User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
coicut
 
Tôi không hề biết cảm giác (thực sự) của một người không cha không mẹ, cho đến khi tôi gặp anh. Khi gặp tôi, anh là một người tù cải tạo, vừa được trả tự do sau 10 năm bị giam cầm. Đủ thứ bất hạnh phủ lên đời anh, cái bất hạnh lớn nhất (theo anh) đó là cuộc đời của một đứa trẻ không cha không mẹ từ khi còn rất nhỏ. Anh thực sự không hề biết mặt mẹ, còn ký ức về bố rất mờ nhạt. Hình ảnh một người đàn ông nằm co quắp dưới sàn nhà, chung quanh lênh láng nước. Ông chết vì bị tiêu chảy cấp tính, một thằng bé ngơ ngác khi nghe cô y tá Pháp hỏi bằng tiếng Tây: Có ai là họ hàng không? Mẹ chết khi mới 3 tuổi, Bố anh mang con rời bỏ quê nhà, vào sinh sống tận rừng sâu. Ông là phu cho đồn điền cà phê trên cao nguyên Lâm Viên. Tài sản duy nhất anh có là tờ giấy khai sinh vàng úa có ghi tên cha tên mẹ.
 
Sau khi chôn cất người xấu số, bệnh viện phải kiếm chỗ gởi đứa trẻ. Chung quanh khu vực toàn người dân nghèo, không ai có thể cưu mang thêm một miệng ăn, khi cả nhà còn bữa no bữa đói. Cuối cùng có một Sư ông nhận nuôi đứa bé, vì là con trai, chứ con gái thì ông không dám nuôi, nhiều rắc rối sau này. Cuộc đời "dưa muối" của anh bắt đầu từ đó trong ngôi chùa nhỏ bé của sư ông. Thằng bé 6 tuổi, hàng ngày lủi thủi bên cạnh một ông sư già, cả hai ít khi trò chuyện, khiến anh khi lớn lên cũng trở thành người ít nói, rụt rè. Rồi anh cũng được đi học, nhưng mang mặc cảm thua thiệt vì áo quần xộc xệch, không có cặp táp sách vở mang trong cái tay nải cũ của sư ông thải ra.
 
Mỗi khi ra chơi, nhìn thấy trẻ con lè lưỡi liếm những cây cà rem, hay ngửa cổ mút chùn chụt si rô đá nhận thật ngon lành, anh thèm lắm, nhưng chỉ dám đứng xa xa nhìn. Cũng có khi anh lân la tới gần các bạn con nhà giàu, xin rờ tay một chút vào các món đồ chơi các bạn mang theo khi đi học. Chỉ xin mượn một chút thôi, để vuốt ve bộ lông mịn màng của mấy con thú nhồi bông, chẳng bao giờ anh có cái áo ấm nào đẹp, ấm như thế, toàn quần nâu áo vải cứng còng. Cũng có khi rụt rè xin vặn dây cót con ếch đồ chơi để thấy con ếch nhảy tưng tưng, mà cười lên nắc nẻ. Họa hoằn lắm mới có bạn (hảo tâm) cho mượn đồ chơi, vì đám trẻ nhà giàu không thích thằng bé mồ côi, áo quần nhàu nát, ở trong cái chùa nghèo dưới chân đồi. Sư ông cấm không được la cà sau giờ học, còn vô số việc trong chùa nó phải làm để phụ giúp ông. Vì vậy không bao giờ nó dám mượn mấy cuốn truyện tranh Lucky Luke mang về, nó chưa hề mở miệng, chỉ xin cầm xem một chút, rồi trả lại ngay.
 
Nghe anh kể, tôi thấy tim mình se sắt, nước mắt rưng rưng. Dù sống trong một gia đình trung lưu trong một xóm lao động, cuộc sống cũng không dư dả. Nhưng quả thật tôi có đầy đủ cha mẹ anh em, và những bữa ăn ấm cúng quây quần trong không khí gia đình. Từ tuổi thơ cho đến khi trưởng thành, ký ức của tôi đầy ắp hình ảnh mẹ cha anh em bạn bè. Vậy mà có người không hề có tuổi thơ, những ước muốn thật nhỏ nhoi cứ đeo đẳng theo họ cho đến khi tuổi đời chồng chất.
 
