User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
memorial daytbt
 
1. Chuyện Người Cầu Thủ Biết Thương Yêu Tự Do
 
Tiếp theo phát súng lục khô khan của người sĩ quan chỉ huy, hai mươi tám quan tài đã cùng lúc được hạ xuống lòng huyệt trong tiếng nổ đì đùng của 21 phát đại bác. Sau chỉ hơn một tiếng đồng hồ thì buổi lễ chấm dứt. Những tiếng kèn đồng cuối cùng như cố bay vất vưởng trong lớp sương chiều, rồi khoắc khoải đọng lại trên từng mộ bia, từng ngọn thông bao quanh khu nghĩa trang. Đời người chỉ có vậy thôi sao? Đến cũng nhanh mà đi thì càng nhanh hơn nữa. Mà cũng đơn giản hơn nhiều. Màu cờ trên quan tài. Những tấm huy chương. Hai hàng quân. Những người thân xung quanh. Bài ca tử sĩ. Tiếng kèn đồng ai oán. Sau đó là bình thường. Mọi người, mọi vật trở lại bình thường. Súng vẫn nổ từ ngàn dặm xa. Tại đây, bên ngoài rào, từng dòng xe cộ vẫn hối hả ngược xuôi như mọi ngày. Ở góc đường đối diện khu nghĩa trang, anh chàng cựu quân nhân homeless vẫn đứng đó, không nói một lời, vẫn mang trước ngực tấm bảng: “Why lie? I need some beer!” như mọi ngày. Rồi ngày mai, ngày mốt, ngày kia… cảnh tượng tương tự sẽ xảy ra trên vuông đất bên trong vòng rào này. Đội quân dàn chào thì vẫn những khuôn mặt ấy, nhưng nằm yên trong quan tài thì mỗi ngày có những khuôn mặt khác. Hàng ngàn huy chương vẫn được ngày đêm sản xuất đủ để theo người chết xuống huyệt cùng với tiếng kèn đồng nức nở. Chỉ có người ra đi là đi mãi, đi mãi, đi không về.
 
Ông Rogers rời nghĩa trang. Ông không muốn cùng đi xe chung với những người thân về nhà. Ông đi bộ về hướng cánh rừng phong cuối nghĩa trang. Có tiếng cú rúc đâu đó trong trời chiều. Mùa thu. Lá phong vàng như nghệ. Rừng phong như dải lụa vàng óng ả phơi trên nền trời. Ông Rogers thì thấy lòng mình tím ngắt. Người em út của ông vừa bỏ ông mà đi. Bây giờ ông Rogers vẫn không tin đó là sự thật. Người nằm trong quan tài ấy phải là một người nào khác, không thể nào là thằng Ken được. Giữa cái mênh mông của vùng trời vàng nghệ và cái góc tâm tư tím như than của mình, ông Rogers thấy mình trôi trong màu đen đặc sệt cùng với thân hình cao lớn, vạm vỡ của Ken trên các cầu trường khắp nước Mỹ. Đội bóng bầu dục tỉnh nhà đã hai lần vô địch toàn quốc phần lớn là do công trạng của Ken, người được gọi là “the best wide receiver” suốt ba mùa bóng. Cho đến đầu năm 2004 thì Ken biến mất trên cầu trường, lúc người đại diện đang tiến hành thủ tục ký bản hợp đồng cho 5 năm tới với số tiền khổng lồ kỷ lục. Ông Rogers như còn thấy trước mắt buổi sáng đầu năm Ken đến thăm ông và báo tin sẽ lên đường đi Afghanistan ngày mai. Tin đến với ông thật nhanh và thật gọn. Đơn giản như cử chỉ và lời nói của Ken hôm ấy:

“Đời đã đãi ngộ em nhiều lắm rồi. Hơn ba mươi năm. Đã đủ. Nhưng biết bao nhiêu người vẫn còn thiếu. Thiếu nhiều thứ lắm. Cái thiếu lớn nhứt là Tự Do”.

“Tự Do? Hình như anh nghe em nói tiếng này lần đầu?”

“Khi đã mặc nhiên có được Tự Do thì không ai khát khao, càng không quan tâm”.

“Nhưng mà em sẽ làm được gì cho cái gọi là Tự Do của hàng triệu người ở một nơi xa xăm ấy?”

