User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
vuon hoa huong duong
 
Lần đầu tiên hơn hai mươi năm biệt xứ, tôi lần theo mùi hoa hướng dương lẫn trong mùi nắng thơm nồng mà về. Ngồi trên hàng ghế mà tôi đã giữ chỗ từ lúc mua vé, một mình tôi bên cửa sổ mà đàng trước không có ai, để tôi được thỏa thê nhìn ngắm hình ảnh mẹ tôi bên ngoài không gian. Giả sử như chiếc phản lực cơ này có lạc hướng bay thì tôi vẫn biết tìm ra đường về vì tôi sẽ lần ra mùi hoa hướng dương mà tìm về cho đến nơi mẹ tôi đang yên nghỉ. Bên ngoài những cơn mưa mù mịt lúc còn dưới đất đã bị chiếc động cơ bỏ lại dưới chân, nó đang cưỡi gió và leo lên với độ cao ban mươi ngàn bộ để tặng lại cho tôi bầu trời xanh lơ, bầu trời mang tôi trở về tuổi thơ hơn 40 năm về trước, thời đó tôi chưa biết thế nào là mùi hoa hướng dương, nhưng còn mùi nắng? “A, phải rồi mùi nắng thì vẫn như xưa, nó trộn trạo một cách quen thuộc với mùi hoa dã quỳ, hương đồng nhà quê và mùi mồ hôi hơi hướm của mẹ tôi mà mỗi khi đi bêu nắng lúc về nhà tôi lại ngã lăn vào lòng bà. Giá mà lúc này đây lại được ngã lăn vào lòng bà mà hít hà cái hơi hướm, cái mùi sữa thơm thì hạnh phúc biết chừng nào”.

“ Ồ, chỉ còn hai chục tiếng nữa thôi, là con sẽ về bên mẹ”

“Mẹ đó hả? Mẹ vừa nghe con nhắc tới mẹ nhưng ngần ấy thời gian nữa thì lâu quá”.
 
“Bây vẫn nhõng nhẽo như ngày xưa !”

Tôi nghe đặc sệt tiếng mẹ tôi nói, tôi trả lời bà, và bà mắng lại tôi như ngày tôi còn nhỏ.

Máy bay đổi lộ trình về hướng Đông làm tôi háo hức nhìn ra ngoài chờ mặt trời mọc lên từ độ cao 30.000 bộ, hừng đông đến trước, mọi người còn đang say ngủ, ánh sáng đầu ngày trong như pha lê, mềm mát như dải lụa vừa được lóe lên, lọc qua màn sương đêm nhuộm vàng từ đầu tới đuôi con chim sắt khổng lồ lọt qua cửa sổ vẽ một vạch dài lên cánh tay áo chemise ca rô của tôi, ánh nắng này vẫn thường mỉm cười chào đón tôi mỗi buổi sáng đầu xuân lúc tôi còn nhỏ lẽo đẽo tới trường với gói xôi đậu ăn dở mà mẹ không bao giờ quên dúi vào tay trước khi ra khỏi nhà. Vạt nắng màu mật ấy hôm nay vẫn còn đây cho tôi liên tưởng đến luống hoa hướng dương mẹ trồng ở cuối vườn. Lần kia, tôi ngơ ngác hỏi: “Sao mẹ không trồng hoa ở giữa vườn hả mẹ?”. Với tôi loài gì đẹp thì nên được vị trí dành riêng ở giữa vườn, cũng như tôi đứa con trai út ét của mẹ, nên thường được ưu tiên nhiều thứ, nhưng không bà ngừng tay nhìn tôi tủm tỉm:

“Ở giữa vườn thì vô tình me làm mất hứng thú và cản trở công việc của đàn ong mật chúng là bạn của nhà nông, giúp cho mùa màng thêm hoa trái người người được no nê”, tôi chẳng hiểu hết ý nghĩa câu nói nhưng tôi thích được lẩn quẩn bên bà, người mẹ với đôi mắt trong veo lúc nào cũng như đang cười và rất sớm tôi đã nhận ra tuổi thơ của tôi được gắn bó với mẹ cũng như sắc vàng rực rỡ của hoa hướng dương trong nắng xuân chảy mật, đến nỗi dù cho gió táp, mưa sa thì tôi cũng chẳng sợ vì đôi mắt của mẹ bảo đảm cho tôi một chốn nương náu vừa an toàn vừa êm vui, có lúc tôi tự hỏi mẹ có chôn ai trong hai giếng mắt sâu thẳm đó không (có lẽ cha tôi).
 
Lớn thêm chút xíu, tôi tựa hồ đứa trẻ khờ khờ so với những đứa trẻ cùng trang lứa, tôi không thích những đồng xu mới, những đồng bạc mới lì xì để ăn quà như bọn con trai con gái trong xóm, chỉ giữ chúng dưới gối một đêm, hôm sau đem đưa hết cho mẹ, bà định nói vài điều gì đó, nhưng tôi chỉ nhìn mẹ lắc đầu ra dấu không muốn giữ chúng nữa. Phải chăng thời thơ ấu của tôi được quấn quýt bên mẹ và khu vườn đã là đủ cho tôi thay cho những đồng tiền vô nghĩa kia? Tôi thực tình cũng không rõ lắm chỉ biết rằng tôi là đứa trẻ rất đơn sơ. Cha tôi, người chân đường, chân chợ nên thường vắng nhà, hai chị tôi đều đã lớn theo chồng nên mẹ càng gần tôi hơn, những gì bà yêu thích trong đời cũng đã sớm trở thành ý thích của tôi, một bản sao của mẹ. Đi đâu xa chỉ vài ngày là tôi đã chán muốn đòi về mặc dù nơi đó là chốn thị tứ cảnh lạ, thức ăn ngon có tác dụng từ trường cuốn hút những đứa trẻ khác, còn tôi thì giống như hai thanh nam châm cùng cực chẳng thể hút nhau vì nhớ mẹ có ánh mắt biết cười, trong vắt và sâu thăm thẳm nhớ hoa hướng dương no tròn đầy đặn như thể những vầng thái dương tỏa ra màu vàng chói lọi, mọc xung quanh vườn giáp ranh với hàng rào tạo cho ngôi vườn một ranh giới tự nhiên mang nét nghệ thuật, nhớ bầy ong mật màu vàng vện tròn vo đẫy đà hối hả ra đi khi trời vừa sáng đáp xuống trên khu vườn của mẹ những bông hoa đang hồi căng sức sau một đêm dài chuyển nhựa thành dòng mật ngọt.
 
