User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
soi than va soi nieu quan 2
 
Nói đến Aquamarin người ta thường nghĩ ngay đến những chiếc nhẫn có gắn viên đá màu xanh da trời nhạt, có góc có cạnh, lấp lánh e ấp trên ngón tay áp út hay cái mề đay lóng lánh nổi bật mời gọi trên làn da nâu kiêu hãnh dưới cổ áo décolleté của một người đàn bà trẻ trung nào đó… Màu xanh da trời của Aquamarin cũng thường khiến người ta nghĩ đến những gì dịu dàng mát mẻ hiền hòa, không điệu đàng xa cách như viên hồng ngọc hay kiêu sa kiểu cách của một viên Citrine màu vàng….. Vậy mà viên Aquamarin của tôi lại hoàn toàn không có những tính chất yêu kiều như đã tả ở trên mà còn trái ngược nữa là đằng khác, chúng nó làm tôi điêu đứng khổ sở kêu trời không thấu đấy quý vị ạ!! 
 
Khổ một nỗi là viên Aquamarin này tôi không phải bỏ tiền túi ra mua, mà là được tặng không mới đáng nói. Được tặng một cách âm thầm, lặng lẽ, người tặng chẳng đánh trống thổi kèn ầm ĩ rộn ràng báo trước, quà tự dưng đến, và đến lúc nào không ai hay. Người tặng quà chắc cũng đã chọn mặt gửi vàng, ngấm nghé tôi đã từ lâu thì phải. Chỉ người được tặng là tôi vẫn ngu si, ngày lại ngày, năm tháng vẫn hờ hững trôi qua, tôi nhận quà tặng mà hoàn toàn không hay biết cho nên mới ra nông nổi thế này. Quý vị chắc đang tự hỏi người gì mà… ngu dữ vậy phải không? Vâng, đúng là ngu hết chỗ nói! Vì thế mới có chuyện để kể với quý vị….. 
 
Thôi thì nói quanh nói quẩn, nói xa rồi nói gần, ấp a ấp úng mãi rồi cũng phải khai báo mất thôi. Làm gì có viên Aquamarin nào vào đây! Ai mà khơi khơi đi tặng không cho "người lạ" mấy viên Aquamarin hả trời? Thưa quý vị, mấy viên Aquamarin mà tôi dông dài nãy giờ là những viên đá hình dạng trông chẳng giống ai, màu sắc thì xấu xí, không vàng không đỏ, không xám không xanh, dĩ nhiên là cũng không lấp lánh mời gọi mà là sần sùi như cục… sạn! 
 
Đúng là cục sạn mà tiếng chuyên môn người ta thường gọi là… sạn thận! 
 
Nguyên nhân vì sao tôi được tặng mấy viên Aquamarin sần sùi thì xin mời quý vị đọc tiếp nhé.
 
Hai vợ chồng chúng tôi, trừ buổi trưa mạnh ai nấy lo (thực ra là có cantine của sở lo), còn lại những giờ khắc khác thì chúng tôi cùng ăn cùng uống một mâm, có khác biệt chăng là khác phần lượng, chứ phần phẩm thì tuyệt đối giống nhau. Thế mà chỉ một mình tôi được "tặng quà". Người vì thế đầy sạn! 
 
Ngày mới cưới nhau, ngày còn chiều chuộng nhau, còn lắng nghe từng yêu cầu nho nhỏ của nhau, chàng của tôi hay nhõng nhẻo, rồi bày đặt chê ỉ chê ôi, nhất định không chịu ăn cá, không chịu ăn rau ăn dưa, chỉ thích mỗi món thịt. Xào dĩa đậu que với thịt bò, chồng gắp thịt, vợ gắp đậu, cứ như là đã có ước hẹn với nhau trước. Đừng dọn món cá, chỉ cần dọn món thịt là chàng vui, thiếu thịt thì miễn cưỡng và cơm, vừa ăn vừa lầu bầu: "sao ăn xong vẫn thấy lạnh bụng như chưa ăn….".
 
Lúc đầu tôi còn hăng say giảng Moral, hăng hái mua cá, mua rau, mua dưa, nấu nướng tùm lum để chứng minh cho chàng thấy là không có món thịt tôi vẫn sống nhăn răng, vẫn có da có thịt, chẳng bệnh hoạn đau ốm gì ráo….. 
 
Thế rồi cái hăng hái ăn kiêng cử cẩn thận của tôi theo ngày tháng cũng bắt đầu tàn lụi, bữa cơm tối dần dà không còn là mâm cơm thịnh soạn linh đình với 3-4 món cá thịt rau dưa lộn xộn lỉnh kỉnh như trước, nhất là khi con cái đã rời tổ, bay nhảy với cuộc sống của chúng nó, thì bữa cơm tối của hai chúng tôi thường chỉ còn vỏn vẹn mỗi một món thịt, hết thịt bò đến thịt heo, bữa nào siêng lắm thì có thêm món xà lát gọi là tượng trưng cho có với người ta. Bữa cơm vì thế đâm ra giản dị gọn gàng vô cùng!!! 
Ăn thịt mà chỉ nhâm nhi với nước lạnh thì… chán quá, cho nên phải bày đặt uống rượu. Lúc đầu còn dè dặt, sau thì trở thành thói quen, mở chai rượu nào là hầu như chỉ cần 2 ngày là phải khui chai mới, chưa kể khi có khách thì cả chồng lẫn vợ, cứ vui như Tết, chạy lên chạy xuống basement mấy bận để vác thêm vài chai… gọi là đãi bạn! Tửu lượng rượu của hai chúng tôi theo tháng ngày cũng tăng theo lúc nào không hay. Rượu đỏ rượu trắng, rượu mắc rượu rẻ, rựợu nào cũng ngon. Ở ngay cái làng trồng nho làm rượu, uống mãi mà chưa mềm môi. 
 
Quen với vài ông chủ hầm rượu trong làng nên chúng tôi cũng thường được thưởng thức các loại rượu gọi là khá ngon của mỗi nhà, nhất khi đọc được câu thơ bất hủ của đại văn hào Goethe của Đức "cuộc đời quá ngắn để uống chai Wine cà chớn" (Das Leben ist zu kurz, um schlechten Wein zu trinken – Goethe) nên cả hai chúng tôi bắt đầu biết lựa chọn. Muốn chọn được chai rượu ngon (hạp với mình) là phải thử, mà đâu phải chỉ thử 1 lần là chọn được ngay thứ mình thích, nên thử hết ly này đến ly khác, rồi vui chuyện tán dóc, có khi đứng 1-2 tiếng trong hầm rượu là chuyện cũng thường xảy ra.
 
Cách đây 9 năm, dạo đó tôi còn đi cày quý vị ạ…. 30 năm trong nghề, mọi công việc lúc này cũng đã trở thành "routine" chẳng còn gì khiến tôi phải lo lắng mất ăn mất ngủ vì trách nhiệm đè nặng trên vai như thời gian đầu mới chân ướt chân ráo nhận việc. Ngày mới nhận việc, mỗi lần phải đứng trước hội đồng quản trị của hãng để trình bày một vấn đề nào đó là tôi mất ngủ trằn trọc cả đêm, chỉ lo mình bị mấy ông già đầy kinh nghiệm cắc cớ hỏi vặn vẹo này nọ rồi lỡ ra không biết đường trả lời hay trả lời không đúng ý, nên xong buối thuyết trình lần nào là tôi hú hồn hú vía lần nấy. Nhưng ông trời cũng thương tôi, hay nếu tin vào tướng số thì số tôi thường được gặp quới nhân, hay cũng có thể nói nôm na "tôi là thằng chột giữa đám người mù", một người ngoại quốc duy nhất, lại là đàn bà, đàn bà Á châu, giữ một chức vụ then chốt của hãng và nằm trong hội đồng quản trị của một hãng nổi tiếng bảo thủ và khá lớn trong vùng.
 
Trở lại câu chuyện sạn thận đang kể dở dang của tôi. Dạo đó Tension của tôi bỗng dưng tăng vùn vụt, đi làm về mà lấy máy ra đo áp huyết là chán đời luôn: 150/90, bữa nào có họp hành hay bực mình gì trong hãng, khỏi nói !!! Công việc của tôi trong hãng lúc đó chẳng có gì nghiêm trọng để phải lo lắng đến nỗi gây ra Stress. Chuyện gia đình thì lại càng không phải, tuy cậu con trai sắp làm đám cưới nhưng đám cưới của nó chứ đâu phải đám cưới của tôi, nhất là khi cậu con tuyên bố "phần bố mẹ là trang trí nhà thờ, mọi chuyện khác tụi con lo hết rồi". Vậy thì còn gì để lo nữa? Tại sao Tension lại cao như thế nhỉ? 
 
Câu hỏi tại sao tại sao cứ quay cuồng trong tôi cho đến ngày tôi đi khám mắt vì nghĩ mình cần đổi cặp kính khác để nhìn (đời) cho rõ hơn… Đến lúc bà BS bảo "bà nên đi Internist khám tổng quát vì áp suất trong mắt của bà cao quá", lúc đó tôi mới lờ mờ nhận ra rằng hình như mình đang có Problem. Khám thì khám, sợ gì!!! Tự tin là mình vốn khỏe mạnh, ít đau ốm lặt vặt, ai đau thì đau chứ không đến phiên mình nên tôi hăm hở lấy cái hẹn với ông Internist. Sau cả buổi chờ đợi sốt cả ruột vẫn chưa đến phiên mình (vì ông BS có bệnh nhân cấp cứu) nên tôi là người cuối cùng chui vào phòng mạch. Kết quả là ông ta thẩy tôi sang một BS khác chuyên về Thận, vì ông bảo lá thận bên trái của tôi… có vấn đề! Ui chu choa, hồi nào đến giờ tôi cứ tưởng cái ngành Urology với mấy ông Urologist là dành riêng cho bệnh nhân thuộc nam phái, ai ngờ mình cũng lọt vô đây!!!
 
