
Thế là Tịnh Nghi đã chính thức được chuyển công tác theo chồng vào Đồng Nai. Những ngày đầu đến với trường Trung học T.T ở thành phố Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai, Tịnh Nghi bơ vơ, lạc lõng vì đồng nghiệp chung quanh nói toàn giọng Nam, rất lạ tai chứ không phải tê, mô, ri, rứa thân thương của mình. Tịnh Nghi là mẫu người năng động, hoạt bát nhưng bỗng chốc cô nàng trở thành người rụt rè, ít nói và tinh thần thì luôn căng thẳng vì phải cố gắng tập trung để nghe và hiểu cho được tiếng nói của học trò và đồng nghiệp.
Sáng nay họp hội đồng giáo viên đầu năm học, Nghi đến trường thật sớm vào ngồi cuối phòng họp lòng rộn rã nhưng bồn chồn không yên. Một, hai rồi ba, bốn chị và cuối cùng thì cả phòng họp nhộn nhịp hẳn lên. Âm thanh lao xao. Một số giáo viên len lén đưa mắt đổ dồn về phía Nghi rồi nhanh chóng phóng tia nhìn đi nơi khác khi bắt gặp ánh mắt bất chợt của Nghi vô tình lướt qua… Qua cửa sổ phòng họp, Tịnh Nghi lặng lẽ đưa mắt nhìn trời, trong xanh, rất đẹp; mây lửng lơ bay giống như trời Huế vào những sáng đầu hạ, vài chú chim non ríu ra ríu rít trên cây Bã Đậu già, môt loại cây có lá như lá Bồ Đề. Thân có gai to, sù sì, quả khô màu đen xám. Đây là một loại cây bóng mát ở miền Nam. Nghi chưa được thấy bao giờ.
- Xin được giới thiệu với các thầy cô, cô Tôn Nữ Tịnh Nghi vừa chuyển công tác từ Huế vào trường của chúng ta. Cô Nghi là giáo viên dạy Văn.
Cô Hiệu Trưởng chưa nói dứt lời và Tịnh Nghi cũng chưa nghe hết ý để đứng lên đáp lễ thì một tràng pháo tay rần rần vang lên làm cho cô giáo mới bối rối đưa mắt nhìn cô Hiệu Trưởng cầu cứu. Như hiểu được ý của Nghi, cô Hiệu Trưởng nhanh miệng nói:
- Mời cô Tịnh Nghi ra mắt các bạn đồng nghiệp. Cô Nghi có muốn nói gì với các bạn không? Rồi cô cười vui. Tịnh Nghi Tôn Nữ đó nghe.
Tịnh Nghi khéo léo đứng lên gật đầu chào mọi người với nụ cười xã giao, giọng nhỏ nhẹ:
- Dạ thưa, em không biết nói chi hơn. Mong cô và các anh chị giúp đỡ em trong những khó khăn ban đầu. Em xin cám ơn và sẽ cố gắng giảng dạy thật tốt.
Giọng Huế củaTịnh Nghi nghe vừa lạ, vừa vui tai, to rồi nhỏ, tiếng rõ, tiếng không ríu rít như tiếng chim hót đã lôi cuốn các bạn đồng nghiệp. (Sau này được các anh chị giáo viên nói lại với Nghi như rứa).
Riêng Nghi, Nghi không biết các bạn có hiểu được tiếng Huế trọ trẹ của mình không mà có vẻ ngạc nhiên, thích thú rồi trên gương mặt người nào cũng lộ vẻ cảm thông đầy thiện cảm dành cho cô giáo nhỏ. Từ phút này, Tịnh Nghi cảm thấy vui vui và yên lòng.