Ngôi vườn này cha tôi đã khởi sự từ bao giờ tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng nó đã có trước tôi từ lâu, mảnh đất cách khuỷ sông chưa đầy trăm thước bên lở, bên bồi. Những nàng con gái chiều chiều ra sông gánh nước thường ghé vườn ngắt vội vài trái ớt hiểm để tạo cho bữa cơm gia vị thêm đậm đà, lũ trẻ con vùng vẫy trong nước chán chê lên bờ ngồi xạng chân thi nhau đào cát đắp lũy xây thành, tôi yêu dòng sông thân thương như thằng bạn hiền không bao giờ ngủ. Thế rồi một ngày nọ pháo đốt đỏ sân nhà, đó là ngày mẹ tôi rời bỏ vườn dâu và nong tằm chiếc guồng quay tơ, nước mắt lưng tròng bẽn lẽn về làm dâu nhà ông nội tôi, ngày mẹ sang sông có đàn em ngơ ngác đứng nhìn, dăm tiếng ve sầu u uất tiễn đưa, có những chàng trai ngẩn ngơ buồn những bè lục bình hoa tím ngập ngừng trôi và nắng, nắng vàng... đã theo chân cô dâu mới về đến tận hiên nhà, bỏ lại sau lưng làng xóm trắc ẩn vấn vương đôi giọt sầu.
 
Ông nội tôi thương nàng dâu mảnh khảnh yếu đuối nên trao cho làm chủ khu vườn, công việc không có gì là vất vả nhưng đủ việc làm quanh năm, mẹ tôi xem chừng an phận với niềm vui mới vì đã quen một thời con gái hái dâu chăn tằm có đôi mắt biết cười trong veo và sâu thăm thẳm đã từng làm chết đuối bao nhiêu trai làng, thế mà mẹ chỉ dành đôi mắt ấy để yêu thiên nhiên khi chưa có đàn con quấn quýt bên mình, nắng vàng được lọc qua mắt mẹ trở nên màu mật và được đôi tay mẹ trài đều trên từng cây trái trong vườn, lên từng luống rau, ngọn cỏ. Nếu được sinh ra trong giới tiểu thư đôi tay ấy với những lóng dài mê hoặc sẽ làm rộn rã lòng người mỗi khi lướt nhanh trên hàng phím dương cầm. Trong gia đình mẹ đẹp duyên với bố, nhưng khi tôi đã có trí khôn biết nhận xét mới nhận ra thực trạng mẹ đẹp duyên với cả khu vườn.
 
Vì từ ngày về gánh vác giang sơn nhà chồng bằng đôi vai gầy guộc mẹ chẳng bao giờ thở than, biết mình là con dâu lớn nên mẹ nhường nhịn là thượng sách, chỉ học hết lớp năm trường làng nhưng ý tứ khôn ngoan, thức khuya, dậy sớm chiếc đồng hồ sinh học của mẹ luôn đúng giờ, dù không phải chăn gà, chăn vịt, nuôi heo nhưng mẹ biết rõ từng con lớn nhỏ trong bầy, phân chuồng được mẹ ủ xa mãi tận góc vườn dùng làm phân bón quanh năm cho cây trái và rau đậu đủ loại với đôi tay khéo léo và cách tổ chức, ngôi vườn cung cấp khá dư dả rau xanh hoa trái theo mùa và bán ra ngoài thành phụ thu cho ngân quỹ gia đình.
 
Dù biết mình rất yêu thích hoa hướng dương, nhưng mẹ chỉ dùng những rẻo đất thừa thãi nhiều sỏi đá xung quanh bìa rào để trồng, những loại hoa này như hiểu ý thích của mẹ, chúng cũng tự vươn vai mạnh mẽ phốp pháp trổ thật nhiều bông vàng chói chang mang hình dáng tươi vui của mặt trời tạo cho ngôi vườn nét nghệ thuật duyên dáng, hằng ngày rủ rến không biết bao nhiêu bướm ong đến thăm viếng khu vườn, kể cả các loài chim cũng muốn đến làm tổ nương náu dưới những lùm cây ăn trái của mẹ, mỗi khi nghe tiếng gọi nhau của chào mào, thì hiểu là chuối chín trong vườn, tôi theo chân mẹ tới khu vườn chuối, cây chuối mẹ mang dáng dấp của bà mẹ già quê mùa còng lưng dưới sức nặng của đứa con, thấy chim chào mào cũng đang có mặt ở đó, mẹ để lại trên cây cho chúng những trái đang ăn dở, một con sà xuống đôi mắt lí lắc cái mặt đỏng đảnh tinh quái mổ vào tay mẹ thay cho lời cảm ơn! Nhìn con chim tinh quái rồi mẹ cười, cười thành tiếng.
 