Ngày hẹn với bà Urologist đã đến. Bà BS thật dễ thương, vừa trẻ vừa đẹp, thế mà lại đi chọn cái ngành mà đa số bệnh nhân là đàn ông. Kết quả khám nghiệm là tôi đang có một viên "Aquamarin" nằm chễm chệ trong đường dẫn tiểu bên trái, cách trái thận khoảng 5-6 cm. Ái chà chà, viên Aquamarin đang mon men tìm đường chui ra ánh sáng mặt trời! Vì đường thoát bị nghẽn lối nên trái thận bên trái của tôi cứ phải liên tục làm việc tối đa đêm ngày, từ đó tạo ra áp huyết cao trong cơ thể của tôi. 
 
Lời giải thích của bà BS và vị trí của viên "Aquamarin" trên màn hình khiến tôi như trên trời rớt xuống: viên sạn khá to, gần 2cm. Đấy, kết quả của việc ăn nhiều thịt bao năm qua (lỗi tại ai? ai xúi giục "trẻ ăn c.. gà"?), lười uống nước lọc chỉ thích uống rượu Wine (lỗi tại dọn nhà về vùng trồng nho làm rượu) và Stress (chỉ cái này là lỗi tại tôi vì ham làm chef thiên hạ). Viên Aquamarin tròn trịa, không góc không cạnh, nó chui vào đường dẫn tiểu hồi nào mà không hề gây ra một báo động đau đớn gì cho tôi. Bà BS rất lấy làm lạ vì thường là khi viên sạn lớn như vậy, có nghĩa là người ta đã "tặng" tôi viên Aquamarin này cũng lâu lắm rồi chứ không phải chỉ mới hôm qua hay tuần trước, vậy mà sao tôi không hề bị đau lưng nhức mỏi gì ráo, kể cũng lạ thật!!! 
 
Không còn thì giờ để thắc mắc hay lý luận tới lui, bà Urologist bảo tôi phải vào Uni Klinik, nhà thương của Đại Học Y khoa Mainz, để lấy viên Aquamarin ra, càng sớm càng tốt. Tội nghiệp cậu con của tôi "mẹ đừng lo, mọi giấy tờ con sẽ lo, ngày mai mẹ sẽ có ngay Termin". Cái hạnh phúc của người mẹ được con lo lắng tôi chưa kịp tận hưởng thì đã bị những lo âu vô cớ ập đến, cái đầu của tôi bắt đầu làm việc "hay mẹ hoãn lại, chờ sau đám cưới concon nghĩ sao?". Cậu con tôi vỗ vai mẹ cười nhưng cương quyết "không có gì mẹ phải lo, chuyện lấy viên sạn là chuyện routine, họ làm mỗi ngày cả chục bệnh nhân!!". Biết là lấy cớ chuyện đám cưới để trì hoãn việc mổ xẻ không xong, tôi đành nghe lời con mà lòng dạ lo lắng vô cùng. Người vốn ghét bệnh hoạn, sợ uống thuốc, bây giờ phải vô nhà thương, hỏi quý vị làm sao không khỏi lo! 
 
Lần đó, viên Aquamarin khá lớn nên ông BS phải dùng "cái que" đẩy viên sạn trở về vị trí cũ của nó là cái thận bên trái của tôi, sau đó sẽ dùng Laser từ bên ngoài bắn cho viên sạn bể vụn ra rồi theo đường tiểu trôi ra ngoài. Nghe ổng từ tốn giải thích mà tôi phát rùng mình…. Cứ tưởng tượng, BS dùng "cái que" đẩy viên sạn đi xuyên cái ống chỉ to bằng sợi Spaghetti loại nhỏ nhất thì chắc là đau thấu trời…. Nhìn cái bản mặt nhát gan đang há hốc lắng nghe BS giảng giải của tôi, ông BS thương tình không muốn tôi phải nếm mùi đau nên ông đã cho tôi ngủ một giấc thẳng cẳng, hết biết trời đất là gì. 
 
Họ đẩy tôi vào phòng mổ lúc 7 giờ sáng, 2 tiếng sau tôi tỉnh dậy thì viên Aquamarin mỹ miều to bằng đầu ngón tay cái của tôi đã nằm gọn lỏn trong trái thận bên trái, chẳng thấy đau đớn gì cả. Sau đó họ đẩy tôi sang phòng bên cạnh, phòng trống trơn, chẳng thấy máy móc đồ sộ tân tiến, cũng chẳng thấy cây súng nào để bắn bụp bụp như trí tưởng tượng của tôi. Hóa ra họ để cây súng ở phòng bên cạnh, khi cần mới đẩy khẩu cà nông sang. Lúc đầu tôi còn tỉnh táo vì tò mò, tuy mới tỉnh dậy sau cú gây mê toàn phần. Tôi nằm đếm tiếng súng… tặc… tặc… Đếm được một chặp thì tôi chìm sâu vào giấc ngủ hồi nào không hay. Lúc tỉnh dậy tôi mới biết là họ đã bắn 3000 viên đạn xuyên qua trái thận, phá vỡ hoàn toàn viên Aquamarin của tôi thành bột! 
 
Trời ạ, 3000 viên đạn vô hình đã xuyên qua lớp mỡ (không lấy gì làm ít) ở bên hông của tôi, rồi đạn chui qua trái thận, kiếm đúng vị trí viên sạn mà…. nã. Người tôi trước sau không bị trầy trụa đục khoét gì ráo, thế mà ngày xưa bố tôi phải chịu đau đớn biết dường nào. kỹ thuật y khoa thời đó chưa tân tiến như bây giờ nên BS phải cắt bên hông của bố tôi một đường thật dài gần 20 cm đế lấy viên sạn nghe nói còn nhỏ hơn của tôi ngày nay! 
 
Kinh nghiệm sạn thận của tôi tưởng sau lần đó là xếp xó cho đến cuối đời, nào ngờ năm nay nó quay trở lại, không thèm báo trước. Lần này nó hành tôi một trận tơi bời cho bỏ ghét vì lần trước tôi không bị đau đớn gì như người ta vẫn thường nói: "bị Kollik thận là đau còn hơn đau đẻ". Đau đẻ thì tôi cũng chưa nếm mùi vì cả 2 lần sinh đều phải mổ để đem em bé ra. Bởi vậy, vì những lần trước thiếu nợ nên lần này phải trả, và phải trả gấp đôi gấp ba, thế thì ráng mà chịu, không nên kêu ca làm gì, chẳng ai thương!!!
 
Trước khi chuyện sạn thận trở về hành tội, năm nay tôi lại còn ôm thêm cái tay què và mắc cái chứng bị phong ngứa mới khổ chứ. Bao nhiêu năm mạnh khỏe, năm nay lãnh đủ, hãng bảo hiểm sức khỏe tha hồ rủa….
 
Số là như thế này: sau chuyến đi chơi Alaska, trở về lại Đức tôi lao đầu vào ba cái chuyện cộng đồng nhức đầu nhức tai, nhưng đã tự nhủ "tại vì mình thích làm chứ chẳng ai ép uổng thì cứ ráng mà chịu, đừng than" nên tôi hăng hái làm việc mặc dầu cái tay trái của tôi chẳng hiểu vì sao mà từ đầu năm nó cứ làm eo làm sách, giơ tay không qua khỏi đầu chứ đừng nói ngoặc ra đằng sau để cài… soutien! 
 
Mùa lạnh phải mặc áo len, thường là loại áo tròng qua đầu. Mặc vào thì dễ, cởi ra là cả một cực hình. Đi shopping mua áo thì cứ coi như là lên đoạn đầu đài…. Quý vị cứ tưởng tượng như thế này: để cởi áo len, trước hết, hai cánh tay của tôi phải buông thỏng xuống, đầu cũng cúi xuống, rồi thì dùng bàn tay bên phải kéo cái cổ áo len lên đầu, rồi vừa kéo vừa ưỡn ẹo thân hình làm sao để cái áo len từ từ tuột ra mà không chạm đến cánh tay trái…. Tóc tai sau đó rũ rượi, mặt mày méo xẹo vì đau. Vậy mà đâu chịu ngừng, vì đã lỡ túm đến mấy cái áo đem vào phòng thử, không thử cũng tiếc !!! 
 
Què cái tay nhưng không què cái đầu nên năng suất làm việc bằng đầu óc của tôi cũng không đến nỗi bị ảnh hưởng cho lắm, còn việc lao động chân tay thì đôi lúc tôi phải lên tiếng nhờ vả chàng giúp lấy cái này cái nọ khi làm vườn hay làm bếp. Cho đến một ngày, không chịu đựng được nữa với cánh tay què, tôi mới chịu đi BS chuyên về xương khớp xem mình bị cái gì. Sau khi chụp MRT mới biết khớp xương ở bả vai bên trái của tôi đang bị sưng khá nặng, mà nguyên nhân là do thiếu cử động, kết quả của những ngày tháng miệt mài ngồi gõ computer (ít ra cũng là một trong những nguyên nhân). 
 
BS Orthopady cho tôi cái giấy đi làm Physical Therapy. Chà, cái gì chứ đi làm Therapy, đấm bóp xoa nắn là món mà tôi mê nhất, nằm lim dim cho cô therapist tẩm quất là… nhất trên đời. Bé cái lầm! Sau màn thoa bóp nhè nhẹ, cô ta bắt đầu vặn tay tôi, vặn tới đâu là tôi cong người tới đấy vì đau. Đau nhất là trong tư thế nằm sấp, cánh tay trái buông thỏng, cắn răng chịu trận, cô Therapist muốn vặn sao thì vặn, bấm bụng chịu đau vì nghe cô nói chắc chắn tay sẽ lành sau… vài tháng tập tành!!! 
 