Buổi họp rồi cũng kết thúc. Ra khỏi phòng họp, Nghi đi lang thang trên hành lang lớp học, tà áo dài lụa xanh vờn trong gió gợi hình ảnh “thiếu nữ Huế” yểu điệu, đáng yêu trong tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào. Một tác phẩm đề tài thiếu nữ, thể hiện sự tài hòa, tinh tế của họa sĩ về trang phục của phụ nữ Huế. Nhìn trường lớp khang trang, đẹp đẽ Tịnh Nghi mơ màng nhớ về quê hương Huế của mình, nhớ con đường nhỏ có hai hàng Mù U rợp bóng, hàng ngày Nghi vẫn đến trường. Trường Trung học Hàm Nghi, ngôi trường thân thương, có tiếng của Huế. Nghi nhớ đồng nghiệp, nhớ học trò. Nhớ những đôi mắt ngơ ngác tròn xoe của đám học trò con trai tuồi mới lớn đang dõi hồn theo lời giảng của cô qua đoạn trích Kiều gặp Kim Trọng của Nguyễn Du. Bất giác Tịnh Nghi buột miệng nói thầm, Huế ơi, mình xa Huế thật rồi. Cảm giác vui buồn lẫn lộn đan xen trong hồn, mắt Nghi rưng rưng…
Được chuyển công tác theo chồng thì mừng, thì vui, háo hức lắm bù lại cho những ngày tháng chồng ở một nơi, vợ con một nẻo, buồn bã, cô đơn. Tịnh Nghi vẫn nhớ những chiều hạ buồn, một mình nàng dẫn con đi lang thang trên đường Lê Lợi, con đường tình dễ thương của tuổi học trò. Nàng cứ muốn đi, đi mãi để được nhớ về anh, đan kết cùng anh những ước mơ đẹp về một tương lai tươi sáng, đầy hứa hẹn ở một thành phố miền Nam hiền hòa có cái tên dễ thương Biên Hòa. Nơi đây, có chùa Đại Giác ở cù lao Phố; ngày xưa công chúa Ngọc Anh, hoàng nữ thứ ba của chúa Nguyễn Ánh có trú tại chùa một thời gian để nghe kinh, học pháp. Năm 1802, khi cha lên ngôi vua, công chúa phải trở về kinh đô Huế theo chiếu thư của cha. Xúc cảm, Tịnh Nghi miên man nghĩ về tâm trạng u buồn của hoàng nữ, trong phút cuối phải vâng theo lời cha từ giã chùa, gián đoạn tâm nguyện của mình. Hình ảnh đẹp của hoàng nữ lưu luyến cảnh chùa vào một buổi chiều thanh vắng trong ngôi chùa cổ bên dòng sông Đồng Nai làm Tịnh Nghi bâng khuâng... Năm 1820, vào dịp vua Minh Mạng cho trùng tu lại chùa Đại Giác, công chúa Ngọc Anh có gửi vào cúng chùa bức Hoành phi “Đại Giác Tự”, với hàng chữ khắc bên cạnh – Tiền triều hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Anh.
Đang say sưa nghĩ về chuyện cũ của hoàng tộc ngày xưa, bỗng một giọng Huế rặt phát ra từ hướng đi bên cạnh làm Nghi giật thót người quay sang.
- Người Huế hả? Chị cũng người Huế đây. Ở Huế, em ở mô?
Trời ạ! Tịnh Nghi mừng rỡ nắm chặt tay chị ấy rồi vồn vã nói:
- Dạ, nhà em ở trong Thành Nội. Còn chị, em xin lỗi, chị tên chi rứa?
Chị cười thật tươi để lộ hàm răng trắng đều mà theo lời chị là nhờ uống nước sông Hương.
- Mình tên Kim Quy, Hoàng Thị gốc Quảng Trị, lấy chồng Phước Tích. Ở Huế mình ở Gia Hội.
Tịnh Nghi hơi đăm chiêu, Hoàng Thị Kim Quy có bà con chi với cô Hoàng Thị Kim Cúc, cô giáo cũ của mình. Rồi ánh mắt Nghi lại sáng lên tươi vui. Nhìn kỹ chị Quy, Nghi có cảm tình ngay. Không hiểu đây có phải là tín hiệu tình cảm đặc biệt của những người đồng hương khi gặp nhau ở xứ lạ quê người. Chị Quy là một phụ nữ khoảng 40 tuổi, nước da trắng, gương mặt có duyên, miệng cười rất tươi. Rồi chị nhiệt tình kéo tay Nghi:
- Đi, đi với chị vào văn phòng ngồi chơi.
- Chị ơi! Chị em mình ra ghế đá ở sân trường nói chuyện được không chị.
