User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
coila
 
Mãi cho đến lúc về tới nhà, cô mới nghĩ không biết có nên viết, hay không viết cho bố cái thư, báo tin mẹ đã mất. Dường như lâu lắm rồi, cô không thư từ gì với bố. Cũng không có ý định giữ liên lạc với người mà cô đang mang một phần huyết thống. Lúc đứng trong nghĩa trang, nghe ai đó hỏi, sao không thấy bố cô, cô cũng chẳng buồn trả lời hay đính chính điều gì. Cho chính mình. Cho bố. Hay cho mẹ. Sau lưng cô, cô biết chắc chắn người ta sẽ trách cô kỳ quặc, trách bố cô vô tình, và có lẽ cũng sẽ trách người đã khuất không có lòng tha thứ, độ lượng.
 
Nhưng cô mặc kệ hết mọi sự. Toàn thân cô mỏi mệt đến độ cô có cảm tưởng chỉ cần khuỵu chân xuống thấp một tí thôi, là cô có thể đổ nhào. Rời rã. Tan tành. Năm ngày liên tục hai bốn tiếng đồng hồ không hề dời chân ra khỏi bịnh viện, cộng thêm hai ngày tiếp theo chạy vạy một mình lo tang lễ, là đủ để cô không còn thần trí gì nữa. Cái thể xác vốn yếu đuối của cô hình như cũng đang chuẩn bị đình công, không muốn làm việc. Cả buổi sáng, từ nhà quàn đến nhà thờ, rồi từ nhà thờ ra nghĩa trang, người cô nhẹ hẫng, như đang bay bỗng trên mặt đất. Cô nói mà có cảm tưởng mình không nói. Cô trả lời mà có cảm tưởng mình không trả lời. Lao xao bên tai cô, những người bạn thân của cô, thỉnh thoảng lại nhắc nhở cô nên uống miếng sữa, hay ăn một tí gì đó...
**************
Suốt trong thời gian lo đám táng cho mẹ, dường như cô không hề có một tiếng khóc. Không hề nhỏ một giọt nước mắt khi tiếp người thân của gia đình, bạn bè của mẹ, rồi bạn bè của cô. Trông cô hoàn toàn bình tĩnh, hoàn toàn dư dật sức mạnh để chịu đựng bất cứ điều gì xảy ra cho mình trong mọi tình cảnh, mọi thời điểm. Những lúc bị bắt buộc phải kể lể cho người nào đó nghe về những ngày cuối đời của mẹ, hay khi nói chuyện với người chăn dắt tinh thần, khi lo thủ tục với chính quyền, khi tiếp xúc với nhân viên công ty mai táng, nhân viên nghĩa trang v.v...; người ta có cảm tưởng như cô đã sắp xếp mọi việc một cách hết sức gọn gàng, thứ tự để không một sơ suất nhỏ nào đó có thể xảy ra. Như cô đã chuẩn bị tư tưởng lẫn tất cả mọi công việc cho lần mẹ cô ra đi vĩnh viễn thế này từ lâu lắm rồi.
 
Không ai biết, không ai ngoài cô, nhìn thấy một con người, không, một cái bóng thì đúng hơn, phất phơ chạy đi chạy về giữa những nỗi cùng khủng, hoảng hốt. Hoàn toàn chẳng có ai tưởng tượng ra nổi tất cả mọi động tác của cô đã chẳng khác gì những sự phản xạ có và không có điều kiện. Ngay chính cả cô, mà cô cũng không tưởng tượng nổi mình có thể ôm đồm hết ngần ấy việc, lo xong được hết ngần ấy cho mẹ, y hệt một cái máy như vậy. Ai cũng bảo sức cô chỉ có hạn, cô nên gìn giữ, cô nên nghỉ ngơi đôi chút. Cô đã gật đầu, đã nói vâng, đã cám ơn tất cả mọi người, nhưng rồi cô vẫn cứ tiếp tục chạy đi chạy về, tiếp tục chăm sóc từng li từng tí việc như thế cho đến lúc hoàn tất.
Mãi cho đến khi về tới nhà, khép hai cánh cửa lại, tựa lưng vào đó, nhìn sững nơi hai mẹ con cô đã từng sống một khoảng đời rất dài, cô mới bật ra những tiếng nấc nghẹn ngào. Mãi đến lúc ấy, cô mới bàng hoàng nhận ra rằng, từ đây sẽ chẳng bao giờ còn có mẹ bên cạnh, sẽ chẳng còn bao giờ cô có thể trông thấy mẹ lại một lần nữa.
 
