô… trộn thêm vào nên thành phần dinh dưỡng của tôi cao hơn của nhà nước nhiều.  Nhớ lại, hồi trước có đọc được một tài liệu nói cho heo ăn thức khô hay đặc, máng nước đặt kế bên để heo uống tùy tiện, heo sẽ mau lớn hơn. Tôi làm theo, bà con nông dân thấy lạ vì tập quán của họ là cho heo ăn lỏng, ít tốn cám mà heo mau no. Rau xanh cho heo là dây khoai lang, mua một ôm lớn, về ngắt đọt luộc cho người, phần còn lại nấu cho heo, mà giá cả thì tính hết cho heo, người ăn ké thôi, không kể. Tôi lại học cách của nông nghiệp, tính trọng lượng heo nhờ vào số đo vòng ngực và chiều dài của heo, cứ hai số này được một mét thì heo nặng tám mươi ký, một trăm mười lăm phân thì heo vô tạ. Tôi ghi chép cẩn thận chi phí thức ăn, thuốc men, trọng lượng… tính ra giá thành của một ký heo hơi. Rảnh rang mà! Làm như vậy cũng thấy vui, còn hơn là có thì giờ thì cứ lê la với mấy bà trong xóm. Tôi nuôi heo có “khoa học kỹ thuật” như vậy, nên heo lớn mau lắm chỉ vài ngày là thấy khác, bà con quanh xóm ai cũng ngạc nhiên. Họ có hỏi, tôi chỉ cách cho họ, họ lắc đầu nói “rắc rối quá, mình nuôi heo như bỏ ống, cần thì bán, hay chờ tới Tết làm thịt chia lúa…” tôi chỉ cười thông cảm, cũng khó thay đổi thói quen của họ.
 
Lần đó tôi nuôi hai con, giống Yorshire, chỉ hơn ba tháng, một con chín mươi ký, một con hơn tạ. Bây giờ là lúc thu hoạch, nhưng làm sao bán đây? Heo có bịnh, làm đơn xin xã xẻ thịt chia lúa cho nông dân, còn không thì bán cho nhà nước, mà bán cho nông nghiệp xã thì giá heo hơi của họ chưa đủ tiền mua cám. Cán bộ có chức càng cao, mua thức ăn càng rẻ. Khi bán, xe thu mua heo từ thành phố về cân với giá cao. Còn dân thường không bán được cho xe heo thành phố mà phải qua nông nghiệp xã, họ mua theo giá qui định nhà nước. Theo cách đó thì nuôi heo theo kiểu bỏ ống của nông dân là phải rồi, “khoa học kỹ thuật” như tôi thành ra kẹt cứng. Mà làm sao đem được heo ra thị xã bán cho mấy lò thịt, họ hút (thiếu, hụt) heo đó nhưng vào tận xã mua heo của mình thì không được. Cái xã hội thiên đường mà cán bộ thường nói không thấy!
 
Chị chắc cũng nghe nói về chính sách ngăn sông cấm chợ một cách triệt để của nhà nước vào thời gian đó, cũng không biết họ dựa vào lý thuyết kinh tế nào nữa, chỉ biết một hột gạo, một ký thịt, con gà gì cũng không đi lọt được. Nghe kể có một bà Má, mang có chục lít gạo và một nồi thịt kho cho con gái mới sanh, đang ở cữ trên thành phố, bị chận bắt ở trạm Ba Càng, bả khóc hết nước mắt. Còn tôi cũng có kinh nghiệm tương tự, có lần mang hai chục lít gạo về cho mấy đứa em trên Saigon, tôi nhờ người quen chạy cho cái giấy chứng nhận “cán bộ nông nghiệp đi công tác ở thành phố, cho mang theo mười ký gạo…” nhờ đó tôi đi lọt được trạm ngã ba Sơn Trạch (bà con gọi ngã ba Cái Bè là ngã ba Sơn Trạch, sạch trơn, cái gì không giấy tờ là bị tịch thu) Lần đó, cùng ngồi trên xe có một cô mang theo mấy gói thịt heo, lên xe từ bắc Mỹ Thuận. Mới qua hai trạm ở ngã ba Cao Lãnh và Cái Bè, cô mất mấy gói. Xe lại tiếp tục, đã qua Bình Chánh, tưởng yên, nào dè khách nghe bác tài la to “bà con chuẩn bị, có trạm xét đột xuất dọc đường”, gần tới, cô lôi một gói từ dưới băng ghế thảy đại vào một ông khách đội nón cối ngồi trước mặt năn nỉ:
 