Tịnh Nghi vui vẻ linh hoạt hẳn lên. Gương mặt trái soan, đôi mắt đen tròn, to và sáng của Nghi đã thu hút cảm tình của chị Kim Quy.
- Vào đây em ở mô?
Vẫn thái độ vồn vã và đầy tình cảm Tịnh Nghi đáp:
- Em ở đường 5, trước nhà em có cây hoa Sứ màu hồng. Khi nào rảnh chị đến em chơi.
Chị Quy ôm vai Nghi, vuốt mái tóc dài qua lưng óng mượt của Nghi, mái tóc dài một thời là thần tượng của nhiều nữ sinh Huế. Trong không gian êm đềm, chị Quy nói,
- Tịnh Nghi, em xinh lắm, gặp em, chị rất vui.
Tịnh Nghi xúc động, mắt rưng rưng, lòng thổn thức. Thế ra, người Huế mình khi xa Huế vẫn nhớ Huế, nhớ cảnh, nhớ người bằng thứ tình cảm thân thương, sâu lắng và nếu gặp nhau thì tình cảm tuôn tràn lai láng. Trước mắt Tịnh Nghi, chị Kim Quy là một người chị đồng hương, đồng nghiệp đáng yêu.
- Chị ơi! Gặp chị em cũng mừng lắm.
Rồi như cảm nhận được sự đồng cảm, cả hai chị em cùng cười - những nụ cười đồng hương Huế thật dễ thương. Rất tự nhiên chị Quy quay một vòng trước mặt Nghi rồi vui vẻ nói:
- Em nhìn chị Quy có còn phảng phất dáng Huế không em?
Tịnh Nghi mỉm cười chưa kịp trả lời thì chị Quy nói tiếp, giọng trầm buồn. Chị vào đây cũng đã khá lâu nhớ Huế vô cùng. Sau 1975 chồng của chị đi cải tạo nhưng ở gần đây thôi. Chị sống với mạ chồng và bảy đứa con. Mệ hiền lành, thương con thương cháu. Mệ quán xuyến việc nhà cho chị được rảnh rang lo công tác. Ở trường mình, chỉ có chị, chị Thanh Hà là người Huế, bây giờ thêm em, cho nên, chị em mình là đồng hương phải thương yêu nhau, chia sẻ những vui buồn cùng nhau. Chị em mình cố gắng công tác cho thật tốt để xứng đáng là người Huế trên đất Đồng Nai, em hí.
Chị Quy nói một mạch với thái độ chân tình; tuy xa Huế đã lâu nhưng chị vẫn giữ phong cách Huế và giọng nói thì vẫn rặt tiếng địa phương.
- A, Huế gặp Huế nên bồ lơ tụi này rồi phải hôn?
Một trong những chị giáo viên của trường đùa vui khi đi ngang qua chỗ hai chị em ngồi. Với giọng ngai ngái nửa Nam, nửa Huế chị Quy hồn nhiên nói:
- Ừa. Huế gặp Huế nên mừng lắm. Làm như một nửa của mình là đây. Mấy bồ thấy sao, lạ lắm phải hôn?.
Tịnh Nghi bật cười: mới “răng” đó mà bây giờ chị Quy đã nhanh chóng “sao” rồi “hôn”…
Quay sang Tịnh Nghi, chị Quy nhiệt tình nói tiếp:
- Biên Hòa dễ sống lắm em ơi, người Biên Hòa hiền lành mến khách, có chi nói nấy, không như người Huế mình thận trọng mọi lúc mọi nơi, nói chi cũng rào trước đón sau. Cho nên cuộc sống ở đây rất thoải mái. Chị cười.
Nghe chị Quy nói Nghi cảm thấy yên lòng, gương mặt bỗng sáng lên cùng nụ cười thật tươi.
- Chị ơi, cảnh ở Đồng Nai đẹp không chị?
Chị Quy đưa tay véo nhẹ lên má của Tịnh Nghi, đôi má hồng nõn nà:
- Cái con nhỏ này, cảnh ở đây đẹp, đẹp lắm không thua chi Huế, mặc sức mà làm thơ; có núi có sông, có chiếc cầu Ghềnh mang màu áo bạc bắc ngang hai bờ như cầu Trường Tiền của Huế.