Cô ngồi phệt xuống đất. Từng khớp xương, từng phần bắp thịt nhỏ của cô nhức buốt lên. Tê dại. Trước mặt cô tối đen. Đen kịt một màu. Cô thường nghe nói về nỗi cô đơn khi mất mẹ, nhưng cô không tưởng tượng ra được cái khoảng trống ấy lại to lớn và khủng khiếp đến như vậy. Như cô đang bước hụt ra khỏi mặt đất, rơi vào một không gian chơi vơi nào đó, và mất hẳn sự thăng bằng. Trước đây mẹ con cô vẫn nói với nhau về sự chia lìa. Cô nhớ mẹ hay đùa, khi cô còn mười lăm mười bảy, "mẹ chết, con ở với ai?". Và bạn bè mẹ, bạn bè cô, trêu mẹ bằng câu ca dao, mẹ đi lấy chồng... Vào những năm cô chưa đủ quyền công dân, chưa đi làm, cô hay trả lời mẹ, nếu mẹ chết, cô sẽ ăn nhờ ở đậu nơi viện mồ côi. Cô đã cười giòn giã với mẹ:
 
- Hoặc nếu không đủ tiêu chuẩn vào viện mồ côi, con sẽ ra ngồi ở góc phố, đeo một tấm bảng trước ngực "lạy ông đi qua lạy bà đi lại"...
 
Sau đó cô bắt chước giọng ca rầu đời của một ca sĩ, thỉnh thoảng vẫn nghe bạn bè của mẹ hát Karaoke trong những buổi tụ tập, "ợ ợ" lên mấy câu thật thảm sầu. Cô trêu mẹ:
 
- Con sẽ đổi một ít tiền lẻ để... thối lại cho người nào chỉ có tiền chẵn y như người ta ăn xin ở Việt Nam vậy.
 
Cô và mẹ đã đùa, đã giỡn với nhau nhiều điều hơn vậy nữa, như thể cái chết không thể nào tìm đến với mẹ, hoặc với chính bản thân cô. Như thể thần chết sẽ đi qua mọi con đường, nhưng chừa cánh cửa nhà cô lại, không gõ. Như thể, sẽ chẳng bao giờ có điều kém may mắn nào hiện đến để chia cách mẹ con cô. Và mặc dầu cả hai đã từng nhiều lần nói chuyện với nhau về việc một mai nào đó sẽ không còn ở chung với nhau nữa, nhưng thường vẫn là chuyện mai kia mốt nọ khi cô rời nhà, mang tên họ một người nào đó, có đời sống riêng tây khác, mái ấm khác, mẹ cô sẽ "xin phép" cô cho mẹ đến thăm mỗi cuối tuần để... dọn dẹp nhà cửa và trông nom con cái giúp cô. Mẹ nói:
 
- Hy vọng chồng của con sẽ không quá "trắng" để không chấp nhận điều này.
 
Trong ý nghĩ của cả mẹ lẫn cô, chuyện mẹ cô chết, hoặc mẹ đi lấy chồng, đều là huyền thoại. Mẹ cô hay bảo mẹ không còn trẻ đủ để khao khát bước đi thêm bước nữa. Và chưa đến nỗi già để cái viễn ảnh chết chóc đe dọa chính mình. Mẹ cô hay sắp xếp những kế hoạch sống và việc làm cho mai sau, khi về hưu.
 
- Những việc thiện nguyện đang chờ đón mẹ ở phía trước.
 
