User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
moitinhthienthu
 
Thuở bé, lúc Ngọc Thơ sắp đến tuổi đi học, thì dì Năm Hoá, là bạn thân của ba mẹ, xin cô về nuôi. Dì này trước kia là vợ hụt của ba cô, nên còn quyến luyến ba lắm, thường đến thăm viếng gia đình ba mẹ cô. Dì vui vẻ thân thiết như bà con ruột thịt, dù rằng dì còn ngầm ghen tỵ với hạnh phúc của mẹ cô. Mẹ tuy thật thà nhưng biết ý người vợ lỡ của chồng, đã biết đề phòng. Mẹ kể, có lần dì đến thăm lúc mẹ ở cữ, vừa mới sanh em bé. Dì đến ngồi cạnh gường me, bỗng dưng dì nhoài người choàng qua phía bên kia, như để nằm lên mẹ. Theo dị đoan thời ấy, thì đây là cơ hội để truyền bịnh của người này cho sản phụ. Lần ấy mẹ đã tránh khỏi. Dì xấu hổ không dám đến thăm, rất lâu.
 
Thời gian sau, dì Năm đã có chồng và lại đến thăm gia đình ba mẹ Thơ. Thỉnh thoảng dì ở lại ăn cơm tối. Khi về, dì rủ chị em Thơ đi theo dì ngồi xe xích lô máy một đoạn, để hóng mát đêm. Thích lắm.
 
Dì Năm thấp người lại tròn trĩnh mập mạp, tuy vậy nhìn dì không xấu tướng, mà lại sang vô cùng. Mặt dì có rỗ hoa nhưng nhờ da hơi trắng và căng mọng những mỡ, nên các vết sẹo chỉ thấy mờ mờ. Mắt nhỏ, mũi xẹp, môi mỏng tô son chỉ thấy hai làn màu đỏ mà thôi. Vì thế so với gương mặt to tròn vành vạnh của dì, thì thật là không cân xứng chút nào. Nhưng dì có hàm răng trắng nhỏ xíu như răng sữa, khi cười trông dì đẹp như trẻ thơ.
 
Lúc nào đến chơi, người dì cũng thơm mùi nước hoa đắt tiền và luôn cười nói với ba me cô, nhất là với ba của cô. Hình như dì còn tình xưa nghĩa cũ với ba, nên dì thích nói chuyện với ông lắm, dù ba là người chồng đạo đức và rất chung thuỷ, yêu thương mẹ cô. Điều này cho dì đủ khôn ngoan hiểu, nên âm thầm ôm mối tình câm!.
 
Ngày còn trẻ ba cô đẹp trai lại thật thà, tâm rất từ bi. Vì giặc Pháp, ba trôi nổi vào Sài Gòn tỵ nạn. Ba đi học thêm và dạy trẻ nên dành dụm có chút tiền, nên có người bạn rủ ba chung vốn lập trường học. Thấy ba quê mùa, thật thà nên người bạn đem em gái là dì Năm Hoá này, ép gả cho ba để quỵt tiền. Ba cô cũng không biết từ chối, mà cứ đành chịu. Khi ở chung, ba mới biết cô này bị bịnh không thể sanh con được, lại buông thùa không biết bếp núc gì cả. Quan trọng nhất là cô ta không cùng đức tin của ba. Vì vậy ba từ chối, đưa trả cô lại.
 
Chẳng bao lâu sau ba gặp mẹ cô hay gánh nước qua nhà, ba cô chú ý vì da bà trắng nuốt như bông bưởi. Khi biết gia cảnh của me rất đáng thương, ba liền xin cưới ngay, vì muốn cứu me ra khỏi cảnh khắc nghiệt, bị cha ruột và mẹ ghẻ hành hạ rất tàn nhẫn. Mẹ cô tánh tình vui vẻ, quán xuyến việc nhà giỏi giang, nấu ăn ngon và học Phật theo dòng dõi của nhà ông bà nội cô. Tâm tính của mẹ rất tốt như ba, đặc biệt là me không có tánh ganh tỵ và không giận hờn ai lâu. Ba và me cô đều yêu thương và hy sinh cho gia đình. Me sanh cho ba một đàn con khoẻ mạnh, ăn học nên người.
 
