User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tramtich
 
Mới đó đã tháng Tư. Thêm một lần nữa, mùa Xuân chóng qua!
 
Như sóng xô bờ: những diễn biến liên tục sau chiến tranh Việt Nam - từng lớp sóng tràn ngập, phủ chồng lên nhau. Khỏa lấp!
 
Bên cạnh, những tàn phá do bởi chiến tranh, dấu tích, di chứng còn nhìn thấy được những gì, khi tất cả mọi tài liệu, phim ảnh còn lưu giữ được bao nhiêu, giữa thật hư? Để lại?
 
Những thương tích không hẳn xảy ra trong thời điểm giao tranh. Đáng nói là sự ảnh hưởng về đau khổ mất mát, chia cách vẫn còn âm ỉ cho mãi đến nhiều năm, sau cuộc chiến.
 
Sự còn lại là trầm tích. Là đất đá phù sa, lắng đọng lại thành tầng lớp, qua thời gian. Là sự tích tụ của cảm xúc, ký ức, hoặc những thứ vô hình lắng đọng trong tâm hồn, qua bao năm tháng.
 
Như những câu chuyện viết về sự âm ỉ trong lòng. Tôi cũng có một bài viết được ghi chép lại đã lâu, nói về một tâm sự – mà nội dung: là uẩn khúc của một gia đình. Ghép lại qua từng mảnh vỡ, từ hồi tưởng của một thanh niên, là bạn học của con tôi. Trong đó, bao gồm hoàn cảnh gia đình, cùng nỗi nhục hình phải gánh chịu Và cha mẹ của y thật ra không xa lạ với chúng tôi. Là những người bạn thân, quen biết nhau từ những ngày bắt đầu lập nghiệp ở quê người.
 
Ngoài sự ghi nhận, cùng với diễn bày trong câu chuyện - nhân vật được xưng TÔI hẳn nhiên không phải là tôi. Tôi chỉ là người viết. TÔI, ở đây, thay mặt như lời người con. Hiện là giảng sư, bác sĩ giải phẫu tim mạch, làm việc tại University of British Columbia, Vancouver, Canada.
 
Ở đây, khi nói đến tâm sự bên đời, thường, mình hay mỗi ai cũng có chút ít tâm tư, hoặc đến rồi đi! Nhưng đôi khi, có những niềm riêng day dứt khôn nguôi, theo suốt một đời!
 
Điều muộn màng, bất hạnh nhất, đáng ghi lại: khi nỗi lòng về sự ngộ nhận được giãi bày, cha mẹ của y đã không còn nữa!
 
Đây là nỗi lòng. Trầm tích:
 
Cho đến khi TÔI trưởng thành - tuổi có thể gọi đã đầy đủ trí khôn, để hiểu những gì xảy ra trong gia đình, cha mẹ tôi đã không còn. Bên nỗi lòng ấm ức, dằn vặt, tôi thường xuyên tự hỏi với chính mình: Có phải sự hiện diện của tôi, kể từ khi ra đời, một hình ảnh luôn nhắc nhở về kỷ niệm đau lòng? Và có phải chính tôi là nghiệp chướng, là nguyên nhân gây ra những bức xúc, cấu xé trong tâm hồn của cha mẹ?
 
Có lẽ vậy. Tất cả như nghiệp chướng, bắt đầu thành hình từ những ngày khi tôi chưa có mặt với đời này.
 
Sau 30 tháng 4 năm 1975, vì là Sĩ Quan phục vụ cho quân đội miền Nam, cha tôi bị giam giữ, gọi là cải tạo, hơn 5 năm.
 
Trở về, cha tôi rơi trong cùng quẫn. Thiếu thốn. Bên sự nương tựa của những ngày cùng khổ, cha mẹ tôi tìm đến nhau vào thời kỳ kinh tế tối tăm, ở cuối thập niên 70s.
 
Số phận chừng như đã sắp đặt! Sau đêm ngày cưới, cả hai âm thầm cùng với một nhóm 27 người rời vùng quê Rạch Giá bằng chiếc ghe mong manh – hầu mong thoát khỏi Việt Nam qua đường vượt biển.
 
Định mệnh phũ phàng!
 
Tưởng có thể chạy trốn với cảnh đời tối tăm, nhóm người vô tội trên ghe làm sao có thể lường được những hãi hùng đang chờ đợi trên biển cả.
 
Chiếc ghe oan nghiệt rơi trong tay của hải tặc - một đám cướp biển, săn người đã rình rập tự khi nào. Những gì xảy ra sau đó là địa ngục trần gian!
 
Sau khi lấy hết những gì gọi là quý giá như vàng, bạc, kế đến là phụ nữ!
 
Trong số đó có mẹ tôi, bị hãm hiếp dã man.
 