“Có lẽ em sẽ không một sớm một chiều đem Tự Do cho họ, dù chỉ một chút xíu, dù cho chỉ một, hai người. Có lẽ em cũng chưa làm được điều gì trước giờ phút xuôi tay”.

“Vậy thì cái giá em phải trả cho một chút Tự Do không chắc chắn đó, có quá cao không, khi em bỏ hết danh vọng trên cầu trường, bỏ hết tiền bạc, có khi bỏ cả mạng mình và…”

“Em xin phép ngắt lời anh. Dạ thưa anh, Tự Do là vô giá. Không thể so sánh với bất cứ cái gì trên đời này, kể cả cái mạng nhỏ nhoi của mình”.

“Vậy thì em có thể chờ cho đến khi giải nghệ, hay cho đến cuối mùa bóng này?”

“Hàng triệu người đàn bà Afghanistan đã bị đối xử tàn tệ, bất bình đẳng từ mấy chục năm nay. Tai, mắt họ đã bị che kín từ bấy lâu nay. Chữ nghĩa cũng không đến được với họ. Hôm qua 2 em bé Afghanistan chưa quá 12 tuổi bị bọn Taliban treo trên cây, đầu trút xuống. Những người bịt mặt, bịt mũi, tay dao, tay súng la hét buộc hai em bé phải nhận tội làm gián điệp. Những em bé này chắc chắn không thể chờ thêm, dù chỉ một giờ, để có người đến giải cứu. Rồi ngày mai, em biết chắc sẽ có vài em bé khác, vài người vô tội khác sẽ là nạn nhân của tội ác.”

“Anh không hiểu tại sao em tự buộc mình phải là người đi giải cứu.”

“Không ai buộc em hết, kể cả chính mình. Chỉ có lương tâm nó buộc mình.”

“Vậy thì mình còn cần phải tìm hiểu cái giá trị đích thực của cuộc chiến mà mình sắp bước vào nữa chứ.”

“Cái giá trị đích thực bây giờ không phải là lý thuyết suông về cái lý của cuộc chiến, mà là nhìn. Là nhìn. Nhìn hàng ngàn anh em mình đang ra mặt trận, đang hy sinh cho lý tưởng Tự Do, cho mục đích giải phóng con người ra khỏi chỗ âm u, đen tối. Nhìn những người dân vô tội ở bất cứ đâu, ở Afghanistan, ở Iraq… đang là nạn nhân của tội ác. Đứng xa mà nhìn thì cũng không được, anh ạ. Chẳng có ích gì hết.”
 
Sáng hôm sau ông Rogers ra sân bay tiễn Ken lên đường. Đó là buổi sáng của hai năm trước. Còn buổi chiều hôm nay thì thân xác Ken mấy phút trước đây đã vùi sâu dưới ba thước đất cùng với hàng chục chiếc huy chương trên ngực áo. Cả nước thương tiếc một cầu thủ xuất sắc đã sớm bỏ cầu trường, bỏ tiền tài, danh vọng đi đến một đất nước xa xôi rồi chết đột ngột ở đó. Nhưng ông Rogers, sau những phút giây xúc động, đã chợt hiểu em mình. Ông biết Ken trước khi bị trúng đạn đã hướng dẩn trung đội của mình giải cứu hàng chục phụ nữ cùng với các con nhỏ thoát khỏi một nhà giam của Taliban trong vùng núi sâu. Và còn biết bao chiến công khác nữa trong suốt hai năm dài chiến đấu không ngừng nghỉ. Ông biết Ken là một chiến sĩ của Tự Do và đã chết vì hai chữ Tự Do. Bây giờ thì ông Rogers thấy lung linh bóng dáng vạm vỡ của em mình như cánh đại bàng bay phất phới theo màu cờ xanh trắng, giữa màu vàng rực rỡ của rừng phong. Ken bây giờ to lớn gấp bội anh chàng The Best Wide Receiver trên sân đấu năm nào.

Rừng phong đang ung dung thả những chiếc lá vàng xuống đất để đất thành phân và phân làm xanh thêm cây lá.
 
Ông Rogers quay trở lại nghĩa trang. Ông đứng nghiêm, mắt hướng về lá quốc kỳ đang buông rũ trên cột cờ, rồi nghiêng mình trước hàng trăm mộ bia tử sĩ đang nằm yên nghỉ dưới sương chiều.
 