Gia đình ba mẹ cô rất hạnh phúc. Cái hạnh phúc này không cần giàu mới có. Ngược lại dì Năm không sung sướng với hiện tại dì đã có được may mắn hơn người, mà dì lại nhìn vào nhà ba me cô. Phải chăng dì còn yêu ba cô, nên mãi đau buồn ghen thầm với mẹ cô... Cho đến bao giờ?
 
***
Không biết nguyên nhân nào mà dì Năm lấy chồng người Pháp này, ông đang làm chủ rạp ciné Nam Quang ở chợ Đũi, SG. (góc đường Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp cũ). Người anh của ông trở về cố hương Pháp, đã để lại rạp hát NQ. lại cho ông làm chủ, cũng một phần là do ông đã giữ việc quay phim cho rạp từ trước rồi.
 
Dì Năm may mắn có ông chồng Tây, nên không cần cái “công dung ngôn hạnh”, chữ “trinh” và cái bịnh tuyệt tự của dì cũng được chấp nhận dễ dàng, chứ không quá quan trọng như người Việt Nam mình. Nhờ vậy dì sống an lành, sung sướng bên ông chồng cao ráo đẹp trai và có nhiều tiền cho dì tha hồ chi tiêu. Gia đình anh em của dì rất nghèo mà con đông, dì giúp đỡ hết lòng và đem các cháu về nuôi. Đi đâu dì cũng ôm chiếc bóp đựng nhiều cuộn tiền mới, thơm lừng nước hoa. Khi ở lại dùng cơm nhà cô, thì dì cho mỗi đứa vài đồng tiền mới thơm tho ấy. Đám nhóc nhà cô yêu thích dì lắm.
 
Dì thấy Thơ giống hệt ba của cô, trắng trẻo dễ thương, bèn xin cô làm con nuôi vì dì không có con, chỉ đang nuôi hai đứa cháu trai. Tuy ba làm công chức, nhưng mẹ là nội trợ khéo nên cũng đủ sống, chứ không nghèo đến nỗi phải cho con, cũng như dì không hề giúp đỡ gì cho nhà cô cả. Thế mà dì Năm cứ theo năn nỉ mãi khiến mẹ cô xiêu lòng, nhưng chỉ cho cô đi theo chơi vài ngày thôi. Cô bé mừng lắm.
 
Về nhà dì dượng Năm, Thơ được thương yêu vô cùng. Dượng Năm rất hiền lành và ít nói, dù tiếng Việt dượng khá giỏi. Nhà dì dượng ở trong một cái cổng rất to, bên hông của rạp ciné. Trong chiếc sân rộng rãi ấy là nơi giữ xe cho khách và cho các hoạ sĩ vẽ tranh của phim. Họ làm những “poster” quảng cáo thật đẹp cho chương trình của rạp.
 
Nhà dì nho nhỏ khiêm nhường nằm nơi cuối sân ấy, có cùng một vách tường của cái hầm cạn để chứa các đồ dùng của rạp hát. Cái hầm này đen tối lắm, nhưng có lối đi từ phía sau nhà dì bước xuống hầm, leo vài bậc tam cấp cao, để qua cánh cửa nhỏ ở bên hông dưới sân khấu, nơi có hàng ghế đầu tiên. Đây là cửa hậu, để thoát hiểm.
 
Nhà dì chỉ có thêm nhà của ba má thằng Vĩnh là hàng xóm mà thôi, và suốt ngày hai nhà bị nghe tiếng ồn ào của rạp ciné phóng ra, đinh tai nhức óc.
 
Dì nuôi hai đứa cháu trai, con của em gái dì ở Gò Vấp. Anh Bé khoảng mười ba tuổi, mặt mũi sáng sủa, chững chạc, hiền lành nhưng người thì thấp bé... Anh Bảo chỉ lớn hơn Thơ gần ba tuổi, bị dị tật ở mắt trái, nhìn ai cũng như trợn trừng với họ, nên trông anh có vẽ dữ dằn, làm cô sờ sợ.
 