Riêng đàn ông, bao gồm cha tôi - bị cột chặt, để chứng kiến cảnh cưỡng hiếp và giết người hung bạo. Tất cả sau đó, từng người một bị đập vào đầu bằng cán chèo, hoặc bị đâm vào người bằng dao hay vật nhọn.
 
Hình ảnh để lại trên sàn ghe có thể mường tượng sự hành hạ ghê rợn, trước khi đối diện với cái chết thê thảm! Thân xác nạn nhân bị ném chất chồng lên nhau như cá mòi, bê bết!
 
Dân làng ở ven biển tìm thấy chiếc ghe trôi giạt vào bờ, sau những ngày mưa bão! Và oái oăm thay, lẫn lộn trong đống xác người, cha mẹ tôi được cứu sống khi đang còn thoi thóp - để đối diện với sự đọa đày, nối tiếp theo những tháng năm sau này: đó là nỗi đau của tủi nhục!
 
Có lẽ, nếu ngày đó cha mẹ tôi chết đi, họ sẽ không bị đau đớn, dằn vặt kéo dài theo những năm lê lết với khổ đau, ray rứt, quằn quại sau này. Hay trời đất đã dàn xếp, để cha mẹ tôi phải sống - phải trả cho xong món nợ: đó là tôi! Bởi vì cùng thời gian này, mẹ tôi có triệu chứng bắt đầu mang thai...
 
Sau hơn 9 tháng, kể từ thời gian được cứu vớt đến trại tỵ nạn Thái Lan. Trong nỗi oan khiên, mơ hồ - về ai, là tác giả của bào thai mà mẹ tôi đang cưu mang trong người: Tôi, sinh ra nơi đây.
 
Đời mong manh, nổi trôi như chiếc ghe trên biển ngày ấy - gia đình chúng tôi được định cư tại Vancouver, Canada không lâu sau khi tôi sinh ra đời.
 
Mặc dầu, tôi lớn lên ở những vùng đất cởi mở, hiền hòa thuộc tỉnh British Columbia, Canada - nơi mà đa số di dân đến đây tìm kiếm đời sống hân hoan, gia đình tôi vẫn sống một cách âm thầm và lẻ loi.
 
Mãi đến những năm ở tuổi vị thành niên, tôi bắt đầu ghi nhận một cách rõ ràng - cả ba, chúng tôi đều rất cô đơn:
 
1. Về Cha Tôi
 
Sau cơn hành hạ dập dìu thập tử nhất sinh trên chiếc ghe ngày ấy, cha tôi sống bên lề đời như người tàn phế - không còn đi đứng bình thường vì ống xương của chân phải đã bị đánh gãy dập!
 
Ông bệnh hoạn, gầy yếu. Sự sinh sống chỉ dựa vào trợ cấp của xã hội.
 
Cha tôi như chiếc bóng!
 
Chỉ một đôi lần, rất hiếm hoi, ông dành để chút tình cảm cha con, chẳng hạn nhường cho tôi những món ăn…trong im lặng! Ông hay ngồi trong những xó góc, uống rượu khi trời xẩm chiều. Và đây là thời gian tôi tìm thấy cha tôi trở nên xa lạ. Những cơn say mịt mờ qua khói sương. Nơi đó chừng như không có hướng về. Và đôi khi tự hỏi, cha đang lạc về đâu?
 
Tôi thường nghe những câu than trách hay nguyền rủa một mình. Lời, của một người sa cơ thất thế, mặc cảm vì bất lực. Ám ảnh khôn nguôi, vì không thể bảo vệ được người vợ thân yêu? Hay bởi vì: sự có mặt của tôi khơi động đến vết thương lòng vẫn còn lở loét?
 
Nên có lẽ, chỉ có rượu vào mới có thể thoa dịu, cởi thoát ra được chút nào những nỗi đau cùng cực.
 
Cha tôi yếu đuối dần theo ngày, không biết làm gì hơn, chỉ còn cách trốn chạy với chính mình. Chìm theo men say, mộng mị trong ảo ảnh sương mờ. Lẫn lộn, mơ hồ giữa địa ngục và thiên đường, trong ảo giác!
 
2. Mẹ Tôi
 
Nếu ví cha tôi như chiếc bóng; hình ảnh của mẹ tôi có thể so sánh như ngọn đèn le lói giữa trời khuya!
 
Hằng đêm mẹ tôi mắc bệnh mất ngủ, nên phải uống thuốc mỗi ngày. Nhiều đêm, không biết bao lần, mẹ tôi choàng tỉnh la hét chạy quanh nhà. Nỗi khiếp sợ tưởng chừng như có người đang đuổi bắt sau lưng. Cho dẫu trấn an đến cách nào, những cơn ác mộng nào đó chừng như luôn chờ chực khi người rơi vào giấc ngủ. Vì thế, chỉ mỗi thuốc an thần mới có thể giảm đi phần nào.
 