- Chú ơi, cứu giùm con, con chỉ còn túi này thôi, mất luôn túi này là con hết vốn.
 
- Sao lai giao cho tôi, tôi không biết nói láo, hỏi là tôi khai thật đó.
 
-   Trời ơi, giúp giùm con mà chú.
 
Xe dừng lại, anh lơ nhảy xuống mở cửa, hai anh công an tiến tới, cúi xuống các hàng ghế lục lọi.
 
- Còn gì nữa mà xét, một người trong xe nói.
 
- Bác mang gói gì đây?
 
Anh công an chỉ vào gói thịt trong lòng ông cán bộ già. Cả xe nín thở, ông ta trả lời tỉnh queo:
 
- Thịt heo, ngày mai đám giỗ cha tôi, nhà tôi đưa cho gói thịt, bảo mang về, tôi chỉ biết thịt heo, còn nặng bao nhiêu tôi không biết, các chú có muốn tịch thu thì cứ lấy.
 
- Thôi có vài ký, bác cứ mang…
 
Anh thấy đó, tôi nghĩ phải làm sao mang được ra ngoài thị xã, chớ bán cho nông nghiệp xã thì thôi đành chờ cho heo bệnh hay chờ cho tới Tết. Từ nhà ra đến phường năm thị xã giáp ranh xã tôi chỉ có hơn năm cây số  mà không có cách gì hay, đành chịu chết cứng. Kẹt một điều là ông nhà tôi cần tiền để về Saigon thăm ông già bị bệnh. Chồng tôi ra thị xã, nhân một lúc ngồi uống cà phê với mấy người bạn, kể chuyện. Một người nói:
 
-   Để tôi giúp thử xem! Tôi làm cho anh cái giấy, nói cơ quan tôi có mua của anh một con heo để liên hoan và chia thịt cho công nhân viên, anh cầm giấy này đưa công an nếu bị chận xét. Chỉ là con heo thôi, không phải là đồ quốc cấm gì mà họ phải gởi người ra cơ quan tôi kiểm tra lại. Mà nếu anh ngại chạm mặt với công an, anh để chị đi, dù gì thì đàn bà cũng dễ nói.
 
Thì cũng đành hú họa, nhắm mắt làm theo. Cầm tờ giấy chứng nhận trong tay, tôi ra thị xã tìm và hỏi Tư Đẩu chuyên làm heo ở Phường Năm, anh cho giá rồi nói:
 
- Chị làm sao mang qua khỏi cầu ông Đồn là qua địa phận phường tụi tôi, quẹo khúc cua khuất mặt công an xã chị là tụi tôi hốt liền, nói là chắc lời, sáng mai chừng tám giờ tui cho tụi nhỏ đón chị.
 
Tôi cũng biết Tư Đẩu không để hụt mối này, vì đang thời kỳ hút heo, nếu để tôi mang ra tới Phường Một hay Phường Hai, tôi có thể bán với giá cao hơn, nhưng thôi, tôi chỉ có gan vừa vừa, không dám phiêu lưu lớn.
 