2. Quà Sinh Nhật
 
Ngay sau khi đứa cháu ngoại 22 tuổi giã từ ông theo đoàn quân lên đường sang Iraq, ông Frank quyết định bỏ hết để xuôi nam; bỏ hết mọi thứ trong căn nhà to rộng trên đường West 79, đối diện với Riverside Park, bên dòng Hudson, thành phố Nữu Ước. Ông chỉ mang theo mấy bức ảnh. Đây là những bức ảnh vô cùng quý giá đối với ông. Những bức ảnh cuối cùng của những người thân nhất đời ông. Trong khung ảnh, vợ ông trong chiếc áo len màu đỏ thắm, ngồi tươi cười sau bàn làm việc trên tầng lầu thứ 42 của tòa nhà Thương Mại Thế Giới phía nam. Trong khung ảnh khác, con gái và con rể ông chụp ngay trước bồn nước phun bên cánh trái, trong khung viên Ngũ Giác Đài, ngay phía trước văn phòng làm việc của hai người. Hai bức ảnh chụp trước tai nạn thảm khốc 11 tháng 9 chỉ có vài ngày. Còn bức ảnh thứ ba chụp hai người lính là thằng con thứ tư của ông đang đứng bên cạnh Chú Út của nó khi hai chú cháu gặp nhau tại thị trấn al-Hillah, bên cạnh di tích thành Babylon. Bức ảnh này ông có được chỉ sau khi cả chú em và thằng con bị thiệt mạng cách nhau ba ngày trong hai trận đánh khác nhau tại chiến trường Iraq.

Những người thân yêu đó đã từ ngôi nhà này, từ đại gia đình này vĩnh viễn ra đi, để lại cho ngôi nhà một sự trống vắng thật đáng ghê sợ. Họ đã đột ngột ra đi không kịp nói với ông một lời nào, họ để lại cho ông những khung ảnh này và một nỗi đớn đau vô cùng to lớn, không cách nào hàn gắn lại được.

Ông Frank còn nhớ hôm đó tiệc sinh nhật thứ 60 của vợ ông chấm dứt lúc gần nửa đêm. Sáng hôm sau ông Frank còn mỏi mệt nên ở nhà. Vợ ông một mình đến công ty định giải quyết vài công việc khẩn cấp rồi trở về cùng ông hôm sau đi Boston nghỉ mát một tuần. Hôm đó là ngày 11 tháng 9 năm 2001. Cũng là ngày bà Betty Frank vùi thân trong đống gạch vụn của tòa cao ốc phía nam. Còn bức ảnh của con gái và anh con rể là bức ảnh duy nhất của họ chụp tại sở làm sau hai mươi năm vợ chồng cùng đến đây làm việc mỗi ngày. Họ chụp bức ảnh để làm kỷ niệm trước khi về hưu vào ngày 12 tháng 9 để cùng đi Boston với ông bà Frank. Ngày định mệnh 11 tháng 9 đã đến trước mọi dự định của ông bà Frank, của con gái và con rể và của hơn ba ngàn người thiệt mạng hôm đó tại hai tòa cao ốc của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và tại một góc của Ngũ Giác Đài.