Tuy nhiên, những liều thuốc có tác dụng lúc ban đầu, dần dà đã không còn hiệu nghiệm. Càng lo lắng hơn, khi biết được nếu tình trạng kéo dài, mẹ tôi có thể phải đưa vào những nhà thương trị bệnh cho người điên. Những nơi đó, chắc chắn sẽ khiến mẹ tôi trở thành người mất trí vĩnh viễn vì những lượng thuốc rất nặng về trị liệu tâm thần. Chưa nói đến nơi đây, xứ người - luật của xã hội rất quan tâm về vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ em. Vì vậy, tôi có thể bị tách rời khỏi cha mẹ, nếu người ta khám phá ra cả hai, không còn đủ khả năng nuôi dưỡng được tôi.
 
Bên cạnh bao nỗi bất hạnh đã xảy ra, lại thêm những bất an đang chờ đợi, dù sao, chúng tôi cũng còn chút ân sủng của đất trời: được gặp người thầy thuốc chữa bệnh cho mẹ tôi - người, đã từng phục vụ trong cuộc chiến Việt Nam.
 
Không những ông là một bác sĩ đã có nhiều kinh nghiệm chữa trị về những căn bệnh bị khiếp đảm vì chứng kiến những chết chóc ghê rợn trong chiến tranh - Post Traumatic Stress Disorder (PTSD); thêm vào đó, ông là một người bác sĩ rất có lòng. Ông bảo lãnh cho gia đình chúng tôi về ở phía sau vườn, nằm sau căn nhà nghỉ mát của ông ở vùng West Vancouver. Không ngoài mục đích giúp cho mẹ tôi có cơ hội phục hồi với gió biển, bên đời sống rất bình lặng nơi đây.
 
Mẹ tôi khỏe phần nào do nhờ ngủ được ít nhiều. Nhưng dẫu thế nào, căn bệnh tâm tưởng vẫn thường xuyên ám ảnh.
 
Tôi bắt gặp mẹ tôi lắm lần đi thẳng ra bờ vực, nơi có sóng biển đập mạnh vào ghềnh đá. Tôi càng sợ hãi khi biết - sẽ không ai có thể ngăn cản, nếu mẹ tôi muốn tự hủy diệt lấy chính mình. Nhưng đó cũng là lúc, tôi khám phá: mẹ tôi chưa dám rời khỏi cuộc đời này vì không muốn cắt đứt giọt máu yêu thương vô tội, bỏ rơi đứa con duy nhất: đó là tôi!
 
3. Và Tôi
 
Bên đời, tôi sống với chiếc bóng của người cha - khi ẩn khi hiện! Nương theo, với sức sống mỏng manh của mẹ tôi, yếu ớt như ánh sáng của ngọn đèn khuya - khi tỏ khi mờ! Cùng với bao lần, tôi phải lắng nghe những tâm sự của cha mẹ tôi được thốt ra trong những cơn - khi tỉnh khi mê! Tôi bất chợt thấy mình bơ vơ, như đang đứng giữa trời đông, giá lạnh!
 
Tôi luôn tự nhủ với lòng: tôi phải sống, để có thể bảo vệ lấy mình và cha mẹ. Vì thế, tôi chấp nhận với đời sống hẩm hiu, tự làm quen với tất cả thăng trầm, không để niềm vui kéo dài sau giờ học. Cứ vậy khi giờ điểm, tôi lo hối hả chạy một mạch về nhà. Vì hơn ai hết, tôi biết: ngoài tôi, không ai có thể đem lại cho mẹ tôi lòng an tâm và niềm tin tưởng.
 
Có lần, không thấy tôi về như mọi hôm vì bài vở dở dang, mẹ tôi nóng lòng muốn đến đón tôi ở trường. Năm đó, tôi còn đang ở Tiểu Học. Và trường thì nằm ngay ở bên con đường xe cộ qua lại rất đông. Trong lúc chúng tôi cùng băng qua đường dành cho người đi bộ, bất ngờ có tiếng thắng của xe rít trên mặt lộ, mẹ tôi bấn loạn, hốt hoảng ôm lấy đầu và chạy ra ngay giữa ngã tư, khi dòng xe cộ đan nhau như mắc cửi, trong giờ cao điểm... Khi nhìn thấy, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra trong gang tấc, tôi liều lĩnh lao vào dòng xe qua lại. Những gì xảy ra hôm đó, không làm tôi bận tâm hay sợ hãi! Tôi chỉ có một mục đích duy nhất là bằng mọi cách tôi phải bảo vệ, ôm lấy mẹ tôi! Hơn thế nữa, tôi không có sự chọn lựa nào hơn là không thể bỏ rơi mẹ mình trong cơn nguy cấp.
 