A, đó là lần đầu tiên tôi bắt gặp nét mặt rạng rỡ của mẹ, sao mẹ lại giấu nụ cười rạng rỡ này với mọi người cho tới hôm nay? Sao mẹ không ban phát nó cho mọi người xung quanh? ít là cho cha tôi, tôi muốn lịm người đi vì nét đẹp của nụ cười trong ánh mắt ấy vì lúc thường ánh mắt của mẹ cũng đã đủ làm chao đảo nhiều con tim huống chi khi người ta bắt gặp nụ cười rạng rỡ hôm nay.
 
“...Ngày đôi môi, thương môi đã xé nát nụ cười.
Ôi, những cánh tay ngỡ ngàng tả tơi..” (Phạm Duy ).

Tôi trở nên đăm chiêu vì yêu mẹ vì không hiểu nổi có điều chi bí ẩn trong cuộc đời làm dâu của bà, cho đến bây giờ đối với con, đời mẹ y nguyên vẫn còn là huyền thoại. Tôi đã từng nặn ra nhiều giả thiết về cuộc đời làm dâu của mẹ tôi như cục đất sét trong tay người thợ gốm, phải chăng giữa họ và mẹ tôi đến từ những xã hội khác biệt chênh lệch cao thấp về mức sống, trình độ dân trí và mẹ cũng biết vậy nhưng bà chấp nhận nó như một trật tự mới của xã hội vào mỗi thời đại khác nhau chẳng khác nào bên cạnh dãy núi non cao ngất dưới chân là thảo nguyên thung lũng xanh rì phải cần cả hai mới tạo nên khung cảnh hùng vĩ cho thiên nhiên, nhưng tư tưởng này lại bị va chạm mạnh bởi những chiếc bình vôi lâu đời, những bình vôi cứng cỏi vô tri vô giác mà những cái khối rỗng bên trong bị lấp kín bởi mớ kinh kệ khuôn vàng thước ngọc từ đời Khổng Tử (mỉa mai thay, sách của Ngài bị bỏ quên trên kệ cho bụi bám, nhện giăng để đời sau học thuộc lòng mớ tư tưởng đã bị bọn đồ nho cố tình bóp méo).

Điều chắc chắn là mẹ đã trở nên linh hồn của ngôi vườn vì theo tôi chỉ cần sự có mặt của mẹ là mọi cây trong vườn sẽ chào hỏi nhau và reo mừng, mọi cây cối sẽ vì mẹ mà xanh tươi, hoa trái cũng vì mẹ mà trở nên xinh đẹp thơm tho ngọt ngào hơn, tôi cũng bắt đầu trở nên nghiện ngập các mùi vị xung quanh bà mùi nắng mới vương trên những cành cây còn đọng sương đêm, mùi bông bưởi như hơi thở thơm tho của bé con còn ngái ngủ, mùi nồng nàn của hoa hướng dương bốc hơi thơm giữa nắng hạ, mùi ngái ngái của cà pháo và ớt xanh, mùi đất và phân cỏ mục xông ra sau mỗi cơn mưa ngâu đầu tháng Bảy và mùi mà tôi vẫn còn nhớ mãi suốt đời là “Mùi Mẹ”, dù cách xa nửa vòng trái đất tôi vẫn tìm về đúng nơi, mùi mồ hôi hơi hướm của mẹ trộn đều với mùi sữa thơm và hoa hướng dương bất tử trong lòng mẹ để trái tim con gõ cùng nhịp vui buồn với trái tim mẹ
**
Ngày tôi ra đi khi đất nước này vừa đổi chủ. Cha tôi đã an nghỉ một năm trước đó, người ra đi mang theo những mảnh vỡ của trái tim từng người còn lại không hàn gắn được. Riêng tôi mừng cho ngài vì không phải sống để nhìn cảnh sâu bọ lên làm người.

“ ... Ngày đó có bơ vơ lạc về trời,
Tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới.
Ngày đó có kêu lên gọi hồn người,
Trùng dương ơi có xót xa cũng hoài mà thôi...” (Phạm Duy)

Mẹ tôi cũng đã già, những vết chân chim hằn sâu trên khuôn mặt mẹ hôm nay là chứng tích của hy sinh, khắc khổ, nhịn nhục mà mẹ giữ kín chôn sâu trong lòng suốt cuộc đời làm dâu, mẹ biết mẹ duyên dáng xinh đẹp hơn tất cả những người dâu đến sau, nhưng mãi sau này tôi mới hiểu mẹ quên mình đi để giữ gìn hòa khí, chỉ duy nhất tỏ lộ cho một mình người con trai út ét của mẹ thôi. Những nhát dao chí tử liên tục chém vào lòng mẹ tôi từ tay những kẻ thắng trận, những bộ mặt man rợ lạ lẫm từ trong rừng sâu, từ miền đất sôi sục hận thù đói khát, họ đang tâm bầm nát quê hương chúng tôi và ngôi vườn thân yêu của mẹ. Sau những tháng ngày bị trả thù một cách đê hèn trong trại tập trung, tôi được thả về với tấm thân ghẻ lở xanh xao và một trái tim hao mòn chứng tá của lối trả thù thô bạo dành cho giới trí thức Miền Nam. Đòn thù không dừng lại ở đó, những kẻ như tôi không đủ tư cách, phong độ cách mạng để làm cháu ngoan, sợ một ngày nào đó những tư tưởng phản cách mạng lại lóe lên làm hoen ố lá cờ đỏ mà bác đã phải trả cái giá hằng triệu sinh linh, làm hủi lở thui chột tâm hồn của hàng triệu dân lành mới cướp được mảnh sơn hà đượm sữa và mật ong của ngươi Miền Nam yêu chuộng tự do nên chúng đánh bật mẹ con tôi đi nơi khác để giành lấy miếng đất mà cha ông tôi đã tạo nên bằng nước mắt lẫn mồ hôi. Mẹ hụt hẫng sau ngày ba tôi qua đời và tủi hờn sau hàng dãy những biến cố đau thương tiếp theo nhau dồn chúng tôi vào chân tường, ngõ cụt, mẹ không quen sống trong bạo lực trong chế độ biên chế, thất thường bữa đói bữa no gạo sâu mọt độn khoai sắn, mọi người chui rúc trong căn nhà ọp ẹp 3.5 thước lòng, không hơn gì cái ổ chuột mùa hè nóng như cái lò nung vôi, thảm thương cho thân phận một thời lá ngọc cành vàng, sức khỏe của mẹ hao mòn trông thấy.

