truonghoangxuan
Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân (Hình:TK)
 
Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, tác giả ca khúc lừng danh “Thề Không Phản Bội Quê Hương” đã bất ngờ qua đời vào ngày 3 Tháng Năm 2025, không biết được giờ chính xác, do ông ngã quỵ trong nhà, và qua đời không ai hay biết. Theo vài người trong xóm ước tính, giờ mất của ông có lẽ vào khoảng 13g30 trưa.
 
Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân sinh năm 1939, mất ở tuổi 86, thuộc lứa thứ hai của những nhạc sĩ thành danh trong dòng Bolero của miền Nam như Mặc Thế Nhân, Hà Phương, Giao Tiên…
 
Ngôi nhà của ông ở trong con hẻm nhỏ, đường Trương Tấn Bửu, Quận Ba (nay là đường Trần Huy Liệu, Quận Phú Nhuận) ít người qua lại. Chỉ đến khi hàng xóm nhìn qua song sắt nhà, thấy ông nằm trên đất, gọi không dậy, nên đã hô hoán. Vì ông sống một mình nên sau đó công an khu vực đến phá cửa và đưa ông vào phòng lạnh ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chờ cho thân nhân bên Pháp về chôn cất.
 
Hiện ngôi nhà nhỏ mà ông vẫn ngày ngày mở cửa nhìn ra ngoài, đón đôi ba đứa học trò đến học nhạc hay thăm viếng, đã niêm phong.
 
truonghoangxuan1
(Hình: AB)
 
Nhiều năm nay nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân sống cô độc một mình. Sau khi ly hôn, vợ và các con định cư ở nước ngoài, nhạc sĩ chọn ở lại cùng kỷ niệm trong căn nhà nhỏ chỉ khoảng 20m2. Dưới nhà là chỗ ông dạy học, tiếp khách, kể cả nấu bếp. Tối đến ông lên lầu và nghỉ cùng các kỷ vật của vợ con, sách vở của ông.
 
Sau năm 1975, nhạc sĩ Trường Hoàng Xuân chọn sống đời khép kín. Ông không bè bạn với ai. Những ngày sau này khi sống một mình, lúc buồn, ông lái chiếc Honda cũ của mình đi loanh quanh thành phố, ghé nơi nào đó, làm ly café, một mình nhìn phố phường rồi về. Hàng xóm biết ông là nhạc sĩ nổi tiếng một thời nhưng chưa bao giờ nghe ông nói về mình, ông chỉ chào hỏi rồi lại lui vào nhà.
 
Nhạc sĩ Trường Hoàng Xuân mắc một số bệnh gan, viêm phế quản, viêm mũi dị ứng kinh niên. Ông không khỏe nhưng tự trọng, tránh nhờ cậy ai giúp mình, và cũng không than vãn.
 
Nhạc sĩ Trường Hoàng Xuân nổi tiếng với nhiều bài hát như Hái Hoa Rừng Cho Em, Xé Thư Tình, Bạc Trắng Lửa Hồng… nhưng ca khúc nổi tiếng và được nhắc nhiều vào thời trước 1975 là Thề Không Phản Bội Quê Hương, viết cho Cục Chỉnh Huấn vào năm 1971. Bài hùng ca này được trình bày ở nhiều nơi và tới nay vẫn còn được yêu thích.
 truonghoangxuan2
(Hình: PB)
 
Trương Hoàng Xuân học nhạc trong nhà thờ và chơi đàn kiếm sống tại các nhà hàng khi 16 tuổi.
 
Năm 1960, ông tốt nghiệp Sư Phạm, về dạy tại Long Khánh, tỉnh Bình Tuy. Đến năm 1968 thì ông đi lính và được điều về Đài Phát Thanh Quân Đội làm việc chung với Tô Kiều Ngân, Đỗ Kim Bảng, Trầm Tử Thiêng.
 
Năm 1972, ông được Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa bổ nhiệm về dạy nhạc tại trường Trung Học tổng hợp Nguyễn An Ninh, Quận 10.
 