Mấy ngày đầu có cô ở đây dì vui lắm, đưa các cháu đi ăn cao lầu hay nhờ anh Bé đi mua hủ tíu xào có sauce cà chua ngọt thật ngon, mà chỉ cho một mình Thơ ăn thôi, dì nói hai anh ăn hoài, ngán rồi. Nhưng dì ưu ái cô nhiều quá, làm anh Bảo cảm thấy mình bị bỏ quên, anh không vui với cô!!.
 
Nhà dì sạch, mát rượi nhưng hơi tối vì không có cửa sổ trong nhà, phải để đèn “néon” suốt ngày. Trong nhà chỉ giản dị có vài đồ dùng bằng gỗ tốt mà thôi. Vào gần cuối thập niên năm mươi, máy ti vi chưa có ở Việt Nam nhưng dì cũng không nghe tin tức từ radio và không có máy hát nhạc nào cả. Dì không trang hoàng nhà cửa, chỉ có bức hình chúa Jesus và cây thánh giá to treo trên tường. Cô không nghe dì nói về các hình tượng này. Dì không có quà bánh hay trái cây, khác với nhà ba mẹ Thơ nhiều.
 
Tối hôm ấy dì cho cô ngủ chung giường với dì dượng. Khuya dượng Năm đi làm về, nhìn thấy có con bé nào nằm ngủ bên cạnh dì, dượng thấy vui vui, nhưng ông không ngủ chung mà ngủ trên ghế sofa ngoài phòng khách.
 
Dì không đi chợ xách giỏ đầy thức ăn nặng quằn tay như mẹ của Thơ, dì chỉ mua vài thứ thật gọn nhẹ. Dì không biết nấu ăn nhiều, chỉ có món cá trê kho tiêu mà lại ngọt ngọt, khiến cô lạ miệng thích ăn vô cùng. Mẹ cô chỉ kho tiêu cá bống cát hay cá bống kèo, còn cá trê thì chiên giòn ăn với nước mắm gừng, nào ai kho tiêu như dì? 
 
Dì Năm ăn uống rất ít và các buổi cơm nhà dì có ít người ăn, vì dượng bận làm việc mãi đến khuya, có một, hai lần dì bảo anh Bé mang cơm vào chỗ làm cho dượng mà thôi. Ở nhà cô thấy me mình săn sóc cho ba rất đầy đủ, nên cô tự hỏi rồi dượng bị nhịn đói ư? Nhưng cô cũng không dám hỏi.
 
Có một lần Thơ nghe dì than thở:
 
– Buổi tối ổng hay la cà ở mấy quán, có mấy con mẹ bán "bar" theo rù quến ổng.
 
Cô còn bé quá không biết nói chuyện để an ủi dì. Nhưng từ từ trí óc non nớt của Thơ cũng hiểu là dượng Năm luôn buồn phiền, vì dì hay ghen tuông giận dỗi mãi với chồng về chuyện này, nên dượng ít ở nhà?
 
Họ ưu phiền nhiều hơn là hạnh phúc.
 
Thời ấy các bar bán "lave", rượu dọc hè phố rất ít, vì không phải là tập quán của người Việt, mà là của thực dân Pháp đem vào. Thế nên có nhiều quan niệm không tốt về các bar rượu ấy, nhất là với tư cách của các phụ nữ làm việc nơi ấy.
 
Vì vậy nhà dì vắng lặng, không một tiếng cười đùa vui vẻ, không câu thăm hỏi ấm nồng với nhau, nhất là dì không biết kể chuyện đời xưa cho cô nghe như me cô hay làm.
 
Tình cờ có một buổi chiều tối, cô thơ thẩn ra đứng nơi cổng nhà dì nhìn ra đường lớn, luôn có xe cộ và người đi lại vui nhộn. Bên kia vỉa hè đường, ban ngày là chợ Đũi nhỏ, nhưng vào buổi tối thì bày ghế bàn nho nhỏ làm nơi bán nước, rượu và “lave”. Lúc ấy, cô thấy một mình dượng Năm ngồi uống nước ở đó mà không có phụ nữ nào cả. Dáng dượng cao lênh nghênh, buồn cô đơn như còn in trong trí cô cho đến lớn.
 
