Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
bavama
Art by Rosaliartbook
 
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng…
(Tống Biệt Hành – Thâm Tâm)
 
Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao… (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
 
Có thể nào viết về người mình thương yêu mà không cần nguồn viện trợ từ ký ức chăng? Dựa theo những kết quả khảo sát mới nhất về não bộ, thần kinh học v.v…, nhiều nghiên cứu gia tâm lý có khuynh hướng cho rằng, ký ức con người nói chung không hoàn toàn đáng tin cậy lắm, đặc biệt những ký ức về thời thơ ấu, đã nằm im lìm dưới lớp bụi thời gian quá lâu. Đôi khi đó là một mớ hỗn độn, mà chủ nhân nó – một cách không tự giác – sau nhiều lần lục lọi trong quá khứ, sàng lọc trong tiềm thức, tìm cách lắp ráp và xếp đặt lại, cho phù hợp với sở thích, kinh nghiệm sống, văn hóa v.v… của chính mình. Phải chăng ký ức, một phần nào, cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng, cộng với những gì gọi là nửa hư nửa thật của đời sống con người?
 
Nhưng lại đang thập thò chân trước chân sau bước vào lứa tuổi “xưa nay hiếm”, có lẽ những vấn nạn nêu trên không mấy quan trọng đối với bản thân. Thế cho nên mỗi lần nghĩ đến Ba và Mạ, nghĩ đến khung thời gian, không gian mà tôi may mắn sống và hưởng hạnh phúc gần gụi bên cạnh Ba và Mạ, những lúc ấy – nói theo thứ ngôn ngữ mà không hiểu sao gia đình tôi gọi là “Kim Sanh” (1) – hai lá phổi bỗng tự nhiên co thắt lại, và hình như có bàn tay vô hình nào đó, luồn vào bóp nghẹt con tim, khiến mình khó thở, đứng trên đất liền mà tròng trành như đang say sóng.
Mặt khác, ký ức về Ba và Mạ lại mang đến cho tôi những xoa dịu và sự thoải mái cần thiết trong một cuộc sống đôi khi khá nhiều bon chen. Có thể Bavà Mạchưa bao giờ biết đến điều này? Mà cũng có thể có, mà cũng có thể không? Có nghĩa là đã trên 70 năm nay, Ba và Mạluôn luôn là điểm tựa tinh thần cho tôi, trong đó phải kể gần 20 năm được sống bên cạnh, và khoảng 40, 50 năm phải sống xa Người.
 
Buổi mai hôm ấy một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi, dẫn tôi đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học …” Đại đa số chúng ta, chắc ai cũng nhớ mãi đoạn văn tuyệt vời này của ông Thanh Tịnh. Có lẽ vì mọi người, ai cũng từng được sống thực với những cảm giác thần tiên của buổi tựu trường. Riêng phần tôi, ứa nước mắt vì biết rằng cái buổi sáng mai mùa thu ấy, cái cơn gió lạnh phà vào mặt tôi trên đường Đông Ba từ nhà số 29-30 thành nội đưa tôi đến trường Trần Quốc Toản, một thời thơ ấu thần tiên đã trôi qua mãi mãi. Sẽ không bao giờ Mạvà tôi được đóng vai chính trong truyện ngắn của Thanh Tịnh.
 
Mạtrong chiếc áo len đen khoác lên tà áo dài màu tro xám, môi có thoa một chút son đỏ. Đó cũng là xứ Huế yêu dấu của những tháng mưa phùn gió bấc. Sau mỗi lần được Mạtắm rửa sạch sẽ, chúng tôi lại ngồi quây quần bên bếp hồng nổ lách tách, lò sưởi kiểu Huế, nhìn than cháy đỏ trên chiếc nia tròn kê giữa nhà, chờ Mạtiếp tế cho những cái bánh khoai hay bánh kẹp, đang biến hình từ đống bột nhào, lộn qua lộn lại trong chảo lửa, thành những miếng ăn vừa miệng, giòn tan, vàng ngậy, và thơm ngây ngất.
 