Mẹ cô thường khẳng định như vậy. Và không nhiều thì ít, bà đã chuẩn bị, sẵn sàng những tư thế dấn thân phục vụ. Riêng cô, cô vẫn nghĩ, cái ngày ấy chắc chắn là hãy còn ở tít tắp đâu đó, xa lắc xa lơ chưa thể nhìn thấy được. Và thỉnh thoảng thấy mẹ mặc một chiếc áo có màu sắc rực rỡ, hay trang điểm khá đậm nét, cô lại đùa bước chân mẹ hẵng còn dẻo dai, trái tim mẹ vẫn còn nhiều dịp để đập gấp, lỗi nhịp, trật... đường rầy.
 
Chết, mẹ chết. Bằng ý thức, bằng thực tế, bằng nỗi đau đớn thân xác lẫn tinh thần đang phủ trùm lên chính cô như vậy, mà cô vẫn không thể nào tin được. Cô vẫn nghĩ như mẹ đi chơi, đi đâu đó xa nhà...
***********
Khi cô tỉnh dậy, đã quá nửa đêm. Bóng tối đen kịt trước mặt, làm lâu lắm cô mới nhận ra được mình đang ở đâu. Cô hơi ngạc nhiên vì không nhớ ban chiều mình đã chỗi dậy, rời ngưỡng cửa, vào phòng rồi vào giường như thế nào và từ bao giờ. Cái cảm giác đầu tiên của cô là bàng hoàng. Như không biết được cả điều đã xảy cho mình. Lát sau, cô mới dần dà tỉnh táo. Dần dà mới nghe nỗi bồi hồi xúc cảm trào lên. Nước mắt cô ứa ra. Lăn dài hai bên khóe. Chảy xuống cổ cô lạnh ngắt, nhưng cô không buồn gạt đi.
 
Chưa bao giờ cô tưởng tượng ra cảnh cô như thế này, một mình. Lúc chiều cô đã không cho bất cứ người thân hay người bạn nào về nhà với mình. Tự đáy lòng, cô vẫn muốn từ chối cái ý nghĩ mẹ sẽ không bao giờ trở lại. Cô không muốn nhắc đến một cái cõi, thường vẫn được gọi, âm ty, chốn vĩnh hằng, thiên đàng hay địa ngục... Cô không tưởng tượng nổi mẹ cô không còn ở đây, huống gì là ở những nơi đó. Cô nhìn sâu vào bóng đêm. Tai lắng tìm một tiếng động. Như tìm một cảm giác nào đó. Rồi cô tự ngạc nhiên với chính mình khi thấy lòng trống trơn một cách lạ lẫm; cố nghĩ mãi nhưng vẫn không hiểu tại sao ngoài nỗi xót xa bàng hoàng, cô chẳng thể than khóc vật vã như những người thân hay quen biết của cô đã khóc thương cha mẹ.
 
Cô trở dậy đi ra ngoài. Và trong nỗi đau nhức cùng tận ấy, cô bỗng sực nhớ đến một người ít khi có mặt, ít khi nghe tên trong những câu chuyện hằng ngày của hai mẹ con. Cô sực nghĩ đến cô còn có một người huyết máu nữa để cô nương tựa khi mẹ qua đời.
 
Cô không biết trong thâm tâm, mẹ đã nghĩ như thế nào về người từng đầu ấp tay gối của mình, nhưng cô thì hầu như cô đã quên lững bố, như chính bố từng quên lững cái bổn phận của mình đối với hai mẹ con cô. Cái cuộc sống vốn êm đềm và đằm thắm trong tình yêu của mẹ, như một bóng cây tỏa xuống mát rượi, khiến cô, ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi nào đó, cũng không thấy thiếu thốn hoặc cần thiết sự có mặt của một người gọi là bố trong gia đình...
 