Ví dầu níu được thời gian lại,
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
 
Trần Trung Đạo khi lưu lạc xứ người, lúc chưa có new technology, chuyện về lại quê nhà cũng không thể. Ông chỉ đoán mẹ còn khoẻ qua tiếng cười khi nghe nói chuyện điện thoại.
 
Chỉ những cảm xúc chân thành mới viết lên những câu thơ làm rung động lòng người.
 
Mẹ già như chuối ba hương,
Gió lay mẹ rụng con đành mồ côi.
 
Dù con bao nhiêu tuổi, con vẫn mãi mãi bé bỏng dưới mắt mẹ già.
 
Đêm đêm thắp ngọn đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
 
Khi đất nước chiến tranh, con phải tòng chinh nơi địa đầu chiến tuyến chỉ mong sao mẹ yên lòng:
 
Mẹ ơi xin đừng khóc nữa,
Cho lòng già nặng sầu vương.
Con đi xây tình viễn xứ,
Đâu có quên tình cố hương.
Lá Thư Gửi Mẹ (Nguyễn Hiền).
 
Nhưng Xuân này con không về (Duy Khánh),
 
con biết bây giờ mẹ chờ em trông.
 
Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu (Phạm Duy).
 
Chẳng cứ mẹ quê, mẹ tỉnh cũng vất vả trăm chiều nuôi con chắt chiu. Tình mẫu tử mẹ & con là sợi dây ràng buộc muôn đời thiêng liêng ở bất kỳ động vật nào. Chim mẹ mớm mồi chim non cho đến khi chúng đủ lông đủ cánh bay xa. Gà mẹ dẫn đàn gà con đi kiếm ăn, chẳng hề biết mình quá nhỏ bé so với diều hâu,vẫn xù lông bảo vệ con mình. Chó con còn trong ổ, đố ai dám thò tay bắt. Chó mẹ sẽ trở nên hung dữ, dù bình thường rất hiền.
 
Bà Mẹ Gio Linh (Phạm Duy) khi nghe xóm làng kêu gào:
 
Quân thù đã bắt được con, mang ra giữa chợ bêu đầu.
Bà lặng lẽ cầm theo chiếc khăn, mẹ phải mang con về,
vì không nỡ để họ bêu đầu con giữa chốn đông người.
 
Biết bao thơ văn ca tụng tình mẫu tử đã đi vào lòng người.
 
Mẹ là giòng suối ngọt ngào.
Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên.
Bông Hồng Cài Áo (Phạm Thế Mỹ).
 
Trông như trông mẹ về chợ.
 
Mẹ đi chợ về, thế nào con cũng đuợc quà, dù mẹ quê nghèo chỉ mua cho con một cái bánh đơn sơ mộc mạc.
 
Ai cũng có mẹ, mà anh không có. Giọng anh vẫn đều đều, Có chứ anh, tôi lí nhí an ủi, khi nhớ lại lúc còn bé, mỗi khi nóng sốt mẹ ngồi suốt đêm bên cạnh. Tấm khăn lạnh mẹ lau khắp người tôi, cuối cùng mới đắp lên trán. Tô cháo hành giải cảm, mẹ phải dỗ dành mãi tôi mới chịu húp vài muỗng. Thang thuốc Bắc của ông lang đầu xóm, mẹ phải xin thêm 1 quả táo Tàu ngọt lịm. Nể mẹ, ông lang ưu ái cho thêm quả thứ hai, vì qui định mỗi thang chỉ có 1 quả đi kèm. Thuốc Bắc sắc âm ỉ trong cái siêu đất sét thô (không tráng men), 3 chén sắc còn 1 chén. Tôi ghét vị đắng của tô thuốc, vừa đắng lại vừa nhiều. Tôi nhất định không chịu uống, mẹ phải dỗ dành mãi. Chính ánh mắt tha thiết van nài của mẹ đã theo tôi mãi cho đến tận hôm nay.
 
