
TG Triều Phong (đứng thứ 2 từ phải) nhận giải Danh Dự VVNM 2014
Những bông tuyết bắt đầu lớn và nặng, rơi từng chùm to khi chúng tôi về gần tới nhà! Hôm nay, 05 tháng 01 năm 2025 là ngày đầu đưa con trai trở lại OSU (The Ohio State University) sau kỳ nghỉ Giáng Sinh và Tết Tây dài hạn trong năm. Cho xe vào “garage” xong, tôi vội vã lấy xẻng xúc bớt tuyết trên lối đi đoạn rải muối trước khi chạy vội vô nhà trốn lạnh.
Vợ tôi thay đồ xong, lên giường, lấy chăn trùm kín mít rồi ngủ lúc nào không hay. Tôi ở lại một mình bên ngoài, ngồi nơi phòng khách to rộng, lơ đãng ngó quanh nhà. Cái “sunny room” trở nên trống trải, dường như lạnh và lớn hơn vì mất cây thông Giáng Sinh lộng lẫy, đèn đốm sáng choang được chúng tôi trang hoàng rực rỡ mấy tuần qua mà trước lúc đi thằng con đã phụ giúp cha mẹ thu dọn khiến cảm giác cô đơn lẫn cô độc tràn ngập trong tôi khi không còn ai quanh mình!
Dưới ánh đèn vàng, tôi lặng mình trong chiếc ghế bành to, ngẫm nghĩ sự đời sau những ngày lễ lạc. Cuộc vui nào cũng tàn, cuộc tiệc nào cũng tan, đời người rồi cũng sẽ trôi theo dòng sông sinh tử, chỉ có thời gian là bất biến trong cái cõi có, không, của vũ trụ mà con người do sự cảm nhận của tâm thức mà ngỡ nó cũng thay đổi! Thế thì sự đời hợp tan là lẽ thường có gì mà phải phiền muộn, âu lo?
Suy tư mãi cũng chán, tôi bước đến cửa sổ vén màn, đứng hững hờ nhìn ra đường. Bên ngoài, tuyết rơi càng lúc càng dày và dữ dội, thỉnh thoảng gió hốt một cụm tuyết to, bốc lên khỏi mặt đất bay mịt mùng và cuốn chúng quay vù vù trong khoảng không gian trước mặt làm mờ cả cảnh vật tạo thành các trận cuồng phong như lốc xoáy. Lúc này mọi thứ đều trắng xóa, từ mái nhà cỏ cây đến mặt đất. Quang cảnh đẹp như tranh bây giờ không còn khiến tôi ham thích như xưa nữa mà thay vào đó là những lo lắng cho các ngày vất vả sắp tới vì tuổi bắt đầu lớn, mỏi gối, chân run. Mùa đông giá rét nơi xứ lạnh thì tuyết là “kẻ thù” của người già!
Đây là trận bão tuyết lớn, gây nhiều khó khăn do không khí lạnh từ Bắc Cực kết hợp với hệ thống áp suất thấp di chuyển từ miền Tây sang Đông Hoa Kỳ, xuyên qua hơn ba mươi tiểu bang với thời tiết vô cùng khắc nghiệt kể từ một thập kỷ trở lại đúng như đài khí tượng đã dự đoán khiến cho một ngàn năm trăm chuyến bay bị hủy và hơn sáu mươi triệu người bị ảnh hưởng. Hệ thống giao thông bị tê liệt và lưới điện bị mất trên diện rộng. Tại nhiều tiểu bang, chính quyền phải ban bố “tình trạng khẩn cấp!”
Biết là không thể làm gì được hôm nay, tôi buông màn xuống và trở lại phòng khách. Trong cái cảnh cô liêu tĩnh mịch ấy, tôi thu mình lại như con chim ẩn mình trong tâm tư suy tưởng về quá khứ, vị lai và chợt nhận ra thời gian như một “sát thủ” tàn phá đời người.
Bởi mới chỉ thoáng một cái mà tôi đã ở Mỹ này xấp xỉ hai mươi lăm năm và hơn năm năm tù do trốn chạy Cộng sản, gần mười một năm “chết dí” ở trại như vẫn còn sau lưng. Xa xôi hơn nữa thì 30 Tháng Tư Năm 1975; cái ngày miền Nam Việt Nam sụp đổ đang đến dần.