‘Mẹ lót nôi hồng một thời con gái,
Cây non vun trồng trên giấc mơ hoa.
Mẹ hát cho cha quên ngày quan ải,
Hư không còn lại giữa tiếng kinh mừng...” ( Kinh Tình Yêu - Ngân Hà )

Thời mẹ “Gái một con trông mòn con mắt” vẫn còn rực rỡ màu hoa đào mỗi khi mẹ hong tóc chẩy dài theo đôi vai thon gọn nuột nà, để lộ chiếc cổ cao có ngấn. Trong nhà chỉ mỗi mình cô út là thương mẹ và tôi thật tình vì cô út có học và nhan sắc nên theo mẹ tôi để được hướng dẫn từ lời ăn tiếng nói, cách cư xử tới nghệ thuật trang điểm, cách thức chọn màu sao cho nhã nhặn lịch lãm khi ra ngoài, cô trở nên bạn thân và giống như phiên bản của mẹ, trong nhà ngoại trừ ông bà nội, không ai dám đụng vào cô, cô không giống me vì cô bướng bỉnh và lý sự không ai bẻ được nên mọi người dâu rể gì cũng đành khép nép, cô thường kể lại mỗi khi đưa tôi về thăm ngoại hoặc ngày tư, ngày Tết, mẹ mới dám chưng diện, chỉ cần một chút phấn son thôi đủ biến mẹ trở thành tác phẩm mỹ miều của tạo hóa, đủ cho tuổi xuân của mẹ hạo hực tràn về, theo bà ngoại tôi kể lại đã bao nhiêu đời trong dòng họ mỗi đời đều có nhiều con gái đẹp, điều này không nói ngoa bên cạnh mẹ tôi, con gái cả sau người anh trai là đến các dì tôi cũng đều đẹp, nhưng nét đẹp của mẹ tôi là nét đẹp quý phái, hình ảnh vào thời đó chỉ là hình trắng đen chụp riêng từng người hoặc hình gia đình chụp chung treo ở giữa còn hình con cái xung quanh, trong hình, mẹ tôi độ mười tám thời đó đã được mặc đồ đầm tóc búi cao để lộ cổ cao trắng ngần nét mặt thanh tú phảng phất buồn nhưng má không có lúm đồng tiền như các dì em. Cha tôi, người duy nhất trong gia đình theo nghề buôn bán nên đã quen mẹ tôi, đôi bên được tự do kết hôn không theo hủ tục gả bán, vì gia đình bên ngoại theo “Tây học” lại ở gần quận lỵ quen tiếp xúc với dân thành, vì vậy khi về làm dâu, mẹ không tránh được những hờn ghen tị nạnh, những lời nói mang tính thoá mạ tưởng chừng như sẽ bị thất sủng đối với cha tôi, nhưng may mắn, trước những sóng gió ba đào, ông đã bỏ ngoài tai tất cả để chở che cho mẹ tôi, cho người mà cha tôi đã chọn, để mối tình nhung lụa của hai người vẫn mượt mà.

“ Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
và đem theo trăng sao đến với lời thơ nuối...
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời
và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi” (Phạm Duy).

Cũng chưa chịu buông tha, họ còn thấy tôi vóc dáng giống hệt mẹ nên cũng trở thành đề tài cho người ta đàm tiếu buông lời gièm pha, một lần đi học về tôi đi tìm mẹ để được lăn vào lòng bà cho đỡ nhớ, để được hít hà cái hơi “rất mẹ” nhưng bà không niềm nở như mọi ngày, mặt mẹ thật buồn đôi mắt mẹ u uất như chứa cả bầu trời đầy giông tố, cha tôi vắng nhà nên không ai dám hỏi, còn mẹ giữ kín niềm đau một mình. Tôi tìm đến cô út, vừa nhìn thấy ánh mắt bối rối của tôi “Sao, con có chuyện gì vậy, kể cô nghe, phải mẹ mắng con không?”

Tôi lắc đầu, ấp mặt vào cánh tay cô “Cô ơi, ai đã làm khổ mẹ con hôm nay”

Cô đoán chắc mẹ tôi lại bị ai đó trong nhà nói châm nói chọc gần xa, nhưng tránh không muốn làm tôi tủi thân nên cô ôm tôi vào lòng dỗ dành rồi tìm một duyên cớ khác “Chắc là mẹ con nhớ, ba con đi chuyến này lâu chưa về, cô sẽ yên ủi mẹ con”. Tôi tin vào lời cô nên chạy về ôm mẹ thật chặt bằng vòng tay bé bỏng của tôi lúc bà đang ở trong bếp.

Sáng hôm sau thức dậy ánh mắt mẹ như hai đại dương đang nổi những cơn sóng sầu, bà lặng lẽ theo tôi đến trường, cần cổ mẹ đưa lên đưa xuống như đang cố nuốt nước mắt vào trong, tôi yêu mẹ lắm nên không dám khuấy động nỗi đau trong lòng bà lúc đó. Tới nơi, mẹ bảo tôi đứng chờ ngoài, còn mẹ bước vào văn phòng Hiệu Trưởng. Tôi nghe rõ tiếng mẹ:
 
“Thưa bà, tôi là mẹ cháu Michael, tôi chân thành xin lỗi bà vì hạnh kiểm của cháu đã làm phiền lòng bà ngày hôm qua...”