Lúc ấy rạp hát Nam Quang còn hưng thịnh lắm, cùng thời có rất nhiều rạp ciné ở Saigon được thịnh hành. Mỗi ngày mới mười giờ sáng, mà chỗ gởi xe trước nhà dì đã đầy nghẹt rồi. Số khách đến thật đông đảo suốt ngày, nên dượng Năm cực nhọc làm việc mãi đến khuya, cũng như Thơ chưa quen với tiếng ồn ào quá tải của rạp phóng ra, nên chỉ mong đến giờ rạp giải lao hay nghỉ sang xuất phim khác, thì hết ồn thôi.
 
Nhà dì không có đồ chơi cho cô, mà vào buổi ngủ trưa dì nằm trên giường nệm, gác hai chân lên cao tựa vào lưng tủ, làm cầu tuột cho cô chơi. Cô tuột vài lần thì dì đã ngủ mất rồi, cô cũng không thích chơi nữa. Ở nhà dì Năm vài ngày là cô mau buồn chán muốn trở về nhà. Nơi ấy có mẹ cô thường cho cô ăn quà bánh, có các chị em và lủ bạn hàng xóm chơi đùa suốt ngày.
 
***
Những buổi trưa thấy Thơ buồn nhớ nhà, anh Bé đưa cô bé sang nhà hàng xóm để chơi với thằng Vĩnh. Nhà nó là căn villa rộng, đẹp, có vườn cây chung quanh rất êm đềm. Ba mẹ nó làm tiệm may sang, có nhiều thợ đến làm việc, tiếng máy may rộn rã suốt ngày. Vĩnh cho Thơ nhiều miếng vải vụn, để làm đồ bán hàng chơi với nó và để cột tóc nữa. Thằng Vĩnh đẹp lắm, nó nói nhỏ nhẹ thanh tao như con gái. Nhưng hai đứa chơi với nhau được vài ngày thì cãi nhau, nên anh Bé dắt Thơ về, cô không thèm sang nhà nó nữa và cũng là lúc mẹ cô đến đón con về, vì bà nhớ con quá.
 
Dì Năm không chịu cho cô về. Mẹ lại nói hoài, dì đành chịu cho về vài ngày thôi.
 
Trở về nhà ba mẹ Thơ mừng lắm. Mẹ hỏi han, xem xét thân thể con gái nhỏ, thì thấy có vài vết bầm tím. Má hỏi tại sao. Cô ngây thơ kể:
 
– Con không biết, mà anh Bảo không thích con, mặt anh quạo lắm.
 
Má cô nghi ngờ nói:
 
– Vậy là nó đã ganh tỵ với con nên ngắt véo con, mà con không biết.
 
Cô ở nhà chưa đầy tuần, thì dì Năm lại đến xin cho cô theo dì nữa. Dì cũng lại năn nỉ mẹ một lúc và mẹ cũng lại xiêu lòng cho cô đi theo dì. Về nhà dì, anh Bé nói:
 
– Lúc em về nhà, có thằng Vĩnh qua kiếm em đó.
 
Vậy mà cô cũng quên nó luôn, không qua nhà nó chơi nữa..
 
Lân này dì cho Thơ đi học, vì cô vừa đủ tuổi được vào học lớp vỡ lòng của trường tư Kiến Thiết, nơi có hai anh Bé, Bảo đang học. Dì quyết định đóng học phí cho cô luôn ba tháng liền, dì muốn bắt cô ở với dì luôn.
 
Mỗi sáng dì âu yếm chải tóc cho Thơ, thắt hai cái đuôi sam nhỏ xíu. Dì đưa cô đến trường rồi buổi trưa dì vui vẻ đến đón cô về. Lần đầu đi học xa nhà, phải vào một trường lớn quá, lại có đông nghịch học trò xa lạ làm cô sợ hãi, không vui gì cả. Vậy mà mấy ngày sau, dì cũng không đón cô về nữa, dì nhờ anh Bé đưa cô về cùng.
 
Dì Năm ở nhà nhiều hơn là ra ngoài tiếp xúc với xã hội, cũng như dì không đi cùng với dượng đến nơi nào cả. Ngày ấy cô chưa hiểu nguyên nhân, có thể dì mặc cảm bị thiên hạ cười là “me Tây” chăng?
 
