
Biểu tình phải đối green pass ở Hà Lan
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Luca Ronzoni, một thanh niên 18 tuổi, khoẻ mạnh, cho hay là vào tháng 3 năm 2020 lúc nước Ý đang bùng dịch anh đã bị nhiễm covid và sau đó bị mất vĩnh viễn vị giác và khứu giác. “Từ ngày đó tôi ăn uống mà không cảm giác được mùi vị.” “Ước gì thời điểm đó có vaccine!”.
Nhưng không phải ai cũng nghĩ như anh! Hiện nay có nhiều nước đang thiếu vaccine còn ở những nước dư thừa thì người dân không chịu chích!
Nhiều cuộc biểu tình của nhóm No Vax (không tiêm vaccine) phản đối các biện pháp chống Covid của chính phủ các nước đã xảy ra.
Mới đây ngay tại trung tâm châu Âu có khoảng 35 nghìn người tham gia biểu tình mang tên “Cùng nhau vì tự do” để phản kháng lệnh cấm lui tới các quán bar và nhà hàng áp đặt đối với những người không tiêm đã xảy ra sát trụ sở EU ở Brussels. Bắt đầu trong hòa bình nhưng sau khi một nhóm người ném đồ vật gây hỗn loạn nên cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán.
Hà Lan cũng mệt mỏi vì các cuộc biểu tình ở thành phố Rotterdam đang leo thang thành bạo lực. 40 người bị bắt sau khi đốt lửa trên phố và ném đá tấn công cảnh sát. Đức và Áo cũng hỗn loạn không kém, riêng Áo vừa phong tỏa toàn quốc từ ngày 22-11 và sẽ dùng các biện pháp hạn chế mạnh mẽ với người chưa tiêm vắc xin và ra quy định là từ ngày 1 tháng 2 tiêm chủng là bắt buộc.

Luca Ronzoni
Căng thẳng và các biện pháp hạn chế cũng có ở Cộng hòa Séc, Slovakia và Ba Lan.
Mọi thứ có vẻ diễn ra trái ngược với kỳ vọng của các nhà lãnh đạo châu Âu về một cuộc sống bình thường. Sau phong tỏa đã mở cửa và giờ lại phong tỏa, bị cuốn vào vòng luẩn quẩn. Mùa đông đang tới, châu Âu chắc sẽ còn nhiều thách thức vì đang đối mặt với một làn sóng lây lan mới dù một số quốc gia đã thắt chặt các biện pháp hạn chế và số người được tiêm chủng ngày càng tăng.
Nhiều khả năng dịch sẽ bùng lại trong mùa đông này.
Bỉ đang gia hạn giấy phép làm việc tại nhà và thắt chặt các biện pháp chống lại những người chưa được tiêm chủng.
Hy Lạp, Slovakia, Hungary, Ireland, Bồ Đào Nha… cũng sẽ áp dụng các hạn chế tương tự, lệnh giới nghiêm buổi tối đối với các ngành nghề dịch vụ do ca nhiễm tăng đột biến, bất chấp việc có tỉ lệ tiêm chủng cao (khoảng 75-85 % dân số).
Giữa lúc châu Âu rối ren, ở châu Á, Nhật Bản lại đang xảy ra một hiện tượng lạ. Ba tháng sau ngày chủng Delta xuất hiện và hoành hành với ca nhiễm 26.000 ca/ngày thì những tuần gần đây đã giảm dưới 200 ca /ngày và sau 15 tháng có ngày không có ca tử vong nào! Tình hình tại châu Phi cũng có phần lắng dịu, số ca nhiễm dịch đã giảm kể từ tháng 7 dù ở châu lục này chưa tới 6% người dân được tiêm chủng!