Mạtrong chiếc áo màu mỡ gà, cổ tay đeo vòng ngọc bích, đầu đội nón lá, có bài thơ hay không. Đó cũng là thời khắc của những ngày nắng gay nắng gắt, chìm trong ngọn gió Lào liên tục thổi về làm nổi trên lưng tôi những mụn sảy ngứa, đã lấm chấm lớn bằng hạt đậu xanh, khi bọn học trò bắt đầu được nghỉ hè. Trong cái nóng hừng hực rủ nhau kéo về, ai cũng sốt ruột chờ từng ngọn gió, từng bóng mây rồi than thở trời đất, nóng chi mà lạ rứa. Bỗng dưng nhớ da diết lời bài ru em, chắc Mạđã hát nhiều lần, âu yếm, nhịp nhàng, rót vào tai mấy thế hệ anh chị em chúng tôi:
 
Ru em em théc cho muồi.
Để mạ đi chợ mua vôi têm trầu.
Mua vôi Chợ Quán, Chợ Cầu.
Mua cau Nam Phổ (2), mua trầu Chợ Dinh.
Chợ Dinh bán áo con trai.
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim …”
 
Tôi theo Mạđi Chợ Đông Ba, tạt qua hàng kim, chỉ. Đến hàng mũ, nón, Mạmua cho tôi chiếc mũ Hướng Đạo và tôi được phép đội ngay. Tôi đi bên cạnh Mạ, một tay giữ dây mũ, một tay cố giữ vành mũ cứ muốn nghiêng nghiêng, vì còn xa lạ với cái đầu ông chủ tí hon, đang ngước mắt lên liếc nhìn khuôn mặt yêu dấu của Mạẩn hiện trong những vệt nắng chan hòa đổ xuống từ nóc chợ. Tôi thấy Mạđẹp quá và dễ thương quá. Tôi chỉ muốn bỏ mũ ra, ôm chầm lấy Mạvà thủ thỉ: Mạ ơi con thương mạ lắm. Nhưng chẳng hiểu tại sao tôi lại không dám. Lần đầu tiên trong đời, tôi có ý nghĩ, lớn lên mình sẽ lấy Mạlàm vợ. Năm đó chắc tôi chừng 5 hay 6 tuổi.
 
Có lần tôi lấy tiền đóng học phí cho một tháng, đem thả bi bàn đinh, quay kẹo kéo v.v… hết sạch sành sanh, rồi trốn học gần cả tuần lễ mới bị ở nhà khám phá ra. Mạgiận quá nọc tôi ra đánh bằng chổi lông gà, đầy những vết tím bầm trên mông, trên lưng, đánh tôi xong chắc Mạ đã âm thầm khóc hết nước mắt? Tại sao Ba không đánh? Ba tôi ít nói, nghiêm, nhưng chẳng bao giờ la mắng ai, hầu như mọi chuyện nhà, dạy dỗ con cái đều do Mạmột tay quán xuyến. Ngày ấy tôi hận Mạghê gớm, và bỏ luôn ý định lớn lên sẽ lấy Mạlàm vợ.
 
Kỷ niệm với Ba thật ít? Nhớ nhất là những buổi trưa hè nắng hanh vàng hâm hấp, tôi ngồi nhổ tóc bạc cho Ba. Cứ 5, 10 hay 15 sợi? Ba sẽ kể tôi nghe một chuyện, cũng có khi là một vài câu hát, bài học, chuyện cổ tích. Qua đó lần đầu tiên tôi biết “Nước non xa nghìn dặm”, biết “Tam Thiên Tự: thiên trời địa đất, cử cất tồn còn, tử con tôn cháu …”, biết ai là Tấm Cám, ai là Thạch Sanh Lý Thông, ai là Lưu Bình Dương Lễ v.v… Nhưng đó là những nhân vật quá xa xôi, mà đầu óc tôi nghe qua rồi quên ngay không hề vương vấn.
 