Cô thở dài, lần đầu tiên trong những năm sống xa bố, cô chợt nhớ đến cái dáng dấp xanh xao, vàng vọt cùng những ước mơ chẳng bao giờ thực hiện được trong đời của ông. Cô nhớ lúc còn sống với mẹ con cô, bố cô vẫn thường hay hứa hẹn, "mai mốt rồi bố sẽ...". Mai mốt. Sẽ. Bố luôn nói thế. Mà mãi đến khi lớn hẳn lên, cô mới thấy những cái "mai mốt" ấy chỉ có mình mẹ cô tin, hay giả vờ tin. Và những cái "sẽ" chỉ có mình mẹ cô đơm hy vọng, hay giả vờ đơm hy vọng. Cô nhớ phải mất đi một thời gian rất lâu, nỗi thẹn thùng khi tự tay điền giấy tờ cá nhân gì đó của mình -mà với mớ nhận thức ngập ngừng về con người, về đời sống, cô đã hết sức khó khăn trước khi đặt viết xuống cột "nghề nghiệp", "việc làm" của bố- mới biến mất đi. Suốt một thời, và có thể là suốt một đời, những cột, những ô dính dáng đến bố, luôn luôn bị bỏ không, hay gạch chéo, đã làm cô phải mường tượng nếu mẹ là một người đàn bà vụng về, không biết bươn chải, lo lắng, thì chắc cả gia đình cô đã rơi vào những thảm cảnh khó lường.
 
Trong mắt cô thuở nhỏ, thường mẹ vẫn có vẻ là "bố" hơn là "mẹ". Những lo toan, gánh vác, những đảm đương tất cả mọi việc trong gia đình, kể cả những việc thuộc phận sự của bố, như vặn một con vít, đóng một cái tủ, hay sửa một cái máy, cái xe; những chở che của mẹ nhiều năm trên đời sống cô, là những chở che không thường tình bắt gặp ở những bà mẹ quen nấp cánh, nương tựa dưới bóng chồng. Những cứng rắn bắt buộc khi đảm nhận vai trò người đàn ông trong gia đình, những quyết định vượt tính cách nhi nữ, làm mẹ cô hoàn toàn khác hẳn những người phụ nữ cô nhìn thấy chung quanh.
 
Đôi khi ngẫm nghĩ về cuộc đời, cô vẫn tự hỏi, có phải chăng, đó chính là nguyên nhân đã đưa đến sự đổ vỡ, chia lìa trong gia đình cô. Là lý do khiến bố cô phải có mặt ở bên ngoài cuộc đời của cả mẹ lẫn cô hay không.
************
Cô thức dậy thật sớm, sớm hơn giờ giấc hằng ngày cô vẫn dậy, nhưng mắt và đầu cô nặng trĩu. Và cũng vẫn với cái cảm giác kỳ lạ đêm hôm trước, khi nhận ra không gian cùng khung cảnh chung quanh mình, lẫn những sự việc đã xảy ra, cô tự nhủ không được khóc nữa, nhưng rồi nước mắt cô vẫn rơi ra. Cô buồn bã nghĩ ngay đến việc cô sẽ phải đổi nhà, tìm một nơi cư trú nào khác để tránh nỗi đơn độc đang bám vào lấy mình.
 
Và cô cứ nằm mãi như thế cho đến lúc tiếng chuông điện thoại reo lên. Lúc nhấc máy, cô đã hết sức ngạc nhiên khi nghe giọng đàn ông:
 
- Khương đó phải không?
 
Cô đã khựng đi đôi giây vì kiểu nói thân mật của người ở bên kia đầu dây, nhưng cô hoàn toàn không đoán ra được là ai. Trong một khắc rất ngắn, cô đã nghĩ ngay đến bố, và khá mừng trong bụng. Tuy nhiên, cô không dám lên tiếng vội, bởi cô ngờ ngợ nhớ giọng của bố không phải như vậy. Cuối cùng cô cẩn thận nhỏ giọng:
 
- Vâng.
 
Phía bên kia, chừng như cũng có vẻ đoán ra được sự cẩn trọng của cô, nên hơi ngập ngừng trước khi nói:
 
- Khương nhớ chú không? Chú đây..., chú Vãng đây Khương.
 
Vãng, chú Vãng. Cái tên như một âm vang từ kiếp nào đó vọng về, khiến cô lại lặng đi trong đôi ba giây. Vãng, chú Vãng. Một cái tên nghe rất quen, nhưng không rõ từ bao giờ đã chẳng còn được nghe nhắc đến, không được kể lể. Một cái tên, một con người. Ai vậy? Cô hoang mang hỏi thầm. Và phải mất đi rất lâu, cô mới chọn ra được một câu hỏi để không dễ khiến người đàn ông bên kia nhận ra cô chẳng nhớ ông là ai:
 
- Chú đang ở đâu đấy?
 