Năm 1978, Sở giáo dục chính quyền mới phát hiện ông là tác giả của Thề Không Phản Bội Quê Hương, cũng như quá trình làm việc cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa nên đã cho thôi việc, ông xin qua ngành Bưu Điện làm hoạt động văn nghệ quần chúng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2000.
 
Tuấn Khanh
Nguồn: https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/tac-gia-the-khong-phan-boi-que-huong-qua-doi/
 
************
Bài đọc thêm
 
Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân Thôi Khóc Cho Đời Bạc Trắng Lửa Hồng - Vưu Văn Tâm
 
“Tôi không muốn chạm vào đàn nữa bởi chúng gợi lại quá nhiều những ký ức đau buồn. Khi còn sinh thời, mẹ tôi hay nói ‘xướng ca vô loại’. Vì quan niệm đó mà tôi chịu nhiều thị phi khi vừa làm thầy giáo, vừa chơi nhạc. Nhiều người đặt điều và thêu dệt, nhờ danh tiếng nhạc sĩ nên tôi có nhiều mối tình không chính danh. Nếu có, chắc giờ tôi đã hạnh phúc vì ít nhất cũng có đứa con rơi nào đó ở cùng”(Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân)
 
“Vì sinh ra trong gia đình không mấy khá giả nên từ nhỏ nên nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân đã phải đánh đàn ở các nhà hàng để phụ giúp mẹ và nuôi em. Do được học nhạc ở nhà thờ và tính tò mò muốn biết mọi thứ nên nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân đã tìm tòi, học hỏi nên chơi được rất nhiều nhạc cụ”(Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân)
 
1. Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân
 
truonghoangxuantv1
 
Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân sinh năm 1939 (cũng có tài liệu ghi 1940) tại Sài Gòn và được học nhạc từ nhỏ trong nhà thờ. Vì cha mẹ chia tay nên ông ra đời rất sớm, đi đánh đàn tại các nhà hàng lúc mới 16 tuổi để kiếm sống và nuôi mẹ cùng các em. Năm 1960, ông tốt nghiệp trường Sư Phạm và về dạy tại Long Khánh, tỉnh Bình Tuy (hiện giờ là Đồng Nai). Ông gia nhập quân ngũ năm 1968 và được điều về Đài Phát Thanh Quân Đội làm việc chung với các nhạc sĩ Tô Kiều Ngân, Đỗ Kim Bảng, Trầm Tử Thiêng.
 
Năm 1972, ông được Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa bổ nhiệm về dạy nhạc tại trường Trung Học Nguyễn An Ninh, Sài Gòn. Ông bị sa thải năm 1978 vì sở giáo dục thành Hồ phát giác ông là tác giả của nhạc phẩm “Thề Không Phản Bội Quê Hương” mà ông đã sáng tác cho Cục Chính Huấn năm 1971. Ông xin qua ngành bưu điện và phụ trách phong trào “văn nghệ quần chúng” cho đến ngày hưu trí.
 
Vì nghề giáo là nghề chính và hoạt động âm nhạc chỉ là “nghề tay trái” nên ông sáng tác không nhiều. Sau nhạc phẩm đầu tay “Trai Thời Loạn” được ký tên Thy Linh năm 1965, những sáng tác của ông được giới yêu nhạc nhắc nhở và ưa thích cho đến bây giờ như “Bạc Trắng Lửa Hồng”, “Hái Hoa Rừng Cho Em”, “Xé Thư Tình”, “Nụ Cười Trong Mắt Em”, “Kẻ Đến Sau”, “Thuyền Xa Bến Xưa”, v.v..
 