Hình như dì không có nhu cầu vui chơi giải trí, cho đến quần áo, nữ trang... là thứ phụ nữ thường mê thích, nhưng dì thì không. Tại sao thế? Phải chăng dì có mối bận tâm nào đó, làm dì như không sống thực ở cuộc đời đầy tươi đẹp này..
 
Cô bé Thơ đi học được hơn một tuần thì mẹ lại đến đón cô về. Mẹ khóc nói nhớ con quá và phải đón cô về để đi học trường công, đã trễ rồi. Lần này dì cũng không chịu cho cô về, vì dì đã đóng tiền học cho cô suốt ba tháng rồi. Thế nên mẹ phải nói về các vết bầm trên người con gái, me nghi ngờ là do Bảo ganh tỵ ngắt béo, làm dì giật mình và đồng ý cho Thơ về nhà luôn. Dì buồn buồn. Riêng cô, thấy mẹ đến đón thì vui mừng lắm, khóc đòi về theo.
 
***
Cô bé vui sướng trở về nhà, ba đưa cô vào học ở trường tiểu học Chi Lăng, Gia Định, cô vẫn còn ngờ nghệch lắm. Những năm ấy dì Năm giận hờn, không vào nhà Thơ chơi nữa. Mãi đến khi có đám cưới chị hai của Thơ, nhà trai thuê nhà hàng Đồng Khánh vào nấu cỗ, linh đình lắm. Hôm ấy có dì Năm vui vẻ đến dự. Rồi thôi, dì im luôn.
 
Ba me cô cũng không bao giờ đi thăm dì. Chỉ có một lần, ba mẹ đi chùa Từ Nghiêm ở Saigon rồi ghé thăm chúc Tết dì Năm. Khi về nhà, me buồn bực kể rằng me lì xì cho hai anh Bé Bảo, thấy họ vò tiền ấy lại rồi vứt lên xó trần nhà "plafond". Me nói chắc chúng nó có nhiều tiền lì xì quá rồi, nên chê của me?
 
Vài năm sau chị em Thơ lớn hơn, biết tự đi đến thăm dì thì thấy có thêm con Hoa, em gái của hai anh Bé, Bảo ở đấy. Hoa bằng tuổi Thơ, da nó đen nhẻm mà rất xinh xắn. Mỗi ngày sau buổi học, nó ôm bình cà rem bán trong rạp hát, để có tiền giúp ba má nó nuôi các em, vì lúc ấy dì đã bị sa sút tài chánh rồi, không còn giúp ba má nó được nữa. Dượng Năm vẫn không bao giờ có mặt ở nhà, dượng ở suốt ngày trong cái phòng nhỏ chiếu phim, nóng hôi hổi thiếu không khí ấy. Làm sao ông thoải mái được?
 
Thấy chị em Thơ đến chơi, dì Năm và Hoa vui mừng lắm. Dì vẫn ít nói chuyện với trẻ con, chỉ có con Hoa nói chuyện huyên thuyên, nó còn tặng cô tấm hình bán thân của nó nữa. Hình như nó có mặc cảm thua sút bạn bằng tuổi, làm cô cũng thương nó lắm. Dì bảo Hoa đưa hai chị em cô đi theo đường “bí mật” sau nhà dì, vào rạp xem ciné “cọp”và mang cà rem cho ăn, loại rất ngon.
 
***
Đến khi Thơ vào trường Trung Học, cô vẫn nhớ thương dì dượng Năm.
 
Nghe nói dì cho các đào kép cải lương mượn tiền nhiều lắm, vì thỉnh thoảng họ đến lưu diễn ở rạp hát này. Họ nghèo nhưng thích đánh bạc. Khi các gánh hát ấy ra đi, thì tiền nợ ấy họ cũng vờ quên luôn. Đến khi trở lại, họ làm quà cho dì những mẩu chuyện hào hứng trên đường dài lưu diễn của họ, làm dì vui thích lắm và cho họ mượn tiền tiếp tục. Dì tốt bụng không đòi nợ cũ hay vì họ cũng không có tiền để trả cho dì? Cuộc đời của các nghệ sĩ không tên ấy buồn nhiều hơn vui, nên dì dễ dãi cho mượn tiền hoài. Dì cũng hãnh diện khoe, được làm bạn với đào hát khá nổi tiếng như Kim Tuyến, Thanh Hương... gì đó.
 