Ba lần một tuần! Nhà tôi cách chỗ làm Therapy khoảng 4 cây số. Một hai lần đầu tôi còn ung dung tà tà lo canh giờ lái xe tới, chờ 3-4 phút rồi tới phiên được thoa bóp vặn vẹo. Nhưng những lần sau thì chỉ còn là…. chạy, nhiều ngày tôi chỉ còn đúng 10 phút để vừa mang giày, vừa vớ chùm chìa khóa, lao lên xe, de xe ra khỏi garage, nhấn…. lút ga, đến nơi chui vào chỗ đậu cái rầm… rồi ba chân bốn cẳng chạy lên chỗ làm Therapy, hồng hộc hổn hển còn hơn bị ma đuổi! Timing của tôi tới lúc này may là vẫn còn được trời đãi vì chỉ cần kẹt đèn đỏ hay không có chỗ đậu thì chuyện đi trễ là chuyện không có gì phải ngạc nhiên. Vậy mà chưa lần nào tôi bị trễ mới lạ, mặc dầu đầu óc căng thẳng tột bực vì phóng xe nhanh. 
 
Cái đau nào rồi với thời gian cũng sẽ quen đi thôi. Cho nên mặc cho cô therapist vặn cổ vặn tay, tôi vừa chịu đau vừa nằm chuyện vãn với cô ta về đề tài phong ngứa của tôi, nếu nói theo tiếng bình dân học vụ của người Việt mình, một phần cũng để giải thích về những nốt đỏ khá sần sùi xấu xí trên hai cánh tay của mình. Nói sần sùi cho dễ hiểu chứ thực ra nó giống như hai mảng cơm cháy nằm lộ liễu trên cánh tay mà cô therapist cứ phải thoa nắn cho tôi. Phải giải thích rõ ràng chứ không cô ta lại cho tôi thuộc loại ở dơ, để ghẻ l tùm lum. Không ngờ cô therapist cũng từng có kinh nghiệm đầy mình vì cô cũng có một thời gian bị "Hausstaubmilbe" (House dust mite), mặt mày tay chân nổi đỏ ngứa ngáy tùm lum… 
 
Nghe cô kể lể chuyện phong ngứa của cô, tôi bèn đoán già đoán non là bệnh phong ngứa của tôi chắc có cùng nguyên nhân như của cô. Thế là về nhà, mặc cho tay què, tôi hùng hục lôi drap, lôi mền lôi gối ra giặt, giường chiếu nào cũng láng cóng, mua cả máy lọc bụi, lọc vi trùng vi khuẩn gây allergy vớ vẩn nào đó…. Tốn một mớ tiền cũng bộn ra phết!!! Nhà cửa của tôi sau vụ đó đâm ra thơm phứt, không còn một tý bụi nhưng bệnh ngứa sao vẫn không chịu lui! Xin lỗi quý vị, ngay chỗ thắt lưng của tôi, phong ngứa gì đó đã tạo ra hình dạng một mảng cơm cháy khá lớn và ngứa thì vô cùng tận. Đứng trước mặt ai đó mà bỗng dưng lên cơn ngứa thì chỉ còn nước chịu chết, người nhấp nhổm không yên, cứ nhúc nhích oằn oại như đang múa… Lèo! 
 
Sau mấy tháng chịu đựng, tay thì què, thêm bệnh ngứa ngáy khổ sở, chịu hết nổi, tôi bốc điện thoại lấy hẹn với BS chuyên về Da. Ngày đi BS chuyên khoa Da để khám, sáng đó tôi còn gãi lung tung. BS xem tới xem lui rồi kê đơn cho một mớ thuốc bôi ngoài da, còn nếu ngứa quá thì uống thuốc ngủ, cho đỡ gãi! Bà BS dặn tôi nếu bôi thuốc thử 1 tuần không ăn thua gì thì quay trở lại, lúc đó sẽ thử nghiệm sau. Tôi đành ngoan ngoãn ra tiệm thuốc tây, trả thêm một mớ tiền cho các dược phẩm trong uống ngoài thoa. 
 
Mua thuốc đem về nhà, tối đó, lạ thật, chưa kịp thoa kem, chưa kịp uống thuốc như toa BS dặn, chờ hoài mà sao vẫn không thấy cơn ngứa kéo tới!!! Không lẽ bệnh phong ngứa của tôi có mắt có tai? Chúng nó nhìn thấy mấy chai kem chống ngứa nằm trên bàn chăng? Chúng nó nghe BS sẽ quyết liệt tẩy trừ chúng nó chăng? Ngày hôm sau, tình hình mặt trận phong ngứa vẫn yên tĩnh, địch quân chưa thấy đâu cả. Tay tôi thì cứ lăm le muốn… gãi, một thói quen thật đáng ghét. Nhưng quái thật, nó vẫn không lên cơn ngứa!!!
 
Hóa ra tôi bị Stress. Stress vì ba cái chuyện cộng đồng! Không phải vì bụi, cũng không phải vì mấy con "mite" mà cô therapist vô tình tiêm vô đầu tôi. Chỉ vì Stress. Hết Stress là hết ngứa! Dễ hiểu vậy mà nghĩ không ra!!! Nói tóm lại là phải giảm Stress, phải kiêng cử ăn uống chút chút, bớt thịt, bớt rượu, bớt computer, năng vận động tay chân…..
 
Một ngày thứ Bảy đẹp trời, hai vợ chồng tôi rủ nhau đi hiking.
 
Trời đầu thu, có nắng hanh vàng, nhìn đâu cũng thấy ruộng nho ngút ngàn với những chùm nho ngọt nặng trĩu đang chờ đến mùa gặt. Dòng sông Rhine lờ lững lượn lờ bên dưới, gió hây hây, chim chóc bay lượn trên không, cảnh vật thật hữu tình! Hai chúng tôi chân bước rộn ràng, vừa rảo bước vừa tự hỏi cuộc đời dễ thương đẹp đẽ thế này mà sao lâu nay mình bỏ quên nó nhỉ? Vui chân chúng tôi đi đến mãi tận Bodenheim, một quận lỵ nhỏ nằm cách Mainz không bao xa, ăn buổi cơm trưa muộn màng, nhâm nhi ly rượu Wine trắng… rồi lên đường trở về. Tin thời tiết dự báo là chiều nay khoảng 5 giờ sẽ có mưa. Nhìn đồng hồ đã 3 giờ rưỡi chiều. Phải rảo chân thôi…. 
 
Trời mỗi lúc mỗi kéo mây đen kịt, mây mưa kéo về hướng chúng tôi. Rảo chân cho nhanh may ra thì kịp. Một cây cầu vòng 7 màu thật đẹp hiện ra ở cuối ruộng nho đằng xa, trông thật gần mà sao đi hoài chẳng tới. Vừa rảo chân vừa ngắm cây cầu vòng, tôi tự trấn an, chắc không mưa nổi vì trời đã sáng lên như thế này, lại có thêm cầu vòng, nên bước chân có hơi chậm lại. Chưa vui được bao lâu thì cơn mưa ập đến. Gió ngừng thổi nhưng bây giờ thì mưa tới tấp. Hạt mưa to bằng hòn bi, rớt lộp độp không ngừng. May mà cả hai chúng tôi đều mang theo áo mưa. Phải nói là chúng tôi đi như chạy! Về đến được chỗ xe đậu, bật Iphone ra xem thì thấy đi tổng cộng được 20 km, vòng đi cà rịch cà tang vừa đi vừa hái nho ăn thử, vòng về vắt giò lên cổ mà chạy… mưa! 
 
Tối hôm đó hai vợ chồng tôi ngủ một giấc thật ngon lành, ai quẳng xuống sông chắc cũng không biết, trộm có vào nhà dọn sạch đồ đạc chắc cũng không hay. Thế mới biết vận động là liều thuốc tiên, không cần thuốc ngủ, không cần trằn trọc lăn qua lăn lại, phải dỗ giấc ngủ với ipad ipiếc lôi thôi. Sáng hôm sau chàng của tôi than đau chân, đau đầu gối, còn tôi thì tỉnh queo, chẳng đau chẳng đớn gì, rục rịch sửa soạn ra vườn dọn dẹp cây cối mà mấy lâu nay vì sợ đau tay, vì sợ phong ngứa, nên gần như đã bỏ quên vườn tược của mình. 
 
Sau mấy tiếng lao động, vườn tược lại sạch sẽ đâu vào đấy, tôi trở vào nhà lo buổi cơm tối vì tối nay trên TV có màn tranh luận "duell" giữa bà Thủ Tướng đương nhiệm Angela Merkel (thuộc đảng CDU) với đối thủ của bà là ông Martin Schulz (thuộc đảng SDP). Cả hai đảng CDU và SPD hiện đang là liên minh cầm quyền của Đức nhưng đây là giai đoạn tranh cử nên "hồn ai nấy giữ", ai giỏi người đó thắng! 
 
Chương trình Duell bắt đầu mới được 5 phút là tôi rục rịch đi Toilette…. Sau đó là ra vào Toilette dài dài. Lạ nhỉ? Hay mình bị Blasenentzündung (bladder infection)? Duell giữa 2 đối thủ tối hôm đó chẳng có gì gay cấn, dầu sao cả 2 đảng đang liên minh cầm quyền nên chủ trương làm việc của cả 2 bên không nhiều thì ít cũng giống nhau nhiều điểm, chẳng ai đả kích ai kịch liệt như những lần bầu cử Thủ Tướng các nhiệm kỳ khác. Người ta hay nói "liên minh cầm quyền thì cũng giống như hai vợ chồng, sống lâu năm với nhau thì suy nghĩ cũng giống nhau thôi". Vợ chồng lâu năm ít cãi nhau vì trở nên giống nhau hay vì… mỏi mệt, vì biết có cãi cũng vậy thôi. Dễ dầu gì ai sửa được ai! 
 