Vậy mà có người không hề biết mẹ là ai,người đó đang ngồi trước mặt tôi. Cho đến khi lấy nhau, một bữa kia anh nhìn sững tôi buột miệng: Kiếp trước em là mẹ anh đó. Mẹ bỏ anh sớm quá, nên bà tìm cách trở lại dương thế bằng hình thức khác. Tôi định chọc ghẹo, nhưng khi thấy anh nói rất nghiêm trang, nói như người trong cơn mộng du, tôi khựng lại. Từ khi có ý nghĩ đó, tôi thấy anh có vẻ thanh thản hơn. Có lẽ anh thấy mình được an ủi. Thôi, cứ để anh vui với cảm giác đã được đền bù.
 
Rất nhiều người, khi mẹ chết đã gào lên oán trách: Sao mẹ nỡ bỏ con? Rõ ràng họ quên chính người mẹ cũng đâu muốn lìa xa con mình. Phật đã bảo: Tham, sân, si, mạn, nghi, ác là nguyên nhân gây ra khổ đau cho con người. Mẹ mất khi còn nhỏ, anh buồn phiền than thở oán trách. Anh không hề biết anh đã quá chú ý tới "cái tôi" của mình. Sao mẹ bỏ con sớm quá, để anh phải sống lây lất với Sư ông. Ý nghĩ chỉ lóe trong đầu, chứ tôi không dám nói, vì cho tới bây giờ anh vẫn làm người nghe xót xa khi thấy anh không bao giờ thanh thản. Lúc nào cũng nghĩ mình là người bất hạnh. Tôi không thể hiểu, tại sao anh có thể tìm ra được những chữ nghe thật thê thảm: không còn nước mắt, khô nước mắt, cạn nước mắt… khi kể về tuổi ấu thơ của mình.
 
Steve Jobs là người tôi vô cùng ngưỡng mộ. Ông có đầu óc xuất sắc, xuất sắc không có nghĩa là sáng suốt. Khi vớ được quyển Biology của Steve Jobs ở nhà một người quen, tôi đã đọc một lèo. Quyển sách đọc xong tôi không nhớ những chi tiết nhỏ như tên tác giả… Khi đọc xong, tôi "quá sợ" cho cái tôi của một con người, chính "mạn" (kiêu ngạo) đã hành hạ ông suốt đời. Bố ông là du học sinh, mẹ ông có bầu ông khi cả hai Bố mẹ mới 23 tuổi. Ông ngoại không thích Bố ông, còn Bố mẹ chưa học xong. Không hiểu sao ông lại biết chính Bố muốn mẹ đừng giữ cái thai (là ông), chỉ vì có nhiều khó khăn. Mẹ ông không chịu (nên mới có Steve Jobs ngày nay). Nhưng mẹ ông muốn con mình có cha mẹ nuôi phải có bằng Đại Học (để ông được học hành đàng hoàng). Ai dè khi sinh ông ra, vợ chồng người muốn xin (từ đầu) không thích con trai. Bà mẹ đành phải cho ông thợ sửa xe chưa học xong Trung Học. Ông kể rằng Bố nuôi rất thông minh, khi đi học ai cũng khen ông thông minh, chắc hưởng gene di truyền từ Bố. Còn ông khi nghe khen lại chua chát nghĩ trong đầu (tôi là con nuôi mà). Lúc 9 tuổi, con bé hàng xóm khi biết ông chỉ là con nuôi, nó thật thà nói: Như vậy ba má (ruột) không muốn mày, từ bỏ mày! Lời nói sắc hơn gươm dao. Câu này đã đi theo Steve Jobs cho đến cuối đời. Dù rằng sau đó Bố mẹ lấy nhau, và ông có cô em gái cùng cha cùng mẹ làm chủ bút một tạp chí rất nổi tiếng ở NY. Giỏ nhà ai quai nhà nấy. Cả anh lẫn em đều thông minh, nổi tiếng. Cô em bay qua CA gặp anh thường xuyên. Ông rất yêu quí cô em, nhưng từ chối gặp lại cha, chỉ nói (lạnh lùng): too late.
 