“Ồ, hân hạnh được gặp bà riêng tư như thế này, tuy nhiên điều bà vừa nói, thành thật tôi không hiểu gì cả. Cháu Michael con trai bà là học sinh gương mẫu, kỷ luật học giỏi và chăm chỉ, Michael chưa hề phạm kỷ luật lần nào, ai đã nói điều ấy với bà...”.
 
Thình lình chuông vào học làm tôi hớt hải đi sắp hàng điểm danh vào lớp.

Chiều về mẹ ra đón tôi ở cổng trường, tôi thấy cơn bão táp nơi mắt mẹ đã qua đi, thiên nhiên đã trả lại cho mẹ hai hồ thu trong vắt với cả bầu trời nhễ nhại nắng hồng, người mẹ đầy mùi hoa hướng dương và ánh mắt mẹ lấp lánh những giọt nắng vàng. “Ê, cỏ vê... là cỏ vê...”, mẹ cúi xuống bảo tôi “Con cứ làm ngơ như không nghe thấy”. Nghe mẹ nói mà trời đang oi nồng bỗng nghe sao mát lạ và giọng ve sầu ỉ ôi nghe như khúc tình ca êm ái lạ lùng, tôi nắm chặt lấy tay mẹ như nắm chặt cánh bướm cải sợ nó vuột đi mất, chất cặn buồn hồi sáng còn sót lại đã tan loãng như phân bón cho luống hoa hướng dương của mẹ đang kết nụ trong tôi.

Ngày tôi tổ chức chuyến ra đi đánh cuộc với số mệnh, mẹ chấp nhận ở lại với chị hai và cầu nguyện, chúc lành cho gia đình tôi gồm con dâu và bốn cháu nội thoát khỏi con mắt cú vọ của bọn tuần duyên, được yên lành lúc lênh đênh trên biển và tìm được bến bờ tự do. Sau ngày được đi định cư, mẹ hay tin, mừng mừng, tủi tủi. Phải đợi tới ngày tôi ra trường mới có đủ điều kiện tài chánh gởi về nuôi mẹ, nhưng chưa đền đáp công ơn được là bao thì mẹ tôi như ngọn đèn dầu hao leo lét đầu hàng trước trận cuồng phong tạo nên bởi lũ vô loài.

“ Ngày đó có em ra khỏi đời rồi.
Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối.
Ngày đó có anh mê mải tìm lời,
Tìm trong đêm rách rưới cơn mơ nào lẻ loi.
Ngày đôi ta chôn vơi, tiếng hát đã lạc loài.
Chôn kín tiếng thơ rơi ngậm ngùi rơi...” ( Phạm Duy )

Từ ngày đó tôi thấm thía thế nào là thân phận mồ côi, những năm tháng còn lại trong đời chỉ còn là mùa đông nối tiếp nhau, nhiều khi tuyết rơi ngay giữa trưa hè, nắng hạ, lòng tôi co quắp vì lạnh vì tủi buồn, tim tôi không đủ nắng ấm để giúp cho luống hoa hướng dương của mẹ khoe màu không đủ hương thơm để quyến rũ ong bướm vì không còn mẹ che chắn cho tôi mỗi khi giông tố kéo đến trong đời, mỗi khi ngôi nhà dột nát không còn cha sửa nóc cho tôi. Xã hội quanh tôi đầy người mà sao lặng lẽ hoang vu như sa mạc. Hôm nay tôi về để mong tìm lại chút hơi ấm bên hai nấm mồ song thân và cầu mong cha mẹ tôi vẫn đẹp duyên như thuở xưa, tay trong tay dìu nhau cùng đi về cõi thiên thu.

“Ngày đó có ta mơ được trọn đời.
Tình vươn vai lên khơi tới chín trời mây khói.
Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài.
Trùng dương ơi giữ kín cho lâu đài tình đôi...” (Phạm Duy)
**
Đã lâu không quen đi bộ dưới nắng hè tháng Bảy, con phố không một bóng cây sức nóng như quấn lấy chân, vồ vào hai vai xiên tứ tung vào tai vào tóc phà vào mặt làm tôi chếnh choáng, tìm mãi mới thấy một tiệm hoa, ánh nắng chói chang khiến tôi hoa mắt khi bước vào trong tiệm tối đèn, phải đứng yên tới nửa phút mới nhìn rõ mọi vật xung quanh.

“Thầy cần mua chi ạ”.
 
Đã mấy chục năm xa cách, hôm nay mới nghe lại lời mời mọc lịch thiệp của người miền Nam chính cống. Tôi chỉ vào xô lớn bằng kẽm đầy hoa hướng dương:

“Cô gói hết cho tôi số hoa này”.
 
Cô bán hàng có vài nét thoảng thốt
 
“Tổng cộng là năm chục mười hai,thầy tính mua hết sao?”.
 
Lại thêm một lối đếm hàng chục theo kiểu người miền Nam mà nay đã quên, tôi nhìn cô bán hàng:
 
“Đúng thế, tôi sẽ mua hết, ngày mai cô có hoa mới hơn không?”

“Đây cũng là hoa mới trong ngày đó thầy, sáng mai mời thầy ghé, nhưng bây giờ thầy mang đi bằng cách nào, nặng và cồng kềnh lắm, cho em địa chỉ em sẽ mang tới nhà cho thầy”.
 
Nhận thấy cô bé vừa xinh xắn mà lại đon đả, làm tôi tạm quên đi cái nắng hoa mắt bên ngoài.
 
“Tôi mang biếu mẹ tôi, người đang an nghỉ trong khu đất thánh gần đây”.
 
Trong khi tôi nói, thấy cô cứ lấm la lấm lét nhìn tôi như muốn biết thêm những ý nghĩ thầm kín.