Suốt cả đêm hôm đó không hiểu sao mà mắt tôi cứ như trơ ra, và bụng thì cứ đau lâm râm. Đến gần sáng, tôi mò mẫm uống 1 viên thuốc chống đau để ngủ. Cơ thể tôi từ xưa đến nay vốn ít nhận thuốc nên uống viên nào là thấm ngay viên đó. Thuốc chống đau giúp tôi ngủ được một giấc thật ngon. Ngủ được một giấc tuy ngắn nhưng người tôi sau đó cảm thấy thoải mái, không còn bị đau lâm râm kỳ cục như đêm hôm qua. Uống ly cà phê xong tôi rủ chàng đi chợ. 
 
Trên đường về, cơn đau lại kéo đến. Lần này không còn lâm râm nữa mà là nhói từng cơn kịch liệt. Cứ như là đóng kịch! Mới tỉnh táo hết đau đó bây giờ đã ôm bụng rên rỉ, chắc chàng của tôi đang nghĩ như thế. Chàng vẫn bảo tôi là người không biết chịu đựng, sợ đau, mới đau chút xíu là than van um sùm (làm phiền người khác). Nhưng trời ạ, đau quá là đau, đau thật chứ không phải đau giả đò…. Tôi cắn răng xuýt xoa ôm bụng, lê bước vào được nhà là nằm vật ra salon thở không ra hơi. Mặt tôi lúc đó chắc xanh lè…. 
 
Cơn đau lúc này đã dần dần lộ ra bộ mặt thật của nó. Đau từ thắt lưng bên trái trở xuống, phạm vi đau dài khoảng 1 gan tay. Bao nhiêu khái niệm tổng quát về Anatomy của tôi, học từ thời Trung Học (dân ban A mà lỵ, điểm Vạn Vật của thầy Đỗ Danh Tẩm cho tôi gần như luôn được tối đa): đau bên trái như thế này là không phải đau ruột dư. Tiếp tục tự chẩn bệnh: Đau như thế này chắc là đau ruột hay bị rách màng bụng (Leistenbruch, tiếng Anh gọi là Hernia?). Cơn đau dịu xuống được phút nào thì óc tưởng tượng của tôi làm việc được phút đó, khi cơn đau kéo tới thì tôi xanh xám mặt mày, lúc đó tôi chỉ muốn chết phứt cho đỡ đau….. 
 
Cuối cùng tôi bảo chàng chở tôi sang ông BS gia đình, cũng chỉ cách nhà 3-4 cây số xem ổng phán ra làm sao chứ nằm chẩn đủ thứ bệnh như thế này thì cũng chẳng hết đau. Vì không lấy hẹn nên tôi đành ngồi cắn răng ngồi ở phòng đợi để chờ tới phiên, đâu ai chịu nhường mình. Ai cũng đòi cấp cứu, ai cũng thấy mình đau nhiều hơn người khác. Gặp ngày ông BS không có phụ tá, bệnh nhân ngồi chờ đầy phòng đợi, ổng vác cái thân không lấy gì làm thon thẻ cho lắm, chạy tới chạy lui hết phòng này qua phòng khác thấy mà tội, nhưng ai tội nghiệp cho tôi đây? 
 
Lúc đến phiên tôi thì cũng đúng cái lúc cơn đau kéo tới, tôi cắn răng cố không rên, đứng dậy ôm bụng lê vào phòng khám. Bao nhiêu năm nay ông BS vẫn quen thấy tôi với mặt mày bộ dạng tươi tắn (đã bảo là ai đau thì đau chứ làm gì đến phiên tôi mà lỵ). Nay ông thấy tôi nói không ra hơi, mặt mày xanh xám, chưa cần khám chắc ông đã nghĩ: "thôi cho bà này vào nhà thương là chắc ăn nhất". Mà quả thật như vậy, nhìn Ultraschall ông đã thấy trái thận bên trái của tôi to hơn bình thường, sạn thì không thấy đâu nhưng rên la kiểu này thì bảo đảm là chỉ do sạn thận chứ không chạy vào đâu. Đau thấy ông bà ông vải, liếc nhìn đồng hồ thấy đã hơn 6 giờ chiều, tôi còn ráng thểu thào hỏi BS là "ngày mai vô nhà thương cũng được phải không". Ông BS lắc đầu quầy quậy trước đề nghị ngu si của tôi "tốt hơn hết là ông chở bà vào nhà thương và chở ngay bây giờ". Đoạn đường từ phòng mạch BS về nhà ngắn ngủn mà sao với tôi lúc đó như vô tận, mỗi cái ổ gà, mỗi cái dằn xóc của xe là tôi muốn dựng tóc gáy vì đau. Cái điệu này chỉ còn cách duy nhất là kêu xe cứu thương đến chở tôi vào bệnh viện vì ít ra cũng còn được nằm trên băng ca, chứ đau thế này mà phải ngồi trên cái xe đua 2 cửa thấp lè tè của chàng thì e…. chết sướng hơn. 
 
Về đến nhà, việc đầu tiên là chàng gọi điện thoại báo cáo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân với cậu con. Cậu con bảo chàng phải kêu xe cứu thương chở mẹ vào ngay Emergency, không nên đi xe nhà và khi nào xe gần tới nhà thương thì báo cho nó biết, nó sẽ đón ở đó. 
 
Gọi 112 là số cấp cứu của Đức. Phải nói đây là lần đầu tiên chúng tôi phải quay cái số dễ sợ đó, thôi thì cũng phải có lúc là lần đầu. Lần đầu cho biết mùi chia sẻ với thiên hạ!
 
Nằm lả người trên salon, đau thấy ông bà ông vải mà tôi cũng phải bật cười khi nghe cuộc đối thoại giữa chàng và nhà thương:  
 
- Tôi cần chiếc xe cấp cứu đưa vợ tôi vào nhà thương
 
- Ông tên gì? 
 
- Tôi tên Nguyễn 
 
- Xin ông đánh vần  
 
- Ah, N như Nordpol, G như George  
 
Trời đất, mấy ông nội cấp cứu này giỡn nhột! Người ta sắp chết tới nơi sao không hỏi nhà ông ở đâu, bà vợ ông bị đau ra sao, chứ hỏi ông tên gì để làm cái quái gì? Mà chết rồi thì cần gì tên tuổi cơ chứ? Hóa ra mấy câu khai báo đầu tiên của chàng, (lúc đó có lẽ tôi đang lên cơn đau nên ù tai không nghe rõ) là bà vợ của tôi không đến nỗi nguy kịch gần chết đến nơi nên nhân viên bên kia đầu dây mới tà tà… bắt đánh vần. Cái tên ngoại quốc khó nói, khó phát âm nhưng hầu như người VN nào cũng mang tên đó nên chỉ cần đánh tới vần "g" là người Đức biết ngay là Nguyễn! 
 
Đau thì đau nhưng tôi cũng cố dặn chàng xếp cho tôi bộ quần áo ngủ, bàn chải đánh răng, đôi dép đi trong nhà và nhét cái Iphone vào túi áo khoác cho tôi. 
 
Xe cứu thương đến. Trời bên ngoài vẫn còn sáng. Cơn đau đang kéo tới, tôi gượng dậy cố lết đi theo hai người y tá vì không muốn bị khiêng lên xe ca đẩy ra đường, hàng xóm lại tưởng tôi sắp chết đến nơi, lại mất công giải thích lôi thôi. Không muốn nhưng cũng không cách nào đi nổi nên hai ông y tá phải đẩy tôi bằng xe lăn lên tận xe cứu thương đang đậu trước cửa nhà. 
 
Chàng của tôi ngồi ghế trước với ông y tá tài xế. Tôi nằm băng ca đằng sau có ông y tá khác ngồi bên cạnh canh chừng. Đoạn đường 20 km về Uni Klinik Mainz lúc này sao mà xa diệu vợi. Tôi chỉ muốn nhắm mắt ngủ thiếp đi cho bớt đau nhưng cứ bị ông y tá hỏi thăm sức khỏe, chắc ổng sợ tôi xỉu hay ngất đi thì lôi thôi phiền phức lắm….. 
 
Emergency tối thứ Hai vắng vẻ, may quá, tôi được chuyển ngay vào departement Urology. Cậu con trai của chúng tôi đã chờ sẵn ở đó. Một chai Influsion chống đau được chuyền ngay vào tĩnh mạch của tôi. Mọi khai báo tên tuổi, tình trạng sức khỏe v..v… được cậu con đảm nhận nên chàng của tôi thất nghiệp, chỉ biết đi lui đi tới ngó bà vợ đang nhắm nghiền mắt rên rỉ. Trên đường đi chụp CT, cậu con tình nguyện đy xe lăn cho mẹ, không cần chờ đợi y tá lâu lắc nên đốt ngắn được giai đoạn làm thủ tục khá nhiều. 
 
Trời đã tối thẩm, cậu con đẩy xe cho mẹ thoăn thoắt rành rẽ (nghề của chàng mà), không hiểu sao lúc đó tôi chợt nghĩ đến lời nói của mẹ: "trong mấy anh em, con là đứa sống xa gia đình nhất nhưng con cũng là đứa có nhiều hạnh phúc nhất vì con được ở gần con cái… mấy anh em của con không được cái diễm phúc đó!". Lời mẹ tôi sao đúng quá! Cậu con của tôi rất cảm động khi nghe tôi kể về lời nói của bà ngoại. 
 