Chỉ có độc nhất mỗi một câu chuyện cứ hằn sâu vào tâm khảm, ám ảnh và theo bước chân tôi đi hàng mấy chục năm trời. Tôi nhớ như in, giọng kể lể lên bổng xuống trầm, phải chăng vì xúc động của Bavề con vượn mẹ bị trúng mũi tên oan nghiệt của người thợ săn. Biết mình sắp chết, vượn mẹ cố lấy hết sức tàn, nâng niu con nhỏ, ôm nó vào lòng, cho bú lần cuối, rồi mới chịu buông tay trôi theo số phận. Hình như đã hiện hữu một quy luật bất thành văn nào đó giữa Bavà tôi: cứ mỗi lần kể xong câu chuyện trên, Baxoay mình nằm nghiêng người, tiếng thở dài nhè nhẹ như dấu hiệu thông báo không cần tôi nhổ tóc bạc nữa. Phần tôi sẽ lẳng lặng xỏ hai chân vào dép, bước ra ngoài veranda, giữa trưa hè im vắng, lắng tai tìm nghe một âm thanh của con tắc kè nào đó vang vọng lại, từ vòm cây phượng đỏ, hay cây thầu đâu? để cố ngăn hai hàng nước mắt ràn rụa.
 
Mãi đến khi bỏ lại thời thơ ấu sau lưng, tôi chưa bao giờ sống xa Mạquá 2, 3 ngày. Trừ những đêm đến chơi với mấy anh chị họ và ngủ lại tại nhà Dì Dượng Tú ở Ngã Tư Âm Hồn hay Ngã Tư Anh Danh? Và đặc biệt quãng thời gian gia đình tôi chuẩn bị dọn từ Huế vô Sài Gòn. Theo Bavà anh chị tôi vô Sài Gòn trước, ngày đêm nhớ MẠ, nhớ nhà, nhớ Huế khôn xiết. Để giải khuây, hai cha con lâu lâu thuê taxi xuống phố đi ciné. Bacũng buồn cũng nhớ, nhưng Bakhông khi mô nói cho bất cứ ai biết. Tôi cũng buồn cũng nhớ Mạvà tôi cũng chẳng nói cho ai biết.
 
Chưa bao giờ phải sống xa Mạlâu như thế, tôi mang trong người một nỗi lo vô tả, sợ rằng sẽ chẳng bao giờ được gặp lại Mạ. Nỗi nhớ quay quắt cộng với nỗi lo ngày một phình to dần, tạo ra một áp lực tâm lý khủng khiếp, khiến trí óc non nớt của một đứa bé 8, 9 tuổi lúc ấy không tài nào chịu đựng, giải tỏa cho xong, cứ lâu lâu lại đẩy tôi đến một dự tính hoang mang, phải tự kết liễu cuộc đời mình.
 
Phải nói rằng, càng lớn tuổi, con người biết suy đi tính lại thì càng biết sợ. Ngược lại là cái đám nhóc tì ngựa non háu đá, thò lò mũi xanh nhưng coi trời bằng vung, mà tôi chắc thuộc loài ấy. Như đã nói ở trên, mới 6, 7 tuổi tôi đã dám nướng hết học phí một tháng trời vào trò quay kẹo kéo. Đến lứa tuổi 8, 9 cũng chẳng khá hơn. Không hiểu nghe từ đâu có người nói măng cụt trộn với đường là độc dược gây chết người. Và sau nhiều lần phân vân, “dịp may” đã đến, vô tình thấy chị người làm đi chợ mua măng cụt, tôi quyết định thử thứ độc dược nói trên. Ăn xong tôi vào giường đắp chăn nằm chờ chết, không theo bài bản cải lương, nhạc kịch, hay phim tình cảm xã hội, để lại lá thư tuyệt mệnh nào cả.
 
Và dĩ nhiên tôi không chết, nhưng thay vào đó có thể đã bị cuốn trôi vào một mẫu giấc mơ thật kỳ lạ. Giữa bầu vũ trụ trong veo, không thấy trăng sao, ngân hà, Mạnắm tay tôi, khi xoay ngang, khi xoay dọc, bay theo những sợi tơ trời lấp lánh, sáng rực rỡ. Hay chính chúng tôi đã biến thành những sợi tơ óng ả, hư vô, lướt gió mà trôi đi, tìm đến đường chân trời. Nhưng đến gần đường chân trời này, lại xuất hiện một đường chân trời khác, trùng trùng điệp điệp, vô biên, vô thủy, vô chung, và cứ thế mà bay bay mãi, và cứ thế từ chín tầng mây, hết chớp mắt này, đến chớp mắt khác, liên chi hồ điệp phóng mắt nhìn xuống ruộng đồng, nhà cửa, đường sá, nhìn xuống cuộc đời thực và mộng.
 