Trong làng bóng đá ở Đức cũng không tránh khỏi những lùm xùm: Câu lạc bộ Bayern Munich đã quyết định cắt giảm lương của những cầu thủ không tiêm phòng và bị cách ly như Joshua Kimmich.
Kimmich, 26 tuổi, bị cách ly lần thứ hai do vừa ra khỏi vùng cách anh tiếp xúc với đồng đội Niklas Suele, người bị dương tính. Các quan chức của Bayern đã thông báo cho Kimmich và 4 đồng đội của anh rằng lương của họ sẽ bị giảm nếu bị cách ly. Serge Gnabry, Jamal Musiala, Eric Maxim Choupo-Moting và Michael Cuisance, là những cầu thủ bóng đá Bavaria khác chưa tiêm bất kỳ liều vắc xin nào!
Vì có nhiều người không muốn tiêm vaccine nên trên mạng xã hội có tổ chức (thuộc nhóm No Vax) rao bán giấy chứng nhận tiêm chủng giả nhưng làm rất tinh vi, khó nhận biết. Giá bán giao động từ 100 Euro/ bản điện tử, 120/bản giấy 120/ hay trọn gói cho cả nhà từ 300/350 hay 400/450 tuỳ số thành viên trong gia đình!
Phong trào Novax và các bữa tiệc Corona đang trở nên phổ biến ở Nam Tyrol và Áo.
Một người đàn ông 55 tuổi ở Áo, chết sau khi cố tình lây nhiễm SARS-CoV-2 trong “bữa tiệc Corona” ở tỉnh Nam Tyrol, miền Bắc Italy vì cho rằng bị nhiễm để có kháng thể tự nhiên tốt hơn là tiêm phòng.
Ba người khác, trong đó có cả trẻ em, đang phải nằm viện ở Nam Tyrol vì mắc Covid-19 tại các bữa tiệc tương tự. Trong ba người, có hai người phải nằm trong khoa chăm sóc tích cực.
Họ đều là những người trên theo phong trào No Vax nhưng muốn nhiễm bệnh để có “thẻ xanh” (Green pass) điều kiện bắt buộc để làm việc ở Italy. Cách duy nhất để có “thẻ xanh” là tiêm vaccine Covid-19 hoặc đã từng mắc bệnh trong vòng 6 tháng qua.
Trong các cuộc biểu tình phản đối chính phủ những người No Vax đều không giữ khoảng cách và không đeo khẩu trang nên các chuyên gia nói chắc chắn là sẽ có lây nhiễm cao và sớm bị phong toả trở lại.
Nhưng sự điên cuồng hay quá khích vẫn chưa chấm dứt!
Ở biên giới Áo-Ý còn đang bùng nổ các trường học “bí mật”: trẻ em No Vax học trong rừng vì có gia đình đã rút con cái của họ khỏi các cơ sở giáo dục để học ngoài trời (giáo dục “tự học”) nhằm tránh các hạn chế chống Covid. Tại đây các bé học mà không cần khẩu trang và số học sinh từ 30 đã lên gần 700… nên chính phủ đang mở cuộc điều tra..
Trong Quốc hội Ý hiện nay đã có bảy đại biểu dương tính. Hạ viện đang xét nghiệm và báo động là các lây nhiễm khác có thể xảy ra và đưa ra các biện pháp hạn chế và an toàn.
Thế nhưng... một nghị sĩ đã công khai tuyên bố mình thuộc nhóm No Vax: “Green Pass chỉ là một biện pháp hành chánh chứ không phải là một biện pháp y tế…” thì bị cúp máy và tắt âm thanh.
Mới đây phong trào No Vax và tổ chức “ Chúng ta sinh ra trong tự do” còn tuyên bố sẽ tổ chức một Lễ hội Corona “hoành tráng” trong ngày đầu năm mới tại một làng du lịch Bella Italia Village nằm ở Lignano Sabbiadoro thuộc vùng Đông Bắc nước Ý.
Tình hình đang rối ren và có người còn đẩy để khó khăn thêm với một cuộc chơi mạo hiểm?
Không biết nên gọi đó là một sự điên rồ hay một sự thách thức chính quyền (và giới khoa học)?

Kể từ khi virus coronavirus gõ cửa vào tháng 3 năm 2020 thì cuộc sống trên khắp thế giới đã bị đảo lộn. Phần lớn chúng ta bị cầm chân ở trong nhà, bức bối và tù túng. Điện thoại thông minh và máy tính không thể tách rời. Nếu trước đây chỉ dùng cho giải trí nay đã trở thành cửa sổ mở ra thế giới, trong đó có trường học, công việc, tình yêu, bạn bè và gia đình.
Mọi thứ đã thay đổi và dù muốn hay không, kết nối ảo đã biến thành thực.
Hiện nay trên phương tiện truyền thông chúng ta thấy có những phản ứng trái chiều đối với đại dịch: một mặt là sợ hãi; mặt khác, có xu hướng giảm thiểu. Điều đó có nghĩa là đánh giá rủi ro về sự nguy hiểm của đại dịch không dễ dàng và còn nhiều dấu hỏi.
Điều chắc chắn là cho đến nay trên thế giới chưa có loại thuốc nào diệt được Coronavirus. Những biện pháp đã và đang áp dụng chỉ là những giải pháp tình thế nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Nhưng nếu cứ giãn cách, phong tỏa, cách ly mãi thì cuộc sống sẽ ngưng trệ và bế tắc. Bởi vậy nhiều nước đã chuyển chiến lược phòng chống dịch Covid-19 từ “ngăn chặn” sang “sống chung ” xem nó như bệnh cúm và nhấn mạnh rằng với việc tiêm phòng và các biện pháp khác chúng ta có thể biến đại dịch thành một thứ ít đe dọa hơn nhiều.
Nhưng yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta đối với sự nguy hiểm đang rình rập của dịch bệnh vẫn còn đè nặng và mỗi người đều có nhận thức riêng nên tất yếu có những phản ứng khác nhau.
Mùa Giáng sinh sắp đến.
Với tình hình rối rắm và đầy lo ngại như hiện nay, việc mua sắm và gặp nhau chúc mừng trong ngày lễ.. giống như trò cá cược giữa hy vọng và lo ngại, vì không ai biết sẽ có việc phong toả như năm trước hay không? Các thương gia đã lấp đầy kho hàng nhưng vẫn phập phồng lo lắng vì việc mua qua mạng đang cạnh tranh mạnh mẽ.
Trong bối cảnh này, lạc quan có thể là một thái độ tích cực bởi vì mọi việc con người làm đều liên quan đến rủi ro. Nếu cứ nghĩ rằng mình có thể chết trong một vụ tai nạn mỗi khi lên xe thì sẽ không ai lái. Cũng như những ai hút thuốc đều biết là có hại nhưng vẫn tin rằng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi của mình “thấp” hơn những người hút thuốc khác.
Thôi thì cứ thận trọng 5K, vui và mở lòng ra mà sống.
Chúc mọi người đón Giáng Sinh vui vẻ và một năm mới an lành, đầy niềm tin và hy vọng.
Trương Văn Dân
Milano 22/11/2021