Kết quả của CT: một viên Aquamarin to cỡ 5mm lần này cũng đã rơi tọt vào đường dẫn tiểu, hình thù dài dài và khá sần sùi, mỗi lần cơ bắp co thắt hay đi đứng đã tạo ra cơn đau thấu trời cho bệnh nhân. Kết quả của chuyến hiking vừa đi vừa chạy 20 cây số cách đây 2 ngày. Không đi chắc viên Aquamrin vẫn còn nằm yên trong cái bọc nhung êm ái của nó. Phải lấy viên sạn ra gấp, càng sớm càng tốt! Bản án đã có, bây giờ chỉ còn chờ có chỗ trống trong lịch trình mổ xẻ là lên đoạn đầu đài bất cứ lúc nào.Tuy đau đớn vô cùng nhưng tôi cũng tạm yên bụng, không còn lo sợ vớ vẩn, sợ rách ruột non ruột già, nên bảo chồng con ra về, có gì sẽ liên lạc qua điện thoại sau. 
 
Thấy chàng của tôi nãy giờ te te đi tay không, tôi hỏi chàng cái túi xách quần áo của tôi để đâu. Chàng ngẩn người ra hỏi lại "Túi gì?". Ủa chứ cái túi xách mà chàng xếp áo quần bàn chải đánh răng cho tôi không lẽ bỏ quên trên xe cứu thương? Hoá ra lúc xe cứu thuơng đến, chàng quýnh quáng đi theo vợ vào nhà thương nhưng đi tay không, quên hẳn cái túi ở nhà!!! Kể ra cũng tội nghiệp anh chàng, bấn xúc xích lên ruột vì vợ. Vợ rên rỉ loạn xà ngầu thế này ai mà không bấn xúc xích? 
 
Tối đó tôi được đưa lên lầu 2, nằm phòng có 2 giường. Bà hàng xóm hình như đã ngủ, tôi cố nhịn đau, cử động nhè nhẹ để khỏi làm mất ngủ người khác. Ánh đèn điện vàng vọt bên ngoài chiếu qua cửa sổ không làm tôi khó chịu, trái lại là đằng khác vì tôi là đứa vốn sợ bóng tối. Bóng tối khiến tôi ngột thở, tưởng tượng đủ điều đen tối… Mệt quá nên tôi thiếp đi lúc nào không hay, giấc ngủ chập chờn nửa tỉnh nửa mê…. 
 
Tiếng reng nho nhỏ của chiếc Iphone để trên đầu giường khiến tôi bừng tỉnh, bên ngoài trời cũng đã bắt đầu hưng hửng sáng. Chàng của tôi gọi thức vợ dậy và hỏi khi nào thì chàng vào thăm được, chàng có thói quen dậy sớm. Chàng kể ngay là cái túi quần áo chàng xếp cho tôi ngày hôm qua quả là để quên ở nhà cho tôi yên chí. Thú thật với quý vị là tôi đã quên béng chuyện cái túi áo quần nếu chàng không nhắc. Khi bắt gặp quả tang người ta (lỡ) quên thì nói chì nói chiếc, đến khi người ta nhắc thì mới thấy là chẳng có gì quan trọng cả! Lúc này thật ra tôi chẳng cần gì ngoài sự có mặt của chàng, mặc dầu cũng biết là chàng chẳng giúp được gì trong lúc này vì khi đau đớn bệnh hoạn thì chỉ cái thân mình gánh, chẳng ai gánh giùm cho mình, vì có muốn gánh cũng không được! 
 
Y tá của phiên trực sáng vào phòng đo áp huyết, làm giường. Trước khi quay ra, một bà y tá còn quay lại dặn tôi "sáng nay bà không được uống nước, không được ăn sáng nhé" (dạ thưa chị, tôi biết rồi khổ lắm nói mãi). Số tôi nằm nhà thương lần nào cũng bị nhịn ăn nhịn uống dài dài, mà giấy tính tiền của nhà thương thì lúc nào cũng tính luôn phần ăn phần uống, thế mới kỳ!!! 
 
Bà hàng xóm bên cạnh nãy giờ cứ dòm chừng sang bên giường của tôi, coi bộ muốn khơi chuyện nhưng chắc chưa nghĩ ra đề tài nên khi nghe y tá bảo tôi phải nhịn uống nhịn ăn, bả vô đề liền: 
 
- Tối hôm qua bà vào trễ nên tôi không biết bà bị gì? 
 
- À, tui bị sạn thận…. (người còn hơi đừ nên nàng chưa nóng máy). Còn bà bị gì? Bà nằm đây lâu chưa? 
 
- Ah, tui thì bị cắt "tiểu thận", ung thư!! nằm cũng mấy ngày rồi.
 
- Tiểu thận là gì vậy bà? (bắt đầu tò mò) 
 
- Tiểu thận nằm ở trên đầu trái thận, nhỏ như ngón tay cái của mình.
 
- Cắt đi thì mình bị thiếu cái gì? Tiểu thận có nhiệm vụ gì hả bà? (ỷ mình giỏi Vạn Vật mà sao chưa bao giờ nghe cái tên tiểu thận cà???) 
 
- Tiểu thận có nhiệm vụ tiết ra Adrenaline, Cortison…. 
 
- Ồ vậy bây giờ là bà hết sợ, hết run rồi hén, vì đâu có Adrenaline nữa mà lên cơn run hay cơn sợ há…. (vốn liếng Anatomy đến đây bắt đầu cạn, nói nữa là hố) 
 
- Ừ đúng rồi đó, mà tuổi này rồi thì tui cũng chẳng cần Adrenaline nữa bà ơi…. 
 
- Vậy Cortison thì giải quyết làm sao hả bà? 
 
- Nghe BS nói phải uống thuốc! 
 
Câu chuyện tới đây thì y tá đem thức ăn sáng đến cho bà hàng xóm. Bà ta vừa ăn sáng vừa lầu bầu thức ăn không ngon, trong khi tôi đói meo vì cả ngày hôm qua không ăn uống gì được. Không biết bao giờ tôi mới lên đoạn đầu đài, không chừng tên tôi nằm cuối cùng trong lịch trình mổ xẻ của ngày hôm nay, hay xui nữa là phải chờ đến ngày mai…. Chắc còn phải nhịn đói dài dài!!! Đói bụng mà phải nhìn và nghe bà hàng xóm vừa ăn vừa chê lên chê xuống!!! Không biết bả được dọn món gì mà chê quá cỡ…. 
 
Ăn xong bà hàng xóm leo lên giường tiếp tục câu chuyện còn đang dở dang giữa hai chúng tôi. Câu chuyện không đầu không đuôi thỉnh thoảng bị ngắt đoạn vì tiếng máy bay trực thăng cứu cấp lên xuống. Chỗ đáp trực thăng nằm trên nóc nhà của tòa building đối diện, phòng tôi nằm ở lầu 6 nên nghe rõ mồn một. Vừa nói chuyện tôi vừa ngắm trực thăng lên xuống, chiếc đỏ chiếc vàng mà cậu con tôi hay gọi là "hugo 1 và hugo 2". Té ra cũng có thật nhiều ca cấp cứu trong một buổi nhỉ! 
 
Thế rồi câu chuyện lan man ra đến đề tài bình đẳng giữa đàn ông đàn bà… À ra bà này cũng có nhiều suy nghĩ giống mình: một người đàn bà muốn được xã hội chấp nhận phải chứng minh là mình giỏi hơn người đàn ông 300% mới được xem là bằng đàn ông. Vậy bình đẳng ở chỗ nào? Đùa đùa giỡn giỡn tôi nói: bà ơi, mình đâu có đòi bình đẳng mà tại vì mình đòi "hơn đẳng" nên mới ra chuyện thôi. Hình như chân lý nằm đằng sau câu nói này thì phải??? 
 
Hai bệnh nhân bắt đầu tọc mạch vào đời tư của nhau: 
 
- Bà học ngành gì? Tôi tò mò hỏi trước. 
 
- Tui học ngành quản trị xí nghiệp. 
 
- Tui cũng vậy, lúc đầu học ở Mainz sau đổi lên Frankfurt… 
 
- Ủa vậy hả, tui cũng học ở Frankfurt?!?! 
 
- Vậy bà có nhớ ông Prof. đi cà nhắc không, ổng tên gì tui quên rồi… 
 
- Tui cũng quên mất tiêu tên ổng, lâu quá rồi… Bà ra trường năm nào? 
 
- 1977! 
 
Bà hàng xóm nhổm dậy ngó chằm chằm sang giường tôi: 
 
- Tui cũng ra trường năm 77! 
 
- Hồi đó mấy cours tui học toàn con trai không hà, ít con gái lắm!! 
 
Lòng tò mò chắc đang dâng lên đến cực điểm, bà hàng xóm leo ngay xuống giường, đi chân không, bắt cái ghế ngồi cạnh giường tôi, hỏi dồn dập: 
 
- Bà có nhớ cái ông thầy hay thắt nơ dạy môn Bilanz nhà Bank không? 
 
- Nhớ chớ, ông này hay đứng chống tay cạnh bàn và nói thì cứ nuốt chữ khó nghe lắm, tui cứ phải kiếm chỗ ngồi bàn đầu để nghe cho rõ… 
 
- Bà còn nhớ ông…. 
 
- Nhớ chớ!!! 
 
Sau mấy câu hỏi "Bà còn nhớ…" và mấy câu trả lời "Nhớ chớ!!!" bà hàng xóm của tôi ôm đầu: Trời đất…. không lẽ tụi mình học chung với nhau???  Bà hàng xóm lúc này hết ngồi yên trên chiếc ghế của bả, bả đứng thẳng dậy cái rột, ngắm nghía khuôn mặt đang tái méc vì đói của tôi, tóc tai không chải, trên người thì mặc cái áo ngủ xộc xệch của nhà thương. Tôi cũng nheo mắt ngắm lại bả, cố tìm lại vài nét chấm phá của một thời sinh viên…. Khi mường tượng ra được những hình ảnh của 40 năm về trước, những hình ảnh mờ nhạt nhưng may mắn còn sót lại trong tâm trí, cả hai chúng tôi không thể ngờ lại có cuộc hội ngộ trùng phùng ngộ nghĩnh như thế này. 
 