Cô bé có đôi mắt bồ câu chứa bên trong vô số dấu hỏi, ném vào tôi cái nhìn thật nhanh từ đầu tới chân có lẽ nhận ra tôi không thuộc về chốn này.
 
“Ồ, em biết rồi em sẽ dùng xe kéo này cho thầy đỡ phải vất vả”.
 
Vừa nói tay vừa chỉ vào cái xe đẩy hai bánh màu đỏ loè loẹt đứng chênh vênh bên chiếc tủ kính chứa đầy hoa tươi. Trả tiền xong bước ra đường, tiếng động hỗn độn lại vỡ oà ra trộn vào với màu sắc lôi thôi và tia nắng đang làm cho oxy nơi đây trốn chạy nơi đâu tạo thành một thứ keo bám chặt vào áo quần làm chảy những giọt mồ hôi đang ngòng ngoèo chạy dài trong lưng áo tựa hồ như con kiến bị nhốt đang lanh quanh bò tìm lối ra.

Loay hoay một hồi lâu mới cắm được sáu chục bông hoa xung quanh hai ngôi mộ, cố gắng hình dung để cha mẹ tôi dễ dàng nhận ra người đang hiện diện trong ngôi vườn xưa, tôi vừa làm vừa thưa chuyện với các ngài, rằng những kẻ ngày xưa làm khổ mẹ cũng đã mai một, đi vào quên lãng cả rồi. Còn mẹ, dẫu có đi vào dĩ vãng, nhưng không bị lãng quên, bởi thiên nhiên luôn dành cho người đẹp chỗ đứng xứng đáng trong tâm hồn (memoir) mọi người. Nhan sắc đâu phải là tội mà chính là được chúc phúc được tuyển chọn trong hàng ngũ con cái thế gian, các văn nhân thi sĩ đã hao tổn bao nhiêu công sức bao nhiêu giấy mực viết nên những thiên hùng ca những thiên tình sử để đời ca tụng nét mỹ miều cuả các mỹ nhân trong thiên hạ. Nhan sắc của mẹ đã đóng góp đáng kể vào bức tranh muôn màu của tạo hóa, con lớn lên bằng dòng sữa tinh khôi và lời ru của mẹ ngọt ngào như giọng hát dắt hồn con lên chín tầng trăng sao và quấn theo con những bước chân cả khi con đã lớn khôn đi vào đời mà vẫn đê mê như trong nôi hồng những ngày thơ ấu, để hôm nay con ong của mẹ đang nhả mật thành những lời thơ ca tụng.

Cái “phó sản” của người dại mồm dại miệng là nói nhiều quá nhằm khỏa lấp cái bản chất yếu kém của họ, kèn cựa với đất với trời một đời không nhan sắc nhưng có ngờ đâu chính họ lại đang đội vương miện cho mẹ trước mặt mọi người.

Hai bức chân dung được chụp trên nền đá hoa cương nhìn khá sắc sảo, bố trông vẫn cương nghị như ngày nào, còn mẹ nhìn từ xa hai con mắt như đang cười nhưng lúc tới gần lại giống như đang khóc, tôi chỉ vừa kịp lau mặt cho các ngài cho hết lớp bụi trần thì trời bỗng thật thấp, thấp tưởng chừng với tay được và đổ cơn mưa, may quá tôi có xách theo cây dù mục đích che nắng lại hóa ra che mưa những hạt mưa ngâu đầu mùa quái ác lớn như những viên sỏi nhỏ hình nước mắt chảy chan hoà trên mặt mẹ làm tôi vội vã nhường cây dù cho bà, chiếc khăn mùi xoa không đủ để lau khô gương mặt mẹ vì tôi không thể cầm lòng được nhìn mẹ đang khóc. “Tội tình nào khiến cho mẹ tôi mặc dù đã ghỉ yên cứ phải khóc trong những cơn mưa ngâu phũ phàng như hôm nay”.
 
Không gian đang hạo hực trong cơn nắng bỏng da bỗng giận dỗi gầm gừ sấm sét nổ vang trời như giận dữ như mắng mỏ vì sự có mặt của tôi ở đây không đúng lúc, trên cao những tiếng sét mang theo những lằn roi quất không thương tiếc vào những đụn mây dầy đặc đen ngòm, như xé vải, the thé như người thiếu phụ trong cơn ghen lồng ghen lộn làm cho lũ chim không kịp đề phòng gọi nhau bay tá lả trong cơn nổi đoá của Thiên lôi (mưa ngâu có lẽ chỉ ưu tiên dành cho dân bản xứ! Nghĩ vậy). Mặc kệ, tôi bay nửa vòng trái đất không ngoài mục đích về thăm lại, nói lời xin lỗi và cảm ơn người mẹ đã ban cho tôi sự sống mặc cho mưa gió bão táp, sấm sét gầm gừ, tôi ngồi dựa lưng vào bà như ngày còn thơ tâm sự với mẹ trong lúc mưa tuôn trên đầu mà nhận ra giây phút hạnh phúc thiêng liêng có thật đang nối kết thần giao cách cảm giữa hai thế giới, giữa các ngài và tôi, bao nhiêu là kỷ niệm những năm tháng bên mẹ ngày xưa bỗng hiện về phơi phới như một cuộn phim vui có buồn có không rõ là chúng ngủ quên từ trong tiềm thức đã bao năm bỗng choàng dậy hay chính mẹ đang kể lể với tôi, mẹ cũng đang phà hơi ấm vào lưng tôi đó mà, làm tôi cảm nhận sự hiện diện của bà lúc này là có thật, đang vỗ về đứa con muôn đời chỉ dừng lại ở kiếp ngài (pupa) vì thiếu hơi ấm của mẹ để ươm thành cánh bướm, nhưng tôi thực sự hãnh diện vì tôi giống mẹ, để mẹ luôn ở trong tôi và tôi cũng ở trong mẹ suốt đời, còn mẹ, thương cho kiếp tằm âm thầm nhả hết đường tơ.