Tịnh Nghi nghĩ có lẽ chị Quy đang có cuộc sống bình yên ở quê hương thứ hai của mình, hy vọng Nghi cũng sẽ có một cuộc sống như chị Quy…
Về đến nhà, suốt buổi trưa, Tịnh Nghi say sưa kể với chồng về chị Quy, một người bạn mới, một đồng hương mà mình đã gặp, đã trò chuyện và đã được cùng nhau trải lòng với Huế, với Biên Hòa - quê hương thứ hai yêu dấu. Sau khi mải mê giới thiệu về chị Quy, Tịnh Nghi bất chợt hỏi chồng với vẻ mặt hớn hở:
- Anh thấy chị Quy răng?
Anh N, chồng Tịnh nghi từ tốn:
- Làm sao anh biết được. Anh đã được tiếp xúc với chị ấy đâu, chỉ nghe em nói. Mà cũng phải thôi, người Huế mình là thế đó. Khi xa Huế thì nhớ Huế, nhớ cảnh, nhớ người - quen và không quen; khi gặp nhau ở đất khách quê người thì tình cảm bộc phát dữ dội như tình cảm của em và chị Quy sáng nay.
Tịnh Nghi thẹn, đưa tay đấm nhẹ vào lưng chồng:
- Cái anh này. Em nói thật mà anh làm như chuyện đùa.
- Thì anh có đùa đâu, anh mừng cho em có được một người bạn mới, một đồng hương Huế đồng điệu để em tâm sự, chia sẻ buồn vui trong môi trường mới. Anh cũng mong rằng những ngày tháng sống ở Biên Hòa, được uống nước sông Đồng Nai em sẽ là một phụ nữ Nam phần xinh đẹp và đáng yêu.
Tịnh Nghi làm dáng nguýt yêu chồng, lòng khấp khởi một niềm vui mới…
Tịnh Nghi đọc đi đọc lại bài thơ Giữ Lấy Màu Xanh của Giang Nam. Lời thơ mượt mà, đầy hình ảnh: “… Đây Phước Tân rập rờn sóng lúa. Đây Long Thành đường khuất giữa rừng Thơm. Cam, Quýt, Lê Ki Ma vườn nối tiếp vườn. Nhắm mắt còn nghe ngọt từng khúc ruột…” mà chiều nay cô sẽ dạy cho chị Hiệu Trưởng dự xem với một cảm giác thật nhẹ nhàng thoải mái. Phong cảnh đẹp, trù phú đầy màu sắc của miền Đông Nam Phần nơi cô đang sinh sống như trải dài trước mắt lôi cuốn, mời gọi. Chị Quy hứa sẽ đưa Nghi đi Long Thành vào nhà vườn thưởng thức trái cây, những cây trái mà Huế không trồng, không có được như Sầu Riêng, Chôm Chôm.
Đối với Nghi, chị Quy là chỗ dựa tinh thần của Nghi trong những tháng năm xa quê hương Huế. Những mẩu chuyện vui buồn của riêng Nghi luôn có chị Kim Quy tham dự vào, khi thì an ủi vuốt ve, khi thì chia sẻ và cũng có lúc không hài lòng. Nhưng kết cục chị Quy bao giờ cũng dành cho Nghi những tình cảm thân thương của một người chị gái. Nghi thương và quí chị Quy vô cùng.
Một ngày tháng năm, trời Biên Hòa trở gió, từng cơn lốc xoáy tròn tung cát bụi mịt mờ. Mưa “bụi” giăng khắp nơi. Không gian chiều thật buồn, khó khăn lắm Tịnh Nghi mới đến được điểm hẹn với chị Quy. Đây là một quán cà phê nhỏ nhưng rất xinh. Quán vắng người, Tịnh Nghi ngồi vào bàn say sưa đắm hồn theo nhạc khúc Chiều của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, phổ thơ Hồ Dzếnh… Gió say tình ngây ngây. Có phải sầu vạn cổ. Chất trong hồn chiều nay. Chất trong hồn chiều nay…
Chị Quy đến. Vội vàng chị nói.
- Em đến lâu chưa? Trời mưa và gió như muốn cuốn bay mất chị.