Cứ thế mà tiền của dượng Năm đưa dì giữ cứ vơi dần, cũng như các chị em của dì vẫn bu theo xin dì giúp đỡ mãi. Của núi cũng mòn.
 
Lần cuối đến thăm dì, rất may là cô đã gặp được dượng Năm. Ông vẫn mặc áo quần rất cũ kỹ ấy, dượng cười buồn móm mém vì mất răng, trông ông già trước tuổi rất nhiều, làm cô thấy thương thương. Dượng Năm không phải là ông Tây say rượu mặt đỏ suốt ngày lè nhè đáng ghét, hay một tay dân Tây ăn chơi áo quần chải chuốc thích tìm phụ nữ đẹp tán tỉnh. Dượng là người đàn ông đứng đắn, đôn hậu, hiền lành và an phận. Dì Năm có chồng như thế là có phúc lắm, mà dì lại hững hờ, hay vì cái khác chủng tộc đã quá khó khăn cho họ gần nhau?
 
Khi ấy rạp hát bị vắng khách đến trầm trọng, là lúc sự nghiệp của dì dượng bị cáo chung rồi.
 
Vào giữa thập niên sáu mươi, các rạp ciné đã làm mới hơn rạp Nam Quang nhiều. Họ trình chiếu những phim mới theo thị hướng xã hội đang lên, nên giới trẻ có tiền thích đi các nơi này hơn. Rạp ciné Nam Quang đẹp theo kiến trúc xưa thời Pháp, là loại nhà hát Opera thuộc giới thượng lưu. Bên trong là ghế gỗ bọc nệm êm, riêng các hàng ghế đầu bọc vải nhung đỏ sang trọng, và nhiều đèn nhỏ mờ mờ gắn hai bên tường trang trí thật đẹp. Nhưng khi trao lại cho dượng Năm thì phải thay đổi theo xã hội mới, vì giới thưởng thức ciné nhiều hơn giới thưởng ngoạn ca nhạc cổ điển, nên số khán giả là những người bình dân với giá vé rẻ đồng hạng và chiếu thường trực “permanent”. Nhờ vậy rạp thu hút nhiều khán giã lắm.
 
Thời gian sau, từ từ số khán giả vơi rất nhiều, nên rạp chỉ chiếu loại phim rẻ tiền và quá cũ của Mỹ, Pháp hay Ấn Độ, nên thường bị đứt đoạn, làm khán giả la ó, đập phá ghế không xót thương.
 
Ôi, những chiếc ghế bằng gỗ quí thời xưa cũ, đẹp vô cùng đã bị long ốc, hư hỏng dần.
 
Bấy giờ rạp ciné Nam Quang chỉ có các học sinh trốn học, dân thất nghiệp, sinh viên nghèo... vào ngồi cả ngày trong ấy để giết thì giờ. Các ngày tháng ấy dài lê thê, mỗi xuất phim chỉ lèo tèo có vài người xem, vậy mà dượng vẫn phải chiếu phim. Sự nghiệp của dượng đã đến ngày cáo chung rồi.
 
Cùng lúc ấy dì Năm bị quỵt nợ mất hết tiền, bị úp hụi và rạp ciné bị thua lỗ nặng nề, cũng là một phần do dì không biết giúp chồng coi sóc nhân viên, vì họ đã thâm lạm tiền của rạp, mà dượng cũng không có óc kinh doanh, nên bị phá sản.
 
Dì dượng phải dọn nhà về ở gần cô em ở Gò Vấp. Dì nghèo vì tấm lòng rộng rãi và cũng vì ham vui với những đào kép trôi nổi, bềnh bồng rày đây mai đó ấy.
 
Từ đó dì bặt tin với nhà Thơ luôn.
 
Dì Năm sống chỉ hưởng thụ của cải chồng làm ra, cho đến khi hết thì trắng tay.
 