Ngày xưa khi con còn nhỏ, tôi phải đưa chúng đi học. Thường thì phụ huynh cùng trẻ em đứng chờ ở sân cỏ trước cổng trường. Mọi người chờ trường mở cổng cho các em xếp hàng vào lớp, rồi cha mẹ mới đi về. Trong số các bà dẫn con theo, có một bà lúc nào cũng chỉ thằng bé mang cặp là con nuôi (adopted), còn con bé bà đang ẵm mới là con ruột (biological). Rồi bla bla thằng bé mồ côi, bà tội nghiệp nhận nuôi, chứ bà cũng có con đẻ. Tôi rất bực mình khó chịu khi nghe bà lải nhải con ruột, con nuôi. Làm ơn im miệng giùm, đã có lòng tốt thì "làm ơn cho trót", cha sinh không bằng mẹ dưỡng. Ba má nuôi của Steve Jobs cũng vậy, hãy chờ tới khi đứa trẻ khôn lớn, nói cũng chưa muộn.
 
Muốn sinh một đứa con, phải có cả cha lẫn mẹ. Nhưng ngày lễ mẹ Mother's day lúc nào cũng tưng bừng hơn ngày Father's day, đó là hình ảnh ai cũng thấy. Một sự thật cũng khó chối cãi là số single mom càng ngày càng phổ biến. Có rất nhiều đứa trẻ khi lớn lên chẳng hề biết cha là ai. Người ta hay nói đùa: Chắc chắn con của con gái là cháu ngoại của mình. Còn con của con dâu, coi chừng "tò vò nuôi nhện"!
 
VN có ngày Vu Lan, chính là ngày nhớ ơn cha mẹ, nhưng chỉ nghe bài hát "Bông Hồng Cài Áo", đi lễ chùa được gắn hoa hồng. Mẹ còn sống hoa đỏ, mẹ mất rồi hoa trắng. BS Đỗ Hồng Ngọc có bài thơ vô cùng xúc động về lễ Vu Lan:
 
Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ cài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông.
 
Tôi đã khóc nức nở mỗi lần đọc bài thơ này. Mẹ tôi cũng mất rồi, giờ tôi cũng là mẹ, là bà. Nhưng mỗi ngày lễ mẹ, dù là Mother's day của Mỹ, hay Vu Lan của VN tôi cũng ràn rụa nước mắt khi nhớ về mẹ của mình. Những vất vả cực khổ mẹ phải đội từng thúng gạo ra chợ bán, để nuôi anh em chúng tôi ăn học sau ngày mất nước. Ngày đó cả nước thất nghiệp, Bố tôi là công chức, lương chỉ đủ sống (cần kiệm cho gia đình 8 miệng ăn. Bố mất việc, mẹ phải lao ra ngoài kiếm sống. Lên xa cảng miền Tây mua gạo trắng về bán cho những người có tiền, đổi lấy gạo hẩm (bán theo sổ gạo). Gạo trắng người ăn, gạo hẩm nuôi heo. Tiền lời không nhiều, nên mẹ phải đi xe buýt. Từ chợ phải đội gạo trên đầu, đi bộ tới trạm xe. Về tới nhà, cũng phải đội gạo, đi bộ về nhà. Chúng tôi rất xót xa, nhưng không làm sao được. Vì lúc đó anh em chúng tôi chưa xong Đại Học, phải đi lao động đào kênh để có 13kg mỗi gia đình. Ngoài chuyện vất vả buôn bán, mẹ còn mắc bệnh mãn tính hành hạ thân xác, mà các con không thể nào san sẻ. Thời gian đó không có thuốc men, chỉ lo chuyện thực phẩm cũng đã mệt nhoài.
 