Trời ở đây bỗng nắng, bỗng mưa, tính nết khác nào đứa con gái bước vào tuổi giận hờn, đỏng đa đỏng đảnh, tiếng sấm sau cùng nổ thật rền và trận mưa nổi đầy bong bóng bỗng tạnh “Từ ngày đất nước đổi chủ đã bao nhiêu mùa mưa bong bóng rồi như chiều nay, liệu cần thêm bao nhiêu trận nữa mới rửa bớt được nỗi nhục nhằn?” mặt trời lại hiện ra chói lọi và cố tình làm lơ với tôi như chưa hề có giọt mưa nào trong ngày. Thây kệ, tôi tự phơi tôi cho khô tóc và áo quần. Những bông hoa hướng dương ướt đẫm một vài bông đầu hơi gục xuống nặng trĩu vì mưa, vài vũng nước mưa bắt ánh nắng mặt trời lấp lánh như gương, vài con chim sẻ rủ nhau xoè cánh tắm trong những vũng nước mưa man mát miệng ríu ra ríu rít ra vẻ hài lòng, dòng nước bị ứ đọng ngoài đường làm nên những tiếng ướt át mỗi khi bánh xe hắt tung lên mang theo bùn đất rác rến và lá lẩu lên hè phố và quán cóc bên vệ đường. Dãy hàng quán mang muôn hình vạn dạng lợp và che đậy bằng những tấm vải nhựa đủ màu sặc sỡ mà từ xa du khách có cảm tưởng như lạc vào thế giới homeless thỉnh thoảng xuất hiện trong xã hội Tây phương. Người ta không rõ từ đâu lại tuôn ra tràn mặt lộ với dáng điệu vội vã, có ai đó vừa qua đây lẫn trong đám đông có giọng nói ngọt ngào như hạt đường trong kẽ răng, giọng nói của mẹ tôi đó đã hơn 20 năm chưa được nghe lại. Mẹ ơi, ước chi lúc này con được nghe lại lời ru, giọng hát của mẹ như hồi còn trong nôi, hạnh phúc sẽ mát rượi như cây kem tuổi nhỏ tan lừng trong từng khe răng khóe miệng. Có những đêm đêm bên bàn phím, con gõ hai, ba ngôn ngữ rõ mồn một nhưng sao nghe xa vắng mẹ ạ, không thân thương bằng ngôn ngữ mẹ dạy con lúc đầu đời, phải chăng đó là tiếng nói thuần khiết của dân tộc đã được cha ông gạn lọc qua nhiều ngàn năm lịch sử để hòa tan trong dòng máu của mẹ và chuyền tải sang cho con qua bầu sữa thơm.
**
Sáng nay dậy sớm, nắng ban mai đã lững thững rải đều trên từng ngọn cây như từng dải lụa óng ả, tôi ra mộ hôn mẹ thay lời chào. Người gác gian nhanh nhẹn mở cổng cho tôi nở nụ cười thay lời chào có lẽ nhận ra. Một vài giọt nắng se sẽ rải bông trên khung hình của các ngài làm cha mẹ tôi tươi tỉnh hơn bữa chiều qua, gió sớm man mát luồn qua những giàn hoa giấy (Fleur papier) cánh khoe màu tím thẫm đan gọn ghẽ trên vài ngôi mộ kế bên kêu lên những tiếng vi vu như tiếng ong bầu. Những bông hoa hướng dương chiều hôm trước được uống no nê trận mưa trông vẫn còn tươi tỉnh, cô gái bán hoa sáng nay mặc chiếc áo đầm dát đầy hoa mimosa vàng rực nhưng cổ áo lại màu xanh da trời và sợi dây thắt thành cái nơ màu trắng lủng lẳng nơi cổ áo dưới là hàng cúc màu vàng theo màu hoa cài trên áo không rõ loại vải gì may thật khéo nhìn cô ta không khác mấy cô mannequin đứng sau tủ kính, cô nhận ra tôi khi vừa bước vào.

“ Chào thầy buổi sáng, em có để riêng hoa hướng dương cho thầy trong tủ kính, chừng nào thì thầy cần ?”

“ Cám ơn cô, chiều nay khi trở về tôi ghé lấy”

“Em sẽ giúp thầy như bữa qua và sẽ lấy hoa cũ đi thầy nhé”

“ Cô thật là người chiều khách, ước gì có chàng trai nào trong đời cũng biết chiều cô như vậy”.
 
Nghe tôi khen, cô gái ném cho tôi cái nhìn hóm hỉnh dài đuôi con mắt.

Đổi ba chuyến xe mới về đến miền quê, nơi chôn nhau cắt rốn, họ đổ tôi xuống phũ phàng như đổ bao rác bảo tôi là đã đến nơi, chỉ cho tôi cái nhà máy hình thù lôi thôi bặm trợn lợp tole và tường hoen rỉ, hai cái ống khói đen xì đang thi nhau nhả lên trời những lớp khói đen bạo hành uy hiếp ánh dương, những tiếng bánh xe bằng kim loại đen xì lôi nhau hùng hục như lũ quân xâm lược đang rên lên ken két đay nghiến lẫn nhau. “Nhà máy gì mà dơ bẩn như làm trên đống rác?” cơn mưa chiều qua còn đọng lại nhiều vũng nước đen ngòm nhân công khuân vác chà đạp lên tạo thành những luống bùn lầy lội, bầy chó đói gầy đét nhìn rõ cả xương đang sục sạo tìm ăn trong những đống rác cao ngộn trong sân và hai bên nhà máy, lũ chó rúc đầu vào, bị động ruồi nhặng bay lên tứ tán như ong vỡ tổ. Tôi hỏi một anh nhân công:

“Đây là nhà máy gì vậy thưa anh?”
 