***
Vào một ngày kia, bất ngờ hai anh Bé Bảo đến nhà ba mẹ cô, báo tin dượng Năm đã mất, làm cả nhà đều ngỡ ngàng. Hai anh giờ đã trưởng thành, khác xưa nhiều. Họ là lính chiến Cộng Hoà, trong bộ quân phục nên trông anh Bé oai hùng lắm. Anh Bảo đi binh chủng Nhảy Dù và đời binh nghiệp đã giúp anh bớt buồn mặc cảm, nên anh đã nói chuyện vui vẻ với cô rồi. Hai anh rất vui gặp lại gia đình ba me Thơ, cũng như cả nhà cô dù nghe tin buồn, mà cũng vui khi gặp lại hai anh ấy.
 
Cô vẫn thương nhớ dì dượng Năm. Cô đã thầm nghĩ khi mình đi làm có tiền, thì sẽ giúp dì dượng Năm đang nghèo túng. Nhưng thời gian không chờ đợi, dượng Năm bịnh trầm cảm từ bao lâu, giờ lại buồn vì bị phá sản nên ông đã ra đi quá sớm, không chờ cô đến thăm dù một lần.
 
Vài năm sau thì dì Năm cũng âm thầm ra đi, ở tuổi chưa đầy năm mươi. Đám tang dì chỉ có dăm ba người bà con của dì và có ông anh của cô thay mặt gia đình, đến tiễn dì về lòng đất lạnh.
 
Lúc dì giàu sang và có địa vị, thì mọi người bu quanh vui vẻ tâng bốc dì hết lời. Đến khi dì nghèo túng thì không ai đến thăm hay giúp đỡ. Không biết vì lòng người bạc bẽo hay là dì đã ở “ẩn” bặt tin?
 
Bây giờ thì anh chị em nhà Thơ đều lớn tuổi, hơn cả tuổi của dì dượng lúc xưa, nhất là Thơ đã xa quê hương lâu dài như dượng Năm ngày trước, nên hiểu nhiều về dượng hơn.
 
Phải chăng dì Năm không nói chuyện với dượng để hiểu chồng, vì dượng không phải là người Việt, nên ông mang nặng nỗi buồn hoài hương. Ông nhớ gia đình bố mẹ của ông, nhớ kinh đô Paris lộng lẫy tưng bừng ánh sáng văn minh, nên ông chỉ giải khuây nỗi buồn bằng những ly lave lạnh ngon lành, sau một ngày làm việc buồn chán, mệt nhọc ấy. Ở các bar ấy cho ông một chút nào hình ảnh thân yêu của quê hương ông, có các cô gái bán nước tươi vui, thân mến cười chào ông thì đàn ông nào không thích, hơn là ở nhà với bà vợ cau có, buồn sầu suốt ngày? Và dượng cũng không làm gì phản bội vợ mình cả.
Có phải ông yêu nước Việt Nam này, nên cho dù dượng không hạnh phúc với dì, mà phải nhẫn nhịn chịu đựng, không quay về cố hương?
 
Dì không yêu dượng nên dì đối xử với dượng như bát nước lạnh, và cái tính giận dỗi lâu dài của dì làm dượng đau buồn. Tội nghiệp dượng vô cùng.
 
Dì dượng không hiểu nhau nên mất hạnh phúc cho dù họ có giàu sang.
 
Ngày ấy tại sao dì không xin em Hương của ba me Thơ, vì mặt mũi em giống y hệt dì? Thơ nhớ lại chuyện dì đến thăm lúc me ở cữ. Có lẽ chuyện ấy đã làm me giận dì lắm, nên sau đó me lại sanh em Hương, mới giống dì như vậy? Thế mà cô không nghe ba me nói gì về dì cả, cũng như dì không xin em Hương, mà lại nhất định chọn cô, vì cô giống ba cô nhất nhà.
 
Dì còn thương yêu ba cô một cách vô vọng như thế ư? Thơ hiểu dì và thấy thương dì hơn.
 
Dì đau khổ suốt đời vì không có con và mang mối hận tình với ba cô vào cõi thiên thu!!.
 
Lê Thị Thanh Tâm
Nguồn: https://caidinh.com/trangluu1/vanhocnghethuat/van/moitinhthienthu.html