Người đàn ông thở dài. Tiếng thở dài nghe rất áo não:
 
- Chú vẫn ở chỗ cũ Khương à.
 
Chỗ cũ. Là ở đâu? Gần hay xa nơi đây? Cô có từng biết cái chỗ cũ ấy của người đàn ông này chưa? Cô khổ sở lục lọi một địa chỉ, một nơi chốn. Không thấy, cô xốn xang băn khoăn như mình đi trong đêm đầy sương mù.
 
- Chú mới biết được tin tối hôm qua. Định gọi ngay cho Khương, nhưng chú nghĩ chắc Khương mệt và buồn, nên chờ cho đến sáng.
 
Cô làm thinh. Mệt nhọc nghĩ. Lại một người muốn phân ưu, muốn chia sẻ nỗi buồn cùng cô... Và dẫu không muốn, nhưng nước mắt cô chẳng ngăn được, vẫn ứa ra nóng ran. Bàn tay không cầm điện thoại níu trên tóc, tay kia áp vào ống nghe, lòng cô chùng xuống theo tiếng vo ve trong đường dây. Người đàn ông cũng im theo cô một lát rất lâu rồi nhẹ giọng:
 
- Mẹ đi có thanh thản không Khương?
 
Cô khẽ đáp lại "có ạ". Người đàn ông lại thở dài:
 
- Chắc chắn lúc đấy Khương có mặt bên mẹ phải không?
 
Cô vâng. Rồi đôi bên chìm vào một khoảng yên lặng ngắn. Cô có cảm giác người đàn ông muốn nói điều đó khác hơn những lời ông đang nói với cô, nhưng có lẽ ông bối rối không biết bắt đầu như thế nào. Phía cô, thật tình, cô cũng bối rối. Cô nghĩ thầm, nếu dẫu cho lúc này cô có nhớ ra ông, có nhận ra được là ai, nhưng sau bao nhiêu trời không hề liên lạc, tới lui, cũng không thể nào tránh được khỏi sự khó khăn lúc đối thoại với nhau, huống gì trong tình cảnh hiện tại. Cô buông bàn tay trên tóc xuống, bóp lấy trán, mắt ngước nhìn lên trần nhà, cố nhớ lại khuôn mặt cùng vài ba hình ảnh có dính dáng đến người đàn ông này để kiếm ra đôi câu trao đổi. Nhưng trí nhớ cô chừng đã lụn bại. Cái tên, vẫn còn vang lên được trong đầu óc cô lúc này như vậy, kể cũng đã là may mắn lắm rồi.
 
Cô nhỏ nhẹ:
 
- Mẹ cháu không đau đớn gì lắm như cháu tưởng.
 
Người đàn ông không nói gì. Cô mường tượng ra một dáng vẻ. Xong lại ngẩn ngơ chẳng biết người trong trí tưởng tượng của mình có phải là người từng hay lui đến nhà cô thời xa xưa nào đó, khi cô hãy còn rất bé chăng.
 
Người đàn ông, sau một lúc im lặng khá lâu, bỗng nói:
 
- Đêm hôm qua, nghe tin buồn về mẹ, chú chẳng ngủ nghê gì được cho đến gần sáng. Nằm lâu, trăn trở, năm mười phút gì đó chợp mắt đi, chú lại bỗng nằm mơ thấy lại con đường trước nhà của mẹ và Khương. Lúc ấy Khương mới vừa vào Tiểu Học đấy. Cái con đường thật đẹp, vì có nhiều ngôi nhà kiểu cổ, và chắc vì lúc nào cũng có đôi chút màu xanh dẫu là mùa đông, dẫu trời đổ tuyết đến trắng xóa cả hai bên lối đi, không biết Khương có còn nhớ nó không?
 
Cô mỉm cười:
 
- Có chứ chú.
 
Người đàn ông xao giọng:
 
- Cả cái chỗ đầu con dốc mỗi bận đưa Khương về học, trời có tuyết là Khương lại đòi trượt xe làm chú phải năn nỉ mãi nữa chứ?
 