Năm mươi năm lạnh lùng sắp đi qua! Năm mươi năm tủi hờn như người con gái lỡ làng, bẽ bàng cho thân phận bèo giạt mây trôi trên đất khách, cho lữ khách ở xứ người vẫn đứng ngóng, “đợi mãi một xuân” thanh bình sẽ trở lại nơi quê nhà vẫn chưa có!
Nghĩ tới đó, tôi bỗng cảm thấy chán chường. Nỗi thất vọng tận trong tâm can sâu thẳm chợt dâng lên và òa vỡ bởi các tin tức của Cộng Đồng Việt mình trên đất Mỹ mà tôi đọc được qua báo chí dạo gần đây. Nào là chuyện một ông Nghị Viên gốc Việt sắp ra hầu tòa vì tội tham nhũng ở Cali tới chuyện tranh chấp tài sản, quyền lực giữa ông Giám Đốc và Hội Đồng Quản Trị của cái viện bảo tàng Việt Nam lâu đời nhất cũng ở bang này mới nổ ra cách đây vài tuần!
Chỉ mỗi bài học lịch sử mất nước căn bản này mà người Việt lưu vong mình học mãi không thuộc nên chuyện mong đợi mai vàng khoe sắc trong nắng xuân yên vui trên trời tự do ở quê nhà chưa xảy ra là cũng phải thôi!
Rồi tôi nhìn lại chính mình, còn mình thì sao, đã có làm được gì cho ai chưa suốt thời gian ở đây hay mình cũng chỉ lo cho chính bản thân và gia đình mình thôi? Vâng, tôi cũng không có làm được gì cho ai cả! Vậy thì mình không nên trách móc để phải buồn phiền làm gì? Bởi trong bất cứ một quốc gia, xã hội, cộng đồng nào, cũng có vô số kẻ xấu người tốt nên các việc như vừa nói vẫn xảy ra hằng ngày quanh ta. Ngay như hiện nay ở Mỹ này, có những người mang nhiều tội trạng tày đình mà vẫn nghênh ngang và thăng tiến chứ chả có bị tù tội gì thì mới thấy cái thước đo của sự công bằng cũng bị giới hạn. Công lý bị bẻ cong vì luật pháp vẫn thiên vị do vấn đề sắc tộc, màu da, thế lực đảng phái…
Thế thì phải sống làm sao?
Câu hỏi ấy đưa tôi vào dòng suy nghĩ miên man. Cuối cùng tôi bỗng “nghiệm” ra rằng hãy sống bình thản với quy luật tất yếu của lịch sử bởi không ai có thể thay đổi được quá khứ, cứ thuận theo lẽ thường của xã hội, định luật tự nhiên của trời đất nếu mình không có khả năng để thay đổi được gì, để hướng tới tương lai!
Do đó đừng nên sống trong buồn chán! Tại sao tôi cứ mãi sống với ý tưởng tiêu cực mà không phải là tích cực? Bởi đồng tiền có hai mặt thì con người cũng vậy! Bên cạnh những chuyện buồn tôi vừa nghĩ tới thì người Việt chúng ta cũng có các điều hay khác từ những thành công của lớp trẻ như Luật Sư Dereck Trần; người ở Cali, mới trở thành dân biểu liên bang gốc Việt đầu tiên tại Hạ Viện Mỹ, như cháu Learner Tiên vừa có một chuỗi thành công trong lĩnh vực thể thao khi là tay vợt trẻ 19 tuổi mà đã thắng vang dội Daniil Medvedev, cây vợt hạt giống số 5 thế giới, từng vô địch “US Open 2021” trong vòng 2 của Giải Quần Vợt Úc mở rộng 2025…
Như đông tàn, ngày tận thì xuân sẽ đến với muôn ngàn nụ nhụy sẽ ra hoa, lại đơm bông kết trái. Trẻ em lại tung tăng ra đường cười đùa, những cặp nhân tình lại đưa nhau dạo phố, tay trong tay với tình yêu lung linh nơi đuôi mắt, các ông già bà cả lại ra công viên sưởi ấm trong nắng mai chan hòa. Cuộc sống cứ tưởng như lại bắt đầu nhưng thực sự luôn liên tục trong từng phút giây ở chốn nhân gian này thế thì hãy sống lạc quan ngay khi có thể chứ chẳng cần phải cứ “đợi mãi một xuân” tới mới vui mà chi? Vì khi con người ta cảm thấy vui là vui, đủ là đủ như cụ Nguyễn Công Trứ đã nói “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn” do đó khi ta còn được hít thở là được sống, thế há chẳng đã hạnh phúc rồi sao?