Nhờ anh Ba Phấn, ngày trước cũng chuyên nghề lái heo, nay giải nghệ về sống trong ruộng, anh bảo mang heo ra tới lộ, anh bắt trói giùm rồi ra bán cho, Tư Đẩu là đệ tử của anh ngày trước, có mặt anh, bọn họ không dám cân gian. Cái này cũng hên nữa, nghe nói, cân heo hơi với kỹ thuật nâng heo chuyên nghiệp, người bán có thể mất tới mười ký heo hơi là chuyện thường. Con heo đầu đi trót lọt, chắc mấy “ảnh” còn uống cà phê, chưa làm việc. Sẵn có “giấy thông hành” trong tay, tôi hỏi Tư Đẩu muốn bắt con nữa không, anh gật đầu liền. Tôi mua chục điếu Samit, rủ Ba Phấn về mang con nữa ra. Lần này thì gặp trạm. Chìa giấy chứng nhận của cơ quan, cùng với thuốc thơm Samit, mỗi người một điếu, con heo thứ hai cũng qua trạm trót lọt.
 
Chị Tân thấy không, khoảng thời gian đó dân mình sống cơ cực như vậy. Ông bà thường nói “nhân chi sơ, tính bổn thiện” thế mà cứ luôn phải gian dối, chỉ vì cơ chế xã hội làm con người phải tìm cách gian dối, riết rồi tính gian dối trở thành một thói xấu của người dân. Hồi đó cán bộ có coi ai ra gì đâu. Bây giờ kiều hối của đồng bào hải ngoại gửi về giúp thân nhân lên đến gần tám tỷ đô la một năm, có mấy ai bọc đô la trong túi đâu, họ đổi ra tiền Việt Nam để xài chớ, vòng qua vòng lại, cuối cùng cũng lọt vào tay các đại gia đỏ bên đó, ăn ngon như vậy, thành ra chừng nào họ mới chịu tụt xuống.
 
Nhớ lại hồi mới tiếp thu, có anh cán bộ tập kết ngoài Bắc về, người cháu trong Nam đưa cho cái xe đạp để làm chân, xe bể bánh dọc đường, cứ vậy mà vác trên vai về nhà, không dám kêu xe lôi chở, quần áo chỉ độc vài bộ thay đổi, thấy đáng nể và thương quá, công chức ở miền Nam ngày trước đâu có bình dân và “thiệt thà” như vậy! Chỉ ít lâu sau, thấy anh chễm chệ trên xe con có che màn, quần áo hàng hiệu… cô cháu gái bị đánh tư sản, ức lòng vượt biên, không thấy tin, không biết định cư được ở đâu hay đã bỏ xác ngoài biển, trên đảo.
 
Bây giờ có người về thăm, thấy khác xưa nhiều lắm, cái gì cũng có, kể cả điện thoại “ba gờ” và i-phôn (3G và iphone) họ gọi là “dế”, cứ gặp nhau là móc “dế” ra đá, anh nào có “dế” xịn hơn là có “đẳng cấp” hơn; Tivi màn ảnh phẳng mỏng teng, những thứ mà bên này không mấy người có. Người dễ dãi cho rằng Việt Cộng đã đổi mới rồi, tôi thì thấy chẳng qua họ làm đúng lời bác Hồ của họ nói “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đảng viên bự và con cháu của họ bây giờ cái gì mà không có? 
 
Hồi lúc mới “giải phóng” ai cũng phải học chính trị, bài học tập nói: “chế độ tư bản thối nát, bây giờ các anh phải quay hẳn một trăm tám mươi độ với cuộc sống cũ…” anh cán bộ hướng dẫn ý chừng muốn làm tăng phần quan trọng cho câu nói bèn phán luôn: “…các anh phải quay hẳn ba trăm sáu mươi độ…” tôi nhịn cười muốn té đái trong quần. Bây giờ nhớ lại thấy không chừng anh cán bộ đó nói đúng, họ quay lại con đường của tư bản (dù họ không công nhận như thế) mà ngày xưa họ từng phỉ nhổ. Có người cho rằng họ thức thời, tôi thì thấy muốn ói. Chị Tân à, thấy một người nhổ ra rồi húp lại ngay, chị có thấy lợm giọng không?
 
Houston tháng 2/2010
Hòa Đa