bactrangluahong
Hình ca sĩ Chế Linh trên tờ nhạc “Bạc Trắng Lửa Hồng”, 1971
 
xethutinh
Tờ nhạc “Xé Thư Tình”, 1971
 
Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân lập gia đình năm 22 tuổi nhưng cuộc sống hôn nhân cũng tan rã vì bất đồng quan điểm, nhất là trong việc dạy dỗ con cái cho dù đã có với nhau 6 mặt con. Ông cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình và mâu thuẫn ngày một lớn khiến ông quyết định ly hôn vào năm 2000. Ông để lại ngôi nhà cũ cho vợ con và dọn đến căn nhà 20 mét vuông trong con hẻm nhỏ trên đường Trương Tấn Bửu (nay là đường Trần Huy Liệu, quận Phú-Nhuận). Tầng trệt là nơi ông dạy học, tiếp khách, nấu nướng và cũng là nơi để xe cùng nhiều loại nhạc cụ. Căn gác lửng là chỗ nghỉ ngơi, cất giữ sách vở, tài liệu cá nhân và các kỷ vật của gia đình, vợ con.
 
truonghoangxuantv
Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân điều khiển chương trình ca nhạc tại phòng trà Hoàn Mỹ trên đường Tự Do, Sài Gòn
 
Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân sống khép kín trong căn nhà thiếu ánh sáng vì thường xuyên đóng kín cửa. Ông tự lo việc chợ búa, nấu nướng và chăm sóc bản thân. Chỉ những lúc buồn bã quá, ông mới lái xe máy dạo khắp thành phố, len lỏi vào những con hẻm nhỏ cho đến khi thấm mệt thì quay về. Đã từ lâu, ông ngừng sáng tác vì không còn tìm được nguồn cảm hứng. Vì lý do sức khỏe và tuổi tác, ông cũng không còn dạy nhạc từ nhiều năm nay.
 
2. Hạnh phúc bất hạnh
 
Có lẽ cuộc sống vợ chồng với nhiều suy nghĩ trái chiều nên trong những sáng tác, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân đã âm thầm gửi gắm những lời thở than và trách khứ. Tình mình sao ngắn ngủi như giấc chiêm bao dẫu đôi lòng còn vương vấn, yêu thương. Duyên không thắm tình không xanh nên bèo nước rẽ chia, sông sầu phân nhánh..
 
“Tình nghĩa đôi mình chỉ thế thôi sao
Gặp gỡ chi rồi thoáng tựa chiêm bao
Tình anh như áng mây cao, tình em như ánh trăng sao
Cớ sao mình chẳng được gần nhau” (*)
 
Những lá thư xanh ươm mầm và hứa hẹn hạnh phúc lứa đôi keo sơn, tròn vẹn. Nhưng đường đời nào ai biết trước được ngày mai vì hạnh phúc bất hạnh luôn chập chờn và trong gặp gỡ hôm nay đã nhen nhúm niềm ly biệt cho ngày sau. Xé đi những lá thư tình cũ là đoạn lìa với những mâu thuẫn, khổ đau vương vấn cuộc tình sầu..
 
“Em xé đi thư tình tôi đã viết
Em xé đi những gì tôi đã trao
Em, em xé đi, em xé đi một đoạn tình
Bôi xoá đi một đoạn đời mình trao lỡ cho nhau”  (**)
 
Những năm cuối đời, ông sống chật vật nhưng vẫn lạc quan dù vướng phải một số bệnh tật mãn tính. Thỉnh thoảng, ông vẫn nhận được sự giúp đỡ của bạn bè và đồng nghiệp. Ông lặng lẽ qua đời ngày 3 tháng 5 năm 2025 trong căn nhà nhỏ không có một người thân nào bên cạnh. Khi giã biệt cuộc đời này coi như ông đã xé hết những lá thư ngày cũ, trả hết nợ tình xa và sẽ không bao giờ than khóc nữa cho cuộc đời bạc trắng lửa hồng.
 
Vưu Văm Tâm TV, 05.05.2025
 
(*) Nhạc phẩm “Bạc Trắng Lửa Hồng”, 1971
(**) Nhạc phẩm “Xé Thư Tình”, 1971
Nguồn: https://petruskyaus.net/nhac-si-truong-hoang-xuan-vuu-van-tam/