Nhưng làm sao để “cảm thấy” được điều ấy?
Tôi biết có một số người rất đau buồn, khổ sở khi ước mơ, mong ước của họ không thành sự thật. Lắm lúc họ bực bội, trở nên hằn học, cáu gắt với người xung quanh. Hung hãn hơn nữa lại họ muốn làm tổn thương hoặc giết hại ai mà họ thấy “ngứa mắt.” Trong cái tận cùng của sự khổ đau ấy, họ tuyệt vọng, bỏ ăn, mất ngủ. Ban ngày thì họ bị sự thất vọng dày vò dằn vặt, tối đến thì họ nằm gặm nhấm niềm đau, tâm hồn tê tái trong bóng đêm! Thế cho nên cái tư tưởng an nhiên tự tại kia của cụ Uy Viễn Tướng Công cho chúng ta thấy cụ đã hiểu thấu đáo cái lý lẽ của nhà Phật mà kinh sách thường nói là đã “ngộ!” Vì chỉ khi chúng ta ngộ thì chúng ta mới có được “chánh niệm!”
Khi con người chúng ta ngộ được cái chân lý ấy chúng ta sẽ thấy vạn vật vô thường rồi buông bỏ tất cả! Và đó là cái nguồn cơn của hạnh phúc từ tâm linh chứ không phải bởi ngoại vật xung quanh!
Vậy khi nào thì con người ta tới “cõi ngộ” được? Ngộ bằng cách nào?
Đó là câu tôi thường tự hỏi lấy mình? Hôm nay, thấy tuyết rơi mịt mùng bên ngoài tôi biết nó lạnh bởi vì kinh nghiệm đã đi trong tuyết trước đây. Thế là tôi nhìn sự vật qua điều đã xảy ra với mình bằng kinh nghiệm. Như vậy là nhận thức của tôi đã bị phủ đầy bằng kinh nghiệm từng trải qua chứ hiện tại tôi đâu có lạnh vì tôi đang đứng trong nhà có máy sưởi ấm mà!
Điều này bất chợt cho tôi hiểu rằng từ lâu tôi đánh giá một việc hay một vật thể qua kinh nghiệm bản thân, hay lời nói, chữ nghĩa hoặc những gì đã đọc, đã học được từ sách vở. Cái này không sai nhưng chưa chắc đã đúng hoàn toàn? Vì bây giờ tôi đứng đây, trong nhà nhìn ra, sao tôi không thấy tuyết trắng tinh khôi, đẹp tuyệt vời mà lại thấy lạnh, dễ sợ? Cảm nhận ấy là một dạng của nhận thức không có trong thực tế mà chỉ bị hình thành bởi kinh nghiệm trải qua? Vậy trước khi đánh giá hãy quan sát. Quan sát để nhìn rõ cốt lõi của vấn đề mà thay đổi. Đấy là nghệ thuật!
Nghệ thuật để chúng ta nhận thức được cái đổi thay từ căn nguyên và cái nhân thức mà chúng ta đã nhìn ra được ấy đã được Krishnamurti, triết gia Ấn Độ, gọi là “The art of seeing!”
Vậy là từ hôm đó đến nay tôi nhìn mọi vật, mọi thứ không phải từ tác động bên ngoài, từ kinh nghiệm, từ sân si, thù hận mà quan sát từ bên trong với một trạng thái “tâm không” yên ổn.