Ruth, tên bà hàng xóm cùng phòng, người bạn học của tôi, lúc này leo tuốt lên giường của tôi. Ruth một tay nắm lấy tay tôi, một tay chùi nước mắt, cả hai chúng tôi đều cảm động đến phát khóc vì quá bất ngờ…. Ruth chính là cô sinh viên cùng vào thi vấn đáp với tôi trong môn kinh tế "Micro-Macro-Theorie" (môn vấn đáp cuối cùng). Thi ra trường, ngoài các môn thi viết, chúng tôi phải qua các kỳ vấn đáp cho các môn chính. Những môn viết đã khó nhá bây giờ lại còn thi vấn đáp. Vào vấn đáp, với sinh viên Đức có lẽ ít gặp trở ngại nếu đã học bài, nhưng với sinh viên ngoại quốc thì học thuộc bài chưa đủ vì còn phải diễn tả bằng tiếng Đức cho ông thầy hiểu. Ông thầy chấm thi vấn đáp của tôi có lối hỏi vấn đáp cũng lạ kỳ lắm: ổng cho 2 SV vào thi cùng một lượt, đưa cho mỗi SV 1 câu hỏi viết vào tờ giấy, rồi đi ra ngoài 15-20 phút cho 2 thí sinh đủ thì giờ chuẩn bị cho câu trả lời. 
 
Liếc nhìn câu hỏi của mình…. tôi lặng cả người! Đề tài này (macro) tôi vốn ghét nên chỉ học sơ sơ, hên không bị hỏi thì thoát, còn bị thì…. hậu xét. Nhìn sang câu hỏi của cô bạn, Micro, lại đúng ngay đề tài mà tôi thích, học kỹ lưỡng. Ruth mang tâm trạng y chang tôi nhưng ngược lại, có nghĩa là Ruth thích macro hơn micro. Hai ý tưởng gian dối bất chợt đến với 2 chúng tôi: tráo đổi đề tài của nhau. Vì ông thầy đâu có ghi tên chúng tôi vào đề bài…. Yên tâm với ý định táo bạo này, chúng tôi không còn chúi đầu thì thầm to nhỏ với nhau nữa, mỗi đứa ngồi hý hoáy ghi chép ở một góc bàn chờ ông thầy quay trở vào…. Buổi thi vấn đáp thành công một cách rực rỡ. Câu hỏi nào cũng được trả lời một cách đầy đủ gọn ghẽ. Trong lúc thi, mỗi lần Ruth trả lời xong câu hỏi nào của ông thầy (phần macro) là lần đó tôi lạnh cả gáy vì ngẫm lại chẳng có câu nào tôi có thể giải đáp trôi chảy được…
 
Ngày thi cuối cùng của hơn 40 năm về trước là một ngày cuối thu của tháng 11 năm 1977. Ra khỏi phòng thi, hai đứa tôi bắt tay chúc mừng nhau rồi chia tay, mỗi đứa đi mỗi ngả…. Tôi chỉ nhớ là sau đó tôi đứng lặng ngưòi cả một lúc lâu, nhìn lại cổng trường Đại Học Johann-Wolfgang-Goethe của Frankfurt, nơi tôi theo học 4 năm cho tới ngày ra trường. Một Đại Học thiên tả, chỉ toàn thành phần phản chiến chống chiến tranh với những hình ảnh của thủ lãnh kháng chiến Ché Guevara hay bực hơn nữa là HCM…. Đứng lặng là vì tôi biết sẽ còn lâu lắm tôi mới quay lại nơi đây (trừ ngày đến lãnh văn bằng Master) và đứng lặng vì lúc đó tôi không nhớ nổi sáng nay tôi đã đậu xe ở góc đường nào để vào thi!!!! 
 
Một tiếng đồng hồ trước đó chẳng ai trong hai chúng tôi có thể tưởng tượng được là chúng tôi quen nhau, biết nhau, cùng ngồi chung với nhau trong một giảng đường, cùng thi vấn đáp chung với nhau từ hơn 40 năm về trước. 40 năm bặt tin nhau, không biết gì về nhau, từ ngày chia tay lần cuối năm 1977, nay cả hai tóc đã bạc màu…. gặp nhau trong nhà thương, hai thí sinh ngày đó bây giờ lại cùng nằm chung một phòng. Cuộc đời có những khúc quanh thật bất ngờ!!!! 
 
Chàng của tôi đến thăm vợ, tưởng vợ đang nằm rên hừ hừ trên giường, mặt mày nhăn nhó rên rỉ, ai ngờ chàng thấy bà vợ của mình mặt mày tươi rói, tuy vẫn nằm trên giường, nhưng đã lo chỉ tay giới thiệu chồng mình với bà hàng xóm, bà này mặt mày cũng đang rạng rỡ tươi như hoa chứ không xìu xìu ển ển như một bệnh nhân bình thường:
 
- Đây là Ruth, bạn học của em ở Franfurt! 
 
- Hân hạnh được biết ông, tui là bạn của vợ ông! 
 
Biết là chàng chưa hiểu ất giáp đầu đuôi nên tôi vội vàng kể lại đầu đuôi ngọn ngành. Khi nghe ra câu chuyện, chàng chỉ còn biết dơ hai tay lên trời và "oh Gott" lia lịa….. Ông trời thường ban cho con người những cú ngoạn mục tuyệt vời! 
 
Sau bữa cơm trưa của Ruth và tôi phải tiếp tục nhịn đói, bà y tá vào phòng tuyên bố là đã sắp tới ca mổ của tôi. Khi 2 bà y tá vào phòng, rục rịch chuẩn bị đẩy giường tôi ra thang máy đưa xuống phòng mổ, Ruth chạy đến bên giường ôm hôn tôi từ giã và chúc tôi gặp mọi điều may mắn…. Bà y tá chắc ngạc nhiên tột cùng vì sao hai bệnh nhân này lại "âu yếm" nhau như thế này nhưng bả không dám hỏi và tôi cũng không muốn giải thích. Kệ! cho bả nghĩ tầm bậy chơi!!! 
 
Phòng mổ nằm ở lầu 1. 
 
BS, y tá trong màu áo xanh lá cây đi qua đi lại, ai cũng bận rộn…. Trước khi bắt đầu gây mê, ông BS dặn tôi "thuốc mê lúc đầu sẽ làm bà chóng mặt, nhưng khi bà vừa cảm thấy chóng mặt là bà cũng vừa chìm vào giấc ngủ, không biết gì nữa, bà đừng sợ nhé". Tò mò nên tôi dặn lòng cố tỉnh táo để xem cái cơn chóng mặt nó ra làm sao vì những lần mổ xẻ trước đó hình như chẳng ai nhắc tôi cái vụ chóng mặt này cả. Quả như ông BS đã dặn, trong vòng chưa tới 30 giây, cái cảm giác chóng mặt từ từ kéo đến, chóng mặt đến sắp buồn nôn thì… tôi chìm vào giấc ngủ, hết biết trời trăng gì nữa! 
 
Tỉnh dậy, nhìn chung quanh thấy lạ hoắc. Không biết mình đang ở đâu, mấy giờ? Mọi cảm nhận như lờ mờ lãng đãng, tôi chỉ biết một điều là mọi chuyện đã xong. Nhưng xong là xong ra sao? Có phải chờ bắn Laser cho viên sạn tiêu thành bột như lần trước hay nó đã chui ra ngoài ? Trên đường đẩy giường tôi về lại lầu 6, bà y tá trao cho tôi một cái ống nhỏ xíu, bên trong là viên "Aquamarin" to 5 mm! 
 
Trời chạng vạng tối, tôi nhắm nghiền mắt vì thuốc mê có lẽ chưa tan hẳn, người mệt như mới leo núi cao…. Ruth lăng xăng hỏi thăm nhưng tôi trả lời nhát gừng vì chỉ muốn ngủ. Đang mơ màng thì có bàn tay nho nhỏ của ai đó chạm nhẹ vào tay tôi….. Hé mắt, nhận ra con cháu gái Annie. Mừng quá, tôi mở hẳn mắt ra, định ôm chầm lấy nó nhưng con bé rụt tay lại, bỏ chạy đến đứng cạnh ông nội và bố nó. Con bé sợ, vì bữa nay bà nội nó không giống như những ngày trước. 
 
- Cu Vinh đâu? 
 
- Vinh không đi! 
 
- Tại sao? 
 
- Nó giận bà nội, cậu con tôi trả lời. 
 
- ??? 
 
- Bữa nay nó định nấu ăn cho cả nhà, cho bà nội mà bà nội không đến.
 
- Vinh không biết bà nội phải vào nhà thương à? 
 
- Biết! nhưng cu cậu giận luôn cả ông nội, ông nội mau mắn trả lời. 
 
- ???? 
 
- Vinh đã không được nấu mà còn bị ăn món thịt kho của ông nội nấu, không giống thịt kho của bà nội.
 
Sau này tôi hỏi lại thằng cháu vì sao cu Vinh không đến thăm bà thì nó bảo không thích vào nhà thương vì không thích thấy cảnh bà nội bị đau đớn. Sao mà giống bà nội nó thế, thấy ai đau đớn thương tật thì thương lắm nhưng rất khổ tâm vì không làm gì được để giúp người ta. 
 
Tối hôm đó, khi ông cháu ra về, tôi lại nhắm mắt lim dim ngủ tiếp. Cơn đau lâm râm khó chịu bây giờ đã hết hẳn. Nhưng phải tiếp tục nhịn đói vì sau khi mổ, sau màn đánh thuốc mê, ruột gan của tôi còn thẳng đuột chưa làm việc đàng hoàng nên phải nhịn thêm một ngày nữa. 
 