- Chị ơi, chị uống cà phê đen hay sữa, có đá không?
Tịnh Nghi ngạc nhiên khi thấy gương mặt của chị Quy vương nét buồn không còn tươi tắn, linh hoạt như mọi ngày, cố gắng lắm chị mới nói được:
- Tịnh Nghi ơi, gia đình chị sắp đi xa. Đáng lẽ… chị nói với em sớm hơn nhưng rồi…(chị ngập ngừng) chị không nói được.
- Vì thương em, tội nghiệp cho em phải không? Tịnh Nghi hờn dỗi.
Một thoáng yên lặng. Mỗi người một ý nghĩ riêng. Nhìn những giọt cà phê, nhỏ từng giọt buồn chị Quy cảm thấy nao lòng. Sẽ có một ngày thật gần, chị sẽ đi xa, xa thật xa. Chị Quy ngậm ngùi. Còn đâu những buổi chiều vàng, hai chị em ngồi tâm sự ở ghế đá trên công viên Sông Phố để cùng nhau theo đuổi những ý tưởng về “triết lý cuộc đời” mà mỗi con người là một nhân chứng sống, với một quan niệm sống mới để “tranh đua” trong ý thức tồn tại; rồi cả hai cùng nhìn trời xôn xao giúp mây trốn nắng mà cười. Xa xa cầu Ghềnh thấp thoáng, thoang thoảng câu hò man mác gợi nhớ trong tâm hồn Huế của một thời xa xưa… Còn đâu nữa những buổi tối dưới ánh trăng trắng ngà hai chị em thả hồn về Huế lang thang trên cầu Trường Tiền vọng tiếng xưa, về thôn Vỹ nhìn nắng hàng cau; ở đó có người con gái sống trong nề nếp gia phong của Huế, cảm thơ, cảm tấm lòng đặc biệt của một chàng thi sĩ dành riêng cho mình mà nàng đã âm thầm “khoác màu áo lam” giữ hình ảnh đẹp riêng… , lên Ngự Bình ngát hương chiều thanh vắng…, dưới cây hoa Sứ màu hồng ở nhà Tịnh Nghi… Chị Quy bỗng nhớ Huế và thương Biên Hòa, nơi đã cưu mang gia đình chị và thương nhất là cô bạn đồng hương, đồng nghiệp nho nhỏ, xinh xinh cùng đám học trò trong trắng thơ ngây. Phút này, chị mới cảm nhận được và dám chắc rằng tình yêu của chị với quê hương, giữa người và người là quá lớn và sâu đậm. Với chị Quy, những tháng ngày dạy học cùng những kỷ niệm vui buồn ở trường là vui nhất. Bây giờ, chị phải xa… xa thật rồi. Đúng, Huế là khúc dạo đầu dẫn chị đến với nghề dạy học và Biên Hòa là những nốt nhạc cuối trầm buồn khép lại cuộc đời dạy học của chị. Chị Quy xúc động, mắt rưng rưng, lòng thổn thức…
Tịnh Nghi yên lặng, mắt mơ màng đăm đăm nhìn mưa, cô nghe rất rõ tiếng nhạc mưa dẫn dắt hồn mình đến một nơi nào đó rất xa mà chị Quy sẽ dừng chân và rồi sẽ rất đau trong những phút giây nghĩ về Huế, về Biên Hòa với những năm tháng ngọt ngào, lặng lẽ giúp chị băng qua “thời gian buồn”. Tịnh Nghi cảm thông chị nhưng sao vẫn thấy hụt hẫng. Không hiểu chị Kim Quy có cảm nhận được như rứa không. Chị sẽ nghĩ gì khi từ giã người em gái nhỏ thân thương của chị. Tịnh Nghi khóc. Bất chợt cô chạy vụt ra đường để lại đằng sau tiếng gọi buồn vùi dần trong mưa và gió,..
