Cứ đến tháng Tư, thì thế nào cũng ít nhiều nhớ lại cuộc sống tha hương, dù đã 40 năm xa xứ. Năm nay nỗi nhớ vẫn còn đó, nhưng lại có nỗi niềm riêng tư hơn là thời cuộc...
Bước chân vào nước Úc với tư cách là một người tỵ nạn chính trị: với hai bàn tay trắng, chị em chúng tôi đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống xứ người. Chúng tôi được ở Hostel trong vài tuần đầu để đi học tiếng Anh và làm quen với cuộc sống mới, sau đó phải dọn ra ngoài và tự lo lấy với một số tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Bộ An Sinh Xã Hội -mà bây giờ đổi tên là Centrelink - nếu chưa có việc làm. Khi còn trong Hostel, cuối tuần còn được dư vài đồng của tiền trợ cấp, sau khi đã trừ chi phí cho mọi dịch vụ ăn ở nơi đó. Lúc đó thật sự không lo nghĩ gì nhiều vì mọi việc đều được cung cấp, xe Bus đến đón đi học, ngay cả mỗi sáng khi ăn sáng xong thì lãnh một túi đựng thức ăn trưa (bánh mì Sandwich, trái cây và hộp nước) để chúng tôi có thể ăn khi ở trường học, chiều được xe đón về thì chỉ việc tới phòng ăn để ăn tối thôi, nhiều khi có trái cây hay món tráng miệng khoái khẩu lại còn đem về phòng để nhâm nhi buổi tối trước khi đi ngủ nữa.
Thế nhưng, đâu có thể kéo dài cuộc sống hoài như vậy được, chúng tôi phải rời khỏi Hostel khi đã tương đối biết được chút ít trong việc giao tiếp với xã hội mới, bắt đầu mưu sinh và tìm kiếm tương lai cho cuộc đời mình.
Chị đi làm, hai em đi học, số tiền kiếm được và tiền trợ cấp của chính phủ chỉ đủ cho chúng tôi thuê căn Flat 1 phòng ngủ. Căn phòng trống trơn chỉ có ba cái nệm nhỏ xin được của Hội Từ Thiện, để trải dưới đất cho buổi tối nằm ngủ thôi. Nồi niêu xoong chảo hay áo quần… thì ra chợ trời mua (kệ, cũ người nhưng mới ta, chịu khó chùi rửa, giặt giũ kỹ thì cũng… not bad mà) - Chợ trời thường mở cửa vào thứ Bảy, Chúa Nhật ở một khu đất trống gần nhà – (nói là gần nhà chứ chúng tôi đi bộ cũng cả tiếng đồng hồ, vì thời đó các cửa hàng chỉ mở cửa đến trưa ngày thứ Bảy, còn Chúa Nhật thì đóng cửa hoàn toàn; riêng phương tiện chuyên chở công cộng như xe lửa, xe Bus, xe Tram thì cả tiếng đồng hồ mới có một chuyến vào cuối tuần).
Cho nên cuối tuần là buồn và nhớ nhà ghê lắm, chỉ biết quanh quẩn trong nhà, ôm chiếc máy Cassette để nghe những bản nhạc Việt Nam và thấm thía lắm cuộc sống của “người di tản buồn”. Việc nấu nướng ăn uống thì rất đơn giản, là món gà kho muôn thuở vì đâu đủ tiền để mua sắm thức ăn cho phong phú, nên tuần nào cũng “vũ như cẫn”: một nồi gà già kho gừng ăn cả tuần, thêm lòng, mề, tim gà thường là các tiệm bán thịt bỏ đi chứ không bán như bây giờ, thì chúng tôi xin về làm sạch sẽ để có thể chế thêm món như luộc, xào hay nấu canh, cháo cũng ngon lắm. Cũng may thời đó (1980) các cửa tiệm tạp hóa Á Châu đã có nên mấy món nước mắm, bún khô, bánh phở khô v.v.. không thiếu, do đó cuối tuần có thể nấu bún, phở, Curry gà thay đổi cũng đỡ chán, tuy nhiên mấy loại rau Việt Nam rau muống, tần ô, cải, húng quế, ngò gai, ngò ôm thì… chỉ mơ thôi! Ăn đỡ Spinach, xà lách, hay khoai tây, carrot, bắp cải, cauliflower đi nha!
Trải qua nhiều lần dọn nhà cho thuận tiện với việc đi làm đi học, nhưng cũng vẫn là nhà thuê, từ của tư nhân đến chính phủ, từ một phòng đến 2 phòng ngủ, đến khi dân số gia đình tăng lên, và tiền thuê gần tương đương với nợ ngân hàng nếu mượn mua nhà. Thế là quyết định mua căn nhà đầu tiên ở xa nơi phố thị, nơi không có nhiều đồng hương cư ngụ vì khả năng tài chánh không đủ chi trả cho những vùng đó.
Nhớ làm sao ngày đầu dọn về, căn nhà tuy cũ và làm bằng gỗ nhưng rộng rãi, thoáng mát sau gần 10 năm sống chật hẹp trong những căn nhà thuê, lòng rộn rã vui, nhưng đến tối về, tiếng dế hay cóc nhái kêu vang, mấy đứa con còn nhỏ khóc lạ nhà la inh ỏi. Ôi chao là nản!
Vậy đó, rồi cũng quen, chúng tôi đã sống trong căn nhà đến 30 năm, biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, thương yêu, nâng đỡ, chăm sóc lẫn nhau. Khi các con đã khôn lớn, lập gia đình ra riêng… nhìn căn nhà rộng, sức khỏe cũng không như xưa, làm sao có thể đủ sức dọn dẹp, sửa chữa, nhất là nghĩ đến việc đẩy máy cắt cỏ cho miếng vườn phía sau nhà là thấy sợ lắm rồi. Thôi đã đến lúc phải tìm căn nhà nhỏ hơn, ít chăm sóc hơn để còn có thời gian dưỡng già nữa chứ. Thế là đành đăng bảng bán nhà dù lòng rất lưu luyến và man mác buồn...
Ngày dọn đi, cô con gái út nhìn quanh căn nhà lần cuối, bịn rịn lên tiếng “thương quá!”. Đúng vậy, làm sao mà không nặng tình cảm với căn nhà đã từng trải qua thời hàn vi cùng chúng tôi, 30 năm chứ ít chi, mà đó chỉ là những năm cùng sống với chúng tôi, chứ tính từ năm mới xây thì dễ chừng cũng… cả trăm năm rồi còn gì… nhìn nó đã ọp ẹp lắm rồi, dù phòng ốc và nước sơn bên trong nhà vẫn còn tốt nhưng cũng không che lấp nổi dáng vẻ “già nua” của nó.
Mới hôm chiều thứ Bảy vừa rồi, khi vừa tan lễ ra khỏi nhà thờ, thì cậu học trò cũ cả chục năm về trước, tiến lại báo tin “Miss, your old house has been demolished” “Thật vậy sao?” Và vội vàng lái xe chạy đến nhìn...
Ôi, chỉ còn là miếng đất rộng thênh thang, được dọn dẹp sạch sẽ gọn gàng, dấu vết căn nhà đã biến đâu mất rồi, lòng lại dâng lên nỗi bồi hồi xúc động...
Thôi nhé xin chia tay nhau, căn nhà đã hoàn tất công việc của mình rồi đó, giờ đây chỉ còn lại trong tôi những kỷ niệm và hình ảnh ngày nào. Dù là người hay vật, có gì còn tồn tại với thời gian đâu nhỉ?
Hồ Diệu Thảo