Nằm lim dim tôi nhớ lại ngày sanh cậu con trai đầu lòng của tôi. Vết mổ ngày đó dài hơn 20cm chứ ít ỏi gì! Ba ngày nằm trong phòng sanh để chờ đẻ, BS không cho ăn cho uống vì có thể phải mổ. Chờ mãi thằng bé vẫn chưa chịu ra đời, BS đành quyết định mổ. Mổ xong cũng không được ăn được uống. Tối đó tỉnh dậy đói quá, tôi chấm tay vào hủ đường để trên đầu giường (hôm mới vào nhà thương chưa bị nhịn ăn nhịn uống, còn lọ đường để uống cà phê chưa bị cất đi) cho đỡ cơn ghiền! Nhớ lại mà vẫn còn buồn cười. Ngày đó con bé mới 26 tuổi đầu. 
 
Ngày nay mổ xong cũng lại bị nhịn ăn nhưng đỡ quá, không bị nhịn uống. Trái lại là đằng khác! Bà y tá phán "mỗi ngày 3 lít bà nhé". Vâng thưa bà y tá, bình thường tôi uống nhiều lắm là ½ lít mỗi ngày, bây giờ bà bắt tôi ực 3 lít thì chịu sao thấu hả bà. Nhưng lệnh trên đã phán không theo không được. Tôi ngoan ngoãn vâng lời không dám cãi. Luật của nhà thương là: chai lọ ly tách có nhà thương cung cấp, nhưng lấy nước thì bệnh nhân phải tự đi lấy. Cái máy lấy nước uống nằm ở phòng khách ở tận cuối hành lang. Đi lấy nước phải đẩy theo cái xe con có cái cần cao cao để đeo theo mấy cái bịch nylon, cái thì đựng nước tiểu (hình như bệnh nhân nào nằm ở đây cũng có cái bịch loại đó) cái thì đựng "thức ăn" tiêm thẳng vào máu, cái thì thuốc giảm đau…. Có nghĩa là trước khi di chuyển lui tới bệnh nhân phải xếp đặt bịch nào theo dây nấy cho khỏi lấn cấn, lỡ vướng víu sút ra nữa chừng thì lôi thôi to. 
 
Khuya đó, nửa đêm tỉnh giấc, muốn đi toilette mặc dầu tôi chẳng ăn uống gì từ 3 ngày nay. Rón rén ngồi dậy vì sợ Ruth tỉnh giấc, trong bóng tối tôi loay hoay xếp đặt dây nhợ với mấy bịch nylon đâu vào đấy rồi đẩy xe vào toilette. Lúc trở ra, không biết trăn trở hí hoáy ra sao mà mấy sợi dây nối rùi với nhau…. Quay bên trái, gỡ rối được 1 ống dây thì ống dây khác lại quấn vào. Tiến thối lưỡng nan, tôi cứ lẩn quẩn quay tới quay lui tại chỗ không biết bao nhiêu là bận mà vẫn không gỡ được mớ dây nhợ lòng thòng… Không lẽ đánh thức con nhỏ Ruth, nó đang ngáy khò khò… Mà muốn bấm chuông kêu y tá cũng không được vì cái chuông bấm nằm trên đầu giường, tôi thì đang đứng cách cái giường cả 2 thước! Trong tình cảnh khốn đốn đó tôi mới thấy bao nhiêu là thiệt thòi khi bản thân mình phải nương tựa phụ thuộc vào những thứ gì đâu. Chuyện nhỏ nhít như thế này mà cũng không làm xong. Không biết về sau, nếu trời bắt tội phải ngồi xe lăn thì còn khổ đến chừng nào?? 
 
Cuối cùng không biết làm sao mà tôi đã gỡ được cái nút rối của mớ dây, mò về được giuờng của mình rồi ngủ thẳng cẳng ngon lành đến sáng bảnh mắt mới tỉnh. Bữa nay là bữa ăn sáng đầu tiên của tôi sau 3 ngày nhịn ăn! Hai ổ bánh mì trét bơ và mật, ly cà phê thơm phứt nóng hổi…. Ở nhà mà phải ăn sáng với bánh mì trét bơ và mật là cả một chuyện bất đắc dĩ, kẹt lắm mới ăn, nhưng bây giờ sao mà ngon quá đỗi. 
 
Cô nàng Ruth sáng nay ể mình nên nàng ta nằm ngủ vùi không muốn dậy ăn sáng. Hỏi ra mói biết là đêm qua nàng ta bị nhức đầu, không ngủ được. Cô nàng biết tôi đêm qua bị kẹt với mớ dây nhợ nhưng không dậy nổi để giúp bạn. Sau đó nàng thấy tôi ngáy khò khò ngủ ngon lành trong khi nàng lên cơn đau đầu như búa bổ. Vừa nhâm nhi ly cà phê tôi vừa nhồm nhoàm bảo Ruth "ăn xong tao làm massage đầu cho mày, bảo đảm sẽ hết…". Cô nàng nghe tôi hứa sẽ trổ ngón nghề gia truyền nên coi bộ nhấp nhổn hồi hộp lắm. 
 
Ruth ngồi, tôi đứng làm massage lên trán, lên vai, len cổ của nàng. Xoa nắn tới đâu cô nàng xuýt xoa rên rỉ tới đó. Sau 20 phút massage, như cãi lão hoàn đồng, Ruth vươn vai lắc đầu, mọi đau nhức đã tiêu tan. Cô nàng tung tăng chui vào toilette thay quần áo chuẩn bị rời nhà thương…. Trao đổi địa chỉ qua lại, sáng đó, một lần nữa hai chúng tôi lại chia tay nhau và hẹn sẽ gặp lại một ngày rất gần đây. Vì nếu phải chờ đến 40 năm như vừa rồi thì chắc chắn là sẽ gặp nhau ở cõi trên….
 
Ruth đi rồi, căn phòng bây giờ vắng lặng chỉ còn một mình tôi. Ngày mai nếu không có gì trục trặc thì tôi được ra nhà thương. Cố lên đi, chỉ còn đêm nay nữa là ô rờ lui mọi bệnh tật đau đớn xáo trộn. 
 
Tiếng máy bay trực thăng đáp xuống hay sắp cất cánh khiến cảnh vật chung quanh bớt tẻ nhạt. Sau buổi cơm trưa chàng của tôi ghé qua thăm. Hai vợ chồng dắt nhau lng thng đi bộ suốt dọc dãy hành lang dài hun hút nối liền 2 Building lớn của nhà thương. 
 
Uni Klinik được xây cất trước Đệ Nhất Thế Chiến 1914-1918, nằm trên một đỉnh đồi khá cao trông xuống cả thành phố Mainz trải dài dọc theo bờ sông Rhein. Để tránh bom trong suốt thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, dưới lòng đất của Uniklinik là hệ thống đường hầm chằng chịt dẫn ra đến thành phố Mainz nằm ngoài bờ sông. Dưới hầm là cả một thế giới sống động, có đèn cháy sáng rực suốt ngày đêm… 
 
Ôm cái bịch nylon, đi mãi cũng chán, lại quá mỏi chân nên tôi bảo chàng ra về để trở về phòng, ngủ thêm một giấc. Chưa chợp mắt được bao lâu thì bà y tá đẩy cửa bước vào. Chà, y tá vào giờ này chắc là có chuyện. Mà quả thật như vậy! 
 
Bà y tá xoa xoa hai tay vào nhau (như rất là ái ngại) rồi ấp úng: 
 
- Tôi có một "attentat" muốn thưa với bà…
 
- Sao bà ngập ngừng dữ vậy, tôi bị chuyện gì???? 
 
- Không, bà không bị chuyện gì cả, chúng tôi đang cần một phòng 2 giường cho 2 bệnh nhân đàn ông ở lầu 6 (lầu dành cho bệnh nhân đóng bảo hiểm privat) mà không còn phòng trống nào nữa. Nếu bà chịu đổi sang phòng ở lầu 2, cũng có 2 giường như phòng này thì tốt lắm, chúng tôi sẽ rất cám ơn bà….
 
Nghĩ chỉ còn 1 đêm ở nhà thương thì nằm phòng nào cũng được nên tôi bằng lòng chịu đổi. Bà y tá cám ơn rối rít vì bà chỉ sợ tôi từ chối. Tôi bảo bà y tá cứ đẩy nguyên cái giường của tôi đi trước, tôi sẽ đi bộ theo sau (mình đâu có bệnh liệt giường liệt chiếu mà nằm cho y tá đẩy). Trên đường ra thang máy để xuống lầu 2, một ý nghĩ chợt thoáng qua đầu tôi ngày hôm qua gặp hên, được ông trời thương cho gặp lại cô bạn học ngày xưa, không biết bây giờ xuống lầu 2 gặp được nhân vật nào đây, hy vọng là không đụng một "bà già" khó tính dễ ghét ngáy vang trời….. 
 
Phòng mới của tôi nằm ngay gần thang máy, bà y tá đẩy giường tôi vào trước, tôi ôm bịch nylon tà tà theo sau. Ở đây, giường tôi được kê sát bên cửa sổ, có nghĩa là tôi phải đi ngang qua giường của bà hàng xóm mới. Bà ta giương mắt ngó nhưng không chào…. Chà chà, bất lịch sự dữ ha, nhưng thôi kệ, chỉ 1 đêm chung chạ, thắc mắc làm gì nên tôi mở miệng chào bà: 
 
- Guten Tag! 
 
Hình như bà này điếc hay sao mà không thấy bà ta chào lại. Lại thôi kệ, chấp nhất làm gì cho mệt óc. Tôi leo lên giường nằm ngó mông lung lên trời. Xuống lầu 2 nên tiếng máy bay trực thăng không vang vọng ồn ào như trên lầu 6, nhưng lại gần bãi đậu xe hơi! 
 