Tôi nhớ vô cùng khi nhìn vào đôi mắt mẹ - bất chợt, tôi tìm thấy giọt nước rưng rưng như muốn thay lời: chỉ có tôi mới đem lại cho người nỗi sống. Hay đúng hơn, nếu không có tôi, mẹ tôi đã không còn tha thiết với cuộc đời này.
 
Tôi không biết có lối nào để có thể đưa dắt cha mẹ tôi thoát ra khỏi bóng đen u buồn, mờ mịt của cuộc đời. Riêng cá nhân tôi, chỉ còn mỗi cách: Tôi tìm kiếm niềm vui qua sách vở, bằng cách cúi đầu, lo học nhiều hơn. Tôi ý thức, chỉ có góp nhặt kiến thức - để từ đó, tôi mới có thể tìm ra lối thoát cho chính mình!
 
Năm tôi vừa xong Trung Học, cha tôi qua đời. Ông ta đã ngủ quên trong cơn say.
 
Xác ông, khô lạnh co quắp, được tìm thấy ở kho chứa đồ, trong một đêm đông tuyết phủ ngập ngoài sân. Để lại mẹ tôi với tâm trạng càng hoang mang và cô đơn. Ngày đưa cha về lại đất, tuyết phủ ngập đầy, trắng xoá như màu tang. Thênh thang tẻ lạnh.
 
Những năm tôi được nhận vào Đại Học, mẹ tôi bắt đầu yếu dần, bịnh phát ngày mỗi nặng.
 
Trong giai đoạn bế tắc cuối cùng, không còn cách nào hơn, phải đưa vào trung tâm y tế để có người chăm sóc. Càng đau lòng hơn, mẹ không có cơ hội tham dự ngày lễ tốt nghiệp Y Khoa của tôi vì người đã không còn. Ngày mẹ ra khỏi cuộc đời, trời đổ cơn giông, và không biết nơi cuối ngàn, tiếng sét có phải là lời tìm nhau vang vọng, khi trong lòng còn chất chứa bao nỗi niềm băn khoăn - biết tỏ cùng ai.
 
Cả hai, cha mẹ tôi, đã nằm xuống, quạnh hiu nơi xứ người, với nỗi lòng trăn trở.
 
4. Vài lời cho cha mẹ
 
Kính lạy hương hồn cha mẹ.
 
Cho đến bây giờ, con tin chắc cha mẹ đã thoát ra khỏi nỗi lòng u uất mà từ lâu cha mẹ chưa có cơ hội, hay có lẽ không dám đối diện: Con là con của ai?
 
Vâng, đã từ lâu - chính vì sự mơ hồ con là của ai, đã ngăn cách tình yêu thương của cả ba: cha, mẹ và con.
 
Có những lúc thấy cha mẹ buồn vì tủi phận; dù rất muốn, nhưng có gì làm con ngần ngại. Đúng hơn, con không biết làm sao để có thể nói lên những lời an ủi, khi mang cảm tưởng bị bỏ rơi vì xa lạ!
 
Cũng như rất tội tình, ngay khi lòng cảm thấy cô đơn, con cũng không dám đến gần cha mẹ để được ôm vào lòng, những mong có thể tìm kiếm dỗ dành, khuyên nhủ, trong những năm con còn tuổi ấu thơ!
 
Hôm nay, nhân ngày sinh nhật của chính mình, con muốn gởi đến cha mẹ một nỗi niềm hân hoan mà con vừa nhận được thử nghiệm về DNA - kiểm tra sự trùng hợp giữa tế bào của con và tro cốt của cha mẹ.
 
Qua kết quả khám nghiệm: Con, thật sự là con của cha mẹ.
 
Khi nói lên những lời này, con vô cùng kính mong cha mẹ nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành cho sự hy sinh cao cả mà cha mẹ đã chịu đựng sống còn qua bao nhiêu năm tủi nhục. Con xin hứa sẽ trở nên người hữu dụng hầu không phụ lòng cha mẹ: người đã sống trong quằn quại, thoi thóp, cưu mang - nuôi nấng con được đến ngày hôm nay.
 
Kính lạy hương hồn cha mẹ nhận nơi đây lòng tri ân của con.
 
Con yêu quý của cha mẹ.
 
********
❤ Viết cho những Trầm Tích của Tháng Tư.
 
Cùng lúc, cũng là lời tưởng niệm đến hai bạn Bảo Trúc. Và lời chúc hạnh phúc, bình yên và may mắn đến với gia đình cháu: Bác sĩ Kh. N. Trần – Cardiologist.
 
Thân ái
 
Thu Hoài
Nguồn: Fb Trang Văn Chương Miền Nam - Phan Ngọc Đoan