Với suy nghĩ hãy cứ sống lạc quan, yêu đời, yêu người nọ nên vào tối ngày 18 tháng 01 năm nay, khi vợ tôi “rủ” đi dự “Dạ Vũ Mừng Xuân Ất Tỵ 2025” do Cộng Đồng Người Việt Quốc gia ở Dayton Ohio tổ chức với các giọng ca địa phương quen thuộc và đặc biệt là có sự góp mặt của Quốc Khanh, Hoàng Thục Linh; cặp vợ chồng song ca son trẻ, dễ thương mà vợ tôi mến mộ, là tôi cũng hăng hái tán thành ngay.
Trong đêm đông giá buốt và do công ăn việc làm chúng tôi đến hơi muộn một tí nhưng cuối cùng cũng đã tìm được “Royal Banquet Center” vì trời tối và nó lại năm cách xa đường lộ một khoảng khá xa. Tuy vậy đây là nơi mà người Việt thường mướn để tổ chức lễ lạc nhờ có hội trường lớn với chỗ đậu xe to, rộng rãi.
Dù thời tiết lạnh lẽo ở Trung Tây Hoa Kỳ chứ không phải như mùa xuân ấm áp bên quê nhà nhưng bà con vẫn nô nức đến đông đảo. Bên trong, bầu không khí tưng bừng, người lớn và trẻ em chen chúc tấp nập. Gần cả trăm bàn được quan khách đặt trước đã đầy ắp, chỉ còn lại vài chiếc phía cuối. Tiếng nhạc rộn ràng, âm thanh xập xình vang dội của ban nhạc “The Wave Band” được tập dợt nhuần nhuyễn đã lấn át cả tiếng người làm bầu không khí thêm nhộn nhịp với các bài ca ngợi mùa xuân kinh điển xa xưa!
Việc vào cửa miễn phí là phần đặc biệt mà Ban Tổ Chức cố gắng thực hiện đã quy tụ gần cả ngàn vị khách Mỹ-Việt tham dự. Hòa vào dòng người với âu phục trang trọng, áo quần sặc sỡ là các tà áo dài thướt tha của những cô gái, các quý ông trong y phục cổ truyền Việt Nam như những cánh bướm tung bay lượn lờ khắp nơi, vợ chồng tôi cũng được bà chị vợ đưa đến chỗ trống nơi chiếc bàn gần cuối.
Ngồi từ đây trông lên phía trên, tuy rất xa nhưng tôi vẫn thấy sân khấu được trang hoàng khá nhã nhặn, lịch sự, đẹp mắt, làm nổi bật lên ý nghĩa quan trọng của ngày Tết để cho các thế hệ mai sau nơi xứ người hiểu rõ thêm về phong tục tập quán đón xuân của con cháu dòng giống Lạc Hồng!
Sau phần phát biểu khai mạc của vị diễn giải lão thành, nói lên mục đích của buổi tiệc họp mặt truyền thống dân tộc trong hoàn cảnh tha hương thì ông cũng nhắc nhở đến việc mất mát năm mươi tám ngàn binh sĩ Mỹ trong công cuộc sát cánh hỗ trợ của Hoa Kỳ với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vào thế kỷ trước của chiến tranh Việt Nam nhằm bảo vệ tự do, ngăn chặn sự bành trướng của chủ thuyết Cộng sản ở Đông Nam Á mà tôi cho rằng là phần có ý nghĩa nhất của đêm nay. Bởi lẽ những lời nói tưởng như bình thường kia lại là một chỉ dấu của lòng tri ân từ tận đáy lòng để chúng ta và con cháu mai sau đừng bao giờ quên sự hy sinh vô bờ bến của người Mỹ và chính phủ Mỹ cũng như lòng nhân ái mà họ đã mở rộng vòng tay đón nhận chúng ta trên hành trình ra đi tỵ nạn kể từ sau 30/04/1975.
Rồi buổi dạ hội sôi động hẳn lên khi Quốc Khanh xuất hiện. Nhiều tiếng la, tiếng hét vì phấn khích phát ra khắp khán phòng, mọi người ùa ra sàn nhảy, thích thú lắc lư theo điệu nhạc, giọng hát như mang mùa xuân đến của anh, lúc được mời gọi khiêu vũ.