Có giấc mơ nhìn từ cao xuống, thấy ông ngoại nheo mắt cười, nụ cười thật đôn hậu. Một tay chống cây ba toong, một tay trao cho tôi chiếc hộp có đựng 2 con chim lông nâu, mỏ trắng như cẩn xà cừ. Có giấc mơ nhìn từ cao xuống, thấy bà ngoại ngồi trên tấm phản gụ đen, đang phe phẩy chiếc quạt nan, miệng vẫn nhai trầu, nhắn tôi ăn hết chén khoai lang trộn mật ong. Có khi lại thấy cả họ hàng mấy chú, dì, dượng, mấy cậu, mợ, mấy anh, chị v.v… leo cửa Đông Ba trốn lụt năm Thìn, cưỡi xe đạp băng qua cầu Trường Tiền, chụp bóng ở hồ Tịnh Tâm, thăm chùa Thiên Mụ, hay chèo thuyền ra cửa biển Thuận An. Có giấc mơ nhìn từ trên cao, thấy Bavà chú tài xế lái chiếc xe traction màu đen, chở cả nhà ghé ăn cơm gà ở Định Quán trên đường đến Đà Lạt, và chị em tôi chơi piano bài Lac de Come, nghe cứ rõ mồn một.
 
Hóa ra duyên nợ, thương yêu, tình nghĩa, trả vay, đền đáp v.v… cũng vừa là thực, cũng vừa là mộng? Phải chăng “Trang Chu mộng Hồ Điệp/Trang Chu mơ hóa bướm”? Theo sách Nam Hoa Kinh, còn được gọi là Trang Tử, ông Trang Chu nằm “chộ” thấy con bướm, bay bay lượn lượn, thích quá thế là cứ tưởng Chu đã thành Điệp; khi tỉnh dậy Điệp biến mất, thế là mình lại thành Chu. Rốt cuộc: Chu nằm chộ thấy mình hóa bướm, hay bướm nằm chộ thấy mình hóa thành Chu, đâu là thực, đâu là mộng?
 
 
Trí Ngô
Tháng 4-2001/Tháng 6-2023.
 
Chú thích:
 
(1) Kim Sanh: sau này tìm hiểu thêm, tôi mới biết “ca Kim Sanh” là một hình thức ca nhạc kịch tương đối phổ biến trước 1950 ở Huế, do ông Hoàng Trọng Đồng, tự Kim Sanh, sáng tạo ra khoảng cuối thập niên 1930. Nghĩ rằng hình thức Hát Bội không còn thích hợp lắm với xã hội đương thời, ông bày ra hình thức sân khấu mới bao gồm cả nhạc và kịch. Hai vở ca kịch đầu tiên được đưa ra trình diễn là “Thói đời đen bạc” và “Tình là dây oan”.
 
(2) Nam Phổ: miền Trung có câu ca dao, “Con gái Nam Phổ ở lỗ trèo cau” làm người ta cãi nhau chí choé (ở lỗ có nghĩa là ở truồng). Có giai thoại cho rằng, con trai Huế nghe xong tưởng thiệt rủ nhau đến Nam Phổ coi nườm nượp, nhưng chẳng thấy chi mô. Có người giải thích: thật ra phải nói là “Con gái Nam Phổ mới ở lỗ mà đã trèo cau”, nghĩa là con gái khi mới – hay chưa –  biết đi là đã biết trèo, vì cây cau mọc khắp nơi. Cũng có người giải thích: con gái Nam Phổ suốt ngày phải làm lụng, trèo cây hái cau, xắn quần lên tận háng, từ xa nhìn tưởng như đang ở lỗ. Lại cũng có người giải thích: thật ra đây là câu ca dao lục bát biến thể theo phong cách hò đối đáp:
 
“Con trai Thừa Lưu, cưỡi trâu đánh hổ
Con gái Nam Phổ, ở lỗ trèo cau”
 
Làng Thừa Lưu nằm dưới chân núi Bạch Mã. Không biết ai đúng ai sai, và hình như cũng chưa có tài liệu chứng minh thời điểm ra đời của câu ca dao nói trên.
 
Nguồn: https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2023/06/25/ba-va-ma-mot-thoi-tho-au/#more-47830