Anh ngó tôi lạnh lùng dáng khinh bỉ bỏ đi không buồn trả lời. Người đến sau
 
“Đây là nhà máy sản xuất phân bón hóa học, chủ và những đốc công đều là người Trung quốc”.
 
“À ra thế, lòng người đang trở thành chai đá, vì ăn nhầm chất độc của lũ Bắc phương.”
 
Tôi nhủ thầm trong bụng.

Nơi tôi đang đứng ngày xưa là nền của ngôi nhà ngang, nơi sau này ba tôi đặt máy xay lúa, chiếc máy xay đầu tiên trong khu vực nó rất xinh, xinh như một món đồ chơi của Japan, máy chạy rất êm mang lại biết bao tiện ích cho dân làng, những cô gái đã thôi không còn giã gạo đêm trăng nữa. Họ đã san bằng ngôi nhà ngói 5 gian của ông nội tôi và cả khu vườn của mẹ để xây nhà máy, lối đi ngày xưa các cô thôn nữ tới sông gánh nước bây giờ là bến dỡ và bốc hàng, nước sông loang loáng đầy mùi dầu khí. Trước mắt tôi thời thơ ấu, dòng sông êm đềm và thơ mộng như bản tình ca, hôm nay chỉ còn là tiếng thở dài. Tôi đứng trên bờ mà lòng quặn đau, sau nhiều năm bị hành hạ bởi bọn người ngợm chẳng có trái tim, lòng sông cũng đã trở nên chai đá, nó thẫn thờ nhìn tôi như một kẻ lạ mặt, đến để tạo thêm ô nhiễm vào lòng nó, cho mảnh đất mà nó đã nhận làm quê hương, ô nhiễm cả bầu trời nơi ánh sáng tươi hồng không thể xuyên thấu được, mặt trời của cơn hấp hối đồng dạng với cơn hấp hối của quê hương này, nhìn trước nhìn sau chẳng còn ai thân quen, người xưa đã lưu lạc khắp nơi, cần cổ tôi cũng đưa lên đưa xuống, nhưng sao không thể nuốt được nước mắt vào trong như mẹ?

Mảnh đất này đây nơi đã một lần mẹ tôi bước qua ngưỡng cửa về làm dâu, còn tôi nó quen thuộc như một đứa bạn thân, chúng tôi đã đùa giỡn với nhau cả thời thơ ấu, thế mà ngày trở về nó đã không còn nhận ra tôi có phải tôi đã bạc bẽo với nó hay là chế độ này đã khiến nó hoá ra chai đá và đui mù.

“ ...Trùng dương ơi có xót xa cũng hoài mà thôi...” ( Phạm Duy)
**
Mới xa mẹ một ngày mà sao nhớ bà da diết, nhớ như nhớ ánh mắt của mẹ thuở nào nhớ như nhớ những bữa cơm thanh đạm mà ngọt ngào mẹ dọn ra dưới giàn mướp mỗi khi ánh nắng chiều loang, rắc hoa bên thềm và nhớ như nhớ tiếng à ơi mẹ ru con, như ru đời gian nan của mẹ. Con trở lại con phố hỗn mang, ngập ngụa người và tiếng động, cũng may con còn tìm được nơi yên tĩnh là khu đất thánh và hàng cây sao ngả bóng rợp cho mẹ, ngồi bên mẹ rợp bóng chiều làm con tưởng chừng như chính mẹ là bóng rợp của đời con đích thị như khi con còn nhỏ mỗi khi gặp sự gì ngược đãi thì mẹ chính là liều thuốc xoa dịu nỗi đau. Trong cuộc đời lao xao hôm nay mỗi khi bị tổn thương, con vẫn đi tìm cái bóng rợp của ngôi vườn xưa nơi đó mẹ là bóng mát là tiếng ve sầu nỉ non là tiếng vành khuyên gọi xuân vào hạ. Thời gian còn lại trước khi xa mẹ, con tìm về quá khứ mong lượm lặt được những kỷ niệm rơi rớt trong suốt thời gian được sống bên mẹ, dù đó chỉ là giọt nắng chiều rớt trên vai mẹ, một tiếng võng kẽo kẹt vất vả trắng đêm vì con hoặc nỗi chờ mong của mẹ được về thăm quê ngoại hoặc nỗi đau chín đỏ cơn sầu mà mẹ chẳng biết than thở cùng ai để con gội rửa cho hết vết bụi thời gian giữ làm hành trang cùng con sớm chiều.

Chiều nay một buổi chiều oi nồng, như báo trước trận mưa ngâu rỉ rả khi đêm về, khu đất thánh hoang vắng một mình con với mẹ chờ hoàng hôn, cây sao đứng im không một ngọn gió, trên cành cao một vài cánh chim gọi nhau về tổ, đã biết bao lần mẹ và con cùng ngồi bên nhau như lúc này trong vườn ngắm hoàng hôn, chờ cơn gió hè về trong lúc lũ ve sầu than vãn trên cao, mẹ trở nên thinh lặng, đôi mắt mẹ xa vắng tưởng chừng đó là giây phút thiêng liêng tiễn đưa vạt nắng sau cùng thoi thóp trên hàng dừa cao như tiễn đưa một linh hồn về cõi xa mù.

Nhưng.

Hôm nay con cũng đang ngồi bên mẹ mà ngộ ra bởi đâu cả đời mẹ yêu hoa hướng dương, vì chúng là mặt trời không bao giờ lặn, và cả mẹ nữa, với con, đời mẹ là chuỗi ngày không bao giờ có hoàng hôn, mẹ nhỉ?
 
Ngân Hà