Bên cạnh đó, để cho tất cả khán giả không bị “đói” khi tham dự thì Ban Ẩm Thực do các chị em trẻ đảm trách, đã ra công làm nhiều món ăn rất ngon với giá phải chăng. Đặc biệt có món cháo lòng vô cùng xuất sắc! Và dĩ nhiên để tạo thêm hưng phấn thì ngoài thức uống giải khát như nước suối, sữa đậu nành… thì còn có Corona, Budlight, Heineken… là các thứ không thể thiếu trong mỗi cuộc tiệc!
Khi uống khá nhiều, theo nhu cầu tôi phải đi tìm “restroom” thì phát hiện ra ở phòng ngoài, các chú đang tổ chức lắc “bầu cua cá cọp,” tái tạo hình ảnh vui chơi lành mạnh, không khí khác lạ cho con cháu giải trí để hiểu biết thêm về những thú tiêu khiển của ông bà chúng ngày xưa bên nhà, lúc đất nước còn nghèo vì chiến tranh và khi mà khoa học chưa phát triển với các trò chơi hiện đại như của bọn chúng bây giờ!
Hơn 10 giờ đêm, buổi dạ vũ lại rộn ràng hẳn lên với tiếng hát của Hoàng Thục Linh và kế tiếp là chương trình xổ số. Đây là phần sau cùng mà Ban Tổ Chức đã giữ lại tới phút chót nhằm tạo sự hứng khởi trọn vẹn cho tiệc mừng xuân. Mỗi khi giọng cô MC xướng kết quả của từng giải lên là có nhiều tiếng hét mừng rỡ trúng thưởng rú lên đâu đó làm mọi người cười vang.
Tuy nhiên trong không khí vui tươi đêm nay ấy, tôi nhận thấy vắng rất nhiều khuôn mặt quen thuộc của các chú bác cựu quân nhân VNCH ngày nào. Lý do tôi có thể hiểu được là sau gần năm mươi năm thì một số chú bác đã cưỡi hạc về trời, số khác thì sức khỏe đã suy yếu, đi đứng lụm cụm. Phần thì ngại ngùng tuyết giá, đường sá trơn trợt, phần thì mang tâm trạng u uẩn với nỗi niềm “đợi mãi một mùa xuân” huy hoàng trở lại trên quê hương vẫn chưa có! “Họ, những người lính già, nếu ai ngày xưa càng xông pha trận mạc nhiều, chiến đấu dữ dội bao nhiêu thì bây giờ lại là những người ít xuất hiện nhất ở nơi đây bấy nhiêu, nếu không muốn nói là không bao giờ!”
Vì sao? Bởi đến đây, đôi lúc họ mủi lòng khi nhớ lại thời kỳ oanh liệt ngày cũ, nhớ chiến trường xưa, nhớ mùi thuốc súng nhớ tiếng đạn pháo xé gió rách toạc màn đêm, nhớ máu me, thây người đổ gục, nhớ các đồng đội đã nằm xuống, nhớ nỗi buông súng oan khiên nghiệt ngã… nên họ thà ở nhà một mình, làm bạn với niềm riêng của mình trong cô đơn, độc tửu còn hơn!
Do đó những người có mặt đêm nay ngoài một vài thuyền nhân vượt biển thì hầu hết là con cháu của các chú bác HO hay là các người đi diện thân nhân bảo lãnh tới chung vui vì dẫu sao họ cũng không phải là nạn nhân trực tiếp bị Cộng sản tù đày nên tâm tư có phần cởi mở, thông cảm và dễ tha thứ hơn với hiện tại.
Thế mới biết, để hiểu rằng có đạt được cái “nhận thức” đó cho cuộc đời được an yên hay không là còn tùy thuộc vào sự “ngộ” nhanh hay chậm do “căn duyên, nghiệp lực” của mỗi người!
OH, một ngày mùa đông 2025
Triều Phong (TPN)
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm, hiện là cư dân Dayton, Ohio. Sau đây là một bài viết tự sự gửi gắm nhiều suy nghĩ trăn trở của tác giả, một người Việt xa xứ khi ngày Tết đến giữa tiết trời đông giá rét nơi hải ngoại.