Cô cười thành tiếng:
 
- Con dốc thì cháu nhớ, nhưng chắc là cháu quên mất cái thời thích làm khó người khác rồi.
 
Người đàn ông cười theo nho nhỏ:
 
- Ừ, hồi ấy Khương bé tí tẹo.
 
Cô buông câu đùa:
 
- Mà bây giờ, trừ cái đầu và khuôn mặt ra, thì chắc cháu cũng chỉ lớn hơn một tí thôi.
 
Giọng người đàn nghe rất trầm:
 
- Chắc tại khổ người của Khương gầy giống mẹ.
 
Vừa mới có thể trao đổi được đôi câu nhẹ nhàng, sự so sánh của người đàn ông bỗng lại làm cô bùi ngùi. Cô im re. Cô không nghe bên kia người đàn ông nói tiếp điều gì, nên lát sau, cô trở lại chuyện cũ:
 
- Lâu lắm rồi, từ thời dọn đến đây ở, là cháu cũng hết dịp qua lại con đường ấy.
 
Người đàn ông chép miệng:
 
- Chú cũng vậy. Lúc chú mới dọn nhà lên đây, cứ cố đi tìm một chỗ ở giông giống, tương tự, nhưng tìm hoài mà chẳng thấy. Sang đôi ba tỉnh khác, đi chơi, du ngoạn, thăm bạn thăm bè, chú cũng thường để ý xem có con đường nào đẹp đến vậy không đấy Khương. Nên có lẽ vì thế mà đôi lần, nghĩ ngợi về nó, chú đã nằm mơ. Nhiều giấc mơ đẹp lắm Khương ạ... Mãi cho tới đêm hôm qua... Đêm hôm qua, chú không biết có phải bởi vì đấy là lần đầu tiên chú nhận ra mình sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội nào được thả bộ xuống con dốc, được nhìn ngắm những vòm lá màu xanh bất cứ thời tiết nào ở đó, hay vì chú tiếc nuối chú đã không dám trở về căn nhà, về con đường ấy một lần..., mà chú đã mơ một giấc mơ thật buồn, một giấc mơ thật ra chẳng có đầu đuôi, gốc ngọn, để bây giờ chú có thể kể cho Khương nghe như thế này hay không. Có điều cái giấc mơ làm chú não lòng. Chú có cảm giác chú đã đặt những điều chú ước ao, hoài bão, lên trên một cụm mây, hay một giòng sông nào đó, và đã để nó trôi đi mất hút...
 
Cô nín lặng, thở dài. Lần đầu tiên từ lúc bắt đầu nói chuyện với người đàn ông tên Vãng ấy đến giờ, cô mới khẽ buông ra một tiếng thở dài não nề như vậy. Cô không hiểu lắm nỗi lòng của người đang cầm dây nói phía bên kia qua những điều mình mới vừa được nghe, nhưng cô biết lòng cô đã rơi rớt xuống theo giọng bùi ngùi, buồn khôn tả ấy. Cô bâng khuâng tìm một lời lẽ dễ chịu. Tìm hoài không thấy, cô lại thở dài. Lần này, người đàn ông đang nói, bỗng chợt ngưng lại, hơi có vẻ hốt hoảng bởi tiếng thở dài ấy của cô. Ông vội vã:
 
- Chú xin lỗi. Chú xin lỗi Khương. Lẽ ra bây giờ không phải là lúc kể lể, hay nói những chuyện như vậy với Khương.
 
Cô chớp mắt:
 
- Không có sao đâu, chú. Cháu vẫn bình tĩnh nghe chú kể chuyện đây. Chỉ có điều cháu mủi lòng vậy thôi.
 
Bên kia im một lát, sau đó một giọng nghe buồn như tiếng chim gù lên giữa trưa hè cất lên:
 
- Chú có nghe kể cháu bình tĩnh lắm...
 