Ai cũng có một bà mẹ để mà yêu thương, còn chồng tôi chẳng có chút ký ức nào về mẹ lẫn cha. Bài hát Papa của Paul Anka có lẽ là bài hát đơn sơ, nhưng cô đọng nhất về tình phụ tử. Mỗi ngày cha tôi chỉ lo sao cho chúng tôi được ăn uống đầy đủ... tới khi già, lúc tôi đã có con. Cha tôi chỉ nói: “cha rất hãnh diện về con. Hãy lo cho các con của con, đừng bận tâm về cha.” Paul Anka đã nêu ra ý tưởng: Cha vẫn hiện diện, nhìn xem trong các con của con, vẫn phảng phất hình ảnh cha trong đó. Khi tôi và anh mang con đi khám bệnh, lúc hỏi về tiền sử (family history), anh chỉ nói nhỏ: “Thưa ông tôi không biết, vì tôi là đứa trẻ mồ côi.”
 
Có câu chuyện nói về một người quyết tâm lặn lội đi tìm Phật. Phật nhắn: “ông chẳng cần tìm đâu xa, Phật đang ở trong nhà ông đó.” Người kia tưởng thật, quay về nhà mình, mới biết rằng “Phật trong nhà" chính là cha mẹ của mình.
 
Trong các kiếp luân hồi được làm người là điều vô cùng may mắn. Nhưng trong kiếp người "bất hiếu" là tội lớn hơn tất cả.
 
Trên trời cao có muôn ngàn ánh sao
Trên đồng xanh có muôn ngàn cây lúa
Con chim rừng có muôn ngàn tiếng ca.
A, Á À, Á À, Á À
 
Riêng mặt trời chỉ có MỘT mà thôi
Và mẹ em chỉ có MỘT trên đời.
Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi
Và mẹ em chỉ có một trên đời.
 
So sánh mẹ với mặt trời là đúng nhất:
 
Có mặt trời cuộc đời con ấm áp
Mẹ mất rồi lạnh lẽo lắm mẹ ơi.
 
Xin kể một chuyện vui về ngày Father's day: Hai Bố con (Mỹ) ông nọ, hễ ngày lễ cha là cùng nhau đi câu cá. Đó là hồi anh con độc thân. Father's day năm nay anh đã có vợ. Vợ anh cũng là "con một" như anh. Thế là anh rủ luôn ông Bố vợ cùng đi câu luôn. Anh rủ mà quên hỏi ý bố. Khách đã tới nhà, giữ thể diện cho con, ông cũng cùng đi như thường lệ.
 
Ông Bố vợ lần đầu ngồi ca nô ra tới đảo nên thích lắm. Trong lúc câu ông Bố ruột lầm lì không nói, còn ông Bố vợ thì thích chí hò hét như trẻ con mỗi khi vớ được con cá to. Ông Bố ruột tức lắm, lầm bầm trong bụng: Con người ta, mà làm như con mình!
 
Thằng con rể thấy ông Bố vợ thích quá, lại càng ra sức o bế, lấy điểm, nào biết ông già mình trong bụng rất hậm hực. Buổi đi câu chấm dứt, với màn nhậu bằng mồi vừa câu xong. Tiễn ông sui về xong, giờ tới phiên ông Bố "xử tội" thằng con. Ông hỏi: Father's day là ngày truyền thống của 2 cha con mấy chục năm nay cùng đi câu. Ông nhấn mạnh: Chỉ 2 cha con thôi. Tại sao hôm nay lại có thêm người thứ ba. Thằng con ấp úng, ý nói cha của Lauren (cô vợ) thì cũng là cha của con. Vừa nghe vậy, ông Bố ruột điên tiết quát: Bố vợ không phải là Bố.
 
Mọi người thường nghe chuyện mấy bà má chồng có con một, ghen với con dâu, vì nghĩ giờ con trai san sẻ tình yêu cho người khác (vợ). Chẳng phải chỉ có đàn bà không đâu. Bố của anh chàng trong chuyện cũng ghen chẳng khác. Túng thế ông con viết thư hỏi bà Abby. Bả trả lời: Từ giờ trở đi, Father's day mời mỗi ông một buổi khác nhau. Còn chuyện "Bố vợ không phải là bố (ruột)", tại ổng ghen nên mới nói vậy. Vu Lan là ngày lễ tưởng nhớ tới công lao của cha mẹ, đã nuôi chúng ta nên người. Hạnh phúc thay cho những ai còn mẹ cha.
 
 
Lại Thị Mơ
Nguồn: https://huongduongtxd.com/coicut.pdf