***
Trăng mười sáu tròn rất đẹp tạo dáng cho cây Sứ đang thì sung mãn, tỏa những dải lụa lung linh, uốn lượn theo gió tiễn những cánh hoa màu hồng lìa cành. Đẹp. Bình yên. Thanh thản trên đất. Bất chợt Tịnh Nghi liên tưởng đến những chiếc lá “về trước thời gian” bởi làn gió thoảng vô tình lướt qua trong “Lá Rụng” của Khái Hưng “nhẹ nhàng, khoan khoái, đùa bỡn, múa may với làn gió thoảng như thầm bảo rằng sự đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại; cả một thời quá khứ dài dằng dặc của chiếc lá trên cành cây không bằng vài giây bay lượn; nếu sự bay lượn ấy có vẻ đẹp nên thơ”. Tịnh Nghi ngây ngất bởi mùi hương đặc trưng huyền hoặc, bởi sắc hồng nồng nàn quyến rũ của hoa Sứ trong một thoáng lắng hồn dưới trăng. Kỷ niệm cùng chị Quy lại ùa về với hương mùa hạ vương gió. Trời trở lạnh, sương đêm bắt đầu buông xuống. Tịnh nghi rời gốc Sứ vào nhà.
Một ngày tháng 9.
Chị Kim Quy thương yêu,
Chờ thư chị. Chờ mãi. Chờ mãi… Em buồn. Chị ơi, Biên Hòa đang trong giai đoạn cuối của cơn bão sổ ba, mưa rả rích, đường vắng, phố xá ít người qua lại buồn ghê, giống như những ngày mưa dầm của Huế không nặng hạt nhưng “lạnh lùng”. Chị ơi, chị đang làm gì. Có đang viết đó không. Có đang hát đó không. Em thích giọng hát của chị, “giọng hát mê hoặc hồn người” mà em và Thiên Kim vẫn thường hay nói với nhau. Có lẽ chị đang trải lòng trên trang giấy hay hát thầm bài hát Thương Về Miền Trung của Châu Kỳ, bài ruột của chị. Chị ơi, một khoảng khắc nào đó, chị hãy bỏ lại đằng sau những lo toan cuộc sống để đến với văn thơ, nhạc. Chị đã đến được khung trời “mộng”, thỏa lòng mà sống với chính mình. Thế mà hay đó chị. Văn chương có những giây phút làm cho mình trẻ lại, lãng mạn, rạo rực đầy sức sống; lời ca tiếng hát sẽ làm cho tâm hồn chị bay bổng, quên đi những năm tháng u hoài. Chị có cảm nhận được như rứa không chị. Đêm qua em vào giấc ngủ muộn bởi vì say sưa trở lại với “Mây Lửng Lơ” (*) của Hoàng Kim Quy. Em thích nhân vật Bảo của Kim Quy, anh chàng tưng tửng làm như khó hiểu nhưng thật sự không phải như rứa. Chị ơi, em thích Bảo nhưng em vẫn phải lên án Bảo vì Bảo tàn nhẫn quá, làm cho Liên - cô bạn gái đáng yêu của mình phải “chờ cả buổi sáng và buổi chiều cho đến khi nắng tắt hẳn” rồi cô nàng phải “âm thầm nhìn mây bay trong buổi tiễn đưa thầm lặng” với tiếng lòng thổn thức: “Anh ấy đi rồi”. Đi thật rồi… Chị ơi, sao nó giống như tâm trạng của em trong buổi chiều chia tay từ giã chị ngày ấy.
Quy ơi, chị có đang nhớ Huế đó không. Còn nữa, Biên Hòa cũng đang âm thầm gọi chị. Chị đó. Tuổi thơ êm đềm và thời con gái dịu dàng, bâng khuâng, xa vắng cùng dòng Hương thơ mộng. Biên Hòa với dòng sông Đồng Nai hiền hòa, hai mùa nước trôi lặng lẽ đã dang vòng tay ngọc đón chị trong buổi đầu làm vợ, làm mẹ. Và nữa đây, chị có đang nhớ đến cô em gái đồng hương nho nhỏ đáng yêu đó không. Chị ơi, tất cả là nỗi lòng thầm kín nhất của người xa xứ trong không gian âm hưởng đầy nhớ nhung của những chiều nắng vàng phai ở xứ người. Em - người ở lại, miên man trong những giai điệu buồn đợi ngày người trở về… Quá khứ - ngỡ như mới hôm qua.
Bùi Kim Chi
(*) Truyện ngắn của Trần Thị Linh Chi