Mở Iphone ra nằm đọc Email, coi bà hàng xóm như pha vì bả có chào mình đâu mà nói chuyện. Nhưng tiếng gì rồ rồ như tiếng…. ngáy vậy ta??? Lúc đầu còn nhỏ sau cường độ bắt đầu tăng, không còn rồ rồ nhè nhẹ nữa mà… ồ ồ lên xuống nhịp nhàng, thỉnh thoảng chấm câu bằng một tiếng thở ra thật to thật cao…. rồi im lặng. 10 giây sau lại bổn cũ lên xuống, cứ như đang tập…. hát Opera! 
 
Trời đất quỷ thần thiên địa ơi, ban ngày ban mặt mà bả ngáy như sấm động như thế này thì đến ban đêm chịu sao cho thấu đây trời. Tôi thử tằng hắng đủ to để kéo bả ra khỏi cơn… hát. May quá, bả ngừng ngáy! Được 2 phút, lại …ồ ồ, lại huýt gió lên xuống, rồi chấm câu bằng tiếng thở ra thật to. Hết cả kiên nhẫn, tôi giả bộ leo xuống giường đi toilette để đi ngang qua nhìn cho rõ mặt mày con người dễ ghét đó. 
 
Thân hình bà hàng xóm to như bị gạo, đầu giường của bả kéo cao lên nên bả nằm mà như ngồi. Tôi cố tình đi lịch kịch gây tiếng động để bả ngừng ngáy nhưng vô hiệu! Thôi rồi, đêm nay bảo đảm sẽ là đêm không ngủ. Ai bảo tôi ra tay hảo hớn bằng lòng chịu đổi phòng để rồi ra nông nổi này! 
 
Nhưng thôi, còn nước còn tát, tôi đi vội ra phòng y tá, tả oán tả tình để xin đổi phòng khác. Định bụng là nếu bà y tá không tin thì tôi sẽ yêu cầu bà y tá theo tôi vào phòng, bảo đảm là lời yêu cầu của tôi sẽ được đáp ứng. Lúc tôi dẫn được bà y tá vào phòng thì bà hàng xóm lại… hết ngáy. Thế có chán không cơ chứ!!! 
 
Nản quá, tôi đi lòng vòng ngoài hành lang, nhất định không vào phòng để phải nghe nhạc thính phòng. Hên làm sao lại đụng đầu với ông BS trưởng của departement vẫn khám cho tôi. Ổng hỏi tôi có khỏe không, tôi bảo là khỏe thì có khỏe nhưng không ngủ được vì hàng xóm ngáy to quá. Ổng hứa sẽ giải quyết tìm giải pháp khác cho tôi rồi te te đi như chạy vào phòng khác! 
 
Sau bữa cơm tối, tình hình vẫn không sáng sủa gì cho lắm. Bà hàng xóm hết ngáy lại mở điện thoại nói chuyện với chồng con. Bà này nói toàn tiếng Dialekt, không hiểu được 1 chữ chứ đừng nói là nghe lén câu chuyện. Nói thì cứ như mắng người bên kia đầu dây. Nhưng sao mắng nhau lại cười khì khì nhỉ? Ngày trước mới qua Đức, tiếng Đức chưa rành nên tôi ghét tiếng Đức dễ sợ, nói cứ như mắng người đối diện. Sau này ở càng lâu, không cần chú ý cũng hiểu, hiểu rồi nên thấy tiếng Đức cũng êm ái quá chừng. Bởi vậy tiếng nào cũng hay cũng êm dịu cả nếu mình hiểu. Còn không hiểu thì chỉ có ghét mà thôi! 
 
Tối đó, trước khi đi ngủ, tôi ra phòng y tá xin 2 cục nhét hai lỗ tai và xin 1 viên thuốc ngủ. Chưa bao giờ tôi uống thuốc ngủ! Chưa bao giờ tôi sử dụng hai cục nhét lỗ tai! Nhưng tối nay ngoại lệ! Phải uống, phải nhét, chứ không là chết…. Không quen với 2 cục nhét tai, đầu tôi đâm ra nặng trĩu, lùng bùng, mỗi cử động là nghe rột rột trong tai. Thuốc ngủ cũng không ngấm. Trời ơi là trời!!! Làm sao đây… buổi hòa tấu của bà hàng xóm đang đạt cao điểm của chương trình. Mới 9 giờ đêm…. 
 
Quyết định chui ra khỏi giường, tôi vác bịch nylon ra phòng khách cuối hành lang dành cho thân nhân đến thăm, kiếm chỗ ngủ tạm qua đêm. Đèn trong phòng sáng trưng. Có sáng mấy tôi cũng không màng, miễn im lặng là được. Kéo 2 cái ghế châu vào nhau, tôi nằm duỗi chân nhắm mắt dỗ giấc ngủ. Cũng êm ái ra phết. 
 
Đang lim dim thả hồn vào giấc điệp thì…. rột.. rột…. Mở mắt ra, hóa ra cái máy lọc cung cấp nước suối cho bệnh nhân đang làm việc. Trời ạ, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, đi trốn tiếng ngáy của bà hàng xóm lại đụng ngay cái máy lọc nước. Mỗi lần cái máy rùng mình chuyển động còn to hơn cả tiếng ngáy! 
 
Không lẽ nằm chịu trận ở đây? Tôi lại xô ghế vác bịch nylon đi ra hành lang. Nghĩ bụng, lần này gặp bất cứ ai, từ y tá cho đến BS, tôi sẽ tuyên bố là tôi về nhà ngủ, ngày mai tôi sẽ trở lại trước 7 giờ để quý vị BS visit cho đúng luật lệ, nhất định hổng chơi với nhà thương này nữa. May sao tôi đụng ngay một anh chàng y tá trực đêm. Thấy tôi cương quyết nhất định về nhà, anh xin tôi chờ cho anh 15 phút…. Ok, 15 phút cũng được. Tôi ngồi lại trong phòng khách ngắm cái máy lọc nước dễ ghét, nếu không có nó chắc giờ này tôi đã ngủ ngon lành đâu phải làm phiền ông y tá như thế này. 
 
- Bà đi theo tôi về hướng này 
 
Theo hướng chỉ tay của ông y tá, tôi lò dò đến phòng khám bệnh xơ cua của departement. Có nghĩa là trong phòng chẳng có gì ngoài 1 cái giường đã trải nệm gối đầy đủ đàng hoàng và còn trùm nguyên cái giuờng bằng bao nylon trong vắt chống vi trùng chui vô ngủ ké. 
 
Tiếng ông y tá sau lưng:
 
- Bà ngủ ở đây đêm nay nhé. Tiếc là cái đồ bấm chuông phải để ở cửa ra vào, không để trên đầu giường của bà được vì dây điện ngắn quá. 
 
- Ồ vậy là tốt lắm rồi. Chắc tôi cũng không cần gì để phải bấm chuông cả. Cám ơn ông! 
 
- Ban đêm có thể tôi phải vào đây lấy thêm gối mền, vừa nói anh ta vừa chỉ tay vào cái tủ lớn kê ở bức tường đối diện, nếu có thêm bệnh nhân mới vào.. 
 
- Không sao đâu, tôi sẽ ngủ ngon mà. Một lần nữa, cám ơn ông nhé. 
 
- Vâng chúc bà ngủ ngon, chúng tôi biết bà nằm phòng này, bà đừng lo! 
 
Lo thì tôi không lo gì cả, chỉ lo mỗi một chuyện là lỡ ngủ quên, sáng ra BS đến visit không thấy bệnh nhân thì phiền vì y tá trực ngày đâu biết đêm qua tôi ngủ ở đâu mà tìm. Trước khi chìm vào giấc ngủ tôi còn ráng để đồng hồ báo thức trước 7 giờ sáng qua cái Iphone. Nhìn đồng hồ lúc này đã 12 giờ đêm
 
Sáng hôm sau "đúng hẹn lại đến"…. Tôi ôm bịch nylon trở về phòng, tỉnh bơ đi ngang qua giường bà hàng xóm, không ai chào ai, ai cũng coi ai như…. không khí. Bà hàng xóm ngơ ngác nhìn, không hiểu bà nội này đi đâu mà cả đêm không thấy về!!! 
 
Sau màn visit mọi chuyện đều tốt đẹp, BS cho phép tôi hôm nay được về nhà. Chốc nữa sẽ có y tá đến giải thoát cái bịch nylon cho tôi. Phải tiếp tục uống mỗi ngày 3 lít nước. 14 ngày sau quay trở lại để tái khám và rút cái ống nylon dễ ghét… Thế là chấm dứt hành trình sạn thận của tôi. 
 
Mừng rỡ tôi gọi báo tin cho chàng hay để đến đón tôi về. Cởi bỏ được cái áo ngủ xộc xệch của nhà thương, tròng vào người bộ quần áo quen thuộc của mình, tôi thấy mình trở thành một con người mới. Mạnh khỏe, tươi tắn, yêu đời như trước khi vào nhà thương! 
 
Đi ngang qua giường bà hàng xóm, cố gắng lắm tôi mới mở miệng cóc ra được: 
 
- Auf Wiedersehen! (hẹn gặp lại!) 
 
Một ngày ở chung phòng với bà ta, tôi chỉ mở miệng vỏn vẹn 2 lần: một lần khi mới đến và một lần khi đi về. Auf Wiedersehen với bà thì chắc chắn là tôi không mong muốn một tý nào, mà nếu lỡ ra ông trời có bắt gặp lại (như với Ruth) thì tôi cũng không nhớ mặt mũi bà ta ra làm sao, nhưng nếu bà trổ nhạc hòa tấu thì chắc chắn là tôi sẽ nhận ra bà ngay. 
 
Chàng của tôi đêm nào cũng ngáy o o, nhưng tiếng ngáy não nề có một không hai của bà hàng xóm trong nhà thương của đêm qua thì bảo đảm không ai có thể sánh kịp. 
 
Trên đường theo chàng ra xe, tôi tự nhủ thầm, khó tính cho lắm chỉ khổ vào thân!!! 

Udenheim, 10/2017 
Mỹ Nga