Từ lúc vợ, con gái và con rể cùng tử nạn ngày 11 tháng 9, rồi con trai và chú em tiếp tục bỏ ông mà đi vĩnh viễn, ông Frank gượng sống với thằng cháu ngoại côi cút tên Wayman lúc đó đang học trung học. Ông Frank đã ít nói mà thằng Wayman thì tối ngày chỉ lặng câm. Ông Frank không còn muốn làm ăn gì nữa. Một mái ấm gia đình bỗng tan tác chỉ trong một ngày thì tiền của, tài sản còn đó để mà làm gì. Cuộc đời ông cũng chẳng còn có một ý nghĩa nào. Ông Frank đã bán toàn bộ cổ phần của ông trong đại công ty tài chánh do ông bà thành lập từ gần bốn mươi năm nay. Các bất động sản trải dài suốt vùng Đông Bắc ông Frank cũng bán hết. Phần lớn số tiền ông đóng góp vào quỹ cứu trợ 11 tháng 9. Ông chỉ còn giữ lại một chút rất ít để sống những ngày tàn.
Khi thằng cháu ngoại Wayman tham gia quân đội ngay sau khi tốt nghiệp đại học, ông không muốn phải mất thêm một người thân yêu nữa trong cùng căn nhà rộng mênh mông này. Ông quyết định bán hết nhà cửa tại New York, trở về trang trại của gia tộc ông trong vùng Victoria, phía nam thành phố Houston, Texas. Gần một năm nay ông Frank sống ở đây một mình. Căn nhà nhỏ nằm trên ngọn đồi thấp, giữa cánh đồng cỏ bao la bao quanh bởi hàng rào gỗ sơn trắng. Ngày ngày người cựu tỉ phú cô đơn gần bảy mươi tuổi lúc thì lái máy cày xới đất, khi thì lái máy cắt cỏ, lúc thì vui chơi với đàn bò và mấy chú dê con. Ông Frank sống với những tiện nghi cần thiết tối thiểu. Không TV, không radio, không điện thoại. Ông bỏ ngoài tai tất cả tin tức thời sự. Chính trị, quân sự, kinh tế, thị trường chứng khoán… là điều ông Frank không còn muốn quan tâm nữa. Có lẽ trong vài năm qua gia đình ông có nhiều cái chết đến đột ngột, nên lúc nào ông Frank cũng nghĩ tới điều bất hạnh cho đứa cháu ngoại của mình. Ông sợ phải nghe những tin xấu từ một chiến trường xa lắc, nơi đó thằng cháu ngoại thương yêu của ông đang phải đối diện hàng ngày với muôn điều bất trắc. Lâu lâu cô con gái út có về thăm ông đôi ba ngày. Cô biết ý cha nên chẳng nói, chẳng bàn bạc gì về thằng cháu. Hôm nay cô biết nó an lành, nhưng cô đâu biết những gì sẽ xảy ra cho nó ngày mai. Nhìn thấy cha mình đang sống từng ngày với nỗi lòng khoắc khoải, lo âu cô cũng thấy đau lòng. Nỗi buồn, nỗi lo càng ngày càng đè nặng khiến thân xác ông thêm còm cõi. Thằng Wayman vẫn thường gởi thư về ông ngoại, nhưng ông ngoại vẫn không an tâm, vẫn nghĩ tới những điều ngược lại với những dòng chữ trong thư.
 
Cho tới một ngày ông Frank gặp phải một sự thật vô cùng bất ngờ.
 
Hôm đó là ngày sinh nhật của ông Frank. Ông Frank có nhớ, nhưng ông không làm gì hết để đón mừng ngày sinh thứ bảy mươi của mình. Ông nghĩ mình còn sống đây là chỉ để tiếp nối nỗi buồn từ năm năm trước và để chờ một tin buồn khác bay về từ một vùng trời xa. Cho nên chiều hôm đó ông Frank uống gấp đôi phần rượu vang ông thường uống mỗi ngày trong bữa ăn tối. Ông muốn chóng ngủ để quên một tuổi đời ông không chờ không đợi. Từ phòng ăn, ông Frank đi lần ra cửa trước. Vừa định khép và khóa cửa thì cô con gái ông đã có mặt ở đó từ hồi nào cùng với mấy chục người là những bà con ở xa và những láng giềng gần. Rồi đèn đuốc sáng choang, pháo nổ rì rào. Hoa giấy bay loạn xạ. Và kìa, ông có hoa mắt không khi người đàn ông vạm vỡ trong bộ quân phục rằn ri vẹt đám đông tiến về phía trước chính là thằng Wayman. Phải, thằng cháu ngoại của ông, thằng Wayman. Ông Frank muốn gọi lớn tên nó mà ông không thốt nên lời. Thằng Wayman ôm ông trong đôi tay cứng chắc. Thằng Wayman nâng ông lên cao bằng một tay, còn tay kia đánh nhịp, miệng ồn ồn bắt giọng cho mọi người đồng ca: “Happy birthday to you, happy birthday to you, happy birthday to grandpa, happy birthday to Frank”.
 
Ông Frank phát khóc trong cánh tay cứng như sắt của món quà sinh nhật bằng xương bằng thịt vô cùng thương yêu này.
 
Trần Bang Thạch
Nguồn: https://tranthinguyetmai.wordpress.com/