Cô lại làm thinh. Thể như cô chỉ gắng được đến đấy là kiệt sức. Hết hơi. Cô gần như hoàn toàn không biết phải nói tiếp chuyện gì với người đàn ông sau khi nghe ông nói câu ấy. Cô tự hỏi, không biết cái khoảng cách giữa cô và ông, nên đặt ra như thế nào cho đúng, gần bao nhiêu, xa bao nhiêu cho vừa. Cô suy nghĩ vội, rồi cô nói:
 
- Chú ơi, bây giờ cháu phải chuẩn bị đi làm tiếp một số công việc dở dang ngày hôm trước. Mai, nếu rảnh, chú gọi lại cho cháu được không?
*
Mai, từ đây đến mai, cô định bụng sẽ ghé lại nhà một người quen của mẹ, để dọ hỏi về mối liên hệ của mẹ và người đàn ông này như thế nào.
 
Nghĩ vậy, nhưng sau khi gác điện thoại, nằm yên nhìn lên trần nhà, tự dưng cô bỗng sực nhớ ra vài sự kiện nho nhỏ có liên quan đến người đàn ông tên Vãng ấy. Ký ức cô, như thể tấm phim được tráng trong nước, dần dà hiện lên những hình ảnh, cùng đôi ba kỷ niệm mà trong suốt khoảng thời gian còn sống, mẹ cô đã không hề nhắc đến. Cô mang máng nhớ ra hình như chú Vãng cũng biết nấu ăn, biết làm bánh, và cô vẫn thường lẽo đẽo theo phá phách mỗi bận chú xuống bếp. Cô gác tay lên trán, cảm thấy khá thẹn vì đã không kịp nhớ ra người đàn ông từng đón đưa cô về học mỗi chiều, từng chăm sóc, lo lắng cho cô những lúc mẹ cô vắng nhà như vậy.
 
Cô hơi bối rối. Kéo hai tay xuống úp lên mặt, cô nằm băn khoăn nghĩ đến người dễ thường đã gần hai mươi năm không gặp lại ấy, cô thầm nghĩ, như thế, hẳn đã phải có một mối cảm tình khá sâu đậm giữa mẹ cô và người đàn ông này. Và rồi cô tự hỏi không biết trong khoảng thời gian dài đó, có lần nào mẹ cô liên lạc, hay nghe tin tức gì về chú Vãng hay không, cũng như chẳng hiểu mẹ đã nghĩ gì, đối đãi với chú ấy ra sao. Và rồi giữa hai người đã xảy ra điều gì, điều gì đến phải chia tay như vậy.
 
Lòng cô lao chao như một mặt nước bị khuấy động. Bình thường, cô vẫn nghĩ, mỗi con người, đều có một thế giới, một cõi riêng tư nào đó của mình. Lúc mẹ còn sống, thỉnh thoảng cô cũng có nghe mẹ nhắc đến cái cõi của bà, nhưng cô vẫn hay đùa rằng nó lạ hoắc, lạ huơ đối với cô. Bởi thật lòng, cô thấy mình đã chẳng thể nào hiểu được mẹ, hiểu được những nghĩ suy, những tình cảm sâu kín trong lòng mẹ, dầu mẹ cô không phải là người quá khó hiểu. Có đôi lần cô đã tự hỏi, chẳng biết ở bên trong trái tim mẹ, đã có những ai, những hình ảnh nào, và điều gì sáng, điều gì bị lu mờ.
 
Tự dưng cô cảm thấy chới với và hụt hẫng. Thấy tội nghiệp và thương mẹ xót xa. Lẽ ra, trong suốt những tháng năm mẹ chưa về bên kia cõi đời, thay vì phải tìm hiểu để cảm thông, để sẻ chia với mẹ một đôi điều nào đó, cô lại chỉ đứng ngoài nhìn vào những làn cửa khép, kín, hở, nhìn vào cái cõi riêng tây của mẹ bằng cặp mắt quá sức ơ hờ.
 
Lòng cô chìm xuống đến tận cùng. Cô trỗi dậy vào phòng mẹ, ngồi thật lâu trên bàn phấn của bà, đưa mắt nhìn ngắm chung quanh căn phòng. Cô đau đớn tự hỏi, không biết mình có nên rời khỏi nơi này như vừa nghĩ đến lúc nãy hay chăng...
 
 
Hoàng Nga